Những người đàn ông Nhật vô hình

16:21 15/05/2009
GRAHAM GREENE (Anh)Có tám người đàn ông Nhật đang ăn bữa tối ở nhà hàng cá nổi tiếng Bentley's. Họ chỉ trao đổi với nhau dăm ba câu bằng thứ tiếng mẹ đẻ khó hiểu của họ, nhưng luôn có nụ cười nhã nhặn và thường mỗi câu lại kèm một cử chỉ cúi đầu lịch thiệp. Tất cả tám người, trừ có một, đều đeo kính. Thỉnh thoảng cô gái xinh đẹp ngồi phía cửa sổ lại đưa một cái nhìn lướt qua họ, nhưng xem ra chuyện của cô ta quá quan trọng, khiến cô ta không thể thực sự chú ý tới bất kỳ ai trên đời ngoài chính mình và người ngồi cùng bàn.

Cô ta có mái tóc vàng óng mỏng mảnh, và gương mặt xinh xắn nhỏ nhắn như kiểu thiếu nữ thời đầu thế kỷ 19, nét trái xoan trông như một bức tiểu hoạ, mặc dầu cô ta có kiểu nói rất cứng - có lẽ đó là lối ăn nói của một trường nữ sinh tư thục danh tiếng ở Luân Đôn, Roedean hay Cheltenham gì, mà có lẽ cô ta cũng vừa mới ra trường chưa lâu. Cô ta đeo chiếc nhẫn nam có phù hiệu trên ngón nhẫn, và khi tôi ngồi xuống ở bàn của mình, cách bàn cô ta bởi bàn của mấy người đàn ông Nhật, cô ta nói: "Anh thấy chưa, thế là chúng mình có thể kết hôn vào tuần tới"
"Thế à?"

Người ngồi cùng bàn với cô ta trông có vẻ chán nản thế nào. Anh ta tiếp thêm rượu Chablis(1) vào ly của hai người, và nói, "Dĩ nhiên rồi, nhưng mà mẹ..." Tôi không nghe được hết toàn bộ câu chuyện giữa hai người, vì người đàn ông Nhật lớn tuổi nhất đang vươn người sang đầu kia bàn, với một nụ cười và một cái cúi đầu, và phát ra một tràng gì nghe không rõ, trong khi những người đàn ông khác dướn người về phía ông ta, mỉm cười lắng nghe, và tôi cũng không thể không chú ý tới ông ta.

Vị hôn phu của cô gái trông rất giống cô ta. Tôi hình dung họ có thể là hai bức tiểu hoạ treo bên nhau trên những tấm gỗ trắng. Anh ta có thể là một sĩ quan trẻ trong hạm đội Hải quân của tướng Nelson(2) trong thời kỳ mà một chút nhạy cảm và yếu đuối nào đó không hề ngăn trở sự thăng tiến trong quân ngũ.
Cô ta nói, "Họ sẽ ứng trước cho em năm trăm bảng, và họ đã bán được quyền xuất bản ấn bản bìa mỏng rồi". Câu công bố có tính kinh tế khô khan khiến tôi bị bất ngờ; và càng bất ngờ hơn là cô ta ở trong cùng nghề với tôi. Cô ta trông không quá hai mươi. Cô ta xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Anh ta nói, "Nhưng chú của anh..."
"Anh cũng biết là anh không hợp với chú ấy. Như thế này mình sẽ được độc lập"
"Độc lập cho chính em đấy", anh ta nói hơi gằn.
"Nghề rượu vang cũng chẳng phù hợp với anh, phải không nào? Em đã nói chuyện với nhà xuất bản của em và có khả năng rất tốt... nếu anh chịu bắt đầu đọc..."
"Nhưng anh chẳng biết gì về sách vở cả."
"Em sẽ giúp anh lúc ban đầu."
"Mẹ anh nói việc viết lách là một cái nạng tốt..."
"Năm trăm bảng và một nửa quyền ấn bản bìa mỏng là một cái nạng khá vững vàng đấy chứ." Cô ta nói.
"Thứ Chablis này ngon đấy nhỉ."
"Thật thế."

