Thành phố hoa mẫu đơn

09:49 14/04/2009
NGUYỄN VĂN DŨNG                           Bút kýChuyện kể rằng, vào một ngày tuyết trắng Tây kinh, Võ Tắc Thiên bỗng cao hứng lệnh cho tất cả loài hoa, nội trong một đêm phải nở hết. Sáng hôm sau, tuy giữa mùa đông giá lạnh, các loài hoa đều ríu rít nở, trừ... mẫu đơn. Võ Tắc Thiên giận lắm, bèn phán đày mẫu đơn xuống Lạc Dương cho khuất mắt. Từ đó, Lạc Dương trở thành quê hương của hoa mẫu đơn.

Thật ra tổ tiên loài hoa nầy ở tận Hà Trạch - Sơn Đông. Lạc Dương chỉ là nơi mẫu đơn tái sinh để đăng quang ngôi vị “quốc hoa”. Người Trung Quốc đặc biệt yêu thích mẫu đơn, bởi vẻ ung dung hoa quí, quốc sắc thiên hương của hoa. Hai bộ phận cành và lá góp phần làm nền cho đoá mẫu đơn trở nên quyến rũ, đầy sức sống - khi thì đình đình ngọc lập, khi dịu dàng như thiên nga soi bóng, khi hư hư thực thực như thiếu nữ trong mơ. Mỗi dân tộc đều chọn cho mình một loài hoa biểu trưng: Với Bulgari là hoa hồng, với Hà Lan là hoa Tulip... còn Trung Quốc là hoa mẫu đơn. Nói về nhan sắc, hẳn nhiều loài hoa không thua kém chi mẫu đơn. Nhưng loại nhan sắc cốt cách ung dung thanh thoát, không chịu riu ríu cúi đầu trước cường quyền bạo lực thì chỉ mẫu đơn là một. Mẫu đơn là vua của các loài hoa.


Không biết mẫu đơn vinh danh Lạc Dương hay Lạc Dương vinh danh mẫu đơn. Chắc là cả hai. Thuộc tỉnh Hà Nam, Lạc Dương là thành phố 5,95 triệu dân (1999). Là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Là kinh đô của 9 triều đại (Đông Chu, Đông Hán, Tào Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tuỳ, Đường, Hậu Lương, Hậu Đường). Người Trung Quốc gọi Lạc Dương là “Cửu triều danh đô”. Năm 190, để ép Hán Hiến đế dời đô lên Trường An, Đổng Trác ra lệnh phóng hoả đốt sạch kinh thành. Đến năm 220, đời Ngụy Văn đế, Lạc Dương được xây dựng lại. Nhưng phải đến đời Bắc Ngụy, việc kiến thiết mới qui mô và hoàn chỉnh nhất. Lạc Dương có nhiều cái “tuyệt”: sứ ba màu, đá vân hoa mai, ngọc thạch, tranh thêu... và đậu phụ. Đậu phụ Lạc Dương được xếp vào hàng “quốc bảo”. Buổi chiều, nhâm nhi cốc “bia lạc dương cung”, thưởng thức bát “yến mẫu đơn” nấu đậu phụ, ngắm những nàng kiều Lạc Dương qua lại nhởn nhơ. Cũng là một cái “tuyệt”. Tôi thầm nghĩ, không biết ai trong số mấy cô nàng là hậu duệ của Dương Quí Phi, ai mang trái tim sầu muộn Bao Tự, ai mang dòng máu Võ Tắc Thiên. Tuổi tác cướp mất của tôi thẩm quyền nói về cái “tuyệt” của cánh đàn bà con gái. Nhưng phải thừa nhận rằng, con gái Tàu quá đẹp. Đi đâu cũng thấy đẹp. Hôm đến Thượng Hải, tôi sửng sốt trước mấy nhan sắc Thượng Hải. Vào Bắc Kinh, lại thở than vì người đẹp Bắc Kinh. Lên Thành Đô, xuống Tây An, nay Lạc Dương. Ở đâu cũng chỉ thấy toàn mĩ nữ với giai nhân. Tôi chia sẻ nhận xét ấy với anh hướng dẫn viên kiêm thông dịch. Anh tỉnh bơ: “Chưa ăn thua, con gái Trùng Khánh mới là đẹp nhất Trung Quốc”. Khác với mấy cô Tây bà đầm, con gái Tàu cao ráo, thon thả, nước da trắng hồng, đôi mắt thông minh và chan chứa, còn dáng đi thì cứ như beo như nai. Nhưng, hình như sau khi rộng tay một chút với họ, ông trời bèn vội sửa sai bằng cách điểm thêm cho quí nàng cái đức chết người: nói nhiều và nói lớn. Đến nỗi cả khi họ im lặng, tôi vẫn nghĩ họ đang sửa soạn để nói một tràng.

