Thơ Huế lẽ nào không Huế

14:32 11/12/2008
PHẠM XUÂN NGUYÊNTrước hết tôi muốn phân định một khái niệm thơ Huế, ít nhất là trong bài viết này của tôi. Thơ Huế là một khái niệm tưởng cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thế nào là thơ Huế? Có phải đó là thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết. Mặc nhiên mọi người đều hiểu thế. Thơ viết về Huế thì có của người gốc Huế, người đang sống ở Huế và người ở khắp mọi nơi.

Thơ của người Huế viết thì không chỉ viết riêng về Huế mà viết đủ mọi đề tài, nhưng người Huế đây lại là người nào: người gốc Huế dù đang sống ở Huế hay đã xa Huế, người nơi khác nhưng đã sống hay đang sống ở Huế. Có lẽ là cả hai. Phân định thế này nghe có vẻ phân biệt quê hương bản quán, nhưng một tiêu chí rõ ràng lại là cần thiết khi làm một tuyển tập mang tên Thơ Huế để tránh hai cực: hoặc rộng quá thành vơ vào, hoặc hẹp quá thành đẩy ra. Khéo mà ở đây phải dùng thuyết tương đối của Albert Einstein, có rộng và hẹp. Thơ Huế rộng là thơ viết về Huế. Thơ Huế hẹp là thơ của người Huế viết. Mà như thế là vinh danh cho Huế, một vùng, một xứ thuộc số ít địa danh trên toàn cõi Việt rất nên thơ và có rất nhiều thơ. Trong bài này, tôi dùng “thơ Huế” với nghĩa là thơ viết về Huế, tức là thơ Huế rộng.

Huế đẹp và thơ! Thiên nhiên và lịch sử đã cho Huế một vị thế, một ý nghĩa để trở thành nguồn cảm xúc dồi dào cho nhiều thế hệ thi nhân. “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được / Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” (Nguyễn Thị Thanh Bình). Tất cả, có lẽ thế, thơ về Huế đều đã bị đóng khuôn, bị điều kiện hóa trong nội dung mà hai câu thơ trên đây diễn đạt. Thơ Huế đa cảm và đa tình. Thi liệu như đã thành cổ điển: sông Hương núi Ngự, lăng tẩm đền đài, nón trắng áo tím, ai bình. Có thể tuyển được những tập thơ về từng đặc điểm riêng của Huế, như thơ về lăng tẩm, thơ về sông Hương, thơ về mưa Huế, thơ về gái Huế. Thi cảm như đã thành khuôn: mộng mơ và buồn bã. Thi tứ như đã thành nếp: hoài niệm và trầm tư. Ai bước chân đến Huế cũng là mang tâm trạng Nguyễn Bính “Hôm nay có một người du khách, Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”. Bề dày và bề sâu lịch sử, văn hóa, tình cảm của một vùng đất cố đô đã tạo nên Huế thơ và khơi dòng thơ Huế rất định hình riêng biệt.

Bài thơ dưới đây của Huy Tập, một người quê gốc Nam Hà nhưng từng sống và làm việc ở Huế tôi dẫn ra như một thí dụ xem xét dưới góc độ thơ Huế bị quy định và ràng buộc thế nào bởi địa lý phong thủy tâm tình của một vùng đất.
Nếu như chẳng có sông Hương
Gửi tình cho Huế gửi thương nơi nào
Nếu như nước chẳng ngọt ngào
Áo em sao lại tím màu thủy chung
Nếu như chẳng có dòng sông
Câu thơ ai chở xuôi dòng Huế thơ
Nếu như nước chảy ngẩn ngơ
Câu thơ áo tím anh chờ Huế ơi
Ai qua Huế một lần thôi
Mang đi từ Huế ngọt lời nhớ thương
Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi
Thương màu tím Huế đầy vơi
Sông Hương xanh suốt những lời cho nhau
Nghĩa là, thơ Huế lẽ nào không Huế! Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. “Huế đẹp tưởng chừng không có thực” (Ngô Thế Oanh). Và thơ Huế chuyên chở cái “tưởng chừng” đó trong dạt dào cảm xúc lãng mạn u buồn sâu lắng nhẹ nhàng. Trong nhiều bài thơ về Huế có khá nhiều bài hay theo mạch cảm xúc này. Ngay hai câu thơ Thu Bồn phát hiện cái lững lờ của dòng Hương khiến đọc lên giật mình ngỡ ngàng “Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” rất hay, nhưng vẫn là trong mạch chảy của một điệu cảm.

