Nhà thơ Đông Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái
Thiên nhiên và con người là hai đề tài rất quen thuộc trong văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Cuộc sống tự nhiên dù xoay vần đến đâu thì thiên nhiên và con người vẫn là hai chủ thể trung tâm của vũ trụ. Vì vậy, đề cập đến cuộc sống văn chương, thiên nhiên và con người xuất hiện là một lẽ tất yếu. Thiên nhiên và con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường như một lẽ tự nhiên nhưng vẫn khoác cho mình sắc thái và phong cách riêng biệt. Điều đầu tiên người đọc dễ dàng nhận ra, đó là sự hòa điệu. Đây cũng chính là sự thừa hưởng một phong cách cổ văn theo tư tưởng triết lý phương Đông “Thiên nhân cảm ứng”. Con người phương Đông khác với phương Tây, nặng về cái “ta”, về sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên, vũ trụ. Thế đối xứng trong quan niệm người phương Đông chính là sự tương hợp giữa Nhân - Thiên - Địa. Văn chương từ xưa đã rất nặng về mối quan hệ này. Thiên nhiên trong văn thơ xưa thường được biểu trưng qua mây hoa tuyết nguyệt, trúc mai đào liễu. Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa hưởng tư tưởng triết lý cổ nhân nhưng đã phả vào cái hồn mới của văn học hiện đại. Thiên nhiên trong tác phẩm của anh chân thật, sinh động như vừa được bóc ra từ cuộc sống để dán vào trang viết chứ không đơn thuần là sự tinh lọc đến khuôn phép như thi ca xưa. Anh viết về thiên nhiên thật tự nhiên, những gì anh bắt gặp, những gì anh chợt thấy đã để lại những dấu ấn trong tâm trí anh thì buộc phải nói ra như một lời giãi bày, một lời phân ưu giữa cuộc sống. Trong tác phẩm của anh vì vậy có thể được đời sống của những lưu vực dòng sông, nghe được từng hơi thở của đời cây đời cỏ, ngửi được mùi hương của hoa lá và đau cùng tiếng kêu của những con chim bị trúng thương bởi tiếng súng của những kẻ bất tâm. Mỗi tác phẩm như một đời sống thiên nhiên thu nhỏ, được nhà văn miêu tả thật hồn nhiên, không một chút màu mè gượng gạo. Thiên nhiên và con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa quyện vào nhau, rồi đôi lúc lại tách ra thành hai người bạn đồng hành. Nếu nói rằng nhà văn muốn lấy thiên nhiên làm chủ thể cũng đúng, con người làm chủ thể cũng không sai và thiên nhiên cùng con người tạo thành chủ thể cũng quá ư chính xác. Ở tác phẩm này thiên nhiên trở thành một đối tượng được nhà văn miêu tả riêng biệt, ở tác phẩm kia con người lại được ngòi bút ưu ái đề cập đến mọi ngõ ngách sâu xa của tâm hồn. Và đâu đó ở những trang viết khác, con người cùng thiên nhiên lại gộp chung trong một vấn đề nào đó được nhà văn phân tích mổ xẻ bao giờ không hay. Viết về hai đề tài này không mới nhưng Hoàng Phủ đã tạo ra được nhiều cái lạ, độc đáo trong văn phong riêng. Anh biết tìm đến cội nguồn của thiên nhiên để hiểu thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần chiêm ngưỡng những gì mà trời đất ưu đãi. Khi viết về một điều gì đấy của thiên nhiên anh luôn có một sự giải thích đến nguồn cội của nó. Từ một dòng sông với câu hỏi thắc tha thắc thỏm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đến những cánh rừng trên thung lũng A Sầu. Một ngọn núi mang nhiều ảo ảnh huyền thoại Bạch Mã. Một thành phố riêng của “nhân loại tím”, những con đường có hàng cây gọi mùa chim di