PHI TÂN
Làng Đại Lộc quê tôi cách biển không xa, nhưng người làng tôi không một ai biết đi biển đánh cá. Nghề đi biển là của những người đàn ông làng biển.
Đua ghe thúng Quảng Ngạn - Ảnh Hồ Ngọc Sơn
Những ngôi làng sát ngay chân sóng với nghề khai thác biển từ bao đời nay...
Hồi trước, đường từ làng tôi ra biển là một con đường cát trắng, thỉnh thoảng mới có một đoạn rải những tấm ri từ chiến tranh sót lại. Tất nhiên, đường như thế thì không có loại phương tiện giao thông mô đi lại được ngoài đôi bàn chân của con người. Tôi nhớ, lần đầu tôi được đi biển chơi là nhờ chú Rô và anh Cường xin ba tôi cho hai anh em cùng ra biển để chơi. Con đường toàn cát trắng ngập cả bàn chân, đi một đoạn là mỏi nên thỉnh thoảng chú Rô và anh Cường phải cõng hai anh em tôi. Cuốc bộ như thế chừng ba tiếng đồng hồ thì chúng tôi cũng đến làng biển Tân Hội.
Vượt qua những trảng cát trắng dài, những đồng cỏ cháy, những con khe nước cạn và trong, ngôi làng biển hiện ra trước mắt tôi như một ốc đảo xanh tươi. Ở đó, có những ngôi nhà xinh xắn, những bờ rào giăng trắng lưới phơi và đẹp nhất là những cây dừa thấp treo đầy trái ôm ấp quanh những ngôi nhà. Trưa hôm đó, sau khi ra tắm biển, mấy người bạn của chú Rô đãi chúng tôi món cá nục tươi hấp và sau đó giải khát bằng nước dừa...
Lần thứ hai tôi ra biển là năm học lớp 6, khi nhà trường tổ chức cho các lớp đi biển chơi. Đó không phải là chuyến đi biển đầu tiên của tôi nhưng là chuyến đi ấn tượng nhất. Ấn tượng bởi vì ở cái làng biển Mỹ Hòa heo hút giữa muôn trùng gió cát đó chỉ mấy chục nóc nhà thôi cũng có một lớp học và có một cô giáo đã bám trụ một mình để dạy học cho các lớp học ghép của làng. Đó là cô Khánh, quê ở Quảng Bình; cô Khánh gầy gò nhưng nhanh nhẹn và rất vui tính, có lẽ sự lạc quan này đã giúp cho cô có đủ tình thương để bám trụ hơn 5 năm ở đây dạy học ở làng biển hẻo lánh và buồn bã này. Nghe cô Khánh kể những chuyện gian khó của mình trong những năm tháng dài mà gương mặt hoàn toàn không gợn chút buồn. Ăn một mình, ở một mình trong căn phòng phên nứa tạm bợ, giấc ngủ hàng đêm phải giật mình nghe biển gào sóng dữ, nhất là mùa biển động. Buổi trưa hôm đó, cô Khánh còn nấu cho thầy trò từ trong làng ruộng ra một nồi khoai tím cát ăn ngọt lịm… Cô Khánh đã bền bỉ dạy học trò làng biển Mỹ Hòa, Tân Hội mấy năm trời như rứa cho đến khi hai làng này nhập vô xã Điền Lộc của tôi thì cô mới được vào dạy cơ sở chính của trường THCS Điền Lộc ở làng tôi.
Năm lớp 7 thì lớp chúng tôi đón thêm những thành viên mới đến từ hai làng biển Mỹ Hòa, Tân Hội: Tuấn, Tươi, Phương, Sương, Hường, Ti Gôn... Các bạn đi học rất chuyên cần, luôn là những người đến trường sớm nhất. Mà để đến trường sớm thì các bạn ấy phải xuất phát từ nhà từ 4 giờ sáng và có những buổi học về muộn các bạn về đến nhà trời đã chiều. Hoàn cảnh như rứa nhưng các bạn đều học từ khá đến giỏi. Sau này, Sương còn kể lại chuyện những đêm đi vô làng tôi hoặc làng Kế Môn coi chiếu bóng. Coi phim xong, ra tới đầu làng thì trăng đã tàn trên độn cát, sương đã xuống giăng mờ trên mấy bờ phi lao và mấy mệ, mấy o trong làng đã triêng gióng lên đường đi chợ Đại Lược bán cá. Xa ngái và vất vả với đường sá như vậy nhưng cứ nghe có chiếu bóng về là đứa mô cũng háo hức rủ nhau đi...
