YẾN THANH
Tôi luôn quan niệm rằng, tiểu thuyết là một bản tự thuật chân thật về tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ ca có thể là tiếng nói trực tiếp, chân thành của cảm xúc, song những giới hạn của thể loại về nhạc tính, vần điệu, câu từ, khổ thơ, số chữ trong từng câu… luôn ngăn trở tác giả vẽ nên bức chân dung đầy đủ, hoàn thiện về tâm hồn của mình.
Tiểu thuyết khác thơ, nó cũng cởi mở hơn hẳn truyện ngắn hay kịch, khi phá bỏ gần như toàn bộ quy phạm về thể loại. Tiểu thuyết dung nạp mọi chất liệu của đời sống, thậm chí chấp nhận lai ghép với mọi thể loại văn học khác. Quan trọng hơn, tiểu thuyết được phép hư cấu không giới hạn. Chính hư cấu nói rõ với chúng ta về tư tưởng và tâm hồn một ai đó, chứ không phải hiện thực xung quanh họ. Bởi vì, tôi cho rằng, con người là một sinh vật tưởng tượng, năng lực lớn nhất của con người là tư duy trừu tượng. Thế giới con người thực sự hiện hữu đôi khi là thế giới tâm linh, thế giới huyền ảo, hoặc thế giới trong ký ức (đã đánh mất). Chính thực tại tâm hồn mới là nơi chúng ta cần những người nghệ sĩ - những vị chúa tể trị vì cõi mơ tưởng. Theo nghĩa đó, tôi đánh giá Hà Nội những mùa cổ điển là một tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn Uông Triều (tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh 1977) cho tới thời điểm hiện tại, đôi chỗ vượt lên Tưởng tượng và dấu vết - tiểu thuyết đầu tay mà tôi từng đánh giá rất cao của anh; dĩ nhiên vượt xa Người mê, Cô độc hay Sương mù tháng Giêng - những tiểu thuyết có nỗ lực khám phá, làm mới song tôi vẫn đánh giá là đi lùi so với Tưởng tượng và dấu vết.
Hà Nội những mùa cổ điển thú vị và thành công nhất theo tôi bởi vì hai nhẽ. Thứ nhất, trong tiểu thuyết này, Uông Triều được là chính mình, lấy bản thân mình ra để viết, anh phơi bày hết mọi gan ruột, ẩn ức thầm kín, dục vọng, những chấn thương bề sâu lẫn những sai lầm trong cuộc đời anh. Anh tự “làm thịt” chính mình, bày biện gọn ghẽ lên mâm cho chúng ta mà không màu mè, dùng gia vị để che phủ. Tôi vẫn nghĩ trong sáng tạo văn chương, nếu như nhà văn không có khả năng viết về chính mình, thì anh ta còn có thể viết về cái gì được nữa. Tha nhân làm sao chúng ta hiểu được, lãnh tụ càng xa cách, hiện thực thì bề bộn, tất cả đều là khách thể bên ngoài chúng ta. Dĩ nhiên, muốn hiểu được, miêu tả được, cắt nghĩa được khách thể, chúng ta cần hiểu chủ thể chính mình. Hà Nội những mùa cổ điển là một bản tự thuật tâm hồn giản dị, đơn nghĩa như thế. Ở đó, nhân vật trung tâm Uông là một ẩn dụ cho chính Uông Triều, anh lấy tên như một sự ám chỉ trực diện, không cần một danh từ riêng nào khác. Mọi địa danh, địa điểm trong tác phẩm đều gần như có thật trong đời sống của anh. Nhất là địa chỉ Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở số 4 Lý Nam Đế rất quen thuộc với đông đảo bạn văn chương.
