O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.
Ảnh: internet
De Noux là tác giả được giải thưởng Shamus Award về “Truyện ngắn Private Eye” năm 2007 với truyện ngắn “Sac-a-lait Man/ Người câu cá Thái dương” và “The Heart Has Reasons/ Trái tim có những lý do”. Năm 2009 ông được giải thưởng Derringer về Tiểu thuyết ngắn hay nhất với tác phẩm “Too Wise/ Quá khôn”. Tiểu thuyết “John Raven Beau” của ông được trang mạng Policewriters.com bình chọn là Best Police Book hay nhất năm 2011.
O’NEIL DE NOUX
Sự lựa chọn vĩnh viễn
Joe sửa cổ áo hồ bột chiếc sơ mi trắng của chàng khi bước lên mái hiên và kéo thẳng cà vạt trước khi ấn chuông cửa. Chàng lau mồ hôi ở bên mặt trước khi lo âu vỗ vỗ vào túi phải của chiếc áo vét màu xám, cảm nhận có chiếc hộp bên trong.
Cửa mở và thím Lucy của Arianne phát cho chàng một cái nhìn ngạc nhiên, tiếp theo đó là một nụ cười nhanh nhảu. “Tôi nghĩ cậu là Armand chớ,” bà ngượng ngùng thú nhận và mở cửa rộng hơn cho chàng.
Armand? Armand trở về sao?
Joe cố giữ cho mặt chàng không bộc lộ nỗi sợ đang bóp trái tim chàng. Thím Lucy lùi lại để chàng vào, một nụ cười gượng trên mặt bà.
Không! Hôm nay không như mọi ngày.
Joe đi theo sau cơ thể đầy đặn của thím Lucy vào phòng khách, ở đó bà phẩy tay về phía ghế sô pha và bảo chàng cứ tự nhiên. Bà cười nói gì đó về cái nồi đang đặt trên lò và để chàng ở đó, đứng giữa gian phòng vắng với ba cái ghế bành xanh thẫm và những tấm thảm Ba tư, những bức tranh chim của Audubon treo trên tường, ánh nắng chiếu qua những bức mành mành cửa sổ.
Joe nhắm mắt. Hôm nay, là một ngày chàng khắc vào tâm trí, sẽ không thể nào quên - Ngày 9 tháng Sáu, 1901. Ngày chàng sẽ cầu hôn Arianne. Chàng lại vỗ vỗ vào chiếc hộp và thấy rằng tay chàng run run. Chàng ngồi xuống chiếc ghế xô pha gần nhất và nhìn lên chiếc quạt trần đơn độc đang yếu ớt xua không khí nóng trong căn phòng ngột ngạt.
Joe, 24 tuổi, cao gần mét bảy, dáng người gầy với mái tóc nâu sẫm rẽ giữa và đôi mắt nâu sẫm. Hôm nay chàng mặc bộ đồ đẹp nhất của chàng, sơ mi màu xanh dương và đi giày đen mới. Chàng đã dừng lại chỗ cậu bé đánh giày khi rời căn hộ của chàng ở đường Camp, rất gần dãy các tòa soạn báo, ở đó chàng làm cho tờ The Eagle. Bảo đảm giày chàng không lấm bụi, chàng lên xe điện, lướt qua khu nhà đẹp hơn dọc theo đại lộ St.Charles trước khi xuống xe ở đường Felicity và đi bộ ba khối nhà đến ngôi nhà mới cất nơi Arianne sống cùng chú thím của nàng ở đường Queen Anne.
