Thơ Sông Hương 06-2000

14:49 21/04/2010
Nguyễn Thanh Kim - Đỗ Văn Khoái - Mai Văn Hoan - Nguyễn Văn Dinh - Nguyễn Thiền Nghi - Hà Minh Đức - Lãng Hiển Xuân - Trần Quốc Thực - Lê Thái Sơn - Trúc Chi - Nguyễn Lập Em - Trinh Đường - Thúy Nga - Đoàn Thị Ký - Hải Trung - Đỗ Vinh.

Cánh đồng tuổi thơ - Ảnh: Thái Hiệp


NGUYỄN THANH KIM


Vẩn vơ


Cánh đồng thuở nhỏ đâu rồi
vẩn vơ cùng ngọn gió trời lang thang
phố giờ xây dọc xây ngang
bóng cây lầm bụi men hàng bê tông

Tìm em, em đã có chồng
nhớ ơi chân sáo về trong nắng chiều
em giờ dáng nhỏ liêu xiêu
ruộng vườn rậm cỏ, gánh liều chợ hoa
Bạn bè bảy đứa còn ba
thằng nằm góc núi, thằng ra gác trường
gặp nhau giọt tủi giọt thương
bàn chân thì lạnh, con đường thì xa

Kiếp người tóc lỡ phôi pha
Tuổi thơ đọng ở quê nhà ai mong...
                                                10-1999.


ĐỖ VĂN KHOÁI


Bến sông quê nhà


Yêu người có lúc đi xa
Ôm lòng phố thị xuống phà qua trưa
Cuộc tình nắng sớm mai mưa
Em như một dáng lau vừa bay bông

Ơi người! giặt áo bên sông
Giặt lòng hạ cũ chờ trông tôi về
Sông chao bóng phố hẹn thề
Em chao nước động-tình về
                   trên sông
Bên sông chín nhớ mười mong
Bên sông nằm tựa một dòng thơ xuôi
Lau thưa trắng bãi đời tôi
Em còn giặt áo mây trời...
                     bên sông.


MAI VĂN HOAN


Trước phủ Tùng Thiện Vương


Muôn thuở danh thơm còn đồn đại
"Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường"
Mái lợp âm dương còn sót lại
Hoàng hôn buông phủ Tùng Thiện Vương.

Lặng lẽ, trầm tư một gốc mai
Từ đường vắng vẻ, biết tìm ai?
Mưa phùn rắc bụi, hoa vàng rụng
Mấy lần cửa đóng với then cài.

Có phải ngày xưa ở chốn này
Văn nhân, tài tử tới lui đây?
Thơ túi, rượu bầu... tình xướng họa
Thoang thoảng hương trầm phảng phất bay.

Thịnh, suy âu cũng lẽ tự nhiên
Từ bấy đến nay bao biến thiên
Công tử, vương tôn nào mấy kẻ
Còn được người đời lưu tuổi tên?!

Tôi đứng bâng khuâng trước phủ đường
Bồi hồi tưởng nhớ Tùng Thiện Vương
Như thấy Thi nhân đang vung bút
Phượng múa, rồng bay... giữa khói hương.


NGUYỄN VĂN DINH


Nét mây hồng


Sáng Đông Hà, chiều đã Mê - Kông
Ngược đường số Chín gió tây lồng
Qua rừng săng lẻ sang rừng khộp
Em ở bên này có nhớ không?

Ngắt đóa chăm - pa nơi xứ bạn
Gửi về xuôi một thoáng về em
Thác Khôn trắng xóa màu mây trắng
Tưởng lạc đường vào nơi cõi tiên.
Pu-Kông đỉnh núi quyện mây trời
Pắc Xòng, Pắc Xế nắng khơi vơi
Ngã ba biên giới dừng chân lại
Một nét mây hồng thương nhớ ơi!


