Trước nay, nhà lý luận thường có thiên hướng tư duy phạm trù hóa, và nhà thơ thường có thiên hướng tư duy hình tượng hóa. Lẽ đó, nhà lý luận khó nhập cuộc sáng tác và ngược lại; song không phải là không có ngoại lệ, thú vị như trường hợp nhà thơ Anh Hồng tức PGS.TS Cao Thị Hồng. Anh Hồng - nữ thi sĩ đất Thái Nguyên giàu cảm xúc, nặng tình thi ca - đã xuất bản ba tập thơ với thi cảm đa dạng, phong phú: Mùa bánh kiến, 2006; Người đàn bà qua hai mùa tóc, 2014; Tôi & Đêm, và…, 2023. PGS.TS Cao Thị Hồng - nhà khoa học nữ với nhiều đóng góp cho sinh hoạt nghiên cứu lý luận phê bình văn học với những công trình nổi bật như: Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (chuyên luận, 2011); Lý luận - phê bình văn học: đổi mới và sáng tạo (tập tiểu luận, 2013); Lý luận, phê bình văn học: Một góc nhìn mới (tập tiểu luận, 2017); Những vẻ đẹp văn chương (tập tiểu luận, 2020). Rõ là, trong nghiên cứu, trang viết của họ Cao có hàm lượng lý luận, hàm lượng học thuật cao và trong sáng tác, Anh Hồng - thi sĩ trở về với chính mình bằng tất cả sự lãng mạn hồn nhiên của trái tim yêu thương. Hai hình tượng này hòa quyện, khêu sáng lẫn nhau. Đặc biệt trong thơ, Anh Hồng mạnh về cảm xúc và khai thác chiều sâu vô thức. Những thi cảm trong thơ Anh Hồng biểu hiện thiên hướng phân tâm và hiện sinh rất đặc sắc. Nhất là tập thơ Tôi & Đêm, và… ra đời 2023, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Thi ca với Anh Hồng là một hành trình hướng đến điểm tuyệt đích của thi nhân giữa lòng tha nhân trong cõi trần ai. Và hành trình ấy, vừa đủ tạo điều kiện nữ thi sĩ họ Cao tìm về chính mình: miền ký ức sâu thẳm, tiềm thức sương khói nhạt nhòa...
“Không thừa nhận khuôn mặt mình trong gương
Tôi đi tìm Tôi giữa muôn vàn kẻ khác
tìm trong khắc khoải
tìm trong u ơ
tìm trong mơ
tìm trong vỡ òa tiềm thức…
Khuôn mặt Tôi
nhạt nhòa…
nhạt nhòa gương
nhạt nhòa ký ức
nhạt nhòa sương khói mặt sông
thu xa xôi tận cuối trời” (tr.7).
Thơ Anh Hồng, một cách thế lập thức và một cách thế lập nghĩa cho hiện hữu. Nổi bật trong cõi mù khơi đêm tối là hình tượng người phụ nữ luôn bị bao vây thường trực bởi nỗi cô đơn, đồng thời khát cháy niềm yêu thương mỹ mãn. Nhưng mãi mãi không đạt thành, người phụ nữ chất chứa thành giấc mơ bột phát ngoài chủ ý. Lạc thức, mơ, sáng tạo chính là cách thức các ẩn ức bị dồn nén - dồn nén bung phát kích hoạt và rồi biểu hiện thành diện mạo khác. Thi ca trở thành cơn mơ kéo dài..., kéo dài một trường lực giấc mơ của yêu thương và khao khát.
“những cánh đồng hoa hồng thơm cả vào giấc ngủ…
hoa violet tím màu trong đáy mắt em… ai đã làm vụn nát?
cốc pha lê lóng lánh mình đang nâng niu… sao anh nỡ
đánh rơi xuống thềm đá hoa cương lạnh ngắt?
Buông tay nhau rồi… anh đi về đâu?
Và em đi về đâu trong hoàng hôn bụi đỏ?” (tr.13).
Ẩn ức khát khao yêu thương ấy đã khiến tạo hình tượng nữ thần mặt trời. Sức nóng mặt trời mới có thể sánh bì với niềm khát khao của người phụ nữ trong tình yêu. Cơ chế chuyển hóa đã thăng hoa thành hình tượng thi ca đẹp đẽ và dữ dội. Hình tượng Đam San đi tìm nữ thần mặt trời ngược lại có ý nghĩa biểu tượng cho tự do và xiềng xích. Hành trình đó của chàng Đam San đúng hơn là hành trình vươn đến tự do của tâm hồn con người. Những vướng mắc siêu hình của đời người không thể nói rõ được, nhưng nó không mất đi mà lại tích tụ trong tầng sâu vô thức. Để rồi, khi niềm lắng đọng ấy chín muồi trong tâm tưởng, liền bột phát thành sóng cồn dạt dào. Những câu thơ ngắn, gấp gáp, vội vã như cuống quýt như hốt hoảng, như thúc giục. Không chỉ thúc giục trong tâm can thi nhân nó còn truyền chuyển niềm thôi thúc ấy trong cảm nhận của người đọc.