Nhưng, thơ Huế lẽ nào không Huế.
Tôi nhớ có lần đã ngạc nhiên thích thú khi nghe ca sĩ đại ngàn Ymoan hát bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” theo kiểu rock. Bài hát vang lên trong một giai điệu tiết tấu khác lạ như nó vốn từng quen nghe đã cho tôi những khám phá, phát hiện mới, dẫu ca từ vẫn đã thuộc lòng. Gần đây, việc ca sĩ Thanh Lam “làm mới” những ca khúc Trịnh Công Sơn có gây những dư luận phản ứng khác nhau, nhiều phần là chê, nặng lời hơn thì bảo là phá nhạc Trịnh. Tôi thì nghĩ khác: ai cấm những thử nghiệm hát nhạc Trịnh khác cách lâu nay từng hát? Nói cách khác, ai quy định nhạc Trịnh là chỉ được hát theo một kiểu tạm gọi là à la Khánh Ly? Nghe Lam hát Trịnh tôi tưởng như thấy dòng Hương hiền hòa thoắt hóa “sông dài như một lưỡi gươm giữa trời” (“Trường giang như kiếm lập thanh thiên”) trong mắt nhìn của ngông sĩ họ Cao. Huế như nhạc Trịnh vậy, lâu nay bị “bắt chết” ở một góc nhìn, góc cảm. Thơ Huế, thơ về Huế, cần có những Chu Thần, những Thanh Lam để lạ hóa, để làm mới cách cảm, cách nhìn của một vùng đất, một vùng thơ.

Huế có sông An Cựu nắng đục mưa trong. Cái nghịch lý, ngược đời đó cũng là một nét tính cách Huế. Huế như là thống nhất của mâu thuẫn. Hay nói như nhà văn Túy Hồng một thời: “Huế của tôi không bao giờ khóc người đi và cũng chẳng bao giờ mừng người trở lại. Huế của tôi không yêu ai mà cũng chẳng phản bội ai. Huế thừa lẽ sống nhưng thiếu kẻ sống”. Dòng Hương Giang là dòng thơ làm bao thi nhân mộng mơ với điệu slow dịu êm của nó. Nguyễn Bính liên tưởng chuyện cung nữ mới thấy “Hai bờ hai cánh tay vua / Cung nga úp mặt làm thơ thất tình”. Dòng Hương thất tình này mãi đến Lê Thị Mây mới thấy lại khi nhà thơ nhìn đám mây trôi trên sông không phải chiếc áo, không phải tấm khăn quàng, mà là “mái tóc của cô gái trẫm mình”. Một nhớ chuyện xưa, một nói chuyện nay. Và dòng Hương của thi ca nhạc họa xứ Huế đã chảy theo một mạch khác. Mạch cảm xúc này tạo nên cái “không Huế”, phá bỏ cái lững lờ quen mòn áp cho sông, cho thơ lâu nay.
Hãy đọc bài thơ này của Phan Huyền Thư:

HUẾ

Đêm trườn dần vào sông Hương
tiếng hò vỡ dưới gầm Trườâng Tiền

Khúc Ai những cung phi goá bụa
chèo thuyền vớt xác mình trên sông

Nhất dạ quân vương đất thần kinh
người đi đi, làm thơ cho Huế tím
 
Tự phá vỡ đối xứng
bằng nón nghiêng
quang gánh lệch
                                    mắt nhìn ngang
Huế như nàng tiên câm
khóc thầm không nói.

Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ
lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt .

Đây là một Huế khác trong một cách nhìn, cách cảm khác của thơ. Bài thơ như một cuốn phim quay các góc độ Huế và rồi ống kính chiếu tập trung vào chỗ thắt, điểm lõm mà Huế được đặt vào trên dải đất hình chữ S. Huế trong bài thơ này là “nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt ”. Và thế là Huế đã được “lạ hóa”, Huế đã được đánh thức, Huế đã thành không Huế. Phải thế chăng mà bài thơ hay này cũng đã bị thành nhạy cảm khiến nó không được duyệt cho vào tập thơ đầu của tác giả (tập Nằm nghiêng), phải chờ thêm thời gian mới được đưa vào tập thơ sau (tập Rỗng ngực)? Chưa ai, tôi có nhầm chăng, nhìn Huế thành ra một bộ phận thân thể, mà lại là bộ phận nhạy cảm, như nữ thi sĩ này. Giống như dải đất Việt Nam hình chữ S, trong mắt thi sĩ chiến trận Trần Mạnh Hảo là “đất nước hình tia chớp”, trong mắt thi sĩ tình yêu Vi Thùy Linh là “dáng hình người đàn bà khuỵu chân ngửa mặt”, và trong mắt một thi sĩ khác là con đỉa bị cắt ngang bởi con sông vĩ tuyến thành hai nửa ngo nghoe tìm cách dính lại với nhau.

