Phong Lê và cụm công trình được giải thưởng nhà nước về khoa học năm 2005

09:44 26/11/2008
BÍCH THUNăm 2005, GS. Phong Lê vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học với cụm công trình: Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (Nxb ĐHQG, H, 2001, 540 trang); Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt hiện đại (Nxb GD, H, 2001, 450 trang); Văn học Việt hiện đại - lịch sử và lý luận (Nxb KHXH. H, 2003, 780 trang). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học say mê, tâm huyết và cũng đầy khổ công, vất vả của một người sống tận tụy với nghề.

GS. Phong Lê sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh nhưng lại lập nghiệp và trưởng thành ở Hà Nội. Như ông từng nói trong Lời đầu cuốn Chân dung - Ký - Tiểu luận Viết từ Hà Nội (Nxb. Lao động, H, 2003): Tôi mang ơn 45 năm quê ở Hà Nội, cùng 18 năm quê sinh Hà Tĩnh. Cả quê sinh và quê ở đã đưa tôi vào nghề. Đó là nghề viết”. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Phong Lê về công tác ở Viện Văn học và có bài đầu tiên về Nam Cao in trên Tập san Nghiên cứu văn học năm 1960. Hơn ai hết, với GS. Phong Lê, Viện Văn học là môi trường thuận lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho ông làm việc và cống hiến. Cho đến nay, GS. Phong Lê đã là tác giả của 15 cuốn sách in riêng, và là Chủ biên trên 20 công trình tập thể về chuyên ngành văn học Việt Nam hiện đại.

Đọc, viết và nói- đó là ba động tác cơ bản trong hành trình nghề nghiệp của Phong Lê trong hơn 40 năm qua.
Vào đầu thiên niên kỷ mới, các cuốn sách đứng tên Phong Lê liên tiếp ra mắt bạn đọc, trong đó có 3 cuốn thuộc cụm công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước đã nêu trên. Đây là ba công trình chủ yếu được viết từ thập niên 90 thế kỷ XX, tập trung khảo sát văn học Việt Nam hiện đại - văn học Việt Nam thế kỷ XX, trên 2 bình diện: - một số tác gia văn chương - học thuật tiêu biểu, và một số khu vực quan trọng làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam. Cả ba công trình có sự gắn nối, xuyên suốt, tạo nên một tổng thể làm nổi bật những vấn đề về lịch sử và lý luận, gắn với thực tiễn văn học phong phú và sôi động trong hơn một thế kỷ qua. Ba công trình ghi nhận thành tựu và đóng góp quan trọng của tác giả đối với sự nghiệp nghiên cứu văn học nói riêng, và đời sống văn chương- học thuật nói chung. Đồng thời với chất lượng và hiệu quả của nó, ba công trình cũng góp phần dẫn tới những thay đổi đáng kể trong nhận thức và tư duy khoa học của chuyên ngành nghiên cứu văn học Việt hiện đại cũng như của đời sống văn học từ sau Đổi mới.

Với công trình Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu - đó là một tổng hợp những gì đã được tác giả thâu nhận, tích lũy trong quá trình nghiên cứu hơn bốn mươi năm, vừa là kết quả của sự nhận thức lại trên tinh thần đổi mới từ sau 1986, để có thể tự tin và quả cảm hơn trong tiếp cận chân lý và đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đặt ra trong đời sống văn chương và học thuật dân tộc.
Công trình gồm bốn phần:
- Phần một: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - hành trình thơ văn, hành trình dân tộc.
- Phần hai: Tác gia lý luận, phê bình, học thuật.
- Phần ba: Tác gia văn xuôi.
- Phần bốn: Cao - người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực.