“Cô độc
người anh hùng
Đam San
gục xuống
quên đời
[…]
Vầng mặt trời chói lóa
trên cao
rực rỡ…
nắng vàng tỷ tỷ năm tích tụ
vọng vang giai điệu…
xiềng xích hay tự do?
xiềng xích hay tự do?
xiềng xích hay tự do?” (tr.15-16).
Những mảnh vỡ vô thức, có lẽ, không thể hiểu đơn thuần chỉ là hệ lụy bất đắc dĩ của tâm thức sáng tạo; nên chăng hiểu mảnh vỡ ấy như hạt ngọc kết tinh từ sự tôi luyện của tâm hồn. Thơ Anh Hồng nhắc nhiều tới miền ký ức - miền ký ức ấy như nền tảng cho ý hướng sáng tạo thi ca và vùng ký ức đó, chất liệu cho nữ thi sĩ họ Cao luyện thành thi ảnh. Nhưng đó là những ký ức phân mảnh, đổ vỡ ngổn ngang. Nhà thơ đã chiết quang qua những thi ảnh để truyền dẫn một phương diện nào đó của tâm cảm và cũng chỉ có thể trực tâm cảm nghiệm. Cơ cấu phân mảnh của thi ảnh lập nên cơ cấu thi ảnh của phân tâm. Bấy giờ, cơ cấu phân tâm ấy lại trở thành cơ cấu hiện hữu của tâm hồn nữ. Cơ cấu đó: tôi - phi tôi. Cặp nhị nguyên này cứ tương tác không ngừng giúp ta có thể cảm nghiệm ít nhiều sự vận hành của những ẩn ức trong hồn thơ Anh Hồng: Cặp nhị nguyên này soi vào không gian: gần gũi - xa cách (tr.30); Cặp nhị nguyên này soi vào thời gian: còn - mất (tr.57 - 58); Cặp nhị nguyên này như chủ thể: ta - tha nhân (tr.7).
Các mô thức thi ảnh cũng là các mô thức thi cảm. Và, sự biến hóa giữa các mô thức thi cảm ấy chính là sự vận hành của hồn thơ. Như những phân số được khai triển, nhưng ta cần trở về phân số tối giản của cơ cấu thi cảm. Cặp nhị nguyên thường trực là tôi - phi tôi, liên tục là những đối thoại cũng là độc thoại, độc thoại nhưng cũng lại là đối thoại giữa “tôi” với “Tôi”. Song, ta không thể rạch ròi, tôi với phi tôi là một hay là hai. Mà, đó chỉ là giả định tương quan để lập nên cuộc đối thoại đi vào chiều sâu ẩn ức. Một loạt những bài thơ trong tập thơ này được lập thành và vận hành như thế (Đêm và Tôi, Tôi đi tìm tôi, Hóa thạch, Lựa chọn, Độc thoại, Ở giữa Tôi & Đêm,…). Như vậy, ẩn ức có thể nhận diện được ít nhiều qua cơ cấu thi cảm đó là gì? Phải chăng ấy là tâm cảm/tâm thức: bản thể người bất khả tri. Sự thể bất khả tri đó là nguyên động lực khiến cho thi cảm khởi dậy.
Và, còn hơn thế, viết là hành động bị ma ám, bị lưu đày. Hành động viết cơ bản là đào sâu vào chính mình trong tình thế bị động. “Viết tức là đi sâu vào khoảng không vô tận. Hơn thế nữa là tạo nên quanh mình một khoảng không vô tận. Khoảng không đó, khoảng trống đó có thể là vùng trú thân, an nghỉ, đồng thời là nơi để sa ngã, chôn vùi”[1]. Nơi ấy, thi sĩ cảm nhiễm thấu xương nỗi cô đơn, thất vọng, trống trải. Những biểu hiện ấy cho thấy nỗi bất mãn sâu thẳm trong tâm hồn thi sĩ. Thi giới Anh Hồng: một trời đêm mê mị, miên man, mù mịt và thăm thẳm.
“Vũ trụ miên man… vô thường
tràn tay rồi…
buồn ở đâu?
vui ở đâu?
thất vọng ở đâu?
niềm tin ở đâu?
và hy vọng?
tích tắc từng giây…
muôn dấu hỏi
găm vào đêm thăm thẳm
sô-cô-la đắng mình em…
hoa hồng cũng mình em…
và tiếng đêm… mình em…” (tr.25 - 26).
E rằng chính bản thân tâm hồn nữ cũng không thể hiểu thấu được hết, duy chỉ Thượng Đế cùng sẻ chia với tâm hồn nữ trong cõi giới đó. Những ẩn ức vỡ - thơ Anh Hồng như những mảnh vỡ của vô thức. Thanh Tâm Tuyền đã từng chia sẻ: “Văn chương, chốn ấy nơi chia lìa phân tán, là tấm gương soi mặt, soi đủ thứ mặt anh muốn (thời đại, xã hội, lịch sử, cá nhân… và cả cái mặt đang được nâng niu: Hư Vô). Nhưng đó là tấm gương vỡ: Anh đừng quên đó là tấm gương vỡ”[2]. Những mảnh vỡ - qua sự biểu hiện thi ca - đã ánh xạ thành những phản quang. Những màu sắc ẩn ức đổ vỡ ấy cùng chiếu tỏa vào tiếp nhận của người đọc. Bấy giờ, bạn đọc lại như thấu kính nối dài thêm tia sáng đổ vỡ của hồn người. Đó là trường ánh sáng của sự đổ vỡ. Nghĩ lại, không tâm hồn thi nhân nào lành lặn. Đau thương, rạn nứt, đứt gãy tâm hồn đã khiến thơ nhú chồi từ những kẽ nứt khôn lường của tồn tại.
