MINH HUỆ
Trong đầm gì đẹp bằng sen...
Ảnh: tư liệu
Cái chất sen đạo lý cổ truyền thanh cao ấy đã được tái hiện vào thơ Việt Nam hiện đại viết về Bác Hồ, với những sắc thái kế thừa và phát triển thật phong phú và thú vị. Nó nói lên một sáng tạo độc đáo, đậm đà ý vị dân tộc của tiến trình văn chương tạo dựng hình tượng Hồ Chí Minh. Người có công mở đầu, cũng như công phu đeo đuổi việc vận dụng yếu tố thẩm mỹ sen khá thành công, là Bảo Định Giang:
Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
Hoàng Trung Thông cũng đi vào cái môi trường "đẹp nhất" đó, để nói lên bản chất một thế giới tâm hồn vĩnh hằng cao quý, thân thuộc.
Hồ Chí Minh, tên người mãi mãi
Thơm như hương ngát hoa sen
Trong khi luận về quan hệ giữa Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam ta, Phạm Văn Đồng cũng viết "Trước hết tôi nhắc lại một câu ca dao... Câu ca dao này nói lên tình cảm của đồng bào miền Nam, đồng thời nó thể hiện tình cảm của đồng bào cả nước. Bông sen lại nhắc tới làng Sen - quê hương của Bác -, bông sen là biểu tượng của sự trong sáng, của sự cao quý, của cái “đẹp” (Bài "Sự kiện lịch sử sáng chói" - báo Sài Gòn giải phóng, ngày 2/9,/1992). Vậy nên, làng Sen - ý bao hàm cả làng Trùa, quê ngoại - "một quê chung của muôn nơi" (Xuân Hoài) đủ sống động trong thơ với tư cách là cội nguồn của "hương ngát hoa sen" như lời văn chính luận suy tư. "Sự sống này, cuộc đấu tranh này vốn có tự làng Sen", mà Chế Lan Viên đã chuyển hóa thành giọng thơ trữ tình, thiêng liêng và gần gũi:
Người gởi lại một niềm tin
Còn như Người... Người đã hóa hương sen
đến tâm huyết ân tình
Người đã lớn lên theo nhịp võng đưa
và thoi dệt cần cù
Vì ta hoa sen ấy chịu bao mưa gió
Vâng, cái sự "hóa hương sen" ấy, cái sự "hoa sen chịu bao mưa gió" ấy, đã nẩy mầm từ đất Kim Liên "cát sỏi vẫn sinh sôi hạt giống" tắm mình trong một không khí hòa quyện trìu mến, phong phú chất văn hoá dân dã, như lời Võ Văn Trực:
Một đầm sen bát ngát
Nở ngàn đóa ca dao
Đã vút thành đỉnh cao
Tiếng ru hời quê mẹ
Với chất đạo lý nhân phẩm thâm nho:
Hương thơm, phảng phất đầy xóm nhỏ
Thanh bạch trắng trong tự bao giờ
(Hoàng Xuân Khởi)
và dạt dào một sức sống truyền thống mãi mãi thanh xuân.
