Nơi thanh xuân đi qua

15:55 13/11/2009
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Vinh hơn tôi hai tuổi, nhưng vai vế thấp hơn, gọi tên tôi Sương ơi. Mợ tôi nạt phải xưng em gọi chị. Vinh cười, lại Sương ơi đưa Vinh chải tóc cho, Sương ơi để Vinh nấu bồ kết lá dứa cho. Ý chừng không bao giờ gọi tôi bằng chị. Ngược lại Vinh chăm tôi từng kẽ tay. Tôi về Vinh hay bắt tôi ngồi trên bộ ngựa bằng gỗ. Vinh mang cái lược bỏ trong ống đồng ra chải tóc cho tôi. Tóc tôi dài ngang hông. Vinh chải cho hết rối gió máy đi đường, rồi miên man miết từng lọn tóc.

- Tóc Sương sướng hè.

- Sướng thì Vinh để tóc dài như Sương đi.

Vinh cười, lại đưa tay luồn nơi đầu chân tóc tôi miết xuống ngọn. Bất chợt tôi quay lưng đưa tay sờ tóc Vinh. Lần nào về tôi cũng thấy tóc Vinh cao hơn vai. Thấy tôi vác ba lô về mới mở tủ lấy ống đồng, cậy nắp lôi ra cái lược. Bình thường không lẽ mỗi lần soi gương lại phải mở tủ kêu cù két rồi cậy nắp ống như thế. Vinh nói tóc Vinh xấu không chải bằng lược quý, để dành chải tóc đẹp cho Sương. Tôi thấy cái lược bằng nhựa dỏm, quý gì loại lược thỉnh thoảng lại gãy hai ba răng cùng lúc thế kia.

Mợ đi chợ, Vinh bê khay trà rượu trên bộ ngựa xuống bếp cho rộng chỗ rồi bắt tôi nằm xuống. Vinh bảo tôi nói chuyện đi, nói gì cũng được, nói nhiều nhiều cho Vinh nghe.

- Giọng Sương hay hỉ. Giọng miền trong hay hỉ. Với lại Sương đi chơi nhiều thì biết được nhiều, có gì hay kể Vinh nghe.

Tôi lại thấy giọng Huế của Vinh nghe mềm chi lạ. Tôi không nói gì nhiều, chỉ vu vơ vài câu cho Vinh nghe “giọng miền trong”. Vinh nằm kềnh ra bộ ngựa, hò tôi nghe mấy câu bắt chước mợ hò mái đẩy ngoài bến nước. Được hai ba câu lại nhỏm dậy ngước mắt nhìn bụi chè tàu đầu cổng. Tiếng phanh xe mợ về kêu kít kít, Vinh đẩy tôi dậy, lật đật bê bộ ấm trà trả về chỗ cũ. Sợ mợ tôi la hai đứa con gái nằm ngay đầu nhà.

Ông ngoại tôi đi lính. Hết lính ông về nói với bà ngoại rằng ông có vợ và con trai ở phía bên kia đèo Hải Vân. Bà tôi nói ông ra với người ta, bà ở lại với con gái. Ông lạy bà một lạy rồi đi. Bà tôi chẳng nói gì về chuyện ấy từng ấy năm tôi lớn. Rồi bà bắt tôi ra Huế học, dặn mi về cho biết chị biết em, rằng hai giọt máu rơi vô chén nước cũng còn biết đường thấy nhau mà quấn lấy. Ngày đầu về tôi đứng ngoài bụi chè tàu, thả ba lô xuống đất tôi vòng tay chào ông ngoại, chào mợ, chào em Vinh. Rồi tôi chào mệ ngoại. Người đàn bà ngồi kế bên ông kêu tôi trèo lên bộ ngựa, rót trà cho bà, rồi hãy kêu mệ ngoại lần nữa. Bà trào nước mắt, ôm lấy hai bầu má tôi rồi nói mệ chết nhắm mắt được rồi con nờ.

Tôi học năm hai thì ông ngoại mất. Mệ ngoại lụm cụm ra vào. Sáng mệ trèo lên bộ ngựa rót trà. Nước chảy viền quanh khay trà rồi trào ra mặt bộ ngựa. Trà giọt tong tong xuống nền xi-măng. Mợ tôi ra vào nhìn mệ thở đánh thượt. Đến hồi mệ trèo xuống bộ ngựa lụm cụm chui vào nằm trong màn thì trời đã lấm lem mặt người. Giọt trà nơi đầu bộ ngựa cũng khô queo, cạn kiệt, còn màu dĩ trà đọng lại thành hình vỡ toang dưới nền.