Chàng cảm thấy thắt ruột vì lo âu và dựa ngửa vào ghế xô pha, mắt nhắm, cố gắng giữ bình thản. Chàng không thể ngăn được chữ định mệnh châm chích mình, như một con ong tức giận. Chàng tin là định mệnh đã đưa chàng và Arianne đến với nhau vì cuộc gặp gỡ đầu tiên ở thư viện là khi họ suýt va vào nhau, nàng thì tìm cuốn Song of Hiawatha (Bài ca của Hiawatha) của Henry Wadsworth Longfellow, chàng thì tìm cuốn The Son of the Wolf (Con trai của Sói) của Jack London. Cả hai lúng túng vì sự vụng về của họ, mắt họ nói nhiều hơn những lời xin lỗi thì thầm. Đôi mắt xanh của Arianne dường như long lanh màu xanh ngọc vào buổi chiều hôm đó, và đôi môi đỏ của nàng như chín mọng ngọt ngào, một hình ảnh chàng sẽ không bao giờ quên. Lại là Định mệnh, đó là buổi tối chàng thấy nàng đi qua gian phòng ở tiệc tối nhà Overton. Nàng cười thân thiện khi thấy chàng lại gần. Định mệnh lại viếng thăm hai ngày sau, khi chàng dạo qua khu phố nhà nàng, để thu thập thông tin về tên trộm sáng sớm mà cảnh sát cuối cùng đã bắt được. Khi Arianne mở cửa, mắt nàng mở to, nàng phát ra một tiếng cười nhỏ, chống một tay lên hông và mời chàng vào uống một tách cà phê.
Định mệnh. Hôm nay là ngày chàng cầu hôn nàng. Thì Armand chọn hôm nay để lại trở về bước vào đời nàng, và không có gì Joe có thể làm trong chuyện này. Chàng thở ra một hơi dài và cảm thấy mình đang… thản nhiên. Không có gì chàng có thể làm về chuyện này.
Chàng giật mình vì tiếng chuông cửa và nhanh chóng đứng dậy, rồi lại ngồi xuống trước khi thím Lucy nhìn thấy. Chàng bắt tréo chân và cố tỏ ra không quan tâm khi thím Lucy đi ra cửa và phát ra một tiếng reo nhỏ.
Và Armand đứng đó dưới vòm nhà dẫn vào phòng khách. Anh cao và đứng thẳng, đang mặc bộ vét xám nhạt, gần như trắng bạc, thắt cà vạt đỏ thẫm, một bó hoa hồng trong bàn tay phải của anh. Thím Lucy đang nói bằng giọng thanh tao, những bông hồng mới sang trọng làm sao, Armand trông đẹp quá, làn da trông rám nắng khỏe quá.
*
Khi thím Lucy ra khỏi phòng, Armand thấy anh không chỉ một mình. Anh chàng nhỏ con đang ngồi trên ghế xô pha trông quen quen, nhưng Armand không thấy mặt. Anh ta đứng dậy và chìa tay ra. Armand chuyển bó hồng sang tay trái và bước lại gần.
“Anh có thể không nhớ tôi,” anh ta nói, “nhưng tôi học sau anh ba lớp ở trường St.Vincent. Là Joe Gort.”
Cái bắt tay chặt nhưng không quá mức. Không cần là một thiên tài mới đoán ra tại sao Joe ở đó, và Armand cảm thấy tim anh đang đập mạnh. Dĩ nhiên là Arianne hấp dẫn nhiều người đàn ông khác. Anh chỉ không đoán ra lúc này có một người đàn ông ở đây.
“Tôi nghĩ là tôi nhớ anh,” Armand nói và bước lùi lại. “Hiện nay anh làm gì?”
Joe không là một người xấu trai và có lẽ đang mặc bộ vét đẹp nhất của anh ta. Y như mình, Armand nghĩ.
“Tôi là phóng viên báo,” Joe nói. “Tôi làm cho tờ The Eagle của cảnh sát.”
Một người thuộc tầng lớp lao động. Một nghề được tôn trọng theo cách nào đó. Armand không muốn khoe khoang, nhưng khi vài phút trôi qua cùng nhịp với chiếc quạt trần, Armand thấy mình đang kể chuyện mình, vì được khuyến khích bởi chàng phóng viên Joe muốn tìm hiểu.
“Đã một năm, chính xác là gần một năm từ khi tôi đi,” Armand nói.
“Ở đâu tại Nam Mỹ?” lúc này Joe đang ngồi, Armand vẫn đứng tay cầm bó hoa hồng.
“Bolivia. Tôi giúp xây dựng hai chiếc cầu.” Kỹ sư Armand thực sự hãnh diện về công việc của anh ở Bolivia. Được thanh toán tài chính bởi những mỏ thiếc, nhóm người Mỹ của anh đã xây cầu sông Beni và một đường đèo sâu, hẹp dọc núi Illampu. Anh đã rời thành phố New Orleans, ở đây anh chỉ là một sinh viên đại học Tulane mới ra trường không có tiền đồ, chưa đủ giàu để cầu hôn cô gái anh yêu lấy anh, và nay trở về là một kỹ sư thành đạt với những lời mời tiếp tục công việc ở Chile và Argentina và một lời mời khác từ Ai Cập điện gửi cho anh ở trên tàu.
