Thiên nhiên và con người Huế trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

15:33 28/02/2011
ĐÔNG HÀVăn chương bắt nguồn từ cuộc sống. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, mỗi trang viết của anh là một sự khởi nguyên rất chân thật. Không thiên về lối miêu tả nhưng bằng cặp mắt tinh tế sắc sảo của mình, Hoàng Phủ đã “nói” về cuộc sống từ những tinh chất của thiên nhiên và con người Huế đọng lại dưới ngòi bút của anh.

Nhà thơ Đông Hà - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Thiên nhiên và con người là hai đề tài rất quen thuộc trong văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Cuộc sống tự nhiên dù xoay vần đến đâu thì thiên nhiên và con người vẫn là hai chủ thể trung tâm của vũ trụ. Vì vậy, đề cập đến cuộc sống văn chương, thiên nhiên và con người xuất hiện là một lẽ tất yếu.

Thiên nhiên và con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường như một lẽ tự nhiên nhưng vẫn khoác cho mình sắc thái và phong cách riêng biệt. Điều đầu tiên người đọc dễ dàng nhận ra, đó là sự hòa điệu. Đây cũng chính là sự thừa hưởng một phong cách cổ văn theo tư tưởng triết lý phương Đông “Thiên nhân cảm ứng”. Con người phương Đông khác với phương Tây, nặng về cái “ta”, về sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên, vũ trụ. Thế đối xứng trong quan niệm người phương Đông chính là sự tương hợp giữa Nhân - Thiên - Địa. Văn chương từ xưa đã rất nặng về mối quan hệ này. Thiên nhiên trong văn thơ xưa thường được biểu trưng qua mây hoa tuyết nguyệt, trúc mai đào liễu. Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa hưởng tư tưởng triết lý cổ nhân nhưng đã phả vào cái hồn mới của văn học hiện đại. Thiên nhiên trong tác phẩm của anh chân thật, sinh động như vừa được bóc ra từ cuộc sống để dán vào trang viết chứ không đơn thuần là sự tinh lọc đến khuôn phép như thi ca xưa. Anh viết về thiên nhiên thật tự nhiên, những gì anh bắt gặp, những gì anh chợt thấy đã để lại những dấu ấn trong tâm trí anh thì buộc phải nói ra như một lời giãi bày, một lời phân ưu giữa cuộc sống. Trong tác phẩm của anh vì vậy có thể được đời sống của những lưu vực dòng sông, nghe được từng hơi thở của đời cây đời cỏ, ngửi được mùi hương của hoa lá và đau cùng tiếng kêu của những con chim bị trúng thương bởi tiếng súng của những kẻ bất tâm. Mỗi tác phẩm như một đời sống thiên nhiên thu nhỏ, được nhà văn miêu tả thật hồn nhiên, không một chút màu mè gượng gạo.

Thiên nhiên và con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa quyện vào nhau, rồi đôi lúc lại tách ra thành hai người bạn đồng hành. Nếu nói rằng nhà văn muốn lấy thiên nhiên làm chủ thể cũng đúng, con người làm chủ thể cũng không sai và thiên nhiên cùng con người tạo thành chủ thể cũng quá ư chính xác. Ở tác phẩm này thiên nhiên trở thành một đối tượng được nhà văn miêu tả riêng biệt, ở tác phẩm kia con người lại được ngòi bút ưu ái đề cập đến mọi ngõ ngách sâu xa của tâm hồn. Và đâu đó ở những trang viết khác, con người cùng thiên nhiên lại gộp chung trong một vấn đề nào đó được nhà văn phân tích mổ xẻ bao giờ không hay. Viết về hai đề tài này không mới nhưng Hoàng Phủ đã tạo ra được nhiều cái lạ, độc đáo trong văn phong riêng. Anh biết tìm đến cội nguồn của thiên nhiên để hiểu thiên nhiên chứ không chỉ đơn thuần chiêm ngưỡng những gì mà trời đất ưu đãi. Khi viết về một điều gì đấy của thiên nhiên anh luôn có một sự giải thích đến nguồn cội của nó. Từ một dòng sông với câu hỏi thắc tha thắc thỏm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đến những cánh rừng trên thung lũng A Sầu. Một ngọn núi mang nhiều ảo ảnh huyền thoại Bạch Mã. Một thành phố riêng của “nhân loại tím”, những con đường có hàng cây gọi mùa chim di trú… tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vừa rộng rãi lại vừa sâu sắc. Hoàng Phủ viết về tất cả mọi cái tồn tại trong thiên nhiên nhưng giọng văn khéo léo khiến người đọc không tìm ra một chút xao nhãng bừa bãi của chữ nghĩa.

