Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)
DƯƠNG HOÀNG
Nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền trong ngày cách mạng thắng lợi. Ảnh tư liệu.
Lệnh Tổng khởi nghĩa ban ra cả nước, ngày 17/8/1945, Trung ương Đảng cử đoàn cán bộ gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh… vào Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa.
Ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên được thành lập gồm 5 người do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch.
Từ ngày 18/8 đến 22/8/1945, thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhân dân các huyện trong tỉnh đã lần lượt nổi dậy đánh đổ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng.
Ở Huế, từ ngày 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy khắp trong thành phố. Quần chúng cách mạng đã tiến chiếm một số công sở của địch, cầu Trường Tiền, treo cờ đỏ sao vàng lên nóc trụ sở Nha Thông tin, tại số 43 đường Trần Hưng Đạo.
Tối 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư buộc vua Bảo Đại thoái vị.
Sáng ngày 23/8/1945, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, đã chấp nhận những điều kiện của Việt Minh và chịu thoái vị.
Chiều ngày 23/8/1945, một cuộc biểu tình lớn chưa từng có đã được diễn ra tại sân vận động Huế. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt đồng bào.
Ngày 28/8/1945, cũng tại sân vận động Huế, một cuộc biểu dương lực lượng để chào đón phái đoàn Trung ương do Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn vào chứng kiến lễ thoái vị và tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại.
Để “sống lại” với khung cảnh hào hùng của những ngày tháng 8 năm 1945 lịch sử diễn ra ở Huế, qua nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, số 1 ra ngày 27/8/1945, chúng tôi xin giới thiệu lại nguyên văn những bài viết dưới đây đã được công bố trang trọng trên Quyết Chiến cách đây đã 75 năm.
Mười lăm vạn người, số người đông gấp ba dân số thành phố Huế, đã biểu tình hôm 23/8/1945, tại sân vận động để thành lập chính quyền nhân dân cách mạng.
Từ giữa trưa, khắp các ngõ đường, từng đoàn từng đội mang cờ đỏ sao vàng, lũ lượt kéo đến những khu vực đã định. Thành phố trở nên náo nhiệt phi thường. Sân vận động Huế rộng là thế mà chỉ vừa đủ chứa đúng số người ấy.
Dưới ánh nắng rực rỡ, màu đỏ màu vàng của hàng vạn hàng ức lá cờ càng làm tăng vẻ tưng bừng của cảnh vật và nỗi vui mừng tràn ngập của dân chúng.
Sau những tấm biển lớn đề khẩu hiệu: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” “Cương quyết chống ngoại xâm”, “Cương quyết trừ Việt gian, Hán gian, Pháp gian”, “Cương quyết ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh”, “Việt Nam cộng hòa nhân dân muôn năm”, đồng bào và đồng chí xếp thành hàng ngũ, khấp khởi chờ đợi giây phút tưng bừng của thành công.
Đúng bốn giờ chiều, sau lễ chào cờ uy nghiêm, Chủ tịch Ủy ban lâm thời nhân dân Cách mệnh Thừa Thiên ra mắt đồng bào giữa sự hoan hô vang dậy. Một đại biểu Việt Minh nói qua tôn chỉ của Việt Nam Độc lập Đồng minh, bày giải ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng, kể đến những nỗi khó khăn trong thời kỳ tranh đấu cùng nhắc rõ bổn phận của đồng bào trong lúc nầy để thực hiện triệt để khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban lâm thời Nhân dân Cách mệnh, đứng lên đọc lời tuyên bố của Ủy ban lâm thời về kêu gọi đồng bào đồng tâm cố kết để trừ tiệt ngoại xâm và nội phản, tin ở sự thành công vẻ vang của cách mệnh.
Một nhân viên trong Ủy ban nói đến chính sách đối với kiều dân ngoại quốc hiện ở trong nước ta, và một đại biểu phụ nữ hiệu triệu chị em cùng chen vai thích cánh với đồng bào đồng chí đàn ông mà chiến đấu cho kỳ được hoàn toàn “Độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Sau đó, đoàn biểu tình, vì đông quá, phải chia ra nhiều toán để đi diễu hành qua các đường phố.