![]() |
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG |
Armand Sebastian - 27 tuổi, tóc vàng nhạt màu hơn bởi được tẩy bởi ánh nắng gắt của mặt trời Nam Mỹ, da rám nắng, đã để một bộ ria mà anh đã cẩn thận chải bằng một chiếc lược chải ria nhỏ.
Những âm thanh nhẹ nhàng của bước chân làm Joe đứng lên và Armand quay lại khi Arianne bước vào. Nàng đứng với hai tay buông thõng, đôi mắt xanh sáng của nàng nhìn chuyển từ người này sang người kia.
Sức nhìn của Armand bất chợt mờ đi. Ký ức về vẻ đẹp của nàng trở nên nhạt nhòa khi so sánh với vẻ đẹp thật sự của nàng. Trong bộ đầm trắng giản dị bằng vải nhẹ, thường được khá nhiều phụ nữ vùng New Orleans mặc trong những mùa hè oi bức, Arianne như tỏa sáng. Có thể đó là vì ánh nắng chiếu vào từ phía sau lưng nàng.
Đường nét thân hình của Arianne nổi bật qua bộ áo đầm, tuy vẫn giấu bởi lớp vải nhưng bộc lộ những đường cong tự nhiên của nàng, cho đến chiều dài của đôi chân nàng. Mái tóc nâu đỏ của nàng nằm thành những lọn quăn dài thả qua bờ vai, như thể vừa được thổi bởi một cơn gió nhẹ đón mừng hai người đàn ông. Arianne, hai tuần nữa là đến sinh nhật tuổi hai mươi của nàng, cao 1m6 và sắp vào năm đầu đại học Sophie Newcomb vào học kỳ tới.
*
Joe chắc chắn những người kia có thể nghe được tiếng thình thịch của tim chàng. Chàng xúc động sâu sắc khi thấy môi dưới của Arianne run run trong khoảnh khắc. Nàng lo lắng, và chàng cảm thấy chàng đã thua khi cái nhìn của nàng chuyển từ chàng sang Armand và vương vấn ở đó.
Armand và Arianne. Bao nhiêu lần chàng đã nghe về cặp đôi này từ… mọi người? Nó luôn được nói lên với thì quá khứ bởi những người bạn của Arianne, với vẻ nuối tiếc. Chàng đã gặp Arianne lúc thất tình, những người bạn chàng ở tòa soạn thường nhắc chàng, gọi chàng là gã may mắn nhất bọn.
Và khi Arianne chầm chậm tiến đến chỗ Armand, là người đang đưa những bông hồng cho nàng, chàng lược qua những cái tên trong trí chàng. Lý do gì mà Arianne sẽ lấy Joe Gort để trở thành bà Arianne Gort, khi mà nàng hẳn có thể lấy Armand Sebastian, để trở thành bà Arianne Sebatian. Gort, một cái tên tầm thường. Cha của Joe từng cố đánh bóng nó: “Đó thật sự là tên của một ngôi làng Ái Nhĩ Lan dễ thương gần vịnh Galway.”
Joe cảm thấy cổ họng chàng khô khốc, nghĩ về người cha già của chàng, ông hẳn sẽ hoàn toàn ưa thích Arianne nếu ông còn sống. Nhìn xuống chân, Joe cảm thấy cảm xúc quen thuộc cũ của một thằng nhóc đường phố đang nhìn quý bà xinh đẹp và những người đàn ông của họ đang đi trên phố.
Người Ái Nhĩ Lan đen. Người trong gia đình Gort là người Ái Nhĩ Lan đen, mẹ chàng từng nói với chàng như vậy. “Người Ái Nhĩ Lan nghèo lấy những người Tây Ban Nha thua cuộc hải chiến Great Armada. Những người thoát khỏi trận chiến đẫm máu với người Anh và bị đắm thuyền dọc bờ biển Ái Nhĩ Lan, được cứu bởi những người Công giáo.” Đó chỉ là những lời chọc ghẹo của người mẹ Ái Nhĩ Lan tóc đỏ của chàng. Bà đã yêu mái tóc và đôi mắt đen của cha chàng, nhưng Joe sinh ra với màu da còn đậm hơn da của cha chàng, gần như màu quả ô liu, và những thằng nhóc trên đường Constance gọi chàng là dago - thằng Tây Ban Nha.
