Những cặp tình nhân một thời của Huế

09:31 02/10/2012

BÙI KIM CHI

“Giữ chút gì rất Huế đi em
Nét duyên là trời đất giao hòa
Dẫu xa một thời anh gặp lại
Vẫn được nhìn em say lá hoa.

(...)

Huế xưa - Ảnh: Nguyễn Khoa Lợi

Giữ chút gì rất Huế dịu dàng
Áo trắng hai tà chắp cánh thơ
Em như lụa mỏng bay trong phố
Một chiều sương trắng ngỡ như mơ”


Bài thơ “Rất Huế” của Huỳnh Văn Dung đã đưa tôi trở về Huế với những nét duyên, nét thơ, dịu dàng, mong manh như sương khói của cô gái Huế và thế là tôi mơ màng, say sưa theo Huế…

Huế có không gian rộng, thoáng đãng, đẹp mắt với ngàn cây lá xanh tươi màu ngọc bích nhảy múa, đong đưa, làm dáng theo làn gió thoảng trong phong cảnh tuyệt vời với nhiều màu sắc ẩn hiện trong ngày rất đẹp dưới mắt tôi - một cô bé mười sáu tuổi của ngày ấy. Sự cảm nhận về màu sắc của Huế đã theo tôi suốt thời con gái dịu dàng trong cõi mộng êm đềm để rồi đến tận bây giờ với những con đường có lá phượng bay, những con đường cây dài lá rũ, những con đường có lá xanh gần với nhau dưới sắc tím chiều buông vẫn còn in đậm trong hồn tôi. Buổi sáng đi học qua cầu Trường Tiền, trong làn sương mai Huế khoác màu áo trắng học trò mơ màng, nhẹ nhàng, tinh khiết. Nắng dần lên, Huế dịu dàng trong sắc vàng nhạt kiêu kỳ, cao sang. Buổi trưa, hoa nắng thả khắp các ngả đường của Huế lung linh, diệu kỳ nhấp nhánh vờn trên những tà áo trắng của nữ sinh tan trường. Nắng đã ở trên cao. Màu xanh lục của lá cây ẩn trong màu vàng của nắng, Huế lúc này mặc áo màu hỗ hoàng trầm mặc tiễn thời gian qua. Buổi chiều Huế chuyển mình với sắc trắng, vàng, xanh, rồi chuẩn bị ngả sang tím nhạt khi nắng chiều sắp tắt. Chiều tím Huế là khoảng không gian, thời gian đẹp nhất trong ngày để Huế làm nền cho những cặp tình nhân sau những buổi tan trường. Trời đất Huế giao hòa tình cảm nên đã tạo nên một mẫu con gái Huế rất riêng. Nói chung là “rất Huế”. Và con trai Huế nhờ uống nước sông Hương và hưởng làn gió mát thổi về từ đỉnh Ngự mà lãng mạn và có duyên - duyên ngầm con trai. Cảnh sắc Huế quyến rũ, con người Huế đặc biệt như thế nên Huế đúng là “một khoảng trời riêng” rất Huế, rất đẹp và lãng mạn của những cặp tình nhân.…

Ngày ấy, Huế có những cặp tình nhân đẹp thấp thoáng trên giảng đường, trên các ngả đường trong trời chiều man mác sắc tím dưới những hàng cây bâng khuâng, ngập ngừng đợi bóng ai qua. Rồi bóng ai đó đã đến. Sao mà đẹp, thơ mộng và lãng mạn quá. Hàng cây cũng đã dầm chân ghen thầm. Một chút kín đáo, lặng lẽ; một chút nhẹ nhàng rồi dậy sóng của mái tóc thề bay ngang tình tứ cuộn hồn cả hai. Chỉ một chút thế thôi nhưng là tất cả để làm nền cho một cặp tình nhân đẹp lãng đãng dạo chơi trước sự ái mộ của bạn bè, trai gái cùng thời.

