Thế giới cỏ dại trong văn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

09:12 24/04/2009
LÊ THỊ HƯỜNGDẫu mượn hình thức của thể kí, dẫu tìm đến vần điệu của thơ, điểm nhất quán trong sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cái tôi say đắm thiên nhiên. Đằng sau những tài hoa câu chữ là một cái tôi đa cảm - quá chừng là đa cảm - luôn dành cho cỏ dại những tình cảm lớn lao.  

1. Từ những trang kí nặng trĩu trầm tư...

Ai đó đã nói: trong giọt nước có cả vũ trụ. Cái li ti của ngọn cỏ, giọt sương qua cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như có sự chuyển đổi thú vị từ vi mô đến vĩ mô. Theo nhà văn, qua cây cỏ “con người có thể từ ngôi nhà nhỏ của mình bước vào ngôi nhà lớn của vũ trụ” (Tính cách Huế).

Trong thế giới nghệ thuật đa sắc màu của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cỏ được nâng lên thành một triết lí sống, biểu hiện cái tâm trong trẻo của nhà văn trước những biến động lịch sử và cả những bề bộn đời thường. Miêu tả một loài cỏ lạ - “Những cây cỏ mảnh khảnh thân chỉ bằng cây tăm, với vài ba nhánh lơ thơ giống lá rong, trên đầu mỗi cây nở một bông hoa giống như hoa tigôn, và tất cả hoa đều đỏ một màu máu tươi”- Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm một cuộc đối thoại với những sinh thể li ti mà ngồn ngộn sức sống này. Dường như nhà văn lắng nghe, cảm nhận đến từng vi mạch của loài hoa cỏ nội.

Lời của nhà văn: “Hỡi những bông hoa nhỏ, Hãy cho ta biết, ngươi ước vọng điều gì trong cuộc sống vô ưu của người?”.

Lời của cỏ “Chỉ cần một ngày nắng đẹp để nở hoa, thế thôi. Tôi có một trái tim hồng ngọc chỉ để sống và chết một lần với trái tim của tôi” (Sử thi buồn).

Mẫu đối thoại đầy chất độc thoại, như mở lòng, như bậc hiền triết xưa bộc bạch cái tâm minh triết giữa đất trời cây cỏ. Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đạt tới Tâm Thiền để nghe tiếng thì thầm của nội cỏ trong trạng thái giao cảm kì diệu với vạn vật. Trái tim của loài cỏ dại  cũng chính là trái tim hồng ngọc với một chữ tâm sáng run rẩy hoài trong lồng ngực của một nhà văn đau đáu với quá khứ, hết mình với hiện tại và nhiều ước vọng ở tương lai.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho ta nhận ra một điều giản dị, nhưng là cái giản dị sau một quá trình chiêm nghiệm. Trong cảm nhận của nhà văn, loài hoa cỏ nhỏ nhoi, mỏng manh  mà chứa bao điều bí mật. Dường như Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm ngâm nhìn sâu vào cõi đằng sau cây cỏ để bật thốt lên câu hỏi chỉ có ở những con người luôn trăn trở về lẽ đời: “Cây chỉ nở một lần hoa rồi chết. Mỗi cây chỉ dính vào mặt đá bằng ba mẩu rễ li ti, không biết nó tự nuôi sống bằng cách nào để nở ra một đóa hoa cao sang đến thế”. Loài cỏ đá sống hết mình trong những trang văn của Hoàng Phủ gợi nhớ đến một loài chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót bằng trái tim nồng nàn dâng hiến - tiếng chim hót trong bụi mận gai. Lại muốn dẫn lời của chính nhà văn: “Ôi khát vọng của cuộc đời sao mà gay gắt” (Sử thi buồn).