NGUYỄN THIỀN NGHI


Đêm lễ hội


Đổ sữa lên dòng
Trăng nghiêng bầu vú mọng
Thắp ngọn nến hồng
Em chở cổ tích qua sông
Sông hồn nhiên
Đêm mưa ngàn đốm nến
Ấm dọc đất trời
Mắt em. Mắt mẹ. Nết quê
Trống giục sông mê
Đèn rung hồn phố cổ
Hoa chỉ lối về
Lung linh màu vọng ước

Ôm lòng bóng sáng
Em trôi lẫn vào trăng
Rạng đêm hoa đăng
Đèn thắp dòng chảy mới


HÀ MINH ĐỨC


Tôi đi tìm lửa


Suốt một mùa đông tê tái
Tôi trốn mình trong ngọn khói
Bếp lửa mẹ nhen
Tro đã tàn quá nửa
Cuộc đời này cần có lửa!
Tôi đi tìm lửa
Như tìm em.

Lửa vẫn sáng trong bầu trời đêm
Tôi ngụp lặn sâu trong giải ngân hà
Và nghĩ về những ngôi sao đã tắt
Vẫn gửi về ánh sáng tự nơi xa.

Lửa vẫn sáng trên mặt đất bình yên
Những ngọn đèn xanh trong căn nhà nhỏ
Tôi nhận lửa từ cuộc đời lao khổ
Những giọt mồ hôi lấp loáng trong đêm.

Bao sắc màu bao tín hiệu thân quen
Hoa hồng thơm và nhành phượng thắm
Tôi biết nhận từ em hơi ấm
Để mong nuôi trẻ trái tim mình
Tôi chờ đợi lửa
Thức thâu đêm đón đợi bình minh
Mẹ ơi con đi tìm lửa
Vẫn nhớ về mái ấm chiều quê.
                                                3-2000.


LÃNG HIỂN XUÂN


Đêm phụ sản

                   Tặng B.sĩ Hà và khoa sản BV Huế.

Đêm bắt đầu những tiếng kêu rên la khóc lóc
Những áo trắng vội vàng
Ngày vừa đi qua và sắp đến...

Đêm bắt đầu
Một vì sao đổi ngôi vút từ Bắc sang Đông
Bay
tìm về quá khứ
Chỉ để lại giữa không gian một lóe lên không kịp nhìn.

Vội vã em và ta
Vội vã những ánh mắt qua vai thông cảm
Vội vã những câu nói ngại ngần sẻ chia
Và vội vã im lặng...!

Đêm bắt đầu
Những bóng trắng vội vàng
Ngày và đêm hóa một
Ở nơi
Cuộc sống khơi lấp lánh bóng con người.

Đêm phụ sản
Những bóng trắng vội vàng
Thêm một vì sao chuyển ngôi
Về nơi những người đàn bà rên la ôm hết nỗi đau cho riêng mình.
                                                6-1-2000.


TRẦN QUỐC THỰC


Hoa cúc quỳ


Cái thuở dọc suối với hoa cúc quỳ
thứ hoa vạm vỡ vàng tươi mà ta thì mảnh
khảnh mang ba lô cóc như cây lau xanh gió áo
phồng xanh
thuở ấy nắng cũng tươi và mưa cũng tươi
không gì sánh được
em khi ấy chưa lạc vào được mắt ta như ngôi sao
xanh đêm nào cũng về thắp biếc

bây giờ thì mọi sự đã khác nhiều rồi
chưa ai nói ta là ông cụ non song cũng nhắc
khéo không còn trẻ nữa
cúc quỳ dọc suối hôm xưa ơi
em còn nhớ ta và ngôi nhà bên trời

nhớ suối ta dọc ngang châu thổ
nhớ cúc quỳ ta rẽ về Ngọc Hà
từ đây cúc quỳ được gánh vào Cửa Bắc
sóng sánh cúc quỳ sóng sánh vò rượu cúc.
                                                Hà Nội, 9-12-1999.


LÊ THÁI SƠN


Không đề


Trắng tay
về lại chân cầu
Thoắt đã năm chục tuổi đầu
trời ơi!
Em còn tắm nữa hay thôi
Dòng sông khờ dại của người ngày xưa
Anh đành rượu
Anh đành thơ
Hằng đêm
với những cơn mơ dày vò.



Tự cảm


Thân mình như chiếc đòn gánh cũ
Âm dương nặng nợ hai đầu
Vợ con thành đôi vai lữ thứ
Dặm dài có chạm kiếp sau?


