Trần Mạnh Hảo - Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Vũ Thuật - Hoàng Cát - Đỗ Hoàng - Mai Văn Hoan - Nguyễn Loan - Phù Sa Lộc
"Cửa Thành Cố Đô Huế" - Ảnh: Sĩ Sô
TRẦN MẠNH HẢO
Vĩnh biệt tiếng hót
Vĩnh biệt tiếng hót đồng nội
Giọt sương trên cỏ lung linh
Lại ngỡ đôi mắt mình
Giấc ngủ đêm qua làm rớt
Lấy mỏ nhặt lên không được
Tôi hót vang đồng
Vĩnh biệt những rạng đông
Những hoàng hôn nhảy nhót
Tôi vừa bay vừa hót
Mùi hoa cau tháng ba
Làm giọng tôi say khướt
Vĩnh biệt, xin vĩnh biệt
Tiếng hót đầy phù sa, đầy giấm, đầy đường đầy nắng mưa
Những lần gọi bạn tình ríu rít
Đầu lưỡi tôi như bị bỏ bùa
Tiếng hót như giọt sương kia không thể nhặt
Chỉ có trời thu được để xanh trưa
Vĩnh biệt
Còn hơn cả sự chết
Khi kéo người cắt lưỡi tôi
Một nỗi đau khôn xiết
Sao tôi lại phải khóc cười?
Ôi tiếng hót tuyệt vời người không hiểu
Và tiếng người tôi nào hiểu người ơi
Tôi có còn là con sáo
Khi phải học tiếng người?
Bạn ơi
Cái con người không bị cắt lưỡi
Chính là thầy dạy tôi!
Thành phố Hồ Chí Minh 10-11-1983
HOÀNG NHUẬN CẦM
Viên xúc xắc mùa thu
Tình yêu đến trong đời không báo động
Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ
Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ
Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng
Anh đi qua những thành phố bọc vàng
Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ
Qua ánh nắng bảy màu, qua ngọn đèn hạt đỗ
Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh
Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh
Những đôi mắt nhìn anh như họng súng
Anh đi qua tổ chim non mới dựng
Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm
Anh đi qua tất cả mối tình câm
Mối tình nói rồi mối tình bỏ dở
Đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ
Đất nước đau buồn chưa hết, Mỵ Châu ơi!
Lông ngỗng bay như số phận giữa trời
Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ
Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xoá
Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng
Nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng
Khi mở mắt, Mỵ Châu em ngồi đó
Toa thứ ba ôm cặp ai nức nở
Suốt đời anh mang tội với con tàu
Sẽ tan đi những thành phố bảy màu
Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ
Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ
Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi
Giọt mực em thong thả đến trong đời
Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé
Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé
Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.
HOÀNG VŨ THUẬT
Không đề
Sẽ tới một ngày kết thúc
Con đường xưa đầy những đống tro than
Vết tích của thời ta nhen nhóm
Thời trái tim mang ngọn lửa ngang tàng
Bên em tôi từng mơ, có lúc
Mặt đất thân yêu sạch nỗi đau buồn
Đời là bông hồng mở làn hương thứ nhất
Ta tươi ngời như ánh sao Hôm
Giờ khắc, con sâu đo từng chặng
Rút dần đi cái khoảng cách ta yêu
Em nhiều lần nhắc trong im lặng
- Anh hiểu về em chẳng được bao nhiêu!
Tôi tin tôi, tin em biết mấy
Tin con mưa, tin ngọn gió mát lành
Nơi mảnh vườn tình ta đến trẩy
Những chùm trái chín vượt thời gian
Tôi táo tợn, kiêu kỳ, sắt đá
Nên bất cần mặc tất cả trôi đi
Khi trên tay chiếc bình rơi vỡ
Mới thấy mình đểnh đoảng nhường kia
Cái dấu chấm cuối cùng ai đoán được
Rơi vào đâu trong số phận mỗi người
Chính ngọn lửa thời đam mê cuồng nhiệt
Tôi nhen lên giờ thiêu lại đời tôi.
HOÀNG CÁT
Trái tim tôi là một nấm mồ
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom nghiền nát
Tôi chôn cất em tôi không thấy xác
Trên chiến trường phía Nam.
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn Tiến - người Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Đi công tác rồi không về nữa
Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su.
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa
Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh
Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi
Địch xả liên thanh, Linh nát người
Máy bay đổ quân - chặt Linh làm hai mảnh!
Tôi đã chôn biết bao bè bạn
Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi
(Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An…)
Không nhớ hết từng người
Vì cuộc sống vẫn còn phải sống.