Tôi bắt đầu thay đổi quan điểm về anh ta - anh ta không hề có cái cốt cách của một hải quân Nelson chút nào. Anh ta có cái mệnh thất bại. Cô ta đến bên cạnh và lắc anh ta từ mui tới ván. "Anh có biết ông Dwight nói gì không?"
"Ông Dwight là ai?"
"Ôi anh yêu quý, anh không hề lắng nghe em nói chút nào. Ông nhà xuất bản của em chứ còn ai. Ông ấy nói là ông ấy chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết đầu tay nào mà có sức mạnh quan sát như thế trong vòng mười năm nay."
"Thế thì thật tuyệt," anh ta nói, giọng buồn buồn "tuyệt vời."
"Có điều ông ấy muốn em đổi nhan đề."
"Thế à?"
"Ông ấy không thích gọi nó là "Dòng Suối Luôn Cuộn Chảy". Ông ấy muốn đổi lại là "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea"
"Thế em nói sao?"
"Em đồng ý. Em nghĩ rằng với tiểu thuyết đầu tay thì nên làm vừa lòng nhà xuất bản là hơn. Đặc biệt là khi mà ông ấy lại sẽ còn trả tiền cho đám cưới của chúng mình, phải không nào?"
"Anh hiểu ý em." Lơ đãng, anh ta khuấy ly Chablis bằng nĩa - có lẽ trước khi đính hôn, anh ta đã luôn gọi sâm banh. Những người đàn ông Nhật đã ăn xong món cá, và với rất ít tiếng Anh, nhưng rất nhiều lịch thiệp, họ đề nghị bà hầu bàn đứng tuổi đem ra một khay salad trái cây. Cô ta nhìn họ, rồi nhìn tôi, nhưng tôi cô rằng cô ta chỉ nhìn thấy tương lai của chính mình mà thôi. Tôi rất muốn ngăn cô ta chớ có vội xây đắp tương lai dựa vào một cuốn tiểu thuyết đầu tay gọi là "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea". Tôi đồng tình với mẹ của cậu con trai. Quả là một điều hổ thẹn, khi mà nghĩ ra thì tôi có lẽ cũng bằng tuổi mẹ cậu ta thật.

Tôi muốn nói với cô ta, "Cô có chắc là cái ông nhà xuất bản của cô đã nói với cô sự thật hay không? Các nhà xuất bản cũng là người cả. Đôi khi họ tâng bốc quá mức tài năng của giới trẻ và giới đẹp. Liệu cuốn "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea" của cô có còn được ai đọc đến trong năm năm nữa? Liệu cô đã chuẩn bị cho những năm nỗ lực,”những thất bại dài vì không làm nên cái gì ra hồn”? Cùng với năm tháng, viết lách cũng không dễ dàng hơn, những nổ lực hàng ngày sẽ nặng nề hơn, cái "sức mạnh quan sát" ấy cũng trở nên yếu mòn, và khi cô tới tuổi tứ tuần, cô sẽ bị đánh giá bằng thực lực chứ không phải bằng vẻ hứa hẹn."
"Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của em sẽ là về khi nghỉ mát ở phía Nam nước Pháp St.Tropez."
"Anh không hề biết là em đã từng đến đó."
"Em chưa đến đó. Một cái nhìn mới là rất quan trọng. Em nghĩ chúng mình có thể chuyển xuống sống ở đó sáu tháng."
"Thế thì cuối cùng sẽ chẳng còn bao nhiêu tiền xuất bản ứng trước."
"Tiền ứng trước chỉ là tiền ứng trước mà thôi. Em sẽ được hưởng mười lăm phần trăm khi bán được trên năm nghìn bản,và hai mươi phần trăm sau khi bán được mười nghìn bản. Và dĩ nhiên, sẽ lại có một khoản ứng trước khác, anh yêu, khi mà cuốn sách tiếp theo sẽ được viết xong. Sẽ là một cuốn ghê gớm hơn, nếu cuốn "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea" bán chạy."
"Thế nhỡ nó không bán chạy thì sao?"
"Ông Dwight nói là nó sẽ bán chạy. Ông ta phải biết rõ chứ."
"Chú anh sẽ khởi sự cho anh ở mức lương một nghìn hai."
"Nhưng mà anh yêu ơi, thế thì làm sao anh có thể đi St.Tropez được?"
"Thế thì có lẽ tốt hơn là làm lễ cưới khi em trở lại."
Cô ta nói gắt, "Có khi em sẽ không quay trở lại nếu cuốn "Nhóm Qúy Tộc ở Chelsea" bán được đủ số lượng."
"À"

