Trần Đức Tín - My Tiên - Nguyễn Hưng Hải - Nguyễn Đức Tùng - Phan Duy - Khaly Chàm - Huỳnh Thị Kim Cương - Đặng Như Phồn
Ảnh: internet
TRẦN ĐỨC TÍN
Chạy đi cánh đồng
con đã chạy về phía cánh đồng
chân trần và đầy vết xước
bước vương hương mạ non và có bước nhỏ máu
quay đầu lại
mùa mưa quê nghèo trùng trùng thâm quầng lên mắt mẹ
có phải không mẹ
bên kia là bầu trời
bên kia đá cũng biết khóc
cánh cò trắng mang củi lửa ra đồng đốt bớt chút long đong
con đã chạy qua mấy tuổi người mới hay mình thiếu mẹ
vạt áo nâu sòng phẳng lòng con nghẹn đắng
ai gọi đò
hay là tiếng hư không
con phải chạy qua mấy đỉnh buồn nữa mới đến
chiếc võng cuối trời
gió mùa này đong vào con tím bầm câu cổ tích
mẹ ơi
hay con quỵ xuống giữa đồng để biết mẹ
mênh mông...
MY TIÊN
Ký ức của rừng
Nơi ấy chị ra đi
Hàng cây hóa điên vì thất lạc buổi chiều
Gió tràn lên như từng đợt thủy triều
Nhấn ngọn đồi ngụp lặn trong bóng đêm
Nơi ấy chị ra đi
Chỉ còn tháng năm nằm lên men ký ức
Và những mùa thu vén vạt rừng xưa
Bỗng tìm thấy chiếc lá hồng hẹn ước
Đã gãy đôi trong hồn chị bao giờ...
Nơi ấy chị ra đi
Cánh rừng ngủ yên giữa đại dương ảo mộng
Không hẹn ngày về
Chìm sâu trong vô tận
Để lại bầu trời vuông vức những nỗi đau...
NGUYỄN HƯNG HẢI
Tiếng chuông chùa Trường Sa
Cũng như là ở đất liền
Tiếng chuông chùa gợi nỗi niềm thẳm sâu
Sóng như hết sóng bạc đầu
Biển như biển chỉ một màu xanh trong
Chuông chùa át tiếng bão giông
Át đi khô khát nhớ mong quê nhà
Như là lời dặn của bà
Lời khuyên của mẹ Trường Sa đêm về
Áp tai vào sóng con nghe
Tiếng chuông chùa cứ vọng về trái tim
Ngỡ nâng lên cả đảo Chìm
Ngỡ bay lên tựa cánh chim trên đầu
Lắng sâu - lắng sâu - lắng sâu
Tiếng chuông chùa vọng ở đâu chân trời
Mây đen tan cả đi rồi
Trăng lên, đảo khác gì nơi quê nhà
Tiếng chuông chùa ở Trường Sa
Như là tiếng của ông bà xưa nay
Ngỡ cầm lên được trên tay
Gieo vào ngọn sóng mọc đầy ánh trăng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Sương mù
Sương mù dày đặc
Một người đi
Để lại khoảng trống
Gương
Người đàn bà
Đi quá nhanh
Để lại cái bóng của mình trong gương
Mùa hè
Đôi khi một lời hứa được giữ
Hoa tử đinh hương
Nở bừng trong tối
Lý do
Có những lý do bí mật
Khiến em ngẩng đầu nhìn anh nhưng không chào
Trong chiêm bao
Mùa thu
Chiếc lá vàng đầu tiên
Rơi xuống mũ
Người ăn xin
PHAN DUY
Tiếng chuông hòa bình
Mưa lất phất chằm theo chuông vọng
núi Ngự xa mờ
Sông An Cựu mùa này trong hay đục
chỉ nghe chơi vơi
phía chân trời
Trên đồi cao ai buông nhịp
