Những mùa vàng lảo đảo

08:37 06/04/2018

TRẦN BĂNG KHUÊ

1.
Hoàn cảnh này, ngay tại nơi này. Có một lí do nào đó khiến tôi nghiễm nhiên cho rằng, chúng đã thực sự biến mất trong những ánh nhìn mà tôi từng cố tình lưu nhớ từ vài tầng kí ức được xếp lớp rất kĩ càng.

Minh họa: Nhím

Tôi cất giấu tất thảy những gì liên quan đến chúng; dù chỉ là một lá thư viết tay đã ố vàng màu mực tím hay một con hạc đỏ hồng mang vác nặng trĩu niềm tin và hi vọng như kiểu trẻ trâu ngây thơ vẫn thường mơ mộng về một thiên tình sử.

Nhiều lần, tôi muốn cất lên tiếng gọi này, để nó vang động hẳn trong tâm thức tôi vĩnh viễn.Những mùa vàng. Những mùa vàng. Hỡi những mùa vàng xanh xao trong bầu trời hoang tưởng”. Mắt tôi dường như đang dần mờ nhòe, hoặc có thể đã bị đánh lừa bởi những ảo giác về thứ óng ánh lấp lánh sắc vàng trải đều đặn dưới chân. Những tầng lá mục khoe cái đẹp cuối cùng của nó khi không còn xanh mơn mởn nữa. Tôi mãi mê đuổi theo việc niệm suy về sự tồn tại, về sự sống và cái chết của cây cỏ, hoa lá, phút chốc không còn để ý đến cơn váng vất trên đầu mình sáng sớm hôm nay. Một vệt nắng nhỏ xíu, xuyên chiếu vào mắt tôi, luồn sâu trong những miền tối. Thăm thẳm gió. Thăm thẳm vực. Thăm thẳm biển sâu. Thăm thẳm tôi dạt trôi vĩnh viễn.

Vẫn chưa đi đến cuối con đường, men lên đồi cao. Thành phố sầm uất bị tôi bỏ rơi lại phía sau lưng. Thành phố cũng lưng lửng buồn như một cái lòng chảo sâu hóm miền thung lũng. Tôi lại tiếp tục dợm bước trên những thảm lá mục, tiếp tục dạt trôi theo chiều suy tưởng đang leo dốc. Tôi không thể nào thoát khỏi những ám ảnh của mùa vàng. Chúng hiển hiện ở ngay thời điểm mà khả thể tôi xuất hiện. Hãy nhìn xem, đừng mở mắt, nhưng hãy cố nhìn xem bằng tâm thức tỉnh táo sắc bén. Mùa vàng ở đó. Những mùa vàng rải thảm. Từ chân trời đến mặt đất.

2.

Những mùa vàng bị chôn sâu dưới thảm lá mục ruỗng.

Và hẳn nhiên, chúng cũng đã bắt đầu chơm chớm chuyển đổi như một dấu hiệu quen thuộc đến nỗi tôi có thể dễ dàng nhận thấy ngay lập tức. Dưới gót chân, dưới những gốc cây bị người ta quết vôi và đánh dấu. Những đám mùn mục ruỗng từ thân, cành, hoặc hàng loạt lá chết. Như người. Xác lá. Xác người. Xác của đám dế đồng vừa mới nhảy lên khỏi bờ ruộng, lạc vào thành phố mùa vàng, chực chờ được nuốt trọn ánh trăng tan trên mặt nước. Lấp lánh. Lấp lánh. Huyễn hoặc cõi mộng mê lạc lõng.

Chỉ là chờ cái chết. Tất thảy chúng ta đều phải đợi cái chết. Đợi trong nỗi hân hoan. Đợi trong nỗi cô đơn. Những mùa vàng thường khiến chúng ta lạc lối vô thức. Tôi cũng đã từng đi lạc giữa những mùa vàng đầy mộng ảo ở con đường đến trường nào đó. Bây giờ, tôi lại đi lạc giữa thế gian. Đấy, nơi đây, chính nơi mà người ta rủ rê nhau đắp xây cái chết bằng những mùa vàng rệu rã, mệt mỏi. Giả thử, không ai làm gì để chứng tỏ sự sống, thì cái chết liệu có buông tha và biến mất vĩnh viễn khỏi thế giới đầy huyễn hoặc này?