Mệ ngoại ngồi được chín bữa thì sập tối ngày thứ mười biểu mợ lên ngồi pha trà. Nước trà nguội tanh nguội lạnh mà mợ cứ rót. Mợ ngồi nơi mép bộ ngựa, với tay đưa cao ấm, giọt trà bắn vào bắp vế nghe lạnh tanh. Mệ nói đi bước nữa đi con, chồng mi phận mỏng chết lâu rồi, đời mi còn dài chờ chi mà loanh quanh ở cái bến nước bụi chè như ri. Trời đất lấm lem quá, mợ không thấy đường ngồi ngay chỗ nước trà hay đổ. Nghe tiếng nước giọt xuống nền xi-măng, ngay chỗ trà đọng thành màu dĩ vàng, nhưng là tiếng giọt một. Mệ ngoại nghe tiếng tong tong đều đều quen rồi, hôm nay nghe có một tiếng, lại không đùn đục như giọt trà. Mệ kêu ta mệt rồi vào nằm luôn trong màn không ra bộ ngựa ngày nào nữa.

Chiều buồn đìu hiu ở cái sân gạch lẩn quẩn mùi hoa Mộc. Tôi ra đứng nơi cột nhà gian giữa. Vinh cười, (bao giờ hình ảnh Vinh trong tôi cũng là lúc cười) bảo nếu là Vinh đứng đấy thì mợ la te tua rồi, rằng phận con gái đứng chi nơi gian giữa. Mợ nói đợi Vinh lớn, đợi chị bé về lấy chồng, nhà có đàn ông cho có người đứng nơi gian giữa mà thắp hương khấn vái.

Chị bé là chị gái Vinh. Ngoại tôi vượt đèo Hải Vân mong có đứa con trai nối dõi. Mợ tôi sinh xong hai đứa con gái thì cậu bệnh mà mất. Xem như chẳng còn ai mang họ ông. Chị bé học hết lớp 9 thì bỏ nhà đi Sài Gòn kiếm việc. Tiền gởi về nuôi Vinh lớn. Ngày chị bé gởi hình đám cưới về mợ mới biết chị có chồng. Mợ gọi điện nói mi không về, không đem chồng về, nhà ni lấy ai đứng gian giữa mà thắp hương tổ tiên ôn mệ.

Rồi chị bé sinh con, bộn bề tã lót cháo sữa mỗi ngày. Tiền gởi về cho Vinh vẫn đều đều mỗi tháng. Có điều chị bé nói anh rể mua được cái nhà rộng hơn bộ ngựa nhà mình một chút, ý chừng không về Huế nữa rồi. Nhà ngoại có bốn người đàn bà, mợ mong chị bé đem chồng về không hết, giờ chỉ còn lại ba.

Ngoài tôi, Vinh còn có con Bơ làm bạn. Năm Huế nước lụt lên quá đầu. Mợ gác ván lên xà nhà. Đưa ông bà ngoại lên đó tránh nước lụt. Trong lúc bế Vinh trèo lên thì con Bơ trôi ngang hiên nhà mắc vào nhánh cây bơ. Vinh la mạ ơi cứu con chó. Mợ tôi lội ra lôi con chó vào cho ngồi luôn trên miếng ván. Hết nước lụt con chó quấn lấy Vinh, không chịu về nhà. Vinh nói để “em” đó Vinh nuôi, đặt tên “em” là Bơ. Mỗi dịp tôi về con Bơ nhảy chồm chồm sủa ỏm tỏi, nhưng đuôi thì vẫy tít. Xem như mỗi lần tôi về là dịp hiếm hoi để nó làm công việc của chó: gừ gừ và sủa. Vinh đốp vào đùi, rồi hai đứa tôi nhìn nó sủa. Tiếng con Bơ khuấy rộn buổi chiều. Nghe ồn ào mà êm êm kì lạ.


Đôi lúc tôi thấy Vinh giống tôi quá. Giống ở cái buổi chiều chải tóc xong, hai đứa tôi ngồi bên mép bộ ngựa thõng chân xuống đất. Tôi nhìn ra khoảng sân trống trải còn lợn cợn ánh sáng. Hoa Mộc nồng mùi bay xộc vào mũi. Vinh đứng dậy lội chân trần ra nhắm mắt nơi chậu Mộc. Dáng Vinh nhập nhòe màu giữa chiều giữa tối. Tự dưng tôi thấy như mình đứng đó. Là tôi chứ không phải Vinh, đứng nhắm mắt nơi chậu Mộc. Tôi nhận ra dáng mình đã ra chiều con gái, đã lưng cong, đã eo thon, cái bờ ngực đã gờ lên rõ rệt trên tấm thân mỏng mỏng. Chợt tôi nghe tiếng rơi tong tong, Mộc li ti rơi xuống đất kêu như giọt nước trà mệ ngoại làm đổ trên bộ ngựa. Hình như Mộc nồng quá, làm tôi sinh ảo giác.