                    (Bạch Mã Tự)
Lạc Dương không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà từng là một trung tâm văn hoá. Nơi sản sinh biết bao danh nhân lỗi lạc lưu tiếng muôn đời. Nơi hội tụ của những anh tài cái thế : Lão Tử, Ban Cố, Lịch Đạo Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Huyền Trang... Trong số những di tích văn hoá còn đến ngày nay, nhiều nhất là các công trình Phật giáo. Trong đó, công trình còn nguyên vẹn hơn cả là chùa Bạch Mã. Đây là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất, đánh dấu buổi đầu Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Năm 67 sau CN, một đêm Hán Minh đế nằm mộng thấy hai vị thánh nhân mặc áo vàng đi từ hướng Tây. Hôm sau ông cho thiết triều đoán mộng. Có người tâu hướng Tây là Tây Trúc. Nhà vua bèn cho 18 người tâm phúc sang Tây Trúc tìm kiếm. Giữa đường gặp hai vị thánh tăng Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đang cùng đoàn bạch mã tải kinh sách và tượng Phật đi về phía Đông, bèn thỉnh hai vị về triều. Minh Đế mừng rỡ, sai lập chùa Bạch Mã để thờ Phật và dịch kinh điển. Bộ kinh đầu tiên được dịch sang tiếng Tàu là “Tứ thập nhị chương”. Ngày nay trong chùa vẫn còn hai ngôi mộ của hai vị cao tăng ấy. Toà chánh điện thờ Phật Như Lai, bên trái Văn Thù, bên phải Pháp Hiền, nghi ngút khói hương. Trước điện có hai cây bách 1.500 năm tuổi. Cuối vườn chùa là Tàng kinh các, nơi lưu giữ nhiều sách quí và cổ nhất Trung Quốc. Hỡi cây bách ngàn năm tuổi kia, bởi đâu gốc và thân khô khốc là thế mà cành lá thì cứ xanh mãi giữa lồng lộng đất trời.

Là một di tích Phật giáo nổi tiếng, Động Phật Long Môn cách Lạc Dương 12 km về phía Nam, là một trong bốn động đá lớn nhất Trung Quốc. Được thiết kế từ thời Bắc Ngụy - năm 493, rồi tiếp tục xây dựng suốt 400 năm sau đó dưới các triều đại Đông Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Tuỳ, Đường. Quần thể Long Môn dài 1.000m theo trục Bắc Nam, do các nghệ nhân đục sâu vào lòng núi đá mà thành hang, động với vô số tượng Phật, khán thờ. Rất dễ nhận ra dấu ấn của từng thời kỳ qua vóc dáng các bức tượng. Long Môn có tới 2.000 động lớn nhỏ, 42 tháp Phật, 3.000 bia ký, hơn 100.000 tượng Phật. Trong đó có tượng lớn nhất cao 17m14, tượng nhỏ nhất 2cm. Tân Dương là động lớn và hoàn chỉnh hơn cả, bức Đại Lô Xá cao vọi, với đường nét duyên dáng. Võ Tắc Thiên đã bỏ 20 nghìn quan tiền riêng ủng hộ việc tạc bức tượng nầy. Nhiều người nói, hèn chi tượng có nét giông giống dung nhan bà. Động Vạn Phật có đến 15.000 tượng Phật, tất cả đều được chạm khắc bởi bàn tay khéo léo của các nữ nghệ nhân đời Đường. Trong số những bức tượng ấy, bức Quan Thế Âm tuyệt tác hơn cả: Tay phải cầm nhành liễu vắt trên vai, tay trái bình cam lồ, đường nét mềm mại, sinh động; một nửa khuôn mặt bị vỡ có lẽ do trúng đạn. Không ai có thể hình dung khuôn mặt ấy đã như thế nào. Người Trung Quốc gọi đó là Venus de Milo của Đông Phương... Lang thang qua các hang động Long Môn, tôi cứ miên man nhớ về những tác phẩm điêu khắc bằng đá tôi có dịp chiêm ngưỡng ở Ai Cập và Hy Lạp. Hơn 1.000 năm trước công trình Long Môn, các nghệ sĩ thiên tài của hai nền văn minh Ai Cập và Hy Lạp đã để lại cho trần gian nầy những tuyệt tác vô song.

