Những cặp tình nhân một thời của Huế

09:31 02/10/2012

BÙI KIM CHI

“Giữ chút gì rất Huế đi em
Nét duyên là trời đất giao hòa
Dẫu xa một thời anh gặp lại
Vẫn được nhìn em say lá hoa.

(...)

Huế xưa - Ảnh: Nguyễn Khoa Lợi

Giữ chút gì rất Huế dịu dàng
Áo trắng hai tà chắp cánh thơ
Em như lụa mỏng bay trong phố
Một chiều sương trắng ngỡ như mơ”


Bài thơ “Rất Huế” của Huỳnh Văn Dung đã đưa tôi trở về Huế với những nét duyên, nét thơ, dịu dàng, mong manh như sương khói của cô gái Huế và thế là tôi mơ màng, say sưa theo Huế…

Huế có không gian rộng, thoáng đãng, đẹp mắt với ngàn cây lá xanh tươi màu ngọc bích nhảy múa, đong đưa, làm dáng theo làn gió thoảng trong phong cảnh tuyệt vời với nhiều màu sắc ẩn hiện trong ngày rất đẹp dưới mắt tôi - một cô bé mười sáu tuổi của ngày ấy. Sự cảm nhận về màu sắc của Huế đã theo tôi suốt thời con gái dịu dàng trong cõi mộng êm đềm để rồi đến tận bây giờ với những con đường có lá phượng bay, những con đường cây dài lá rũ, những con đường có lá xanh gần với nhau dưới sắc tím chiều buông vẫn còn in đậm trong hồn tôi. Buổi sáng đi học qua cầu Trường Tiền, trong làn sương mai Huế khoác màu áo trắng học trò mơ màng, nhẹ nhàng, tinh khiết. Nắng dần lên, Huế dịu dàng trong sắc vàng nhạt kiêu kỳ, cao sang. Buổi trưa, hoa nắng thả khắp các ngả đường của Huế lung linh, diệu kỳ nhấp nhánh vờn trên những tà áo trắng của nữ sinh tan trường. Nắng đã ở trên cao. Màu xanh lục của lá cây ẩn trong màu vàng của nắng, Huế lúc này mặc áo màu hỗ hoàng trầm mặc tiễn thời gian qua. Buổi chiều Huế chuyển mình với sắc trắng, vàng, xanh, rồi chuẩn bị ngả sang tím nhạt khi nắng chiều sắp tắt. Chiều tím Huế là khoảng không gian, thời gian đẹp nhất trong ngày để Huế làm nền cho những cặp tình nhân sau những buổi tan trường. Trời đất Huế giao hòa tình cảm nên đã tạo nên một mẫu con gái Huế rất riêng. Nói chung là “rất Huế”. Và con trai Huế nhờ uống nước sông Hương và hưởng làn gió mát thổi về từ đỉnh Ngự mà lãng mạn và có duyên - duyên ngầm con trai. Cảnh sắc Huế quyến rũ, con người Huế đặc biệt như thế nên Huế đúng là “một khoảng trời riêng” rất Huế, rất đẹp và lãng mạn của những cặp tình nhân.…

Ngày ấy, Huế có những cặp tình nhân đẹp thấp thoáng trên giảng đường, trên các ngả đường trong trời chiều man mác sắc tím dưới những hàng cây bâng khuâng, ngập ngừng đợi bóng ai qua. Rồi bóng ai đó đã đến. Sao mà đẹp, thơ mộng và lãng mạn quá. Hàng cây cũng đã dầm chân ghen thầm. Một chút kín đáo, lặng lẽ; một chút nhẹ nhàng rồi dậy sóng của mái tóc thề bay ngang tình tứ cuộn hồn cả hai. Chỉ một chút thế thôi nhưng là tất cả để làm nền cho một cặp tình nhân đẹp lãng đãng dạo chơi trước sự ái mộ của bạn bè, trai gái cùng thời.