Dạo lúc tôi về con Bơ chỉ vẫy vẫy đuôi, không buồn sủa nữa. Tôi ngẩn ngơ nhìn Vinh. Vinh thì ngày càng giống phụ nữ đã chồng hơn con gái, bảo bữa ni con Bơ hắn được sủa người lạ sướng rồi, không thèm sủa Sương nữa đâu. Tôi nói lạ, người ở đâu ra vô cho con Bơ sủa hoài. Vinh lại bắt tôi ngồi lên bộ ngựa, lại lôi cái lược gãy răng trong cái ống đồng cũ ra chải. Tóc tôi lâu quá không cắt, đã bắt đầu lết quết. Vinh chải xong mớ tóc rối bù, rồi bảo con Bơ sủa chồng Vinh đó. Chồng Vinh là ai mà người lạ. Mà sao trước giờ tôi có biết chồng Vinh đâu. Vinh bỏ cái lược vào ống đồng, bảo mai mốt Sương về thì tự lấy mà chải, Vinh theo chồng qua Mỹ cho mạ sướng, chứ mạ Vinh khổ ri.

- Mợ biết không?

- Răng lại không? Nhưng mà mạ cũng biết Vinh cứ sống ở đây như mạ, sống như cái bóng thì chết đi một nửa rồi Sương nờ.

- Nhà ni chỉ còn có mỗi mình con Bơ là “đàn ông” thôi Sương nờ - Vinh đá cái bộp vào đùi con Bơ nằm nơi cây cột gian nhà giữa - Rứa mà Vinh không kiếm được người về đứng gian giữa thắp hương.

Tôi im lặng. Chợt thấy mợ đứng nơi góc nhà trong nhìn ra. Lại thấy vết dĩ trà còn đọng lại trên nền đất.

Vinh lội chân trần ra chỗ Mộc. Mộc hết mùa chỉ còn lại vài ba chùm nho nhỏ. Hương chỉ thoang thoảng làm tôi thèm cái ảo giác trở lại mà không được. Vinh chẳng còn là tôi nữa. Cái gương dạng héo hắt trong cái buổi mới còn là con gái. Héo hắt trên chồi ngực mới nhú còn lẩy nẩy thanh xuân. Nhà ngoại có hai người đàn bà. Và đứa con gái không bao giờ soi gương chải tóc, chới với để lọt vào màu chiều tối đầy mùi Mộc ma mị, chuẩn bị biến thành người đàn bà thứ ba.

Ngày Vinh đi tôi định sẽ không về. Sợ mình về đâm ra thừa thãi. Nhưng rồi chiều ngày hôm trước đó lại đứng nơi bụi chè tàu xua xua cho con Bơ ra sủa. Về trước một ngày để còn kịp trèo lên bộ ngựa đợi Vinh mở tủ lấy cái ống đồng. Vinh nói chải thêm hôm ni nữa thì Sương giữ luôn cái lược. Lược nhìn gãy hết răng nhưng là đồ quý đó. Quý ở chỗ có anh con trai đứng ở bụi chè tàu mấy ngày đợi Vinh ra, tặng Vinh cái ống đồng, anh nói chắc Vinh để tóc dài thì đẹp lắm, Vinh ráng để tóc dài cho anh ngắm nghe. Vinh nói may quá, may Vinh để tóc dài thì Vinh vướng nợ anh rồi.

Chải tóc xong Vinh đi nấu nước. Rồi ra chỗ chậu Mộc gợt hết hoa vào lòng bàn tay. Vinh nói Sương khờ quá, toàn chê mùi Mộc nồng, tại Sương ngồi xa quá, tới càng gần tự khắc mùi hoa chỉ loảng thoảng, chẳng còn bao nhiêu. Vinh cho chỗ hoa li ti vào chậu, pha nước rồi bắt tôi vào nhà tắm.

- Tắm hoa Mộc thì mình không nghe được mùi hoa trên người mình đâu, người khác ở càng xa thì càng nghe mùi hoa trên người mình.

Tôi nghe lời, vào nhà tắm ngồi với chậu nước Mộc. Vinh dặn tắm tối lạnh lắm, chỉ lấy khăn mà lau thôi. Tôi cởi áo, dấp dấp khăn vào chậu nước rồi lau. Thấy mình cũng lưng cong, cũng eo thon, gò ngực cũng mấp mô hình thanh xuân con gái.

N.L.V.K
(248/10-09)



 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • 1.
    Ở xóm Bà Tàu, mỗi lần nhắc tới cái ác của Quản Ló thì ai nấy thảy đều tội nghiệp và cảm thông bà Tám Hội Đồng, má đẻ Quản Ló. Vì, “Sanh con ai nỡ sanh lòng/ Nuôi con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao). Và, như lời người xưa: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”.

