Sự sống trong lòng bàn tay

08:25 09/10/2020

ĐÔNG HÀ      
    Tản văn  

Nếu mỗi đời người dành ra một quãng thời gian để lưu giữ ký ức, tôi tin rằng, ký ức của mỗi người là một cái nhà kho khổng lồ.
 

Ảnh: internet

Nó có thể chứa trăm ngàn tỉ thứ trên đời này, từ vi mô đến vĩ mô, từ ánh mắt uống nhầm đến lời nói lả lơi bay thoáng. Đến mức, có những thứ, theo thói quen người đời hay chụp cái ảnh gọi là kỷ niệm, thì có những lúc không cần. Không cần chớp bất cứ một hình ảnh nào, điều đã từng xuất hiện trong đời mình, người ta đều có thể lưu giữ kỹ càng điều mình tâm huyết nghĩ suy về trong cái nhà kho khổng lồ đó. Khi cần, chỉ mở lớp hương lụa là phủ trên mặt, cầm nhẹ trên tay là có thể đem ra soi vào ngày mới.

Ký ức biết giữ gìn và lụa là nó, kho lưu trữ khổng lồ sẽ làm thành một vườn hương sắc nuôi dưỡng thân tâm mỗi người trong trẻo và hồn nhiên với cuộc đời. Nhưng tiếc thay, con người ta khi đang sở hữu thời gian, một tài sản quý giá vô hình, lại vô tình làm mất nó mà không hay. Người ta để nó trôi đi mỗi ngày trong thở than, trong muộn phiền, cay đắng và đầy âu lo sợ hãi cho ngày mai. Người ta quên mất lời vị Thiền sư đã từng nhắc nhở đâu đó, rằng, sự sống là Hiện tiền, hãy biết trân quý Khoảnh khắc Hiện tại.

Cho đến một ngày, người ta bàng hoàng nhận ra, ơ kìa, không thể sống nhanh được nữa, không sống vội như hôm qua, không cuống quýt chạy đây đó như hôm kia. Ngày hôm nay, tất cả đều phải chững lại, đứng yên, quẩn quanh trong ngôi nhà của mình bởi cơn dịch bệnh đáng sợ ngoài kia đang bủa vây nhân loại. Chưa bao giờ, một cơn gió bờ Đông cũng làm chao sóng bờ Tây khắp toàn nhân loại như bây giờ. Chưa bao giờ, con virus vô hình đâu đó lại mang khuôn mặt tử thần gieo rắc sợ hãi cho nhân loại như bây giờ. Chưa bao giờ, sự nghi ngờ lẫn nhau dù lòng hoàn toàn không hề muốn lại được đem tự bảo vệ mình lớn như bây giờ. Chưa bao giờ, lòng muốn yêu thương níu giữ mà phải lìa xa nhau mỗi người một nơi là có thật như bây giờ.

Nhân loại đang làm một cuộc xáo động bắt buộc không thể chối từ bên ngoài xã hội, để mỗi người có được nhiều thời gian sắp xếp lại yên tĩnh bên trong bản thân mình.