Armand Sebastian, cao ráo trong bộ vét màu bạc thì không phải là một dago, ngay cả với làn da màu đồng thiếc. Joe nhìn hai người họ đứng kế bên nhau, Armand đang nhìn gương mặt của Arianne khi nàng quay nhìn Joe và bất chợt có ở đó, ánh yêu thương trong đôi mắt nàng khi nàng nhìn chàng. Đó không phải là một ánh mắt thoáng qua. Ánh mắt đó không mất đi. Nhưng có phải nó là dành cho Armand?
Arianne lấy những bông hồng rồi đến bên một chiếc bình cắm vào, cẩn thận sắp xếp những bông hoa, và Joe nghe Armand đang nói điều gì đó về Paris.
“…những kỹ sư khắp thế giới đang đến đó. Hội chợ Thế giới là chương trình ánh sáng kỳ tuyệt nhất từng được tạo nên, dĩ nhiên sau khi mặt trời lặn. Hàng triệu ngọn đèn điện. Những hiệu quả kỳ tuyệt. Sảnh đường ảo giác là kỳ quan của thế kỷ mới.”
Armand quay sang Joe và nói, “Nhất định đó là tất cả những gì trên trang báo của anh từ tháng tư.” Joe cảm thấy được mồ hôi trên mặt anh bây giờ. Sự lo âu thì dễ lây lan.
Joe cảm thấy chính anh gật đầu, nhưng vì một bài báo khác đến trong trí, Stephen Crane chết vì bệnh lao ở Đức vào ngày năm tháng sáu. Không phải kiệt tác The Red Badge of Courage (Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm) về nước Mỹ của Crane đã làm Joe xúc động. Chính tác phẩm “Maggie: cô gái đường phố” của ông với hình ảnh đời sống khu ổ chuột hiện thực đã xúc động Joe. Lý do Crane xuất hiện trong trí tưởng làm chàng bối rối trong khoảnh khắc vì chàng nhớ chuyện nhà văn lớn này bị đắm tàu trong năm 1896 và trải qua bốn ngày trôi dạt trên biển, làm suy yếu sức khỏe của ông trong phần đời còn lại. Crane chết ở tuổi 28. Có thể là vì vậy. Cuộc đời quá ngắn và người đàn bà chàng yêu đang đứng cùng mối tình cũ của nàng. Một người đàn ông ngon lành hơn chàng.
*
Khi Arrianne quay lại từ những bông hồng nàng thấy chiếc hộp bọc vải nhung xanh trong tay Armand. Nàng sững sờ và ước gì nàng không nhìn thấy nó. Anh chầm chậm mở hộp cho thấy một viên kim cương chói lọi lớn đến mức tưởng như không là thật.
“Đến Paris với anh,” Armand nói, giọng anh gần như nghẹn ngào. “Anh sẽ không yêu bất kỳ người phụ nữ nào như anh yêu em. Hãy lấy anh và anh sẽ không bao giờ xa em nữa. Anh sẽ cho em cả thế giới.”
Nàng không nhìn mặt anh. Nàng nhìn viên kim cương chạm trổ và nhớ đến mối tình họ đã chia sẻ cho nhau, những đêm dài trò chuyện, những cuộc đi dạo tay trong tay, những nụ hôn phớt nhẹ, những quàng ôm ấm áp, tiếng trái tim nàng đập vọng lên đến tai nàng. Và rồi nàng nhớ nỗi đau khi anh bỏ đi, nôn nao, khi cuộc đời không như anh muốn và không có triển vọng việc làm ở đây và không có cách gì để lo cho nàng nếu họ lấy nhau. Anh đã bung đi để kiếm tương lai. Nhưng anh không viết thư về. Anh mặc nàng một mình. Anh đã đi thẳng cho tới khi có điện tín sáng nay và bây giờ là đây. Nàng từng mơ anh trở về với nàng, tưởng tượng những gì nàng sẽ cảm thấy khi nàng lại nhìn thấy mặt anh. Nhưng cảm xúc đột ngột trong ngực nàng không phải là cảm xúc như thế, không phải là tình yêu mà anh đã bỏ đi.