Cô ta nhìn tôi và mấy người đàn ông Nhật. Cô ta đã uống cạn ly rượu. Cô ta nói, "Thế mình đang cãi nhau hay sao?"
"Đâu có."
"Em đã nghĩ ra nhan đề cho cuốn sách mới - "Màu Thiên Thanh Xanh"
"Anh cứ tưởng thiên thanh là màu xanh rồi."
Cô ta nhìn anh ta với vẻ thất vọng. "Anh không thực sự muốn lấy một nhà tiểu thuyết, đúng không?"
"Nhưng em đã là nhà tiểu thuyết đâu."
"Em sinh ra đã là một nhà tiểu thuyết - ông Dwight nói thế. Sức mạnh quan sát của em..."
"Thì em đã nói rồi, nhưng, em thân yêu, chẳng lẽ em không có thể quan sát ở đâu gần nhà hơn hay sao, ngay ở Luân Đôn này."
"Em đã làm điều đó trong cuốn "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea" rồi. Em không muốn lặp lại chính mình."

Tờ hoá đơn thanh toán đã nằm cạnh họ một lúc khá lâu. Anh ta rút ví ra trả tiền, nhưng cô ta chộp ngay tờ giấy khỏi tầm tay anh ta. Cô ta nói, "Đây là tiệc chúc mừng của em."
"Chúc mừng cái gì?"
"'Nhóm Quý Tộc ở Chelsea' chứ còn gì nữa. Anh yêu ơi, anh quả thực rất là bóng bẩy, nhưng đôi khi - chà, đôi khi anh chẳng ăn nhập chút nào."
"Anh muốn...nếu em không phiền..."
"Không, lần này là phần em trả. Và dĩ nhiên cũng là phần ông Dwight trả nữa."
Anh ta rút lui, y như hai người đàn ông Nhật mới cùng nhau thi nói, rồi cùng ngưng bặt và cúi chào nhau, như thể họ bị ngáng giữa đường.

Tôi cứ tưởng hai người trẻ kia là hai bức tiểu hoạ tương xứng, nhưng hoá ra họ lại tương phản thế kia. Cùng một vẻ xinh đẹp, nhưng nó có thể chứa đựng sự yếu đuối hoặc sức mạnh, Các quý bà thời đầu thế kỷ 19, giới của cô ta, có thể sinh hạ cả tá con mà không cần thuốc mê, trong khi anh ta thì có lẽ là nạn nhân đầu tiên của các nàng mắt đen vùng Naples. Liệu rồi sẽ có ngày cô ta có cả một tá sách đã viết trên giá? Chúng cũng phải được sinh hạ không thuốc mê. Tôi tự thấy mình ước mong cuốn "Nhóm Quý Tộc ở Chelsea" sẽ thành một thất bại thảm hại, và cuối cùng cô ta sẽ phải chuyển sang làm người mẫu nhiếp ảnh, trong khi anh ta trở nên vững vàng trong nghề làm rượu vang ở khu phố rượu St. James giữa trung tâm Luân Đôn. Tôi không muốn nghĩ về cô ta như là bà Humphrey Ward(3) của thế hệ cô ta - không phải vì tôi sẽ sống lâu đến thế để mà chứng kiến. Tuổi gìa khiến ta  có thể tránh phải sống để mà nhìn thấy nhiều điều đáng sợ. Tôi tự hỏi không biết cái ông Dwight kia thuộc hãng xuất bản nào. Tôi có thể hình dung cái đoạn quảng cáo mà ông ta có lẽ đã viết xong về sức quan sát táo bạo của cô ta. Sẽ có một bức chân dung tác giả, nếu ông ta là người khôn ngoan, ở bìa sau cuốn sách, bởi vì nói cho cùng thì các nhà điểm sách cũng như nhà xuất bản, đều là người cả, mà cô ta thì lại dung nhan hơn hẳn bà Humphrey Ward.

