Những bức ảnh

14:32 27/07/2012

LÊ MINH PHONG 

Trong chợ, những người ăn xin vẫn lết đi theo cách thức riêng biệt của họ. Thỉnh thoảng lại có những đồng tiền lẻ rơi xuống trên những vũng nước đen sì và những người ăn xin lại tranh nhau nhặt chúng rồi xỉ vả nhau cũng bằng thứ ngôn từ riêng biệt của họ. Không biết không gian này có phải là trong ảnh hay không.

Minh họa: NHÍM

Trong khi đó thì cha vẫn cười. Nụ cười của cha không hề méo mó. Đó là nụ cười của một người đàn ông mãn nguyện. Bên cạnh cha có một người phụ nữ đang nâng ly rượu và sau người phụ nữ đó là một người thanh niên đang gọi điện thoại. Có lẽ đó là khung cảnh trong một nhà hàng sang trọng ở ngoại ô. Cái khung đen bao quanh bên ngoài tấm ảnh khiến cho cảnh vật bên trong càng thêm phần sang trọng. Như thế, theo một cách thức khác biệt của mình, cha vẫn cười nụ cười đó. Không biết đã bao nhiêu năm rồi cha vẫn cười như thế. Dĩ nhiên là cha cười trong ảnh.

Mẹ ngất lịm đi khi người ta đem xác anh hai về. Mấy ngày sau đó mẹ chỉ nuốt được một ít cháo. Máu đã đông lại trên mười đầu ngón tay của mẹ bởi mẹ đã dùng chính hai bàn tay của mình cào đất trên mộ anh hai nhằm thấy được đôi mắt của anh. Tất nhiên là không thể biết được những sự việc như thế có phải là trong ảnh hay không nhưng rõ ràng là máu đã đông lại trên mười đầu ngón tay của mẹ.

Tại nhà thương điên, cô gái vẫn ẵm cái gối vào lòng và ru con, người đàn ông có làn da màu vàng vẫn kéo lê cái khúc gỗ trên nền đá và làm những tiếng kêu của tàu lửa. Người đàn ông có làn da màu vàng nhìn vào chiếc gối trên tay cô gái rồi nói: “Nó cắn đấy. Mắt nó vàng. Đem nó chạy đi, bằng những chuyến tàu không bao giờ quay lại ấy.” Cô gái nói: “Đó là con trai tôi. Nó sinh vào đầu tháng chạp năm ngoái. Người ta đã nhét giẻ rách vào miệng nó. Mắt nó vàng và nó không bao giờ biết khóc. Nó thường tru lên khi trăng lộ dạng, nó muốn làm bạn với lửa.” Cô gái nói.

“Làm bạn với lửa.” Cô gái nói.

“Làm bạn với lửa.” Cô gái nói.

Khung cảnh này như thật, không xác định được có phải là trong ảnh hay không.

Trong một bức ảnh lớn hơn bên cạnh, mẹ đang tung hoa lên trời. Phía sau mẹ là những người chuẩn bị chụp ảnh. Rõ ràng là mẹ đang trong thời kỳ hạnh phúc. Mắt mẹ sáng ngời lên. Những cánh hoa bay lên rồi rơi xuống trên tóc mẹ trước khi rơi xuống và nằm im trên những lá cỏ xanh mướt. Cách đó không xa, ở chỗ có hàng rào bằng tre, những người khác đang đưa tay vẫy vẫy, không biết họ muốn gì. Những xác hoa nằm ra ngoài cái viền màu đen bao quanh tấm ảnh. Mẹ vẫn cười.

Tượng Chúa được người ta làm bằng đá. Trong bức ảnh này rõ ràng tượng Chúa được người ta tạc từ một khối đá trắng khổng lồ. Chúa đang cười trong ảnh. Trong ảnh, mắt Chúa đang cười. Những con chiên đang quỳ dưới tượng Chúa. Họ tự do hát thánh ca và ca tụng Thiên Chúa, bởi Người đã tạo sinh. Những đứa trẻ đang băng qua hàng rào để tiến sát đến tượng Chúa. Vẫn không có một tiếng còi nào vang lên. Trong ảnh, những đứa trẻ đang sờ tay lên tượng Chúa và cảm nhận sự mát lạnh của đá và nghe tiếng thì thầm của đấng tối cao. Cái viền màu đen bao quanh bức ảnh khiến cho tượng Chúa không được bề thế như người ta vẫn thường tưởng tượng.

Có những thứ không nằm trong ảnh. Không hạn định như trong ảnh. Nhưng không thể xác định được chắc chắn là chúng có nằm trong một cái khung nào đó hay không.

Trong một bức ảnh chen giữa, cha đang làm một việc gì đó như thuyết giảng. Nhìn lướt qua là biết ngay rằng cha đang tự biện. Cha đưa một ngón tay chỉ lên trời và mắt cha nhìn thẳng vào mắt những kẻ đang nghe cha nói. Đúng như cái cách thức mà Socrates đã làm.

“Tôi đã viết...” Cha nói.

“Tôi chấp nhận là tôi đã viết sự thật.” Cha nói.

“Và đó là tội lỗi? Tôi là tên nghịch phản?” Cha nói.

Đằng sau cha là những người trùm màng đen che mặt. Có thể họ bưng nước tới cho cha. Và cũng có thể họ đang ban phát cho cha một cái chết bằng chén thuốc độc mà cha không đủ quyền năng để cự tuyệt. Cha nói lại với người đàn ông có thân hình to lớn bên cạnh: “Thấy chứ. Nhưng xin Zeus chứng giám, hai lần tôi đã nghĩ cách tự biện, và cả hai lần tiếng nói quỷ thần lại ngăn cản.”[*] Những tiếng nói đó của cha cũng đã bị cái viền đen bao quanh tấm ảnh ngăn lại.

