Quăng chài trên Tam Giang

14:02 07/01/2014

Ký sự NGUYỄN ĐĂNG HỰU

Tam Giang rộng lắm ai ơi
Ai về ngoài Sịa nhắn người năm xưa

Ảnh: internet

Về Tam Giang giữa một ngày tháng 6, trước mắt tôi Tam Giang phô bày vẻ bình yên cổ tích toát lên từ xóm chài lúp xúp đầy tiếng cười con trẻ, từ những cụm đò nằm im trong dáng cổ xưa, lặng lẽ và an nhiên như thuở mới khai sinh hình hài. Ghé chợ Đầm trong cái vắng của trưa hè vùng cát, lác đác vài dáng người triêng gánh ra về sau buổi chợ tàn, chỉ còn lại mùi tanh phảng phất cái dư vị của một buổi sáng tấp nập cá tôm. Bên chợ Đầm xưa cũ, tôi mãi miên man về hình ảnh trong đôi mắt tuổi thơ tôi một thời - hình ảnh những mớ cá tôm còn lách tách trên treẹc theo vai những o bán cá chân đất chạy bộ qua quãng đồng dài để đến chợ làng trong những buổi sớm mai.

Từ lâu phá Tam Giang không chỉ được biết đến bởi nhiều sản vật cá tôm mà còn bởi vẻ đẹp bình yên và hùng vĩ của một vùng trời nước mênh mông. Nhưng ẩn sau vẻ bình yên ấy là cuộc sống đầy vất vả lo toan của hàng nghìn con người đang hằng ngày mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Nghề chài trên phá Tam Giang không biết có từ bao giờ, những người làm nghề đầu tiên là ai thì đến nay chưa thấy tư liệu thành văn nào ghi chép. Nhưng đến giữa thế kỷ XVI thì nghề chài lưới cùng với một số địa danh làng xã từng được khai thác vùng đầm phá Tam Giang xưa đã được nhắc đến trong Ô châu cận lục của Dương Văn An: “Bác Vọng đóng đăng bắt cá, Thủ Lễ đánh cá bằng lưới giăng”. Những dấu tích về vùng sông nước ấy vẫn còn lưu lại trong những tên giáp, tên làng ven đầm phá của huyện Quảng Điền như: Lai Hà, Hà Trung, Hà Bạc, Ngư Mỹ Thạnh, Hà Lạc, Hà Đồ...

Ngược dòng lịch sử, có lẽ những cư dân Champa tiền trú vốn mang sẵn trong mình cảm quan về biển thì nghề chài lưới chắc cũng đã có mặt cùng họ trên vùng đầm phá này trước khi người Việt gắn cho nó những danh xưng như Hạc Hải, Tam Giang. Rồi trong hành trình Nam tiến, trên vùng “Ô châu ác địa” những lưu dân Việt ra đi từ vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã vốn không xa lạ với nghề chài lưới sông hồ cũng có thể đã khai thác cá tôm trìa rạm ven phá để sinh sống nơi vùng đất mới.

Mang theo câu hỏi về nguồn gốc nghề chài của từng vùng, chúng tôi từ Sịa ngược lên phía Bắc theo con đường thiên lý có từ thuở Trần-Hồ ven phá Tam Giang. Cụ Văn Diễn, một lão ngư có thâm niên chài lưới lâu nhất vùng Lai Hà - xã Quảng Thái, nguời ngư phủ già nhưng vẫn còn quắc thước vuốt chòm râu bạc kể chúng tôi nghe những câu chuyện về nghề chài, về thuở khẩn hoang vùng nước lợ của làng: “Vùng đầm phá ngoài tê do ông họ Nguyễn người làng Vu Lai khai canh, nhưng khởi thủy của nghề ni là do một ông họ Phan tên Điền ở mô dưới cửa Tư Hiền lên, thấy vùng ni nhiều tôm cá nên ở lại rồi bày vẻ cho dân làng làm nghề, đời ni qua đời nọ tiếp nối đến chừ”. Chuyện ông Nguyễn Phúc Làng có công khai khẩn phường trúc đăng Hà Bạc thì có văn bản ghi tường tận nhưng tiếc thay câu chuyện về ông tổ nghề chài trên vùng đầm phá làng Lai Hà chỉ còn lại bằng những lời truyền ngôn, tuy có thể không xác thực về lịch sử, nhưng dẫu sao cũng đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người bản quán. Ngày nay, ngư dân vẫn lập miếu thờ, hằng năm cứ đến 25 tháng Chạp dân “phường sáo” lại tổ chức cúng tế gọi là lễ “chạp nè” để tưởng vọng và nhớ ơn tổ nghề chài của vùng đầm Nịu - Lai Hà.