Thuở ấy, tình yêu trai gái sao mà trong sáng, dễ thương, thủy chung và thơ mộng quá. Hai người tình gây ấn tượng và tạo sự ngưỡng mộ trong tôi và bạn bè cùng lứa tuổi là cặp “Tình nhân áo xanh”. Tình yêu làm cho tâm hồn con người thăng hoa và nghệ sĩ. Anh một chiếc áo màu xanh và chị cũng một chiếc áo xanh thấp thoáng trong trời chiều Thành Nội. Đường Âm Hồn ngày ấy (sau được đổi thành Nguyễn Hiệu và nay là Lê Thánh Tôn) ít cây bóng mát nhưng có nhà vườn. Đẹp, quyến rũ và âm u khi chiều về. Trên đường xuất hiện bóng hai người. Hình như con đường này là con đường dẫn đến nhà chị. Cả hai cùng mặc áo màu xanh da trời. Anh áo chemise và chị áo dài. Một mối tình sinh viên đẹp đôi. Ngày ấy tôi còn nhỏ nhưng mỗi lần nhìn thấy anh chị xuất hiện trên đường tôi rất thích và ngưỡng mộ. Không những tôi ái mộ mà cả các anh chị lớn tuổi và bạn bè cùng lứa với tôi đều bày tỏ tình cảm tốt đẹp dành cho hai người. Anh điềm đạm từ tốn dẫn xe đạp; chị dịu dàng, lặng lẽ đi bên cạnh anh trong tà áo màu xanh. Trông anh chị đằm thắm, dễ thương quá. Cặp “Tình nhân áo xanh” đã thực sự thu hút tôi nên cứ chiều về khi nắng chiều sắp tắt, tôi vẫn thường hay ra đứng đầu kiệt để ngóng đợi và ngắm hai người với hai chiếc áo xanh nhẹ nhàng, thanh thoát bên nhau. Một thời gian khá dài, hai chiếc áo màu xanh vẫn lặng lẽ bên nhau nhưng nay anh không còn dẫn xe đi bộ cùng chị nữa mà sau chiếc áo chemise xanh là chiếc áo dài xanh đáng yêu ôm gọn thân hình mảnh mai của chị. Anh chị chở nhau trên chiếc xe đạp tình yêu - chiếc xe đạp đầm của những năm đầu thập niên 60. Chị ngồi sau yên xe anh, vạt trước, vạt sau áo dài được vén khéo, gọn gàng; một tay ôm cặp, một tay kín đáo vịn vào yên xe anh trong dáng người mảnh khảnh, thon nhỏ, e ấp, hiền lành. Trên đường chiều, hình ảnh hai anh chị là cặp đôi đẹp nhất dưới mắt tôi, một con bé thích làm người lớn. Ở Huế giai đoạn ấy không ai là không biết cặp “Tình nhân áo Xanh”.