Từ xưa đến nay, ở Thuận Hóa chưa bao giờ có cuộc biểu tình nào lớn lao như cuộc biểu tình hôm 23 tháng 8 của dân chúng quyết tâm chiến đấu dưới bóng cờ Việt Minh để hoàn toàn thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam.1
Và để nhân dân tin tưởng vào tầm vóc và ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa, “Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên bố cáo cho đồng bào biết rằng, Chính phủ lâm thời đã thành lập xong. Sự giải phóng cho dân tộc Việt Nam đã gần tới đích. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng và đoàn kết chặt chẽ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng. Anh em hãy gia nhập các đoàn tự vệ cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, để phụng sự Tổ quốc và đánh đổ mộng tưởng ngoại xâm, bất cứ của một nước nào. Chúng ta cùng giơ tay thề rằng không bao giờ chịu trở lại thời kỳ đô hộ xưa nữa. Chúng ta hãy cương quyết chống ngoại xâm. Cương quyết tiêu trừ bọn Việt gian bán nước và hết sức ủng hộ nền Dân chủ cộng hòa của nước Việt Nam”.2
Trước khí thế tiến công cách mạng và sự chờ đợi, ngóng trông phái đoàn Trung ương vào Huế chứng kiến lễ thoái vị và tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại của các tầng lớp nhân dân, báo Quyết Chiến viết: “Thành phố Thuận Hóa đã sống một ngày tưng bừng chưa bao giờ thấy. Mới tám giờ sáng, nhân dân thành phố và cả nhà quê đủ các giới, đã đứng chật ních sân vận động, thế mà các đoàn các đội vẫn tuôn đến mãi không ngừng. Đó là chưa kể số người đông như kiến, đứng chờ hai bên lề đường để đón tiếp Đoàn đại biểu.
Dưới lớp cờ biển tưng bừng, người ta chờ đợi từng giờ phút một. Nhưng người ta vẫn kiên nhẫn đợi. Sự kiên nhẫn ấy của anh em chị em càng chứng tỏ quyết tâm của đồng bào ủng hộ chính quyền. Chốc chốc máy truyền thanh báo cho biết Đoàn đại biểu đã đi qua cầu Mỹ Chánh lúc 8 giờ 40, đến Văn Xá 9 giờ 40, đến An Hòa 10 giờ 15. Phái đoàn phải đi chậm vì dọc đường nhân dân đón tiếp đông quá.
10 giờ 45, Đoàn đại biểu vào sân vận động, giữa những tiếng hoan hô vang lừng của quần chúng. Có 5 tiếng súng lệnh chào mừng.
Sau lễ chào cờ và một phút im lặng, để tưởng nhớ đến anh hồn các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho Tổ quốc, một đại biểu của Tổng bộ Việt Minh cùng quần chúng tung hô chính quyền nhân dân cách mạng, rồi giới thiệu đại biểu của Chính phủ Trung ương lâm thời. Công chúng hoan hô không ngớt.
Ông Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Chính phủ Trung ương lâm thời, đứng trước máy truyền thanh, tuyên bố với đồng bào rằng ông lãnh sứ mệnh của Chính phủ Trung ương vào Huế để công nhận sự thoái vị của cựu Hoàng Đế Bảo Đại.
Nói đến chính sách đối ngoại, Phó Chủ tịch tuyên bố rằng Phát xít đã tan rã, người Nhật tạm lưu trong đất nước ta không còn là người thù của quốc dân nữa, mà trái lại nên được chúng ta tỏ tình thân thiện.
Còn về việc nước Pháp muốn lăm le đặt lại chủ quyền ở nước ta, ông Phó Chủ tịch nói rằng đó chỉ là một cuộc đua giữa nhân dân cách mạng Việt Nam với De Gaulle chứ ngay dân chúng Pháp cũng đã đả đảo bọn đế quốc xâm lược.
Ông vừa dứt lời, công chúng hoan hô vang: Việt Nam cộng hòa dân chủ muôn năm!