Để làm rõ những đau thương như thế, thiết nghĩ, ta có thể trở lại với khuynh hướng phê bình phân tâm học hiện sinh. Khi lược thuật khuynh hướng phê bình này, GS. Nguyễn Văn Trung đã chỉ ra hai công việc cơ bản mà nhà phê bình thực hiện khi tiếp xúc với văn bản: “1 - Phân tách trình bầy kiến trúc xây dựng tác phẩm, bút pháp […]; 2 - Khai triển ý nghĩa hiện sinh của bút pháp hiểu như một lối viết riêng biệt của nhà văn: rút ra những lựa chọn căn bản về những thái độ cảm nghĩ, đối xử trước cuộc đời, với người khác. Ý nghĩa hiện sinh này phải được rút ra từ chính bút pháp, chứ không phải đem đến từ bên ngoài và coi văn chương chỉ như dẫn chứng. Ý nghĩa gắn liền mật thiết với bút pháp”[3]. Kiến trúc xây dựng tác phẩm, đặc biệt trong thi ca, các thi ảnh - thi cảm xem như những viên gạch cấu thành. Nói khác, bút pháp với tâm pháp không thể tách rời. Hơn hết là với thi ca, với tâm hồn nữ đầy u uẩn và phức tạp.
Về cơ chế dồn nén - chuyển hóa - thăng hoa trong vô thức (trong bản năng) của chủ thể sáng tạo, đây lại là phần sâu kín ít khi biểu lộ trong đời sống mà có lẽ, chỉ có thể biểu lộ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Dồn nén - chuyển hóa - thăng hoa, quá trình này dường như được bao phủ trong bóng đêm huyền bí. Phải chăng, vì thế, thi cảm ở phần ẩn ức thường được biểu thị ra trong thế giới đêm tối mơ hồ. Cái tôi như khỏa lấp, tràn ngập, đong đầy trong thế giới đêm như vậy. Không gian nghệ thuật đêm khác chi là phát sinh, là dung môi của ẩn ức.
“Chìm trong đêm
bồng bềnh muôn ý nghĩ
ý nghĩ màu trắng - loang lổ trắng
ý nghĩ màu đỏ - lập lòe đỏ
ý nghĩ màu đen - ngoằn ngoèo đen…
những nâu hồng vàng tía…
quất dọc, ngang
rạch nát đêm…
Sợi sợi mưa đan chéo
gió cắt xéo vỡ vụn không trung
trôi trong đêm
Tôi nhìn Tôi câm lặng…” (tr.5).
Thế giới đêm trong thơ Anh Hồng, như nhận định của PGS.TS Trần Hoài Anh, có ý nghĩa biểu tượng. “Đó là sự hình thành ý nghĩa biểu tượng của “Thi giới đêm” mà ở đó, cuộc đối thoại giữa Thi nhân và Đêm không chỉ là sự đối thoại của cái Tôi bản thể, không khép lại trong cái Tôi của riêng mình mà mở ra, hướng đến Tha nhân với bao phận đời bất hạnh mà mỗi phận đời là một cuộc tra vấn đối với cái Tôi bản thể của Thi nhân về ý nghĩa của hiện hữu” (tr.112). Hơn thế, bởi thế giới đêm ấy là dung môi và cũng là một bộ phận của toàn bộ thế giới biểu tượng; nên thế giới đêm có thể xem như “hệ biểu tượng”.
Động lực thúc đẩy hệ biểu tượng này vận động: xung năng tính dục (libido). Xung năng gắn liền với ham muốn tính dục; song không thể hiểu libido trong địa hạt sáng tạo nghệ thuật chỉ như biểu hiện dục tình. Nên xem xét libido ở mức độ thể tính. Yếu tính của libido là xung năng kích hoạt - sự đánh thức vùng vô thức sâu kín, làm xuất hiện những ý muốn/ý hướng tưởng đã tắt lịm nhưng kỳ thực vẫn còn tồn tại. Và thơ ca, ở đây là tập thơ của nữ sĩ Anh Hồng - cuộc thăm dò cũng là một chuyến du hành vào cõi vô thức. Biểu tượng đêm chính là đại diện cho cõi ấy. Trong đó, tính dục bi đát (trong phần nhiều khảo cứu phân tâm) nên được hiểu là những vết thương tâm lý, những khát khao chưa được thỏa mãn. Nhưng không thể hiểu đó như dục tình đơn thuần, mà hơn thế là niềm khát sống, khát yêu, khát muốn đi đến chỗ tuyệt đích của tình đời và tình người.
