Thơ Sông Hương 03-2004

15:05 15/07/2009
Kỷ niệm ngày truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam 15-7-1950 Hồ Xuân Hùng - Trần Nhuận Minh - Phạm Tấn Hầu - Quốc Thành - Nguyễn Thế Thắng - Lê Bá Thự - Nguyễn Sĩ Cứ - Nguyễn Thanh Xuân - Trần Ngọc Trác - Trần Cao Sơn

Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: baothainguyen.org.vn)




HỒ XUÂN HÙNG

Ngã ba Đồng Lộc


(10 nữ liệt sĩ TNXP - Ảnh: Internet)


                  Kính viếng hương hồn 10 nữ liệt sỹ TNXP

Gương soi mặt trăng, mặt trời
Lược chải tháng ngày vào đất
Trái bồ kết non chưa kịp gội đầu
Chúng tôi viếng thăm
                                    Cầm lòng trong tiếng nấc
Tiếng nấc vui bom thù rơi
Tiếng nấc cho thông mọc lên thành núi
Tiếng nấc cho ai vội quên
Thương tích chiến tranh chưa kịp lành
Hãy nhớ nơi đây
Còn một ngả đường trở về tim
Chúng ta không được khóc
Đốt nén nhang thơm
Thấu cùng trời đất
Các chị mãi tuổi thanh xuân
Nơi ngã ba Đồng Lộc
Dấu tích hố bom thù
Xanh cao vút rừng thông
                Hà Tĩnh, 12/2003


TRẦN NHUẬN MINH

Bản xô nát hoang dã

                                               (Trích)

*
Gian phòng bên có cô bé đang yêu
Trong đêm khuya chỉ có một mình
Cô nghĩ gì mà má cô thẹn đỏ
Ánh đỏ hắt lên tường phía tây
Làm bức tường quét sơn đen
Cũng phải ửng hồng
Đến nỗi lũ gà trong xóm
Tưởng trời đã rạng
Gáy vang ò ó o...

Gian phòng bên có cô bé đang yêu
Tiếng ríu ran như chim chào mào
Vào buổi sớm mùa hè
Cô không hề ngạc nhiên
Khi thấy cánh cửa sổ phòng mình
Cái cánh cửa gỗ lim từ thời cụ nội
Mối mọt đã đục ruỗng
Bỗng nẩy bật lên chùm lá biếc xanh
Và nở du dương một bông hồng vàng...

*
Em đi như ráng chiều
Đu đưa trên ngọn cây phù dung
Đầu em là một đõ ong rừng
Ai đã bỏ quên
Mật ứa ở đôi môi
Hương bay ngàn dặm xa
Vòm ngực em là hũ rượu thơm
Quỷ Sứ rót đầy
Chưa uống đã trông thạch sùng hoá cáo
Bụng em là một quả đồi xanh tươi
Bên này vàng ánh trăng
Bên kia đen bóng đêm
Nơi sinh ra những câu chuyện hãi hùng
Cặp đùi em như hai lưỡi kéo
Khép lại dịu dàng
Có thể cắt đứt đời nhiều hảo hán

Ô kìa
Em vừa chui qua
Một tảng đá

*
Ta trở về dòng sông quê hương
Đứng lặng im như một tín đồ
Con sông mê sảng chảy dười vòm sao
Không còn biết đêm ngày
Không còn nhận ra
Người bạn chèo thuyền câu cá xưa

Nước sông đi ra biển bằng xác
Nước sông bay về rừng bằng hồn
Trôi ngược chiều nhau
                        Và cách xa nhau
Dòng sông vẫn chỉ là một
Cúi xuống nhìn nước xanh
Ngẩng lên ngắm mây trắng
Ta nhủ thầm trong dạ
                        Sông ơi bạn xưa của người đây

Sông không nghe được lời ta
Nước không nhận ra ta
Mây không biết có ta
Ta không thuộc về quá khứ
Cũng chẳng thuộc về tương lai
Trên quê hương
Không buồn cũng không vui
Ta là vị khách của chính mình
...


