NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thiên hạ đang náo nức đủ tin sốt nóng, sao lại đi nói chuyện mít? Cũng do trên trang mạng một tờ báo lớn mới đây có bài “Dân mạng thế giới xôn xao vì trái mít”; nguồn tin gốc lại là một trang mạng của Mỹ! Nhiều vùng quê Việt Nam mình đang vào mùa mít, nhà tôi lại sở hữu 2 cây mít năm nào cũng trĩu quả, cần chi tìm xem chuyện bên Mỹ?
Ảnh: internet
Hơn nữa, có sự tình cờ thú vị là trong lúc đọc giúp một bạn văn bản thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử về đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp in, tôi lật giở những tư liệu cũ bỗng gặp tờ “Tiền Phong” có những dòng sau đây:
“…Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ vào ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25/8/1911, trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn…”.
Có phải vì thế mà vị đại tướng lo trăm việc lớn của đất nước, nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong mấy lần về quê cũng như khi đi thăm một số địa phương khác, ông đã nhắc mọi người… đừng quên cây mít! Có điều nhiều trẻ em hiện nay - nhất là ở thành phố, chưa bao giờ được hưởng bóng mát bên gốc mít xanh tươi dưới nắng hè, chỉ quen ăn các thứ quả ngoại nhập trong siêu thị nên không biết múi mít thơm ngon như thế nào.
Vậy nên “tán chuyện” quanh cây mít lúc này cũng… vui, “điểm danh” các món ăn phong phú từ mít càng thú. Mà lên tiếng chuyện “ăn sạch” (thì mít trong nhà, bơm hóa chất vào làm chi!) lúc này là vui và chắc là nhiều người quan tâm hơn chuyện sách vở với văn chương! Mà đây là “Văn hóa ẩm thực” Việt “nguyên chất”, biết đâu khéo PR, sẽ có lúc xuất cảng được!
Trước khi nói cách ăn mít chín và mít non, cần phải phân biệt mít dai (mít ráo) hay mít bở (mít ướt) nữa. À, cũng nên biết hoa mít như thế nào. Hình như rất ít người nói đến “hoa mít”, nhất là trẻ nhỏ thành phố hôm nay, chỉ thạo bấm Iphone và Ipad. Cũng như nhiều loại cây trái, mít cũng có hoa đực và hoa cái. Khi chùm hoa trái mới nứt vỏ cây nhú ra, rất khó phân biệt; lớn lên lớp áo vàng bao kín hoa cái bung ra, để lộ ra lớp gai xanh xung quanh và cứ ngày một to dần lên thành quả mít; còn hoa đực thường chỉ xấp xỉ bằng ngón tay, xung quanh có lớp phấn vàng nhạt mịn màng, gọi là “dái mít” (Ngôn ngữ ta kể cũng tài thật!). Đêm vắng, đi gần chùm hoa trái mít “đang nở” thoảng mùi thơm khiêm tốn nên ít người để ý. Hồi nhỏ ở quê, tôi thường hái dái mít ăn… chống đói! Sau này, biết thêm, phụ nữ mang thai ăn dái mít để có thêm sữa. Không ai hái thì dái mít khô tóp dần rồi rụng xuống…
Quả mít lớn lên, muốn ăn mít non (nhớ là lúc vỏ hạt mít còn mềm, để nấu cách gì cũng ăn được tất cả) mới gọt vỏ xung quanh trước khi bổ đôi, rồi bổ tư... Mít non có nhiều cách nấu rất ngon, lại giảm lượng đường khi ăn, nhưng nhiều người ngại làm do “mân mó nhựa ra tay” (thơ Hồ Xuân Hương) khó rửa. Nhà tôi thì đã thạo “nghề”: Gọt vỏ quả mít dưới vòi nước (hay vừa gọt, vừa té nước) là nhựa trôi đi hết. Sau đó bổ đôi-tư-tám… rồi cắt bỏ cồi giữa quả. Có thể để từng miếng to đem luộc, khi ăn xắt từng lát, chấm với ruốc hay nước “chẻo” (xì dầu trộn với vừng rang xay nhỏ) kèm lá rau thơm “lộc quế” là tiện nhất; cũng có thể đem xào với dầu mỡ hay tôm, gia vị rau “lá lốt” thái nhỏ, càng ngon. Cách nấu khác: Lấy miếng mít sống thái mỏng rồi nấu canh với tôm (nhiều chợ có bán mít loại này) - tuy nhiên ở chợ có khi họ ngâm nước pha vôi để giữ lát mít màu trắng, không hẳn đã vô hại. Nhà tôi, mỗi khi làm quả mít non, được đem “phân phát” cho vài ba nhà xung quanh, lại là một thú vui nữa.