Ở đường Ngã Giữa (tức đường Phan Bội Châu, nay là Phan Đăng Lưu) và Trần Hưng Đạo có người con gái dễ thương. Chữ lót tên của chị là loài hoa Cúc nền nã, cao sang cho nên khi ký tên mình bao giờ chị cũng vẽ một hoa cúc trước rồi mới kèm theo tên của mình bay bướm thả dài theo trang giấy. Lãng mạn lắm. Gái Huế mà. Lãng mạn nhưng kín đáo. Nhắc đến tên chị là bạn bè đều nhớ đến chiếc hoa Cúc xinh xắn trong chữ ký đặc biệt và mối tình đẹp của chị. Chị nhỏ người dáng thanh thoát, giọng nói nhỏ nhẹ, cuốn hút người nghe, tính tình hiền lành, gương mặt bầu bĩnh ưa nhìn nên đã lọt vào mắt anh, một chàng trai có dáng dấp nghệ sĩ. Anh chị yêu nhau. Đây là cặp tình nhân một thời là một trong những cặp tình nhân đẹp của Huế được nhiều người biết đến, gây ấn tượng và thu hút sự tò mò của mọi người; vì đây là một mối tình dễ thương, trong trắng, lãng mạn và thủy chung mang những nét là lạ, đáng yêu của tuổi học trò và thời sinh viên. Một buổi chiều trên đường Lê Lợi, con đường học trò xinh xắn thơ mộng và rất Huế; trong giờ tan học của ngôi trường màu hồng bên bờ sông Hương ngàn cánh hạc tung bay trên đường. Nắng chiều sắp tắt. Chiều tím đang lên. Hàng cây bên đường reo vui trong chút gió muộn đang chờ đón cặp “Tình nhân Vélo”. Trên lề đường chị thong thả đếm bước, mắt ngóng nhìn nhưng lại làm như hờ hững, đón chờ anh. Rồi tiếng xe Vélo-Solex tắt máy. Anh dừng xe. Chị đến bên anh nhẹ nhàng lên xe. Anh cao ráo còn chị nhỏ bé, dịu dàng sau lưng anh trong tà áo dài trắng ngần với nụ cười hiền luôn nở trên môi. Chiếc xe Vélo-Solex đen bóng vút trên đường, một dáng xe đẹp thời ấy ở những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 rất hợp với anh, dáng người cao gầy mang vẻ phong trần, nghệ sĩ trong chiếc áo chemise màu nâu non và chiếc quần jean xanh. Trông anh chị thật đẹp đôi bởi dáng vẻ của anh và nét duyên hiền hòa của chị cùng với mối tình đẹp của hai người. Rong ruổi trong trời chiều của Huế cặp “Tình nhân Vélo” đã nổi bật dễ thương, lãng mạn trên đường Lê Lợi xuống Hàng Me, qua Hàng Đoát, sang Lý Thường Kiệt rồi về lại cầu Trường Tiền và dừng xe thả chị ở phố Trần Hưng Đạo. Anh chị chia tay. Một buổi sáng, nắng mong manh, anh đưa chị đi học. Mây đen bỗng giăng khắp nơi. Mưa đổ xuống. Ở cổng trường Đại học Sư phạm, bóng chiếc xe Vélo mờ mờ xuất hiện. Anh vội vàng xuống xe, tay bung chiếc dù tím điệu nghệ che cho chị. Chị mỉm cười từ giã anh rồi lặng lẽ vào trường trước sự ái mộ của bạn bè sinh viên. Một ngày mới bắt đầu với những hoài bão rạng rỡ ở tương lai đang chờ anh chị - cặp “Tình nhân Vélo”.