*

Dọc về hướng nam phá Tam Giang, ngư dân vùng Hà Lạc, Hà Đồ cũng có những truyền thuyết về lai lịch vùng đầm phá và nghề chài của riêng mình, đó là truyền thuyết về Bà Tơ. Chuyện kể rằng, xưa có một người đàn bà sống một mình trên một chuyến thuyền chài ở vùng nước lợ này. Trong một chuyến bôn tẩu gấp gáp của chúa Tiên trên phá Tam Giang, thuyền của chúa bị đứt quai chèo, bà gặp và dâng lên chúa một thúng tơ sống để làm lại quai chèo, về sau chúa ban thưởng cho bà chiếm hữu vùng đầm phá thượng tự Lại Mã hạ chí Côn Nôn. Từ đó dân làng Bác Vọng của bà ra định cư, làm nghề đăng sáo để khai thác cá tôm lập thành hai làng mới là Hà Đồ, Hà Lạc. Ngư dân lập miếu thờ ký thác sự hàm ơn và hằng năm đến ngày húy nhật của bà những người làm nghề chài lưới vùng này đều tổ chức lễ cầu ngư, mong được thuận mùa tôm cá.

Hình thức đánh bắt của nghề chài trên phá Tam Giang nhiều và đa dạng như chính nguồn sản vật mà vùng đầm phá này dâng tặng cho con người. Tùy vào thủy vực và địa hình, tùy từng thời điểm,... mà người làm chài khi thì đóng đăng đặt sáo, đặt lừ, khi giăng lưới, đóng đáy, bỏ chuôm hay kẹp trìa, cào hến... Mỗi vùng lại tập trung một số hình thức chài lưới đặc trưng như: nò sáo thường tập trung nhiều ở Đầm Sam - An Truyền, Vinh Giang, Điền Hải, Quảng Lợi, Quảng Phước...; Nghề đáy tập trung nhiều ở cửa lạch Thuận An; chuôm, dạy xuất hiện nhiều ở vùng nước nông và địa hình bằng như dải Tây Bắc phá ở Quảng Điền; vùng đầm gần cửa sông Ô Lâu thì ngư dân chuyên dũi tép, cất rớ, đặt nò bắt cá nước ngọt; vùng Quảng Công, Quảng Ngạn chuyên bắt trìa, đặt lừ, bủa lưới; vùng Mai Dương, Hà Đồ chuyên cào hến, bỏ chuôm...

Cùng bác Nguyễn Hiền rẽ sóng trên Tam Giang hiền hòa đầy gió, bác kể về những điều mà một người làm chài nước lợ phải biết: “Nghề nỉ phải am tường thủy triều, con nước, biết tập tính của từng loại cá loại tôm rồi phải biết nhìn gió nhìn trời khi nớ làm nghề mới có. Nhưng sóng nước Tam Giang luôn mang trong mình nhiều điều bí ẩn mà ngay chính những ngư phủ sành sõi nhất cũng không tài nào am tường hết. Nên dẫu đã thâm niên trong nghề nhưng người ngư phủ này vẫn có khi “tôm cả đầy bụng ghe, khi lác đác vài con cho có lệ”.

Lòng nước Tam Giang là nơi nuôi sống rất nhiều loài thủy sản bởi tính đa dạng sinh học đặc biệt, vì thế ngư dân chài lưới thường đánh bắt được nhiều loài tôm cá có giá trị, những sản vật đặc trưng của vùng đầm phá Thừa Thiên. Sản phẩm quanh năm thường gặp của nghề chài lưới ở vùng phá Tam Giang là các loại cá như: cá sơn, cá liệt, cá đôi, cá bông, cá móm,... Đây là những loại cá nước lợ điển hình mà nghề chài ở các vùng sông nước khác không dễ đánh bắt được. Tùy thuộc vào độ mặn, mùa khô hay mùa mưa... mà ngư dân Tam Giang còn đánh bắt thêm nhiều loại cá từ biển vào hay từ sông về. Từ tháng 2 đến tháng 8 khi mùa khô đến, độ mặn nước phá Tam Giang được nâng cao thì sản vật của nghề chài có thêm nhiều loại cá biển có đặc tính hẹp muối như: cá đuối, cá trích, cá cơm, cá nhám... đánh bắt được ở các vùng phá gần cửa biển. Từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, là mùa mưa ở vùng Huế, nước vùng bờ Tây - Bắc Tam Giang bị ngọt hóa, đây cũng là thời điểm ngư dân đánh bắt cá nước ngọt như cá diếc, cá Ngạnh... tụ tập về ở các cửa sông.