Một ngôi cổ tự khác tôi có duyên đến thăm, qua đó hiểu thêm đôi chút văn hoá Phật giáo đối với Trung Quốc ngày nay: Quảng Hoá tự. Là một trong 10 ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc, xây dựng từ thời Bắc Ngụy. Trước sơn môn có hai câu đối: “Tiếu khẩu thường khai, tiếu thiên hạ khả tiếu chi nhân. Đại độ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự”. (Trên miệng luôn nở nụ cười, cười những người đáng cười trong thiên hạ. Bụng to chứa được những việc khó chứa trong đời). Tôi hơi ngờ ngợ - ông Phật nào lại đi cười những người đáng cười trong thiên hạ! Qua khỏi sơn môn, bên phải có gác chuông, bất cứ du khách nào cũng có thể gióng được, nhưng phải trả tiền. Gióng ba tiếng thì cầu được thông minh, đoan trang, giá 1 nguyên. Sáu tiếng cầu được mạnh khoẻ, trường thọ, giá 2 nguyên. Chín tiếng cầu được đại phúc, đại cát, giá 3 nguyên. Để được đại phúc đại cát mà chỉ với cái giá quá hời như thế nên du khách thay nhau gióng liên hồi. Một vị sư nói với chúng tôi: “Có một vị Phật trên cõi thiên giáng xuống chùa nầy từ ba năm nay để cứu độ cho những ai hữu duyên. Hôm nay là ngày cuối cùng ngài còn ở lại chùa. Quả là một cơ duyên hiếm có của quí vị. Nhưng phải có lòng thành kia đấy”. Chúng tôi được đưa vào một gian chính điện, cửa đóng, chỉ hai cửa ra vào hai bên được mắc hai tấm màn vải. Gian điện mờ mờ tối. Tôi định thần thấy trên bức phản giữa chính điện, một vị sư gầy gầy ngồi đó từ bao giờ. Người ta bảo chúng tôi quì trên tấm bồ đoàn phía trước đức Phật, nhắm mắt lại và thành tâm cầu nguyện. Tôi cũng quì nhưng không nhắm mắt. Tôi cố nhìn rõ hơn vị sư mà người ta nói là đức Phật sắp ra tay cứu độ tôi. Ngài, khuôn mặt không có vẻ gì đạo hạnh. Con mắt bên trái ngài giật giật như thử dây thần kinh số 5 số 7 gì đó bị chạm. Ngài đứng dậy, đi ngang qua trước chúng tôi, để bàn tay không một chút hơi ấm lên đầu mỗi chúng tôi. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn ra khỏi điện. Trước mắt chúng tôi đất trời sáng láng, và một căn phòng bán hương - Ôi những cây hương mới vĩ đại làm sao. Đây là công đoạn cuối cùng để cho sự cứu độ được viên mãn. Người ta ân cần nói với chúng tôi: Nếu bỏ ra 90 nguyên thì có thể mua cặp hương loại tiểu (khoảng bằng cán dao), chỉ cầu được bình an cho gia đình. Nếu bỏ ra 300 tệ thì có thể mua cặp hương loại trung (bằng cán rựa), cầu được an lành, thịnh đạt cho cả họ. Nếu bỏ ra 600 tệ thì sẽ thỉnh được cặp hương loaị đại, (to bằng cây tre), cầu được vạn phúc, thịnh đạt cho cả ba họ cha, mẹ, vợ chồng. Sau khi trả tiền, các thí chủ đốt hương dựng lên hàng giá trước điện. Ra khỏi chùa, tôi hỏi người tài xế điều tôi hồ nghi. Ông cười tỉnh queo, “Ở đây ngày nào mà không là ngày cuối cùng của ông Phật ấy”. Chỉ tội cho vợ chồng ông bà giáo viên cấp II trong đoàn, trên đường về, họ câm như hến. Chắc họ bắt đầu hối tiếc về số tiền 600 tệ (khoảng 1,2 triệu VN) bay khỏi túi chỉ vì cái sự thành tâm của họ. Nhớ hôm sang Ấn Độ, viếng Bồ đề Đạo tràng, sau khi hành lễ dưới cội Bồ đề, thầy Huyền Diệu đưa chúng tôi đi ba vòng quanh Bồ đề Đạo tràng. Thầy chỉ cho chúng tôi hành lang hơn 2.500 năm trước, sau khi đắc đạo, suốt một tuần đức Thích Ca đi đi lại lại đắn đo có nên đem chân lý giác ngộ của Ngài truyền cho chúng sinh. Bây giờ thì tôi đã hiểu, Ngài băn khoăn hẳn vì biết chân lý của Ngài rồi ra cũng sẽ có ngày suy biến tới mức vậy đó!
            