trú… tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vừa rộng rãi lại vừa sâu sắc. Hoàng Phủ viết về tất cả mọi cái tồn tại trong thiên nhiên nhưng giọng văn khéo léo khiến người đọc không tìm ra một chút xao nhãng bừa bãi của chữ nghĩa. Thiên nhiên Huế sinh ra vốn đã có một sự quyến rũ đầy thơ mộng. Đó là một quần thể văn hóa với những đền đài lăng tẩm, những kiến trúc nguy nga tráng lệ và sự hài hòa cân bằng độc đáo. Hoàng Phủ đã biết tận dụng những ưu đãi tạo hóa đã phú cho Huế để khêu lên thành cái hay, cái hoàn bích trong văn chương của mình. Văn phong anh lắm điều ẩn dụ. Nó như đi từ cảnh sắc này sang nơi bài trí khác, dẫn dắt người đọc lang thang giữa một vườn thiên nhiên hấp dẫn, đầy khuyến dụ và đam mê. Nói về sông Hương như sản vật gia bảo của Huế, anh tường tận đến nơi con sông sinh ra và những chặng đường dòng sông đã đi qua để lớn lên và trở về với biển cả: “…giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái digan phóng khoáng và man dại… ” để khi về lại thành phố, qua những khúc quanh tự nhiên cơ hồ như thân phận cuộc đời, dòng sông dịu dàng “…uốn một cánh cung rất nhẹ…” “như một tiếng “Vâng” không nói ra của tình yêu…”. Nhà văn miêu tả thiên nhiên, miêu tả dòng sông mà như khắc họa nơi sâu nhất tâm lý dòng sông, cơ hồ thiên nhiên cũng có trái tim như con người vậy. Phải chăng nhà văn đã khéo léo đánh tráo trái tim của kẻ đa cảm vào lồng ngực dòng sông, tạo cho con sông thiên nhiên trở thành một kiều nữ đất cố đô. Viết về thiên nhiên Huế không chỉ riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường mà biết bao nhiêu nhà thơ nhà văn đã chạm ngoài bút vào tâm hồn Huế. Một Hàn Mặc Tử khắc khoải trong nỗi ngóng trông “Sao anh không về chơi thôn Vỹ”. Một Thu Bồn da diết bâng khuâng trong cách hiểu sâu sắc “con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” Và Dương Phước Thu với tập ký “Dòng sông nắng đục mưa trong” cũng đã hiến cho bạn đọc đôi điều về cảnh sắc Huế. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”… Rất nhiều nữa là đằng khác. Cứ như từ xa xưa lắm, Huế đã sinh ra cho thi ca vậy. Mà khi bước vào ký Hoàng Phủ, thiên nhiên Huế như chợt vừa được đánh thức trước cái đẹp đơn sơ nhưng rất đỗi ngỡ ngàng. Một ngọn cỏ một lá cây, một cánh hoa tàn và một thanh âm chưa rõ từ đâu vọng lại cũng tạo nên một thiên nhiên Huế đắm say trong ký của anh. Bằng lối viết nhiều ẩn dụ như thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hướng người đọc một cái nhìn về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người trong tác phẩm của anh không hề bị khiên cưỡng. Nhân vật trong ký không nhiều. Một tác phẩm thường chỉ một hay hai nhân vật (rất ít khi xuất hiện số đông) nhưng Hoàng Phủ đã biết tiếp cận nhân vật ở nơi sâu nhất của thế giới tâm hồn giúp người đọc thấy được nét riêng trong mỗi cái tên, mỗi gương mặt. Con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ không phải để giới thuyết về một cuộc đời trong cõi sống mà qua cách sống, qua đời sống của họ. Những nhân vật cụ thể được đưa ra từ cuộc sống có thật nhưng đã được nhà văn chọn một góc độ thích hợp nhất để tiếp cận nên không có cảm giác gượng gạo hay phô bày. Họ bước vào tác phẩm một cách hồn nhiên chân thật nhất. Xuất hiện bên cạnh thiên nhiên, con người làm rạng rỡ thiên nhiên