Từ nhận thức về hai yêu cầu lớn đưa tới hai thành tựu lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX là cách mạng hóa và hiện đại hóa, cuốn sách đã dành Phần một, để đi sâu vào sự nghiệp văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh như là người khai sáng và là đỉnh cao các giá trị văn học trước yêu cầu cách mạng hóa (và cả hiện đại hóa); và dành Phần cuối cho sự nghiệp sáng tác của Nam Cao- người đã đưa lên đỉnh cao và kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực trước yêu cầu hiện đại hóa.
Hai phần còn lại gồm 6 tác gia lý luận phê bình và học thuật: Đặng Thai Mai, Trường Chinh, Hải Triều, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện và 9 tác gia văn xuôi: Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Thi, Võ Quảng, theo quan niệm của tác giả, là những người mang được dấu ấn riêng và đậm nét trong nền văn học Việt Nam hiện đại, ở tư cách người khai sáng hoặc đứng ở vị trí hàng đầu, đúng với mục tiêu của công trình là khẳng định các giá trị văn chương bền vững, có sức sống với thời gian và người đọc.

Có thể nói, công trình Văn học Việt Nam hiện đại- những chân dung tiêu biểu được viết trên tinh thần xác nhận lại, và mở rộng thêm các giá trị của di sản; điều chỉnh lại những nhận định trước đây do hoàn cảnh lịch sử nên không tránh khỏi có mặt cứng nhắc và khe khắt; hướng tới một cách nhìn khách quan, công bằng hơn với các giá trị văn chương; góp phần làm cho bức tranh văn học dân tộc trở nên phong phú, đầy đặn và có thêm sức hấp dẫn.
Công trình Một số gương mặt văn chương- học thuật Việt Nam hiện đại tập hợp 54 chân dung nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam hiện đại như một cách bổ sung cho công trình Văn học Việt Nam hiện đại- những chân dung tiêu biểu, trong đó, ngoài các tác giả quen thuộc, cần chú ý thêm sự góp mặt một số gương mặt mới- như Trương Vĩnh Ký- “cuốn sổ bình sanh công với tội”, Ngọc Giao- người khỏi bị lãng quên vào cuối thế kỷ, Đinh Gia Trinh trong đời sống văn chương học thuật hồi 1941-1945.

Phần lớn các tiểu luận trong công trình được viết trong thời kỳ đổi mới. Vào thời điểm đó, tác giả công trình ở cương vị Viện trưởng Viện Văn học. Với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo cơ quan nghiên cứu khoa học và ý thức của một chuyên gia đầu ngành, GS. Phong Lê đã tham gia tổ chức và chủ trì trên hai mươi Hội thảo khoa học theo hướng nhận thức lại, mở rộng và khai phá sâu hơn những vấn đề lý luận và lịch sử đặt ra cho văn học dân tộc trên con đường hướng tới mục tiêu cách mạng và hiện đại.
Các báo cáo Đề dẫn hay tham luận khoa học được tập hợp trong công trình này đã ghi nhận nhiệt huyết, nỗ lực và những suy nghĩ, nhận thức mới của tác giả nhằm tiếp cận và khám phá sâu hơn vào đối tượng nghiên cứu, với ý thức đổi mới tư duy khoa học, cập nhật với những vấn đề thời sự của thực tiễn văn học. Trong quá trình phát hiện hoặc đánh giá lại các giá trị văn học dưới ánh sáng đổi mới, tác giả công trình không lúc nào rời mục tiêu nhe nhắm là soi nhìn nó dưới hai yêu cầu: cách mạng và hiện đại; và đặt nó trong bối cảnh sự vận động và biến chuyển theo gia tốc lịch sử của sự phát triển, nó là dấu ấn đặc trưng của đời sống dân tộc trong thế kỷ XX.

