Những lời nói dối

16:05 08/01/2010
Kamala Das tên thật là Kamala Suraiyya, sinh ngày 31.3.1934 tại Punnayurkulam, quận Thrissur, thành phố Kerala, vùng tây nam Ấn Độ. Bà là nhà văn nữ nổi tiếng của Ấn Độ. Bà sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Malayalam. Bà sáng tác thơ và tiểu thuyết ngắn bằng tiếng Anh. Bà chủ yếu nổi tiếng trong thể loại truyện ngắn. Trong sự nghiệp sáng tác, bà đã có nhiều giải thưởng văn học, trong số đó là: Asian Poetry Prize, Kent Award for English Writing from Asian Countries, Asan World Prize, Ezhuthachan Award và một số giải thưởng khác nữa. Ngày 31 tháng Năm, 2009, bà mất tại bệnh viện thành phố Pune, Ấn Độ, thọ 75 tuổi.

Nhà văn Ấn Độ Kamala Das - Ảnh: askmeany.com


KAMALA DAS



K
hi nó mở mắt, Mẹ đang đứng bên giường. “Amma, Amma, đỡ con”, nó nói trong khi ngồi dậy. Bàn tay của Mẹ mát, mắt mẹ mở to khi mẹ hôn nó. “Con xa mẹ quá nhiều ngày rồi”, nó than. Nó đã quyết không bao giờ tha thứ cho bà về việc bà bỏ nó một mình với Cha và người đầu bếp có đôi bàn tay thô ráp. Không ai hỏi ý kiến của nó về sự lừa dối này. Không ai hỏi nó có đồng ý hay không. Nó đã quyết không cười khi bà trở về. Thậm chí nó sẽ không muốn gặp bà. Nhưng khi Mẹ ôm nó lên trong vòng tay bà, nó đã khóc tức tưởi.

“Sao vậy, Appu? Mẹ chỉ đi có hai ngày thôi mà”. Mẹ đặt nó xuống ghế bên cạnh bàn ăn trong nhà bếp. Cha đang ngồi trên một cái ghế khác, mặt ông khuất sau tờ báo. “Appu, bữa nay uống trà với ba mẹ nha. Con cũng có bánh Me mua về nữa nè”. Bà mở mấy hộp thiếc.

Mẹ đang cố làm cho mình vui. Mình không nên để bị phỉnh nữa.

“Con không muốn gì hết”.

Cha hạ tờ báo xuống nhìn nó, rồi chầm chậm hút một hơi thuốc.

“Đừng giận con”, Mẹ nói.

“Chính do em đó, Radha, em nuông chiều nó. Nó không bao giờ vâng lời. Đúng là một đứa trẻ ương bướng”.

“Nhưng nó chỉ là một đứa bé”. Mẹ để một cái bánh ngọt laddu nhỏ và một miếng bánh murrukku lên dĩa của nó. Cha nhìn nó. Ông lấy điếu thuốc xuống, mím môi và thở khói.

Bánh laddu quá ngọt. Mình sẽ nói cho Mẹ mọi chuyện, nó quyết định khi nó nhai murrrukku. Mình sẽ nói với mẹ mọi chuyện đã xảy ra khi mẹ vắng nhà. Mình sẽ nói với Mẹ rằng mình bị ép ăn cơm chỉ với bơ chua, rằng mình bị ép ngủ một mình trong phòng tối, rằng Stella đã đến, rằng ban đêm nhiều người cười la và nhậu dưới nhà. Như thế khi Mẹ đưa nó đi ngủ, bà sẽ không bảo là Cha thương nó nhiều đến mức ông sẽ luôn luôn nghe theo lời nó. Hãy để Mẹ thấy Cha ác như thế nào. Rồi chắc bà sẽ thôi lơ là nó khi Cha đi làm về.

“Em nghĩ là Appu sẽ tự điều chỉnh. Em lo lắng nghĩ về những chuyện đang xảy ra ở nhà này”, Mẹ nói.