Và lâu lắm rồi, bây giờ, bạn hãy nhìn lại đi. Đã bao nhiêu lâu bạn có thời gian để thật sự ngắm nhìn ngôi nhà quen thuộc của mình? Đã bao nhiêu lâu rồi, bạn về nhà lúc nửa đêm và ra đi khi vừa sáng. Bạn về nhà tìm giấc ngủ mê mệt và sáng ra vội vã cắp túi đi tìm trí khôn tiền bạc và danh vọng ở ngoài đường? Bao lâu rồi, bạn quên mất có những chậu cây bạn mua dịp tình cờ nào đó đang nằm ủ rũ bên hông nhà hôm nào bỗng bật lên mầm mới? Những ngày phải sống trong trong giãn cách xã hội, tôi thường mở những buổi dạy học online, đem câu hỏi: “Đã bao giờ bạn trồng một cái cây?” dành cho các bạn trẻ con, tôi đã nhận được nhiều câu trả lời thú vị. Trồng một cái cây để đem màu xanh vào trên bàn học, trồng một cái cây để làm mát ngôi nhà, trồng một cái cây để thêm xanh đường phố, trồng một cái cây để giữ gìn khí hậu, trồng một cái cây để cứu lấy trái đất đang ngày một bị xói mòn bởi sự tác động của con người. Đến các bạn trẻ con còn nhận ra điều đó, sao người lớn chúng ta lại không? Những khu vườn xanh hơn, những ngôi nhà sáng bừng lên bởi tấm lòng của chủ nhân dành cho nó. Và đặc biệt, tôi yêu cách điều phối công việc của những người làm lãnh đạo ở thành phố nơi tôi đang sống trong những ngày này. Nhân khi tất cả mọi người dân buộc phải ở yên trong nhà để giữ gìn sự an toàn cho xã hội, thì ngoài kia, những người công nhân lặng lẽ với máy móc, trong một chuẩn an toàn nhất định, đã tranh thủ trải thêm nhựa đường những con phố ít dấu chân qua, tém lại vệ cỏ ven đường để ngăn nắp từng giọt sương rơi xuống, xén cắt những tàng cây rơi gãy để con đường xanh lá non lên. Lặng lẽ và chuẩn mực, sự sống đang chậm lại chứ không dừng, sự chuyển động không nhanh không có nghĩa là bớt đi phần quyết liệt. Dịch bệnh nhân loại đang đối mặt không làm cho con người mất đi sự đối diện với sự sống. Tất cả vẫn cứ phải diễn ra, nhưng là một cách khác, để mọi thứ sẽ tốt lành lên.

Và vì thế, tôi có nhiều thời gian hơn dành cho khu vườn bé nhỏ của mình, cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc những gốc cây ngày cũ và thăm nom những mầm cây mới nhủ. Những buổi sớm tinh sương, cùng những đứa trẻ ngắm nhìn những cây nhỏ vừa tách vỏ trồi lên từ mặt đất, tôi bất giác đưa mắt chạm phải một cành cây khô gió quật gãy làm chết cả thân từ mấy ngày trước đó đang đứng im rũ xuống tịnh không một vờn gió lay động. Này cây cao lớn kia, khi sự sống mất đi, cành rũ xuống, lá khô cong, sự sống đã dừng lại, cây có buồn không? Tôi ngồi xuống khẽ đưa tay vờn qua vạt cỏ, những lao xao xanh ngọt cứa nhẹ vào tay, một nỗi mát lành từ những giọt sương đêm tan vào đầu ngón tay chạm lên môi nỗi ngọt ngào mơ hồ tinh khôi gửi đến. Sự sống luôn công bằng. Một cọng cỏ sống hồn nhiên vẫn ngời xanh niềm vui của cỏ. Một cội cây to lớn, khi hết đời riêng của mình, cũng phải lặng im cúi xuống kết thúc sự sống của chính mình. Nhận biết cỏ cây cũng là một cách đối diện thân tâm đời người để cư xử cho phải ý vừa lòng với sự sống của nhau trong cuộc đời này là vậy.

Cũng như sáng nay, khi vừa tỉa những bông hoa rũ cánh vì mưa, tôi vừa nghĩ đến lời nhắn bình an của một người bạn kẹt lại trong chốn xa xôi, vừa mỉm cười trong yên ả. Mỗi ngày, tôi vẫn được nhận những ánh mắt biết cười, lời nói bên trong trao gửi. Mỗi ngày, mỗi việc mình làm, mình biết vẫn có người dõi theo, âu đó cũng là sự hiện tiền của đời sống. Mỗi ngày, mỗi thứ mình nhận, mình vẫn biết ai đó âm thầm truyền gửi, âu đó là kết nối của cuộc đời. Mỗi ngày, nói chuyện với cỏ cây, tạo thành thói quen hằng vẫn. Khi bấm cắt một cành hư cành sâu, một bông hoa héo rũ, tôi vẫn nói lời xin lỗi và ráng nhẹ vỗ về. Ký ức của tôi vẫn còn xót xa đến thẫn thờ khi cây muồng vàng chìa cành qua hàng xóm bị chặt đốn không thương tiếc. Và đến giờ, cây xoài trước cổng bị trốc gốc để người ta chia đất cho nhau vẫn còn khẩn quẩn trong tâm trí mình như một người thân phải ra đi không kịp lời xin lỗi.