Đầu thập niên 70, con gái Huế linh hoạt hơn, làm dáng, điệu đàng và “tây” hơn nhưng Huế thì vẫn như xưa trầm mặc, cổ kính, dịu êm qua bốn mùa với cảnh sắc hiền hòa, thơ mộng muôn thuở. Chính nét cổ kính này mà Huế vẫn giữ được vẻ đẹp nên thơ của chút duyên con gái còn lại để khoe sắc trên thành quách rêu phong và gái Huế thật sự vẫn còn ảnh hưởng một phần rất lớn từ sự nền nã, cổ xưa còn giữ được của đất Cố đô. Con trai Huế đa tình, lắm người đa tài và có duyên ngầm. Giai đoạn này Huế cũng có những cặp tình nhân đẹp. Một trong những cặp tình nhân đẹp, duyên dáng, đằm thắm nhưng mang dáng dấp tây phương là cặp tình nhân “Roméo - Juliette”. Anh thuộc dòng dõi hoàng tộc, đẹp trai, có duyên ngầm với cặp mắt đa tình, dáng người cân đối. Chị là một người đẹp từ thời còn học trung học. Gia đình nề nếp, quý phái. Với nét đẹp sắc sảo, cuốn hút từ đôi mắt sâu đen biết nói, mũi cao, miệng xinh xắn chị đã thu hút tình cảm của anh ngay khi chị bước vào năm thứ hai y khoa. Rồi hai người yêu nhau. Một mối tình chớm nở ở trường Đại học Y khoa Huế. Một cặp tình nhân đẹp trước sự ngưỡng mộ của bạn bè sinh viên và cái tên tình yêu “Roméo - Juliette” ra đời. Cặp “Tình nhân Roméo - Juliette” xuất hiện từ đó. Trên con đường Ngô Quyền, dưới những hàng phượng già có tuổi; những cây phượng vươn cành khẳng khiu nhưng vẫn mang nét duyên lão dưới trời chiều của Huế. Bóng anh chị song đôi tình tứ. Chị linh hoạt nhưng nền nã, đáng yêu trong chiếc áo đầm trắng trên chiếc xe P.C nhỏ nhắn rất phù hợp với vóc dáng của chị. Còn anh chững chạc nhưng hào hoa trên chiếc xe HonDa 67 màu đỏ. Trông anh chị xinh và đẹp đôi quá. Hai người cứ thế đi bên nhau thì thầm to nhỏ mặc cho cây hờn, gió ghen hai bên đường. Trên giảng đường, anh chị dịu dàng bên nhau cùng học, cùng trao đổi trò chuyện. Có lúc là những mảnh giấy nhỏ kín đáo chuyền qua, chuyền lại khi hai người giận nhau. Có những buổi chiều dạo chơi sau buổi tan trường, hoàng hôn đổ xuống anh chị vội vội vàng vàng chia tay vẫn là hai chiếc xe, một xanh, một đỏ bịn rịn, quyến luyến. Chị vào nhà và anh quay xe. Rồi có một ngày chị ngồi sau lưng anh. Chiếc xe màu đỏ thênh thang trên đường Lê Lợi, qua cầu Ga rồi thẳng lên đường Huyền Trân Công Chúa. Đường chiều vắng vẻ, man mác hương thu. Hai người kín đáo cầm tay nhau. Chiều tím dần lên, bóng hai người in đậm trong trời chiều thanh thoát, nhẹ nhàng…

Huế ngày ấy vẫn còn những cặp tình nhân đẹp, lãng mạn rất ấn tượng nhưng tan vỡ vì lý do này hay lý do khác (của riêng Huế) nhưng với tôi, tất cả đều đẹp.

Tình yêu - muôn thuở vẫn là đề tài hấp dẫn, thu hút con người. Riêng Huế thuở ấy, cảnh và con người Huế đã vẽ lên những cặp “tình nhân đẹp” mà ngày nay khi nhớ lại, nghĩ về lòng ta không khỏi bâng khuâng với một chút vui, chút buồn, chút tiếc nuối, ngưỡng mộ và trân trọng vì với Huế “cái cầm tay dễ thương” cũng rất khó khăn, phải kín đáo và có thời gian:

“Dẫu em rất Huế tự bao giờ
Đừng để lòng như cung điện xưa
Đừng cho anh suốt đời đứng đợi
Trước cấm thành gọi chẳng ai thưa
”.

Huế của ngày ấy là thế.

Đoạn thơ của Huỳnh Văn Dung rất hay và dễ thương - dành riêng tặng những cặp tình nhân đẹp của Huế ngày ấy.

B.K.C
(SĐB9-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HÀ MINH ĐỨC                   Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.

  • BĂNG SƠN           Tuỳ bútDòng sông Hồng Hà Nội là nguồn sữa phù sa và là con đường cho tre nứa cùng lâm sản từ ngược về xuôi. Dòng sông Cấm Hải Phòng là sông cần lao lam lũ, hối hả nhịp tầu bè. Dòng sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh là váng dầu ngũ sắc, là bóng cần cẩu nặng nề, là những chuyến vào ra tấp nập... Có lẽ chỉ có một dòng sông thơ và mộng, sông nghệ thuật và thi ca, sông cho thuyền bềnh bồng dào dạt, sông của trăng và gió, của hương thơm loài cỏ thạch xương bồ làm mê mệt khách trăm phương, đó là sông Hương xứ Huế, là dòng Hương Giang đất cố đô mấy trăm năm, nhưng tuổi sông thì không ai đếm được.