TRÚC CHI


Hồn Vỹ Dạ

                Tưởng nhớ nhà thơ Hàn Mặc Tử

Lũ tràn thôn Vỹ anh Tử ơi
Màu mướt chìm, xanh ngọc vỡ rồi
Bốn phía trời lên xô sóng đứng
Ba chiều mưa đổ sấm gầm khơi

Mỏng quá trăng non nghiêng phía đảo
Thuyền anh nhắc chở chửa kịp lên
Đường mây, đường mây, đường mây bão
Lối gió biển vào, lối gió đêm

Trăng màu Vỹ Dạ anhTử ơi
Trắng ngọn cau tơ trắng hết trời
Áo trắng xưa, nay vườn lũ trắng
Sương che cồn trắng, khói lạnh người

Khách về nhặt lại buồn thiu gió
Run run lá trúc mặt xưa che
Đò khuya tiếng gọi sông đã ngỏ
-Có khách đường xa mới trở về
                Thăm Vỹ Dạ sau cơn lũ tháng 12-1999.


NGUYỄN LẬP EM


Trước mùa sầu đông chín


Cây sầu đông rực rỡ giữa đời
sắc chín đỏ trong mùa giá lạnh
trời còn xanh
hôm qua còn xanh
em còn mơ mộng
đêm giao mùa phơ phất ngọn đồng phong
lặng lẽ bên thềm cây đứng buồn trông
Lặng lẽ bên thềm ai đứng buồn trông
lòng vẫn nhớ một sắc trời xanh biếc
lá run rẩy trong những chiều thương tiếc
những chiều vàng chầm chậm đi qua
ai đứng bên thềm vẫn ngóng trời xa

Ai đứng bên thềm vẫn ngóng trời xa
có hay đâu cây đổi màu
có hay đâu tóc bạc đầu
đời hôm qua còn xanh
tóc và lá còn xanh
lòng còn mơ mộng

chợt khoảnh khắc như là vô tận
ta sầu đời chín đỏ tựa sầu đông.



TRINH ĐƯỜNG


Những mặt nạ


Tường nhà bạn tôi treo đầy mặt nạ
do anh làm để bán Tết Trung thu
Đây hiền hòa một gương mặt chân tu
bên vầng trán hằn nếp nhăn học giả
đó bác sĩ, nhà văn lái tàu bưu tá
bên dung nhan kiều diễm một giai nhân
Kia môi thâm một bộ mặt nịnh thần
đối xứng với một nụ cười thương lái
Và chen chúc giữa người khôn kẻ dại
đó lên râu một bộ mặt cửa quyền
đây xếp sòng của nhiều cuộc đỏ đen
cạnh những đứa nặc nô tên hãnh tiến
Tể tướng đại thần con ong cái kiến
nô lệ thần tài đệ tử Lưu Linh
Mặt dao găm mặt khỉ mặt chữ điền
tóc hiền triết mắt diều hâu sói cụ
Như thể cư dân trên hoàn vũ
đều gửi về đây những gương mặt điển hình...

Cũng thế này chăng
những diện mạo trước công nguyên
từ tiền thế kỷ hay nhiều nghìn năm nữa?
Những bộ mặt bạn tôi từng chọn giữ
để khuây người sau mỗi Tết Trung thu...
                                                Xuân 2000.

THÚY NGA


Mẹ


Trong giấc ngủ tuổi già
Con nhìn mẹ lòng buồn muốn khóc
Những giấc mơ không có giữa ban ngày
Một khoảng trống!
Mẹ nhìn hoài, chẳng thấy
Đêm đã tàn
Tiếng chuông gióng sáng
Lời nguyện cầu trong đêm
Tan theo làn sương mỏng buổi bình minh
Mắt mẹ mờ, sâu trũng!

Chén trà sen đã nguội
Hương chẳng còn, vị đắng trên môi
Bàn tay khô, kéo chiếc ghế ngồi
Tiếng động nhỏ dội vang trong im lặng
Mẹ lắng nghe, kéo ghế thêm lần nữa
Tiếng động không còn
Mẹ ngồi bất động
Nhớ con!
Đứa theo chồng, đứa nằm sâu trong đất...
                                                                25-4-2000.