Thứ hai, có thể nói, Hà Nội những mùa cổ điển không đơn thuần là một bản tự truyện - nó chính xác là một tiểu thuyết hư cấu đúng nghĩa. Ở đó, Uông Triều vượt thoát thực tại, siêu vượt thời gian và không gian, để tự do hư cấu và siêu hư cấu. Có thể nói, đây chính là cuốn tiểu thuyết hư cấu khoáng đạt và bay bổng nhất của Uông Triều. Anh hoàn toàn không nô lệ vào hiện thực lẫn lịch sử, cho dù anh ra sức miêu tả nó, viết về nó, suy tư về nó. Chính siêu hư cấu trong Hà Nội những mùa cổ điển đã tạo nên siêu lịch sử, giả lịch sử trong tiểu thuyết của anh. Trong làng văn chương Việt Nam hậu hiện đại, có lẽ Hà Nội những mùa cổ điển là tác phẩm hiếm hoi dám viết và có khả năng viết về một siêu lịch sử như vậy: Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ thản nhiên đi dạo phố Hà Nội thời hiện đại, ăn uống các quán xá đương thời, ngôn ngữ ăn nói như người hiện đại, nhưng lại bay lên trời đánh nhau với vô vàn phép thuật… trên cầu Long Biên. Những hư cấu như thế này, khoảng chừng 20 năm trước tôi e rằng nhà văn sẽ bị đòn hội đồng nặng nề, thậm chí phải bị treo bút vì “giải thiêng thần tượng” hay “bôi nhọ lịch sử” từ phía những nhà phê bình đao búa. Người ta sẽ đem anh đi giám định tâm thần vì dám sáng tạo vô lối như vậy. Song ở thời điểm này, với sự nới rộng của không gian dân chủ trong văn chương, đặc biệt là sự tiến bộ của tư duy hệ hình nghiên cứu văn học, những sáng tạo trong Hà Nội những mùa cổ điển trở nên thú vị, hài hước, nhưng cũng rất đáng suy ngẫm. Như vậy, tôi đánh giá cao tác phẩm này bởi nó hài hòa được yếu tố tự thuật, hiện thực, bên cạnh yếu tố tự do hư cấu và siêu hư cấu.
Mặc dù vậy, cũng cần nói rõ quan điểm cá nhân của tôi rằng, đây là một tác phẩm có lẽ còn nhiều hạt sạn. Nó thiếu sự chuẩn chỉnh, kỳ công và trọn vẹn như Tưởng tượng và dấu vết hay Cô độc. Tác giả tung ra nhiều chiêu thức quá, “võ học” văn chương của nhà văn đa dạng song khá là rối rắm, đôi chỗ bị “tẩu hỏa nhập ma” mà chưa làm chủ được ngòi bút. Bên cạnh một cái kết khá hụt hẫng, không rõ tư tưởng - cho dù chúng ta chấp nhận nó là một cái kết mở để người đọc đồng sáng tạo đi chăng nữa. Tựa đề Hà Nội những mùa cổ điển theo tôi đọc lên không “sướng”, không ấn tượng, lại không phản ánh đúng lý tưởng thẩm mỹ mà nhà văn miêu tả xuyên suốt tác phẩm. Mới đọc qua, bạn đọc yêu mến Uông Triều tưởng rằng anh đang viết cuốn biên khảo thứ ba về Hà Nội, sau Hà Nội - Dấu xưa, phố cũ và Hà Nội, quán xá phố phường. Nếu chỉ xét riêng về cách đặt tên, Tưởng tượng và dấu vết hay Cô độc thành công hơn hẳn. Từ “cổ điển” trong tựa đề không nói lên được một Hà Nội xuất hiện trong tiểu thuyết của anh. Hà Nội trong Hà Nội những mùa cổ điển là một Hà Nội tân kỳ, hiện đại, đầy rẫy những dấu ấn lịch sử. Điều quan trọng nhất là, tiểu thuyết của Uông Triều không viết về Hà Nội, mà viết về chính anh lẫn những suy tư, cảm nhận lịch sử của anh. Dù có những hạn chế như vậy, theo thiển ý của cá nhân tôi, song Hà Nội những mùa cổ điển vẫn là tiểu thuyết đáng đọc bậc nhất trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, bởi những cách tân táo bạo, biểu hiện cho một tư duy văn chương mới mẻ. Tôi sẽ thử phân tích hai cách tân của Uông Triều trong tiểu luận ngắn này.