“Nếu một ngày nào đó khi em tỉnh dậy
sau một đêm dài thập thõm trong mộng mị phù du
không thấy bàn tay anh ấp bàn tay em bé nhỏ
em sẽ hóa thành một hạt cát trong chảo lửa mặt trời
giữa miền sa mạc
hay hóa thành một chiếc lá mong manh lẫn vào
thăm thẳm rừng xanh?
hay sẽ là một hạt mưa đông bất chợt chìm lẫn
sông băng lạnh lùng?
và đó chỉ là giả thiết
giả thiết cũng chạm nỗi đau hơn cả tỷ năm” (tr.61 - 62).
Nhìn về phía các xung năng, người đọc lại thấy nữ thi nhân họ Cao có khả năng thi hóa đặc biệt. Đó chính là nhà thơ dù ở trạng thái tâm lý nào (buồn khổ, đau thương, tuyệt vọng, khát khao, hân hoan, hy vọng,…) đều chuyển hóa thành tình yêu. Niềm yêu thương hẳn là kết quả của quá trình chưng cất bằng phương tiện thi ca.
Cũng xung năng nhưng chiều hướng có khác nhau, điều này dẫn đến sự phân chia xung năng dương và xung năng âm (hay phân tâm học phương Tây thường nói đến như bản năng sống và bản năng chết). Bản năng sống (Eros) xu hướng lạc quan, phát triển ý hướng sống, ý hướng duy trì, tăng cường việc sống, bột phát sáng tạo. Bản năng chết (Thanatos) như: xu hướng bi quan, tự hủy diệt, từ bỏ, phản kháng, thoát ly. Thơ Anh Hồng khó có thể phân định rạch ròi hai chiều hướng xung năng này ở mỗi bài thơ, càng khó để nói toàn bộ thơ Anh Hồng thuộc về chiều hướng nào. Song, có thể thấy một quá trình diễn hiện vô thức xuất hiện thường xuyên trong những bài thơ của tập “Tôi & Đêm, và…”, đó là: bản năng chết - nền tảng để trên đó nhà thơ phóng chiếu ra những ý hướng sống, ví như những ánh sao băng lướt qua bầu trời đêm. Giữa thảm trạng tâm hồn luôn có những tia sáng, những mầm non, những siêu vượt.
“Gà gáy canh năm
ánh lê minh hé lộ phía chân trời
chuông chùa đổ từng hồi dội về miền thăm thẳm…
hun hút ngã ba… đường mảnh tơ như sợi chỉ
Nam Mô A Di Đà!
rời tôi, em về cõi Niết bàn…
bàn tay em mềm… lá úa mùa thu…” (tr.70).
Qua đây, người đọc còn phát hiện quá trình: phóng chiếu - chuyển hướng, tha nhân hóa các ẩn ức; hay nói khác, ta nhìn thấy ta ở kẻ khác. Qua cái nhìn, cách nhìn và đối tượng nhìn của chủ thể trữ tình, ta có thể phát hiện ra chính phần sâu kín của chủ thể trữ tình. Bởi vô thức với sự diễn hoạt (thường âm thầm và kín đáo) của nó đã thôi thúc, xô đẩy ý thức phát ra những ý hướng phóng chiếu về phía đối tượng. Sự xuất hiện của đối tượng cho thấy bản chất của ý hướng đó. Như vậy, qua sự phóng chiếu và chuyển hướng này người đọc phát hiện và đồng thời cùng lúc nhận ra đặc điểm ẩn ức. Với Anh Hồng, đó là ẩn ức (với chí ít) hai đặc điểm: bốc cháy và tiêu biến. Ẩn ức đó biểu hiện ra như sự bốc cháy kiến tạo nên hình tượng nữ nóng bỏng, cuồng nhiệt, thao thiết đam mê, thao thiết khát vọng (tr.71 - 72). Ẩn ức đó còn biểu hiện ra như là sự tiêu biến kiến tạo nên hình tượng nữ lạc trôi vào hư vô, trở nên bất tận vô biên. (tr.73).
Nhà thơ Anh Hồng nhìn thấy bao diễn hiện trong đời chỉ trong phút chốc, đều tạm bợ, đều thoáng qua. Những “vỉa tầng văn hóa loài người” trong ánh mắt thời gian vô tận đó chỉ là tích tắc sát na bị vùi sâu trong im lặng, trong miên man của vũ trụ. Rồi, trọn kiếp của một đời người bày ra theo lời thơ. Tất cả cuộc bi hoan ai khổ cứ thế nối tiếp. Cuối cùng lại hồng hoang trở về cùng Adam, Eva.
“Một chuyến xe đêm qua lăn xuống vực sâu
chiều qua, nhiều người còn vui vẻ mặc áo màu
trong đám cưới
chiều nay, linh hồn đã lặng lẽ từ cõi thiên đàng
nhìn xuống
ngơ ngác hỏi: vì sao?!
Ôi! Cõi địa đàng
của Adam và Eva
hạnh phúc và bất hạnh
trôi trong dòng chảy vô thường…!
những dấu hỏi: vì sao? thế nào?
cuồn cuộn
một dòng sông vô định…” (tr.43).
