Thơ Sông Hương 10-2022

14:55 31/10/2022


Lê Tuyết Lan - Đông Hà - Châu Thu Hà - Lê Hưng Tiến

Tác phẩm "Trầm tích phù sa" của HS Nguyễn Thiện Đức

LÊ TUYẾT LAN

Trùng tu nỗi nhớ

Ta gặp Huế lần đầu từ khi bông mây vừa nở
Nghe xa lạ một vòng ôm chưa gửi
Ai đem trồng nắng trên cánh đồng đang chụp ảnh bóng chim bay
Nghe xao xuyến một mảnh tình vời vợi

Đi theo dấu vết thời gian bao đứa con đã xa xưa nguồn cội
Tìm lại hòn đá, gốc cây nơi cha ông xây thành đắp lũy
Tìm trong rêu phong ký ức vẫn xanh màu
Trên thịt da đã sáng màu kỷ vật

Ngày xưa luôn giữ gìn đợi kể mai sau
Những giấc mơ sẽ dài tiếp nối
Những giấc mơ sẽ luôn còn trùng tu nỗi nhớ
Cúi lạy phai màu này cho hơi thở tái sinh

Ta bắt gặp mình rưng rức khóc trong lòng di tích
Vòng tay non sông vẫn vuốt từng giọt xanh trong.



ĐÔNG HÀ

Trong đáy mắt sông Hương

Tôi trở về nhận giọt nước sông Hương
Vẽ lên xanh những lời tình tự
Chừ ai nhớ tiếng chuông chùa Diệu Đế
Như tiếng em hò qua xứ xứ khôn nguôi

Tôi nhặt cuối chiều giọt nắng vừa rơi
Mà như thấy cả dáng hình của Mạ
Nghiêng tao nón là một đời gánh cả
Nỗi niềm xa xưa gói trọn khoang đò

Nghe em nói giờ Trường Tiền đã đổi
Tôi giả vờ làm vỡ câu ca
Tôn nữ còn đây áo dài qua phố
Gió mang theo tiếng guốc vọng ngang trời

Chừ với Huế em còn xưa hơn Mạ
Giữ trăm năm thăm thẳm kinh thành
Tôi về lại tưởng mình thành khách lạ
Ngắm trọn tim mình trong đáy mắt sông Hương…


Miền cỏ thơm

Này hoa, hoa nở cho người
Sao em lấp lánh nụ cười Tịnh Tâm
Này mây, mây hát Quan âm
Sao tay em lại sen rằm tỏa hương

Này sông, chảy khúc đoạn trường
Mà Linh Giang đó lại thương sử vàng
Này thông, xanh biếc Thiên An
Tình yêu ư? cũng từ nàng đến anh

Này ta rất mực thị thành
Kìa em áo gấm khăn vành dạ thưa
Kìa ai vừa mới hôm xưa
Mà nay đã Huế như chưa bao giờ

Cầm tay mà dắt qua đò
Nghe sông kể chuyện câu hò bỏ quên
Này em Huế vẫn rất hiền
Và xanh trong giữa một miền cỏ thơm…



CHÂU THU HÀ

Nghìn năm còn lại

Nàng hát trên ghềnh đá
…Trong tiếng sóng vỗ ngân nga
Mai này vời vợi xa
Có những niềm riêng khắc vào muôn trùng biển núi

“Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau”
Ngày Thiên Cầm nắng
Bãi bờ nghiêng

Và những ngày khắc khoải gọi tên
Đàn trời thăm thẳm gió
Anh như Hòn Én ngoài khơi
Ngọt ngào đêm giữa vòng tay rộng mở

Có một hình dung về mùa thu
Làng Chài thắp lửa
Cầu Cửa Nhượng vắt mình qua biển nhớ
Bằng cơn sóng khác vỗ về.


Thu ở Mỹ Sơn

Nơi đất thiêng những linh hồn trú ngụ
Cỏ lông chông bám đầy vai áo
Trên đền đài, ngôi tháp cổ
Tưởng tượng trong tay anh

Bước trở về như một thói quen
Em đi tìm lại
Tháp lặng im và con đường xa ngái
Thung lũng Núi Chúa mang trầm tích nghìn năm
Vẫn thiếu một mênh mang khi mùa thu gọi
Bàn tay buốt lạnh khi không có anh cầm

Bây giờ Mỹ Sơn
Giấc mơ chông chênh đánh thức ngày ngăn ngắt nắng
Cất giấu ngăn nào
Những khoảng lặng trong tim?