  • PHAN THUẬN THẢO                Chiều chiều trước bến Vân Lâu                Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,                Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.                Thuyền ai thấp thoáng bên sông,                Đưa câu Mái đẩy chạnh lòng nước non.                                              (Ưng Bình Thúc Giạ)

  • LÃNG HIỂN XUÂNChẳng hiểu sao, từ thuở còn thơ ấu, tôi đã có một cảm nhận thật mơ hồ nhưng cũng thật xác tín rằng: Chùa chính là nơi trú ngụ của những ông Bụt hay bà Tiên và khi nào gặp khó khăn hay đau khổ ta cứ đến đó thì thế nào cũng sẽ được giải toả hay cứu giúp!

  • BÙI MINH ĐỨCNói đến trang phục của các Cụ chúng ta ngày xưa là phải nhắc đến cái búi tó và cái khăn vấn bất di bất dịch trên đầu các Cụ. Các Cụ thường để tóc dài và vấn tóc thành một lọn nhỏ sau ót trông như cái củ kiệu nên đã được dân chúng đương thời gọi là “búi tó củ kiệu”. Ngoài cái áo lương dài, cái dù đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các Cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Trang phục đó là hình ảnh đặc trưng của người đàn ông xứ ta mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu có nhiều biến cải sâu đậm

  • MAO THUỶ THANH (*)Tiếng hát và du thuyền trên sông Hương là nét đẹp kỳ thú của xứ Huế. Trên sông Hương có hai chiếc cầu bắc ngang: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền nhưng trước đây người dân Huế thường có thói quen đi đò ngang. Bến đò ở dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, nằm đối diện với trường Đại học Sư phạm Huế. Một hôm, tôi và nữ giáo sư Trung Quốc thử ngồi đò sang ngang một chuyến. Trên đò đã có mấy người; thấy chúng tôi bước xuống cô lái đò áp đò sát bến, mời chúng tôi lên đò.

  • VÕ NGỌC LANBuổi chiều, ngồi trên bến đò Quảng Lợi chờ đò qua phá Tam Giang, tôi nghe trong hư vô chiều bao lời ru của gió. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được chờ đò. Khác chăng, trong cảm nhận tôi lại thấy bờ cát bên kia phá giờ như có vẻ gần hơn, rõ ràng hơn.

  • HỒNG NHUTôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.

  • MẠNH HÀTôi không sinh ra ở Huế nhưng đã có đôi lần đến Huế, khác với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Huế có nét trầm lắng, nhẹ nhàng, mỗi lần khi đến Huế tôi thường đi dạo trên cầu Trường Tiền, ngắm dòng Hương Giang về đêm, nghe tiếng ca Huế văng vẳng trên những chiếc thuyền rồng du lịch thật ấn tượng. Cho đến nay đã có biết bao bài thơ, bài hát viết về Huế thật lạ kỳ càng nghe càng ngấm và càng say: Huế đẹp, Huế thơ luôn mời gọi du khách.

  • VÕ NGỌC LANNgười ta thường nói nhiều về phố cổ Hội An, ít ai biết rằng ở Huế cũng có một khu phố cổ, ngày xưa thương là một thương cảng sầm uất của kinh kỳ. Đó là phố cổ Bao Vinh. Khu phố này cách kinh thành Huế chừng vài ba cây số, nằm bên con sông chảy ra biển Thuận An. Đây là nơi ghe, thuyền trong Nam, ngoài Bắc thường tụ hội lại, từ cửa Thuận An lên, chở theo đủ thứ hàng hoá biến Bao Vinh thành một thương cảng sầm uất vì bạn hàng khắp các chợ trong tỉnh Thừa Thiên đều tập trung về đây mua bán rộn ràng.

