Phiêu lưu với sự viết

09:53 10/02/2023

HOÀNG THỤY ANH

Là nhà văn, bạn mang trong mình “căn bệnh viết”, gánh vác sứ mệnh kể chuyện. Nghiệp vận như thế, buộc bạn lao vào đời sống, tiệm cận đủ các góc độ, kể chuyện mình, chuyện người, chuyện thế cuộc.

Ảnh: internet

Bạn có trong tay căn cước tự do riêng biệt của miền sáng tạo, nhưng lựa chọn phương pháp nào để kích hoạt tính ẩn mật của ngôn ngữ, sức hấp dẫn của câu chuyện, vẫy gọi bạn đọc, luôn là bài toán khó, bởi sự “phì đại” của hiện thực bao giờ cũng đòi hỏi sự “phì đại” của kỹ thuật viết.

1. Hiệu ứng của sự “phì đại”

Sự tác động, chi phối của cuộc cách mạng 4.0, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ô nhiễm môi trường, bệnh tật,… khiến đời sống xã hội nói chung và lối sống nói riêng đều bị biến dạng, phồn tạp, kéo theo đó là sự soán ngôi của các hệ giá trị mới, trong khi, bản thân các hệ giá trị mới chưa được kiểm chứng, còn nhiều hoài nghi, bất tín nhận thức. Bạn đừng lo ngại, hãy chủ động sống chung với nó, “yêu” nó, “chơi” với nó theo cách của bạn. Đó là lúc bạn thu về lợi thế cho mình. Văn chương vốn dĩ đã cho bạn quyền lực mở rộng hiện thực. Ở đây, sự trương nở của hiện thực lại càng cho bạn thêm nhiều chất liệu sáng tác, nguồn tư liệu, đề tài, cảm hứng để viết. Làn sóng toàn cầu hóa đã phá vỡ những rào cản, giới hạn, biến thế giới thành một sân chơi bình đẳng, sống động, nhưng nó cũng liên tục tạo ra những thách thức. Nó bắt buộc bạn luôn ở trong tâm thế dấn thân, hội nhập để bắt nhịp với thời đại và nỗ lực duy trì cảm hứng sáng tác, “cao tay ấn” về kỹ thuật, đổi mới lối viết, đa dạng đề tài. Vì thế, cuộc sống “phì đại” vừa là chất liệu tuyệt vời cho bạn nhưng cũng vừa là thước đo bản lĩnh, thái độ của bạn.

Nhà văn Milan Kundera nhấn mạnh trong Đời nhẹ khôn kham: “Khi hệ lụy càng nặng thì đời sống càng bị kéo gần đến mặt đất và chúng ta càng sống thật hơn”. Hệ lụy đời sống cho bạn cách sống thật. Sống thật mới viết thật. Những cảm xúc, cảm hứng xuất phát từ trái tim nóng hổi, tha thiết với người, rung động với đời mới đạt đến hiệu lực của nghệ thuật quyến rũ, nghệ thuật cấp cao. Vì chỉ có bạn mới biết ràng buộc mình trong cuộc đày ải vô cùng của trí tuệ, biết thiết tạo vân gỗ riêng, kích thích sự đọc, năng lực tưởng tượng của độc giả. Bạn đứng trong/ ngoài/ trên/ dưới hiện thực hay lùi sâu vào miền tâm linh, huyền ảo,… hẳn trong lòng bạn luôn tràn ngập niềm ham muốn tạo ra những không gian đối thoại tương tác đa chiều. Văn chương không phải là phương thuốc diệu kì để giải quyết hay chấm dứt những xô bồ, hỗn độn của thế giới, nhưng văn chương sẽ mải miết cuốn bạn vào hành trình kiếm tìm giá trị cuộc đời.