Bên cạnh các loại cá, thì tôm cũng là sản phẩm phổ biến của nghề chài trên phá Tam Giang. Những loài tôm cọng, tôm càng, tôm rằn, tôm sú, tôm đất mà ngư dân đánh bắt từ đầm phá luôn được ưa chuộng trên mâm cơm của người Huế. Ngoài những mùa đánh bắt cá tôm thông thường, cứ vào độ sau lũ tiểu mãn đến tết Đoan Ngọ người làm nghề chài vùng Tam Giang lại vào mùa bắt rạm, dậm trìa.

Cùng với cá, tôm, trìa, rạm... thì mắm cũng là một sản phẩm khó quên của nghề chài Tam Giang. Ngay từ thế kỷ XVI “mắm cá ong là thổ sản của các đầm phá Thanh Lam, An Lưu huyện Tư Vinh, ở phá Tam Chế huyện Đan Điền là thứ nhì” (Ô châu cận lục) đã được coi là sản vật có tiếng của đất Ô Châu.

Có thể nói, những sản phẩm của nghề chài lưới trên phá Tam Giang làm đa dạng thêm nguồn sản vật trong cơ cấu bữa ăn của người dân Huế, góp phần tô điểm thêm và làm nên diện mạo cho vùng văn hóa ẩm thực xứ Huế.

*

Nếu sản vật đánh bắt cho thấy được cái hào phóng của Tam Giang thì cuộc sống của những ngư dân lại cho ta một bức tranh khác về nghề chài lưới.

Xưa, phá Tam Giang lắm cá nhiều tôm thì nay cái thuở “hễ xuống ghe là tôm đầy cá nậy” chỉ còn câu chuyện của một thời quá vãng. Hình thức đánh bắt tận thu và hủy diệt của không ít ngư dân đã làm cho phá Tam Giang ngày một nghèo thêm sản vật. Cuộc sống của người làm nghề chài lưới cũng theo đó không còn dễ dàng như trước. Theo ghe đặt lừ cùng người ngư dân trẻ vùng Cư Lạc - anh Nguyễn Nhơn - người đàn ông với dáng người mảnh khảnh phong trần, chiếc áo trắng cũ đã ngả ố nối trên màu da bánh mật cứng cáp. Anh thoăn thoắt đôi tay vừa chèo vừa đặt từng đốt lừ đều đặn, nhịp nhàng và bộc bạch về đời sống của người làm nghề: “Tụi tui ra riêng đã gần chục năm mà vẫn chưa xây được cái nhà. Hai vợ chồng làm nghề ni chỉ đủ nuôi cơm 3 đứa con qua ngày”. Nhìn cái chòi tre nứa liêu xiêu ven mặt nước của hai vợ chồng anh, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc mưu sinh đầy cay nghiệt của nghề chài.

Cuộc sống của ngư dân Tam Giang cứ tháng ngày theo đuôi con cá con tôm để mưu sinh cùng sông nước. Đến thôn chài Ngư Mỹ Thạnh nói chuyện với ngư chài Trần Hồng, tuổi đời anh chưa quá 50 mà đã có 9 mặt con. Thuở nhỏ sống lênh đênh với gia đình trên sóng nước, lên 6 đã biết bơi rành rọt như con cá con tôm vùng đầm. Lớn lên lập gia thất, con cái đầy đò mà chẳng đứa nào biết trường biết lớp, cứ cùng chiếc thuyền chài nay đây mai đó. Bằng giọng sang sảng vùng chài, anh kể: “Nghề cá mú bữa ni khó sống lắm chú ơi. Làm nghề ni cực, lại không có tương lai nên mấy đứa con tui hắn vô tận Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân hết. Ba năm ni Nhà nước cấp cho cái nhà để định cư, mưa gió đỡ lo chứ ở trên nôốc hoài thì không biết khi mô mới khá”.

Nguồn đánh bắt trên Tam Giang đang cạn kiệt, người làm nghề chài lưới đánh bắt tự nhiên quanh năm vật lộn với sóng nước nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Những câu chuyện của cụ Diễn về cách đánh bắt chừng mực của ngư dân xưa như: không bắt cá con và cá mẹ đang nuôi con; từ Tết đến mồng 7 tháng Giêng thì không được ra phá làm nghề, khi làng hạ nêu mới được đánh bắt trở lại để khỏi bị “trách quở” bởi thần Đầm. Đằng sau những chuyên nghề, những quan niệm ấy là bài học vẫn còn nguyên giá trị về sự kiêng nể và tôn trọng tài nguyên của người làm nghề chài lưới.