Thông thường, chúng ta sẽ có xu hướng che đậy những bí mật đời tư trước sự soi mói của đám đông xã hội. Người nổi tiếng hay nhà văn là những người của công chúng, lại càng có xu hướng “tốt khoe xấu che”, thậm chí lắm kẻ cực đoan còn “phông bạt” làm màu, bịa nên những huyền thoại về bản thân, hoặc che đi những scandal trong đời sống. Uông Triều trong Hà Nội những mùa cổ điển vượt lên những thị phi thông thường, anh viết để sám hối và tự thú. Tôi đánh giá cao tính dấn thân của anh trong tiểu thuyết này. Hiện thực của Uông trong Hà Nội những mùa cổ điển với biết bao bi kịch, sai lầm đời tư, chính là hiện thực của nhà văn Uông Triều. Tôi nói vậy bởi vì may mắn là tôi quen biết và khá thân thiết với anh ở ngoài đời, hiểu về những biến cố đời tư của anh, cho dù trong phê bình tôi rất ghét lối viết “tri âm”, “thù tạc”. Hà Nội những mùa cổ điển là một tác phẩm đậm tính hiện thực cá nhân lẫn hiện thực lịch sử. Về mặt đời tư nhà văn, nhân vật chính tên Uông có vẻ rất giống với tên của tác giả (Uông Triều), đây là một thủ pháp đặt tên “cố ý” của nhà văn. Thiếu gì tên mà lại sử dụng tên Uông, thủ pháp này thật ra đã có từ thời Cô độc, với biên tập viên tên Ban hay nhân vật tên B.
Uông có nhiều chi tiết đời tư giống với tác giả Uông Triều. Đầu tiên là ly hôn, “Uông không bình luận, một cái dằm nhói lên trong anh về cuộc hôn nhân tan vỡ của mình, đã năm năm rồi nhưng mỗi lần nhớ đến nó, Uông vẫn thấy man mác” [Hà Nội những mùa cổ điển, Nxb. Hội Nhà văn và Công ty Tao Đàn, Hà Nội, 2024, trang 115 - những trích dẫn trong tiểu luận này nếu không có chú thích gì thêm thì đều từ nguồn này]. Trong đời thực, tác giả Uông Triều không chỉ một, mà có đến hai lần tan vỡ hôn nhân. Những cuộc tan vỡ này rõ ràng tạo nên những chấn thương tinh thần ghê gớm, là những vết sẹo không phai mờ trong tâm trí của anh, cho dù lỗi lầm từ phía nào đi chăng nữa. Song cũng cần phải thấy rằng, nếu không có những nỗi đau ấy, chắc gì tác giả đã viết nên được các tác phẩm để đời như Tưởng tượng và dấu vết, Cô độc hay đặc biệt là Hà Nội những mùa cổ điển. Với lối viết “tự ăn mình”, Uông Triều đã nhìn thẳng và thật vào những bi kịch ly hôn của đời anh, và có thể nói, đó cũng chính là những chấn thương tinh thần phổ biến của con người trong thời hậu hiện đại. Không biện hộ, không bao che, không bào chữa, nhà văn thú thực với độc giả về cuộc ly hôn của cuộc đời mình. Tôi tôn trọng và quý mến thái độ đàn ông này của nhà văn, cho dù anh có mắc sai lầm đàn ông nào trong quá khứ đi chăng nữa, ít ra, anh không phải là một kẻ đạo đức giả. “Vì dịch bệnh, trẻ con Hà Nội phải ở nhà cả năm trời học online. Con gái Uông đang ở với mẹ báo tin mừng đã được đến trường. Hà Nội đã hồi lại như những ngày bình thường, tâm lý sợ hãi đã thay đổi khi người ta buộc phải sống chung với dịch bệnh” [tr.143].