Tại sao Nguyễn Bình Phương được đánh giá là một trong số ít cây bút văn xuôi xuất sắc hiện nay và là nhà văn “ngồi riêng một cõi”? Đọc tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bạn sẽ thấy ông thường viết trong tâm thế vừa kéo hệ lụy của đời sống sát mặt đất vừa xoay vần trong cõi đời lẩn quẩn bằng phong cách mới mẻ, độc đáo, vừa kì bí, huyền ảo vừa sinh động, hiện thực, khiến cuộc tranh biện giữa cái tốt với cái xấu, cái thiện với cái ác diễn ra liên tục, không có điểm dừng. Lối viết của Trần Nhã Thụy lại khác với Nguyễn Bình Phương. Anh hình dung cuộc đời như cái hộp diêm 6 mặt kín bưng, khi mở hộp diêm ra, ta lại có thêm mặt đáy, đó chính là bề sâu của bóng tối và của bản ngã. Nếu không nhìn thấy mặt đáy ấy, con người khó có thể nhận ra cái tôi nguyên gốc, một cái tôi không sao chép, không lặp lại chính mình. Nghệ thuật viết truyện của anh là giải mã cảm giác, phản tư bằng yếu tố ngạc nhiên. Các nhân vật trong truyện thường là “những kẻ câu đêm”, họ thả mình trong bóng tối của cuộc đời, rồi từ bóng tối mã hóa những khả thể đầy phi lý, tính phức hợp/đa trị của ánh sáng, nhận ra những hoen rỉ, những oái ăm đang ăn mòn chính họ và đời sống. Kiểu ứng xử văn chương của Nguyễn Bình Phương và Trần Nhã Thụy đã cho thấy ý thức phát huy cá tính sáng tạo của hai nhà văn trước hiện thực đa phương đa tầng, phi lí, xô bồ, chông chênh.

Hiện thực cuộc sống là chất liệu sáng tạo, là khởi nguồn của cảm hứng. Nhưng hiện thực khi băng qua trái tim của thi sĩ, hiện thực ấy đã bị hệ luỵ, quy chiếu, ảnh hưởng bởi những rung chấn phức tạp, bí ẩn của thế giới nội cảm của anh ta. Lúc này, thi sĩ không chỉ là người mở rộng hiện thực mà còn phủ lên hiện thực những mảng khối, sắc màu đa dạng. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ông thường dùng hiện thực của tinh thần để soi chiếu hiện thực đời sống. Quán chiếu hiện thực của tinh thần trong nhiều thái cực như dòng hồi tưởng, ký ức ấu thơ, giấc mơ, cõi âm,... ông dựng nên “hiện thực thậm phồn”: một thế giới phức tạp, mâu thuẫn, xung đột gay gắt, một thế giới bao gồm cả thực và ảo. Đó là cách ông “chống lại sự giống người khác”, chống trả những oái ăm, tàn khốc của hiện thực và giúp con người vươn đến những điều tốt đẹp. Đúng như Nguyễn Việt Chiến đã nhận xét, ông là thi sĩ có “một giọng thơ lực lưỡng trên cánh đồng chữ nghĩa”.

Trong tất cả lĩnh vực, không lĩnh vực nào có thể thay thế sứ mệnh của văn chương. Thế giới có xoay vần, biến đổi ra sao thì văn chương vẫn mãi là nguồn sống, là giá trị tinh thần to lớn của nhân loại. Văn chương không thể toàn quyền hủy diệt cái xấu, cái ác, nhưng văn chương có quyền dự phần làm thanh sạch cuộc sống, giúp con người biết khước từ cái ác, cái xấu, sống với lòng bác ái, nhân văn. Do đó, việc bồi đắp sự tỉnh giác, niềm tin và lòng can đảm cho con người trước mặt nạ của đời sống, đó là trách nhiệm và sứ mệnh của bạn. Bạn viết về cái xấu, cái ác không có nghĩa văn bạn đen tối, mà đó là cách bạn dũng cảm phản ứng sự bất toàn của đời sống và truy tìm căn nguyên của nó. Chúng ta thường thấy sự hiện hữu của cái ác, nỗi khổ đau, chết chóc trong tác phẩm của nhà văn Diêm Liên Khoa, nhưng đọc các tác phẩm của ông, chúng ta hoàn toàn bị mê hoặc, bởi chúng ta như đang đối diện với ám ảnh bản thể, nỗi đau của con người và những vấn đề nhức nhối, khủng khiếp của nhân loại. Ông khước từ hiện thực bề nổi, chọn miền sâu thẳm của tâm linh, của tưởng tượng để phản tư/tỉnh hiện thực, tạo nên “hiện thực thậm phồn” và trưng ra những góc khuất, bóng tối của xã hội Trung Quốc đương đại. Tạ Duy Anh cũng là nhà văn viết nhiều viết hay về cái ác, cái xấu, thông qua cái ác, cái xấu, ông đụng chạm đến những vấn đề gai góc, nổi cộm của con người và xã hội để khai thác kiệt cùng bản chất của con người và vấn đề của xã hội, từ đó, thức tỉnh con người trước cõi thế nhá nhem, để “trở về Nguyên Bản, trở về là Một”.