ĐOÀN THỊ KÝ


Biết đâu

                Tặng Lam Luyến tác giả tập thơ Dại Yêu

Câu thơ nhan sắc
Rút ruột Thúy Kiều
Sự đời lắm lẽ
Lẽ nào
dại yêu?

Một cõi nhân gian
Không yêu là mất
Ngàn sau thảng thốt
Trái tim Thị Màu

Hơn một niềm đau
Câu thơ cá cược

Mảnh trăng dắt lược
Trắng đêm bần thần

Trót nặng đồng cân
Màu men tình ái
Biết đâu khôn dại
Những mai lụy tình!


HẢI TRUNG


Thơ cho tuổi ba mươi


Tôi vô tình cũ đi trên khuôn mặt em
những vệt mòn thành quen
đường lâu ngày không đi thành mới.

bóng chiều đỏ, giọt từng trang sáng chói
dập dìu cười nụ với người dưng
mùa hạ trên áo nở tưng bừng!

những nghĩ suy trói tôi trong tĩnh lặng
giai điệu ngổn ngang phố đông mà vắng
biết dọc lối về mới lạ có gì không?

tôi vô tình cũ đi theo núi theo sông
ba mươi năm tuổi ngày thêm mỗi mới
trên mặt em là những điều tôi nói.
                                                Huế, hạ 2000


ĐỖ VINH


Con thuyền đón đợi


Em có ra đứng mũi không em
để anh nhổ sào lên đợi sóng
Con sào anh chịu trách nhiệm từ đáy
Và đôi ta còn mất với con thuyền

Em có ra đững mũi không em
Chỗ đứng ấy không ai người đảm nhận
Sóng cả dần lên sóng ngầm từ đáy
Con sào anh không chống chọi
                       một mình

Anh sẽ nhận phương hướng em từ
                      phía mũi
đôi mắt đằm quấy đảo dòng trôi
Hai chân em choãi dài luồng lạch
Con thuyền ta hò hẹn bến chân trời.

(136/06-00)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Sinh năm 1949  tại Bình Lục - Hà . Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.Tác phẩm đã xuất bản:  Dấu lặng - (Thơ)  NXB Văn học 1976;  Đêm thiếu nữ - (Thơ) NXB Văn học 1978. Ngoài ra Trần Lan Vinh còn có thơ in trong các tuyển tập khác.

  • Sinh 1946 tại Liên Minh, Vụ Bản, Nam ĐịnhCử nhân nghệ thuật - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội - Hội viên Hội Mỹ Thuật Hà Nội.Tác phẩm: Trại Muộn (thơ) NXB Văn học 1995;  Mảnh trời qua ô cửa - (thơ) NXB Văn học 1997.

  • Một tiếng thôi mà bao hàm cả cộng đồng dân tộc, cả xứ sở thân yêu với đồng lúa cánh cò, với núi non điệp trùng và rừng vàng biển bạc, những người vợ thương chồng tạo vóc dáng vọng phu.

  • (Gửi nhà thơ L.M.T)Em tìm trong lá một vầng trăng xaEm tìm trong cỏ bóng chiều vừa qua.

  • Đợi tắt mặt trờiĐêm không trăng ta lầm lũi bước sóng đôi với biểnXa khơi thăm thẳm màn đen

  • Tôi vấp ngã vào ban mai trong trẻoNước sông Hương xanh rười rượi tháng tưMưa đầu hạ, sấm chớp chừng vội vãCơn gió hoang lạ lẫm bước tôi về

  • LTS: Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh 12 - 3 - 1946 tại Mộ Đức Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1969, vào bộ đội, làm báo ở Đài tiếng nói VN, đi chiến trường bộ cuối năm 1970. Là phóng viên chiến trường, ở Ban binh vận R. Sau giải phóng về trại sáng tác Quân khu 5, sau đó giải ngũ, về Hội Văn nghệ Nghĩa Bình và Hội Văn nghệ Quảng Ngãi. Hội viên Hội nhà văn, ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt . Đã in hơn 10 tập thơ và trường ca. Hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt cho hai tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và trường ca “Những ngọn sóng mặt  trời”. Giờ vẫn làm thơ chơi và viết báo kiếm sống.