Người đọc thơ Anh Hồng nhận ra thời gian thơ là những vòng tròn đồng tâm, tuần hoàn. Vô thường có phải chính là như vậy cùng chăng? Sau rốt, bài thơ tan ra, tiêu biến vào hư vô. Rất nhiều bài thơ khác nữa cũng diễn trình vô thức như vậy (Ngày khắc khoải trôi trong khoảng vắng, Còn anh nữa đâu, Người đàn ông chỉ còn hai con mắt, Bàn tay em mềm… lá úa mùa thu, Noel, Những câu thơ xô lệch,…). Như hạt giống gieo trồng, ấp ủ trong mảnh đất tâm hồn, những ẩn ức vẫn ở trong lòng đất vô thức. Với những điều kiện nhất định và thích hợp, hạt giống nảy mầm. Hoán chuyển - biến hóa thành các biến thể/ phái sinh của ẩn ức (trạng thái thăng hoa/sublimer).
Và, càng đi sâu hơn vào vô thức, người đọc sẽ bắt gặp trong thi ca Anh Hồng những cổ mẫu nghệ thuật. Cổ mẫu hay những nguyên tượng, đóng vai trò như nguyên lý vận hành của thi cảm, thi ảnh, thi tứ và vì thế cũng là thi tưởng (chính ở đây bộc lộ những ưu tư hiện sinh). Đêm chính là một cổ mẫu như thế trong thơ Anh Hồng. Đêm không chỉ không gian thơ, không chỉ một thời gian thơ mà còn một nguyên lý vận hành cõi thơ. Có lẽ, đêm cũng biểu trưng cho tâm hồn nữ, vốn vô bờ vô biên và huyền bí. Đêm cũng là thi tứ. Và, nguyên tượng đêm cũng bộc lộ cảm quan siêu hình về người và đời.
Đời người như đêm sâu khôn cùng, bất định và huyền bí; lòng người cũng như đêm, huyễn hoặc sâu thẳm và đầy những góc khuất thâm u.
Hiện hữu là vấn nạn của ý thức hiện hữu.
Nếu, không có cái ý thức về hiện hữu thì sự hiện hữu không xuất hiện. Hiện hữu như yếu tính lập hữu chứ không phải yếu tính mặc nhiên. Những ai càng ý thức về hiện hữu thì hiện hữu càng hiện ra như vấn nạn. “Nói khác đi, ý nghĩa cuộc hiện sinh là khám phá ra rằng thân phận con người chỉ là một “cuồng vọng vô ích” (passion inutile). Chính trong viễn tượng này mà ông Jaspers đã viết với một giọng đầy bi đát: “Mọi sự đều tan rã vì thế cũng không có thể làm lại từ đầu vì không có gì có ý nghĩa cả””[4]. Nhưng Jaspers cũng có khi cho rằng: “Trong bi cảnh của trí thức trong thân phận con người này, thất vọng đưa ta đến nhận biết có Thượng Đế: “Khi mọi sự đều đổ vỡ, thì chỉ còn điều này: Thượng Đế hiện hữu””[5]. Suy tư của Jaspers khiến ta như nhìn thấy thêm cảm thức nào đó đằng sau các thi cảm: ẩn đằng sau các thi cảm có phần ảo não phiền muộn mãi hoài là niềm tin tưởng nào đó. Có hiện hữu nào đó mà thi nhân hằng gìn giữ, điều đó nhất thời không thể nói rõ, e rằng cũng khó có thể nói rõ mà có lẽ thi nhân chỉ có thể cùng sẻ chia với Thượng Đế mà thôi. Thượng Đế không phải thế lực siêu nhiên mà như ý hướng siêu hình để tâm linh thi nhân vận động về phía đó.
“Thèm một lời chân tình từ Thượng Đế
khát uống môi nồng ấm của Người yêu…
mong tuổi đời mắc kẽ tay trẻ lại…
đừng vội chơi vơi chốn thiên hà…
thăm thẳm đêm… thăm thẳm màu ý nghĩa…
sợi sợi tơ giăng mắc nẻo đi về
Tôi một mình khóc Tôi…
như thể
Tôi lẫn vào đêm…
đêm lẫn vào Tôi…” (tr.6).
Từ bản ngã đến Thượng Đế, nữ thi nhân Anh Hồng lại từ bản ngã đến tha nhân. Ưu tư hiện sinh của nữ sĩ hướng về tha nhân. Hiện hữu nơi người khác - tha nhân trở nên chất điểm cho bản thân định vị mình. Như thế, sống tức là giao ngộ. Tha nhân vừa nhân chứng cho cuộc hiện hữu của ta, song cũng là tù ngục và mộ phần hiện hữu của ta. Tha nhân vì thế nằm trong thế nhị nguyên của tự thân. Suy tư của thi nhân lẫn con người nói chung cơ hồ đều nhìn thấy tha nhân như vấn nạn. Tha nhân không thể không là vấn nạn. Chia biệt muôn trùng vực thẳm ấy là nguyên động lực thúc đẩy trăn trở, thúc đẩy ưu tư. Tha nhân là bãi chiến trường của lòng ta.