Cha keo Mẹ ngã vào lòng ông. Appu nhìn xuống, giả bộ như không thấy. Nó bẻ bánh laddu và rải các miếng bánh lên đĩa. Cha chỉ nổi giận với Mẹ khi nào ông nhìn thấy hai mẹ con. Khi nó đi xuống nhà đêm đó - đêm trước khi mẹ về - Stella đang ngồi trong lòng cha. Nó đã nghĩ rằng Stella đã về trước khi trời tối. Tại sao Stella ngồi trong lòng cha mà đèn lại để sáng trong khi mọi người khác đã đi ngủ? Tựa mình vào thành cầu thang, nó nhẹ nhàng gọi: “Stella”. Stella nhìn lên và cười nhưng không trả lời. Rồi Cha hỏi, “Sao em cười?”. Giọng ông là lạ, như thể cổ họng ông bị đau. Stella im lặng.

“Nói đi em”, cha nói.

“Thằng bé”, Stella quay mặt nhìn ông. Cha nhanh chóng đứng dậy. Stella suýt té. Cha dắt nó về phòng và bắt nó vào giường. Ông vỗ chân nó, cố dỗ nó ngủ.

“Sao Stella không về nhà?”

Đóng cửa lại, Cha nói, “Cô ấy sẽ về. Tối cô ấy sẽ về”.

“Bây giờ không phải tối sao?”

“Đối với trẻ con thì là tối. Đối với người lớn, chỉ mới đầu đêm”.

Nó biết đó là một lời nói dối, vì thỉnh thoảng, khi nó thức giấc vào ban đêm, nó nghe cái đồng hồ tích tắc điểm giờ. Mẹ lúc ấy ngủ say. Nó sẽ leo lên mình bà và đánh thức bà dậy, bảo rằng nó khát. Nó biết rằng Cha đang nói dối. Trên cầu thang, nó nghe đồng hồ gõ giờ như đã từng nghe. “Cha, nằm xuống đây. Con không buồn ngủ”.

“Appu, cha sẽ trở lại ngay”.

Cha nó nhẹ nhàng đóng cửa mà nó còn muốn hỏi nữa, “Sao Stella không đi về?”. Không ai trả lời. Một lúc lâu sau nó nghe giọng nói của cha nó. Mới đầu là tức giận, rồi sau đó là tiếng khóc tấm tức của Stella, rồi giọng nói dịu dàng và năn nỉ…Khi nó thức dậy vào buổi sáng, nó sống động nhớ lại giấc mơ nó cưỡi một con ngựa bay qua bầu trời.

“Amma, con đã cưỡi ngựa đi nhiều nơi”.

“Khi nào?”

“Khi mẹ vắng nhà. Khi Stella đến vào buổi tối”

“Ai?”

Cha làm rơi tờ báo. Đầu điếu thuốc lá lấp lánh trên môi ông.

“Stella. Mẹ không biết Stella, hả Mẹ? Cô Stella cao cao ấy? Cái cô Stella môi son má phấn ấy?”

Cha dập điếu thuốc lá trong tách trà của ông và cười to: “Trước hết, nó nói đến một con ngựa. Bây giờ, Stella. Nó mơ về tất cả những chuyện này hay tưởng tượng ra chúng chắc?”.

Mẹ rót một chút cà phê vào ly sữa của cha cho nó có màu. Bà có vẻ như sắp cười. Cha có vẻ tức giận. Mình đang làm gì đây, nó tư hỏi mình.

“Stella… Nó lấy cái tên đó ra từ chỗ quỷ nào vậy? Radha, em có biết nó nói dối bao nhiêu lần một ngày không?”

Cha đốt một điếu thuốc khác và búng que diêm đang cháy đi.

“Nó chỉ là một đứa bé”, Mẹ rót chỗ ca phê của cha vào cái chén nông để hâm lại.