Sự ly tán của gia đình hạt nhân khiến con cái phải sống xa cha, hoặc xa mẹ. Đó là vết thương chung của gia đình hậu hiện đại, Uông Triều đã nhìn thẳng vào vết thương này. Con gái ở xa Uông, song hiểu anh và tha thứ, thông cảm cho cha. Đó là một cảm quan rất bao dung, rất hậu hiện đại. Đoạn trên còn phản ánh một chấn thương tinh thần đương đại lớn nữa của thế giới và của Việt Nam - đại dịch hô hấp cấp do virus Covid 19 gây ra. Cơn đại dịch này gần như là một cuộc thảm sát của virus đối với nhân loại, tạo ra dư chấn tinh thần nghiêm trọng, với gần 15 triệu người đã chết trên thế giới. Việt Nam với những đợt cách ly xã hội, những trại tập trung bệnh nhân, những lò thiêu quá tải, những đợt ngoáy mũi, cũng đã tạo nên các dư chấn hậu Covid 19, bên cạnh sự ra đi vĩnh viễn của hàng vạn bệnh nhân.
Hà Nội những mùa cổ điển còn dày đặc tính thời sự, tiêu biểu như cuộc chiến tranh đẫm máu thời hậu hiện đại giữa Nga và Ukraina. Cuộc chiến mà tôi với Uông Triều từng nhiều lần cho rằng là phi nghĩa, không cần thiết, là nồi da xáo thịt đau đớn. Tiểu sử dạy học ở Quảng Ninh của nhà văn Uông Triều, hay mối quan hệ thân thiết của tác giả với những nhà văn thời danh của Việt Nam như Bảo Sinh hay Nguyễn Huy Thiệp đều được nhắc đến trong Hà Nội những mùa cổ điển. Một loạt những nhà văn hiện đại, đương thời là bạn bè với tác giả cũng đều được trực tiếp hay gián tiếp nhắc đến trong Hà Nội những mùa cổ điển, ví dụ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Thị Quỳnh Nga… Có thể nói, Hà Nội những mùa cổ điển là tiểu thuyết mang tính đời tư rõ nhất của Uông Triều. Tính hiện thực của tác phẩm còn được kiến tạo dựa trên hàng loạt những địa danh lịch sử, địa danh văn hóa, địa điểm ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội - một lãnh vực mà Uông Triều rất sành sỏi, là chuyên gia nghiên cứu. Chưa kể một số thức uống thời thượng như cà phê muối mà hiện nay giới trẻ rất thích thú. Góc nhìn thú vị về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam cũng tạo nên tiếng cười sảng khoái cho độc giả. Hàng loạt những sự kiện trong đời sống văn chương ngoài đời thật cũng được đưa vào tiểu thuyết, tạo nên một “món nộm” (từ dùng của Trần Thanh Cảnh) hỗn độn, song lạ miệng và ăn vào rất khoái thú. Hà Nội những mùa cổ điển có đủ hài và đủ bi, đủ nghiêm túc lẫn đủ bông đùa, giễu cợt để có thể làm nên một tiểu thuyết đáng kể trong làng văn chương đương đại.
Hà Nội những mùa cổ điển xây dựng hai hệ thống nhân vật đan cài vào nhau, bao gồm hệ thống nhân vật hiện thực và hệ thống nhân vật lịch sử. Trong nhóm nhân vật hiện thực chúng ta có Quyên, Hiếu (các người bạn của Uông), Uông (nhân vật trung tâm), Vân, Hạnh (các người tình của Uông), Hoàng, Châu, Mậu, Tiến, Mai (các đồng nghiệp là biên tập viên của Uông), Hằng, Đinh Văn Nho, Phi… Nhóm nhân vật hiện thực này thường xuyên tương tác, tiếp xúc với nhóm nhân vật lịch sử (bao gồm cả quá khứ gần lẫn quá khứ xa) như Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Nguyễn Hữu Chỉnh (cho dù chỉ là bút danh), Khái Hưng, công chúa Ngọc Hân. Ngoài ra, có hai nhân vật đứng giữa hai ranh giới là Thúy (hầu cận của Nguyễn Huệ) và Quân lùn (hầu cận của Nguyễn Ánh). Thúy và Quân không có thật trong lịch sử, họ là hai nhân vật hư cấu lịch sử được nhà văn “chêm” vào tác phẩm.