Hết non đến già - mít chín thơm lừng rồi! Với quả mít bở, chỉ việc bổ đôi, cồi ở giữa lấy ra rất dễ. Mít bở chín rất dễ tách hạt ra, có khi không cần nhai, nếu muốn vui, “tổ chức” ăn thi ai nhanh hơn rất chi là… xôm trò. (Tay - tất nhiên phải rửa sạch - bốc múi mít cho vào miệng, nhè hạt ra là lập tức đưa múi khác vô… Hồi còn sung sức, tôi đã có lần ăn thi 100 múi với “cô láng giềng” là phu nhân nhà thơ N.K.T rất là “kịch tính”…) Còn xơ mít cắt rời vỏ, trộn với ít muối trắng, nhồi cho nhuyễn rồi gói kín (trong mo cau chẳng hạn, hoặc cho vô bát đậy kín), vài ngày sau, cắt thành từng lát vàng như… thịt gà, vừa ngọt vừa chua, chấm nước kho cá hay thịt thì tuyệt ngon.
Nói chuyện ăn xơ mít, kể cũng nên nhắc câu ca xưa: “Mít ngon anh chén cả xơ/ Chị đẹp, em đẹp, anh rờ cả đôi!” Chuyện “anh rờ cả đôi”, thậm chí hai chị em lấy chung một chồng, ngày xưa không phải là hiếm. Nhân đây xin nhắc mấy câu thơ bà Cao Ngọc Anh (ái nữ của Đông Các Đại học sĩ Cao Xuân Dục) gửi cho anh rể là Hoàng Giáp Đặng Văn Thụy (từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám Huế); do chồng bà qua đời lúc bà mới 30 tuổi, nhiều danh sĩ ngấp nghé, một hôm bà Hoàng nguýt ông và nói: Nếu ông bằng lòng, tôi sẽ nói với dì nó cho ông; ông Hoàng trả lời ỡm ờ: Cái đó thì tùy bà…; Nghe chuyện, bà Cao Ngọc Anh gửi cho anh rể bài thơ có mấy câu như sau: “Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ/ Phong tình quen thói lại lơ mơ/ Rượu ngọn uống hết không chừa cặn/ Mít ngon quen mùi đánh cả xơ…”
Loại chuyện “tình tang” này cũng vui, nên xin “kéo” thêm “hậu kỳ” với bài thơ cũng “dính” đến “múi và xơ” của ông anh tôi là Nguyễn Khắc Dương, nay đã 95 tuổi, thầy-tu-xuất này còn… trinh, nhưng rất nghịch. Do cụ Tế Đặng từng là thầy học chữ Hán của thân phụ ông Dương, nên ông viết bài “Ởm với ờ” họa bài thơ vừa dẫn ở trên, có ý “bênh” cụ Tế. Bài thơ như sau:
“Dì ởm thì tôi cũng cứ ờ/ Chính dì hay lắm chuyện lơ mơ
Em thì cũng rứa hơn chi ả/ Múi nỏ ra răng huống lọ xơ
Cửa Phật có khôn thì xuống tóc/ Đường trần chớ dại để vương tơ
Khả phong tiết hạnh lo mà giữ/ Còn ví von chi chuyện ghét ưa.
Thôi, trở lại chuyện mít. Theo đông y, mít bở “lành” hơn mít dai - mít dai ăn nhiều bị “nhiệt” (ngày còn nhỏ ở quê, mít đầy vườn, nhưng bố tôi chỉ cho tôi ăn mỗi lần vài múi!), nhưng nhiều người vẫn thích mít dai hơn vì được… nhai sướng miệng! Mít chín không ai gọt vỏ mà bổ đôi (bổ dọc hay ngang tùy quả mít to nhỏ), rồi xẻ tiếp thành 4 hay 8 miếng để cắt cồi giữa quả cho dễ. Có thể lấy từng múi hoặc cầm cả miếng, cắt bỏ vỏ; sau đó tách múi và xơ dễ hơn. Múi mít dai nếu nhiều, cho vào hộp kín để tủ lạnh, ăn dần trong vài ngày càng ngon. Xơ mít dai xào với mỡ, không cần mì chính đã ngọt; lại có thể muối chua rồi đem nấu canh cá. Rất dễ làm: Tước cụm xơ mít bỏ vào một cái bát, rắc ít muối trắng, đổ đầy nước lã, lấy đĩa đậy kín, 2 - 3 ngày sau có món nấu canh cá ngon hơn dưa chua mua ở chợ nhiều vì giàu vitamin, không phải thêm mì chính đã ngọt, lại sạch hơn.