Công trình Văn học Việt Nam hiện đại- lịch sử và lý luận là công trình tổng hợp, chọn lọc từ 7 công trình được xuất bản từ 1980 đến 1997. Bảy công trình được tiến hành trong ngót 20 năm nhằm bao quát, trên một diện rộng, những khu vực quan trọng làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là:
- Văn xuôi Việt trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa.
- Văn học các dân tộc thiểu số.
- Văn học về đề tài công nhân.
- Văn học Việt kháng chiến chống Pháp.
- Văn học Việt chống Mỹ cứu nước.
- Văn học và hiện thực.
- Văn học trên hành trình của thế kỷ XX.
Điều dễ nhận ở cụm công trình này, về phương diện đồng đại, đó là quá trình Phong Lê mở rộng đối tượng khảo sát; và về phương diện lịch đại, đó là sự bao quát toàn cảnh văn học Việt Nam trong chuyển động từ trung đại sang hiện đại, và trong bối cảnh giao lưu từ phương Đông chuyển sang phương Tây.

Nhìn chung 3 công trình của GS. Phong Lê toát lên tinh thần đổi mới tư duy nghiên cứu, với nhu cầu nhận thức lại, đánh giá lại một cách công bằng, khoa học những giá trị di sản văn học quá khứ, trong đó có một số hiện tượng tác gia, tác phẩm lâu nay còn bị oan sai hoặc khuất lấp. Với hai chặng đường nghiên cứu trước và sau Đổi mới, GS. Phong Lê không chỉ là người chứng kiến nửa thế kỷ của quá trình văn học mà còn là người góp phần tham gia vào quá trình đó, với nhiệt tâm và năng lực của mình. Là một chuyên gia văn học Việt hiện đại, bằng những trang viết nhiều tâm huyết và chính kiến, GS. Phong Lê, qua 3 công trình, đã chứng tỏ là một người đổi mới nhưng biết tự cân bằng, tự điều chỉnh và luôn trung thực với chính mình. Những công trình của GS. Phong Lê đã có tác động đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình cũng như trong đời sống văn học đương đại. Với cái nhìn “động” và một nền tảng kiến thức luôn được mở rộng, với tâm huyết và sức viết dồi dào, giàu chất văn và có phong cách riêng - đó là những gì có thể rút ra và khẳng định trong hành trình nghề nghiệp của Phong Lê.

Ba công trình Văn học Việt Nam hiện đại- những chân dung tiêu biểu, Một số gương mặt văn chương- học thuật Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam hiện đại- lịch sử và lý luận là kết quả chọn lọc sau hơn 40 năm nghiên cứu, nhằm hướng tới một phác thảo về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Việc khảo sát đối tượng trên bình diện thể loại, qua các giai đoạn lịch sử, gắn với sự nhận diện các gương mặt tiêu biểu cho mỗi khu vực, mỗi thời kỳ; sự miêu tả lịch sử về đối tượng gắn với việc đề xuất các vấn đề lý luận là định hướng khoa học kiên trì và nhất quán của tác giả, gắn với những hoạt động khoa học của Viện Văn học và Tạp chí Văn học trong hơn 40 năm qua. Điều đáng nói ở đây, công cuộc Đổi mới của đất nước là cái mốc quan trọng giúp người nghiên cứu vượt ra khỏi giới hạn sau 1945 mà đi ngược lên giai đoạn “giao thời” đầu thế kỷ XX để có cái nhìn xuyên suốt diện mạo văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời là quá trình nhận thức lại và tự điều chỉnh trên tinh thần đối thoại với những nhận định trước đây do hoàn cảnh lịch sử nên không khỏi có phần phiến diện, cứng nhắc, với những khu vực văn học sử còn bỏ ngỏ hoặc chưa được nhìn nhận và đánh giá thỏa đáng, làm cho di sản văn học dân tộc trở nên giàu có và hấp dẫn hơn. Là người hòa nhập nhanh vào quá trình đổi mới, GS. Phong Lê đã có hoàn cảnh bộc lộ những ý kiến cá nhân, những suy nghĩ, tìm tòi có giá trị khoa học, góp phần khởi động tinh thần Đổi mới và thúc đẩy công tác nghiên cứu, giảng dạy văn học nói riêng và đời sống văn học đương đại nói chung.