Cỏ trong tác phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là khát vọng hòa nhập với tự nhiên. Như bản năng của một đứa trẻ ôm bầu vú mẹ, Hoàng Phủ đã thể hiện thật tinh tế cơn khát cháy lòng hòa nhập với vũ trụ. Phải khát đến cháy lòng (Tâm), phải quan sát thật tỉ mỉ (Trí), phải biết chọn những con chữ thật sống, thật có hồn (Tài) nhà văn mới biến rêu, cỏ, sương, và... tôi, thành một cơn mê cuồng hòa nhập: “Những đám rêu mỗi lúc một dày hơn, và rồi hiện ra những chấm bụi nước li ti trên những cọng bông rêu nhỏ như sợi tóc... Tôi uống cạn vũng nước ấy bằng hơi thở đắm đuối của một chiếc hôn; xong nằm phủ phục giữa lòng con suối khô, giống như một con tắc kè uống sương, thè lưỡi đón những giọt nước tái sinh như sữa mẹ” (Sử thi buồn).

Chẳng phải tình cờ, cỏ trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là một chốn hằng cửu. Ở đó, trong miền kí ức còn tươi rói của nhà văn, có một khoảnh khắc trở thành bất tử, Ngô Kha đã “nằm úp mặt xuống cỏ với một vết đạn hồng sau gáy” (Sử thi buồn). Theo quan niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường “người ta không nên dính líu quá nhiều đến quá khứ nhưng người ta cũng khó lòng đoạn tuyệt với quá khứ. Với anh “quá khứ là những gì thân thuộc nhất của tâm hồn ,... là tài sản quý báu còn lại sau cùng của đời người, mãi mãi không thay đổi” (Trịnh Công Sơn và cây đàn lia của hoàng tử bé). Trong miền quá khứ “mãi mãi không thay đổi ấy” của anh, bóng dáng những Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Ngô Kha, những nghệ sĩ trí thức đầy tâm huyết lại hiện ra cùng với cỏ. Lạ lùng thay, nhớ về quá khứ bộn bề khói lửa chiến tranh, trong miền nhớ của Hoàng Phủ lại là “một con đường ven sông có thảm cỏ dày, và hương cỏ đêm khuya thơm lạ lùng làm người ta nghĩ đến một nỗi bình yên nào đó không có ở đời”. Hương cỏ đêm. Một khoảnh khắc bình yên của chiến tranh. Một cõi an nhiên hiếm hoi của những “gã lang thang” đã  chọn cho mình một con đường đầy sóng gió. Trong vùng kí ức dành riêng cho những người bạn, lại có một khoảnh khắc trở thành thiên thu: “Khi Đỗ ngủ say, Ngô Kha đi nhặt đâu đó những cánh hoa phượng vĩ hồng, đem rải quanh người anh, để khi anh ngủ dậy, còn lại dấu vết một hình người trên mặt cỏ”. Và mãi mãi, hằn in trong tâm trí Hoàng Phủ khi nghĩ về Đỗ, vẫn hiện ra “một hình người vẽ bằng nét hoa nằm im trên cỏ” (Căn nhà của những gã lang thang). Cỏ hoa đồng nội gần gũi với con người đến thế.