Trong những ngày quẩn quanh giãn cách nơi khu vườn bé nhỏ, tôi vẫn nhận được những tin nhắn động viên từ một người Bạn Lớn. Đó là một người lớn tuổi, duyên tình cờ lại biết nhau qua facebook. Những đồng điệu tâm hồn vượt qua khoảng cách tuổi tác để tôi nhận được những lời động viên cho những ba đào xốn xang tuổi trẻ của mình. Người Bạn Lớn đã từng dặn tôi: “Đời sống còn nhiều nguy khốn vây. Mỗi hơi thở vào ra, còn bám biết bao hạt bụi. Làm sao con đòi trong veo cho được. Vì vậy con phải đối mặt và vượt qua. Khi vượt qua rồi, con sẽ thong dong trên hành tinh cẩm quỳ như hoàng tử bé.”

Đến đây, bất giác tôi lại ngẩng nhìn chậu cẩm quỳ đang hé bông trên chiếc bàn nhỏ. Chậu cẩm quỳ của một nhà vườn tận trong xứ Đà thành gửi cho. Chỉ vì một hôm nào đó tôi mua cây từ vườn, vụng về làm chết. Chủ vườn hỏi thăm biết được. Lẳng lặng gửi ra cây khác. Kêu gửi để khách chơi. Những kiểu đối xử với nhau như vậy trong đời, mỗi ngày vẫn đến, khi sáng sớm, khi chiều muộn, khi đêm khuya, làm dịu lòng nhau biết mấy trong những buổi đất trời nghe đầy lo âu như lúc này. Nên khi cuộc sống ngoài kia đầy lo âu, mỗi người hay chọn cho mình một cách ngồi yên, trong khu vườn nhỏ. Tỉa một cành hư cũng nói lời xin tạ ơn cây đã nuôi hoa đẹp. Đó là cách chúng ta đối xử với thiên nhiên cũng là đối xử với chính con người mình.

Không những với bên ngoài, những ngày này, tôi lại có nhiều thời gian để đối đãi với bên trong, với ngôi nhà mình ở, với tâm hồn mình nương náu. Tôi dành nhiều khoảnh khắc để ngắm nhìn từng góc nhà, từng mảnh gạch, từng mảng tường tưởng như quen thuộc nhưng phải thật sự xấu hổ mà thốt lên rằng: ơ kìa, sao bấy lâu nay nó ở đâu mình không thấy? Và một trong những vật dụng quen thuộc nhưng thật ngỡ ngàng khi nhận ra, đó là cây đèn dầu Mạ tôi thường thắp trên ban thờ tiên tổ. Một tối xong việc khi đã khuya, tôi lên phòng thờ thắp hương chợt thấy cây đèn dầu, lặng người. Cây đèn dầu Mạ thắp.