mà giọng chuông vang nghe ấm cõi lòng
chút lắng đọng
bình yên rừng núi
cùng nhau gửi những nguyện cầu
Ánh mắt đăm chiêu
vị sư già ngồi đó
bốn phía mênh mông trầm mặc dải mưa đầy
Giận ai núi tròn rồi méo
sông đục nửa dòng nửa trong vắt riêng tư
Tiếng nước non thâm trầm day dứt
hay tiếng chuông đời
pha lẫn giữa chiều mưa
KHALY CHÀM
Bâng khuâng rồi cũng hết ngày
bên kia nắng rộng khung trời tưởng tượng
vi âm rơi bí nhiệm hóa khôn cùng
tìm dăm phút khoảng ngày xanh tái hiện
thoáng dịu dàng xưa cũ giữa mông lung
hư ảo gió chẳng thể nào giữ được
tuổi thơ bay tay với chạm thinh không
diềm mây lụa viền quanh căng sợi chỉ
chao cánh diều ký ức trắng đường cong
cất lời chứ, bóng cùng ta trải nghiệm
hát ru đời chuyện sinh tử như nhiên
cái chớp mắt mộng phù du sương khói
đảo điên chưa khi bạc tóc muộn phiền
chiều cạn nắng ngậm mặt trời tứa máu
vịn thần hồn… sợ lạc chốn mê cung
phiếm ái chăng lưới tình giăng ma trận
thủy chung ơi, sao ta mãi chạnh lòng!
bên kia đêm có điểm nào để tựa
rụng vô thanh vụt tắt ngóm sao trời
vốc cát bụi xát bôi trơn vòm ngực
thơ trong tim theo máu chuyển luân hồi
HUỲNH THỊ KIM CƯƠNG
Khúc tự tình…
Gọi về năm tháng xa xưa
Cánh chuồn tuổi nhỏ như vừa bay đi
Triền sông hoa cải lỡ thì
Con đò gác mái hoài nghi tháng ngày
Đường về mưa bụi bay bay
Ướt làn tóc rối bờ vai lỡ lầm
Mẹ ngồi bếp lửa lặng thầm
Khói bay trắng cả tháng năm bạc nhàu
Lững lờ mặt nước cầu ao
Ta về đứng lại bên rào tìm em
Dòng đời gió bụi lấm lem
Biết người còn nhớ những đêm trăng vàng?
Ngõ nhà bầy trẻ râm ran
Trốn tìm, cút bắt rộn vang sân nhà
Ba ngồi trước ngõ uống trà
Ta về kể chuyện ngày qua dại khờ…
ĐẶNG NHƯ PHỒN
Tháng ba
Tôi lỡ chạm vào cái đuôi mùa xuân
Bao mầm nụ cuối mùa sực giấc
Như cố tình níu kéo
Những xanh tươi hoa trái...
Tháng ba
Tôi lùa bàn tay vào ký ức
Tuổi xuân qua tuồn tuột mỗi ngày
Vẫn chưa đủ hanh hao ngày cũ
Thấy lòng vẫn an nhiên
Tháng ba
Em rút tơ vương đan kỷ niệm
Áo hoàng hoa độ xuân thì
Những niềm yêu không bao giờ trễ
Nếu ta đã phải lòng...
Tháng ba
Không có gì phải vội
Ví dụ,
Em có lỡ vụng về đan áo
Đã có rét nàng Bân...
(SHSDB40/03-2021)
-
NGUYỄN KHẮC PHỤC Viết cho năm MÙA THU hai mươi tuổi Và câu chuyện tình dang dở lại bắt đầu
LTS: Hải Kỳ tên thật Trần Văn Hải. Sinh năm 1948 ở Đồng Hới. Thơ in từ năm 1969 trên các tập san, báo văn nghệ ở địa phương và Trung ương. Với tâm hồn say đắm, nhạy cảm thơ Hải Kỳ hướng tới những tìm tòi phát hiện chất liệu mới trong đời sống, với giọng thơ khỏe, tránh lặp lại mình.