Thiên nhiên Huế sinh ra vốn đã có một sự quyến rũ đầy thơ mộng. Đó là một quần thể văn hóa với những đền đài lăng tẩm, những kiến trúc nguy nga tráng lệ và sự hài hòa cân bằng độc đáo. Hoàng Phủ đã biết tận dụng những ưu đãi tạo hóa đã phú cho Huế để khêu lên thành cái hay, cái hoàn bích trong văn chương của mình. Văn phong anh lắm điều ẩn dụ. Nó như đi từ cảnh sắc này sang nơi bài trí khác, dẫn dắt người đọc lang thang giữa một vườn thiên nhiên hấp dẫn, đầy khuyến dụ và đam mê. Nói về sông Hương như sản vật gia bảo của Huế, anh tường tận đến nơi con sông sinh ra và những chặng đường dòng sông đã đi qua để lớn lên và trở về với biển cả: “…giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái digan phóng khoáng và man dại… ” để khi về lại thành phố, qua những khúc quanh tự nhiên cơ hồ như thân phận cuộc đời, dòng sông dịu dàng “…uốn một cánh cung rất nhẹ…” “như một tiếng “Vâng” không nói ra của tình yêu…”. Nhà văn miêu tả thiên nhiên, miêu tả dòng sông mà như khắc họa nơi sâu nhất tâm lý dòng sông, cơ hồ thiên nhiên cũng có trái tim như con người vậy. Phải chăng nhà văn đã khéo léo đánh tráo trái tim của kẻ đa cảm vào lồng ngực dòng sông, tạo cho con sông thiên nhiên trở thành một kiều nữ đất cố đô.

Viết về thiên nhiên Huế không chỉ riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường mà biết bao nhiêu nhà thơ nhà văn đã chạm ngoài bút vào tâm hồn Huế. Một Hàn Mặc Tử khắc khoải trong nỗi ngóng trông “Sao anh không về chơi thôn Vỹ”. Một Thu Bồn da diết bâng khuâng trong cách hiểu sâu sắc “con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” Và Dương Phước Thu với tập ký “Dòng sông nắng đục mưa trong” cũng đã hiến cho bạn đọc đôi điều về cảnh sắc Huế. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”… Rất nhiều nữa là đằng khác. Cứ như từ xa xưa lắm, Huế đã sinh ra cho thi ca vậy. Mà khi bước vào ký Hoàng Phủ, thiên nhiên Huế như chợt vừa được đánh thức trước cái đẹp đơn sơ nhưng rất đỗi ngỡ ngàng. Một ngọn cỏ một lá cây, một cánh hoa tàn và một thanh âm chưa rõ từ đâu vọng lại cũng tạo nên một thiên nhiên Huế đắm say trong ký của anh.

Bằng lối viết nhiều ẩn dụ như thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hướng người đọc một cái nhìn về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người thật nhẹ nhàng, cảm nhận những nét đẹp về con người trong tác phẩm của anh không hề bị khiên cưỡng. Nhân vật trong ký không nhiều. Một tác phẩm thường chỉ một hay hai nhân vật (rất ít khi xuất hiện số đông) nhưng Hoàng Phủ đã biết tiếp cận nhân vật ở nơi sâu nhất của thế giới tâm hồn giúp người đọc thấy được nét riêng trong mỗi cái tên, mỗi gương mặt. Con người xuất hiện trong ký Hoàng Phủ không phải để giới thuyết về một cuộc đời trong cõi sống mà qua cách sống, qua đời sống của họ. Những nhân vật cụ thể được đưa ra từ cuộc sống có thật nhưng đã được nhà văn chọn một góc độ thích hợp nhất để tiếp cận nên không có cảm giác gượng gạo hay phô bày. Họ bước vào tác phẩm một cách hồn nhiên chân thật nhất.