Tác phẩm là một cuộc phô diễn đặc biệt của bút pháp hiện thực huyền ảo, nó dày đặc những chi tiết phi lý, siêu nhiên. Tiêu biểu như cơn mưa châu chấu hay cơn mưa ruồi do Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh tạo nên nhằm tấn công đối thủ (một hình tượng gợi nhớ đến Haruki Murakami và Gabriel García Márquez). Cuộc giao chiến kỳ vỹ giữa hai nhân vật lịch sử trên cầu Long Biên cũng rất đáng chú ý: “Huệ thấp mình xuống như lấy đà rồi ông ta rời khỏi mặt đất, người đứng thẳng, hai tay dang rộng miệng hét như xung thiên. Tiếng hét chói tai từ khoảng cách mười cây số có lẽ người ta vẫn nghe thấy. Tiếng hét tụ thành một luồng cực mạnh đỏ rực lao vun vút như một thanh đao. Thanh đao bay trên mặt sông Hồng, nước sông cuộn lên….” [tr. 229]. Chưa kể những nhân vật huyền ảo như con sóc khổng lồ có quan hệ hình thái với biên tập viên Mậu. Con voi khổng lồ xuất hiện ở phố Nguyễn Biểu… Tất cả tạo nên một thế giới huyền ảo, công khai sự phi thực, tính hư cấu rõ nét của chúng.
Các nhân vật lịch sử trong tác phẩm được viết dưới một cảm quan giải thiêng rất hậu hiện đại. Ngoài việc đi ăn uống, trò chuyện với Uông hay các nhân vật thực tại, Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ còn có khá nhiều thói hư tật xấu đời thường như các mưu toan chính trị, các thủ đoạn ám hại, khủng bố lẫn nhau. Hà Nội những mùa cổ điển dày đặc những luận đề, suy ngẫm về lịch sử. Không đơn giản chỉ là một tiểu thuyết giả lịch sử, hay có yếu tố lịch sử, Hà Nội những mùa cổ điển có ý nghĩa như những tiểu luận nghiên cứu bàn về lịch sử. Ở đó, vai trò, vị thế của Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ liên tục được đem ra chất vấn, đánh giá lại: “Sao bây giờ không có một con đường nào đặt tên Gia Long và tượng đài của ông ấy? Còn đâu đâu cũng là Nguyễn Huệ, Quang Trung. Mày không thấy điều ấy à?”
Nho bảo:
“Dần dần người ta sẽ có cái nhìn khách quan về lịch sử. Tôi công nhận rằng Gia Long đã có lúc bị nhìn nhận hơi phiến diện, một chiều” [tr.53].
Đoạn trích sau nói rõ hơn quan điểm về lịch sử và tiền nhân của Uông Triều, và tôi đồng ý hoàn toàn với nhận định và suy tư này: “Thực tế Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh suy nghĩ thế nào thì chỉ hai người đó biết. (…) Đừng ai cho rằng mình đã thông hiểu hoàn toàn lịch sử. Rồi Uông phát biểu, anh cho rằng bài báo của Đinh Văn Nho ký tên Hữu Chỉnh không sai lầm hoặc phiến diện, nó là tiếng nói trao đổi và bình thường trong các cuộc tranh luận khoa học. Lịch sử là khoa học nên phải lấy tiêu chí khoa học để xem xét…” [tr.219].