Như vậy, viết trong bầu không khí toàn cầu hóa, trong sự bùng nổ, thống trị của khoa học công nghệ, trong sự đổi thay đầy phức tạp của thế giới, bạn phải đối diện, đối đầu để tìm ra mối liên đới giữa hiện thực và sáng tạo. Vì sự “phì đại”, đổi thay của hiện thực luôn luôn là cú hích để bạn chuyển biến, “phì đại” tư duy nghệ thuật, “phiêu lưu” với sự viết của chính mình.

2. Sức mạnh của sáng tạo

Đối diện với văn bản, nhà văn được nhìn ngắm bản ngã, đối thoại với cái tôi ở bên kia chiếc gương ở mức độ cao nhất, viết trong sự mở lòng, trào sôi và kết nối. Đối diện với tác phẩm, bạn đọc như được lắng nghe tiếng nói của chính mình, cảm nhận rõ hơn về tình yêu, thân phận và cuộc sống. Hiệu ứng liên kết này tự thân đã mặc định sứ mệnh của nhà văn: người mang vác cây-thánh-giá-tình-yêu, ươm mầm cho những điều tốt đẹp. Do vậy, bạn phải viết bằng cả trái tim, bằng cả cuộc đời của mình, kể cả viết trong sự khắc nghiệt, chật hẹp, vì hồi-chuông-lòng của bạn luôn là món quà cao quý, vô giá đối với người đọc. Sự hi sinh của bạn sẽ bù đắp bằng sự trồi lên của tác phẩm. “Căn bệnh viết” buộc bạn lao động nghiêm túc, lao tâm khổ tứ để có tác phẩm chất lượng, nhưng nó cũng lắm lúc đẩy bạn vào tình thế tréo ngoe, oái oăm, thử thách niềm đam mê và nhiệt huyết sáng tạo của bạn. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, sau một năm xuất bản, mặc dù đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, khen chê có cả và số lượng in hơn 5.000 bản, nhưng hầu như không có dư luận gì về cuốn tiểu thuyết này. Ở nước ngoài thì ngược lại, nóng rẫy, được dịch gần 20 thứ tiếng. Mãi đến đầu thế kỉ XXI, cụ thể là năm 2003, cuốn tiểu thuyết mới được tái bản và bắt đầu xôm trò. Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị phê phán kiểm điểm. Sau đó, Cánh đồng bất tận được dịch sang nhiều thứ tiếng và đoạt nhiều giải thưởng ở nước ngoài. Hoặc như Vụ án của Franz Kafka, Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Gabriel Garcia Márquez, Lolita của Vladimir Nabokov, đều có số phận đặc biệt, lận đận. Tác gia Proust đã từng nói: “Rồi người đời sẽ đọc tôi. Nhân loại sẽ đọc tôi [...] Stendhal phải mất 100 năm mới được người đời biết đến. Marcel Proust chỉ cần 50 năm thôi”. Dẫn chứng trên cho thấy, những rào cản, áp lực không hề làm suy giảm bản lĩnh của nhà văn trên hành trình sáng tạo dằng dặc. Càng áp lực, sức sáng tạo càng mãnh liệt. Bạn hãy lấy chông gai làm liều thuốc hoàn thiện, trau chuốt ngòi bút, viết như con tằm rút ruột nhả tơ, vì chỉ có sự viết mới giúp bạn vượt lên mọi trở ngại, cho bạn những trang viết chất lượng, tình cảm đẹp và nghệ thuật sống. Trải qua nghiệt ngã thời gian, bạn sẽ nhận được bù đắp xứng đáng, tác phẩm của bạn được người đọc ghi nhận và tỏa sáng.