Giờ, trong nhà mỗi Mạ coi ti vi. Mạ biết tình hình những ngày qua ra sao, thế giới thế nào. Mạ biết công việc của mấy đứa con ảnh hưởng bao nhiêu. Đôi khi, ngồi nơi chiếc ghế, vừa ăn mấy múi mít Mạ lột, vừa nghe Mạ đang đứng nấu nấu xào xào nơi bếp, vừa góp đôi câu vu vơ rồi trấn an Mạ. Rằng, tụi con vẫn ổn, tụi con còn trẻ còn làm biết bao nhiêu việc, không việc này thì việc kia, Mạ đừng nghĩ lo nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe. Thường bao giờ kết thúc cái chuyện trò vu vơ đó, là cái thở dài. Thì Mạ biết chi mô, tùy bây thôi chơ Mạ tra rồi. Tra rứa đó, chứ khi bị nhốt trong nhà không cho cắp giỏ đi chợ, Mạ lại xót xa mấy đứa bây không biết mua đi chợ mua phải đồ đắt. Rồi nhân bữa cả nhà không để ý, Mạ lẳng lặng cắp giỏ đi chợ tự tay lựa đồ thật tươi thật ngon về cho con cháu. Tra rứa đó, mà hễ đến bữa con cháu vào bếp, Mạ lại khoát tay, làm chi làm đi, để Mạ nấu cho. Rồi bao đêm, thấy con cái thức khuya, lại lò dò chống gối leo cầu thang lên ràm làm chi mà khuya không lo ngủ đi làm chi làm lắm. Sự sẻ chia từ nỗi niềm đến những hành động của thể mỗi người dành cho nhau, sao lâu rồi chúng ta quên không để ý, tưởng chừng đã biến mất, giờ đang mỗi ngày một chút quay trở về. Ngồi bên cây đèn dầu, tôi nhận ra phòng thờ nhà mình đã cho lắp bao nhiêu loại đèn thờ cúng. Vậy mà mấy hôm này, Mạ nghe giá xăng dầu giảm, điện lại tăng. Mạ đã âm thầm chêm dầu vào cây đèn cất trong tủ bao năm, thắp lên cho sáng căn phòng. Và tắt đỡ đi những cây đèn điện. Cây đèn dầu thuở mình mới về làm dâu, giờ vẫn sáng trong âm thầm yêu thương của Mạ. Rồi ngồi mỉm cười một mình trong vầng sáng ấy. Vầng sáng giúp con người tìm thấy nhau, nuôi dưỡng yêu thương nhau chứ không phải máy móc nào làm được việc đó.

Và tình yêu thương đã nhắn gửi thành niềm tin, thành sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai để tạo thành một sự sống nối dài trên mặt đất này. Những ngày được ngồi yên ở nhà, tôi lại có thời gian nhiều hơn để phủi bụi trên những giá sách. Tôi lần giờ từng kệ sách và đọc được nhiều số phận bước ra từ sau những trang sách lịch sử. Lịch sử kiến tạo ra nhiều thế hệ, Thế hệ trước ngồi bờ nhìn ra biển Thế hệ tôi ngữa mắt ngó mây trời. Có thời đại trước đã từng sản xuất ra những chiếc tàu phóng ra ngoài vũ trụ được làm từ nguyên liệu lấy sâu từ lòng đất (ilmennit) và để lại những vết cắt sâu vào lòng đất. Mỗi thành tựu thúc đẩy nhân loại đi lên dường như thường để lại một cái lún sâu vào bên trong lòng đất một sự đè nén, cả hoang tàn đổ nát. Như khi con người phát kiến ra những quả bom nguyên tử, cũng là lúc con người phải hứng chịu sự tàn khốc đau xới trên trên vỏ mặt đất ăn sâu vào lòng sự sống, mọi bề. Khi con người phóng tên lửa vào vũ trụ cũng là lúc cây cỏ đã xóa nhòa nỗi đau bom rơi đạn dội, cũng cây cỏ hồi sinh trên nấm mộ người đời.

Giàu có hay không có thể không phải do mình. Nhưng đẹp đẽ hay không nhất định là ở mình mà nên.

Tôi chợt rùng mình khi nhớ lại buổi chiều cuối năm mưa leng teng rơi từng đoạn nhắn gửi tơ tóc bên hiên nhà bị thời cuộc bỏ rơi. Đám rêu buông mành thả lửng lơ nhánh li ti từ mái xuống là sà hiên nhà. Chúng tôi đứng nơi căn phòng ngày xưa chắc đã từng rất ấm cúng và sang trọng tiếng nói cười. Chúng tôi tựa vào ngây thơ mà nghe lòng ấm áp. Buổi đó, bầy tinh sương sung sướng râm ran rủ nhau vun vút xuyên qua bức tường già cỗi bất lực. Tôi bàng hoàng. Chưa có thứ tình yêu nào trên đời được gọi tên để làm nên sự lộng lẫy của buổi chiều ngây thơ rất mực đó.