Chẳng một ai rảnh rỗi để mô tả cho tôi về chúng nữa, khi tôi quyết định bỏ bê và hờ hững đạp những vết giày lên lưng nó, mặt nó; cố tình tạo ra thứ âm thanh người ta đặt tên chính xác bằng hai từ: “tan vỡ” đến quen thuộc, không hề thấy nhàm chán mỗi ngày, mỗi mùa. Hệt như thiên tình sử của tôi vậy. Chúng chết rồi. Cái chết của chúng lảo đảo bật dậy từ bóng tối, rời khỏi bóng tối, chẹn đường tôi, không để tôi bước qua ranh giới nhạt nhòa phát lộ những điều huyễn hoặc ảo tưởng. Cái chết của chúng những mong điều gì đó bất ngờ như việc người ta vẫn nheo nhéo về sự hồi sinh yếu ớt. Vậy mà, sáng nay, tôi đã thấy chúng sống lại. Hồi sinh, dưới ánh nắng mặt trời chói gắt. Và lặng lẽ nằm dưới những gốc cây mùa thu, nằm dưới chân tôi, nằm dưới ánh mắt hờ hững của tôi. Đợi chờ rêu phong.

3.

Tôi chẳng còn nhớ gì về những mùa vàng cũ kĩ. Kể cả việc, tìm kiếm một chút vết tích thôi, cũng thật mong manh. Thiên tình sử của tôi đã chết. Những cánh hạc đỏ hồng đã bị tôi đốt hết. Những dòng thư viết tay lem nhem màu mực tím cũng đã mờ nhòe hoen ố, như những mùa vàng này vậy. Bây giờ, tôi chỉ mơ những màu sắc non tơ hay rạng rỡ tươi thắm, hoặc u ám xám đen trên một con phố Két, trên một cánh đồng Két, kể cả trong một cửa hiệu quần áo cũng mang tên Két ở bên kia đường. Họ vừa gắn bảng giá sale tất thảy những gì trong cửa hiệu hiện có. Vậy thì, tôi có nên mộng mơ thêm nữa về những mùa vàng cũ kĩ trong quá khứ hay đưa họng súng đen lên bóp cò và thổi khói bay đi như một tay cao bồi chuyên nghiệp miền viễn tây cho vừa lòng tôi lúc này?

Nhưng, hẳn nhiên không phải thế đâu. Tôi chẳng cần tình yêu hoặc một vài niềm vui hời hợt an ủi. Hiện thời của tôi bị vùi lấp trong một đống phế thải dồn dập từ rất lâu rồi. Càng lúc tôi càng thấy nó cao ngút tầm mắt mình chẳng thể nào kiểm soát nổi. Tôi chẳng cần niềm vui. Hẳn là niềm vui chẳng phải thứ gì đó cao sang, rạng rỡ lắm đâu. Cảm xúc chỉ mang tính nhất thời. Chúng sẽ lụi tàn sớm thôi và sau đó vẫn là cái chết. Không ai/không gì có thể tránh khỏi cái chết. Rõ ràng thế. Ấy vậy, nhiều kẻ vẫn chẳng chấp nhận cái chết. Nhiều kẻ mơ về sự bất tử. Bất tử nằm trong đáy địa ngục. Nếu dám đánh đổi tất thảy mọi thứ sẽ được bất tử. Đơn giản lắm.

Những cái chết luôn luôn hiện hữu dưới mỗi tầng lá xuyên thủng bầu trời. Những cái chết rong chơi trên mặt nước mỗi đêm sâu chìm ngập trong bóng tối. Tôi biết, dù rằng có khi chúng đang xanh tốt ngời ngời sức sống đó, nhưng rồi sẽ đến lúc nó rơi rớt dưới từng gót chân vô tình. Tôi mặc định rằng mình đã ngắt chùm hoa sữa non thơm từ trên cành cây xuống vào cái đêm hôm ấy. Và, đó là lúc cái chết đến. Cái chết của một bông hoa sữa non thơm. Cái chết của cành, cây, gốc rễ. Những cái chết không thể tách lìa khỏi sự tồn vong bất định của thế giới này.