                                        (Đường vào điện thờ Quan Công)
         


Một địa điểm khác cũng thu hút du khách không kém là khu Quan Lâm, cách Lạc Dương 7 km về phía Nam. Năm Kiến An đời Đông Hán (219), sau khi giết được Quan Vân Trường, Tôn Quyền đem dâng đầu Quan Vũ cho Tào Tháo hòng chuyển tại hoạ về phía Ngụy. Nghe lời Trọng Đạt, Tháo cho lấy gỗ trầm hương tạc thân Quan Vũ, chắp đầu Quan Vũ vào, rồi an táng trọng thể theo lễ Vương hầu nơi chỗ Quan Lâm ngày nay. Khu Quan Lâm rộng 100 mẫu, nhiều công trình kiến trúc với 750 gian thờ, 70 bia ký, hơn 1.000 cây bách ngàn năm tuổi. Là một trong ba miếu thờ Quan thánh lớn nhất Trung Quốc. Chỉ tiếc, ngày nay cơn sóng kinh tế thị trường đã cuốn mất vẻ thiêng liêng và hào khí ngất trời của một thời Tam quốc chí.

Hướng dẫn viên kiêm thông dịch của tôi họ Lý, 55 tuổi, người Quảng Tây. Đón tôi ở Hữu Nghị quan, anh động viên: “Yên chí, tôi có thể đưa ông đến bất cứ nơi nào trên 9.600.000 km2 diện tích đất Trung Hoa, có thể thuyết minh cho ông mọi khía cạnh của nền văn hoá nước nầy...”. Nhiều khi ngú ngớ trước những câu hỏi bất ngờ của tôi, anh làu bàu, “Ông là người Việt Nam mà hiểu biết về Trung Quốc còn nhiều hơn nhiều người Trung Quốc nữa đó”. Ô hay, nếu không hiểu Trung Quốc sao có thể gọi là “đồng văn”; còn như ở bên nách Trung Quốc, nếu không biết Trung Quốc thì có mà chết à! Ngày nay, đã có nhiều người Trung Quốc đi du lịch. Một số ít đi ra nước ngoài, còn hầu hết họ đi trong nước. Người Trung Quốc đi du lịch trong nước thì cũng như người nước ngoài đi du lịch thế giới. Duy có điều cách đi của họ tôi không sao hiểu nổi. Ở các di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh họ tham quan rất đông, nhưng xoén qua xoén lại như gió, rồi thôi. Hôm đến thăm Bạch Cư Dị - ngôi mộ của ông nằm trên một ngọn đồi u tịch bên kia sông Y Thuỷ, không xa với Long Môn. Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị là một trong ba nhà thơ tiêu biểu của đời Đường và của lịch sử văn học Trung Hoa. Tính tình hào sảng, khẳng khái đến bị đày làm Tư mã Giang châu. Ông thuộc trường phái thi ca hiện thực phê phán. Hai tác phẩm trường thiên nổi tiếng của ông tôi có dịp làm quen thời còn đi học: Trường hận ca Tỳ bà hành. “Tầm Dương giang đầu dạ tống khách. Phong diệp địch hoa thu sắt sắt”... Ôi tấm lòng của ông với những số phận truân chuyên ở đời. Không ngờ có ngày tôi được đến bên mộ ông, nghiêng mình thi lễ. Chỉ muốn trò chuyện với ông thật lâu. Ngặt vì mấy vị trong đoàn réo gọi bảo phải về thôi kẻo đói bụng lắm rồi. Thế đó, trên đất nước Trung Hoa rộng lớn nầy, tôi đã gặp nhiều những con người như thế - họ chẳng phân biệt nổi Phật và Bồ tát, còn tâm hồn thì không hề thấp thoáng bóng dáng Đường thi.
                  