 Cả ba công trình của GS. Phong Lê đều được sử dụng như là những cuốn sách công cụ, những tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho việc giảng dạy, nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại ở các bậc cao đẳng, đại học; cho các luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ về lý luận và lịch sử văn học Việt Nam, và rộng ra đối với những ai quan tâm đến lịch sử văn học Việt Nam, đặc biệt văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là ba công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có tác động vào đời sống văn học, cả sáng tác và phê bình, vừa gợi tranh luận, vừa thúc đẩy sự phát triển trên tinh thần đổi mới.

Hơn bốn mươi năm nghiên cứu và tham gia giảng dạy ở bậc Đại học và Sau Đại học, GS. Phong Lê đã tạo được uy tín trong giới nghiên cứu- học thuật, và trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về văn học Việt hiện đại. Đối với GS. Phong Lê, viết là một niềm say mê, hơn nữa, viết như là lẽ tồn tại, viết như là sống. Dễ nhận thấy, ông vẫn luôn hiện diện trong đời sống văn học, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay. Trong quá trình nghiên cứu và viết, GS. Phong Lê luôn luôn có nhu cầu nhận rõ nhận mới những gì đã tích lũy, cũng như những gì còn phải tiếp cận tiếp tục khai phá; và đó là định hướng lớn chi phối hành trình nghề nghiệp đầy nhọc nhằn, thử thách mà cũng đầy mê hoặc và quyến rũ đối với ông.

Với những chân dung và tiểu luận văn học về Tô Hoài, Võ Quảng, Hoàng Trung Thông, Ma Văn Kháng..., và Nguyễn Du mà Phong Lê viết khá dồn dập trong năm 2005 vừa qua, và với công trình Về văn học Việt Nam hiện đại- nghĩ tiếp, 400 trang, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội vừa mới ấn hành- một chặng đường mới trong nghiên cứu- phê bình văn học lại đang mở ra trước ông.
                                      B.T

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐÀO THÁI TÔNTrong bài Mê tín dị đoan trên chuyên mục Tiếng nói nhà văn (Văn Nghệ số 52 (2032), ngày 26 - 12 - 1988), nhà văn Thạch Quỳ thấy cần phải "phân định cho được văn hóa tâm linh, văn hóa nhân bản, văn hóa tín ngưỡng để phân biệt nó với mê tín dị đoan".

  • NGUYỄN THỊ XUÂN YẾNLà một nội dung mở, tín hiệu thẩm mỹ (THTM) đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học đã bàn luận khá rộng.

  • ĐẶNG VIỆT BÍCHTrong mười hai con giáp, từ lâu, người ta đã nhận thấy chỉ có mười một con là động vật có thật, được nuôi trong gia đình, là gia cầm (như gà - dậu), là gia súc (trâu - ngưu) hoặc động vật hoang dã (như hổ - dần)... Còn con Rồng - Thìn thì hoàn toàn là động vật thần thoại.

  • Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Dịch thuật Giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới, quy tụ trên một trăm dịch giả trong và ngoài nước đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Pháp, Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc... Đây được xem là bước khởi đầu cho việc quảng bá tốt nhất văn học Việt ra thế giới.

  • NGUYỄN THANH HÙNGTiếp nhận văn học thực sự diễn ra dưới ảnh hưởng của đặc điểm cuộc sống trong cộng đồng lý giải tác phẩm. Có được ý nghĩa phong phú của văn bản nghệ thuật là nhờ sự tiếp nhận của các thành viên độc giả tạo ra. Chính những ý nghĩa ấy chứ không phải bản thân văn bản, thậm chí không phải cả dụng ý của tác giả là điểm khởi đầu cho "chiều dài thương lượng" về giá trị của tác phẩm văn học trong lịch sử.