Thuở ấy, tình yêu trai gái sao mà trong sáng, dễ thương, thủy chung và thơ mộng quá. Hai người tình gây ấn tượng và tạo sự ngưỡng mộ trong tôi và bạn bè cùng lứa tuổi là cặp “Tình nhân áo xanh”. Tình yêu làm cho tâm hồn con người thăng hoa và nghệ sĩ. Anh một chiếc áo màu xanh và chị cũng một chiếc áo xanh thấp thoáng trong trời chiều Thành Nội. Đường Âm Hồn ngày ấy (sau được đổi thành Nguyễn Hiệu và nay là Lê Thánh Tôn) ít cây bóng mát nhưng có nhà vườn. Đẹp, quyến rũ và âm u khi chiều về. Trên đường xuất hiện bóng hai người. Hình như con đường này là con đường dẫn đến nhà chị. Cả hai cùng mặc áo màu xanh da trời. Anh áo chemise và chị áo dài. Một mối tình sinh viên đẹp đôi. Ngày ấy tôi còn nhỏ nhưng mỗi lần nhìn thấy anh chị xuất hiện trên đường tôi rất thích và ngưỡng mộ. Không những tôi ái mộ mà cả các anh chị lớn tuổi và bạn bè cùng lứa với tôi đều bày tỏ tình cảm tốt đẹp dành cho hai người. Anh điềm đạm từ tốn dẫn xe đạp; chị dịu dàng, lặng lẽ đi bên cạnh anh trong tà áo màu xanh. Trông anh chị đằm thắm, dễ thương quá. Cặp “Tình nhân áo xanh” đã thực sự thu hút tôi nên cứ chiều về khi nắng chiều sắp tắt, tôi vẫn thường hay ra đứng đầu kiệt để ngóng đợi và ngắm hai người với hai chiếc áo xanh nhẹ nhàng, thanh thoát bên nhau. Một thời gian khá dài, hai chiếc áo màu xanh vẫn lặng lẽ bên nhau nhưng nay anh không còn dẫn xe đi bộ cùng chị nữa mà sau chiếc áo chemise xanh là chiếc áo dài xanh đáng yêu ôm gọn thân hình mảnh mai của chị. Anh chị chở nhau trên chiếc xe đạp tình yêu - chiếc xe đạp đầm của những năm đầu thập niên 60. Chị ngồi sau yên xe anh, vạt trước, vạt sau áo dài được vén khéo, gọn gàng; một tay ôm cặp, một tay kín đáo vịn vào yên xe anh trong dáng người mảnh khảnh, thon nhỏ, e ấp, hiền lành. Trên đường chiều, hình ảnh hai anh chị là cặp đôi đẹp nhất dưới mắt tôi, một con bé thích làm người lớn. Ở Huế giai đoạn ấy không ai là không biết cặp “Tình nhân áo Xanh”.

