Thơ Sông Hương 04-2000

08:48 01/04/2010
Lê Viết Xuân - Hoàng Sĩ Lưu - Võ Văn Luyến - Nguyên Quân - Vũ Thị Khương - Nguyễn Hữu Hồng Minh - Văn Đắc - Nguyễn Thanh Xuân - Minh Quang - Thai Sắc - Võ Quê - Nguyễn Sĩ Cứ - Thanh Tú

Ảnh: Internet

LÊ VIẾT XUÂN


Nhà mẹ bên sông


Nhà mẹ ở bên sông
Trời chưa mưa đã lụt
Bóng mẹ già côi cút
Giữa nước trời mênh mông...

Nhà mẹ ở bên sông
Lụt vào ra thăm hỏi
Mẹ lưng còng gối mỏi
Như dấu hỏi lặng thầm

Nhà mẹ ở bên sông
Giữa bốn bề gió nổi
Con mẹ đi bộ đội
Sông ơi có biết không?

Nhà mẹ ở bên sông
Sớm chiều vang tiếng trẻ

Dẫu biết là như thế
Vẫn canh cánh bên lòng...

Nhà mẹ ở bên sông
Con mẹ đi bộ đội
Như ngọn lửa âm thầm
Cháy mỗi mùa xuân tới.
Huế, xuân 1999



HOÀNG SỸ LƯU


Tím Huế


Huế nhuộm em tím tự bao giờ
Thả hồn neo đậu Huế mộng mơ
Nghe giọt mưa rơi còn thảng thốt
Nói gì lũ quét xoáy xô bờ

Sớm gửi mùa xuân về cho Huế
Rắc non tơ lên thành nội rêu phong
Cho sông Hương mãi mãi xanh dòng
Nhuộm tím cả ước mong anh đó.


VÕ VĂN LUYẾN


Gửi Huế chín tầng mây


Huế tơ trời giăng trong ký ức
Nắng kim cương đính mấy nóc hoàng thành
Thơ có lúc hôn trầm, chiều nhạt loãng
Lá vô ưu vấn víu suốt cây cành

Huế chiêm bao tóc thề bay trinh nữ
Ngực trăng xưa nhễu giọt nước cành si
Chín tầng mây níu xuống đời đóng mở
Nghe gió đùa tôn nữ đến mê ly.

Huế con cúi ngún lan dần cơn khát
Bể trầm luân gót ngọc của bao giờ
Con tim nhói cất lên thành lời hát
Còn trong sương loáng thoáng nỗi buồn xưa
Huế âu thuyền gối buồn vui Cồn Hến
Câu mái nhì dài hơn cả con sông
Em heo hút cuối chân mày thương mến
Tôi lơ ngơ về giữa Huế mênh mông
                                                Huế 1999


NGUYÊN QUÂN


Tản mạn ngày mưa ở Hòa Duân


Chiều ngun ngút cơn mưa
Cát xe trần bọt sóng
Níu về phía trùng khơi
Vệt chân người lạnh cóng

Từng căn nhà mục ruỗng
Chiều lận đận ghé vai
Biển đau thêm vết xé
Xoáy hút ngày không may

Khúc thần triều đồng vọng
Trên mặt người già nua
Khóe mắt dài thế kỷ
Nhạt mờ nét hơn- thua

Em và con thuyền vỡ
Dựng bãi đời chông chênh
Con chim chiều lạc phách
Thả bóng vào lênh đênh.
                                                13-12


VŨ THỊ KHƯƠNG


Xi măng tuổi 20


Một chặng đường vời vợi 20 năm
Từ cái thuở hoang vu đồi núi
Từ cái thuở bạt ngàn lau sậy
Những triền đồi tím biếc sim mua

Rồi đi xa đến với mọi miền
Những đồng ruộng những mái trường trẻ nhỏ
Xi măng, xi măng góp phần ở đó
Xây dựng nên bền vững những công trình

Cả anh và em giờ ngoảnh lại nhìn
Cái thuở chúng mình chàng trai cô gái
Bây giờ tóc pha sương, xi măng còn trẻ mãi
Sức thanh xuân nhà máy tuổi Hai-Mươi.
                                                1/1/2000


