Quýt làm, cam chịu

15:29 05/02/2009
S. MROZEK (Ba Lan)Có lần tôi bắt gặp một con chó ác bụng đang rượt đuổi một con mèo. Bởi tôi là người yêu động vật nên tôi bèn vớ ngay một cục đá to sụ quẳng vào con chó khiến nó ngã lăn quay, nằm đứ đừ một hồi lâu. Chú mèo nhỏ không nhà, con vật bé xíu nom mệt phờ râu. Không chút do dự - tôi cho nó nương nhờ. Đây quả là một con mèo đẹp mã, lông mịn màng, mắt long lanh. Tôi đem nhốt nó vào trong nhà, đoạn bỏ đi chơi bời trác táng.

Thế rồi tôi lấy làm lạ, khi hôm sau, lúc tỉnh dậy sau một đêm say tuý luý và làm nhục một phụ nữ cô đơn, tôi chẳng hề cảm thấy một chút phiền muộn nào, điều, thực đáng tiếc, vốn dĩ vẫn là hậu quả không tránh khỏi sau những hành vi tội lỗi như vậy. Không đau đầu, chẳng chóng mặt đau mình mẩy gì sất. Trái lại: tôi lại thấy sảng khoái, khoẻ khoắn trong người. Cái khoan khoái tôi có được nhờ hơi men và trò đốn mạt, điều khiến tôi cứ tưởng là mình sẽ bị phạt nặng cho coi, vẫn còn hiện hữu và cám dỗ trong đầu tôi, vì hiện tại tôi có bị trừng phạt gì đâu. Tôi cũng chẳng thấy ăn năn chút nào về chuyện liên quan đến người đàn bà cô đơn nọ. Thực tình mà nói, tôi vốn chẳng ưa gì việc gian dâm với phụ nữ cô đơn, bởi tôi biết và tôi hiểu rằng khó lòng tránh khỏi chuyện lương tâm bị cắn rứt. Lúc này chẳng những tôi không chút ăn năn, hối hận, không ớn ngại tí nào sau hành vi đê tiện, mà ngược lại. Vừa mở mắt dậy tôi liền đảo mắt quanh phòng đặng kiếm tìm một người đàn bà cô đơn nữa và sẵn lòng làm nhục người ta.

Mắt tôi bắt gặp con mèo. Con vật nom mới khác lạ làm sao, hôm qua nó còn khoẻ, còn vui là vậy. Mắt nó ngầu đục, lông nó xám ngắt. Nó đi lảo đảo với triệu chứng bị nhiễm độc nặng chất cồn. Thêm nữa, lúc lúc nó lại kêu meo meo nhỏ nhẹ, dường như nó đang rầu lòng lắm thì phải.
Tôi, miệng huýt sáo, bước ra khỏi nhà. Không nên lấy làm lạ rằng chẳng còn bị ức chế bởi tâm trạng buồn phiền, điều trước đây vốn thường kìm giữ tôi, chí ít là vài hôm, không lao vào những cuộc trác táng mới nữa, tôi lại lập tức khướt say và làm nhục một bà goá tới độ chẳng thể tha thứ được. Ngày hôm sau tôi sảng khoái tỉnh dậy, không chút ưu phiền, không hề đau mình mẩy. Trong khi đó con mèo nhỏ buồn thiu. Nó đi xiêu vẹo, kêu meo meo, miệng phát ra từng tiếng nấc. Nó đau khổ, trong đôi mắt đục ngầu lúc này của nó ánh lên lời sám hối não nùng.

Tôi đi lấy bia cho nó, tôi đổ bia vào đĩa, ngắm nhìn chú mèo nhấp bia lia lịa, tôi chìm vào suy tưởng mông lung. Đích thị là - hoặc để tạ ơn, hoặc do lòng thánh thiện, chú mèo đã tự gánh lấy mọi tội lỗi của tôi, đúng hơn là mọi hậu quả về tinh thần và thể xác, còn phần hấp dẫn nhất thì nó để cho tôi.
Biết đâu, dẫu khác loài, nhưng cùng là động vật cả, nó có bà con họ hàng gì đó với con dê nọ, con dê mà khi đã gánh đủ các loại tội lỗi của dân Do Thái cổ đại đã bị họ tống khứ ra sa mạc và ở nơi đó nó rửa tội cho họ, giải thoát họ khỏi gánh nặng lỗi lầm.
Tôi ngắm kỹ con mèo. Mặc dầu có triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày và liệt dây thần kinh thăng bằng, nom nó vẫn là một con mèo đẫy đà, khoẻ mạnh, còn có thể chất thêm lên lưng nó không chỉ một lỗi lầm. Đương nhiên không hề có chuyện tống khứ nó đi.