Xuất hiện bên cạnh thiên nhiên, con người làm rạng rỡ thiên nhiên và thiên nhiên dường như cũng nói hộ con người những gì khó bộc bạch. Khác với con người khảng khái “ăn sóng nói gió” trong ký Nguyễn Tuân, con người trong ký Hoàng Phủ như rẽ hoa lá mà bước ra. Xuất hiện thật nhẹ nhàng, từng gương mặt hiện lên đủ các cung bậc: là người chiến sỹ (Rất nhiều ánh lửa, Chiếc Panhxô và khẩu súng của Trường), người phụ nữ yêu nước (Hoa trái quanh tôi), người con trai dân tộc đậm đà chất phác (Đời rừng), chàng nghệ sỹ lãng du tài hoa (Như con sông từ nguồn ra biển)… Đặc biệt với Hoàng Phủ, những nhân vật của anh không bước vào tác phẩm ngay từ đầu trang viết mà qua sự dẫn dắt của tác giả từ nơi họ tồn tại, từ thiên nhiên đang tạo dựng xung quanh họ, như một tấm bình phong cho những nhân vật đó đứng lên.

Có một điều cần nói khi đề cập đến hệ thống nhân vật trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, ấy là con người xuất hiện không nhằm đưa theo một loạt những tình tiết, tiểu tiết để tạo dựng thành một điểm riêng nổi bật nào đó. Tất cả cứ lặng lẽ nhẹ nhàng nhưng lại đủ sức thuyết phục người đọc dành cho họ một nét suy nghĩ riêng khó trộn lẫn vào ai mà lại không xa lạ với những con người xung quanh. Những nhân vật bình dị ấy nếu cần họ có thể đại diện cho một mẫu người, một lớp người hay cả một thế hệ.

Thiên nhiên trong ký Hoàng Phủ không xuất hiện tượng trưng cho một bức tranh mà đó là lời thủ thỉ tâm sự của con người hòa lẫn và đồng điệu cùng thiên nhiên. Những tên đất tên người cụ thể không làm mất đi sự thi vị hóa trong ký của anh mà ngược lại dưới cách thể hiện bằng độ mờ hóa bao phủ của óc liên tưởng tài tình, thiên nhiên càng lộng lẫy và con người thêm hoành tráng. Chính điều này khiến tác phẩm anh đạt được giá trị cao khi viết về đề tài quen thuộc.

Đặc điểm nữa tạo nên một thiên nhiên và con người riêng của ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đó là chất Thiền đã ngấm vào trong từng hơi thở của những gì đã chảy ra dưới ngòi bút của nhà văn. Những gì anh đưa đến cho người đọc không tạo cảm giác choáng ngợp mà nó nhẹ nhàng len lỏi tạo thành sức thuyết phục của cái đẹp trong chiều sâu tâm tưởng. Chiêm ngưỡng thiên nhiên và thần phục con người trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ bằng trực giác mà phải vận dụng đến độ sâu của tâm hồn mới thấu đáo hết các ngõ ngách giá trị thẩm mỹ và nhân bản.

Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện tất cả những mặt của cuộc sống. Anh viết nhiều đề tài khác nhau. Đó có thể là chiến tranh, là sự đấu tranh của bản thân khi đứng ngoài nhìn vào cuộc chiến, cũng đôi khi là những người bạn đồng chí cách mạng cùng vài mối tình lãng mạn nên thơ, hay sự cam go của ngày thường ngoài đảo… Rất nhiều nhưng đặc biệt nổi trội vẫn là thiên nhiên và con người Huế. Ở đó có sự quy tụ của một tổng thể bản sắc văn hóa riêng của một vùng đất kinh thành.

Đ.H
(264/2-11)







Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Những trang sách này thể hiện nỗ lực nhìn và làm cho nhìn thấy Con người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt Con người vào khung cảnh của những hiện tượng bề ngoài, một cách toàn diện và triệt để. (Pierre Teilhard de Chardin).

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Chúng ta đi tìm trong thơ tiếng nói của chính mình. Chúng ta nói trong những ước thúc chặt chẽ của ngôn ngữ và âm nhạc. Chúng ta nói chúng một cách tự do.

  • PHẠM TUẤN VŨ

    Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, địa danh không chỉ xuất hiện với số lượng lớn, tần số cao, mật độ đồng đều mà còn đem lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng.

  • NGUYỄN HỒNG DŨNG

    Tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các nhà nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam, buộc họ phải có những cách thức nhìn nhận, soi xét từ những hướng nghiên cứu chưa có tiền lệ.

