Sông Hương ngày bão

09:36 22/07/2022

VÕ MẠNH LẬP

1. Trong huyết mạch giao thông quốc lộ có hai cái đèo chắn ngang dải đất miền Trung như những bức tường để phân định địa giới của Bình Trị Thiên, đó là Đèo Ngang nằm vắt qua dãy núi Hoành Sơn và đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã nằm ở phía Nam từng được mệnh danh Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Ảnh: wiki

Vào cuối thu 1985, cơn bão số 7 từ Biển Đông ập vào vùng đất Quảng Bình và cơn bão số 8 có tên quốc tế là Cecil, một xoáy thuận nhiệt đới rất mạnh đã đổ bộ vào đúng mảnh đất Thần kinh Thừa Thiên Huế vào đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16 tháng 10 năm 1985. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, với sức gió lên đến 185km/giờ, hai cơn bão đã càn quét cả một dải đất miền Trung vốn đã oằn mình hứng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh cũng như thiên tai. Quốc lộ, tỉnh lộ tắc nghẽn, cây cối, các cột đèn đường ngã nghiêng đổ gãy; nhà cửa tốc mái, những mảnh tôn lợp bị xé vụn ra từng dải bay vèo vèo nghe như tiếng rít của một âm thanh sắc nhọn đang phô diễn sức mạnh của sự tàn phá khủng khiếp gây nên bao cảnh đổ nát làm cho diện mạo của thành phố bị biến dạng. Ngoài khơi, thuyền bè mặc dầu đã được neo đậu chằng chống vẫn bị bung ra trôi dạt và chìm nghỉm… Sự hoang tàn bao trùm khắp dải đất miền Trung. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Quang Lập sau những ngày lăn lộn trong mưa bão đã phải thốt lên một cách nghẹn ngào đau xót: Lẽ nào chỗ mô cũng là mắt bão!

2.
Nhà tôi ở trong Thành Nội Huế. Ngày thường để đến được Tạp chí Sông Hương nơi tôi công tác ở đường Lê Lợi chỉ mất khoảng mười phút đi xe máy. Thế mà lúc đó để tìm được lối đến được cơ quan thật không đơn giản. Tôi phải tìm cách men theo bờ thành tìm đường tới được Ngọ Môn. Việc đầu tiên là tôi ngước nhìn lên cột cờ Phu Văn Lâu. Cột cờ vẫn cao vút uy nghi vững chãi, cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay. Tuy nhiên, phía sau Ngọ Môn những cây cổ thụ hàng trăm năm đã vắng bóng…

Phụ trương đặc biệt Sông Hương (*)
Phụ trương đặc biệt 2 (**)

Hơn mười giờ sáng tôi mới đến được cơ quan. Những anh em cốt cán của cơ quan đã có mặt đông đủ nhưng điện mất, nước tắt, điện thoại bàn im ỉm. Mọi người nhìn nhau ngao ngán, tất cả đều bị cô lập chia cắt. May thay, vài tiếng sau cơ quan đã có điện. Chuông điện thoại réo vang tứ bề. Từ Tam tòa, các anh chị ở Văn phòng Tỉnh ủy đã điện thăm hỏi sức khỏe và nắm bắt tình hình trong bão của cơ quan. Bạn bè văn nghệ sĩ gần xa khắp cả nước liên tục điện thăm hỏi từ gia đình, cơ quan và ai cũng không quên hỏi về những danh thắng cảnh và các di sản Huế có bị hề hấn gì không. Đặc biệt là cầu Trường Tiền. Vì trong tâm thức của nhiều người yêu Huế, họ vẫn nhớ mãi cơn bão hồi năm Thìn (1904) đã làm đổ sập một vài của cầu. Bây giờ bão Cecil còn mạnh hơn không lo sao được…

Tạp chí Sông Hương là một cơ quan báo chí mới được Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên quyết định cho thành lập vào tháng 4 năm 1983 do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập và nhà văn Nguyễn Khắc Phê làm Phó Tổng Biên tập, được xuất bản định kỳ hai tháng một số. Trước biến cố của thiên tai nặng nề mà hầu như tất cả các cơ quan báo chí thông tấn trong và ngoài nước đều vào cuộc, nhà văn Tô Nhuận Vỹ với cảm quan nhạy bén của người nghệ sĩ đã đề xuất cho ra tờ phụ trương đặc biệt để phản ánh kịp thời về cơn bão số 8. Ý tưởng nhanh chóng được lãnh đạo đồng thuận và chỉ đạo triển khai ngay tức thì. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, họa sĩ Bửu Chỉ được Tổng Biên tập tin cậy giao nhiệm vụ phụ trách tờ phụ trương. Một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra để triển khai công việc. Đầu tiên là phải có bài viết; nhà thơ, nhà văn của tỉnh nào đi về tỉnh sở tại của tỉnh mình viết bài nhanh gởi về.