NGUYỄN HỮU HỒNG  MINH


Mấy ý nhỏ về ga


Đêm tối
Đốm lửa nhỏ
Ga

Tàu bít bùng đi
Ga buồn tới số

Tò toe
Hầm hố khả ố
Hùng hục tằng tục
Băm ba băm bổ
Tàu bóc trần híp bao thẻ đường
Ga trơ mặt lộ

Đời người mấy  ga qua?
Đời người vượt bao đêm tối?
Đời người dệt bao ánh lửa huyền thoại?

Đời bao ga khủng hoảng...
                        Một đêm ở ga Diêu Trì 1.2000


VĂN ĐẮC


Đi thuyền sông Hương


Lênh đênh hai mạn thuyền rồng
Bên tôi là phố, bên rừng là ai?
Phố cao nghiêng mặt sông dài
Lấp loi bóng núi lặng ngoài bờ sương
Ngồi thuyền động nước sông Hương
Mà chênh chao cả con đường miền Trung
Nước non hai mạn biển rừng
Mạn lênh đênh sóng, mạn cùng kiệt cây
Bên đông áp vào bên tây
Bên lăn tiếng đá, bên say giọng cười
Ai kê sông lệch bên trời
Để cây ca Huế một đời rơi nghiêng

Huế 1997


NGUYỄN THANH XUÂN


Hội làng


Mùa gom nắng về trên đôi má nâu
Rừng rực nụ cười
Đêm hội làng bập bùng mắt đuốc
Cháy nồng nàn lên ngực nguyên sơ
Bóng em cong vít rượu cần
Những sắc màu lượn lờ mây núi
Có ánh mắt người cùng trăng trượt ngã

Vết phập phồng giữa  suổi tóc thiêng
Ơi! Những nụ cười Ba-na
Ơi! Những nụ cười Hơ-rê
Làng em hội mùa xuân mới
Bềnh bồng điệu múa cồng chiêng
Chếnh choáng nồng say hương núi
Cơn gió nghẹn giữa vòng xoang siết chặt
Đêm hội làng ngọn lửa cháy âm âm...


MINH QUANG


Viết bên Đài tưởng niệm


Cảnh xưa giờ đổi khác
Người xưa nay đâu rồi
Uy linh đài tưởng niệm
Khắc sâu thời sục sôi...

Ai xưa tóc nhuốm bạc
Ai nay mắt mờ đi
Gặp nhau, lời nghẹn lại
Chỉ trái tim thầm thì
                                   1.1998


THAI SẮC


Chiều mưa trên sông Kiến Giang


Chiều mưa trên sông Kiến Giang
Con đò chòng chành sang ngang
Một người tan vào trắng xóa
Một người tan vào nhớ thương...

Người xa mưa như khúc hát
Hòa âm nỗi đau đất trời
Dòng sông sợi dây đàn đứt
Kịp ngân một nốt nhạc rơi...

Người đi mút mùa Lệ Thủy
Nhớ chi vạt cát bến Chền
Nhớ chi mưa chiều sông nhỏ
Nhớ chi tóc hờn ướt đêm

Một đi chưa lần trở lại
Mênh mông bến cũ mưa đầy
Đời người như dòng sông chảy
Ai còn ngược sóng tìm ai?
                                   10.1998


VÕ QUÊ


Bài ngợi ca ruộng đồng


Đồng ruộng Phú Lương như một mâm vàng
Làng xóm bao quanh thành vòng tay ôm lúa
Người thương đất chung lòng gìn giữ
Vui những mùa bội thu

Người Phú Lương chân chất hiền từ
Quanh năm tay bùn chân lấm
Đời thanh thản cùng nhịp đi năm tháng
Những cánh cò chịu khó chịu thương

Lúa gạo nhiều hèn chi gọi Phú Lương
Cái tên gợi bao điều no ấm
Diều trẻ thơ bay trong chiều gió lộng
Con gái con trai thơm tuổi học trò