PHẠM TẤN HẦU

Bài tán cho lũ chim

thời bắt đầu dịch bệnh
nàng chơi đàn ở nice
chải chuốt suốt đêm
tóc và dây run rẩy
cho đàn chim được táng lời ca

(rồi đến quạnh hiu nào
em phục sinh thành chim đó)

giữa hai gã nhạc công
gầy như điếu thuốc
nàng chơi đàn violon
tét đầu tràng hoa
bằng bọt sóng
để nghe vỗ mênh mang
của một thời biển chết

(và dịch bệnh bắt đầu
trong cái nhìn kẻ khác
nỗi sợ cũng bắt đầu...)

nàng xua hết cảm xúc
cho đàn chết từng dây
như rừng đêm bật khóc
không một cánh chim
không nguồn cơn rung động

(và tôi
tôi cũng mất
cả tiếng hát thầm)


QUỐC THÀNH

Không gian xanh

Sợi diều mảnh nối hai chiều hư thực
cứ chao mình vươn đến khoảng trời xa
thương con cò đứng một chân trên câu hát
lũ ngút ngàn không ướt khúc dân ca

Hơi em thở ấm lời ru của Mẹ
không gian xanh chất chứa những nỗi niềm
trong cuộc sống dăm ba lần vấp ngã
câu ca dao thầm lặng đỡ ta lên
                       Trại sáng tác Đà Lạt, 9-2001


NGUYỄN THẾ THẮNG

Hiện thực

Đồng quê hát khúc vào đêm
Họ trở về sau cuộc hi vọng ở thiên nhiên
Đàn kiến chăm chăm những âm thanh tổ ấm
Từ những bánh xe trâu lăn trên thói quen
Lăn trên ý nghĩ của một ngày cần mẫn

Con trâu lầm lũi đếm bước
Lầm lũi vô tư nhơi ý tưởng bằng lòng
Con người thản nhiên và lắc lư nhịp đập
Thản nhiên ước vọng không cùng

Từ những hạt đêm thưa trên vai bác nông dân
Trên sự chậm chạp bước chân trâu
Và vòng quay bánh xe trâu két lại
Tôi thấy cả thế giới
Quay những vòng quay không tự có nơi dừng


LÊ BÁ THỰ

Huế riêng

Mong về Huế đẹp và thơ
Bây giờ thôn Vỹ nắng xưa có còn
Thuyền trăng có chở trăng non?
Sân trường còn bóng chân thon thuở nào?
Phố xưa, cơm hến, còn rao
Những tà áo tím còn vào trong mơ?
Em còn đội nón bài thơ?
Thừa Thiên, chiều có đổ mưa nắng trời?
Huế riêng có đợi một người
Hồn thơ xin lại chuốt lời mộng mơ...


NGUYỄN SĨ CỨ

Nghe đêm 2

Ta mơ thấy mình
                        ngất nghểu
                                    ngôi quyền lực
Thằng bạn chiến hào
                        hiện về
                                    bưng chậu nước:
"
Thưa ngài, hãy rửa mặt đi!"

Ta hỏi vì sao, bạn không nói thêm gì
Ta choàng tỉnh -
                        không gian yên ắng quá
Trên các nghĩa trang tân thời
                        hiện đại như thành phố
Vẳng tiếng thở dài
                        Có phải tiếng bạn ta?
                                   
22/12/03


Quả vườn xanh

                                                Gửi X.

Ngày xưa...
Nàng mở cổng vườn
Rủ hái quả xanh mẹ cấm...


Buồn tình - chàng trai biệt xứ
Chiều mẹ - cô gái lấy chồng
Bặt tin bao mùa đông
Quả vườn xanh rụng mờ ký ức.

Gặp lại nhau
Nàng lén lau nước mắt
Nước mắt nói gì
Chuyện
quả-vườn-xanh...?


NGUYỄN THANH XUÂN

Cả nghĩ về Đà Lạt

Dĩ nhiên Đà Lạt rất xanh
Nên thông chẳng chịu cúi đầu
Trăm năm và ngàn năm nữa
Đất vẫn bạt ngàn màu mỡ
Nuôi sống trẻ trung
Tôi vẫn thích nắng chưa hào phóng
Thông cứ thẳng người mà phơi tóc xanh

Dĩ nhiên Đà Lạt rất hoa
Dã quỳ vung vãi bên đường
Tôi vẫn thích thiên nhiên keo kiệt
Đừng gieo vào lòng tôi những hạt mầm khắc khoải
Kẻo lại mọc lên vô số đoá mặt trời
Đà Lạt sẽ nóng dần lên...

