Thơ Dự Thi Sông Hương 01-2003

09:51 27/04/2009
Thục Linh - Ngân Vịnh - Nguyễn Ngọc Phú - Hoàng Bình Trọng - Tôn Phong


THỤC LINH

Tiếng mõ đời người

Âm vọng trong tôi tiếng mõ đời người
Tiếng mõ dắt dìu lời kinh sám hối
Tôi lật hồn mình, run rẩy nhìn tội lỗi
Tiếng mõ thức cùng mẹ đêm sâu

Tôi trốn chính tôi tiếng mõ gọi trở về
Ngọn nến đỏ rỏ tàn đêm khắc khoải
Con chim lợn ném tiếng kêu đau nhói...
Lần theo tiếng mõ tôi vượt qua

Tôi ngủ quên trên cánh đồng ngàn hoa
Những cơn mơ rơi đầy tôi nhợt nhạt
Tôi hoảng sợ thấy bóng mình đi xa
Tiếng mõ dỗ tôi bằng hương thơm ngát

Tiếng mõ không là một niềm giải thoát
Tiếng mõ không là sự trói buộc
Tiếng mõ dắt tôi đi tìm tôi
Mắt mẹ vẫn sâu như bao đêm trước

Có thể là mẹ tôi đã khóc
Khi gõ cho tôi nghe tiếng mõ đời mình
Tung hê mọi lời kinh cứu rỗi
Tôi chạy theo tiếng mõ phía bình minh

NGÂN VỊNH

Đêm bên nghĩa trang Trường Sơn

Mười ngàn ngôi mộ giăng hàng
chiếc trăng gầy toả ánh vàng đêm thâu
chỉ vài ba thước đất nâu
mười ngàn người lính giống nhau chỗ nằm

Tựa lưng bờ núi xa xăm
tháng mười mưa đổ, tháng năm gió Lào
mỗi người lính mỗi ngôi sao
gửi vào im lặng ước ao cuộc đời

Trường Sơn còn đó một thời
bao trai gái dưới bom rơi mở đường
những người không tiếc máu xương
giờ không vướng vận trầm hương thử lòng

Mé rừng tiếng suối trong trong
hoa lau ngả trắng niềm mong vô bờ
dầm sương gót cỏ đợi chờ
nén nhang cháy đỏ khói mờ mịt bay

Đêm sui tôi đến nơi nầy
ngồi bên đồng đội mắt cay gió lùa

Thức khuya

Thức khuya như đã thành quen
vắng trăng được thể ngọn đèn
                                   khoả thân

Tình em ăn trộm đôi lần
bàn tay sấp ngửa vẫn cần vuốt ve
Gió đồng loã lạnh se se
dắt ngày chui tọt qua khe tay mình

Với không tới cái vô hình
Mõ khua rời rạc phía
                               Linh Ứng chùa

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Sau cửa chớp

Sau cửa chớp nhà tầng
Giấc mơ vỡ vụn về rơm rạ
Ai đó nói rằng: Ta nhớ mẹ
Mấy bậc cầu thang, mấy bậc cầu ao

Trên bàn thờ tổ tiên hoa nhựa, quả nhựa, ngọn đèn điện đỏ nhựa
Trong máy lạnh điều hoà hương trầm vẫn quẩn quanh
Ai đó nói rằng: Ta nhớ cỏ
Giữa kẽ nứt bức tường cỏ vẫn nhú mầm xanh

Cuốn gia phả cuộn tròn trong ống nứa
Như những nhánh cây phả bóng xuống cội nguồn
Ta quét bụi thời gian bằng chiếc chổi lông chim trên cánh chim men sứ
Tự đông cứng mình giữa những khối bê tông               

Đã lâu lắm không giật mình thức giấc
Tiếng gà xưa giờ xao xác trong hồn
Sau cửa chớp thuỷ tinh mình biến sắc
Ướp được chớp mắt mưa, được chớp giật cơn giông...

Đêm thuốc bắc

Tháng chạp chiết ra từ chiếc vòi ấm đất
Sương gió đi qua mẹ sao tẩm tháng ngày
Đêm ngai ngái vị mùi thuốc bắc

Xác lá khô xua đi cơn sốt
Khí huyết đất đai chưng cất tự bao đời
Đêm thuốc bắc chiết ra từ tháng chạp
Vòng Ngải Cứu mẹ tôi từng thắt
Những con chữ vuông mang
                   dấu ấn ruộng vườn
Mỗi ô cửa mở ra như ô thuốc...