Tôi có thể nghe thấy họ nói với nhau khi họ lấy áo khoác ở phía sau nhà hàng. Anh ta nói, "Không biết mấy ông Nhật ấy làm gì ở đây nhỉ."
"Mấy ông Nhật à?" Cô ta hỏi, "Mấy ông Nhật nào, hở anh yêu? Đôi khi anh lừng khừng quá em nghĩ anh không hề muốn lấy em chút nào."

NGUYỄN THỊ HẠNH dịch
(Từ nguyên bản tiếng Anh “The Invisible Japanese Gentlemen”)
(171/05-03)


----------------------
(1) Một loại rượu mạnh
(2) Tướng Horatio Nelson (1750-1805), một trong những vị tướng anh hùng nhất của Anh, đã đánh bại quân Pháp trong trận Trafalgar và mất trong cùng một năm.
(3) Nhà tiểu thuyết và công tác xã hội Anh, 1851-1920.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HANS CHRISTIAN ANDERSON   

    Hans Christian Andersen sinh tại Odense, Đan Mạch, thuộc gia đình bình dân, cha là thợ đóng giày, mẹ là thợ giặt. Tuy gia cảnh tầm thường, cha ông lại say mê văn học, ông có cả một tủ sách văn học quý giá. Từ sau khi cha qua đời (năm Andersen 11 tuổi), cậu bé đã được thỏa thích đọc những quyển sách cha để lại.


  • George Saunders - Franz Kafka

  • Brazil, nhà văn danh tiếng Jorge Amado nói, không phải là một quốc gia mà là một lục địa. Trong phần đóng góp mới nhất của loạt nhà văn trẻ xuất sắc được tạp chí Granta giới thiệu, họ kể những câu chuyện rộng lớn và hấp dẫn của xã hội Brazil hiện đại và ai là tương lai của nó; trong những nhà văn chưa từng được dịch và giới thiệu này góp mặt có Ricardo Lísias đã xuất bản hai tiểu thuyết rất hấp dẫn người đọc.
    Xin chuyển dịch sang Việt ngữ từ bản dịch sang Anh ngữ của Daniel Hahn: “My chess teacher”.
                                  Dương Đức dịch và giới thiệu

  • Daly sinh trưởng tại thành phố Winchester, bang Indiana, Hoa Kỳ. Ông có bằng Cử nhân Văn chương của đại học Ohio Wesleyan University và bằng Bác sĩ Y khoa của đại học Indiana University. Trong 35 năm, ông là bác sĩ phẫu thuật tại Columbus, Indiana. Ông từng là một bác sĩ phẫu thuật cấp tiểu đoàn trong chiến tranh Việt Nam.

  • AMOS OZ

    Sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, tiếng gù của đôi chim bồ câu trong bụi cây bắt đầu trôi qua ô cửa sổ để mở.


  • ALBERTO MORAVIA

  • KATHERINE MANSFIELD (Anh)     

    Thời tiết thật tuyệt vời. Người ta sẽ không có một bữa tiệc ngoài trời hoàn hảo hơn nếu họ không tổ chức tiệc vào ngày hôm nay.

  • Shun Medoruma (sinh năm 1960) là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất của Okinawa, Nhật Bản. Ông được giải Akutagawa Prize năm 1997 với truyện ngắn “Giọt nước” (Suiteki).