Ở đường Ngã Giữa (tức đường Phan Bội Châu, nay là Phan Đăng Lưu) và Trần Hưng Đạo có người con gái dễ thương. Chữ lót tên của chị là loài hoa Cúc nền nã, cao sang cho nên khi ký tên mình bao giờ chị cũng vẽ một hoa cúc trước rồi mới kèm theo tên của mình bay bướm thả dài theo trang giấy. Lãng mạn lắm. Gái Huế mà. Lãng mạn nhưng kín đáo. Nhắc đến tên chị là bạn bè đều nhớ đến chiếc hoa Cúc xinh xắn trong chữ ký đặc biệt và mối tình đẹp của chị. Chị nhỏ người dáng thanh thoát, giọng nói nhỏ nhẹ, cuốn hút người nghe, tính tình hiền lành, gương mặt bầu bĩnh ưa nhìn nên đã lọt vào mắt anh, một chàng trai có dáng dấp nghệ sĩ. Anh chị yêu nhau. Đây là cặp tình nhân một thời là một trong những cặp tình nhân đẹp của Huế được nhiều người biết đến, gây ấn tượng và thu hút sự tò mò của mọi người; vì đây là một mối tình dễ thương, trong trắng, lãng mạn và thủy chung mang những nét là lạ, đáng yêu của tuổi học trò và thời sinh viên. Một buổi chiều trên đường Lê Lợi, con đường học trò xinh xắn thơ mộng và rất Huế; trong giờ tan học của ngôi trường màu hồng bên bờ sông Hương ngàn cánh hạc tung bay trên đường. Nắng chiều sắp tắt. Chiều tím đang lên. Hàng cây bên đường reo vui trong chút gió muộn đang chờ đón cặp “Tình nhân Vélo”. Trên lề đường chị thong thả đếm bước, mắt ngóng nhìn nhưng lại làm như hờ hững, đón chờ anh. Rồi tiếng xe Vélo-Solex tắt máy. Anh dừng xe. Chị đến bên anh nhẹ nhàng lên xe. Anh cao ráo còn chị nhỏ bé, dịu dàng sau lưng anh trong tà áo dài trắng ngần với nụ cười hiền luôn nở trên môi. Chiếc xe Vélo-Solex đen bóng vút trên đường, một dáng xe đẹp thời ấy ở những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 rất hợp với anh, dáng người cao gầy mang vẻ phong trần, nghệ sĩ trong chiếc áo chemise màu nâu non và chiếc quần jean xanh. Trông anh chị thật đẹp đôi bởi dáng vẻ của anh và nét duyên hiền hòa của chị cùng với mối tình đẹp của hai người. Rong ruổi trong trời chiều của Huế cặp “Tình nhân Vélo” đã nổi bật dễ thương, lãng mạn trên đường Lê Lợi xuống Hàng Me, qua Hàng Đoát, sang Lý Thường Kiệt rồi về lại cầu Trường Tiền và dừng xe thả chị ở phố Trần Hưng Đạo. Anh chị chia tay. Một buổi sáng, nắng mong manh, anh đưa chị đi học. Mây đen bỗng giăng khắp nơi. Mưa đổ xuống. Ở cổng trường Đại học Sư phạm, bóng chiếc xe Vélo mờ mờ xuất hiện. Anh vội vàng xuống xe, tay bung chiếc dù tím điệu nghệ che cho chị. Chị mỉm cười từ giã anh rồi lặng lẽ vào trường trước sự ái mộ của bạn bè sinh viên. Một ngày mới bắt đầu với những hoài bão rạng rỡ ở tương lai đang chờ anh chị - cặp “Tình nhân Vélo”.

Đầu thập niên 70, con gái Huế linh hoạt hơn, làm dáng, điệu đàng và “tây” hơn nhưng Huế thì vẫn như xưa trầm mặc, cổ kính, dịu êm qua bốn mùa với cảnh sắc hiền hòa, thơ mộng muôn thuở. Chính nét cổ kính này mà Huế vẫn giữ được vẻ đẹp nên thơ của chút duyên con gái còn lại để khoe sắc trên thành quách rêu phong và gái Huế thật sự vẫn còn ảnh hưởng một phần rất lớn từ sự nền nã, cổ xưa còn giữ được của đất Cố đô. Con trai Huế đa tình, lắm người đa tài và có duyên ngầm. Giai đoạn này Huế cũng có những cặp tình nhân đẹp. Một trong những cặp tình nhân đẹp, duyên dáng, đằm thắm nhưng mang dáng dấp tây phương là cặp tình nhân “Roméo - Juliette”. Anh thuộc dòng dõi hoàng tộc, đẹp trai, có duyên ngầm với cặp mắt đa tình, dáng người cân đối. Chị là một người đẹp từ thời còn học trung học. Gia đình nề nếp, quý phái. Với nét đẹp sắc sảo, cuốn hút từ đôi mắt sâu đen biết nói, mũi cao, miệng xinh xắn chị đã thu hút tình cảm của anh ngay khi chị bước vào năm thứ hai y khoa. Rồi hai người yêu nhau. Một mối tình chớm nở ở trường Đại học Y khoa Huế. Một cặp tình nhân đẹp trước sự ngưỡng mộ của bạn bè sinh viên và cái tên tình yêu “Roméo - Juliette” ra đời. Cặp “Tình nhân Roméo - Juliette” xuất hiện từ đó. Trên con đường Ngô Quyền, dưới những hàng phượng già có tuổi; những cây phượng vươn cành khẳng khiu nhưng vẫn mang nét duyên lão dưới trời chiều của Huế. Bóng anh chị song đôi tình tứ. Chị linh hoạt nhưng nền nã, đáng yêu trong chiếc áo đầm trắng trên chiếc xe P.C nhỏ nhắn rất phù hợp với vóc dáng của chị. Còn anh chững chạc nhưng hào hoa trên chiếc xe HonDa 67 màu đỏ. Trông anh chị xinh và đẹp đôi quá. Hai người cứ thế đi bên nhau thì thầm to nhỏ mặc cho cây hờn, gió ghen hai bên đường. Trên giảng đường, anh chị dịu dàng bên nhau cùng học, cùng trao đổi trò chuyện. Có lúc là những mảnh giấy nhỏ kín đáo chuyền qua, chuyền lại khi hai người giận nhau. Có những buổi chiều dạo chơi sau buổi tan trường, hoàng hôn đổ xuống anh chị vội vội vàng vàng chia tay vẫn là hai chiếc xe, một xanh, một đỏ bịn rịn, quyến luyến. Chị vào nhà và anh quay xe. Rồi có một ngày chị ngồi sau lưng anh. Chiếc xe màu đỏ thênh thang trên đường Lê Lợi, qua cầu Ga rồi thẳng lên đường Huyền Trân Công Chúa. Đường chiều vắng vẻ, man mác hương thu. Hai người kín đáo cầm tay nhau. Chiều tím dần lên, bóng hai người in đậm trong trời chiều thanh thoát, nhẹ nhàng…