“Anh sẽ dẹp cái tật nói láo này của nó”, cha tức giận nói, Appu không dám nhìn ông. Nó nhúng ngón tay vào cà phê. Ai nói láo? Cha, hay nó? Đó mà là giấc mơ sao? Cái cô Stella ấy đã đến, và nó đã cưỡi một con ngựa? Nó chưa hề nhớ những mặt người trong những giấc mơ của nó. Nhưng nó nhớ cô Stella rất rõ. Những móng tay của cô tô son, tiếng cười lớn của cô, mùi quần áo của cô. Nó nhớ mọi thứ rõ ràng. Nhất định Stella không phải là giấc mơ. Stella đã đến vào buổi tối. Cô ấy nựng cằm nó và hỏi, “Mẹ có nhà không? Cô đến để gặp mẹ?”. Rồi cô nói chuyện với cha hồi lâu - bằng thứ tiếng mà nó ít hiểu - và họ cười cùng nhau. Rồi họ uống trà. Đây là lời nói dối sao? Đây chỉ là giấc mơ sao? Nó không nhớ con ngựa của nó như thế nào. Nó chỉ nhớ bụi trắng tung bay đầy trời khi ngựa phi. Đó chắc chắn là một giấc mơ. Nhưng Stella…

Cha đứng dậy và dùng chân dập điếu thuốc trên nền nhà. “Nếu con còn nói dối như thế này nữa thì, ba sẽ…”

“Sao anh lại tức giận như thế? Nó chỉ là một đứa bé”. Mẹ dắt nó ra ngoài và để nó xuống chiếc chiếu trải ngoài hàng hiên. Bà thả đồ chơi trước mặt nó. Con thỏ mất tai, chiếc xe tải đỏ, những cái que…

Cha cầm tờ báo vào phòng ngủ. Khi chỉ còn lại hai mẹ con, Mẹ cầm tay nó trong tay bà và nói, “Appu, đừng bao giờ nói láo. Con không muốn giống như cha của con khi con lớn lên phải không?”

Bàn tay mẹ mát. Nó nghĩ mẹ nó rất đẹp. “Amma, con cũng không được nói về con ngựa nữa sao?”, nó hỏi.

VÕ HOÀNG MINH dịch
(Lies - Little Magazin)
(250/12-09)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Salman Rushdie (1947), nhà văn và người viết tiểu luận, gốc Ấn, hiện sống tại Mỹ, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, như Những đứa con của nửa đêm, được trao giải Booker, năm 1981, và cả những tiểu thuyết gây tranh cãi như Những vần thơ của Satan, 1988. Văn phong Rushdie thâm trầm, khoáng lộng, hài hước và tươi mới.

  • FRANK O’CONNOR  

    Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.


  • E. RUXACỐP (Nga)

  • ABDULRAZAK GURNAH    

    Tôi nghĩ anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại gần, nhưng vì lý do riêng nào đấy nên anh ta vẫn không có dấu hiệu gì.

  • Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới ln thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chng phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
    Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.

  • JENNIFER WALKUP   

    Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
    Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.

  • GRAHAM GREEN

    Cái chết đến kề như một nỗi nghiệt ngã day dứt mà ta hổ thẹn không dám thổ lộ với bạn bè hoặc đồng nghiệp.

  • ELISABETH SILANCE BALLARD

    Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Truyện khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm.

  • Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…

  • KATE CHOPIN

    Catherine O’ Flaherty sinh năm 1850 tại Saint Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hóa, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh.

  • Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.

  • O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.

  • JASON HELMANDOLLAR

    Jason Helmandollar là một nhà văn người Mỹ, tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng được đăng trên các báo, tạp chí đang thịnh hành lúc bấy giờ như Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here, Sideshow Fables. “The Backward Fall” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn của ông.

  • TIMUR JONATHAN KARACA

    Timur Jonathan Karaca được sinh ra ở San Francisco. Ông là bác sĩ y khoa khoa gây mê tại UCSF. Ông sống ở Oakland, nơi ông hành nghề. Karaca theo học sáng tác tại Studio Hi Nhà văn San Francisco.

  • Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
    Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.

  • ALBERT LAMORISSE (Pháp)

    Albert Lamorisse là một nghệ sĩ đa tài của nước Pháp. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Truyện "Quả bóng đỏ" (Le Ballon Rouge) này đã được chính Albert Lamorisse dựng thành phim, rất nhiều người hâm mộ.