Đặt những nhân vật lịch sử trong không gian văn hóa đương đại, công nhiên viết về những hư cấu của mình, nhắc nhở công khai bạn đọc đây là hư cấu lịch sử, không phải tường thuật lịch sử - đó chính là dụng ý của Uông Triều trong Hà Nội những mùa cổ điển; đó chính là siêu hư cấu về lịch sử. Trong tác phẩm, nhiều chỗ kể rằng Uông đã viết về một tác phẩm có tên Hà Nội những mùa cổ điển - trùng với chính tên tác phẩm mà bạn đọc đang đọc, dẫn tới sự băn khoăn về bản thể tác phẩm đích thực, lẫn sự hư cấu. Nhiều nhân vật công nhiên phỏng vấn tác giả [tr. 282], tên nhân vật Uông cũng là một ám chỉ đến tác giả Uông Triều. Nhiều chỗ nhân vật mất kiểm soát, nhà văn bị bất lực trước thế giới sáng tạo của mình [tr. 368]. Nhân vật lịch sử [nhà văn Khái Hưng] lại đi cứu người kể chuyện/tác giả [nhân vật Uông]… tất cả đều với một dụng ý, đưa người đọc đi vào mê cung của hư cấu, với ý thức rõ ràng nhấn mạnh đây là một hư cấu đúng nghĩa, một trò chơi tiểu thuyết. Uông Triều thực sự muốn người đọc hiểu và ý thức đầy đủ rằng, mọi diễn ngôn về lịch sử, dẫu bông đùa, phi lý, hay “ra vẻ”, “dán mác” hiện thực hay trung thành với hiện thực lịch sử, thì bản chất đều mang tính chất diễn ngôn nghệ thuật. Ở đó, tính hư cấu sẽ quyết định thế giới của văn bản, và nhà văn liên tục bông đùa, đánh lừa bạn đọc với những trò chơi khăm của hắn ta. Lịch sử cuối cùng chỉ là sự suy tư về lịch sử.
Tóm lại, Hà Nội những mùa cổ điển xứng đáng là một bước tiến mới và lớn trong sự nghiệp tiểu thuyết của Uông Triều, sau những nốt trầm và bước lùi mà anh đã vấp phải. Tác phẩm này chứng tỏ cho khát vọng đổi mới không ngừng, sự học hỏi, tìm tòi từ các kiệt tác thế giới, những trào lưu văn chương thế giới đương đại. Chúng ta một lần nữa hi vọng vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam, bởi những tác phẩm xứng đáng có ý nghĩa khai phóng tư duy văn chương đương đại như Hà Nội những mùa cổ điển.
Y.T
(TCSH429/11-2024)
Trong đội ngũ những người hoạt động văn nghệ tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh các Hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc…) có một tổ chức gọi là “Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên Huế”(CHNV).
Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng. Nhưng tuổi thơ của chị chứa đầy buồn đau và nước mắt: Mẹ không có cửa nhà/ Em đứa trẻ vắng cha/ Như mầm cây trên đá/ Biết khi nào nở hoa? Nỗi tuyệt vọng cứ ám ảnh suốt cả tuổi thơ của chị. Trong một bài thơ đầu tay chị viết: Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng/ Hắt máu xuống dòng sông đen.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi chị đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp vào loại xuất sắc, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường đại học Sư phạm Huế. Dạy ở trường đại học Sư phạm Huế được một vài năm, chị chuyển sang làm công tác biên tập ở nhà xuất bản Thuận Hóa. Đây là một quyết định khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.
LÊ HUỲNH LÂM (Đọc Viết bên Hộ Thành hào - thơ Nguyên Quân -, Nxb Thuận Hoá, 2009)Giữa những đổ nát hoang tàn quá khứ và hiện tại, khi mà thang giá trị bị đảo lộn, những mảnh vỡ đang vung vãi mọi nơi, tác giả lại tìm đến Hộ Thành hào để nhìn ngắm cõi lòng đang hỗn hênh mọi thứ và như chợt nhận ra niềm hy vọng mỏng mảnh, anh đã Viết bên Hộ Thành hào.
HOÀNG DIỆP LẠCBất chợt giữa một ngày mưa gió, nhìn những hạt nước toé lên từ mặt đất như những đoá hoa mưa. Một loài hoa của ảo giác. Có thể trong tâm trạng như vậy, Lê Tấn Quỳnh chợt hỏi:Hoa vông vangCó hay không
ĐINH NAM KHƯƠNG(Thơ Tuyết Nga - NXB Hội Nhà văn 2002)
NGUYỄN VĂN HOA1. Cuối thế kỷ 20, tôi làm cuốn sách “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và thế giới” cùng tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thiện (Viện Văn học Việt Nam), trong tập sách này gồm phần học thuật và phần tuyển thơ Việt Nam và Thế giới. Phần thơ Việt có nhiều tác giả sinh sống ở Huế, ngẫu nhiên-tình cờ có hai nhà thơ có thơ trong tập này, đó là Hải Bằng và Hải Trung.