Trong lúc Tạp chí Sông Hương đang khẩn trương bắt tay vào việc thì nhà thơ Võ Quê với mong muốn đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời của độc giả cả nước đã nhanh chóng viết một bài về cơn bão số 8 gửi cho báo Tuổi Trẻ kèm theo một lá thư riêng đến chị Kim Hạnh, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ lúc bấy giờ, với những lời lẽ đầy xúc động nhờ biên tập lại vì không có thời gian để chỉnh sửa: Tôi không có thời gian, phần vì nhà cửa của mẹ, của bà con, của chính mình, phần vì công tác cơ quan… Nhưng báo Tuổi Trẻ đã đăng nguyên văn bài viết còn thô mộc của nhà thơ Võ Quê. Sự chân thực của sự kiện trong bài viết của anh đã làm lay động trái tim của nhân dân cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh dành cho Huế. Cũng trong dịp này, bên cạnh việc đưa tin, vận động độc giả ủng hộ tinh thần và vật chất cho nhân dân Huế, báo Tuổi Trẻ còn có một nghĩa cử cao đẹp là tận tâm tận lực giúp đỡ Sông Hương thực hiện thành công tờ phụ trương đặc biệt đầu tiên với chủ đề Huế - Bình Trị Thiên trong cơn bão số 8.

Ảnh trích đầu bài viết của Nhà thơ Võ Quê về bão Cecil 1985 trên báo Tuổi Trẻ Online 8-2010- Ảnh: TT Online



Cùng với việc chuẩn bị nội dung, tôi, Võ Quê và Bửu Chỉ nhanh chóng tốc hành vào Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho việc in ấn. Trong tay vài đồng tiền rỏng rẻng đủ ăn và xăng xe dọc đường làm sao kham nổi việc lớn đang diễn ra trước mắt làm tôi không khỏi lo lắng. Hơn một ngày ròng rã, chúng tôi đã có mặt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Tổng Biên tập Kim Hạnh, nhà báo Trần Trọng Thức tay bắt mặt mừng ra đón chúng tôi tại cửa xe. Vừa đặt gọn tư trang ở phòng ngủ tầng ba của báo, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận các đầu mối chuyên môn đánh máy, in bản âm, sắp chữ chì để kịp lên khuôn. Cả đêm thức trắng xúm quanh bàn gỗ mỗi bên hơn một mét, mặt bàn là tấm kính trong suốt, phía trong là hai bóng đèn neon rực sáng. Thời đó không có máy tính nên chúng tôi lên maket bằng kiểu thủ công. Bửu Chỉ chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết sắp bài, đặt ảnh sao cho đẹp, gợi đúng chủ đề nội dung tờ phụ trương. Võ Quê nhanh nhẹn tả xung hữu đột việc gì cần, chuyện gì khó anh sẵn sàng có mặt nối móc sự kiện, sự việc, vì vậy mọi công việc đều hanh thông ngoài mong đợi.

Không cần báo thức, khoảng ba giờ sáng cả ba chúng tôi đều nhẹ nhàng ra khỏi phòng ngủ đến thẳng xe báo từ nhà in. Ba người cầm ba tờ phụ trương soi xét kĩ từng trang, từng chi tiết, mong sao kịp thời sửa chữa những khiếm khuyết để tờ báo đến tay bạn đọc một cách tốt nhất. Nhanh chóng chợp mắt lấy lại sức, và chúng tôi được Tổng Biên tập Kim Hạnh, nhà báo Trần Trọng Thức mời đến phòng khách sang trọng uống cà phê, ăn sáng. Hơn hai ngày sau chúng tôi biết kết quả hai vạn tờ Phụ trương đặc biệt Sông Hương đã được phát hành nhanh chóng. Cả chúng tôi và anh em trong tòa báo Tuổi Trẻ đều vui mừng khôn xiết. Thừa thắng xông lên, Tổng Biên tập Nguyễn Khoa Điềm quyết định cho ra phụ trương đặc biệt số 2 với số lượng tăng gấp đôi lên đến bốn vạn bản và cũng đã bán hết chỉ trong hai ngày. Thật đáng kinh ngạc!