Đôi lúc thật bất ngờ Hoàng Phủ đưa ra những triết lí về cỏ thật tự nhiên. Theo anh cây cỏ là tiếng nói của tâm linh. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thấu thị được ngôn ngữ của tâm linh ấy. Viết về loài bông cỏ - hoa ngũ sắc của mọi tuổi thơ - ở vùng Mỹ Thủy chỉ nở toàn hoa đỏ thắm, Hoàng Phủ Ngọc Tường làm người đọc bất ngờ với cách giải thích của anh: “Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây cỏ hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi cây cỏ nhắc lại” (Bông ngũ sắc). Mẫu nhàn đàm cho thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng bao giờ nhàn khi ngắm nhìn một bông cỏ dại. Chợt nhớ một vần thơ về cỏ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết từ thuở xa xưa, khi bước chân anh còn rong ruổi mọi miền đất nước:
                        Anh hái cho em bông hoa cỏ ở Lạng Sơn
                        Không có gì lạ đâu, chỉ là một ngọn cỏ không tên
                        Nhưng không đâu nơi này
                                                anh đăm đăm nhìn mặt đất
                        Vì ở đấy tự nghìn năm cỏ hoa đã định hình tổ quốc.
                                                            (Ngọn cỏ làm chứng)
Trong mẫu kí Chế ngự cát, những trang viết về cát và cỏ của Hoàng Phủ giàu chất sử thi . Sức người. Sức cỏ. Để làm một con đê cát, người dân Hải Lăng đã phải gánh khoảng 11 triệu gánh cát trên đôi vai của mình. “Cát bay: lấy cỏ trồng lên mặt đê... Đê đắp đến đâu, trồng cỏ đến đấy:. Có những giọt máu đã đổ trên đê cát. Vậy mà niềm tin cứ lấp lánh đầu ngọn bút của nhà văn. Và bất chợt cỏ lại xuất hiện- “Cả một vùng cát mênh mông ven biển dậy lên trong sắc đẹp của cỏ hoa đồng nội”. Ở đâu, lúc nào Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nghe được tiếng nói thầm thì của nội cỏ.

Cỏ trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là không gian văn hóa. Nhà văn đã viết nhiều, viết hay về văn hóa vườn ở Huế (Hoa trái quanh tôi, Thành phố và chim, Những người trồng hoa, Lan Huyền Không...) nhưng vẫn không quên dành những trang văn nồng ấm về một Miền cỏ thơm hay Bản di chúc cỏ lau. Sống trong miền cỏ thơm ấy, liệu có mấy ai nhận ra hết vẻ đẹp thơ mộng của cỏ, như cảm xúc của nhà văn: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ... Mùa xuân về, mặt đất công viên sáng bừng lên bởi ngàn vạn bông cỏ tím, mỗi bông cỏ lại ngậm trong lòng một hạt sương mai, khiến vào buổi sáng, cỏ ở ven sông Hương lấp lánh như những hạt ngọc...” (Miền cỏ thơm).            

Trong những năm tháng chiến tranh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhập cuộc như một nhà văn- chiến sĩ. Năm tháng qua, sau những miệt mài rong ruổi, anh đã nhiều lần chạm mặt vào cỏ, hít thở cái mùi hăng nồng lẫn ngọt ngào của cỏ để ngẫm bao nhiêu điều về cuộc đời- hạnh phúc lẫn khổ đau, trần trụi và huyền hoặc, tin yêu lẫn man trá, vĩnh hằng hay phù du... Những trầm tư ấy có lúc Hoàng Phủ nghiệm ra từ cỏ, một loài cây bình dị, không tên, bám riết vào nhựa đất, xanh đến nao lòng.