Huế ngày ấy vẫn còn những cặp tình nhân đẹp, lãng mạn rất ấn tượng nhưng tan vỡ vì lý do này hay lý do khác (của riêng Huế) nhưng với tôi, tất cả đều đẹp.

Tình yêu - muôn thuở vẫn là đề tài hấp dẫn, thu hút con người. Riêng Huế thuở ấy, cảnh và con người Huế đã vẽ lên những cặp “tình nhân đẹp” mà ngày nay khi nhớ lại, nghĩ về lòng ta không khỏi bâng khuâng với một chút vui, chút buồn, chút tiếc nuối, ngưỡng mộ và trân trọng vì với Huế “cái cầm tay dễ thương” cũng rất khó khăn, phải kín đáo và có thời gian:

“Dẫu em rất Huế tự bao giờ
Đừng để lòng như cung điện xưa
Đừng cho anh suốt đời đứng đợi
Trước cấm thành gọi chẳng ai thưa
”.

Huế của ngày ấy là thế.

Đoạn thơ của Huỳnh Văn Dung rất hay và dễ thương - dành riêng tặng những cặp tình nhân đẹp của Huế ngày ấy.

B.K.C
(SĐB9-12)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Tuy chỉ là món ăn dân dã và phổ biến ở Huế, nhưng để chế biến được một tô bánh canh cá tràu ngon đúng vị… món ăn này cũng đòi hỏi người chế biến phải tỉ mẩn và khéo léo. Ở Huế, bánh canh có nhiều cách chế biến khác nhau, như bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da heo... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá tràu (người Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi đó là cá lóc).

  • Huế những ngày này mưa dài lê thê. Từ sáng đến tối hầu như mưa không lúc nào ngớt. Đi kèm mưa là cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh trên đường phố.

  • BẠCH LÊ QUANG

    Nghệ thuật và âm nhạc nói riêng, khi vượt qua lằn ranh của hữu hạn sẽ trở thành những sấm truyền vĩnh hằng, một thứ Kinh mà con người sẽ truyền rao trong cõi nhân sinh đầy biến động.

  • HỒ THỊ HỒNG

    Vua Thiệu Trị từng nói với bề tôi rằng: “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình”(1). Nhưng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta, từ lâu vấn đề giáo dục đã được xã hội hóa một cách sâu rộng từ trong từng gia đình, dòng họ và toàn xã hội Việt Nam.

  • (SHO). “Đã mê ớt đỏ cay nồng
    Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
    Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành
          Mời nhau buổi sáng chân thành món quê”

  • PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Trong chuyến đi Huế dự lễ kỷ niệm ba mươi năm Tạp Chí Sông Hương vừa rồi, tôi được Tổng Biên Tập Hồ Đăng Thanh Ngọc ghé tai thông báo: “Chị cứ đi chơi Sông Hương và thăm quan quanh cố đô Huế những chỗ chưa biết, nhưng đừng nên khám phá hết để còn có cái thôi thúc mình lần sau vô  Huế mà khám phá tiếp  nữa. Nhưng dù đi đâu các anh chị cũng đừng quên đến thăm Gác Trịnh mới khánh thành nhé, hay lắm đấy, dù bận mấy  cũng nên tranh thủ ghé thăm Gác Trịnh dù là vài phút ”.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Buổi sáng, tôi ngồi trong Gác Trịnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài trời đang se sắt chuẩn bị mưa, sự se sắt nằng nặng.