  • NGUYỄN XUÂN HOATrước khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thành phố Huế đã được nhiều người nhìn nhận là một mẫu mực về kiến trúc cảnh quan của Việt Nam, và cao hơn nữa - là “một kiệt tác bài thơ kiến trúc đô thị” như nhận định của ông Amadou Mahtar  M”Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong lời kêu gọi tháng 11-1981.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                       Bút kýXứ Thuận Hóa nhìn xa ngoài hai ngàn năm trước, khi người Việt cổ từ đất Tổ Phong Châu tiến xuống phía Nam, hay cận lại gần hơn bảy trăm năm kể từ ngày vua Trần Anh Tông cho em gái là Huyền Trân Công chúa sang xứ Chàm làm dâu; cái buổi đầu ở cương vực Ô Châu ác địa này, người Việt dốc sức tận lực khai sông mở núi, đào giếng cày ruộng, trồng lúa tạo vườn, dựng nhà xây đình, cắm cây nêu trấn trị hung khí rồi thành lập làng xã.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCSông Hương, một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.

  • TÔN NỮ  KHÁNH TRANG              Khi bàn về văn hoá ẩm thực, người ta thường chú trọng đến ẩm thực cung đình, hay dân gian, và chủ yếu đề cập đến sinh hoạt, vai trò, địa vị xã hội... hơn là nghĩ đến hệ ẩm thực liên quan đến đời sống lễ nghi.

  • TRƯƠNG THỊ  CÚC• Bắt nguồn từ những khe suối róc rách ở vùng núi đại ngàn A Lưới - Nam Đông giữa Trường Sơn hùng vỹ, ba nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch và nguồn Bồ đã lần lượt hợp lưu tạo thành hệ thống sông Hương, chảy miên man từ vùng núi trung bình ở phía đông nam A Lưới, nam Nam Đông, băng qua những dãy núi đồi chập chùng ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Điền rồi xuôi về đồng bằng duyên hải, chảy vào phá Tam Giang để đổ nước ra biển Đông.

  • NGUYỄN KHẮC MAIỞ xứ Huế có những tên làng quê mà nghĩa của chúng vẫn còn là sự ám ảnh kiếm tìm giải thích, chắc chắn chúng phải có nghĩa cụ thể nào đó. Người xưa không bao giờ đặt tên một vùng đất mà chẳng có nghĩa gì cả cứ như là người Mã Lai họ đặt tên vùng đất kinh đô cũng lần ra cái nghĩa đó là “cửa sông bùn lầy” (Kua-la-lăm-pua). Những cái tên như Kim Long, An Hoà, Dương Xuân, Phú Tài, Phú Mậu thì những ai có chút hiểu biết chữ Hán đều có thể lần tìm ý nghĩa. Nhưng có những cái tên làng quê thật khó đoán được cái nghĩa của chúng.

  • BÙI MINH ĐỨC Ngày nay, hễ nói đến đường để nấu chè là ai ai ở Huế cũng nghĩ đến đường cát trắng, đến thứ đường bột trắng tinh đã được tinh lọc do các nhà máy đường tân tiến sản xuất. Có người cũng còn nhớ đến đường phèn để chưng với chanh ăn khi bị ho, hoặc đường tinh thể là thứ đường đặc biệt màu vàng dùng để uống với cà phê cho thêm phần đậm đà. Nhưng chẳng ai có thể nhắc đến chiếc bánh đường đen ở Huế của thuở nào.

  • NGUYỄN TIẾN VỞNKinh Dịch (Chu Dịch) là sách về sự biến đổi. Dịch, nói gọn lại là biến đổi. Tinh thần xuyên suốt của Kinh Dịch là quy luật chuyển dời, biến hoá của vạn vật trong cõi trời đất. Mọi vật, bất kể to lớn như vũ trụ, hay nhỏ nhoi như các nguyên tử, đều không bao giờ đứng yên. Mọi sự, từ chuyện người có thể biết đến chuyện chỉ trời đất biết, cũng vận động biến hoá khôn lường.

  • PHAN THUẬN AN            Dạ thưa xứ Huế bây giờ,Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.                                              (Bùi Giáng)

  • NGUYỄN VĂN THỊNHCũng như trên cả nước, trước cách mạng tháng Tám, làng (tên gọi chữ Hán là xã), ở Thừa Thiên Huế là một đơn vị cơ bản trong tổ chức hành chính của các vương triều.