NGA LINH NGA1. Xuất bản mười hai tập thơ, mười hai tập văn xuôi, một tập nhạc; viết mười hai kịch bản phim chân dung, hai mươi lời bình cho các phim khác, biên soạn hai mươi tập nhạc... điều thật khó tin ở một người nổi tiếng rong chơi, thích cao đàm khái luận, thường không mấy khi vắng mặt nơi những cuộc rượu của đám văn nghệ Hà Thành như Nguyễn Thụy Kha.
L.T.S: Trong vài năm lại đây, ở Huế, chưa có tập sách nào ra đời lại gây được “hiệu ứng ngạc nhiên” cho bạn đọc như một hiện tượng ngoài tập Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa ấn hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Huế và Đà Nẵng vừa qua. Ngoài các bài viết giới thiệu, phê bình in trên nhiều tờ báo trung ương và địa phương, Sông Hương vẫn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến cảm thụ về tập thơ này.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc
NGUYỄN XUÂN HOÀNG (Đọc tập thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)
YÊN CHÂU (Đọc Thơ Trà My của Nguyễn Xuân Hoa)Giống như những cây xanh bói muộn bất ngờ cho một mùa hoa trái, thơ Nguyễn Xuân Hoa xuất hiện đột ngột như vậy. Anh không cho in rải rác đâu đó, cũng không đọc thơ ở những cuộc gặp gỡ bạn bè. Im lặng, đùng một cái cho ra hẳn một tập thơ. Thơ Trà My của nguyễn Xuân Hoa đã đến với bạn bè như vậy.
BÙI ĐỨC VINH (Nhân đọc tập thơ “Cho người tôi thương nhớ”-NXB Hội Nhà văn 2004)Có một chàng thi sĩ phong tình đi lang thang vô định trên nẻo đường mưa bay gió tạt, chợt lơ đãng nhận ra mình là kẻ bị tình yêu truy nã trong bài thơ “Nhận diện” anh đã tự thú với trái tim thổn thức của mình.
INRASARA (Đọc Mang, tập thơ của Phan Trung Thành, Nxb, Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2004.)Dòng Seine và cầu Mirabeau, cuộc tình với người tình. Sông đi và cầu ở lại, cuộc tình tan nhưng người tình thì ở lại. Mãi mãi ở lại, cùng nỗi buồn ở lại. Con sông nào đã xa nguồn Thì con sông đó sẽ buồn với tôi (Thơ Hoài Khanh)
THANH THIỆNBốn mùa yêu là tập thơ tình mang ý nghĩa "vật chứng" cho một biệt lập tâm hồn có tên là Lưu Ly. Người thơ này dường như luôn đắm mình trong giai điệu tình yêu muôn thuở giữa ba ngôi Trao - Nhận - Trả và đã chọn cách trả sòng phẳng nhất cho sự nhận của mình là trả vào thơ.
NGUYỄN VĂN HOA(Nhân đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường)Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi cũng đã gặp ông trực tiếp đôi ba lần ở Huế và Hà Nội. Nhưng ấn tượng nhất là buổi hội ngộ của gia đình tôi với ông ở nhà nhà thơ Ngô Minh ở dốc Bến Ngự Huế.
HOÀNG VŨ THUẬT (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.
HOÀNG NGỌC HIẾN(Đọc Dòng sông Mía của Đào Thắng)
TRẦN THIÊN ĐẠOCứ suy theo nhan đề, thì chúng ta có thể xếp các trang Viết về bè bạn - Tập chân dung văn nghệ sĩ (NXB Hải Phòng, 2003) của Bùi Ngọc Tấn cùng một loại với mấy tập sách đã ra mắt bạn đọc vài ba năm nay.
NGÔ MINHDi chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do BCH TW Đảng công bố trong ngày tang lễ Bác tại Quảng trường Ba Đình ngày 3-9-1969 (năm Kỷ Dậu) là một tác phẩm văn hóa lớn, thể hiện tình yêu Tổ Quốc, yêu nhân dân và nhân cách vĩ đại của Bác Hồ.