Tôi giữ mãi những nấm mồ
Luôn được ấm
Giữa ngực tôi…
1-1988
ĐỖ HOÀNG
Với em
Thì em như người trong ảnh vậy
Ước mơ làm quả xanh trên cành
Nếu dại dột để cho tờ giấy cháy
Tàn lửa kia sẽ rơi xuống đời anh
MAI VĂN HOAN
Trò ú tim
Em viết vội điều gì lên trên cát
Tôi đến nơi sóng đã xoá mất rồi
Chỉ còn lại những dấu tay mờ nhạt
Ánh mắt em lấp lánh nụ cười …
Tôi cố đoán nhưng không sao đoán được
Gạn hỏi em, em tủm tỉm lắc đầu
Chân lẹ làng chạy lên phía trước
Lại viết gì lên bãi cát vàng thau
Tôi vừa đến sóng lại ào lên xoá
Sóng vô tình hay sóng cố tình trêu?
Em chúm chím lúm đồng tiền bên má
Hùa với em, sóng biển cũng cười reo
Tôi thủ phận mình là người thua cuộc
Em viết gì chỉ cát biết cùng em
Tại con sóng xô bờ hay tại tôi chậm bước?
Hay tại trời không muốn để tôi xem?
Số phận tôi thường trớ trêu như vậy
Hạnh phúc với tôi như kẻ trốn người tìm
Như dòng chữ em viết trên cát ấy
Sóng xoá đi khi tôi mới thoáng nhìn.
NGUYỄN LOAN
Em nghĩ gì về tôi
Tôi vùi sâu
Tận đáy huyệt tâm hồn
Một bài thơ
Nhục nhã.
Hôm ấy
Hết gạo ăn
Cửa hàng bán hai trăm tám mươi đồng một cân.
Chưa có tiền bù giá
Vợ tôi đi làm
Vội nói với tôi
"Chiều nay hết tiền rồi
Anh ngồi đó cứ mà thơ với thẩn"
Biết làm gì đây
Trước những lời trách mắng
Khi lòng đang xúc cảm
(Nhưng thơ bán ai mua)
Tôi nghĩ vậy lòng bỗng dưng chán nản
Vợ tôi đi làm về
Thấy tôi vẫn ôm đầu, vò trán
Bụng đói meo
"Thôi chưa có tiền tiêu
Còn mét vải em đem ra chợ bán"
Sau bữa cơm chiều đơn giản
Tôi lại ngồi vào bàn
Nhưng câu chữ lúc này điên loạn
Méo mó trong đầu tôi
Tôi cứ viết…
Viết xong
Tôi đọc lại vài lần
Rồi đem cho vợ "duyệt"
Vợ tôi khen: "hay tuyệt"
Riêng tôi cứ hoài nghi
Gửi đi
Tôi ngóng đợi tin về
Ai ngờ...
Bài thơ cũng được đăng lên báo
Hôm sau
Nhận được tiền đem cho vợ mua gạo
Tôi tưởng đã êm xuôi...
Ngờ đâu
Tháng sau
Đọc trên mục "vui cười"
Rằng "có người làm thơ vì túng tiền mua gạo"
Họ còn trích đăng bài thơ tồi của tôi ra quảng cáo!
Bây giờ
Em nghĩ gì về tôi
Thơ là máu đâu phải là nước lã?
Huế 3-88
PHÙ SA LỘC
Cách một con đường
Bên này đường và bên kia đường
Mận giao nhánh và me giao nhánh
Ngọn gió vô tình đi qua, rất lạ...
Anh ở bên này, em bên kia đường
Đèn bên ấy hắt từng đêm sáng
Dưới mái ngói nhà em có con chim trốn nắng
Rót dịu dàng viên kẹo ngọt cho anh
Nhà bên em có khóm dạ hương
Anh sợ héo nên gửi mưa sang vậy
Mưa ướt tóc em mưa mềm vai nón
Anh muốn làm chiếc dù trong bàn tay em thương
Đêm nồng nàn mấy điệu cải lương
Ai hát thế? - chắc là em đấy
Trái tim xanh anh bỗng hóa hườm
Ắt mai mốt chín muồi rồi rụng
Bên này đường và bên kia đường
Em bên đó anh bên này ngớ ngó
Mận giao nhánh và me giao nhánh
Ngọn gió vô tình sao chẳng giúp nhau thương
31-3-87
(SH31/06-88)
...Hãy mở các cửa sổ hồn mìnhCho khúc ca biến tấu dâng dângĐừng nguỵ trang mình là người hạnh phúcĐừng đóng đinh trên thập giá tình yêu...
...Trầm trầm giọng kể từ hồn người xưa, làm Người khó lắm phải đâu chuyện vừa...Làm Người khó lắm, sống kiếp trần gian. Hãy ôm dấu hỏi mà nhìn bàn chân!...
Võ Quê - Tôn Phong - Phạm Thị Quỳnh Phương - Hồ Huy Sơn - Nguyễn Quang Việt - Nguyễn Thị Hợi.