Sau đó, công chúng diễu hành qua khán đài rồi đi ra đường, qua cầu Trường Tiền, vào cửa Đông Ba, ra cửa Thượng Tứ và giải tán trước Thương Bạc. Đoàn biểu tình, cờ biển rợp trời, rậm rộ kéo đi hàng giờ chưa ngớt. Qua các phố lớn, các thương gia nổ pháo chào mừng, làm tăng thêm sự náo nhiệt tưng bừng của thành phố.
Trong lúc tôi viết bài nầy (PV Quyết Chiến), ngoài đường còn rầm rập tiếng chân đi, tiếng cười, tiếng nói, tiếng pháo làm thành một điệu nhạc hùng tráng, điệu nhạc riêng của cả một dân tộc đã biết đứng lên để đòi quyền sống tự do, độc lập3.
Và sự trông ngóng từng phút từng giây đã đến, trang lịch sử mới bắt đầu: “7 giờ chiều hôm qua trên lầu Ngọ Môn, trước 10 ngàn quốc dân đủ các giới, lễ thoái vị của Đức Việt Nam Hoàng Đế Bảo Đại đã cử hành rất long trọng.
Ngỏ lời với quốc dân và đại biểu Chính phủ lâm thời cách mạng, nhà vua đã tuyên bố trước máy truyền thanh bằng một giọng cảm động. Vì quyền lợi chung của xứ sở, và muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, ngài đặt quyền lợi quốc dân lên trên ngai vàng, nên ngài vui lòng thoái vị để trao chính quyền cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
Đáp lại lời tuyên bố của vua Bảo Đại, đại biểu Chính phủ lâm thời là ông Trần Huy Liệu trước hết tỏ lời cảm ơn tấm thịnh tình của Hoàng Đế, đã vì quốc dân mà hy sinh ngôi báu.
Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử nước Việt Nam, nền quân chủ đã nhường bước cho chính thể dân chủ cộng hòa, vậy quốc dân đã đoàn kết thì cần phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu thì phải phấn đấu thêm để củng cố nền độc lập của Việt Nam.
Sau khi ông Trần Huy Liệu dứt lời, vua Bảo Đại thân hành trao lại Quốc ấn bằng vàng, thanh gươm bằng vàng nạm ngọc, biểu hiện vương quyền, cho đại biểu chính phủ nhân dân.
Năm tiếng lệnh phát, cờ vàng kéo xuống, cờ đỏ sao vàng rút lên trong khi bài Thanh niên cứu quốc4 trỗi giữa một bầu không khí trang nghiêm và cảm động.
Để tỏ lòng thiết tha với nền dân chủ, ngài Bảo Đại ngỏ lời tặng Chính phủ Nhân dân Cách mạng 2 chiếc phi cơ riêng của ngài.
Và đáp lại tấm thịnh tình ấy, đại biểu Chính phủ lâm thời có gắn huy hiệu màu đỏ sao vàng cho công dân Bảo Đại của nước Việt Nam cộng hòa dân chủ.
Trước cử chỉ rất dân chủ của một vị Hoàng Đế, dân chúng hoan hô nhiệt liệt.
Sau khi bế mạc lễ thoái vị của vua Bảo Đại, đoàn thanh niên tiền tuyến, các đội bảo an, chữa lửa và dân chúng sắp hàng trật tự biểu diễn qua trước Ngọ Môn.5
Lễ thoái vị kết thúc, ngày hôm sau, cựu hoàng Bảo Đại đã lên đường ra Hà Nội để nhậm chức Cố vấn Chính phủ theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập” và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
D.H
(TCSH379/09-2020)
-----------------
1. Báo Quyết Chiến, số 2 ra ngày 28/8/1945.
2. Báo Quyết Chiến, số 2 ra ngày 28/8/1945.
3. Báo Quyết Chiến, số 4 ra ngày 30/8/1945.
4. Nhiều tài liệu ghi là “tiếng nhạc Tiến quân ca”. Theo chúng tôi, “Tiến quân ca” được dùng lần đầu vào chiều ngày 2/9/1945, tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Hơn nữa, chi tiết này được công bố ngay sáng hôm sau, 31/8/1945.