Có những đêm, tôi lái xe đến một gốc cây nào đó, và những hò hẹn không gian được thiết lập. Bên này hay bên kia, bờ Tây hay bờ Đông, sớm mai hay đêm xuống, tất cả rơi xuống những con chữ vồ vập, hốt hoảng. Như thể, chỉ chậm một chút thôi, chúng tôi sẽ lại lạc nhau lần nữa.

Nhưng lúc đó, tôi ngờ nghệch đâu biết rằng, đời người luôn là những cuộc lạc nhau.

Lạc nhau ngay cả khi đang mặt đối diện mặt, tay nắm chặt tay, tên tuổi, thông tin cá nhân giữ chặt trong bộ nhớ.

Vẫn cứ lạc nhau, cách này hay cách kia đều vô nghĩa. Vẫn cứ lạc. Ấy là lúc lòng nguội lạnh yêu thương.

Và tôi vẫn không ngừng suy nghĩ. Sự hiện hữu về một ai/điều gì đó tồn tại trong suy nghĩ của mình, không nhất thiết người kia phải biết. Cái cây có biết mình nghĩ về nó đâu. Nên dù mình có giận dỗi hay yêu thương, hoa vẫn cứ nở, lá vẫn cứ rụng, trái vẫn chín và hạt vẫn rơi xuống nẩy mầm cây lên. Người ta cũng vậy, không phải vì mình yêu thương hay giận dỗi họ mà họ ở lại hay bỏ mình ra đi.

Như những ngày chúng ta đang sống trong nỗi lo sợ có thật về một con virus vô hình nào đó, chúng ta nào thấy nó tồn tại cùng ai, nó sẽ đến bên ai? Tất cả đều hư vô thế thôi. Nhưng chúng ta lại đang lo lắng rất thật. Thì cớ gì, chúng ta không dọn dẹp lại lòng mình, để biến những thứ đang tồn tại xung quanh rất thật thành điều hiện hữu trong cuộc sống của mỗi anh, mỗi em, mỗi tôi và mỗi chính bạn! Để một mai đây khi còn có lúc ngồi lại với chính mình, mỗi ngày qua sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp được cất giữ trong kho ký ức làm giàu có thêm cho mỗi đời người.

Sáng nay có con bìm bịp lại bay về, lật bật trên đọt cau rồi lại bay đi mất.

Và tiếng con tu huýt phía bờ sông vọng vào, lành thay cuộc sống.

Hiện hữu là Tính Không.

Huế, 8/2020
Đ.H  
(TCSH378/08-2020)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • VĨNH NGUYÊN                Truyện kýSau “vụ” gặp em, tôi băn khoăn lắm lắm. Là bởi trước đó - trước quả rốc-két mà chiếc F4H phóng xuống và em bị thương dưới đùi, em đang chờ tháo dây thuyền ở hốc đá, còn tôi thì giữ lấy ống ti-dô cho nước vào hai cái thùng phuy trên thuyền cho em. Hai chiếc thùng phuy 400 lít nước sắp tràn đầy. Như vậy là quá đủ thời gian cho chúng ta có thể hiểu biết về nhau, tên tuổi, quê hương bản quán.

  • ĐẶNG VĂN SỞ          Ghi chépKhông hiểu sao tôi lại đi tìm anh - anh Nguyễn Đức Thuận - người anh chú bác ruột cùng chung sống dưới một mái nhà với tôi. Tôi chỉ nhớ là hồi đó chồng của cô tôi nằm mơ thấy anh, và bác vào tận Nha Trang để đi tìm anh Mậu, người đồng đội và là người chứng kiến lúc chôn cất anh.

  • NGUYỄN QUANG HÀMột buổi sáng vợ chồng anh Thảo, chị Ái đang đèo nhau, phóng xe Honda trên đường Nguyễn Trãi, một con đường lớn của thành phố Huế, bỗng có một người lao thẳng vào xe anh Thảo. Nhờ tay lái thiện nghệ, nên anh Thảo đã phanh xe kịp. Hai vợ chồng dựng xe, ra đỡ nạn nhân dậy.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...

  • ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

  • NGUYỄN THANH CHÍHai mươi tám tuổi, nó không biết chữ và không quen đi dép, mặc áo quần dài; lầm lũi, ít nói nhưng rất khoẻ mạnh... Với nó rừng là nhà, các lối mòn trong rừng thì thuộc như lòng bàn tay... Đó là Trương Ngọc Hoàng, sinh năm 1977.