Giờ đây là những ngày tôi thường thành tâm hồi tưởng lại, khi tôi rảnh rỗi hơn. Tôi hay về nhà vào sáng sớm. Đâu đây vang vọng những tiếng rên la của những người phụ nữ cô đơn và của những người đàn bà goá. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà tôi đã phạm tới ngần ấy hành vi tội lỗi, bất nhã tới độ tôi ngờ là chưa chắc tôi có kiếm nổi một kẻ khác đồng cân đồng lạng với tôi về mặt này, một khi chẳng có ai bì kịp với tôi về thể chất cũng như tinh thần. Sức kiệt và sự ghê tởm với chính mình chắc phải giết chết bất kỳ ai. Riêng tôi thì vẫn tươi rói, hoạt bát và hồ hởi như xưa, sẵn sàng lao tiếp vào những hành động còn khả ố hơn, ấy vậy mà vẫn trong sạch như một thiên thần. Mọi tội lỗi của tôi, chú mèo, người bạn nhỏ của tôi, gánh sạch. Nó gầy sọm. Ít lâu nay lông nó đầy những vết loang lổ, phản ánh đầy đủ mức độ đạo đức và hành vi tội lỗi của tôi. Khi tôi biển thủ tiền bạc - trên thân người nó mọc thêm một cái mụn mưng mủ. Khi tôi lừa đảo - mõm nó tấy sưng, khi tôi nhục mạ - người nó mọc đầy nốt, khi tôi phạm thánh - nó lên cơn co giật, khi tôi bất kính người già và thượng cấp - nó rụng đuôi. Khi tôi thèm muốn thứ gì đó của người khác, vợ hoặc vật gì đó - nó bị động kinh, khi tôi háu ăn - hành tá tràng không chịu nghe theo nó. Mỗi lần tôi bội tín - lại một cái nhọt mọc trên người nó, các ngón bịp của tôi trong kỳ đua ngựa gieo cho nó những cái bướu. Trong thời gian tôi đắm mình trong những cuộc trác táng - nó rụng sạch lông. Quả đúng là tôi ngập chìm trong tội lỗi mà vẫn không hề bị trừng phạt, thay vào đó mỗi lúc nó càng trở nên tiều tuỵ.

Rốt cuộc tôi đành phải giảm nhịp độ. Nó ngày càng thân tàn ma dại, cần phải nới tay cho nó, khi tôi không định giết nó trong lúc này. Quả tình tôi không muốn vậy.
Bây giờ thì thảng hoặc tôi mới tự cho phép mình và còn cho đó là chuyện mạo hiểm lắm. Tôi đoạn tuyệt dần với những tội to, hạn chế mình trong những tội nhỏ, bớt liều lượng, bởi tôi ngại chẳng còn mấy nỗi là con mèo bị thiệt mạng. Tôi khai thác nó theo phương pháp khoa học, tôi lập bảng mối tương quan giữa những tội nặng và thể trạng của con vật. Tuy nhiên, tất thảy những thứ đó cũng chỉ có thể giúp làm chậm lại một quá trình, trong khi cần phải tìm cho bằng được lối thoát.