Nhà văn Wolfgang Kubin đã từng phát biểu, là một nhà văn chân chính, anh đừng bao giờ quan tâm đến thị trường. Dưới sự tác động của đời sống công nghiệp, văn chương trở thành một thứ hàng hóa. Nếu sáng tác vì cơm áo gạo tiền, ồ ạt chạy theo thị trường, hẳn ngòi bút của bạn sẽ bị thao túng, chẳng còn là chính mình, chẳng có tiếng nói, chính kiến. Những toan tính, so đo sẽ kiềm chế thăng hoa của cảm xúc và con đường đi của bạn. Và đó cũng là lúc bạn đã và đang dự phần trì níu tương lai của một nền văn học. Thị hiếu tức thời của công chúng, của thị trường không phải là tiền đề cho tác phẩm tinh hoa ra đời, ngược lại, nó mang đến một gương mặt khô cằn, hời hợt, oặt ẹo. Những tác phẩm tinh hoa ở bất kì hoàn cảnh, thời điểm nào cũng mãi là cái nền vững chắc, là cái lõi, là chất trụ của văn học. Trong sự mờ nhạt, thưa vắng tình cảm, khủng hoảng niềm tin, độc giả đọc văn học tinh hoa cảm giác như được chạm vào vi mạch của đời sống, được thấu suốt những bí ẩn của bản thể, từ đó, tự điều chỉnh và ý thức hơn về lòng bao dung, vị tha và nhân ái. Nên, bạn đừng bao giờ đặt mình trong tâm thế viết phải đạt đến “best seller”, viết phải đoạt danh hiệu hay giải thưởng gì đó. Đừng bị những ý nghĩ ấy mê hoặc, thâu tóm tâm hồn bạn. Bạn hãy viết thật nhất, sâu nhất, lắng đọng nhất bằng chính sự vang động tự do, thoải mái trong tâm hồn, bằng sự đầu tư công phu của trí tuệ, kinh nghiệm. Sự tự kiêu trước những ma mị của vật chất, danh tiếng đã thể hiện bản lĩnh, chiến lược/thuật tạo dựng và vun đắp tính chuyên nghiệp của bạn. Nếu bạn được giải thưởng, vinh danh thì hãy lấy đó làm động lực để tiếp tục viết, chứ đừng “tự ngắm”, tự mãn, bởi văn chương cũng như dòng sông chảy mãi theo năm tháng.

Viết là hành trình. Nhất là trong thời kì bạn có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, thẩm thấu giá trị của nhân loại, đòi hỏi bạn kiên định, cẩn trọng với ngòi bút của mình, làm sao để con đường sáng tạo không bị tụt hậu, đứt đoạn. Vì văn chương vốn dĩ là cuộc chơi đầy khó khăn, thử thách và không bao giờ có đích cuối cùng. Tác phẩm để đời không thuộc về bạn, nếu bạn không tự khắt khe, ý thức về sự “tự vượt” trong tư duy sáng tạo. Và thứ nữa, nếu bạn “ăn mày dĩ vãng”, nhai lại chính mình, thỏa mãn với những gì mà bạn đang có, nghĩa là bạn đang tự đào mồ chôn mình. Bạn hãy bước ra khỏi vùng an toàn, bước ra những giới hạn của bản thân, chấp nhận một hoặc nhiều cú trật bánh để chuyển hướng sáng tạo. Bởi, “phá hủy là sáng tạo” (Inrasara). Phá hủy sẽ cho bạn cái nhìn đa diện và sự tươi mới trong phong cách diễn ngôn. Mọi thử thách luôn được đền đáp. Mỗi lần bạn viết lại hoặc chối từ, vứt bỏ là mỗi lần bạn lớn lên. Các nhà văn lớn như Honoré de Balzac, V.Hugo, Gustave Flaubert, James Joyce, Franz Kafka,… đều nổi tiếng với sự tỉ mỉ, chỉn chu, thận trọng với những gì họ viết ra. Sự nghiêm khắc với sáng tạo là ý thức và trách nhiệm của bất kì người viết nào. Sức mạnh của sự chối từ, đả phá cái quen thuộc, lặp lại sáo mòn sẽ mang đến cho bạn những trạng thái hân hoan, vui sướng. Khoái cảm trải nghiệm cái mới từ đó tiếp tục nảy sinh những ngả hướng sáng tạo, dựng nên miền đa dạng của cái tôi, tính đa thanh của văn bản. Khó tính với ngòi bút của mình là con đường dẫn đến thành công.