Còn hạt mít, có thể luộc chín ăn ngay… chống đói rất tốt! Hồi còn ở quê, có khi mít chín nhiều, ăn không hết, chỉ lấy hạt phơi khô, đến mùa giáp hạt, nấu với khoai khô hay đỗ đen đều hợp. Tiếc là hình như chưa có nhà khoa học nào phân tích dinh dưỡng hạt mít và thử nghiệm các cách chế biến khác xem sao… Biết đâu lại cho ra đời loại thực phẩm có giá trị hàng hóa bổ và rẻ hơn hạt “mắc- ca”, hay hạt điều…? Còn vỏ mít dai hay bở, trâu bò hay hươu đều thích ăn. Đó là chưa nói đến cây mít tỏa bóng mát quanh năm, chứ không có kỳ rụng trụi lá như cây bàng, phượng, mãng cầu… Thân cây mít già thì nay đang được nhiều người săn lùng để làm bàn thờ hay tạc tượng…
Có lẽ do thấy mít hữu dụng như thế nên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hơn một lần nói đến ích lợi việc trồng mít. Quả nhiên, vô “Google”, thấy báo “Thanh niên” đưa tin: Ngày đại tướng qua đời, trong một bài viết, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhắc lại kỷ niệm: “…Đại tướng dặn tôi “Đừng quên cây mít nhé”.... Trước đó nhiều năm, có bài kể chuyện nhà doanh nghiệp Nguyễn Lâm Viên đã dồn công sức và trí tuệ để đưa cây mít lên tầm cao mới. Điều mà ông Viên làm được là đã tìm ra cách chế biến để mít thành một loại hàng hóa hấp dẫn. “Ông Viên chính là người đã thực hiện được ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cây mít…” - Ông Nguyễn Lân Hùng (đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã nói như thế. Và chiều 19/9/2007, ông Nguyễn Lâm Viên, giám đốc Công ty Vinamit đã đến báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành tích phát triển vùng trồng mít, hỗ trợ cuộc sống người dân trồng mít, biến thứ trái cây dân dã Việt Nam thành sản phẩm xuất khẩu quốc tế mang về nhiều triệu đô-la mỗi năm… Tuy vậy, chẳng biết vì sao mà hình như cây mít không “cạnh tranh” được với các loại cây-quả khác, nên những năm qua ít người nhắc đến việc kinh doanh mít. Nhưng nói đến hồn quê đất Việt thì không thể quên hương mít thơm nồng.
Nhắc đến “hồn quê”, tôi bỗng nhớ mùa hè năm 1997, khi biết anh tôi là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đang sống những ngày cuối đời, tôi hỏi anh có muốn ăn món gì không, một lúc, anh đáp rất nhỏ: “Giá như có một múi mít… và một cốc cà phê…”. Hẳn là anh nhớ những quán cà phê ở Paris, còn mít là hương vị quê nhà. Và vài năm trước, mỗi lần từ Sài Gòn trở ra Hà Nội sau kỳ tránh rét, anh thường ghé nhà tôi, có khi ở cả tháng, chiều chiều anh thích nằm võng mắc dưới cây mít đọc sách… Còn ở Hà Nội, biết tìm mít ở đâu? May sao, ra chợ Hôm, tìm mãi tôi thấy người bán mít, liền mua một lát cắt khoanh tròn vàng rộm như một đĩa trứng rán. Về nhà, chưa kịp mời, anh đã hỏi nhỏ: “Có mít thật à? Ung tìm mua ở mô đó?”… Từ ngày ấy, 22 năm đã qua. Nay anh ở “nơi xa” có thấy mít nhà thằng em ở Huế đang lúc “chín rộ” không?…
Chuyện vợ chồng già nhà tôi hái mít trên cao mà không cần trèo lên cây là cái “mẹo vặt” kể cho vui câu chuyện. Chồng đứng trên gác, ném dây qua cành mít, thòng dây xuống cho vợ cột vào một cái thùng; rồi kéo lên để thùng ôm trọn trái mít; sau đó chỉ việc dùng câu liêm cắt cồi, rồi lại cho thùng xuống; vợ chỉ việc ôm quả mít vô nhà - hàng chục quả mít chín thơm ngon của nhà tôi hái xuống đều giữ được nguyên lành như thế nhờ cái “mẹo” mà thằng con đặt tên là “Song tấu”… Chuyện này, tôi đã kể trong Tự truyện “Số phận không định trước”, in cuối năm 2016, kèm mấy cái ảnh màu. Nhưng Tự truyện của các “Sao”, chứ của ông già 80 này có lẽ chưa nhiều người đọc, nên nhân nói chuyện mít, “tái bản” một cách tóm tắt hầu bạn đọc quý báo, biết đâu lại được Công ty X, Y nào đó tặng giải “Sáng tạo kỹ thuật” cũng nên…