Lúc này đây tôi sẵn lòng chia sẻ với con mèo một nửa. Nhưng nó bất cần, vẫn cứ nhận hết về mình mọi hành vi đê tiện của tôi. Thế cùng tôi buộc phải hoàn toàn tự kiềm chế bản thân mình. Vì giờ đây trên thân xác con mèo chỉ còn đủ chỗ cho một lỗi lầm, mà phải là lỗi nho nhỏ thôi. Ôi, bất kỳ tội gì lúc này đều có thể giết nó chết hẳn. Tôi sống mẫu mực, nhiệt thành, tìm mọi phương cách. Tôi định chữa chạy cho mèo bằng cách đi làm những việc tốt, - độ vài việc tốt - tôi nghĩ bụng, - là mèo ắt lành da và rồi hắn có thể làm lại từ đầu. - Để được vậy, tôi dắt cụ già sang đường, cho người ăn mày của bố thí. Thế nhưng, rõ ràng con mèo chỉ phản xạ một phía, bệnh tình của nó chẳng thuyên giảm chút nào. Hình như trong nó có những nguyên tắc cải hoá vừa khổ hạnh, vừa khắt khe, có gì đó thuộc định mệnh, thuộc quan niệm cho rằng, tội lỗi, khi đã một lần phạm phải thì chẳng thể rửa sạch được nữa. Thế cho nên, tôi toan đạp ông già và bạt tai gã ăn mày. May mà tôi kịp nhớ ra, mình mà làm vậy thì chú mèo sẽ không sống nổi - nên tôi thôi.

Tối đến tôi quanh quẩn ở nhà, bằng mọi giá tôi tránh bị cám dỗ. Thanh thản, kìm lòng, đức hạnh, tốt bụng một cách phúc âm, tôi ngồi đối diện với nó, và... để làm cho nó vừa lòng tôi thêu mấy cái yếm dãi cho trại nuôi trẻ bị bỏ rơi, lũ trẻ da mầu. Nó nhìn tôi, chừng như muốn nói: “Nào, xin mời, cứ giết tôi chết hẳn đi, cứ cưỡng dâm, cứ trác táng, cứ lừa đảo đi, xin mời”. Tôi nghĩ bụng, phải đấm cho nó một quả vào mõm mới được. Tuy nhiên, làm vậy e chẳng hay ho gì, có khi lại mắc tội bội ơn, và khi đã vậy nó ắt lăn đùng ra chết. Tôi ức nó lắm.
Bao đêm tôi buồn nản tính thầm, giá nó là một con mèo to, hoặc là một con hổ bự, chứ đừng là một con mèo bé tí xíu thì mình còn có thể chất lên người nó được ối tội, còn đủ chỗ cho thời gian lâu hơn.

Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng tìm được chước: tôi quyết định phải nhân giống nó. Thực ra thì cũng chẳng mong gì con cái của nó sẽ to hơn nó, nhưng cái lợi là ở số lượng. Cứ cho là nó sẽ đẻ một lứa sáu con. Nếu mà lũ mèo con kế thừa được bản tính của con mẹ, thì mỗi con được nuôi nấng đó, với cung cách chơi bời tùng tiệm của tôi, cũng đủ cho tôi được độ nửa năm, cộng gộp lại tôi đủ dùng được ba năm, ấy là chưa kể đàn mèo con này mai kia lại sinh sôi nẩy nở.
Tôi, loá mắt, đứng dậy. Việc nuôi nấng đến nơi đến chốn những con mèo như vậy hẳn sẽ tạo điều kiện cho tôi tha hồ đắm mình trong tội lỗi cho đến tận cuối đời mà vẫn chẳng bị trừng phạt chi cả, chả chừng - cả sau đó nữa cũng nên.

Có điều, tôi lại vấp phải một khó khăn thực nan giải. Bởi vì nó không chịu làm những chuyện không phụng sự các mục đích tinh thần và do tính cả thẹn bẩm sinh - nên chẳng biết được nó là giống gì. Thứ hai: vì những lý do như trên, nó quyết cự tuyệt bất kỳ kiểu phối giống nào. Thứ ba: do thể trạng của nó quá tồi tệ, cho nên không một con mèo khoẻ mạnh nào, dù là đực hay cái, muốn chung đụng với nó.
Vì vậy cho nên tôi đành phải đợi cho tới độ xuân về. Tôi những mong tiếng gọi mãnh liệt của thiên nhiên sẽ đẩy lùi sự cự tuyệt của nó và làm giảm đi nỗ e ngại của các đối tượng khả dĩ của nó. Tối ngày rằm tháng ba, trời ấm áp, tôi mở toang cửa sổ, đoạn đặt nó lên bệ cửa. Nó nhìn tôi bộ khinh bỉ, bằng ánh mắt của mình nó nói lên lời dứt khoát: “đừng hòng”, đoạn nó quay về góc phòng. Tôi thấy mình bất lực. Lâu nay sự thể được an bài là, tôi thì dâm loạn, còn mọi hậu quả nó gánh chịu hết. Vậy thì bây giờ làm sao tôi lại đi buộc nó phải có thái độ chủ động nào? Thực ra tôi có thể tự mình leo lên nóc nhà thử làm cái việc “cưỡng hôn”, có điều một khi đã “ép duyên” như vậy thì làm sao đạt được ý đồ nhân giống của tôi.