  • TRẦN THÚC HÀ  

    Ngọn núi Quảng Đại Sơn thuộc huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải bên bờ biển phía tây nước Cao Ly. Núi không cao lắm, cách thành trì Ủng Tân một quãng ngắn. Trên đỉnh núi có tảng đá bằng mà rộng.

  • THU LOAN   

    Ông đã sống ở thị xã Cao nguyên những năm 80. Nhấp nhô những con dốc cao cao. Đường lổn nhổn sỏi đá. Đạp xe như cóc nhảy vì ổ gà.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI   

    Nửa chiều đó Huế mưa. Tiết cuối thu nắng nhẹ, đẹp suốt dọc đường, vậy mà đến Huế, xe vừa dừng bánh thì mưa đổ xuống. Mưa quất rào rào, gió thốc hơi nước lọt qua khe cửa buôn buốt lạnh. Lái phụ từ phía đầu xe gọi khách xuống.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    “Tôi đảm bảo câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn bắt đầu bởi một giấc mơ. Một giấc mơ kỳ quặc, chúng là những bức tranh lạ lẫm không đầu không cuối, không hề có bất kỳ sự kết nối nào”.

  • LÊ ANH HOÀI    

    Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của Dung làm chủ tịch câu lạc bộ này.

  • PHẠM NGỌC TÚY

    1.
    Tám mươi bảy tuổi, bà rên rỉ, chép miệng suốt ngày. Giọng nói còn tốt, đầu óc chưa lú lẫn, nếu không có cô cháu gái một hôm ghé xuống nhà thăm phát hiện ra bà đau nằm một chỗ, thỉnh thoảng hay lên về bới xách không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa?

  • DIỆU PHÚC

    Năm tôi lên bốn, chị đã lên mười. Người ta nói chị mãi là đứa trẻ bốn tuổi. Tôi không hiểu vì sao lại thế.

  • KIỀU BÍCH HẬU  

    1. Ngày cuối tuần, Andras bồn chồn đi đi lại lại trong căn hộ của mình trên tầng bốn toàn nhà cổ tại phố Bartok Bela.

  • MCAMMOND NGUYEN THI TU

    Cuộc sống là như bước chân lên một con thuyền mà nó chuẩn bị ra khơi và chìm
                                        (Shunryu Suzuki)

  • LTS: Bạn đọc đã từng quen biết Phạm Thị Hoài qua tập truyện "Mê lộ" và tiểu thuyết "Thiên sứ" (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La messagère de Cristal", do Phan Huy Đường dịch, Nxb Phụ nữ ở Paris phát hành. Nxb Turino (Ý) cũng dự định cho ra mắt tác phẩm này bằng tiếng Ý vào tháng 5 sắp tới, đồng thời Nxb Rowohl (Đức) cũng đã ký hợp đồng in 12 nghìn bản tiếng Đức.

  • TRẦN TRUNG CHÍNH

    Tám mươi lăm phần trăm dân thành phố chúng ta, chưa cần hỏi ý kiến về tình trạng vệ sinh thành phố, đều kêu rằng: "Thành phố rất bẩn".

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Thấy sóng lắp liếm bờ chờ con  nước nhảy, lão Bảy nói:
    - Sớm mai, con ở nhà!
    - Ở nhà chi, tía?

     

  • TRU SA  
    Viết riêng cho một người  

    Đèn tắt là hết, chỉ còn đôi mắt tỉnh bơ cùng tiếng thở nhẹ. Đường ray vẫn đầy đá dăm, thứ vật lót giúp bánh tàu không đổ nhào.

  • NGUYỄN THẾ HÙNG    

    Anh Thuyên nhà bên xóm Bến sang xóm tôi cưới chị Linh. Chị Linh xinh, da trắng, tóc dài nên nhiều anh trong xóm tôi mê, vậy mà chị lại đi lấy người xóm Bến.

  • PHAN TRUNG HIẾU

    Cha con tôi trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đen xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn.

  • HẠ NGUYÊN

    Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ. 

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO   

    21 giờ đêm, tôi rời khởi phòng làm việc sau một ngày. Từ tầng sáu của tòa nhà nhìn xuống, khu phố Loan bắt đầu lên đèn.

  • TRẦN THÚC HÀ     
           Tặng H.V.T   

    Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Mười một giờ! Mười một giờ ba mươi! Mười hai giờ! Thư vẫn chưa về. Hôm nay là ngày nghỉ của cô ấy? Trước đây, mấy khi anh để ý đến chuyện đi về của vợ nhưng mỗi lần về muộn, Thư đều báo trước. Bây giờ cô ấy đi đâu? Hay lại...