*
Tôi vừa định kết thúc bài tản mạn này thì mấy đứa cháu từ Hà Nội vào. Đúng lúc cây mít bên cổng có quả chín, liền mang ra đãi khách Thủ đô. Đây chính là “lớp người” chưa thấy cây mít và hưởng vị ngon đậm đà múi mít thơm nồng nàn. Cũng thật thú vị khi biết các cháu sẽ đi tàu hỏa ra Đồng Hới để đến thăm mộ Võ Đại tướng. Và tôi chợt nghĩ: không biết đã ai nghĩ đã việc trồng vài cây mít quanh khu mộ đại tướng chưa? Đang mùa mít chín, chọn quả thật ngon, lấy hạt “gieo” lúc này là vừa đẹp; xin nhắc nhớ gieo vào ống nứa để ngày Xuân tới sẽ có những mầm non nhú lên thẳng tắp…
N.K.P
(SHSDB34/09-2019)
LÊ KHAI Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ. Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.
HÀ KHÁNH LINH Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ Tạp bútNhư nhân duyên, như định mệnh, cuộc đời tôi như thu hết vào trong một chung trà. Tuổi thơ đã qua, bây giờ và sẽ mãi mãi, cuộc đời tôi luôn vương vấn một hương trà. Tôi thường hay nói đùa cùng bằng hữu rằng sinh ra và lớn lên được ướp trong hương trà, tôi cũng chỉ mơ một ngày về thiên cổ được vẫy tiễn linh hồn bằng một chén trà ngon, được chôn theo cùng là một bộ ấm trà quý nhất và được vẫn cùng người “hồng nhan tri kỷ” đồng ẩm tương phùng ở thế giới bên kia!!!
TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.
TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.
NGÔ MINHTừ tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết cho đến cuối năm 1964 đôi bờ giới tuyến Hiền Lương lặng im tiếng súng, nhưng đây là 11 năm diễn ra cuộc đối đầu văn hóa nóng bỏng, quyết liệt nhất giữa ta và địch.
PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước vào đời.
NGUYỄN VĂN VINH Bút ký Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nước, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút.
TRẦN HOÀI Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...
LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.
NGUYỄN THẾ QUANGMùa hạ, trời Bát Tam Boong trong xanh. Những hàng cây thốt nốt lặng lẽ kiêu hãnh xòa những tán lá xanh che mát cả khu đồi. Trong căn nhà của sở chỉ huy Sư 179 quân đội Cămpuchia, trung tá Nguyễn Văn Du chuyên gia của bộ đội Việt Nam cởi thắt lưng ra treo khẩu K54 lên vách. Anh vui mừng trước khả năng chiến đấu ngày càng tốt của quân đội bạn. Trận đánh trả lực lượng quân đội Thái Lan bảo vệ sáu nghìn dân tị nạn ở chòm Rumthumây diễn ra nhanh chóng.
TỐ HỮU Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời
VÕ MẠNH LẬP Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.
NGUYỄN QUANG HÀ Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.
NGUYỄN QUANG HÀ Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.
NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.
TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.
HOÀNG QUỐC HẢI Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.
JEAN-CLAUDE GUILLEBAUDLà một nhà báo - nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm trong suốt cuộc đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên” được viết sau chuyến đi Việt Nam từ Nam chí Bắc của ông năm 1992. Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt này, có thể nói, nó là nỗi ám ảnh của người pháp về Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Hiện Guillebaud đang công tác tại Nhà Xuất bản Le Seuil (Paris).