Đã qua rồi cái tuổi hoang sơ
Từng mơ ước chắt chiu trong lòng mẹ
Đất thương người đơm vàng từng nhánh lúa
Chén cơm thơm tà áo đẹp cho đời

Đụn rơm vàng lúa ngập sân phơi
Là thành quả mấy mùa mưa nắng
Xin ngợi ca những con người thầm lặng
Đang ươm mầm hạnh phúc gửi mai sau
                                 Phú Lương - Phú Vang
                                     27 - 11 - 1999


NGUYỄN SĨ CỨ


Ngộ


Em đi về phía dại khờ
Anh lo cái nỗi con bò trắng răng
Em đi cùng cuội bán trăng
Anh thương cái nỗi ả Hằng nằm suông
Đêm qua trời vén màn sương
Anh cười cái nỗi ẩm ương sự đời.


THANH TÚ


Làng trăng


Con nước cuối làng chở trăng lên phố
Đêm nhẹ tênh! sương rơi...
Lặng lẽ con đường em đi bên tôi
Tìm lại dấu xưa một thời thơ ấu
Trăng chảy xuống những cánh dừa lấp lánh
Đường Bút Sơn ai vẽ một gam màu?
Cơn gió lùa ta tựa sát vào nhau
Trơì lạnh giá chúng mình đâu rét buốt
Như những hàng dừa bốn mùa quả ngọt
Bao đời nay xanh nên phố, nên làng!
Một tiếng hò bên ấy vọng sang
Nghe da diết phía bên này sông Mã
"Bãi Dân Quân" dưới đêm trăng thật lạ!
Ta bên nhau không khéo lạc lối về...
Đêm Bút Sơn chở nặng nỗi đam mê
Những chuyến đò trăng cuối làng lên phố...
                               Bút Sơn, tháng 12-1999

(134/04-00)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Sinh năm 1949  tại Bình Lục - Hà . Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.Tác phẩm đã xuất bản:  Dấu lặng - (Thơ)  NXB Văn học 1976;  Đêm thiếu nữ - (Thơ) NXB Văn học 1978. Ngoài ra Trần Lan Vinh còn có thơ in trong các tuyển tập khác.

  • Sinh 1946 tại Liên Minh, Vụ Bản, Nam ĐịnhCử nhân nghệ thuật - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội - Hội viên Hội Mỹ Thuật Hà Nội.Tác phẩm: Trại Muộn (thơ) NXB Văn học 1995;  Mảnh trời qua ô cửa - (thơ) NXB Văn học 1997.

  • Một tiếng thôi mà bao hàm cả cộng đồng dân tộc, cả xứ sở thân yêu với đồng lúa cánh cò, với núi non điệp trùng và rừng vàng biển bạc, những người vợ thương chồng tạo vóc dáng vọng phu.

  • (Gửi nhà thơ L.M.T)Em tìm trong lá một vầng trăng xaEm tìm trong cỏ bóng chiều vừa qua.

  • Đợi tắt mặt trờiĐêm không trăng ta lầm lũi bước sóng đôi với biểnXa khơi thăm thẳm màn đen

  • Tôi vấp ngã vào ban mai trong trẻoNước sông Hương xanh rười rượi tháng tưMưa đầu hạ, sấm chớp chừng vội vãCơn gió hoang lạ lẫm bước tôi về

  • LTS: Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh 12 - 3 - 1946 tại Mộ Đức Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội 1969, vào bộ đội, làm báo ở Đài tiếng nói VN, đi chiến trường bộ cuối năm 1970. Là phóng viên chiến trường, ở Ban binh vận R. Sau giải phóng về trại sáng tác Quân khu 5, sau đó giải ngũ, về Hội Văn nghệ Nghĩa Bình và Hội Văn nghệ Quảng Ngãi. Hội viên Hội nhà văn, ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt . Đã in hơn 10 tập thơ và trường ca. Hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt cho hai tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và trường ca “Những ngọn sóng mặt  trời”. Giờ vẫn làm thơ chơi và viết báo kiếm sống.