  • PHẠM HUY THÔNG

    Đầu năm 1986, nghĩ rằng năm nay là một năm có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong nước ngoài nước, tôi e rằng kỷ niệm mùa hè 200 năm trước của Phú Xuân và của dân tộc, dù không phải là không có tầm vóc, có thể chỉ được chú ý có mức độ, - nếu có được nhắc đến.

  • LÊ HUY ĐOÀN

    Những cửa thành của Kinh thành Huế ghi dấu những sự kiện từ kinh đô thất thủ ngày (23/5 năm Ất Dậu, 1885) sau cuộc chiến không cân sức giữa phe chủ chiến của triều đình Huế với giặc Pháp rồi đến sự tàn phá của thiên tai qua trận lụt 1953 làm 4 cửa thành đổ sập, rồi lại trải mình qua chiến sự Tết Mậu Thân (1968) với bao nhiêu vết hằn của bom đạn.

  • VÕ NGỌC LAN

    Như một mặc định của thời gian khi Huế là kinh đô của cả nước và nơi đây cũng là kinh đô của những chiếc áo dài. Vì vậy con gái Huế được làm quen với tà áo dài rất sớm. Bởi khi mới sinh ra đã thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ chung quanh khoác trên mình chiếc áo dài.

  • LÊ PHƯƠNG LIÊN 

    …Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về…

                       (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

  • G.S. TRẦN QUỐC VƯỢNG

    Thế kỷ XVI chứng kiến sự vỡ ra của nền quân chủ quan liêu Nho giáo Việt Nam.

  • THANH TÙNG

    Tháng 10/2012, tại khách sạn Rex - thành phố Hồ Chí Minh, chiếc bánh đậu xanh Phượng hoàng vũ khổng lồ của nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà và ái nữ Phan Tôn Tịnh Hải được vinh danh Kỷ lục châu Á - do Hội Kỷ lục châu Á công nhận.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

    Ở Huế có nhiều món ngon nổi tiếng như bún bò, cơm hến, dấm nuốt, bánh khoái, bèo, nậm, lọc… điều này đã được nói nhiều. Nhưng còn nhiều chuyện có thể bạn không để ý lắm.

  • NGUYỄN HUY KHUYẾN

    Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ 2 trong 20 cảnh của đất Thần Kinh. Khu vườn này đã được đi vào thơ ca của các vua nhà Nguyễn như là một đề tài không thể thiếu.

  • VÕ NGỌC LAN 

    Đã từ lâu danh xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự.

  • LÊ VĂN LÂN

    Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với việc chiếm giữ Huế 26 ngày đêm đã tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm sụp đổ chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy, làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Câu chuyện này do nhà thơ Bích Hoàng (tức Hoàng Thị Bích Dư - cựu nữ sinh trườngĐồng Khánh - Huế) kể lại cho tôi nghe trực tiếp vào đầu năm 2012 tại nhà riêng của cô ở 170 phố Cầu Giấy, Hà Nội.

  • TRẦN BẠCH ĐẰNG

    Mỗi địa danh của đất nước ta chứa mãnh lực riêng rung động lòng người, từ những khía cạnh rất khác nhau. Có lẽ lịch sử và thiên nhiên vốn ghét bệnh "cào bằng", bệnh "tôn ti đẳng cấp" cho nên lưu dấu vết không theo một công thức nào cả. Quy luật khách quan ấy làm phong phú thêm đời sống nội tâm của dân tộc ta.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Đề cập đến sự nghiệp cầm bút của Thượng Chi Phạm Quỳnh cần phải có một cái viện nghiên cứu làm việc trong nhiều năm mới hiểu hết được. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mình có thể tìm hiểu một khía cạnh nào đó trong sự nghiệp to lớn của ông.