3.
Sau một thời gian đảm nhận vai trò Tổng Biên tập của tạp chí, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được điều chuyển công tác từ Hội, Sông Hương lên nhận nhiệm vụ mới trong Đảng bộ Bình Trị Thiên. Tân Tổng Biên tập là nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Được sự quan tâm của Đảng bộ Tỉnh, với những hoạt động khởi sắc, Tạp chí Sông Hương bước vào một giai đoạn mới với một tầm vóc mới luôn được độc giả cả nước đón đọc với niềm say mê ngưỡng mộ. Vốn là người say mê bóng đá, Tô Nhuận Vỹ đã ví von việc làm báo, làm tạp chí trước tiên phải có bạn đọc giống như bóng đá bắt buộc phải có người xem, người hâm mộ càng đông càng tốt, càng chật sân bãi càng thành công.

Sau thành công hai phụ trương đặc biệt Sông Hương, để tỏ lòng tri ân và mở rộng mạng lưới hoạt động của tờ báo, Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ quyết định tổ chức cuộc họp cộng tác viên lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh nhẩm tính các lợi thế sẵn có từ bà con, đồng nghiệp, bạn bè đồng hương nhiệt tình hết lòng hỗ trợ. Lợi thế từ các phóng viên, các tờ báo thân cận và lợi thế lớn từ các hội nghề nghiệp như Hội Nhà văn, Hội Kiến trúc, Hội Âm nhạc… Những bạn bè thân quen như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà thơ Trần Nhật Thu… Tất cả đều đã sẵn sàng hết lòng ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất, tình nguyện làm cầu nối cho Sông Hương. Cuộc gặp mặt thành công ngoài mong đợi, cộng tác viên được mời và tự nguyện đến vì yêu mến Sông Hương lên đến ngót 500. Hội nghị diễn ra trong bầu không khí ấm cúng đầy lòng mến mộ đã kéo dài gần hết buổi chiều mà vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt…

Sau cuộc gặp mặt ở phía Nam thành công, chúng tôi tiếp tục triển khai hội nghị cộng tác viên tại Hà Nội. Với vỏn vẹn không quá 50 khách mời nhưng đều là cây đa cây đề trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sự hiện diện của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Phạm Tiến Duật, Dương Tường, Trần Quốc Vượng, Phong Lê, Phạm Xuân Nguyên, Phan Thị Thanh Nhàn, Phùng Quán, Xuân Thiều, Thu Bồn, Trần Nguyên Vấn, Ngọc Trai… Đặc biệt là cụ Nguyễn Tuân, tuổi già sức yếu vẫn chống gậy chậm bước tới dự đã làm cho không khí của buổi tọa đàm càng thêm đầm ấm tâm huyết, đem lại cho Sông Hương những bài học kinh nghiệm vô cùng bổ ích, giúp cho tầm ảnh hưởng của Tạp chí Sông Hương nhanh chóng vượt ra ngoài phạm vi của một tờ báo cấp tỉnh lên tầm quốc gia, được bạn bè độc giả trong và ngoài nước đón đợi như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ một tờ báo chỉ in ấn hai tháng một kì với số lượng từ 500 đến 1000 cuốn, Sông Hương với sự giúp đỡ chí tình của bè bạn gần xa đã lập kỉ lục về một tờ báo địa phương với số lượng lên đến năm bảy ngàn cuốn một tháng một số.

Không phải ngẫu nhiên mà Sông Hương lại có một sức hút kì lạ đến vậy đối với các độc giả gần xa. Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ hiểu rất rõ sự sống còn của Tạp chí Sông Hương chính là phải có bản lĩnh, bản sắc riêng, phản ánh được những vấn đề lớn của văn hóa nghệ thuật nước nhà với nhiều tác phẩm có giá trị được công bố và dư luận quan tâm đón đợi…

May thay, với một đội ngũ tâm huyết của anh em nghệ sĩ tạp chí và sự quan tâm của tỉnh, Sông Hương lại còn luôn nhận được sự ưu ái của các nghệ sĩ trong và ngoài nước tin cậy gửi những bài chất lượng nhất cho tòa soạn. Tất cả đã góp phần làm nên một diện mạo của tạp chí được đặt tên bởi một dòng sông. Dòng sông mà nơi đó có trăm loài hoa dồn tụ về đây để làn nước mãi thơm tho vương vấn lòng người: Sông Hương!

V.M.L
(TCSH400/06-2022)

-------------------------------------
(*, **) Tư liệu của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • THÁI VŨ

    Nguyễn Phúc Đảm (sau này là vua Minh Mạng), sinh năm 1791 tại Gia Định, là con trai thứ 4 của Vua Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh, nối ngôi vua năm 1820 lúc 30 tuổi.