- Này, mày, hỡi con mèo thánh thiện kia! - tôi nghĩ bụng khi cơn thịnh nộ ngầm trào lên. - Cuối cùng thì mày đã đạt được mục đích. Mày bắt bí tao. Có điều tao đã chán ngấy cái kiểu bắt bí này. Bây giờ thì tao cho mày biết, thế nào là bắt bí.
Tôi nhanh nhẩu nhẩm tính những khả năng hiện hữu. Đã muộn giờ... Nhà nhà đã đóng cửa. Tôi túm gáy con mèo, đoạn sang gõ cửa nhà láng giềng, một ông già ốm yếu. Lão mở cửa, vui vẻ chào mời tôi. Tôi bước vào nhà, khép luôn cửa tôi thả con mèo ra rồi tóm lấy cổ họng ông lão.
- Hoặc là mày chịu đi nhân giống, - tôi bảo con mèo, - hoặc là tao bóp cổ ông già này, chắc mày thừa hiểu, mày sao chịu nổi cú tội to như thế này, mày biết đó, bây giờ thì tội nào chả kết liễu được đời mày, chỉ cần tao nguyền rủa thậm tệ vài lần, hoặc một hành vi phạm thánh là mày bỏ mạng không gì cứu nổi.

Nó dửng dưng, còn lão già mắt trợn ngược.
- Mày có chịu đi nhân giống hay không thì bảo? - tôi hỏi.
Nó vẫn bỏ ngoài tai. Tôi bèn thít cổ lão hàng xóm chặt hơn, để đạt được ý đồ mà.
- Đừng có mà dồn tao vào chân tường, - tôi nói. - Xét cho cùng, nhân giống đâu phải là tội nào. Lại là chuyện khác nếu mày mê dâm dục, chẳng lẽ lại là thế chăng? Chắc mày hiểu, ý tao là thế nào.
Con mèo nhỏ ra bộ không nghe thấy tôi nói gì cả.
- Nó giả đò, - tôi nghĩ bụng. - Nó định nắn gân tôi. Một cuộc chiến tranh cân não. Nó thừa biết, tôi chẳng dám bóp chết lão già, bởi vì tôi không muốn để xẩy ra chuyện chú mèo bé bỏng quý giá của tôi bị thiệt mạng. Được rồi, để xem, ai chịu ai. Lão già khốn khổ đã bầm tím toàn thân, tôi sẽ buông lão ra ngay đây. Rồi lão sẽ chẳng sao cả, còn tôi ắt khuất phục được con mèo này. Lát nữa thôi là nó sẽ chạy đi nhân giống cho mà coi.
Tiếc thay, tôi và con mèo, cả hai chịu nổi, nhưng lão già thì không.
- Ra nông nỗi này ư? - Tôi thầm nghĩ. - Ra nông nỗi này ư? Đã tới nước này thì đường nào bây giờ cũng vậy cả thôi!
Và tôi còn nhảy ngược lại - gian dâm, trác táng vớt vát thêm ít nữa. Dĩ nhiên, con mèo nhỏ chẳng thể chịu nổi tất thảy những tội trạng đó.
Nó mà còn sống, ngày mai người ta sẽ phải treo cổ nó thay tôi.
Quýt làm, cam chịu mà.
          LÊ BÁ THỰ dịch

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • BỒ TÙNG LINHLang Mỗ quê ở Bành Thành, con nhà học thức. Ngày nhỏ đã được nghe cha nói đến các sách quý và các sách khác trong nước, lại thường được nghe cha luận bàn với các bạn bè của ông về các loại sách và các nhà thơ cổ đại.

  • AZIt NêxinNgày xưa, nhà vua ở một nước nọ có một kho bạc. Nghe đồn rằng trong kho bạc của nhà vua cất giữ một báu vật vô giá duy nhất của nước đó. Mọi người đều tự hào về báu vật mà tổ tiên đã để lại cho họ. “Mặc dầu chúng ta chẳng có gì cả, nhưng tổ tiên đã để cho chúng ta giữ một vật quý”, họ thường tự hào như vậy mà quên đi cảnh túng thiếu của mình.