HOÀNG BÌNH TRỌNG

Tiếng hát

Có tiếng hát thơm lừng sữa mẹ
Đến tìm ta cánh võng gốc bần
Ta ngơ ngác quay về tấm bé
Trong âu ờ
mẫu tử tình thâm

Có tiếng hát rộng dài đất nước
Hành quân xa. Ký ức dậy
bồi hồi
Tình đồng đội một thời trận mạc
Ta mang về sưởi ấm cõi đơn côi

Có tiếng hát mặn đầm nước mắt
Ta chờ nhau đâu tiếc
tháng ngày xanh
Em ngã xuống.
Bài ca hi vọng
Ngày khải hoàn hoá đá
trái tim anh

Ôi tiếng hát những miền
thương nhớ
Dắt tay qua mấy nắng lửa
mưa dầu
Lời còn đó, nỗi niềm còn đó
Người xa rồi tiếng hát vẫn
tìm nhau

TÔN PHONG

Gặp Huế trong mưa

Tôi về gặp Huế trong mưa
trời lâm thâm tối giữa trưa  kinh thành
Phố phường lả chả xây quanh
tôi thèm một thoáng nắng hanh
                                                   chỗ ngồi

Dòng Hương dìu sóng đỗ xuôi
còn tôi lách ngược tìm thời xưa xa
Cây bằng lăng gội tím hoa
còn tôi ai gội mà tà sắc xuân

Lờ mờ áng Ngự phân vân
hàng thông va đập mấy lần gió lên
Thiên An soi mặt nước dềnh
bóng tôi khuất giữa cơn duềnh sóng lay

Mai sau còn một chút này
thoát từ cung bậc làm say lòng người
"Nước non ngàn dặm... đò xuôi
câu ca bàng bạc vùng trời Huyền Trân

167/01-03

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Lynh Bacardi, tên thật là Phạm Thị Thùy Linh, sinh ngày 03/04/1981. Làm thơ, viết văn, đồng thời là một dịch giả chưa từng học qua trường lớp chính quy nào. Đến với thơ văn từ năm 2003, Lynh Bacardi không ngừng nỗ lực cách tân và đã tạo cho mình một lối viết đầy bản sắc trong thế hệ trẻ luôn có ý hướng cách tân hiện nay. Thế mạnh của Lynh chính là sự vượt thoát trong tư tưởng, dám bội ước với lối thi pháp truyền thống và nói lên được những khát vọng của giới nữ.

  • Tần Hoài Dạ Vũ - Nguyễn Thanh Mừng - Phạm Nguyên Tường - Nguyễn Nguyên An - Lãng Hiển Xuân - Trần Tịnh Yên - Nhất Lâm - Nguyễn Đông Nhật - Trương Văn Nhân - Miên Di - Nguyễn Lãm Thắng - Huỳnh Thúy Kiều - Ngàn Thương - Hoàng Cát - Đức Sơn - Lệ Thu - Hồng Vinh - Ngô Thiên Thu - Lưu Ly - Ngô Công Tấn - Nguyễn Minh Khiêm - Nguyễn Khắc Thạch - Nguyễn Thường Kham - Từ Hoài Tấn - Nguyên Tiêu - Phan Lệ Dung - Phan Trung Thành - Tôn Phong - Trần Áng Sơn - Lê Ngã Lễ - Trần Vạn Giã - Từ Nguyễn


  • HOÀNG NGỌC QUÝ


  • NGÔ ĐÌNH HẢI

  • Đinh Thu - Nguyễn Văn Thanh - P.n.thường Đoan - Trần Nhuận Minh - Trọng Hướng - Lâm Anh - Đoàn Mạnh Phương - Đỗ Hàn - Trần Phương Kỳ - Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Loan - Triệu Nguyên Phong - Kiều Trung Phương - Nguyễn Thiền Nghi - Hồ Đắc Thiếu Anh - Vạn Lộc - Nguyễn Đạt - Trường Thắng - Lê Nguyễn - Trịnh Bửu Hoài

  • LTS: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 có ý nghĩa lớn là làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến.

  • Nguyễn Tùng Linh - Lê Thị Mây - Phạm Sông Hồng - Y Phương  - Thuận Vi - Nguyễn Khắc Thạch - Đặng Thị Vân Khanh


  • NGUYỄN THỤY KHA

  • Hoàng Anh Tuấn - Ngọc Tuyết - Nguyễn Thánh Ngã - Khaly Chàm - Mai Văn Hoan - Võ Văn Luyến - Vũ Kim Liên - Lê Vy Thủy

  • LGT: Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap - làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.


  • NGUYỄN MINH KHIÊM

  • Vĩnh Nguyên - Phan Hoàng - Lê Hưng Tiến - Miên Di - Phan Thành Minh - Viên Chính - Kinh Thượng - Trần Thị Phương Lài - Văn Nhân

  • Nguyễn Tất Hanh, sinh ngày 17/2/1954; Quê quán: Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng. Với anh “Nghệ thuật là khó khăn, đòi hỏi người sáng tạo phải tốn nhiều công sức. Nó không phải cuộc dạo chơi mà là sự kiếm tìm, có thể hôm nay bội thu ngày mai lại mất mùa nhưng với tôi - sự hướng tới cái đẹp thì không bao giờ ngừng”.