  • NGUYỄN TRỌNG BÍNHMọi chuyện xẩy ra suốt 55 ngày đêm ở đơn vị trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi đều nhớ như in. Thế mà, lạ lùng thay, suốt thời gian đó, hàng ngày mình ăn thế nào, lại không nhớ nổi. Chỉ nhớ mang máng có lúc ăn cơm nắm, ăn lương khô. Về giấc ngủ, có thể là tranh thủ nửa ngủ nửa thức giữa 2 trận đánh hoặc lúc ngồi trên xe trong đội hình hành tiến. Cố hình dung, tôi nhớ được bữa cơm chiều ở dinh Độc Lập, hôm 30-4-1975.

  • NGÔ MINHỞ CỬA NGÕ XUÂN LỘCSư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1-4-1975.

  • HUỲNH KIM PHONG(Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền , thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2005)

  • LÊ HOÀNG HẢICon người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.

  • HỒ NGỌC PHÚTôi về lại Huế sau trận lụt tuy muộn nhưng khá lớn vào gần cuối tháng 12 năm 2004. Ngồi ở quán cà phê Sơn bên bờ chân cầu Trường Tiền, nhìn sông Hương vào lúc sáng sớm sao thấy khang khác, trong có vẻ như sáng hơn ngày thường.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGĐã lâu tôi không hề nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra, những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo.

  • NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

  • VÕ NGỌC LANTôi sinh ra và lớn lên tại vùng Kim Long, một làng nhỏ thuộc vùng cận sơn, không xa Huế là bao. Bởi thuở nhỏ chỉ loanh quanh trong nhà, trong làng ít khi được “đi phố” nên đối với tôi, Huế là một cái gì thật xa cách, thật lạ lùng. Đến nỗi tôi có ý nghĩ buồn cười: “Huế là của người ta, của ai đó, chứ không phải là Huế của tôi”, ngôi chợ mái trường, một khoảng sông xanh ngắt và tiếng chuông chùa Linh Mụ... mấy thứ ấy mới là của tôi.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhân một lần ghé ngang Paris , võ sư người Huế Nguyễn Văn Dũng đã đi thăm sông Seine. Đứng lặng lẽ bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước Pháp, bỗng lòng ông nhớ sông Hương quá trời. Về lại Việt , ngồi bên bờ sông Hương, ông vẫn hãy còn thấy nhớ cồn cào cái dòng chảy thầm thì trong sương mù như một nhát cắt ngọt ngào giữa trái tim đa cảm.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTôi rẽ vào nhà Thiệp để đưa bé Miên Thảo đi học. Cô bé hét vang nhà để bắt tìm cho ra chiếc dép đi trời mưa lạc nơi đâu không biết. Miên Thảo mặc chiếc quần Jean xanh và khoác áo len đỏ, choàng một chiếc phu la cổ màu đen trông thật đỏm dáng.

  • NGUYỄN QUANG HÀSông Bồ là con sông không dài, nhưng đẹp ở về phía Bắc Huế. Phía tả ngạn, hữu ngạn vùng thượng lưu sông là hai huyện Phong Điền và Hương Trà, vùng hạ lưu sông chảy qua Quảng Điền rồi đổ vào phá Tam Giang. Làng xóm hai bên bờ sông khá trù mật.

  • MINH CHUYÊN (Tiếp Sông Hương số 12-2008)

  • MINH CHUYÊN (Tiếp theo và hết)

  • LÊ HUỲNH LÂMCó thể gọi xứ Huế là thành phố của những tiếng chuông. Sự khởi đầu của một ngày, một ngày mai hun hút trong tương lai cũng như một ngày tận trong nghìn trùng quá khứ. Một ngày mà âm thanh từ đại hồng chung phát ra; vang, ngân, vọng và im bặt. Người ta gọi âm thanh đó là tiếng chuông. Vậy thì, im bặt cũng là một phần của tiếng chuông.