  • ĐỖ QUYÊN   

    Chè ngon, nước chát xin mời
    Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.

                            (Ca dao) 

  • KHẾ IÊM  

    Lâu nay, thơ Tân hình thức ít khi nhận được những góp ý rõ ràng, thẳng thắn, để mở ra những thảo luận, làm sáng tỏ thắc mắc của bạn đọc.

  • PHẠM TẤN XUÂN CAO

    Mọi câu chuyện vĩ đại, về cơ bản, là một sự phản tư lên chính nó chứ không phải là một sự phản tư về thực tại.
                Raymond Federman
    Đối tượng mỹ học thuộc về cái tinh thần nhưng lại có cơ sở của nó ở trong cái có thực
                Roman Ingarden

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG 

    Ngôn ngữ thơ ca thức dậy mỗi ngày. Ngôn ngữ ấy nuôi dưỡng tình yêu của con người đối với thiên nhiên, sự hiểu biết và nối kết của họ, và một khả năng như thế có thể mạnh hơn những tàn phá đang xảy ra.

  • ĐẶNG ANH ĐÀO

    Đã từng có một cô gái Huế trong thơ, có lẽ không một địa phương nào, đặc biệt là chốn đô thị kinh kỳ nào lại có thể in hình người phụ nữ của mình vào thơ đậm đến thế.

  • NGUYỄN VĂN HÙNG   

    Từ biểu tượng văn hóa, chó đã trở thành đề tài, cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn học, với sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc về thế giới loài vật, các nhà văn đã sáng tạo nên những hình tượng đặc sắc, vừa quen thuộc, gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo.

  • JANE CIABATTARI

    Lần đầu tiên đọc tác phẩm của Jorge Luis Borges cũng giống như khi chúng ta phát hiện ra một mẫu tự mới trong bảng chữ cái hay một nốt nhạc mới trên âm giai vậy.

  • LÊ TỪ HIỂN

    1. Ngôi sao mai lạc nẻo mưa giăng

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Cuộc sống khả hữu luôn thử thách tôi và bạn trong bất kỳ tồn tại không gian và thời gian nào. Dĩ nhiên, suy nghĩ vậy sẽ cản trở sự vượt qua giới hạn cần phải có của bản thân.

  • MỘC MIÊN

    Là người đến với văn chương khá muộn nhưng chỉ với một tác phẩm tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, tác giả Lê Thanh Kỳ cũng đã ghi dấu ấn đáng chú ý đối với nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

  • PHẠM TUẤN VŨ

    Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học không phải là vấn đề mới mẻ. Từ xưa, cổ nhân đã nói đến vấn đề “ý tại ngôn ngoại, huyền ngoại chi âm, cam dư chi vị 意在言外, 玄外之音, 甘餘之味” (ý ở ngoài lời, âm thanh ở ngoài tiếng đàn, mùi ở ngoài vị ngọt), “ngôn tận ý bất tận” 言盡意不盡 (lời cạn ý không cạn) của văn chương, nhất là thơ ca.

  • Rebecca Solnit (1961) hiện sống tại San Francisco, California, là nhà phê bình, tác giả của 16 cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, chính trị, nghệ thuật.

  • BÙI THANH TRUYỀN

    1.
    Ngay từ khi mới ra đời, thiên tiểu thuyết dày 800 trang Tuổi thơ dữ dội 1 đã gây tiếng vang lớn. Đây là kết quả của 20 năm lao động miệt mài của Phùng Quán trong nỗ lực phi thường vượt thoát những nghịch cảnh đời riêng để một lòng với lí tưởng sống và viết.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Thật vui mừng và ngạc nhiên, khi vừa chưa tròn năm trước, đọc tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh Lục bát múa (Nxb. Hội Nhà văn 2016), nay lại được cầm trên tay tập thứ hai Dòng sông không vội (Nxb. Hội Nhà văn, quý III, 2017).

  • KHẾ IÊM
       (Kỳ cuối)

    VIII. Nhà thơ William Carlos Williams
    Phản ứng với Ezra Pound và T. S. Eliot, nhà thơ William Carlos Williams ngược lại, sáng tác loại thơ, ai cũng có thể hiểu được.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Thân phận con người có được “hiểu thêm” qua lăng kính lịch sử, được hướng dẫn tư duy phán đoán để ứng phó với cuộc sống thường nhật hay những biến thiên của thời đại?