Dĩ nhiên Đà Lạt rất sương
Nên chẳng phơi bày tất cả
Thành phố cứ chập chùng lên xuống
Giấu ẩn giấc mơ hồ
Chỉ nụ cười em lồ lộ
Để lòng tôi lồ lộ một trái tim

Đà Lạt góc phố nào cũng lạnh
Nên người ta thích được gần nhau
Tôi nắm tay mình co ro khách lạ
Leo dốc tình yêu hòng thở dốc với mình
Em vừa đi qua trong điều ước
Mím miệng cười một nụ phồn hoa

Ở Đà Lạt tôi thấy mình cao ngất
Mà chẳng cần cố gắng tự tôn vinh
Dưới chân tôi những mắt đèn phù phiếm
Nhấp nháy hoài mà chẳng nên sao...


TRẦN NGỌC TRÁC

Huế của tôi sau lũ

Không còn chiếc áo tơi trong đêm mưa,
Người đàn bà
cầm chiếc nón bài thơ
che vội;
giang cánh tay khẳng khiu
đón đứa bé từ một người xa lạ,
Những giọt nước mắt lã chã...

Trường Tiền thuở nào mộng mơ
Dòng nước vắt qua dải lụa
                        ngả màu bạc trắng.
Những con đường nội thành
hoa phượng đỏ tuổi học trò,
Dày lên lớp phù sa đặc quánh.

Cơn lũ tràn qua
Sách xưa, nhà cổ
Đền đài, lăng tẩm nguy nga...

Mặn hơn muối,
Đắng hơn nỗi cay cực ngàn đời lam lũ
Rát bỏng hơn mặt trời tưới lửa
Đớn đau hơn sinh nở một con người...

Huế của tôi sau lũ
ngậm ngùi...


TRẦN CAO SƠN

Không và không

Bên kia sông
            là núi.
Bên này núi
            là sông
Trừ đi sông với núi.
Còn lại là
            mênh mông

Dưới sông
            không có cá
Trên núi
            không có cây
Không có tiếng vượn hót
Rất ít bóng chim bay.

Con cá bơi yêu nước.
Con chim ca yêu trời
Chim sợ người
            không lượn
Cá sợ người
            không bơi

Thuyền ngược dòng
                  lịch sử

Tìm về thuở
            hoang sơ.
Văn minh
            đang chiếm chỗ.

Tất cả là bây giờ.
Bên kia sông
            là núi.
Bên này núi
Là sông
Dăm ba người lữ khách
Bồng bềnh
            trong hư không.
                Hồ Hoà Bình 2002

(181/03-04)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Nguyễn Thiền Nghi - Trần Hoàng Phố - Tiến Thảo - Xuân Thanh - Võ Văn Luyến - Nguyên Hào - Hoàng Cát - Ngô Hữu Đoàn - Trần Kiêm Đoàn - Mai Thìn - Đặng Như Phồn - Tôn Phong - Kiều Trung Phương - Đinh Thu

  • Tên thật: NGÔ THỊ KIỀU HẠNHNăm sinh: 24 - 12 - 1983 tại Cam Ranh – Khánh Hòa Hội viên Hội VHNT Khánh HòaĐã có thơ đăng Kiến thức ngày nay, tuần báo Văn Nghệ, và nhiều tạp chí trong nước.

  • Sinh năm 1965 tại Thái Nguyên – Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, vừa viết văn làm thơ. Hiện đang là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác giả của 4 cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý của dư luận văn chương – Nhưng thơ mới là bản ngã sáng tạo chính của Nguyễn Bình Phương với 3 tập thơ đã xuất bản: Lam chướng; Xa thân; Từ chết sang trời biếc...

  • Là một tác giả thơ quen biết trên tạp chí Sông Hương, gần đây với tập thơ Ngày rất dài (NXB Hội Nhà văn, 2007), Đoàn Mạnh Phương đã và đang được dư luận chú ý bởi những nỗ lực cách tân thơ.

  • Sinh năm 1960 tại Hà Nội – Đã từng qua quân ngũ và hiện là biên tập viên  của Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt . Đã xuất bản 3 tập thơ: Một, hai, ba; Nhật ký và Bài tập; Gửi một mùa cổ điển... Đã từng đoạt giải cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1990, giải cuộc thi thơ Báo Người Hà Nội 2006.