Cho đến bây giờ, thi thoảng tôi vẫn thấy nó sống động, buông tuồng sự quyến rũ ra bên ngoài lớp áo váy màu trắng, kiểu như khoe khoang khiết tính hiếm hoi thành thật. Chỉ khác, đêm qua, sau cơn bão số mười mấy, tôi đã nghe hàng loạt tiếng súng đạn lên nòng. Có thể đó chỉ là sự tưởng tượng, mà tôi ngỡ như là thật. Tôi đã nằm mơ về một cuộc rượt đuổi kì quặc. Thiên tình sử của tôi đã lắp đạn lên nòng và đuổi bắt tôi trên những cung đường lạo xạo thứ lá mục ruỗng sắp chết.

4.

Sáng nay, trời quang, mây tạnh. Tôi vẫn theo thói quen, rời nhà để đi bộ, men theo con đường lên đồi, đạp chân lên những tầng lá vàng mục. Tôi cầm theo một con hạc đỏ vừa mới mua ở một nghệ nhân gấp giấy dưới phố. Tôi chỉ lấy mỗi con hạc đỏ, và vân vê nó suốt đoạn đường lên đồi. Con hạc thật đẹp. Những thiên tình sử bi lụy đều sống hoặc chết bởi vẻ đẹp kì lạ ẩn giấu này. Nắng trải đều. Mùa vàng say lảo đảo dưới chân tôi. Bất giác, tôi nghe đâu đó, trong không gian tĩnh mịch chỉ có hoa cỏ và chim ca, vang lên tiếng gõ đều đặn của chiếc búa sắt đập vào khoảng không. Chúng hồn nhiên vỗ lên tai tôi từng nhịp một, nhức buốt. Chúng hệt như một bản nhạc vừa lạnh lùng vừa réo rắt, đổi cung bậc liên tục, hòng kéo tôi trở về thực tại, ngắm nghía, nâng niu thiên tình sử đã bị tôi chôn vùi dưới những tầng lá mục ruỗng.

Những buổi sáng khác, thức giấc mệt nhoài trong căn phòng bê tông chật chội, khiến tôi luôn luôn dưỡng nuôi ý nghĩ về vài cuộc chạy trốn. Ngay cả khi tôi còn nằm ườn và trùm chăn kín mít ở trên giường. Dường như, có giọng nói nào đó vẫn đang thúc giục tôi, phải chạy trốn thôi. Tôi phải chạy trốn khỏi nơi đã sinh ra thiên tình sử ấy. Tôi biết, những mùa vàng rồi sẽ bắt đầu loang lổ dần dần trên từng cung đường, từng cánh cổng, từng mép vỉa hè, từng dòng sông, từng con đê làng, từng ao bèo sen súng úa lá phơi giữa cánh đồng của tôi, trong quá khứ xa xôi. Phải chạy trốn thôi. Tất cả họ, đấy, những kẻ lạ và quen, hoặc gần gũi như một thiên tình sử trong kí ức ướt nhòe màu mực tím, họ sẽ đuổi theo tôi. Họ đi rồi lại dừng, dừng rồi tiếp tục đuổi theo sau lưng tôi không biết mệt mỏi.

Sáng nay, tôi không lên đồi, bỏ lại thành phố sau lưng để ngắm nghía những mùa vàng với dòng tâm tưởng hoài cổ. Tôi nằm im trong một bức tường, không đọc sách, không lướt web, không gì cả, chỉ nghe mỗi đường ray đều đặn lướt qua. Tôi tưởng tượng đến một con phố tối nào đó ở London. Nơi sự sống và chết lẫn lộn, nhưng rõ rệt, không mờ nhòe như sương mù. Tiếng còi tàu lúc xa lúc gần. Chúng đang tiếp tục một cuộc phiêu lưu giữa dòng thời gian. Tôi vẫn còn nằm ườn trên giường và tưởng tượng về những mùa vàng chết dẫm quen thuộc bám riết thân phận héo hon đầy đủ xác thịt lẫn niềm mẫn cảm hân hoan, chỉ để nghĩ về sự tồn tại của chính mình khi rời bỏ một thiên tình sử.