“Loài người
sau muôn tỷ ngày
khát vọng…
đan chéo buồn… vui… sướng khổ
cay đắng… vinh quang
cao quý… thấp hèn…
chiếc lá hình trái tim rách nát
lăn lóc góc địa đàng
Adam buồn, Eva khóc
mưa đêm” (tr.88).
Với tha nhân, nhà thơ Anh Hồng bày ra cuộc giao ngộ, không luận suy giao ngộ, không lý lẽ phân bua với giao ngộ, chỉ là phóng chiếu giao ngộ. “Chính vì lý do đó mà chúng ta có thể gặp gỡ người khác theo hai lối: giao ngộ trừu tượng qua các tổ chức và giao ngộ cụ thể trong chính thân xác người ta”[6]. Nhưng, tất nhiên, nhà thơ không luận suy hiện hữu, mà biểu thị giao ngộ với người với đời bằng các thi cảm. Và, thi cảm ảnh - thi cảm gắn liền với thi điệu. Với thơ tự do Anh Hồng, đó là thi điệu của ý thức, thi điệu của tư tưởng. Hoặc nói như Thanh Tâm Tuyền, thi điệu đó là ấn chứng của nỗi buồn hôm nay trong thơ tự do, khác với nỗi sầu muộn trong thơ trung đại hay nỗi buồn lãng mạn trong thơ tiền chiến. “Và một bài thơ hôm nay nếu thành công, tôi nghĩ nó sẽ đạt đến một thứ nhạc khá mới lạ không phải chỉ là sự hòa hợp đơn thuần của bằng trắc mà còn ở trong sự chứa đựng của tiếng nói, của hình ảnh, của ý tưởng biến diễn qua một ý thức sáng suốt, tự do vươn tới sự thống nhất trong khi phải trải qua sự chia xé mãnh liệt”[7]. Sự chia xẻ ấy, đúng hơn, là sự chia xẻ của cái tôi bản thể. Trong thơ Anh Hồng, bản thể nữ vốn là bản thể sáng tạo và bản thể truy vấn. Dễ thấy tâm hồn nữ thường hay băn khoăn, dễ thụ cảm những nỗi niềm siêu hình mà chính bản thân người nữ nhiều khi cũng không thể hiểu rõ ngọn ngành. Lẽ đó, dường như với nữ giới, đặc biệt là nữ giới trong thi ca, khuynh hướng truy vấn bản thể hầu như là điều cố nhiên. Với Anh Hồng, chất thơ của nữ thi sĩ với những truy vấn như vậy đã khiến cho hồn thơ đậm đặc chất triết lý. Những suy tưởng như vậy cứ liên hồi nổi dậy, lắng xuống và rồi dàn trải thành mênh mông, bất tận. Truy vấn về người, về mình, về thế sự lẫn nhân tình.
“Con người
bàn tay đầy gai sắc nhọn
mang rác lấp dần biển cả
mang dao chém nát rừng xanh
ngăn dòng chảy tự nhiên
những suối nguồn trong veo bỗng một ngày trơ sỏi đá…
hau háu đếm những đồng tiền tanh hôi
kiếm chác trên nỗi đau chất chồng của đồng loại…
những cuộc vui bất tận
tràn đêm…
những cái miệng mấp máy say say
phun lời tâng bốc nhau nhạt nhẽo…
quên mình ngự trên bàn cờ
từng li ti giây biến ảo khôn lường…
dưới bàn tay Thượng Đế …” (tr.19 - 20).
Đằng sau những phóng chiếu là những truy vấn của nữ sĩ về thế sự. Cuộc truy vấn này tức cuộc lưu đày bất tận. Bản thân nhà thơ Anh Hồng cũng là tâm hồn nữ bị lưu đày trong hiện hữu. Thậm chí hiện hữu đồng nghĩa với lưu đày. Một thảm trạng lìa đôi, lạc loài; nhưng ngay cả lúc chung đôi cũng đã lìa đôi. “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Hình như đôi lứa với nữ thi sĩ mang tình cảnh bi đát như số mệnh cố nhiên. Có điều khá thú vị trong thơ Anh Hồng, thi cảm hiện sinh có phảng phất màu sắc tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo). Cõi địa đàng với Adam, Eva được nhà thơ lồng ghép trong những truy vấn khiến người đọc ưu tư về hạnh phúc và những nỗi bất hạnh của đời người. Những câu hỏi đơn giản nhưng thật khó trả lời. Vì sao hay thế nào? Rốt cuộc chỉ là một dòng chảy đời sống mải miết. Con người ở giữa đời vẫn thao thức khôn nguôi về nghĩa lý của hạnh phúc.
“Ôi! Cõi địa đàng
của Adam và Eva
hạnh phúc và bất hạnh
trôi trong dòng chảy vô thường…!
những dấu hỏi: vì sao? thế nào?
cuồn cuộn một dòng sông vô định…” (tr.43).