  • AZIT NÊXIN (1915 - 1995)Một con chó chạy xồng xộc vào tòa báo "Tin tức đô thành”.

  • Nhà văn Mỹ Carson Mc Cullers sinh 1917. Các tác phẩm chính của bà là: Trái tim là kẻ đi săn cô độc (1940), Thành viên của đám cưới (1946), Khúc ballad của quán cà phê buồn (1951), Ngọt như dưa chua và sạch như heo (1954)…

  • Kamala Das tên thật là Kamala Suraiyya, sinh ngày 31.3.1934 tại Punnayurkulam, quận Thrissur, thành phố Kerala, vùng tây nam Ấn Độ. Bà là nhà văn nữ nổi tiếng của Ấn Độ. Bà sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Malayalam. Bà sáng tác thơ và tiểu thuyết ngắn bằng tiếng Anh. Bà chủ yếu nổi tiếng trong thể loại truyện ngắn. Trong sự nghiệp sáng tác, bà đã có nhiều giải thưởng văn học, trong số đó là: Asian Poetry Prize, Kent Award for English Writing from Asian Countries, Asan World Prize, Ezhuthachan Award và một số giải thưởng khác nữa. Ngày 31 tháng Năm, 2009, bà mất tại bệnh viện thành phố Pune, Ấn Độ, thọ 75 tuổi.

  • HERTA MULLERHerta Mueller vừa được trao giải Nobel văn học 2009 vì đã mô tả cảnh tượng mất quyền sở hữu bằng một lối thơ cô đọng và một lối văn thẳng thắn. Truyện ngắn này rút từ tập truyện Nadirs (1982) là tác phẩm đầu tay của bà.

  • SHERMAN ALEXIENgay sau khi mất việc ở văn phòng giao dịch của người Anh điêng, Victor mới biết cha anh đã qua đời vì một cơn đau tim ở Phoenix, Arizoan. Đã mấy năm nay Victor không gặp cha, anh chỉ nói chuyện với ông qua điện thoại một hay hai lần gì đó, nhưng đó là một căn bệnh di truyền, có thực và xảy ra đột ngột như xương bị gãy vậy.

  • KOMATSU SAKYOKomatsu Sakyo sinh tại Osaka (Nhật Bản) (28/1/1931). Nhà văn chuyên viết  truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng của Nhật Bản. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kyoto, chuyên ngành Văn học Italia. Từ năm 1957 là phóng viên đài phát thanh Osaka và viết cho một số báo. Năm 1961 chiến thắng trong cuộc thi truyện ngắn giả tưởng xuất sắc do tạp chí “SF Magasines” tổ chức. Tác phẩm của Komatsu đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Có bốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim.

  • FRANK R- STOCKTONCách đây năm năm, một sự kiện kì lạ đã xảy đến với tôi. Cái biến cố này làm thay đổi cả cuộc đời tôi, cho nên tôi quyết định viết lại nó. mong rằng nó sẽ là bài học bổ ích cho những người lâm vào tình cảnh giống tôi.

  • MIKHAIN SÔLÔKHỐP                Truyện ngắn Mùa xuân thanh bình đầu tiên đã về lại trên sông Đông sau những năm tháng chiến tranh. Vào cuối tháng Ba, những cơn gió ấm áp cũng đã thổi đến, và chỉ sau hai ngày tuyết cũng đã bắt đầu tan trên đôi bờ sông Đông. Khắp mọi ngả đường việc đi lại cũng vô cùng khó khăn.

  • KAHLIL GIBRANNguồn: A Treasury of Kahlil Gibran (Một kho tàng của Kahlil Gibran), Anthony Rizcallah Ferrris dịch từ tiếng Arập, Martin L. Wolf biên tập, Nxb Citadel Press, New York, HK, 1951.

  • ROBERT ZACKS (ANH)Nhân ngày quốc tế phụ nữ, tôi và anh tôi bàn nhau mua quà tặng mẹ. Đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi thực hiện điều này.