  • LTS: Trần Chấn Uy sinh năm 1957, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt . Anh là một nhà thơ trẻ đã có 5 tập thơ ra mắt bạn đọc. Trần Chấn Uy đi khắp nơi, say mê với cái mình đã chọn, diễn đạt nó với nhiều cung bậc. Tìm kiếm chân lý và cái đẹp để đưa vào thơ, với tấm lòng bao dung, nhân hậu, dưới góc độ nào, giọng thơ Trần Chấn Uy cũng chân chất, mộc mạc, nồng ấm. Nhà thơ Trần Chấn Uy hiện nay công tác ở Đài Truyền hình Khánh Hoà.

  • LTS: Dạy toán nhưng rất yêu thơ đó là điểm đặc biệt của con người Lê Quốc Hán. Lê Quốc Hán viết thơ nhiều. Thơ anh đã in hầu hết các báo ổ địa phương và trong nước. Thấm đẫm mồ hôi của người lao động, anh luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt yêu thương, đầy trân trọng. Hồn hậu, mộc mạc, chân chất mà vẫn nói được cái mình gửi gắm không chút sáo cũ, âu đó cũng là điểm mạnh trong thơ Lê Quốc Hán.Lê Quốc Hán hiện nay là Tiến sĩ trường Đại học Sư phạm Vinh.

  • LTS: Sinh năm 1969 đã có 2 tập thơ riêng. Là một cây bút trẻ luôn có ý thức làm mới thơ. Tập thơ đầu tay “Dòng sông cháy” của chị vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1997.Táo bạo, trăn trở cho cái mới. Khắt khe, đòi hỏi cao chính mình trong lao động nghệ thuật; Nguyễn Bảo Chân đã chọn cho mình một cách đi riêng trên con đường thơ ca. Với ngôn ngữ thơ hiện đại, với hình tượng thơ kỳ lạ - qua cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Bảo Chân đã mang đến cho bạn đọc những bài thơ hay. Hiện nay Nguyễn Bảo Chân công tác ở Đài Truyền hình Việt - phụ trách chương trình “Tác phẩm và dư luận” trên sóng VTV3.

  • LTS: Sinh năm 1943 ở Hà Nội. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một cây bút nữ nổi tiếng. Với chất thơ dịu dàng, đằm thắm, chị đã đem đến cho thơ Việt một giọng riêng. Chị không tìm kiếm những tứ thơ lạ, mà làm lạ những tứ thơ tưởng như đã cũ. Với 6 tập thơ và 2 tập truyện thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hiện nay là UVBCH Hội Nhà Văn Hà Nội và là chủ nhiệm câu lạc bộ nhà văn nữ Việt .

  • Giọng nói chỉ còn thoang thoảngđồng cỏ hoa vàng

  • Thiên niên kỷ mới vẫy ta sangkhốn nỗi quà xuân chưa sẵn sàng

  • Tặng nhà thơ Lâm Hiểu Đông  Trời đang mưa mát câyQua công viên Thâm Quyến (*)- Cả thế giới trong nàyTựa bảo tàng bày biện

  • Tôi ra lệnh cho giao thừa dừng lạiThế kỷ XX khoan hãy ra điThế kỷ XXI đừng đến vội

  • Mùa thu hẹn ta về Hà NộiTa rong chơi quên cả lối vềMột mình phiêu lãng miền sơn cướcVui cùng trăng cụng chén sơn khê

  • Vô tư quá tôi trở thành khờ dạiNên chi lỡ hẹn một lời thề

  • Ba bông hoa mang đêm phi qua                                             vườn saoanh và em định mệnh dịu sángmở địa cầu trinh tiếtlửa quàng xanh yếm cổ mùa đông

  • Cơn lũ xoáy mòn vai mẹGiạt trôi manh áo em thơNhận chìm bếp lửaNhững hạt lúa không biết lội

  • Em huyền ảo với mùi hương hoa đạiVà trắng trong như một búp sen hồTôi lầm lỡ nói lời vụng dạiKẻ phàm phu tục tử đến sân chùa.