Rồi bất giác, tôi quyết tâm chuồi chân khỏi giường. Dù sao, tôi vẫn thích rời đi, hẳn chỉ là việc đi dọc một cung đường cũ kỹ, đạp lên những tầng lá vàng mục ruỗng. Có thể ngay lúc ấy, ý nghĩ chạy trốn sẽ không bám riết lấy tôi nữa. Tôi biết thế, vì rằng với tôi chạy trốn cũng có nghĩa là chết. Những mùa vàng nhấp nháy trong nắng, nhắc nhở tôi về một thiên tình sử tháng ba đã chết.

5.

Anh ngồi tựa gốc cây long não, nằm ngay vỉa hè đối diện một nhà tu kín. Đôi mắt anh không có nắng. Chúng nhợt nhạt một màu xám lạnh buốt như băng tuyết không bao giờ tan. Buổi sáng mùa đông dù ướt đẫm sương vẫn trong veo mắt anh. Chúng không có màu xám buồn như đôi mắt của nàng. Anh đến nơi này biết bao lần, chỉ để ngồi xuống gốc cây long não vào những ngày đông buốt lạnh, và ngắm những tầng lá thủng trên đầu. Sương tan, một chút nắng khe khẽ lọt qua kẽ lá. Vừa đủ để anh mường tượng bầu trời ở quê anh đang lặng lẽ chơi trò xâu kim một cách buồn tẻ và chán ngắt. Anh không có hứng thú trải nghiệm những khoảnh khắc an lạc này. Anh chỉ muốn hồi tưởng về một thiên tình sử, về một cánh hạc hồng đỏ anh lỡ tay gấp dang dở cho nàng.

Thi thoảng anh gắng ngước mắt nhìn lên. Bầu trời tựa hồ mảnh lưới đã bị người ta cắt thủng dần dần, và sau đó chúng toang hoác trống trải như lồng ngực anh lúc này. Dưới gốc cây long não. Tất thảy mọi hiện thể đều rõ ràng như một tạo khối chiaro và oscuro của nghệ thuật hội họa Ý. Anh chợt nhớ ra, hình như anh đã rời bỏ những mùa vàng từ khá lâu rồi để lang thang trong lòng thành phố này, anh rời bỏ cả những chiếc thuyền ánh bạc nơi quê anh để tìm kiếm những ánh bạc khác ở đô thành xa hoa.

Anh đã không tìm thấy.

Mọi hiện cảnh trước mắt anh chỉ là một dải băng màu xám vắt ngang trời chiều khi anh ngồi xuống nơi nào đó trong dáng vẻ mệt mỏi thất thểu. Anh bỗng nhớ quê, nhớ biển, nhớ những con thuyền căng buồm no gió ngoài khơi. Anh nghĩ, chẳng thể nào bắt gặp thứ tình yêu kì lạ bằng nơi đã chôn giấu linh hồn anh.

Ở đâu, anh cũng bắt gặp những mảnh lưới. Chúng giăng mắc khắp mọi nơi. Như mạng nhện. Chúng dệt trời chiều thành bức tường thép gai ngay tại tòa thánh thiêng liêng giữa lòng phố thị, chúng dệt thành tấm lưới khổng lồ chụp xuống bờ bãi, nơi rất mực hiền lành yên ả của quê anh. Những tấm lưới chuyển dần sang màu ráng đỏ pha sắc mặt trời lẫn lộn giữa xác cá phơi trắng bụng như ánh của đêm trăng lạnh lẽo.