5. Báo Quyết Chiến, số 5 ra ngày 31/8/1945.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2020)
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
PHI TÂN
Làng Đại Lộc quê tôi cách biển không xa, nhưng người làng tôi không một ai biết đi biển đánh cá. Nghề đi biển là của những người đàn ông làng biển.
LÊ QUỐC HÁN
Huy Cận (31/5/1919 - 19/2/2005) là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ Mới (1939 - 1945). Nhiều nhà phê bình xếp ông cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử vào hàng “tứ bất tử” trong thi ca Việt Nam của thời kỳ này.
BÙI KIM CHI
Tôi rời trường xưa, Đại học Sư phạm Huế chạm ngưỡng 50 năm. Bàng hoàng. Xao xuyến. Thuở vàng son của những tháng năm cũ vẫn lặng lẽ theo tôi, giao cảm tuyệt vời.
NGUYỄN XUÂN HOA
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Sáu chục năm trước, tôi chỉ là người hoạt động văn nghệ “tay trái”, vì “tay phải” còn lo làm công ăn lương. Sau khi rời ngành giao thông 1974 cho đến lúc về hưu năm 1999, thì làm văn nghệ cả hai tay!
DƯƠNG PHƯỚC THU
Theo báo Quyết Chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), do nhà báo Vĩnh Mai (bí danh và cũng là bút danh của Nguyễn Hoàng) làm chủ bút; các nhà báo Nguyễn Đức Phiên, Vĩnh Hòa, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự.
TRẦN NGUYÊN HÀO
Bác Hồ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí ở nước ta và trên thế giới.
Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)
VÕ VÂN ĐÌNH
PHẠM XUÂN PHỤNG
Về quê mẹ là về quê nội của mạ mình, tức là làng Tân Xuân Lai thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn “Quê Mẹ” là nhan đề một bài thơ của Tố Hữu viết về quê hương mình (cả quê nội lẫn quê ngoại), mà địa danh đại diện trong bài là Huế: “Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi!”
Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)
PHONG LÊ
ĐÔNG HÀ
Người ta mỗi ngày thường hay nhìn tới để đi, nhưng cũng nhiều lúc, chọn cho mình một góc riêng tư, lại thường nhớ về những nỗi nhớ.
XUÂN CỬU
Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế
BÙI HIỂN
Giữa năm 1949, lúc ấy tôi đang là ủy viên kiểm tra sở thông tin tuyên truyền liên khu IV, ông Hải Triều gợi ý tôi nên đi công tác một chuyến vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên.
LÊ QUANG THÁI
Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) ở làng An Cựu, phủ Thừa Thiên, bút hiệu Thảo Am, đã sáng tác bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo hạn mỗi câu có tên một con thú.
ĐỖ QUÝ DÂN
Có lẽ tất cả những ai lớn lên ở Việt Nam đều biết đến nước mắm. Và đây chỉ là một câu chuyện. Một câu chuyện có chút liên quan đến nước mắm. Câu chuyện này cũng liên quan đến một người đàn bà được hoặc bị người ta gán cho cái tên Nước Mắm, hoặc Mắm, nếu người ta lười, chỉ muốn dùng một chữ để cho tiện gọi tên.
HỒ NGỌC DIỆP
Rất nhiều nhà viết sử, làm văn ao ước một lần được Bác Hồ tiết lộ một chút đời tư, nhưng may mắn đó chỉ thuộc về một người, đó là cố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.
CHÍ QUANG
Tết Nguyên đán là ngày lễ hội lớn nhất trong năm của toàn dân tộc. Những nghi lễ, tập tục ngày Tết biểu hiện đậm nét văn hóa Việt Nam, chứa đựng tổng thể văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật trong đời sống.
PHẠM THỊ CÚC
Chú tên là Đô, người làng Thanh Thủy, nhưng không phải làng Thanh Thủy Chánh có Cầu Ngói, mà là Thanh Thủy Thượng, bây giờ gọi là Thủy Dương, cùng quê với nhà thơ Phùng Quán. Chú không phải là nhà thơ nên ngất ngưỡng kiểu khác, đặc biệt hơn.