Hồn quê muôn dặm trăm năm ấy
Từ ''búp sen xanh" nở thắm tươi
(Văn Chi)
một ánh sáng tâm hồn rạo rực
Đồng làng đẹp bức tranh sơn mài rực rỡ
Sen tươi hồng soi đuốc giữa hồ thiêng
(Quốc Tuý)
Sen ấy thu hút một tấm lòng chiêm ngưỡng hết mực trân trọng và tinh tế
Quý mến sen trong từng cánh nhỏ
Người đến thăm không đi nặng bàn chân
(Phan Hồng Khánh)
"Không đi nặng bàn chân", như cảm nhận của Hoàng Vũ Thuật, chỉ một thoáng hương sen cũng đủ gợi trong ta tâm tưởng quyến luyến bâng khuâng, hồn hậu về giây phút gặp Bác ở làng quê:
Con ngồi ngóng bác ngoài hiên nắng
Thoảng gió đầm sen thổi cuối vườn
Giữa những tiếng thơ lắng sâu, trầm tĩnh ấy, có khi bỗng bật lên một giọng liên tưởng bất ngờ ngộ nghĩnh, thú vị trong cách biến hóa của Bùi Sỹ Hoa:
Dưới mái nhà Bác
Em cứ hát và em là nốt nhạc
Những bông Sen ngước nhìn như những nốt hòa âm
Ở đây, sen là hình ảnh lớp cháu chắt quê nhà, đang ngẩng đầu tự hào về mảnh đất quê hương của nguồn sữa dân ca đã từng nuôi dưỡng tuổi thơ của người ông, người cố vô vàn kính yêu; quê hương tỏa truyền một sinh khí hào hùng trẻ trung:
Như có hương sen tỏa lối về
Lòng ta thơm ngát đượm tình quê
Ai ai hăm hở ra tiền tuyến
Cho nhập vô đoàn xe nối xe
(Xuân Thủy)
và cũng là chốn hội tụ muôn vàn tình hữu nghị quốc tế:
Xin dâng Người bông sen hồng đầu hạ
Nơi ao làng soi bóng bạn năm châu
(Xuân Hoài)
Và trong dòng thơ "Viết từ làng Sen" thì "Sen quê Bác" của Trần Hữu Thung, dẫu khuôn vào thể thơ bảy tiếng cổ kính, và điệp đến chín lần tiếng "sen" trong hai mươi câu toàn bài, nhưng vẫn thanh thoáng một âm điệu dân gian hiện đại, như lời bình tinh tế của Bùi Nguyễn "Khung cảnh bài thơ là sự hòa hợp giữa ngôn ngữ, hình ảnh với cảm xúc, tạo nên sự thống nhất bên trong, gây cho người đọc cái dịu dàng ngọt ngào, ríu ran mát mẻ...
Bài thơ như bức tranh lụa về sen quê Bác, không có hình ảnh Bác mà cái đọng lại sâu sắc trong lòng người đọc lại là Bác Hồ".
... Có sen, ao bỗng hóa thành gương
Ríu ran đàn cháu quanh soi bóng
Hương trẻ, hương sen quyện mến thương
... Nắng hè sao lắm bâng khuâng nhớ
Bát ngát đất trời, bát ngát xuân
Giữa mùa sen nở là mùa xứ Nghệ hừng hực nắng lửa, gió nóng mà dám viết "bát ngát xuân" thì cảm hứng ấy quả là phóng khoáng, mãnh liệt một niềm tin yêu. Một niềm tin như một di sản vô giá, làm sáng dậy, nâng lên giá trị nhân văn:
Bác Hồ nghỉ yên như bức tranh sen
Nét bút Việt Nam trìu mến vẽ nên
Chiêm ngưỡng Bác Hồ tinh hoa lý tưởng
Ta thấy hồn ta càng thêm trong sáng
(Minh Huệ)
Niềm tin mà từ chiến trường miền Nam khốc liệt, Hường Triều da diết gởi gắm ra Ba Đình:
Một tờ di chúc sen tỏa ngát
Bác sẽ vào đây, Bác vẫn còn
Bác vẫn còn! Một chứng nhận của lòng dân. Một chứng nhận của lịch sử! Một thi hứng "Bỗng nghe vần thẳng vút lên cao" từ ngôi nhà sàn "lộng gió thời đại", quây quần, ríu rít:
Tin báo tiệp về ở giữa trang thơ
Da Bác đỏ hồng tóc Bác bạc phơ
Kìa, Bác đang bước xuống nhà sàn từng bước gấp
Hoa sen trắng, hoa sen hồng nở bừng theo mỗi bước
Bác đi giữa cháu con sông núi đang chờ
Rồi Bác "chia đều" sen tỏa ngát "Thơm vào bốn mươi lăm triệu hồn người hương của tự do".
Cái tứ thơ chứa chan cảm hứng lãng mạn mênh mang, bồi hồi trên đây của Chế Lan Viên cũng là nơi gặp gỡ của những tác giả khác, giữa thời điểm "Mùa Sen Lớn", hình ảnh tượng trưng của đại thắng mùa Xuân 1975, của đại khải hoàn nước Việt Nam.
Hội mừng tỏa ngát hương sen,
Thấm trong suy tưởng là tên của Người.