Cơn bão năm 1985, làng tôi bị thiệt hại nhiều nhưng kinh hoàng là ở những ngôi làng sát biển này. Những rặng dừa bị bão quật nằm rạp và những ngôi nhà xinh xắn bị san bằng. Sau bão, mấy học sinh trường tôi được thầy cô giáo dẫn ra thăm các bạn để cùng động viên mấy bạn tiếp tục đến trường. Gặp bạn đang ngồi trong cái chòi che tạm nước mắt chảy dài. Sau cơn bão này thì có mấy bạn nghỉ học...
Nhớ đến những làng biển là lại nhớ những trận banh trên sân Đồng Dạ làng tôi. Năm đó xã tổ chức giải bóng đá giữa các thôn. Đội banh làng tôi là chủ nhà lại chinh chiến nhiều nên có phần coi nhẹ hai đội banh làng biển. Không ngờ mấy cầu thủ chân trần trên cát trắng đá quá hay. Làng Tân Hội cỡ chừng hơn 30 nóc nhà, đội banh chỉ 3 cầu thủ dự bị, rứa mà chỉ chịu thua đội banh làng tôi sát nút. Nhưng đội banh Mỹ Hòa mới thiện chiến. Họ vừa chạy nhanh vừa bền sức, lại có kỹ thuật. Tôi hồi đó con nít, đi coi đá banh mà còn nhớ tên trung vệ Tiến Hậu đá tốt cả hai chân, bọc lót không sót đường banh tấn công mô của đối phương; tiền vệ Tất nhỏ con, chỉ mang một chiếc tất màu đen ở chân trái khi thi đấu chạy nhanh như con còng còng; cầu thủ chạy cánh Dài có mái tóc dài như Gulit của đội tuyển Hà Lan nhưng tóc mọc thẳng hơn; hay tiền đạo Tuấn “hề” có bộ râu như chú hề cải lương và có cú ngoặt bóng không giống ai. Đội banh làng tôi chủ quan nên bị đội banh Mỹ Hoà dẫn 2 - 1, đến gần cuối trận đấu đội banh làng tôi mới gỡ hòa nhờ quả phạt đền. Sau trận đấu, nhiều người nói đội banh làng biển Mỹ Hòa hay hơn; đội làng Đại Lộc mình gỡ hòa là nhờ trọng tài nhà thiên vị. Tôi hơi buồn nhưng cũng công nhận đội Mỹ Hòa hay.
Con đường bê tông nối làng tôi với hai làng biển đã được xây dựng cũng mấy chục năm rồi. Những làng biển không còn là ốc đảo xanh tươi như xưa. Tôi có mấy lần ra làng biển coi đua ghe hay công chuyện nhưng không gặp lại bạn học năm cũ. Bạn tôi họ Lại rồi có cả một dòng họ Chế ở làng biển Mỹ Hòa này. Những làng biển đã mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa và lịch sử...