XUÂN HOÀNGĐồng hới
Hoàng Vũ Thuật - Đông Triều - Đỗ Quyên - Đoàn Mạnh Phương - Đào Duy Anh - Nguyễn Thị Anh Đào - Nguyễn Văn Hùng - Phan Lệ Dung - Trần Phương Trà
PHAN TRUNG THÀNHLời tạ của hải cẩu Hải Dương
HOÀNG VŨ THUẬTBài hát trong bóng đêm
Nguyễn Khoa Điềm - Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ - Trần Hạ Tháp - Lê Tấn Quỳnh - Nguyên Quân - Đức Sơn - Nguyễn Văn Quang - Lê Ngã Lễ - Lê Vĩnh Thái - Nguyễn Xuân Hoàng - Minh Đức Triều Tâm Ảnh - Hạ Nguyên
Anh Ngọc - Lâm Thị Mỹ Dạ - Nguyễn Thị Hồng - Phạm Tấn Hầu - Phạm Đình Ân - Phạm Hồ Thu - Trần Hoàng Phố - Vĩnh Nguyên - Hải Vân - Trinh Đường - Hoàng Minh Nhân - Hoàng Nhuận Cầm - Trịnh Trang Quỳnh - Đỗ Hoàng - Lê Nguyên Hồng
Vĩnh Nguyên - Trần Thị Linh Chi - Lưu Ly - Triệu Nguyên Phong - Tây Linh Phạm Xuân Phụng - Ngàn Thương - Từ Nguyễn - Trần Tịnh Yên - Tuệ Lam - Lê Huỳnh Lâm
Nguyễn Xuân Sanh - Trần Mạnh Hảo - Ý Nhi - Võ Văn Trực - Văn Tăng - Trần Hải Sâm - Thúc Hoàng - Quốc Minh - Trần Hữu Lục
Trần Trình Lãm - Châu Thu Hà - Nguyễn Tiến Chủng - Trịnh Hải Yến - Khaly Chàm - Nguyễn Quang Hưng - Huỳnh Ngọc Lan - Đông Hương
LTS: Phan Duy nhân là bút hiệu của một nhà thơ quen biết với bạn đọc trẻ miền Nam từ đầu những năm 60. Tên thật là Phan Chánh Dinh sinh năm 1941 quê xã Triệu Thượng, huyện Triệu Hải, Bình Trị Thiên, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế. “Thư gửi các bạn sinh viên” của anh in ở tuần báo Sinh viên Huế năm 1964 có thể xem là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ đô thị miền Nam trong tù (Côn Đảo 1968-1973) và sau ngày giải phóng Phan Duy Nhân vẫn tiếp tục sáng tác, dù ít xuất hiện trên báo chí.
LTS: Hoàng Vũ Thuật, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh năm 1945 ở Lệ Ninh - Bình Trị Thiên. Xuất thân là một giáo viên, sau chuyển qua làm công tác văn nghệ. Bạn đọc đã quen tên anh trên các mặt báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tập thơ “Những bông hoa trên cát” xuất bản 1980 đã khẳng định bước đi ban đầu khá vững tay của anh.
THANH THẢOKhối vuông ru-bích
Lý Hoài Xuân - Nguyễn Loan - Trương Kiến Giang - Xuân Diệu - Chế Lan Viên - Nguyễn Hới Thọ - Nguyễn Hoa - Nguyễn Hữu Quý - Dương Toàn Thắng
ĐINH CƯỜNGCào lá ngoài sân đêm
Đức Sơn - Nguyễn Trường - Phan Lệ Dung - Nguyễn Đông Nhật - Kiêm Thêm - Nhất Lâm - Nguyễn Man Kim - Phạm Thị Điểm
LÊ THỊ KIM
Thu Bồn - Nguyễn Duy - Ngô Thế Oanh - Nguyễn Thụy Kha - Thế Dũng - Đỗ Văn Khoái - Mai Văn Hoan
NGUYỄN NGỌC PHÚBuổi sáng