Thuở xưa, những dân chài có tiền của mới có điều kiện làm nghề đăng sáo gọi là “đại nghệ”, còn đa số dân nghèo đều phải kiếm sống bằng những hình thức đánh bắt di động, gọi là “tiểu nghệ”. Ngày nay cũng không khác hơn, đa số dân cư nghèo sông ven phá Tam Giang sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên, ít người đủ điều kiện nuôi tôm sú. Vì thế nghề chài gắn bó mật thiết với cuộc sống và số phận của không ít người đang hằng ngày mưu sinh trên vùng đầm phá. Có những phận người một đời chỉ quẩn quanh với phá, có người sinh trên nước rồi chết vùi trong nước cùng nghề; cũng có người sống được và khá giả với nghề nhưng cũng có người đành bỏ ghe nò lưới dũi cầu thực nơi phương xa.

Phóng tầm mắt từ bờ, xa xa là cảnh hàng chục chiếc nón nhấp nhô trên sóng nước của những ngư dân đang mò trìa. Trìa là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống ở vùng nước lợ, trìa thường và trìa mỡ là hai loại trìa thường gặp ở vùng Tam Giang. Không biết từ thuở nào, con trìa đã có mặt trong những bữa ăn đạm bạc nơi thôn dã rồi “lên Kinh”, “vô Nội” hiện diện trên mâm cơm nơi cao sang, cung cấm. Để rồi loài thủy sản tưởng như rất đỗi tầm thường ấy của Tam Giang lại trở thành một trong những biểu tượng cho sản vật của non sông gấm vóc, được chạm khắc trang trọng lên Thuần Đỉnh, hiện diện nơi Thế Miếu uy nghi. Trìa được coi là một thứ đặc sản của vùng đầm phá, món trìa ngon và được nhiều thực khách ưa chuộng nhưng nghề mò trìa lại là hình thức đánh bắt vất vả nhất của nghề chài lưới Tam Giang. Cứ vào thời điểm con nước ròng là ngư dân Tam Giang xuống nước, đội nón, kéo ghe ra phá để bắt trìa. Người mò trìa phải luôn ngâm mình dưới nước bất kể nắng mưa. Đôi chân trần quờ quạng nơi đáy cát im lìm không ngại gai nhọn, mảnh chai, mảnh sành để lần tìm và kẹp từng con trìa như người nông dân chắt chiu luợm lặt từng củ khoai, hạt lúa. Người mò trìa lần từ vùng nước cạn cho đến vùng nước sâu tận miệng. Thế nên, ngư dân thường tự nói về nghề trìa của mình bằng những câu luôn vần thuận miệng đầy chua chát: Hả mỏ lên trời quờ qua quờ lại, ai ơi chớ dại đeo lấy nghề trìa. Chua xót thế nhưng vẫn phải bám lấy nghề, bởi đó là áo cơm, là đường mưu sinh không thể khác giữa sóng nước Tam Giang. Và trên phá Tam Giang này, cũng có những phận người lầm lũi, nhỏ bé như chính phận hến, phận trìa. Bà Hoàng Thị Bê ở thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền đã bước qua cái tuổi 72, đầu bạc lưng khòm và thân hình gầy lọm nhưng phải mò trìa kiếm sống qua ngày. Mẹ cha mất từ thuở nhỏ, không chồng bà kiếm con cho đỡ cô quạnh. Người con trai duy nhất lớn lên, khổ quá bỏ nghề chài lên vùng núi rừng A Lưới đãi vàng để mong một cuộc sống khá hơn. Ngày con ra đi, bà níu áo tỉ tê: “Đừng đi con ơi, không tôm cá thì trìa độn rau hai mạ con mình cũng sống được qua ngày”. Mấy năm sau, nghe đâu người con chết vì sốt rét; một mình bà lại lủi thủi với sóng nước Tam Giang.

Hoàng hôn trên bến đò Cồn Tộc đã xuống từ lúc nào, mặt trời đã khuất dạng sau cánh đồng ven phá, nước Tam Giang phản chiếu một màu trắng xám từ chút ánh dương yếu ớt cuối ngày. Xa xa là những dáng người mệt mỏi, đang ì ạch vác những bao tải trìa chầm chậm tiến vào cầu tàu để bán cho thương lái. Sau cái mệt mỏi cuối ngày, họ vội bán nhanh rồi cầm lấy những đồng tiền ít ỏi quay lưng với mặt nước ngoài kia và trở về nhà trong cái nhá nhem chập choạng tối để hôm sau lại tiếp tục một vòng quay mưu sinh mới với nghề chài.