Có thằng bạn hay tếu táo của tôi vô Sài Gòn chơi. Anh em bạn bè lâu ngày hỏi mi bữa ni làm chi rồi? Hắn trả lời tỉnh bơ rằng, tau đang làm ở phi trường. Ai cũng ngạc nhiên nói mi học sư phạm mà, làm trái nghề à? Hắn mới cười nói tau dạy ngoài biển phường Tri, Phong Hải đó; thì ra bạn ấy đang chơi trò nói lái. Những làng biển ở phía Đông Bắc xứ Huế còn gọi là phường: phường Tri, phường Chứa, phường Ngon... Làng biển Hải Nhuận vừa mới được công nhận là làng nghề truyền thống nước mắm của tỉnh Thừa Thiên Huế xưa kia gồm 2 phường là phường Nạng và phường Đoài thuộc làng Thế Chí Đông. Đến đời vua Tự Đức mới xin triều đình nhà Nguyễn tách ra thành làng Hải Nhuận để thuận lợi hơn về địa lý cũng như nghề đi biển. Người đã giải quyết đơn xin tách làng cho hai phường Nạng và phường Đoài là quan đại thần Trương Như Cương với lời châu phê: “Bạch sa Hoàng sa biệt vi Hải Nhuận” (có nghĩa là làng Hải Nhuận được chia nơi nào có cát trắng và cát vàng). Cái tên làng Hải Nhuận cũng được ra đời từ lời châu phê của ông Trương Như Cương.
Suốt dọc vùng cát Ngũ Điền, thường thì cứ sau một làng làm ruộng cách một bãi cát trắng dài là có từ một đến hai làng biển sinh sống. Điều lạ là sau hai làng làm ruộng Kế Môn và Vĩnh Xương lại không có một làng biển nào mà chỉ là một bãi biển dài xanh một màu phi lao. Thực ra thì những năm 1980 có một làng biển phía sau độn làng Kế Môn là làng Trung Hải. Nhưng đây là một làng biển giãn dân từ Phong Hải lên trong những năm đầu hòa bình. Làng mới Trung Hải chỉ lèo tèo vài nóc nhà. Quanh làng là những trằm nước cạn. Đó là nơi sinh trưởng lý tưởng của cây cỏ cồn. Tôi nhớ có một mùa hè khi bông cỏ cồn được thu mua, từ người lớn đến trẻ con xóm tôi bới cơm ra Trung Hải nhổ cỏ cồn. Đến giờ ăn trưa, mấy đứa trẻ con trong làng ra nhìn chúng tôi ăn. Chúng cũng đang đói. Cô Nhạ hàng xóm tôi đã bớt đi mấy phần cơm cho mấy đứa nhỏ. Làng Trung Hải tồn tại chừng mấy năm. Người dân đánh cá, trồng khoai không đủ ăn nên buộc họ trở về bản quán hoặc xa xứ tìm kế mưu sinh...
Có lần tôi về Phong Hải chơi và được mấy người quen đánh xe chạy lên làng biển Trung Đồng ăn kỵ. Làng Trung Đồng là làng biển địa đầu của Thừa Thiên Huế giáp với làng Khê, Quảng Trị. Đây là một làng biển ra đời từ lâu và cũng chịu nhiều biến cố. Tôi không còn nhớ chủ nhà tên chi nhưng chỉ biết chú ấy họ Văn. Theo lời kể của chú thì họ Văn của chú là một trong bốn họ khai canh của làng Trung Đồng. Ngày xưa, ngài thủy tổ của họ Văn có gốc tích từ họ Văn làng Phong Lai, huyện Quảng Điền đã vượt phá Tam Giang rồi theo đường bộ và dừng chân tại bãi biển hoang sơ. Ông đã cùng mấy người con lấy kinh nghiệm đánh cá trên phá mà làm nghề đánh cá trên biển để lập nên xóm nên làng. Họ Văn sau này thành một họ lớn của làng Trung Đồng...
Nhưng làng biển Trung Đồng này đã gặp một biến cố đau thương vào năm 1947 khi giặc Pháp tràn vào làng. Gần như toàn bộ làng biển này bị lửa giặc thiêu rụi và chỉ những người đi đánh cá ngoài khơi và những người đi buôn bán xa làng là còn sống sót. Như họ Văn của chú chủ nhà chỉ còn lại 7 người đàn ông. Những ngư dân làng biển Trung Đồng đã không bỏ làng bỏ biển mà đi mà họ đã gây dựng lại làng từ tro tàn. Thì ra ngày hôm đó là ngày kỵ chung của làng Trung Đồng để tưởng nhớ những con dân làng đã mất trong vụ thảm sát năm xưa...