Cuối ngày làm việc, trở về nơi trú ẩn là căn phòng trọ ngay tại một thành phố lớn, anh lại tiếp tục hồi tưởng về những mùa vàng kì lạ trong kí ức. Nhưng, hệt như một cơn gió vô tình vậy, chúng biến mất, khi anh chưa kịp chạm tay vào thứ sắc màu đó. Anh thở dài, nằm xuống chiếc giường cũ kĩ sột soạt tiếng mọt trong những thanh dằm gỗ, nhắm mắt lại, và mơ. Anh mơ về những con hạc đỏ hồng, anh gấp dang dở. Anh mơ về đám lá mục ruỗng kêu lạo xạo dưới chân một ai đó vừa quen vừa lạ. Anh mơ về những ngọn đồi cao, và xa tít tắp. Nhưng, cuối cùng thứ mà anh thấy trong giấc mơ vẫn là những mắt lưới.

Ngoài những mắt lưới ra, anh chẳng còn nhìn thấy gì khác nữa. Anh ngắm nghía đám mắt lưới vô hình vây bủa tứ phía, lòng nặng trĩu. Giá sự nặng trĩu này là những khoang thuyền đầy nắng, lấp lánh nụ cười của người đàn bà và những đứa trẻ anh yêu mỗi lần anh trở về từ đại dương mênh mông kia. Quê anh là nơi có những khoang thuyền buồn, rũ rượi. Anh chợt thấy lòng thuyền rỗng tuếch nhìn anh chế giễu: “mẹ thiên nhiên đang nổi giận, biển chẳng cho không ai một thứ gì”. Anh lắng nghe điều đó, những tiếng nói rì rầm nấp trong sóng. Mỗi lần mơ về lòng thuyền và những mắt lưới, anh lại quên mất nàng, quên mất thiên tình sử đầy hồi ức mà anh tựa vào nó để linh hồn anh tồn tại.

Đó chỉ là một giấc mơ.

Âm thanh nhộn nhịp của một buổi sáng mới đã bắt đầu rối rít thúc giục. Anh bật dậy, nhìn quanh quất nơi trú ẩn tạm bợ của anh, rồi khẽ kéo tấm che cửa sổ. Nắng đã bắt đầu le lói. Nhưng không phải nắng của những mùa vàng, không phải nắng sớm của biển, khi anh trở về từ đại dương xanh thẳm với một khoang thuyền lấp lánh ánh bạc. Anh muốn về nhà. Ý nghĩ đầu tiên trong một buổi sáng lành lạnh hơi sương cuối mùa đông, chớm xuân. Dường như ai cũng muốn trở về nhà, không phải chỉ riêng anh, nơi này, xa lạ. Hẳn nàng cũng vậy. Thiên tình sử buồn dang dở của anh.

Anh không muốn nằm mơ nữa. Rồi nàng cũng sẽ thế.

Những mùa vàng chói chang ánh sáng, khiến anh thêm mờ mịt nhận thức về sự sống. Anh chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Hoặc nếu có, nó cũng chỉ thoáng qua như một áng mây giễu cợt, dưới hình hài của một gã hề mũi khoằm tay cầm lưỡi hái đang nhảy nhót trên sườn núi và đi dần về phía bóng tối. Nàng thì ngược lại. Nàng luôn thích đùa chơi với những suy tưởng về sự tồn tại của con người, hoặc của chính nàng.

Buổi sáng này, khác hẳn với những buổi sáng trước. Anh thức dậy sớm hơn thường lệ. Nơi anh trú ngụ cũng đều đặn nghe thấy tiếng đường ray nghiến kèn kẹt lúc xa lúc gần. Anh lấy chiếc va li cũ kỹ phủ bụi trên nóc tủ quần áo xuống, ngồi xếp đặt thật gọn ghẽ, rồi rời căn phòng trọ. Anh đi dọc phố, men theo cung đường quen thuộc, đến gần gốc cây long não. Anh ngồi xuống, ngước nhìn một bầu trời trong veo, vài lộc non đã bắt đầu đâm chồi trên nhánh cây long não.

Anh đã quyết định, sẽ không nằm mơ nữa.

Những mùa vàng bao giờ cũng lảo đảo như một cơn say nắng bất thường.

T.B.K  
(TCSH349/03-2018)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.