Nguyễn Xuân Hoa - Mai Văn Hoan - Phạm Tấn Hầu - Bùi Đức Vinh - Nguyễn Thị Hồng Hà - Lãng Hiển Xuân - Đinh Hạ - Nguyễn Hưng Hải - Châu Thu Hà - Nhất Lâm - Lê Hưng Tiến - Nguyễn Trần Thái - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Thị Yến
...Mặc cho đất bận nâu, trời mải bận xanhNgười đi, mòn cả bóngThắp tận cùng thẳm sâu một khát vọng yên bình...
...Đang mùa xuân ha y đã sang hèmà hoa tím rụng đầy mặt nướcchảy về đâu, sông ơi...
...Tôi vừa được sống lạiVì trong suốt cuộc đờiTôi đã sống dùkhông biết mình sống...
...Ta nhờ cỏ hít khí trời kết mậtDâng lên em cùng những hạt sương đêm...
LÊ HOÀNG ANH...Mẹ ơi mẹ qua đau khổ đã nhiều sao luôn có những chùm hoa ổi trắng, lúc nào cũng nhìn con đăm đắm – vẫn tìm con trong lắng đọng tâm hồn...
LTS: Với một tờ báo, chắc hẳn niềm vui mừng trước hết là nhận được những bản thảo chất lượng. Nhưng cũng không vì vậy mà chúng tôi không trân trọng những bài viết chưa đạt tới “tiêu chí” Sông Hương. Giới hạn trong lĩnh vực thơ: Có không ít tác giả hầu như tuần nào, tháng nào cũng gửi từ ba bốn bài trở lên. Đều đặn bao nhiêu năm trời như thế, tính ra số thơ mà chúng tôi nhận được của họ đã có thể đóng thành một “tổng tập”. Những trang chữ viết tay, những trang vi tính quen thuộc đến mòn mắt ấy mỗi lần nhận được là chúng tôi lại hồi hộp đọc, để rồi… áy náy!Dưới đây là những bài gần như khá nhất trong số thơ lai cảo của Sông Hương.
Thạch Quỳ - Nguyên Quân - Đông Hà - Kiều Trung Phương - Nguyên Hào - Lê Quốc Hán - Đinh Thu - Hoàng Thị Thiều Anh - Nguyễn Phước Loan
...nghe thanh âm mà không có tiếng ngườisao khép mắt mà không thể chết được...
Từ Nguyên Tĩnh - Lê Huỳnh Lâm - Nguyễn Thiền Nghi - Trần Hữu Lục - Mai Thìn - Cao Hạnh - Văn Công Hùng - Trần Tuấn - Nguyễn Ngọc Phú - Đức Sơn - Trần Vạn Giã - Trần Cao Sơn - Lê Hữu Khoá - Trần Hoàng Phố - Phạm Thị Anh Nga
Đất nước đã vẹn toàn một mối hơn ba mươi năm, song còn đó những nỗi đau âm ỉ, thấm vào cốt xương của thân nhân các thương binh - liệt sĩ, thấm vào máu thịt của những ai từng kinh qua hoặc không kinh qua chiến tranh mà nay đều được hưởng cuộc sống yên bình. Kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ(27/7/1947 – 27/7/2007), Sông Hương xin nghiêng mình trước nỗi đau không hề ngẫu nhiên đã thấm vào thơ ấy… *Nguyễn Gia Nùng - Triệu Nguyên Phong - Trần Đức Đủ - Huỳnh Tuấn Vinh
Vân Long là tạng người thơ không chịu cũ. Nhà thơ luôn ý thức được việc làm mới mình để có thể đồng hành với nền thơ đương đại và nhịp thở nóng hổi của cuộc sống thường nhật.Dù là trữ tình tự sự hay nội cảm ngoại quan, thơ Vân Long luôn để lại những dấu ấn sáng tạo - dấu ấn lao động thơ. Vân Long đã từng có duyên với xứ Huế qua “Đêm sông Hương”, “Vườn Huế”... được tuyển chọn trong Tuyển thơ Sông Hương 20 năm...
khi em là vực sâu im lặng tôi pho tượng đá lắng nghe...
...chim chích bay về đăm đắm mắtnghe phế hưng bông lơn ký ức thành xanhrêu...
Nguyễn Văn Quang - Trần Thu Hà - Nhất Lâm - Lê Ngã Lễ - Mai Văn Hoan - Ngàn Thương - Ngô Thị Hạnh - Nguyễn Thánh Ngã - Xuân Thanh - Phan Văn Chương - Thạch Thảo - Trần Đôn - Nguyễn Nhã Tiên - Đoàn Lam - Tiến Thảo - Đoàn Giao Hưởng
...Cả thành phố lúc nào cũng rậm lờiAnh không thấy tấc vỉa hè nào dành cho mình cả...
...họ mơ thấy Hồ Gươmlà một vò rượu lớnbị bỏ quênbên sông Hồng đến cả ngàn năm...