     

  • TỪ HỒNG QUANG     

    Thông thường, khi vui người ta nghĩ đến những điều vui và kể lại cho bạn bè nghe. Nhưng ông cha ta có câu: “Không ai nắm chặt tay từ sáng đến tối”. Lại có câu: “Bảy mươi chưa hết què, chớ khoe mình lành”.

  • ĐÔNG HÀ   

    Tôi không biết từ đâu, tôi lại tha thiết yêu những câu hát đẹp như mơ được cất lên từ chị, có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền

  • HÀ KHÁNH LINH

    Theo hẹn, tôi đến trước vài phút ngồi ở salon khách sạn Hương Giang - lơ đãng nhìn những người đi lại trong hành lang.

  • TRẦN NGỌC TRÁC

    Như duyên nợ, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau qua series ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du”(1).

  • PHẠM XUÂN PHỤNG

    Vào đúng 9 giờ đêm 26 tháng 3 năm 1975, chúng tôi vui sướng đến nghẹn ngào nhận tin vui Huế đã được giải phóng qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội. Tiếp đến là mệnh lệnh tất cả sẵn sàng hành quân về Huế. Không ai không mong chờ niềm vui ấy, nhưng những người lính quê Thừa Thiên, trong đó có tôi đều vui mừng vì sắp được trở lại quê nhà!

  • PHI TÂN

    1.
    Buổi chiều trên đường đi làm về thấy một chị phụ nữ bày bán những con heo đất bên vỉa hè màu xanh, đỏ, vàng, cam nhìn thật vui mắt.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Hồi ức làm ta muốn khóc...
                            (Vasiliev)

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Vua Minh Mạng có 78 hoàng tử, được giáo dưỡng đàng hoàng, hầu hết các hoàng tử có học hạnh, hoàng trưởng tử trở thành vua hiền Thiệu Trị, một số trở thành vương công nổi tiếng như Thọ Xuân vương, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương…

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN   

    Chưa bao giờ tôi được lội bộ đùa chơi với cỏ thỏa thích như bao lần khai hội Festival ở Huế. Đêm, giữa cái triều biển người nối đuôi nhau từ khắp các ngả đường hướng về khu Đại Nội, tôi và em mồ hôi nhễ nhại, hai đôi chân rã rời, đến nỗi em phải tháo giày cầm tay, bước đi xiêu lệch.

  • HÀ KHÁNH LINH   

    Bão chồng lên bão, lũ lụt nối tiếp lũ lụt. Miền Trung Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa bao giờ phải hứng chịu thiên tai dồn dập khủng khiếp đến mức chỉ trong vòng trên dưới một tháng mà có đến sáu cơn bão mạnh với hai áp thấp nhiệt đới, đã cướp đi nhiều sinh mạng và xóa sạch tài sản của những con người suốt một đời chắt chiu dành dụm xây cất lên...

  • PHẠM XUÂN PHỤNG

    Một buổi chiều năm 1968, chúng tôi nhận lệnh tập trung tại một khu vườn thuộc làng (nay là phường) Kim Long.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Mười năm trước đây, một sự kiện văn hóa diễn ra tại Huế đã khiến nhiều người ngạc nhiên và tự hào: Huế từng có Nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản các ấn phẩm âm nhạc sớm nhất toàn cõi Đông Dương, sự kiện Gala Tinh Hoa - Sông Hương nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa. Sự kiện đó đã làm rung động nhiều trái tim yêu âm nhạc, nhất là những ai mê lịch sử Tân nhạc Việt Nam.

  • HÀ LÂM KỲ

           Hồi ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Tôi vốn là người lính. Sau Mậu Thân 1968, một số phóng viên báo Cờ Giải Phóng - Huế hy sinh, một số bị thương ra Bắc, tôi được thành đội trưởng Huế cử biệt phái sang làm phóng viên báo Cờ Giải Phóng, sau mấy năm thì trở thành phóng viên thật sự.

  • Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (18/9/1945 - 18/9/2020)

    DƯƠNG PHƯỚC THU

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    "Đồng Khánh - mái trường xưa" là tên tập đặc san được phát hành tại Huế nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường Đồng Khánh vào đầu tháng ba này.

  • Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)    

    DƯƠNG HOÀNG

  • BỬU Ý    

    Ngược dòng thời gian, nhẩm tính lại, tôi gặp Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên lúc nào? Chắc hẳn là dịp tôi làm thư ký tòa soạn cho tạp chí Mai.