2. ... Đến những vần thơ trữ tình triết lí

Bên cạnh những trang tùy bút đầy chất thơ, cõi thơ của người thi sĩ  rất Huế này cũng là một vũ trụ thu nhỏ với hình ảnh đồi cỏ thơm, trời mây khói, thiên hà, miền cỏ gai, ngàn thông, châu chấu và chim sẻ... Trong thế giới nghệ thuật đó, cỏ trở thành ẩn dụ cho triết lí vô thường. Dường như sau những dấn thân, nhập cuộc hoặc những bước chân phiêu bạt, những phút lãng du, cái tôi trữ tình trong thơ anh lại khao khát tìm về. Dường như nhà thơ rẽ cỏ dại, rẽ thiên nhiên hoang sơ mà bước ra cõi đời này: “Chim hỏi tôi: người từ đâu đến?/ Thưa chim rằng: tôi từ cỏ sinh ra” (Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi). Để rồi người thi sĩ của thiên nhiên lại tìm về ngôi nhà thiên nhiên của mình. Về với mây ngàn cỏ dại, Về chơi với cỏ, về với Cỏ, chim sẻ và châu chấu... Cỏ dại trở thành chiếc cầu nối tương giao giữa thiên nhiên và thế giới nội tâm. Tôi và cỏ, hữu ngôn và vô ngôn, nhất thời và hằng cửu:
                        Có nhiều khi tôi quá buồn
                        Tôi ước mong quanh chỗ tôi ngồi
                        Mọc lên thật nhiều cây cỏ
                        Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá
                        Tôi gập người trên bóng tôi.
                                                (Cỏ, chim sẻ và châu chấu)
Hoàng Phủ Ngọc Tường hay thổ lộ nỗi buồn trong thơ. Có lúc anh nói tới một nỗi buồn thật đến xót lòng. Thật, bởi anh không làm dáng, không ồn ào câu chữ. Vâng, đã có lúc chúng ta làm dáng bằng niềm vui, cũng có lúc chúng ta làm dáng bằng nỗi buồn. Thật như cỏ, hồn nhiên như cỏ, cái tôi trữ tình trong thơ Hoàng Phủ đã đạt đến vị thiền. Đó là những lúc cỏ dại và tôi cùng hiện hữu như một nhất thể của vũ trụ bao la. Cỏ, thiên nhiên, con người hòa nhập làm một trong trạng thái hòa điệu nguyên thủy:
                        Không còn nghe ai nói cười
                        Tôi còn ngồi chi đây một mình
                        Cắn móng tay từng kí ức mong manh
                        Giống như con châu chấu nọ
                        Gặm hoài lá cỏ xanh...
                                                (Cỏ, chim sẻ và châu chấu)
Thiên nhiên trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là phiên bản tâm hồn anh. Hương cỏ, chim trời- cỏ dại, miền cỏ gai, ngọn đồi cỏ may... trong thơ anh không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên thuần khiết mà còn lấp lánh chất nhân văn của một triết lí sống. Cái tôi có lúc thoát hẳn sự ràng buộc của bản thể để tan lẫn vào cỏ dại hoa ngàn:
                        Tôi trở về tìm trong hương cỏ
                        Dịu dàng một chút bình yên
                        Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi
                        Đã lâu lắm tôi chưa trở lại
                        Chắc bây giờ, chim trời- cỏ dại
                                                            (Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi)
Cỏ trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường còn là biểu tượng cho cái đẹp. Con người hòa vào cỏ, tìm về cỏ cũng là khoảnh khắc tìm đến cái đẹp. Có cảm giác nhà thơ luôn dọn mình trong động thái về chơi với cỏ. Dịu dàng. lãng đãng... “Tôi trở về tìm trong hương cỏ/ Dịu dàng một chút bình yên”; “Cảm ơn người trái đào tiên/ Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai”.
                        Thưa rằng người đã quên tôi
                        Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may
                        Một đường hoang một dấu giày
                        Một người ngồi một tháng ngày bóng nghiêng.
                                                            (Về chơi với cỏ)
Không phải ngẫu nhiên điệp khúc “trở về” cứ vang lên trong thơ Hoàng Phủ như một nỗi niềm. Phải đạt tới tâm thiền mới xóa bỏ mọi ràng rịt của ham muốn, đưa tâm hồn hòa nhập với vũ trụ vô cùng như thế. Phải chăng giữa cỏ hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường mới chính là mình. Giữa Đại ngã ta mới chính là ta. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhuốm vị Thiền, phải chăng là vậy?

3. Đời ta có khi tựa lá cỏ- Ngồi hát ca rất tự do.          

Nếu thử tìm một chiếc chìa khóa để giải mã thế giới nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường, theo tôi, có lẽ đó là một ca từ rất đẹp của Trịnh Công Sơn “Đời ta có khi tựa lá cỏ- ngồi hát ca rất tự do” (Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại trong mẩu kí Hoa trái quanh tôi)
Cỏ trong văn thơ HPNT đã nối không gian và không gian, nối cõi lòng và cõi đời, nối con người và vũ trụ, nhất thời và vĩnh hằng... Nhỏ nhoi quá là cỏ, lớn lao quá cũng là cỏ. Ngôn ngữ cỏ hoa. Triết- lí -đời- người...