  • GUY DE MAUPASSANTÔng Marrande, người nổi tiếng và lỗi lạc nhất trong các bác sĩ tâm thần, đã mời ba đồng nghiệp cùng bốn nhà bác học nghiên cứu khoa học tự nhiên đến thăm và chứng kiến, trong vòng một giờ đồng hồ, một trong những bệnh nhân tại nhà điều trị do ông lãnh đạo.

  • GUY DE MAUPASSANTGia đình Creightons rất tự hào về cậu con trai của họ, Frank. Khi Frank học đại học xa nhà, họ rất nhớ anh ấy. Nhưng rồi anh ấy gửi thư về, và rồi cuối tuần họ lại được gặp nhau.

  • JAMAICA KINCAIDNhà văn hậu hiện đại Anh J. Kincaid sinh năm 1949. Mười sáu tuổi, bà đến New York làm quản gia và giữ trẻ. Bà tự học là chính. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của bà: “Giữa dòng sông” (1984) nhận được giải thưởng của viện hàn lâm Văn chương và Nghệ thuật Mỹ; còn các tiểu thuyết “Annie” (1985), “Lucky” (1990) được đánh giá cao.

  • SAM GREENLEE (MỸ)Sam Greenlee sinh tại Chicago, nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết.Ông cũng đóng góp nhiều truyện ngắn, bài báo trong “Thế giới da màu” (Black World); và xem như là bộ phận không thể tách rời trong văn nghiệp, bởi ông là nhà văn da màu. Tuy nhiều truyện ngắn của ông vẫn được thể hiện theo lối truyền thống, nghĩa là vào cửa nào ra cửa ấy; nhưng cái cách mở rộng câu chuyện ở giữa truyện, bằng lối kể gần gũi nhiều kinh nghiệm; đã gây được sự thú vị. Đọc “Sonny không buồn” qua bản dịch, dĩ nhiên, khó thấy được cái hay trong lối kể, bởi nếp nghĩ và văn hoá rất khác nhau; nhiều từ-câu-đoạn không tìm được sự tương đương trong tiếng Việt. Cho nên đọc truyện này, chỉ có thể dừng lại ở mức, cùng theo dõi những diễn tiến bên ngoài cũng như sự tưởng tượng bên trong của Sonny về môn bóng rổ, cả hai như một và được kể cùng một lúc.

  • DƯƠNG UÝ NHIÊN (Trung Quốc)Tôi không thể thay đổi được thói quen gần gũi với cô ấy nên đành trốn chạy ra nước ngoài. Tôi đã gặp được em. Khi đăng tác phẩm “Không thể chia lìa” trên một tạp chí xa tít tắp và dùng bút danh, tôi cho rằng mình không một chút sơ hở. Tôi nhận tiền nhuận bút và mua hai chai rượu quý nồng độ cao trên đường trở về. Tôi muốn nói với em điều gì đó nhân kỷ niệm ngày cưới.

  • S. MROZEK (Ba Lan)Tại thủ đô của một vương quốc nọ có một viện bảo tàng, trong đó có khu trưng bày về nền nghệ thuật phương Đông. Trong vô số các hiện vật trưng bày tại khu này có nhiều báu vật cực hiếm, giá trị văn hoá và giá trị bằng tiền của chúng vô cùng lớn. Trong số các vật hiếm này có một báu vật đầu bảng, bởi đó là bản duy nhất thuộc loại đó và cũng là bản duy nhất trên toàn cầu. Vì là hiện vật cực hiếm nên giá trị văn hoá của nó là độc nhất vô nhị, còn giá trị bằng tiền thời không tính xuể.

  • WILLIAM SAROYAN (Mỹ)Cả thế giới muốn tôi làm một chầu hớt tóc. Cái đầu tôi thì quá bự cho thế giới. Quá nhiều tóc đen, thế giới nói thế. Mọi người đều nói, khi nào thì mày định đi làm một chầu hớt tóc vậy hả nhóc kia?

  • SOMERSET MAUGHAM (ANH)Trang trại nằm giữa thung lũng, giữa những mỏm đồi ở Sômôsetsi. Ngôi nhà xây bằng đá theo mốt cũ được bao bọc bởi những kho củi, sân nhốt súc vật và những công trình bằng gỗ khác. Thời điểm xây dựng được chạm trổ trên cổng bằng những chữ số cổ đẹp đẽ: 1673.