(Pháo hoa trong lễ khai trương Lễ hội hoa mẫu đơn Luoyang (Lạc Dương) lần thứ 26 tại Luoyang, Trung Quốc)

Buổi chiều trước khi chia tay Lạc Dương, tôi ghé thăm công viên hoa mẫu đơn - Khu đất rộng mênh mông bên bờ sông Lạc Thuỷ, nơi diễn ra Lễ Hội hoa mẫu đơn hàng năm từ 15/4 đến 25/4. Tất cả hoa mẫu đơn trên khắp đất nước Trung Quốc đều tụ về đây khoe sắc đua hương; quyến rũ theo bao tao nhân mặc khách, và vô số người đẹp mà biết đâu kiếp trước đã từng là đoá mẫu đơn quốc sắc thiên hương. Hiển hiện trước mắt tôi ngày Hội hoa tưng bừng, rực rỡ: Lớp lớp mẫu đơn muôn hồng nghìn tía, hoạ sĩ tung màu, nhiếp ảnh gia bấm máy, nhạc sĩ đuổi bắt giai điệu, thi sĩ ngơ ngẩn hồn thơ, người đẹp tha thẩn ngắm hoa, chàng Tư mã theo ngắm người đẹp ngắm hoa... Tôi thích hoa mẫu đơn màu trắng. Phải tinh tế lắm mới nhận ra bên sau cánh hoa màu trắng giản dị và mong manh ấy ẩn chứa nguồn nội lực thâm hậu không bạo lực, cường quyền nào lay chuyển được. Chỉ hiện hữu với thế gian trong vòng mười ngày ngắn ngủi thôi nhưng những gì “Quốc hoa” thể hiện thì vẫn sống mãi trong lòng mọi người qua tranh, ảnh, thơ, nhạc... Còn những 5 tháng 25 ngày nữa mới đến Hội hoa. Tôi không thể đợi lâu hơn. Những con đường uốn lượn ngát xanh của Trùng Khánh đang vẫy gọi tôi. Thôi thì đành hẹn với mẫu đơn mùa hoa tới.

Huế, 24/11/2004
N.V.D

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Đoản văn này được George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm việc như một nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner tọa lạc ngay góc phố Pond Street và South End Green, thành phố London, nước Anh. Hiện nay tiệm sách cũ Booklover’s Corner không còn nữa, thay vào đó là một nhà hàng pizza, tuy nhiên ở đó còn gắn một tấm biển ghi rằng “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này”.

  • Tác giả Oriana Fallaci lột tả cảm xúc của người phụ nữ từ lúc mang thai, dằn vặt nội tâm giữa việc giữ hay từ bỏ đứa con trong bụng, đến khi đau đớn mất con.

  • Sau gần một thế kỷ bị chìm trong quên lãng, "Temperature" - tác phẩm của nhà văn F. Scott Fitzgerald - đã được xuất bản trên một tạp chí.

  • Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một tư liệu văn học khá đặc biệt mới được công bố lần đầu trên tuần báo Ngọn lửa nhỏ (số 49 tháng 12-1988) Liên Xô, có liên quan số phận cuộc đời của nhà thơ Nga mà hiện nay tên tuổi ông đã trở nên nổi tiếng thế giới - Iôxíp Brôđxki (giải thưởng Nô ben).

  • Một khu triển lãm thuộc địa nhằm ca tụng quá trình chinh phạt của thực dân Pháp, trong đó có nhiều di tích đến từ Việt Nam, hiện đang hoang phế điêu tàn.

  • Năm 1854, Nhật Bản chính thức “mở cửa” sau khoảng 250 năm thực thi chính sách Sakoku (Tỏa quốc) dưới thời Edo (1600-1868) và không lâu sau, gấp gáp bước vào công cuộc Duy tân thời Minh Trị (1868-1912) với hàng loạt đổi thay mạnh mẽ.

  • NGUYỄN DƯ

    Tôi vốn không thích đi đến những nơi xa lạ. Ngại những cái phiền toái.

  • WILLIAM B NOSEWORTHY 

    "Những cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ” chỉ có bốn ấn bản chính đáng kể, được viết theo chủ đề trên.

  • SERGEI BELOV
          Tiểu truyện

    Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở.

  • Ở các nước phương Tây trước đây, tóc thường được lấy từ di hài người vừa nhắm mắt xuôi tay và giữ làm vật lưu niệm trong gia đình. Các món tóc từng ở trên đầu hai nhà soạn nhạc bậc thầy Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven đã được đem ra bán đấu giá trong cùng một phiên tại nhà Sotheby London vào ngày 28/5 mới đây, sau một đợt triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.

  • Mặc dù năm nay khép lại với kết quả gây đầy tranh cãi, LHP Cannes vẫn là nơi đáng mơ ước cho mọi nhà làm phim trẻ, mong tìm được bệ phóng tốt cho giấc mơ điện ảnh của mình.

  • (Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”)*

    Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

  • Vlađimia Maiakôvski (1893 - 1930) là nhà thơ đầu tiên ở thế kỷ XX đã cống hiến tài năng lớn lao của mình cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cái vốn thơ dấn thân, say mê và dữ dội của ông, ông đưa nó ra đường phố, hướng về phía quần chúng và biến nó thành "chỉ huy sức mạnh con người".

  • LTS: Dana Gioia là một nhà thơ, nhà phê bình, và thầy giáo hiện ở Mỹ. Ông sinh năm 1950 tại Los Angeles. Ông học đại học Standford và tốt nghiệp M.A về Văn chương Đối chiếu từ Đại học Harvard trước khi làm việc trong ngành kinh doanh. Sau 15 năm làm quản trị thương mại ở New York, ông bỏ chức phó chủ tịch công ty để toàn tâm viết sách và dạy học.

  • Hẳn là đã có rất nhiều người nghe nói đến cuộc tranh luận uyên bác kéo dài hơn 200 năm đề cập đến những bài Xô-nêt của Shakespeare và những cố gắng chưa có kết quả nhằm nhận ra những nhân vật chính trong các tác phẩm, đó là "Người đàn bà sầu thảm" và "Cậu bé dễ yêu".

  • TRẦN PHƯƠNG LINH

    Gunter Grass, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Đức, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1999, vừa qua đời ngày 13/4/2015 tại bệnh viện ở thành phố Lubeck-Đức, hưởng thọ 87 tuổi.

  • Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.

  • (Vài suy nghĩ nhân đọc thư của các bạn Việt Nam nghe đài Matxcơva)

    IRINA ZISMAN MÔSCƠVINA (Nhà báo Liên Xô)

  • Series hòa nhạc tương tác dành cho trẻ nhỏ dưới tám tuổi Bach Before Bedtime đang nỗ lực xóa bỏ khoảng cách cố hữu giữa nghệ sĩ và khán giả, làm cho môi trường âm nhạc cổ điển trở nên thân mật nhất trong khả năng có thể.