và thiên nhiên dường như cũng nói hộ con người những gì khó bộc bạch. Khác với con người khảng khái “ăn sóng nói gió” trong ký Nguyễn Tuân, con người trong ký Hoàng Phủ như rẽ hoa lá mà bước ra. Xuất hiện thật nhẹ nhàng, từng gương mặt hiện lên đủ các cung bậc: là người chiến sỹ (Rất nhiều ánh lửa, Chiếc Panhxô và khẩu súng của Trường), người phụ nữ yêu nước (Hoa trái quanh tôi), người con trai dân tộc đậm đà chất phác (Đời rừng), chàng nghệ sỹ lãng du tài hoa (Như con sông từ nguồn ra biển)… Đặc biệt với Hoàng Phủ, những nhân vật của anh không bước vào tác phẩm ngay từ đầu trang viết mà qua sự dẫn dắt của tác giả từ nơi họ tồn tại, từ thiên nhiên đang tạo dựng xung quanh họ, như một tấm bình phong cho những nhân vật đó đứng lên. Có một điều cần nói khi đề cập đến hệ thống nhân vật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, ấy là con người xuất hiện không nhằm đưa theo một loạt những tình tiết, tiểu tiết để tạo dựng thành một điểm riêng nổi bật nào đó. Tất cả cứ lặng lẽ nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức thuyết phục người đọc dành cho họ một nét suy nghĩ riêng khó trộn lẫn vào ai mà lại không xa lạ với những con người xung quanh. Những nhân vật bình dị ấy nếu cần họ có thể đại diện cho một mẫu người, một lớp người hay cả một thế hệ. Thiên nhiên trong ký Hoàng Phủ không xuất hiện tượng trưng cho một bức tranh mà đó là lời thủ thỉ tâm sự của con người hòa lẫn và đồng điệu cùng thiên nhiên. Những tên đất tên người cụ thể không làm mất đi sự thi vị hóa trong ký của anh mà ngược lại dưới cách thể hiện bằng độ mờ hóa bao phủ của óc liên tưởng tài tình, thiên nhiên càng lộng lẫy và con người thêm hoành tráng. Chính điều này khiến tác phẩm anh đạt được giá trị cao khi viết về đề tài quen thuộc. Đặc điểm nữa tạo nên một thiên nhiên và con người riêng của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đó là chất Thiền đã ngấm vào trong từng hơi thở của những gì đã chảy ra dưới ngòi bút của nhà văn. Những gì anh đưa đến cho người đọc không tạo cảm giác choáng ngợp mà nó nhẹ nhàng len lỏi tạo thành sức thuyết phục của cái đẹp trong chiều sâu tâm tưởng. Chiêm ngưỡng thiên nhiên và thần phục con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ bằng trực giác mà phải vận dụng đến độ sâu của tâm hồn mới thấu đáo hết các ngõ ngách giá trị thẩm mỹ và nhân bản. Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện tất cả những mặt của cuộc sống. Anh viết nhiều đề tài khác nhau. Đó có thể là chiến tranh, là sự đấu tranh của bản thân khi đứng ngoài nhìn vào cuộc chiến, cũng đôi khi là những người bạn đồng chí cách mạng cùng vài mối tình lãng mạn nên thơ, hay sự cam go của ngày thường ngoài đảo… Rất nhiều nhưng đặc biệt nổi trội vẫn là thiên nhiên và con người Huế. Ở đó có sự quy tụ của một tổng thể bản sắc văn hóa riêng của một vùng đất kinh thành. Đ.H (264/2-11) |
PHẠM TẤN XUÂN CAO
Sự phát triển của nghệ thuật là sự phát triển của sự trừu tượng, và sự phát triển của sự trừu tượng là sự di chuyển vào trong một thứ ngôn ngữ vô hình.
(Ian Wilson)
LÊ TỪ HIỂN
NGUYỄN HUY THIỆP
Khi gặp nhiều nhà văn ở ta, tôi thường ngạc nhiên trước thái độ khinh bạc của họ với lý luận phê bình văn học. Tôi không thích thái độ khinh bạc ấy, mặc dù thái độ ấy của họ có thể giải thích được.