Arianne nhìn vào mắt của Armand, đó là khung cửa sổ mở vào tâm hồn của người đàn ông, và nhìn chúng trong khi tim hai người đập điên cuồng, khi cái quạt trần cứ quay trên đầu và người ta đi trên phố bên ngoài, và chiếc xe điện thì lách ca lách cách chạy lên chạy xuống đại lộ St.Charles và Joe Gort ngồi cách họ không đầy bốn mét. Nàng biết câu trả lời không có trong mắt của Armand. Dù anh yêu nàng nhiều đến bao nhiêu cũng không quan trọng. Điều quan trọng là từ nhịp đập trong trái tim nàng.
*
Joe ngồi trên ghế xô pha và nhắm mắt. Anh phải thoát khỏi cái mùi gây ra đau khổ từ những bông hồng, mùi luôn nhắc anh nhớ đến những đám tang. Lần này là đám tang của anh. Anh cố giữ nhịp thở và mất cả phút để vượt qua mặc cảm thấp kém tự nhiên để rắn rỏi trở lại. Hãy chiến đấu để có nàng! Mình yêu nàng. Mình yêu nàng. Và mình sẽ không hờn giận. Chàng đứng dậy, mở mắt và gần như là chạy lại phía Arianne.
Nàng đứng trước mặt chàng, và mắt họ trò chuyện, như chúng đã trò chuyện lần đầu tiên ở thư viện và nhiều ngày nhiều đêm kể từ khi đó. Gương mặt đáng yêu của nàng dường như sáng lên, mắt nàng long lanh, một nụ cười từ từ nở trên đôi môi mọng đỏ.
Chàng nhận ra chàng có chiếc hộp đựng nhẫn trong tay và cố cất nó trở lại vào túi áo khoác, nhưng bàn tay của Arianne bất chợt đặt lên bàn tay chàng và nhẹ nhàng kéo bàn tay chàng lên. Nàng mở hộp và nhìn chiếc nhẫn. Đó không phải là viên kim cương đủ một ca ra, và Joe phải trả góp hơn 20 lần để có nó, nhưng vàng là vàng 24 như vàng nhẫn của Armand.
Nhưng Arianne không thấy, không quan tâm về kích cỡ viên kim cương. Nàng hầu như thấy chiếc nhẫn qua ngấn nước mắt của nàng. Nàng lau mắt bằng bàn tay không cầm hộp và nhìn đôi mắt nhung nâu của Joe.
“Anh sẽ lấy em?” Đó là giọng nói của Arianne đầy cảm xúc.
Joe chỉ có thể gật đầu. Lời nói bị nghẹn trong cổ họng chàng.
Arianne hít một hơi dài và nói bằng giọng run run. “Em sẽ lấy anh Joseph Devin Gort.” Nàng vói tay chải một lọn tóc đen của Joe. “Anh chàng Ái Nhĩ Lan nhỏ bé của em.” Một nụ cười tươi bây giờ nở trên mặt nàng.
Armand cảm thấy một nhát đâm vào tim anh. Một lần nữa anh sững sờ vì sức mạnh của nỗi đau trừng phạt của vẻ đẹp nàng. Anh đã mất nàng.
Arianne và Joe ngồi trên ghế xô pha, mặt nhìn nhau, và Joe đeo nhẫn vào ngón tay nàng và nói, “Anh quá yêu em. Anh yêu em thiết tha. Anh sẽ luôn luôn…”.
Arianne đặt những ngón tay nàng lên môi chàng để chận lời chàng nói, rồi nàng rút tay về, nghiêng đầu sang bên và chồm tới, hé môi. Họ nhắm mắt khi môi họ chạm và trong khoảnh khắc của hơi thở, thế giới tan chảy.
Võ Hoàng Minh dịch
(Nguồn: https://www.saturdayeveningpost.com/2016/04/the-forever-choice/)
(TCSH387/05-2021)
LGT: R. Grossmith sinh năm 1954 ở Dagenham thuộc London, nhận bằng tiến sĩ với luận án về Nghệ thuật tiểu thuyết của Vladimir Nabokov và hiện sống ở Glasgow, nơi ông làm việc biên soạn tự điển.