  • Có lẽ tác giả tâm đắc lắm với truyện này nên mới chọn để đặt tên cho cả tuyển tập. “The Persimmon Tree, and Other Stories (1943)” gồm 15 truyện ngắn, góp phần mang lại chỗ đứng vững vàng trong văn đàn nước Úc cho nhà văn nữ Marjorie Barnard (1897-1987), người có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả phê bình và lịch sử.

  • MARK TWAIN  

    M. Twain (1835 - 1910) là nhà văn lớn của Mỹ, từng phải lăn lóc nhiều nghề lao động chân tay trước khi trở thành nhà văn, do đó văn của ông rất được giới lao động ưa chuộng.

  • L. TOLSTOY

    Các anh em từng nghe nói rằng: mắt đền mắt, răng đền răng; còn ta nói với các anh em rằng: đừng chống lại kẻ ác. (Phúc Âm theo Matthiew V, 38, 39).

  • VẠN CHI (Trung Quốc)

    Tôi nhớ hình như ở đây có một bến ô tô buýt. Phải, phải rồi, ngay chỗ giờ đây cô gái kia đang đứng, dưới ngọn đèn đường ảm đạm ấy. Tôi thong thả bước tới, hỏi thăm.

  • Peter Bichsel sinh tại Lucerne (Thụy Sĩ) ngày 24 tháng 3 năm 1935, là con của một người thợ thủ công. Ông là nhà giáo dạy tại một trường tiểu học cho tới năm 1968.

  • Chitra Banerjee Divakaruni sinh năm 1957 tại Calcutta, Ấn Độ. Bà học đại học tại Đại học Calcutta. Năm 1976, bà đến Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ, sau đó dạy văn chương tại các đại học ở đó. Bà làm thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn, được trao nhiều giải thưởng văn học. Ngoài ra bà còn sáng lập tổ chức Maitri chuyên trợ giúp phụ nữ Nam Á bị xúc phạm.

  • SAKI   

    1. Saki là bút hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870 - 1916), sinh tại Miến Điện (nay là nước Myanmar) khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

  • Kevin Klinskidorn trưởng thành ở Puget Sound - một vùng ven biển tây bắc bang Washington và hiện sống ở bờ đông tại Philadelphia. Anh đã được giải thưởng Nina Mae Kellogg của đại học Portland State về tác phẩm hư cấu và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay.

    Truyện ngắn dưới đây của anh vào chung khảo cuộc thi Seán Ó Faoláin do The Munster Literature Center tổ chức năm 2015.

  • NAGUIB MAHFOUZ  

    Naguib Mahfouz là nhà văn lớn của văn học Arab. Ông sinh năm 1911 tại Cairo (Aicập) và mất năm 2006 cũng tại thành phố này. Mahfouz đã viết tới 34 cuốn tiểu thuyết và hơn 350 truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết lớn nhất của ông là Bộ ba tiểu thuyết (The trilogy) (1956 - 1957).
    Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.

  • Pete Hamill sinh ngày 24 tháng 6 năm 1935, tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ông là nhà văn, nhà báo. Ông đi nhiều và viết về nhiều đề tài. Ông từng phụ trách chuyên mục và biên tập cho báo New York Post và The New York Daily News.

  • Truyện này được dịch theo bản tiếng Pháp nên chọn nhan đề như trên (Je ne voulais que téléphoner, trong cuốn Douze Contes vagabonds, Nxb. Grasset, 1995) dù nó có vẻ chưa sát với nguyên bản tiếng Tây Ban Nha của tác giả (Sole Vina a Hablar por Teléfono) - Tôi chỉ đến để gọi điện thoại thôi.

  • Eugene Marcel Prevost, nhà văn và là kịch tác gia người Pháp, sinh ngày 1/5/1862 tại Paris, mất ngày 8/4/1941 tại Vianne, thuộc khu hành chính Lot- et-Garonne. Năm 1909, ông được mời vào Hàn lâm viện Pháp.