VÕ CÔNG LIÊM
Giữa vô thức của thiền và vô thức của khoa phân tâm triết học, hẳn có những điểm khác biệt rõ rệt. Bởi Thiền Phật giáo (Zen Buddhism) mang nặng tính chất vô thức (unconscious) nhưng thực chất là hữu thức.
TIMOTHY STEELE
Năm 1930, một nhà báo hỏi Mahatma Gandhi rằng ông nghĩ gì về văn minh cận đại, nhà lãnh đạo tinh thần, triết gia chính trị vĩ đại này trả lời, “Đấy là một ý kiến hay.”
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
PTS NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (năm 1987) đã nêu lên những tư tưởng cơ bản cực kỳ quan trọng về bản chất của văn học, đặc thù của sáng tạo và tiếp nhận văn học... nhằm “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”.
ĐỖ ĐỨC HIỂU
“Đọc văn chương” là một khoa học. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần có nhiều cách ứng xử trước tác phẩm văn chương.
ĐỖ LAI THÚY
"Thế hệ nhà văn sau 75” thường được dùng như một (cụm) từ - chìa khóa để mở vào nghiên cứu các nhà văn, rộng ra cả văn học, từ sau 1975 đến.
VĂN THÀNH LÊ
Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê quen leo đồi lội ruộng, chơi đủ trò trên đồng dưới bãi, tôi còn bày đặt ngẩn ngơ chế những câu có vần có vè cho lũ bạn mục đồng cùng đọc lên chọc lỗ nhĩ chơi.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Mở đầu bài viết này, chúng tôi xin nói đến hai sự kiện văn học diễn ra gần đây.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Chúng ta có thể nghĩ, hiểu và làm văn học theo cách riêng mà mỗi cá nhân có thể tạo lập và mục đích cuối cùng là phụng hiến cho nền văn học với những giá trị phổ quát.
NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ
Cho đến năm 2013, tôi mới bắt đầu chính thức cầm bút. Tôi miệt mài viết trong 3 năm liền, giống như một cuộc chơi càng viết càng đam mê, có lúc cảm chừng như không đủ thời gian còn lại để viết tất cả những gì mình muốn, song hành cả thơ và truyện ngắn với lối sử dụng bút pháp đa dạng, khi tả thực, khi tượng trưng, lúc huyền ảo, thơ cũng như truyện.
TRU SA
Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ theo văn chương. Trước đây là thế và bây giờ vẫn vậy, những gì tôi làm chỉ là viết xuống giấy những thứ sinh sôi trong cơ thể mình.
TRẦN BĂNG KHUÊ
Với văn chương, tôi không biết phải nói về nó như thế nào, về việc bén duyên, hay hoàn cảnh thôi thúc tôi đến với nó. Những ý niệm này, có đôi lần tôi đã lẩn thẩn nghĩ đến, thỉnh thoảng băn khoăn một chút, rồi thì mọi sự dường như diễn tiến theo một cách nào đó tôi cũng không nắm bắt được nữa. Tự nhiên nhi nhiên vậy.
Như thường lệ, vào số báo đầu năm mới, Sông Hương giới thiệu đến quý bạn đọc những tiếng nói của các cây bút trẻ. Đó là những tiếng nói đầy nhiệt huyết trong khu vườn sáng tạo. Những tiếng nói ấy chứa đựng trong mình biết bao khát vọng cất tiếng, khát vọng cách tân để đưa nghệ thuật làm tròn bổn phận của nó: Làm ra cái mới.
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
Sau đổi mới, năm 1986, Việt Nam tăng tốc mở rộng kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến cho môi trường bị biến đổi.
NGUYỄN QUANG HUY
Truyện Nôm bác học đã và đang được quan tâm soi chiếu từ nhiều hướng, nhiều phương pháp. Trong quá trình quan sát và khảo tả, phân tích đối tượng này, chúng tôi thấy có sự lặp lại đáng chú ý hiện tượng thân phận con người.