  • LTS: Trần Chấn Uy sinh năm 1957, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt . Anh là một nhà thơ trẻ đã có 5 tập thơ ra mắt bạn đọc. Trần Chấn Uy đi khắp nơi, say mê với cái mình đã chọn, diễn đạt nó với nhiều cung bậc. Tìm kiếm chân lý và cái đẹp để đưa vào thơ, với tấm lòng bao dung, nhân hậu, dưới góc độ nào, giọng thơ Trần Chấn Uy cũng chân chất, mộc mạc, nồng ấm. Nhà thơ Trần Chấn Uy hiện nay công tác ở Đài Truyền hình Khánh Hoà.

  • LTS: Dạy toán nhưng rất yêu thơ đó là điểm đặc biệt của con người Lê Quốc Hán. Lê Quốc Hán viết thơ nhiều. Thơ anh đã in hầu hết các báo ổ địa phương và trong nước. Thấm đẫm mồ hôi của người lao động, anh luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt yêu thương, đầy trân trọng. Hồn hậu, mộc mạc, chân chất mà vẫn nói được cái mình gửi gắm không chút sáo cũ, âu đó cũng là điểm mạnh trong thơ Lê Quốc Hán.Lê Quốc Hán hiện nay là Tiến sĩ trường Đại học Sư phạm Vinh.

  • LTS: Sinh năm 1969 đã có 2 tập thơ riêng. Là một cây bút trẻ luôn có ý thức làm mới thơ. Tập thơ đầu tay “Dòng sông cháy” của chị vừa ra mắt bạn đọc đã nhận được giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 1997.Táo bạo, trăn trở cho cái mới. Khắt khe, đòi hỏi cao chính mình trong lao động nghệ thuật; Nguyễn Bảo Chân đã chọn cho mình một cách đi riêng trên con đường thơ ca. Với ngôn ngữ thơ hiện đại, với hình tượng thơ kỳ lạ - qua cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Bảo Chân đã mang đến cho bạn đọc những bài thơ hay. Hiện nay Nguyễn Bảo Chân công tác ở Đài Truyền hình Việt - phụ trách chương trình “Tác phẩm và dư luận” trên sóng VTV3.

  • LTS: Sinh năm 1943 ở Hà Nội. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là một cây bút nữ nổi tiếng. Với chất thơ dịu dàng, đằm thắm, chị đã đem đến cho thơ Việt một giọng riêng. Chị không tìm kiếm những tứ thơ lạ, mà làm lạ những tứ thơ tưởng như đã cũ. Với 6 tập thơ và 2 tập truyện thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hiện nay là UVBCH Hội Nhà Văn Hà Nội và là chủ nhiệm câu lạc bộ nhà văn nữ Việt .

  • Giọng nói chỉ còn thoang thoảngđồng cỏ hoa vàng

  • Thiên niên kỷ mới vẫy ta sangkhốn nỗi quà xuân chưa sẵn sàng

  • Tặng nhà thơ Lâm Hiểu Đông  Trời đang mưa mát câyQua công viên Thâm Quyến (*)- Cả thế giới trong nàyTựa bảo tàng bày biện

  • Tôi ra lệnh cho giao thừa dừng lạiThế kỷ XX khoan hãy ra điThế kỷ XXI đừng đến vội

  • Mùa thu hẹn ta về Hà NộiTa rong chơi quên cả lối vềMột mình phiêu lãng miền sơn cướcVui cùng trăng cụng chén sơn khê

  • Vô tư quá tôi trở thành khờ dạiNên chi lỡ hẹn một lời thề

  • Ba bông hoa mang đêm phi qua                                             vườn saoanh và em định mệnh dịu sángmở địa cầu trinh tiếtlửa quàng xanh yếm cổ mùa đông

  • Cơn lũ xoáy mòn vai mẹGiạt trôi manh áo em thơNhận chìm bếp lửaNhững hạt lúa không biết lội

  • Em huyền ảo với mùi hương hoa đạiVà trắng trong như một búp sen hồTôi lầm lỡ nói lời vụng dạiKẻ phàm phu tục tử đến sân chùa.