  • Trần Đình Thành - Đức Sơn

  • Phạm Thị Anh Nga - Thanh Tuyền - Trần Kim Hồ - Vũ Thị Khương - Trần Khởi - Lê Hoàng Anh - Đoàn Lam - Trần Hữu Dũng - Đinh Tấn Phước - Nguyễn Loan - Trần Tịnh Yên - Nguyễn Thánh Ngã - Lê Ngã Lễ - Nguyên Tiêu - Võ Ngọc Lan - Nguyễn Văn Quang - Ngô Thái Dương - Trần Hữu Lục - Ngô Cang    

  • Nguyễn Hữu Quý - Trần Hoàng Phố - Nguyễn Khoa Điềm - Lam Hạnh -  Hoàng Phủ Ngọc Tường - Huy Tập - Mai Văn Phấn - Nguyễn Trọng Tạo - Đoàn Mạnh Phương - Ngô Công Tấn - Vũ Thanh Hoa - Từ Nguyễn - Nguyễn Xuân Hoa - Mạnh Lê - Hồ Thế Phất - Nguyễn Lâm Cẩn - Tường Phong - Nguyễn Đông Nhật - Vũ Thành Chung  

  • Huỳnh Thúy Kiều - Đức Sơn - Kiều Trung Phương - Thạch Quỳ - Lưu Ly - Trần Hạ Tháp - Nguyễn Thị Anh Đào - Văn Hữu Tứ - Văn Công Hùng - Nguyễn Tiến Chủng - Thái Doãn Long  - Hải Trung - Đông Hà - Nguyễn Văn Thanh - Hồng Vinh - Phụng Lam - Nguyễn Thụy Kha

  • Lê Huy Hạnh - Trịnh Hoài Giang - Triệu Nguyên Phong - Phan Tuấn Anh - Bạch Diệp - Phan Văn Chương - Hồ Đắc Thiếu Anh - Mai Trâm - Đỗ Văn Khoái - Viêm Tịnh - Lưu Thị Bạch Liễu - Lãng Hiển Xuân - Nguyễn Thanh Kim - Vũ Thắng  - Võ Quê - Ngàn Thương - Nguyễn Nguyên An - Lê Phương Thảo

  • Ngô Thị Hạnh - Vạn Lộc - Nguyễn Thiền Nghi - Lâm Anh - Hoàng Ngọc Quý  - Trần Thị Huê - Đường Xuân Sử - Dương Thành Vũ - Nguyễn Thị Liên Tâm - Bùi Đức Vinh - Công Nam - Nguyễn Thanh Tú - Trần Áng Sơn  

  • Nhà thơ mặc áo lính, trưởng thành lên từ dải đất miền Trung gió Lào cát trắng, Nguyễn Hữu Quý là một người thơ lặng lẽ và khiêm nhường - nhưng đấy là sự lặng lẽ đào sâu trong suy tưởng với những khát vọng làm mới thư luôn thôi thúc.Là một tác giả thơ quen thuộc, mùa xuân này anh gửi tới trang thơ Sông Hương một chùm thơ mới nhất, “mở hàng” cho một năm thơ trên Sông Hương.

  • Vũ Thanh Hoa sinh tại Hà Nội, hiện công tác tại Vũng Tàu. Cử nhân luật. Hội viên Hội Văn Nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu.

  • Thúy Liên - Thạch Thảo - Bạch Diệp - Võ Ngọc Lan - Châu Thu Hà - Nguyễn Thị Thúy Ngoan - Hoàng Bình Trọng - Phạm Việt Thư - Lại Đăng Thiện - Ngô Minh - Quỳnh Như - Trương Đạm Thủy - Phan Thành Minh  

  • Mai Văn Phấn - Nguyễn Việt Tư - Lê Thị Mây - Trịnh Hoài Giang - Nguyễn Hoa - Mai Phương

  • Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Tấn On - Thiệp Đáng - Nguyễn Bình An - Ngô Cang

  • HOÀNG VŨ THUẬT   Sinh năm Giáp ThânLàng Thạch Xá Ha, Hồng Thuỷ - Lệ Thuỷ - Quảng Bình.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã từng qua 15 năm trong nghề dạy học. Biên tập Nhà xuất bản Thuận Hoá. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình.

  • TRƯƠNG ĐĂNG DUNGSinh ngày 8-5-1955 tại Diễn Trường, Diễn Thành, Nghệ An.Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Budapest , Hunggari.Hiện là PGS.TS. Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt .Hội viên Hội Nhà văn Việt .Tham gia giảng dạy nghiên cứu sinh và cao học ở các trường đại học.

  • Hoàng Phủ Ngọc Tường - Phạm Xuân Trường - Văn Hữu Tứ

  • Phạm Khang - Lê Ngã Lễ - Phan Đình Tiến