P.T
(SHSDB37/06-2020)
Thông reo hồn chí sĩ
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG - TRẦN VĂN DŨNG
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Ở nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh có ngôi mộ của ông Đinh Văn Dõng, bia mộ đề nguyên quán: Nam Trung - Thừa Thiên-Huế. Ông Đinh văn Dõng là thân phụ của họa sĩ Đinh Cường. Té ra Đinh Cường là người Sài Gòn, gốc Huế.
Làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) nằm lẩn khuất sau một con đèo quanh co ở phía nam thành phố. Nơi này, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống những ngày cuối đời, chống chọi với bệnh tật.
LGT: 10 năm trước, mùa đông, như một linh cảm diệu kỳ về sự giải thoát nỗi trầm luân, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (lúc ấy là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Sông Hương đã viết nên “câu chuyện thiên đường” đầy ám ảnh: “Mùa đông/ Mưa mịt mùng ướt chiếc áo quan/ Co ro trong chiếc áo quan lạnh giá/ Tôi muốn đội mồ lên ngồi quanh quẩn bên em…”. Anh đã ngủ quên vĩnh viễn sau một đêm đặc dày bóng tối rất đỗi bình thường.
Lịch sử xã hội VN trong khoảng thời gian 1954 - 1975 đã ghi dấu sự hình thành cộng đồng học sinh miền Nam tại miền Bắc với những vai trò và đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau năm 1975. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về thế hệ học sinh đặc biệt này.
Một lần vào kho đạo cụ của Hãng phim truyện VN, tôi kéo thử chiếc xe kéo tay (thường gọi là xe tay) được phục chế nguyên bản để làm phim. Chỉ một đoạn tôi đã toát mồ hôi vì nó quá nặng, và chợt ngẫm đến thân phận những người phu xe.
Nếu viết về phòng trà Tự Do mà chỉ nói đến Khánh Ly và Lệ Thu thì đúng nhưng chưa đủ, bởi ở đây còn những giọng ca trẻ có khán giả riêng của mình.
“Lò” Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ cho phòng trà Sài Gòn lúc ấy. Đặc biệt, như để tạo dấu ấn, tên của các nữ ca sĩ ấy đều bắt đầu bằng chữ Phương (chỉ trừ nữ ca sĩ Hoàng Oanh).
Tình bạn giữa Nam Cao và Tô Hoài đã gắn bó từ thuở mới bước chân vào làng văn và còn gắn bó lâu dài mãi về sau này.
“Những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc đã làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi,” nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã đúc kết như vậy trong buổi chuyện trò thân tình với phóng viên VietnamPlus ngay trước thềm kỷ niệm 71 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2016).
KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
LÂM QUANG MINH
(Về Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế trong cách mạng tháng 8/1945 ở Thừa Thiên Huế)
Backe backe Kuchen
Der Bäcker hat gerufen
Wer will backen guten Kuchen…
(đồng dao trẻ con của Đức, có thể mở nghe trong youtube, với tựa đề "Backe, backe Kuchen")
PHI TÂN
Trong một lần đi tác nghiệp ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), qua câu chuyện hàn huyên với anh Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn mới biết anh là cựu lính Hải quân từng ở quần đảo Trường Sa.
LÊ VĂN KINH
Không có gì phải đợi năm hết tết đến mới nói chuyện uống trà, mà riêng tôi từ hàng chục năm qua thì trà là thức uống mỗi sáng.
NHẤT LÂM
Năm 1936, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng cùng với người bạn thân đồng hương huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị chiếm thủ khoa và á khoa tú tài Tây tại Quốc Học Huế.
HOÀNG ANH
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 Phát xít Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Tiếp theo đó chính phủ bình dân Pháp bị đổ, chính phủ phản động lên cầm quyền.
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
(Tìm hiểu một số trước tác của Ni sư Thích Nữ Trí Hải)
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Thời học sinh tôi rất phục “Quái kiệt” Trần Văn Trạch và thuộc những bài ông hát giúp vui trong các cuộc quảng cáo Xổ số kiết thiết quốc gia.
KỶ NIỆM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6
Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.