Bên cạnh đó, từ “vô thường” xuất hiện trong khá nhiều bài thơ. Từ này được sử dụng theo khuynh hướng Phật giáo. Cảm hứng Phật giáo trong thơ Anh Hồng khởi sinh từ những ưu tư hiện sinh về sự tạm bợ của đời người và cuộc sống. Ưu tư đó được hòa quyện trong lời thơ và giọng điệu thơ rất gợi cảm. Thi cảm ấy, chưa hẳn đã vượt thoát - chí ít là ý hướng vượt thoát; hoặc nói khác, ý hướng về phía tự do. Thơ Anh Hồng cho thấy quá trình trăn trở bức bối để vươn mình về phía tự do. Nhưng, đó là một tự do mà căn cơ của nó là nghịch lý. Tự do của chủ thể trữ tình trong những vần thơ ấy là một hiện thể. Mà, hiện thể ấy tức là một cách thế giới hạn tự do. Nhưng, đồng thời hiện thể ấy phóng chiếu một dòng sống/cái đà sống vươn mình về phía tự do. Nghịch lý chính ở chỗ như vậy.
“sự sống và cái chết
xiềng xích và tự do
không có ai
không có ai
không có ai
đêm hun hút
hoang vu
mờ mịt…
miên man lời gió
bạt ngàn lời mưa” (tr.14 - 15).
Những câu thơ Anh Hồng khiến ta liên tưởng đến Karl Jaspers - nhà hiện sinh hữu thần - cho rằng: “Đó là nghịch lý của tự do. Trước hết, tự do bị hạn chế bởi Dasein, thân thể. Như bị kẹt vào tù ngục thể chất người không làm được như ý muốn. Sự yếu hèn, mong manh của hình hài luôn luôn đem tự do về với thực tại. Thực tại của thân phận làm người trong vũ trụ, luôn luôn đối phó với nghịch cảnh”[8]. Sống trong tình thế mắc kẹt, hồn thi sĩ liên tục giãy giụa. Tâm cảm của thi nhân chính là biểu hiện của sự giãy thoát như thế. Đó chính là cách tự do tự khẳng định nó, tự do cố gắng chứng tỏ sự tồn tại của nó bằng cách lựa chọn. Bằng lựa chọn sáng tạo, ngỡ có thể tự do trong tình yêu, trong cuộc sống, trong khao khát, nhưng rốt cuộc thi sĩ nhận ra vẫn không thể đạt tới tuyệt đích. Tưởng có thể vượt thoát bằng cách làm thơ; nhưng rốt cuộc làm thơ cũng không thể nào vượt thoát. Đó là bi kịch của một tình thế hiện sinh, nỗi bi đát của kẻ làm thi sĩ.
“Tôi
giữa hoang tàn
rừng mặt nạ
Ma quỷ và Người
Thú Hoang và thú Cưng
Cáo và Thỏ
Nai và Sói…
Chọn gì cho vũ hội?
Ngày mai…” (tr.35).
Nói vậy, không có nghĩa làm thơ hay hành động sáng tạo nói chung là một việc làm vô nghĩa lý. Trái lại, hành động sáng tạo lại có khả năng tác tạo nghĩa lý đáng kể. Bởi nó là bằng chứng sống động cho sử tính của hiện hữu. Làm yêu, làm sống, làm đời,… nhất là làm thơ khiến cho hiện thể đó thành ra hiện hữu. Nói theo Jaspers, nhà thơ làm thơ, nhà thơ có sử tính, nhà thơ có sử tính, nhà thơ có hiện hữu. Sự hiện hữu bằng phương tiện nội quan. Bởi sử tính này đúng hơn là ý thức sử [9]. Hóa ra, làm thơ chính là thấy tự thân sống như là thơ; hoặc thấy một “mình” khác đang sống trong cách thế thơ. Làm thơ lập nên sử tính của thi nhân và chuỗi sử tính ấy tức sử trình của thi sĩ.
Sử trình đó: quá trình vận động thi cảm trong thơ Anh Hồng là quá trình đi từ “buồn nôn” đến “cô đơn”. Nhưng làm thơ cũng tức là vượt thoát chính cuộc hiện hữu của mình; nhưng vượt không phải để thoát (vì làm sao có thể thoát được); vượt để lập hiện rồi thành hữu.
Chính vậy, con người sống như thể mãi mãi phải tự do, mãi mãi bất lực, và mãi mãi phải chống chịu tình thế nghịch lý đó. Làm thơ, trong cuộc đời thi sĩ, chính là cách thế để hồn người chống đỡ nghịch lý như vậy; sống (hoặc bị sống) để thi vị hóa cuộc đời. Nhìn từ phía này, thơ là cách thế sống trải, một cách thế hiện hữu “siêu vượt” của hiện thể mắc kẹt. Thi cảm trong thơ Anh Hồng ví như muôn gió cưỡi hàng hàng lớp lớp lưng sóng dập dồn nơi đại dương.