L.T.H

(202/12-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình.

  • (Phát biểu ý kiến góp phần vào nội dung Đề án Nghị quyết về “Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH...” của Ban Tuyên giáo Trung ương).

  • 1. Cuốn sách về nhà tình báo nổi tiếng - anh hùng Phạm Xuân Ẩn (PXÂ) của giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman, khi được xuất bản bằng tiếng Việt có thêm phụ đề “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.

  • Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ trưởng thành trong phong trào chống Mỹ. Nhắc đến thơ chị, người ta thường nhớ đến những bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi như Khoảng trời, hố bom, hoặc dịu dàng, nữ tính nhưng không kém phần thẳng thắn như Anh đừng khen em, hoặc nồng cháy yêu đương như Không đề…

  • "Không có cách khác, thưa ngài. Tất cả cái gì không phải văn xuôi thì là thơ; và tất cả cái gì không phải thơ thì là văn xuôi"(Gã tư sản quý tộc, Molière). Trên đây là định nghĩa "thâm thúy" của thầy dạy triết cho ông Jourdain, người mà đã hơn bốn mươi năm trời vẫn sai bảo người ăn kẻ làm, vẫn hằng ngày trò chuyện với mọi người bằng "văn xuôi" mà không tự biết.

  • Trong những vấn đề mới của lý luận văn học hiện nay, các nhà nghiên cứu thường nói đến chức năng giao tiếp của văn học. Khi nói văn học có chức năng giao tiếp thì cũng có nghĩa cho rằng văn học ở ngoài giao tiếp.

  • PHONG LÊ …Không đầy hai thập niên đầu thế kỷ, trong những thức nhận mới của đất nước, nền văn chương- học thuật của dân tộc bỗng chuyển sang một mô hình khác- mô hình quốc ngữ, với sức chuyên chở và phổ cập được trao cho phong trào báo chí, xuất bản bỗng lần đầu tiên xuất hiện và sớm trở nên sôi nổi như chưa bào giờ có trong ngót nghìn năm nền văn chương học thuật cổ truyền…

  • Vừa qua bà văn sĩ Nguyễn Khoa Bội Lan ở Phú Thượng (Huế) đột ngột gọi dây nói cho tôi than phiền về những chi tiết sai với lịch sử trong bài Phạn Bội Châu với Hương Giang thư quán của  Chu Trọng Huyến đăng trên Tạp chí Sông Hương số 116 (10. 1998)

  • Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

  • Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp. Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa. Nhập hồn Kim Trọng, Nguyễn Du bình luận:                Lọt tai nghe suốt năm cung                Tiếng nào là chẳng não nùng (*) xôn xaoTác quyền và nghệ nhân biểu diễn vẫn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:                Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi "hồ đồ", huống gì chúng ta, những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ? 

  • Có thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc. 

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP1. Đội ngũ các nhà văn trẻ mà tôi nói tới trong bài viết này là những cây bút sinh ra sau 1975. Biết rằng trong văn chương, khái niệm trẻ/ già chỉ là một khái niệm có tính “tương đối” vì già hay trẻ đều phải nỗ lực để tạo nên những tác phẩm xuất sắc, vị trí của họ phải được đánh giá thông qua tác phẩm chứ không phải từ những chiếu cố ngoài văn học. 

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrong văn chương, cách gọi “chủ nghĩa” này hay “chủ nghĩa” khác đều không ổn, thậm chí có hại vì vô hình trung như thế là cách buộc nhà văn theo “một con đường” vạch sẵn mà từ hơn nửa thế kỷ trước, Hải Triều đã lên án...