Vậy là ở đây có chuyện cách nhìn, cách cảm. Chuyện phải vượt thoát khỏi những khuôn mòn sáo cũ, những cliché, mà thơ dễ vướng vào do áp lực của truyền thống văn hóa, của đặc điểm một vùng đất. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã khái quát cái bất biến của cố đô miền Trung: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Chỉ có người thơ bằng cảm xúc và cái nhìn tươi mới của mình giúp Huế và người yêu Huế phát hiện ra những vẻ đẹp khác lạ đằng sau những cảnh vật di tích đã quen thuộc và mòn trơ. Vâng, đất đá tre gỗ là những thứ trơ. Lâu đài thành quách lăng tẩm là những vật trơ. Nhưng “những lăng tẩm như hoàng hôn níu lại đời quên lãng” (Thu Bồn) thì cái tham vọng của bậc đế vương đã hóa sự ngẫm ngợi phù du kiếp người. Vỹ Dạ thôn, ai cũng biết, trở thành một tâm tưởng cho người đến Huế là nhờ lời thơ của Hàn Mặc Tử. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” đến bây giờ vẫn là một nghi vấn, một lạ lùng, một khó hiểu, và một thơ, của Huế.
Thơ Huế lẽ nào không Huế?
Không Huế, như Tiếng chuông Thiên Mụ ngân day dứt, khắc khoải, tan hoang trong từng câu thơ Nhã Ca, một người con gái Huế. Trong thơ về Huế tôi ít thấy bài viết về chùa Thiên Mụ, mà viết như Nhã Ca thế này tôi lại thấy càng ít. Huế, với Nhã Ca, đã là một niềm nhớ, niềm đau.
Không Huế, như Cao Thoại Châu “trong khai sinh anh người hà nội” nhưng “theo em về huế” (1969) “bởi thương em nên phải về xứ nóng / xứ mưa dầm và cung cách trang nghiêm”, và:
bởi thương em nên phải vào thành nội
ngồi trên chỗ vua ngồi ngày xưa
đó là phút giây thành ngài ngự
và ngài ngự thân cô thế cô
trong một cõi cô đơn rất rộng
và ngài ngự đang giấu nỗi buồn
trong một chốn tù riêng của huế
ngài ngự muốn tập quen đứng đắn
tập sống bình thường cho bớt đau thương
Vẫn nói chuyện “làm vua” trong thành nội, nhưng mấy câu thơ sau đây của Cao Thoại Châu tôi muốn tách riêng ra như để nói riêng cho người làm thơ về Huế:
ngồi trên ngai vàng anh bắt đầu tập nói
những tiếng ni tiếng nớ lạ đời
như trẻ thơ đang ngồi trong nôi
tập nghe ngóng và gọi tên sự vật

Đập vỡ cái mặc định về Huế để tìm ra một Huế mới của hôm nay chứ không phải hôm qua, đó là trách nhiệm của thơ Huế hiểu theo nghĩa khái quát và bao trùm.
Thơ Huế lẽ nào không Huế, ở đây có một chấm than và một chấm hỏi.
Chấm than: Thơ Huế lẽ nào không mang nét Huế! - chuyện đó hiển nhiên.
Chấm hỏi: Thơ Huế lẽ nào không viết khác được về Huế khi Huế đã thành một đề tài yêu mến của nhiều thi nhân nước Việt có tài? Huế thơ vẫn còn đang chờ được đánh thức ở những bề sâu khác lạ của mình, giống như Huế di sản vật thể đang cố làm sống lại mình trong những phương diện khác lạ qua mỗi kỳ festival.
Hà Nội cuối tháng 5/2006
Huế đầu tháng 6/2006
     P.X.N

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.