LÊ HƯNG TIẾN

Nghi lễ của mắt phố

Những con phố chưa biết nói
Tôi tập đám mây đánh vần mỗi bước cỏ

Khi con phố lớn dần ý nghĩ
Tôi tập mảnh đất biết yêu những con vi trùng

Mặt trời đến lúc vó ngựa
Địa chỉ lớn thêm nhiều con mắt phố

Tôi tập mình biết tự thức
Dẫu con phố chưa chịu biết giọng nói của lòng đất

Tiếng thở người phì phào bình minh
Tôi chưng cất những mảng phố không mùa

Chưng cất những nghi lễ nắng quái
Chưng cất những tụng ca hư phù



(TCSH404/10-2022)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Lam Hạnh - Tôn Phong - Nguyễn Quang Hà - Đinh Thị Như Thúy - Nguyễn Đông Nhật - Nguyễn Thiền Nghi - Từ Nguyễn - Nguyễn Hoa - Từ Hoài Tấn - Nguyễn Thị Anh Đào - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Thánh Ngã - Huỳnh Thúy Kiều - Mai Văn Phấn - Kim Chuông - Tuệ Lam - Hồng Vinh - Nguyễn Minh Khiêm - Võ Mạnh Lập - Nguyễn Nguyên An - Cao Quảng Văn

  • Trần Xuân An - Nguyễn Đức Phú Thọ - Vũ Kim Liên - Đức Sơn

  • VĂN LỢIĐồng Hới trong anh

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG Nghe đàn tranh ở Huế

  • TRẦN THỊ HUYỀN TRANGẢo ảnh

  • THANH THẢOHà Nội- nhìn về phía tôi

  • Nguyễn Hoa - Nguyễn Trọng Tạo - Hải Bằng - Minh Báo - Vũ Quần Phương - Lý Hoài Xuân

  • NGUYỄN KHẮC PHỤC    Viết cho năm MÙA THU hai mươi tuổi     Và câu chuyện tình dang dở lại bắt đầu

  • LTS: Hải Kỳ tên thật Trần Văn Hải. Sinh năm 1948 ở Đồng Hới. Thơ in từ năm 1969 trên các tập san, báo văn nghệ ở địa phương và Trung ương. Với tâm hồn say đắm, nhạy cảm thơ Hải Kỳ hướng tới những tìm tòi phát hiện chất liệu mới trong đời sống, với giọng thơ khỏe, tránh lặp lại mình.

  • XUÂN HOÀNGĐồng hới

  • Hoàng Vũ Thuật - Đông Triều - Đỗ Quyên - Đoàn Mạnh Phương - Đào Duy Anh - Nguyễn Thị Anh Đào - Nguyễn Văn Hùng - Phan Lệ Dung - Trần Phương Trà

  • PHAN TRUNG THÀNHLời tạ của hải cẩu Hải Dương

  • HOÀNG VŨ THUẬTBài hát trong bóng đêm

  • Nguyễn Khoa Điềm - Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ - Trần Hạ Tháp - Lê Tấn Quỳnh - Nguyên Quân - Đức Sơn - Nguyễn Văn Quang - Lê Ngã Lễ - Lê Vĩnh Thái - Nguyễn Xuân Hoàng - Minh Đức Triều Tâm Ảnh - Hạ Nguyên

  • Anh Ngọc - Lâm Thị Mỹ Dạ - Nguyễn Thị Hồng - Phạm Tấn Hầu - Phạm Đình Ân - Phạm Hồ Thu - Trần Hoàng Phố - Vĩnh Nguyên - Hải Vân - Trinh Đường - Hoàng Minh Nhân - Hoàng Nhuận Cầm - Trịnh Trang Quỳnh - Đỗ Hoàng - Lê Nguyên Hồng

  • Vĩnh Nguyên - Trần Thị Linh Chi - Lưu Ly - Triệu Nguyên Phong - Tây Linh Phạm Xuân Phụng - Ngàn Thương - Từ Nguyễn - Trần Tịnh Yên - Tuệ Lam - Lê Huỳnh Lâm

  • Nguyễn Xuân Sanh - Trần Mạnh Hảo - Ý Nhi - Võ Văn Trực - Văn Tăng - Trần Hải Sâm - Thúc Hoàng - Quốc Minh - Trần Hữu Lục

  • Trần Trình Lãm - Châu Thu Hà - Nguyễn Tiến Chủng - Trịnh Hải Yến - Khaly Chàm - Nguyễn Quang Hưng - Huỳnh Ngọc Lan - Đông Hương

  • LTS: Phan Duy nhân là bút hiệu của một nhà thơ quen biết với bạn đọc trẻ miền Nam từ đầu những năm 60. Tên thật là Phan Chánh Dinh sinh năm 1941 quê xã Triệu Thượng, huyện Triệu Hải, Bình Trị Thiên, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế. “Thư gửi các bạn sinh viên” của anh in ở tuần báo Sinh viên Huế năm 1964 có thể xem là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ đô thị miền Nam trong tù (Côn Đảo 1968-1973) và sau ngày giải phóng Phan Duy Nhân vẫn tiếp tục sáng tác, dù ít xuất hiện trên báo chí.