N.Đ.H
(SDB11/12-13)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.

  • ĐỖ XUÂN CẨM 

    Thành phố Huế khác hẳn một số thành phố trên dải đất miền Trung, không chỉ ở các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, thành quách… mà còn khác biệt ở màu xanh thiên nhiên hòa quyện vào các công trình một cách tinh tế.

  • KỶ NIỆM 130 CHÍNH BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23/5 ẤT DẬU 1885 - 23/5 ẤT MÙI 2015)

    LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Huế, trong lịch sử từng là vùng đất đóng vai trò một trung tâm chính trị - văn hóa, từng gánh chịu nhiều vết thương của nạn binh đao. Chính biến Thất thủ Kinh đô 23/5, vết thương lịch sử ấy ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người dân Cố đô.

  • KIMO 

    Café trên xứ Huế bây giờ không thua gì café quán cốc ở Pháp, những quán café mọc lên đầy hai bên lề đường và khi vươn vai thức dậy nhìn xuống đường là mùi thơm của café cũng đủ làm cho con người tỉnh táo.

  • LTS: Diễn ra từ 10/6 đến 22/6/2015, cuộc triển lãm “Thừa Thiên Huế: 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng” do Hội Nhà báo tổ chức tại Huế, trưng bày các tư liệu báo chí hết sức quý giá do nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu sưu tập, đã thu hút đông đảo công chúng Huế. Nhiều tờ báo xuất bản cách đây hơn thế kỷ giờ đây công chúng được nhìn thấy để từ đó, hình dung về một thời kỳ Huế đã từng là trung tâm báo chí của cả nước. Nhân sự kiện hết sức đặc biệt này, Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

  • MAI KHẮC ỨNG  

    Một lần lên chùa Thiên Mụ gặp đoàn khách có người dẫn, tôi nhập lại để nghe thuyết minh. Nền cũ đình Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên được chọn làm diễn đài.

  • LÊ QUANG THÁI

    Việt Nam giữ một vị thế trọng yếu ở ngã tư giao lưu với các nước của bán đảo Ấn Hoa và miền Viễn Đông châu Á.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                            Tùy bút

    Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.

  • PHẠM THÁI ANH THƯ

    Trong giai đoạn 2004 - 2013, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng hành với mức tăng trưởng đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế, sau khi ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820).

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN 

    Sông Hương vừa là cột mốc làm chứng vừa là biểu tượng cho dáng đẹp sương khói, “áo lụa thinh không” của lịch sử thăng trầm về hình bóng Huế.

  • ĐỖ XUÂN CẨM

    1. Đôi điều tản mạn về Liễu
    Người Á Đông thường coi trọng luật phong thủy, ngũ hành âm dương, họ luôn chú trọng đến thiên nhiên, cảnh vật và xem đó là một phần của cuộc sống tinh thần.

  • TRƯỜNG PHƯỚC  

    Đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đã 40 năm. Những thành tựu là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn phát triển, công cuộc đổi mới cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa.

  • LƯU THỦY
     
    KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 2015)

  • LÊ VĂN LÂN

    Một mùa xuân mới lại về trên quê hương “Huế luôn luôn mới” để lại trong tâm hồn người dân Huế luôn trăn trở với bao khát vọng vươn lên, trả lời câu hỏi phải tiếp tục làm gì để Huế là một thành phố sáng tạo, một đô thị đáng sống. Gạt ra ngoài những danh hiệu, kể cả việc Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đặt ra đâu là cái lõi cái bất biến của Huế và chúng ta phải làm gì để cái lõi đó tỏa sáng.

  • THANH TÙNG

    Ở Việt Nam, Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Chùa Hoàng giác là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong, được đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết, ban sắc tứ vào năm 1721. Tuy nhiên, vì trải qua binh lửa chiến tranh chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Dựa trên nguồn sử liệu và kết quả điều tra thực tế, chúng tôi cố gắng để phác thảo phần nào nguồn gốc ra đời cũng như tầm quan trọng của ngôi chùa này trong đời sống văn hóa cư dân Huế xưa với một nếp sống mang đậm dấu ấn Phật giáo.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cách đây đúng 500 năm (1514 - 2014), tại ngôi làng ven sông Kiến Giang “nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện”(1) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Dương Văn An, sau này đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư được sinh ra đời.

  • DƯƠNG ĐÌNH CHÂU – TRẦN HOÀNG CẨM LAI

    Danh lam thắng cảnh, nơi cảnh đẹp có chùa nổi tiếng, khái niệm này càng rõ hơn ở Huế.