L.T.S: Nikom Rayawa là nhà văn trẻ sinh ở một làng phía Bắc thủ đô Băng Cốc. Nikom Rayawa thuộc phái văn học "Trăng lưỡi liềm" có xu hướng nhân bản và tự do.
Lỗ Tấn là nhà văn hiện đại Trung Quốc rất đỗi quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Ông quê ở Thiệu Hưng, Triết Giang, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936. Năm nay là năm kỉ niệm 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của ông.
William Butler Yeats (1865 - 1939) là nhà thơ và kịch tác gia lớn của Ailen, sinh ở Dublin. Cùng với T.Eliot, Yeats đã cách tân nền thơ Anh và Ailen. Được giải thưởng Nôbel năm 1923. Sáng lập Hội Văn học Ailen và Nhà hát Quốc gia Ailen.
LGT: O. Henry là bút danh của William Sydney Porter. Ông sinh năm 1862 và mất năm 1910, cùng năm qua đời của Mark Twain.
LGT: James Ross là nhà văn đương đại của Anh. Ông là một trong số những thành viên của trường phái Không Tưởng. James sống trong một căn nhà cũ, viết bên một chiếc bàn cũ bằng một chiếc máy tính xách tay giá rẻ, theo như lời ông nói. James Ross bắt đầu cầm bút từ năm 1996, cho đến nay đã viết hàng loạt truyện ngắn mang phong cách riêng, đậm chất huyền ảo và giả tưởng.
Mia Couto sinh ngày 5 tháng 7.1955 tại Beira, Mozambique. Ông là nhà văn Mozambique nổi tiếng. Các tác phẩm của ông viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, đã được dịch rộng rãi ra nhiều thứ tiếng và được in ở trên 22 quốc gia. Truyện ngắn dưới đây được David Brookshaw dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Anh. Bản tiếng Việt theo David Brookshaw.
LGT: Ngày nay, khi văn học dần rời xa đại tự sự mà thay vào đó là sự lên ngôi của tiểu tự sự thì truyện cực ngắn là một trong những thể loại được người sáng tạo và người đồng sáng tạo quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay thì dường như vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho cái gọi là “truyện cực ngắn”. Truyện cực ngắn còn được biết đến dưới nhiều dạng thức định danh như “truyện chớp” (flash fiction), “truyện bất ngờ” (sudden fiction), “vi truyện” (micro fiction)...
L.T.S: Kurt Kusenberg (1904-1983), sinh ở Göteborg, Thụy Điển, mất tại Đức. Giám đốc văn học suốt ba mươi năm tại một nhà xuất bản trong nước và chủ biên một loại sách viết riêng về các triết gia, bác học và nhà văn. Tác giả của nhiều truyện kể mang màu sắc kỳ dị.
L.T.S: Miguel Rojas Mix, sinh năm 1934 tại thủ đô Chi-lê. Giám đốc viện Nghệ thuật châu Mỹ La tinh thủ đô San Chiago. Bỏ Chi lê sang Pháp dạy học ở Đại học Paris VIII. Viết tiểu luận, truyện ngắn, sách thiếu nhi. “Bàn tay Chúa” là truyện ngắn ác liệt tố giác chính quyền Pi-nô-chê khát máu tại Chi-lê chỉ có thể gây ra khổ đau, chết chóc, ly hương và quật khởi cho nhân dân xứ này. Truyện mang ý hướng ngụ ngôn, gợi ý, gợi hình, vừa có nét thần kỳ mà vẫn không xa hiện thực.
LTS: Valentin Rasputin sinh năm 1937 tại một ngôi làng ở Siberia, Ust-Uda. Tốt nghiệp xong đại học Irkutsk, ông làm việc cho các tờ báo ở Irkutsk và ở Krasnoyarsk trong nhiều năm. Truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện năm 1961. Truyện “Tiền bạc cho Ma-ria” đem lại danh tiếng cho ông. Với những truyện xuất hiện sau đó như “Kỳ hạn cuối cùng”, “Hãy sống và nhớ đến tôi”, “Vĩnh biệt Ma-chi-ô-ra”, ông được khẳng định như một trong những nhà văn Xô-viết lớn nhất. Truyện ngắn dưới đây xuất hiện trong một tập truyện mới của ông, tập truyện có đề là “Cuộc sống và tình yêu”.