(Trần Văn Khoan)
của giang sơn thu về một mối huy hoàng, đúng như lời Di chúc tiên tri của Hồ Chí Minh.
Rừng hồng nở suốt nước non,
Một mùa sen đẹp tô son tên Người.
(Bùi Hạnh Cẩn)
Nguyễn Trọng Tạo còn mở rộng tứ thơ ấy hòa vào không khí chia vui của nhân dân thế giới.
Ta chào Bác giữa trái tim Tổ Quốc.
Lại trở về xóm nhỏ Bác sinh ra,
Một vầng sen chia hương khắp mọi nhà
Hương của tự do bay cùng trái đất.
Hình ảnh "Vầng Sen" quả là giàu đẹp và mới lạ (Phải chăng nó có thể gợi nhớ vầng trăng của thơ Hồ Chí Minh). Nó gợi cảm giác Sen - Bác Hồ không chỉ tỏa ngát, mà còn tỏa sáng, khiến cho mọi người bước trên con đường Hồ Chí Minh, cũng "Xòe thành triệu đóa hoa sen". Ý thơ lung linh, nhuần nhụy này của Duy Khán cũng trùng hợp với sự phát hiện sắc sảo của Chế Lan Viên "Ta thấy Người là Sen, nhưng Người cũng làm cho ta tự thấy ta có mầm - mống - sen, có khả - năng - sen". Hay như Bằng Việt đã khái quát cái chất sen nhân bản ấy trong sự nghiệp trồng người gắn với dân tộc và thời đại.
Ta là mầm sen ủ bốn nghìn năm,
Bác vun nở cùng anh em quốc tế.
Ta, là các thế hệ người Việt Nam trong tiến trình kháng chiến cứu nước và dựng nước, giữ nước hôm nay; cũng là mỗi cá thể công dân: "Hiếu trung con cháu Bác Hồ. Nguyện đưa tới đích ngọn cờ Bác trao" (Bảo Định Giang) bằng hành động dựng xây như lời thơ nguyện ước của Trần Lê Xuân.
Chúng con về xin dựng lại miền quê
Cho thêm đẹp, thêm thơm cánh sen Đồng Tháp
Cho Cửu Long tỏa chín nhánh êm đềm
Và Lê Hà, lại còn đưa cánh sen Đồng Tháp thân thương ấy vào một bức tranh tâm tưởng cảm động và hồn nhiên kỳ diệu.
Giữa nông trường Đồng Tháp bạt ngàn xanh
Kết sen trắng, chúng con reo Bác đến...
Áo Bác Hồ hòa với lúa Tháp Mười
Trên áo Bác, sen kết vòng trắng muốt.
Đẹp tuyệt! Cái đẹp của hội họa trữ tình sống động. Và có cả cái đẹp của tư duy triết lí qua một giọng thơ mới mẻ của Xuân Hoàng:
Trong hồ búp sen đã trổ...
Tháng Năm về rồi đó
Chưa qua những ngày Điện Biên
Đã đến dịp mừng sinh nhật Bác
Những cột mốc hồng chốt lại, tự thiên nhiên...
Và Bác hẳn mỉm cười vẫy gọi
''Hãy vững vàng theo qui luật mà đi"
Qui luật thiên nhiên, phải chăng cũng là qui luật ánh sáng Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh, mà điều thú vị là chính qui luật Sen ấy cũng hấp dẫn nhiều nhà thơ nước ngoài khi họ viết về Bác Hồ. Chẳng hạn lời ca ngợi từ lâu của Buntaga, nhà thơ Mông Cổ.
Sắc đẹp hoa sen cùng với nhân dân.