Nói đến thi cảm phân tâm và hiện sinh, song ta không thể tách rời ý hướng truy nguyên vô thức và ý hướng truy vấn hiện hữu trong thơ Anh Hồng. Hai phương diện, hai chiều hướng tương ứng tương tác và khiến cho đôi bên càng bốc lên vô tận. Điều này, khiến “Tôi & Đêm, và...” của nữ thi sĩ họ Cao như một vùng áp thấp, quần thảo tâm hồn người đọc. Có những cơn sóng ngầm dưới tầng sâu trong lòng đại dương, và cũng có những trận gió cuồng nộ trên tầng không; tâm cảm thi nhân và tâm tưởng người đọc lại như con thuyền chòng chành giữa ba đào chìm nổi.
Tựu trung, từ truy vấn tầng sâu vô thức, nhà thơ Anh Hồng sử dụng để phơi trần bản thể hiện sinh. Nữ thi sĩ họ Cao quả có thế mạnh trong cái nhìn nội chiếu thảm trạng tồn tại. Bằng cách đó, nữ thi sĩ họ Cao vén mở niềm u uẩn của hồn người cũng như việc làm người chốn thế gian.
T.B.Đ
(TCSH433/03-2025)
__________________
Tài liệu tham khảo
[1] Huỳnh Phan Anh (1972). Đi tìm tác phẩm văn chương (tiểu luận phê bình). Saigon: Đồng Tháp xuất bản, tr.26.
[2] Thanh Tâm Tuyền (1970). Âm Bản 21. Tuần báo Khởi Hành - Năm thứ Hai, Số 56 (ra ngày thứ năm 04/6/1970), tr.2.
[3] Nguyễn Văn Trung (1970). Lược khảo văn học 3: Nghiên cứu và phê bình văn học (tái bản). Saigon: Nam Sơn xuất bản, tr.260.
[4], [5] Thân Văn Tường (1961). Karl Jaspers hay là thảm trạng của tri thức trong thân phận con người. Đại Học - Tạp chí nghiên cứu của Viện Đại học Huế, Năm thứ IV số 3 (tháng 7/1961), tr.23 (5 - 24).
[6] Trần Văn Toàn (1958). Thân phận làm người. Đại Học - Tạp chí nghiên cứu của Viện Đại học Huế, Số 4 - 5 (tháng 9/1958), tr.31 (8 - 32).
[7] Thanh Tâm Tuyền (1973). Nỗi buồn trong thơ hôm nay. Giai phẩm Văn 24 - Số đặc biệt về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, tr.66 (64 - 71).
[8] Theo Lê Thành Trị (1974). Hiện tượng luận về hiện sinh. Saigon: Trung tâm Học liệu - Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên xuất bản, tr.108 - 109.
[9] Theo Lê Thành Trị (1974). Hiện tượng luận về hiện sinh. Saigon: Trung tâm Học liệu - Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên xuất bản, tr.111.
Vào giữa những năm 60, 70 của thế kỷ, lớp thanh niên ngày ấy không mấy ai là không thuộc một vài bài thơ của Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm...
Khi viết cũng như khi đọc một sự kiện hay một nhân vật lịch sử, có hai yếu tố quan trọng không thể không quan tâm, là thời điểm và địa điểm.
Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều không chỉ là tác phẩm tiêu biểu bậc nhất cho thể loại ngâm khúc mà đồng thời cũng là tác phẩm xuất sắc trong nền văn học dân tộc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, có vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy ở Khoa Văn các trường đại học và cao đẳng.
ĐỖ MINH ĐIỀN
ĐỖ MINH ĐIỀN
PHẠM PHÚ PHONG (Đọc Văn học và cái Ác của Georges Bataille)
(Suy nghĩ và nhận xét về phần lý luận trong sách giáo khoa văn học lớp 12)
ĐỖ MINH ĐIỀN
NGUYỄN XUÂN HÒA
Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam ta xuất hiện nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà văn Phan Bội Châu, thì ở Trung Quốc cũng xuất hiện nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà văn Trần Thiên Hoa.
LÊ THỊ ĐỨC HẠNH
Thạch Lam là một trong mấy cây bút chủ chốt của Tự Lực Văn đoàn, là em ruột Nhất Linh và Hoàng Đạo, nhưng trong khuynh hướng chung ấy, sáng tác của Thạch Lam có nhiều nét riêng.
NGUYỄN THÙY TRANG
Sau sự thành công của tập thơ Giấc mơ buổi sáng, Mùa xuân em yêu ra đời đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Lãm Thắng với đề tài thiếu nhi.
PHẠM PHÚ PHONG
Trần Huy Liệu (5/11/1901 - 28/7/1969) là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, một chính khách từng giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi còn non trẻ.
ĐINH VĂN TUẤN
PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG
LÊ NHẬT KÝ
Sông Hương là đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ Việt Nam. Ngay từ thời trung đại, sông Hương đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhà nho - thi sĩ như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ...
DƯƠNG PHƯỚC THU
LÊ NGUYỄN LƯU
Sợi xích chằng buộc mối tơ duyên giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chế Mân năm 1306 đã đưa vào bản đồ Đại Việt một vùng sông núi thuộc hai châu Ô Rí (1), nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa, thường gọi chung Thuận Hóa.
PHAN NGỌC
Tặng các nhà tiểu thuyết trẻ