  • HỮU ĐẠTKhi giảng dạy thơ ca của bất cứ nhà thơ nào, ngoài những bài được đưa vào sách giáo khoa việc giới thiệu thêm những bài thơ khác trong sự nghiệp sáng tác của tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi giới thiệu cần có những cách phân tích và đánh giá đúng đắn mới phát huy được việc mở rộng kiến thức cho học trò. Nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.

  • HOÀNG TẤT THẮNG         (Vì sự trong sáng tiếng Việt)

  • ĐẶNG MẬU TỰU- PHAN THANH BÌNH5 năm hoạt động mỹ thuật sôi nổi, đầy trăn trở và suy nghĩ đã trôi qua, Phân- Chi hội mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ hội để nhìn lại đánh giá những gì mà mình đã làm được.

  • VŨ ĐỨC PHÚCChữ Hán trong hàng chục thế kỷ là chữ dùng chính thức của quốc gia Việt . Trong các thế kỷ ấy văn thơ chữ Hán khi thì là văn thơ duy nhất, khi thì là bộ phận chủ yếu hoặc quan trọng, không thể thiếu, của lịch sử văn học Việt bên cạnh văn thơ chữ Nôm.

  • PHẠM QUANG TRUNGHội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh tính chính trị- xã hội, trước hết là một tổ chức nghề nghiệp. Muốn có sức mạnh, cơ cấu và hoạt động của Hội phải tương thích với đặc thù nghề viết văn.

  • NGUYỄN VĂN HOASuốt những năm phổ thông, do phải kiểm tra hoặc phải thi cử nên bắt buộc tôi phải thuộc các bài thơ có vần trong sách giáo khoa. Trên ba mươi năm rồi tôi vẫn thuộc những bài thơ đó. Mặt khác thời tôi học phổ thông ở vùng Kinh Bắc hiệu sách có rất ít sách thơ bán và lúc đó cũng không có tiền để mua. Nguồn duy nhất là sách giáo khoa.

  • VÕ TẤN CƯỜNGLịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn của tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.

  • Mối quan hệ của Chủ nghĩa Siêu thực với hội họa vẫn là một câu hỏi chưa được sáng tỏ, vấn đề khó khăn này đã được các nhà lịch sử mỹ thuật hé mở hơn khi chú ý ở khía cạnh hình tượng xảy ra trong các giấc mơ và coi đó là một hành vi đặc biệt của “phong cách” nghệ thuật hiện đại.

  • Cách đây vài hôm, tôi nói chuyện với một vị nữ tiến sỹ ở Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Bà là một trưởng phòng nghiên cứu có thâm niên, rất thông thái về văn hoá. Trong lúc vui chuyện tôi nói rằng mình có ý định tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ. Bà bảo không thể đặt vấn đề như vậy, vì ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá.

  • TRẦN HUYỀN SÂMVăn học là dòng sông chở đầy dư vị của cuộc đời, mà văn hóa là một trong những yếu tố kết tinh nên hương sắc ấy.

  • LÊ ĐẠTTình không lời xông đất để sang xuânTrước hết xin giải quyết cho xong một vấn đề đã được giải quyết từ rất lâu tại các nhà nước văn hóa phát triển.

  • HỮU ĐẠTMột trong những đặc điểm dễ nhận thấy về phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều chính là tính sáng tạo qua việc dùng từ. Có thể bàn đến nhiều trường hợp khác nhau, trong đó chữ Xuân là một ví dụ khá điển hình.

  • NGUYỄN THANH HÙNGLý do để có thể còn viết được những cái như là hiển nhiên rồi, thật ra có nhiều. Nói về văn thơ tức là nói về cuộc đời, về sự sống dù chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một vũ trụ đang trong cơn say biến đổi, mà đã thấy choáng ngợp lắm rồi.

  • THANH THẢOThơ như những ngọn đèn thuyền câu mực trong biển đêm. Lấp lóe, âm thầm, kiên nhẫn, vô định.

  • ĐÔNG LA.     (Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nxb Văn Học")