Càng tươi thắm qua trăm ngàn thế hệ
Ta thấy từ sau ngày Bác đi vào "Thế giới người hiền", qua sự kiện vĩ đại giải phóng miền Nam, cho đến thời "đổi mới" hôm nay, yếu tố thẩm mĩ Sen - Bác Hồ ngày càng được nhân lên đa dạng, đa nghĩa, lắm hình, nhiều vẻ bằng những cách thể hiện phong phú, đầy tâm huyết. Mà lạ thay, có những sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà cứ ngỡ như là theo bàn tay sắp xếp rất khéo của lịch sử. Ấy là "Mùa Sen Lớn" dân tộc bừng nở cùng thời điểm với mùa sen thiên nhiên, và nhà chiến lược thiên tài khởi xướng, tổng chỉ huy cuộc trường kỳ hành trình "Không có gì quí hơn Độc Lập, Tự Do", lại ra đời đúng lúc “Sen vừa trổ bông, cánh nhụy còn phong” tại một vùng quê, đẹp thay, cũng mang tên Kim Liên (Sen Vàng). Chính nhóm trùng hợp lịch sử, trùng hợp đời với sen đó, đã tạo thêm cho thơ một môi trường trữ tình rất thuận để khởi lên những cảm hứng dồi dào, những ý thơ đắc địa về Bác Hồ. Có cả một nguồn khai thác đến tận cùng từng chi tiết xoay quanh Sen. Thật tình tôi không khỏi ngạc nhiên một cách thú vị khi kể lại như thế này: Bông sen, hoa sen, búp sen, đóa sen, sen hồng, sen trắng, sen vàng, nhị sen, cánh sen, hương sen; đồng sen, đầm sen, ao sen, mùa sen, cho đến tranh sen, vầng sen, gió sen, mầm sen; và cả mầm - mống - sen, khả - năng - sen, sen loài người; rồi lại còn sen nở rộ, sen nở bừng, sen trổ bông, sen tỏa ngát, sen kết, sen soi đuốc, sen ngẩng nhìn, sen cột mốc hồng... Mà hầu như tất cả đều mang tính tượng trưng, tính ẩn dụ, tính biểu tượng và nhân cách hóa.
Tuy nhiên cũng có bài thơ không hề có tiếng "Sen" tiếng Bác, ấy thế nhưng qua giọng điệu, tâm huyết suy tư thế thái nhân tình gắn với danh tích Bến Nhà Rồng, với "một ngày đẹp nhất" (Ngày 19/5/1989), thì ta vẫn cảm thấy một ngọn gió đang thổi mùi hương đạo lý Sen - Cụ Hồ thấm đậm lòng ta, thậm chí có thể xốn xang gan ruột ta.
Bến xưa từng đợt sóng lành.
Một ngày đẹp nhất cho mình hôm nay.
Năm năm ta lại bến này.
Ngồi nghe sóng vỗ để suy nhân tình.
... Để xem trong cuộc phong trần.
Tâm linh có giữ được phần thanh cao?
... Để xem danh lợi trong vòng
Có còn giữ được trắng trong thuở nào?
Để xem khi bước lên lầu
Có còn nhớ thuở bên nhau mái nghèo?
Trong bài "Hương sen Tháp Mười" (Tháng 5 - 1991), Trần Thanh Đạm đã bình bài thơ "Năm năm ta lại bến này" của Bảo Định Giang, như sau "Ta thấy anh ngồi trầm tư nơi bến nước ngày xưa Bác đã ra đi, để nghe lòng tự hỏi lòng... Câu trả lời của nhà thơ hẳn nhiên là khẳng định. Mong mọi người đọc thơ anh cũng có câu trả lời như anh. Người già hay nói đạo lí, làm thơ đạo lí. Đôi khi bị người trẻ cười. Song cũng bất hạnh cho ai phải đợi đến tuổi già mới nghe, mới hiểu những điều đạo lí, khi đã quá muộn... Có những câu thơ của các nhà thơ đã giúp cho con người sống tốt cuộc đời mình, trong đó có những câu thơ của Bảo Định Giang. Thật vậy:
Tháp Mười sen nở bao mùa trước
Vẫn nở cho ai giữa Tết này
Một đóa sen đồng - lòng kính cẩn
Dâng Người - Xin gửi áng mây bay
Sen Kim Liên... Sen Tháp Mười... Sen nước Nam.
Sen của con người đẹp nhất đất nước vua Hùng, con người văn hóa nhân loại. Sen vĩnh hằng.
M.H
1990 - 1993
(TCSH55/05&6-1993)
Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.
LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.
Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.
(Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).
1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.
Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…
"Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.
(Trò chuyện trên Sông Hương)
Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.
PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…
Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)
Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN.
Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận: Lọt tai nghe suốt năm cung Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ: Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ?
Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học.
NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...