Trước nhịp sống công nghiệp, sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ trong bạn sẽ tìm đến miền dịu dàng bí ẩn, thanh tịnh của tâm hồn, thoát khỏi những ma lực bên ngoài đang không ngừng xâm nhập, ràng buộc bạn. Lúc này bạn có nhiều hơn một nỗi cô đơn: nỗi cô đơn trước cuộc sống bất toàn và nỗi cô đơn trước trang viết. Nỗi cô đơn trước cuộc sống bất toàn dồn nén, vun đắp ý tưởng cho bạn, và bạn giải tỏa nó bằng sự viết. Còn nỗi cô đơn trước trang viết, đó là thứ men mà người bình thường không có được. Cho nên, cuộc sống càng “phì đại” càng giúp bạn lùi sâu vào bên trong để suy ngẫm, chiêm nghiệm và thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, bạn đã “đủ cô đơn cho sáng tạo chưa?” (Inrasara). Hay nói cách khác, nỗi cô đơn của bạn đã “đủ lớn, đủ mạnh” chưa? Nỗi cô đơn của nhà văn được hiểu là nguồn năng lượng tích cực, biểu hiện cao nhất của tâm trí tĩnh lặng, là nỗi cô đơn nở hoa, kết trái. Bạn phải biết trân trọng, chăm chút nỗi cô đơn của chính mình. Nếu bạn không có nó, bạn cần tạo ra nỗi cô đơn, chứ đừng ngồi chờ nỗi cô đơn đến. Marguerite Duras đã khẳng định: “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm…”*. Chính bà đã nhiều lần tự trói buộc, giam cầm trong ngôi nhà, ngắt mọi kết nối với bên ngoài và kể cả ngắt tiếng nói của mình để được viết. Những kiềm tỏa, áp đặt của bà trở nên có ý nghĩa: đổi sự mất tự do bên ngoài để có được sự tự do bên trong tâm hồn, đổi sự náo động bên ngoài để có được sự nổi loạn bên trong. Bạn chăm chỉ lao động, “nuôi” nỗi cô đơn, tạo những cuộc phiêu lưu trong mình, là bạn đang chăm sóc nguồn cảm hứng và tái tạo sự viết. Nói gì thì nói, muốn đi đường dài, bạn phải năng động, sáng tạo, bứt phá, sống mái với con chữ và kích hoạt tính “dậy thì” vĩnh hằng của cái tôi và không ngừng “quấy” nó, “vọc” nó. Bởi, hành trình cô đơn của nhà văn chính là hành trình thúc đẩy sự viết và sáng tạo.

Viết trong những thay đổi của thế giới nghĩa là bạn đang làm đẹp giá trị chính mình, không ngừng vươn đến giá trị văn hóa.

H.T.A
(TCSH407/01-2023)

------------------------
* Marguerite Duras, Viết (Trần Văn Công dịch), Nxb. Văn học & Nhã Nam, 2010, tr.13.

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • (Note sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường, par Nguyễn Đình Hòe, B.A.V.H. 1914 p. 145-146)

  • INRASARA1. Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Đã thấy khắp nơi mọi người kêu như thế, từ hơn chục năm qua(1). Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, hết cả sức nặng. Từ đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm.

  • TÔ NHUẬN VỸ(Nhân hội thảo con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội từ 31/5 đến 3/6)

  • KHÁNH PHƯƠNGMột năm, trong tiến trình văn học, thường không có ý nghĩa đặc biệt nếu không nén chặt các sự kiện nghề nghiệp quan trọng, mà không phải năm nào cũng có được duyên may đó.

  • (Tường thuật từ Hội thảo “Thơ đến từ đâu” ở Tạp chí Sông Hương)

  • LÊ XUÂN VIỆTHơn bảy năm qua, kể từ ngày Bình Trị Thiên hợp nhất tỉnh. Trong thời gian ấy, hiện thực cách mạng đã diễn ra trên mảnh đất anh hùng này thật sôi động, lớn lao. Văn xuôi Bình Trị Thiên đã góp phần cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác phản ánh hiện thực đó, tạo nên món ăn tinh thần quý giá động viên, cổ vũ nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để thấy rõ hơn diện mạo của văn xuôi, chúng ta thử nhìn lại sự phát triển của nó.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó một người bạn cùng nghề, cùng lứa, một nhà văn viết truyện ngắn mà tên tuổi không xa lạ lắm đối với bạn đọc, có lần đã tâm sự với tôi như thế nầy: “Tôi không bao giờ muốn viết bút ký. Dẫu có những cái nó là thực đến một trăm phần trăm, nó là ký rõ ràng, thì tôi vẫn cứ uốn nắn nó lại đôi chút để thành truyện ngắn”.