Anh ba chết vào một buổi chiều mùa đông. Lúc ấy có mưa nhỏ và gió lạnh. Mẹ cắn vào môi mình khi người ta để xác anh ba ngoài sân rồi bỏ đi. Không biết những người đàn ông đó là ai, nhưng cái hành động đó khiến mẹ cứ cắn vào môi mình cho đến khi miệng mẹ là một vũng máu đen đặc.

Trong một bức ảnh nằm ngang, cha đang ở trần. Chỉ thấy tấm lưng trần và mái tóc xoăn tít của cha từ phía sau. Cha đang cúi xuống. Ngoài những chi tiết đó tuyệt nhiên không có một hình ảnh nào khác. Cha muốn kéo dài sự hiện hữu của mình, cha muốn có thêm những truyền nhân liên minh với những ý tưởng của cha. Và về sau thì rõ ràng là cha đã thất bại.

Sau cái chết của anh tư thì xác của anh năm được đưa về trên một cái xe bò cũ kỹ. Còn nhớ rằng lúc đó tiếng khóc của mẹ hoà vào những tiếng ken két của bánh xe bò nghiến trên đường đá. Mắt mẹ ráo hoảnh khi nhìn những người đàn ông không biết từ đâu lôi xác anh năm về. Họ đang ngồi rít thuốc. Ống điếu được làm bằng tre.

Trong tấm hình nhỏ nằm ở góc phía trên không có cha. Chỉ có những nén nhang đang cháy trên một cỗ quan tài được sơn màu đỏ, và mẹ thì đang lấy khăn lau mắt. Tuyệt nhiên không có khuôn mặt của cha. Chỉ thấy người ăn xin và những người khác kéo đến từ nhà thương điên đang ngồi xuống bên cạnh mẹ. Họ nói về những truyện ngắn hoang tưởng của cha. “Xa rời hiện thực quá. Huyễn hoặc quá.” Họ nói thế. “Vì thế nên vô nghĩa.” Họ lại nói trong khi tay họ đang ném từng mẩu đất xuống lỗ huyệt của cha.

Mẹ đang lết đi sau những kẻ ăn xin trên sân ga. Những chuyến tàu lần lượt đến và đi, mẹ cũng không buồn đếm. Chỉ khi có một vài xu rơi xuống trên đầu mẹ thì mẹ mới ngẩng lên. Mẹ thấy những khuôn mặt khác nhau qua đôi mắt kèm nhèm của mẹ. Không biết đó có phải là những mặt người hay không. Mẹ không thể biết bởi bây giờ mẹ cũng là một hình ảnh bất động trên sân ga, bất động trong ảnh.

Cha thì vẫn với cái cách thức cũ. Ông không cười.

Khi đôi chân của anh sáu được đưa về thì mẹ cười vui sướng. Những người đàn ông xa lạ đưa đôi chân của anh sáu về, họ bỏ đôi chân đó vào trong một cái túi được đan bằng thân cây cói. “Những gì còn sót lại...” Họ nói. Khi những người đàn ông ra đi thì mẹ trở nên linh hoạt lạ thường. Bà hát lên những bài hát xưa cũ rồi tập đi bằng cách dựa vào đôi chân của anh sáu. Đã mấy lần mẹ chúi xuống trên nền đất, đôi chân anh sáu lăn lóc dưới nền nhà. Rồi mẹ lại tiếp tục lồm cồm bò dậy.

Và cười.

Con nhớ những người đàn ông xa lạ đưa thi hài con về bằng cách để thi hài con trên những miếng gỗ mục. Họ để xác con ở ngoài sân rồi bỏ đi. Lần này họ không nói gì với mẹ. Con thấy rõ ràng, khi vuốt mắt cho con, mẹ đã cười theo cái cách thức riêng biệt của mẹ. Đêm ấy có mưa và có những tiếng cú xen lẫn với tiếng mõ cầu kinh của mẹ.

Tất cả có thể là trong ảnh hoặc không. Nhưng đều được đóng khung. Những cái khung lớn có viền to màu đen bằng gỗ hoặc bằng sắt. Những tấm ảnh nhỏ được sắp xếp một cách lộn xộn, bừa bãi trong khung ảnh lớn. Những khung ảnh lớn nằm trong những khung ảnh lớn hơn và cứ thế rộng thêm ra. Không nhìn thấy được giới hạn. Và không lâu nữa, sau cái chết thê thảm của mẹ, người ta sẽ tống tất cả những chiếc khung vào thùng sắt và khoá chặt lại.

Rồi bỏ đi.

L.M.P
(SH281/7-12)



...................................
[*] Socrates tự biện.  












 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

    - Thôi, hai bà cháu về đi không mưa ướt hết!

  • CÁT LÂM

    1.Về thôi mẹ ơi, nơi đây đã chẳng còn gì ngoài đống đổ nát nữa rồi. Về với gió Hồ Tây để nghe lồng lộng trong buổi mùa đông như mẹ kể. Về với đàn sâm cầm nhởn nha mặt nước. Chẳng có gì cho mình cả, chỉ trừ có nỗi dằn vặt mỗi ngày một nhiều hơn. Về thôi mẹ ơi, về với bà ngoại, ông ngoại, để một lần con được biết mình vẫn còn có họ hàng, có quê hương.

  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

  • QUÁCH THÁI DI

    Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.

  • VIỆT HÙNG

    Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

  • VIỆT HÙNG

    Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.