LGT: Hồ Thích là nhà văn, học giả lớn của Trung Quốc. Truyện cực ngắn này đã rạch đôi hai nền văn minh với hai lối sống, hai cách tư duy. Với nền văn minh nông nghiệp, xã hội tiểu nông, mọi thứ chỉ cần tương đối. Đem lối sống, cách tư duy ấy sang nền văn minh đại công nghiệp thì trật khớp hết, và… chết.
PHRÊ-ĐRÍCH SI-LAN-ĐE- Tất cả đứng dậy, - viên mõ tòa nói với giọng đều đều.Ông chánh án bước vào, kéo ghế lại gần rồi ngồi xuống.- Tất cả ngồi xuống, - viên mõ tòa làm xong phận sự, chẳng còn buồn để ý đến những gì diễn ra trước mắt.
A-ri-en Đot-phơ-man sinh năm 1942 tại Chi-lê. Giáo sư dạy thuyết giảng tại Đại học Văn thuộc Viện Đại học Chi-lê, ông phải rời bỏ Chi-lê vào năm 1973, viết truyện ngắn, tiểu luận và thơ.Truyện ngắn Viên thuốc bọc đường viết theo kỹ thuật chen lồng đối thoại và chen lồng hiện tại và tương lai.Nội dung truyện vạch trần sự vật lộn miếng ăn tại Hoa Kỳ khiến cho lắm kẻ tha phương lao vào một số nghề nghiệp nguy hiểm, khốn nạn.
An-ghiêc-đax Pô-xi-ux, sinh năm 1930, tại làng Ketubai - ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Litva ở Học viện Giáo dục Klaipeda - Ông viết văn vào năm 1953, tác giả của nhiều truyện ký, đồng thời ông còn là nhà văn viết nhiều cho tuổi thơ.
VLA-ĐI-MIA XÔ-LÔ-KHINThị trấn nhỏ giữa buổi trưa hè bụi bậm, buồn tanh, vắng ngắt. Chẳng biết tự bao giờ, giữa thị trấn đã sừng sững một tòa đại giáo đường năm tháp nhọn. Nổi lên giữa những mái nhà một tầng có vườn cây xanh rì bao quanh trải đều lúp xúp hai bên bờ sông là gần chục nhà thờ, mà tháp của chúng cái thì màu da trời, cái thì màu lục, cái thì màu vàng.
Marie Luise Kaschnitz (1901-1974) là một nữ văn sĩ nổi tiếng và tiến bộ của Tây Đức, sinh trưởng ở Cac-lơ Xru-e (Karlsruhe) trong một gia đình sĩ quan. Bắt đầu hoạt động với tư cách cây bút văn xuôi từ những năm 20.
K. PAU-TỐP-XKISố phận một nguyên soái của Na-pô-lê-ông - mà chúng ta sẽ không gọi tên để khỏi làm phiền lòng những nhà sử học và những kẻ mọt sách - xứng đáng để đem kể cho các bạn, những người đang phàn nàn về sự nghèo nàn của tình cảm con người.
LTS: Vassily Shukshin (1929-1974), một diễn viên tài hoa, một đạo diễn phim lỗi lạc, một nhà văn tên tuổi. Thật khó nói lãnh vực nghệ thuật nào đã quyết định quá trình hình thành tài năng của Shukshin: truyện ngắn, tiểu thuyết hay điện ảnh? Nhưng dẫu sao vẫn không cần bàn cãi gì nữa về giá trị truyện ngắn của Shukshin. Xin giới thiệu một trong những truyện ngắn viết vào những năm cuối đời của nhà văn.
LGT: Irving Stone (1903-1989), nhà văn Mỹ hiện đại, nổi tiếng trong nước và trên thế giới nhờ những kịch bản phim lịch sử, những tác phẩm về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, nhất là những cuốn “Khát vọng cuộc sống” (Lust for Life) viết năm 1934, về Vincent van Gogh, danh hoạ Hà Lan, “Tê tái và Đê mê” (The Agony and the Ecstasy) viết năm 1961, về Michelangelo, danh hoạ và nghệ sĩ điêu khắc Italy, “Thuỷ thủ trên lưng ngựa” (Sailor on Horseback) về Jack London, nhà văn Mỹ lừng danh...).