  • NGUYỄN THỊ KIM TIẾNTiểu thuyết lịch sử là một loại hình tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Khác với các xu hướng tiểu thuyết khác ở đối tượng và cách tiếp cận hiện thực đời sống, tiểu thuyết lịch sử đã đưa đến một cách lý giải con người dựa trên cơ sở vừa lấy lịch sử làm “đinh treo” vừa tận dụng kết hợp những đặc trưng thuộc về thể loại tiểu thuyết, mang lại một kiểu tư duy văn học trong tiểu thuyết lịch sử nói riêng nhiều phương diện mới mẻ.

  • HOÀNG THỊ QUỲNH ANHTrương Đăng Dung dạo vườn thơ khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đang còn là một sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 1978, ông đã trình làng bài thơ “Âm hưởng mùa hè” trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học khiến ông neo thơ vào lòng, ấp ủ bấy lâu nay.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ“Cốt truyện” là thuật ngữ quen dùng trong nghiên cứu văn học Việt Nam, chỉ một đặc điểm của tác phẩm tự sự có từ lâu đời, được dịch từ tiếng Nga siuzhet, tiếng Anh plot, tiếng Pháp sujet.

  • ĐỖ LAI THÚY1. Ở ta không biết tự bao giờ, trong số đông, đã hình thành một hệ giá trị: lý luận là nhất, nghiên cứu thứ hai, còn phê bình thì đứng đội bảng. Bởi thế mở nghiệp bằng phê bình và dựng nghiệp bằng nghiên cứu là đại lộ quen thuộc của nhiều người.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNThể loại tiểu thuyết đã ra đời và có lịch sử vận động khá lâu dài. Ít nhất, ở châu Âu, thể loại này đã có từ gần năm thế kỷ.

  • CHƯƠNG THÂUNói về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta dễ dàng ghi nhận những thành tích của giáo dân, đặc biệt của các nhân sĩ trí thức, anh hùng liệt sĩ “kính Chúa yêu nước”.

  • Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Đa-ni-lô-vích A- lếch- xan- đrốp là một nhà toán học lỗi lạc, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi ông mới 24 tuổi, sau đó nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Lê- nin- grát. Ngoài toán học ra, ông còn quan tâm tới nhiều lãnh vực khoa học khác như đạo đức học, triết học, khoa học... Viện sĩ ưa thích làm thơ, và điều đặc biệt thú vị là ở tuổi 70, ông đã leo lên tới một trong những đỉnh núi của dải Thiên Sơn hùng vĩ... Sau đây là cuộc trao đổi giữa viện sĩ và phóng viên tờ “Nước Nga Xô viết”

  • LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.S.H

  • LƯU KHÁNH THƠ“Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO(Nhân đọc một bài viết của Lê Quý Kỳ)

  • HÀ VĂN LƯỠNG 1. Trên hành trình của văn học Việt Nam hiện đại mà nói rộng ra là văn học Việt Nam thế kỉ XX, bên cạnh việc phát huy và giữ gìn bản sắc và những truyền thống văn hóa dân tộc thì nhu cầu giao lưu, tiếp thu văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học phương Tây để góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc trở thành một nhu cầu cần thiết.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHVấn đề bản sắc địa phương trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà chúng ta đã có dịp bàn bạc, trao đổi nhưng chưa ngã ngũ. Có lẽ trong trường lực báo chí, tờ văn nghệ vẫn là chỗ nhạy cảm nhất về phương diện văn hóa. Hẳn nhiên, trong địa hạt ấy, tờ văn nghệ cũng là nơi khả kiến nhất về phương diện nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra ở đây là bản sắc địa phương của tờ báo được xét theo phương diện nào? văn hóa hay nghệ thuật?

  • THANH THẢOCâu trả lời có vẻ đơn giản: văn học là... văn học. Nhưng trả lời như thế chính là đặt tiếp một câu hỏi, và lại một câu hỏi nữa, mà câu trả lời đâu như còn thấp thoáng ở phía trước.