Nhớ ngày giải phóng, nhớ các đồng đội

08:11 29/04/2021

TỪ HỒNG QUANG     

Thông thường, khi vui người ta nghĩ đến những điều vui và kể lại cho bạn bè nghe. Nhưng ông cha ta có câu: “Không ai nắm chặt tay từ sáng đến tối”. Lại có câu: “Bảy mươi chưa hết què, chớ khoe mình lành”.

Một đơn vị Quân giải phóng Miền Nam - Ảnh: baotanglichsu.vn

Đó là những câu mang tính minh triết của người Việt, được đúc kết từ thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, để dạy con người ta nên sống sao cho tốt. Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ lựa chọn một vài kỷ niệm cả vui lẫn buồn để kể lại cùng bạn đọc, vì sau mỗi kỷ niệm tôi đều rút ra được ít nhất một bài học nhớ đời, bài học trường đời, đối nhân xử thế và qua đó tự sửa mình. Những kỷ niệm vui buồn của đời tôi trước hết với đồng đội đã cùng tôi trải qua hơn 7 năm gian khổ nguy nan nhiều bề trong kháng chiến ở Quân khu Trị Thiên Huế.

*
Gần 7 năm ở chiến trường, tôi đã từng nhiều lần bị nạn. Có nạn chết hụt do đạn pháo rơi gần cạnh không nổ hoặc mảnh bom chỉ đụng phần mềm, có nạn bị cọp vồ hụt, rắn độc mổ nhằm mũi giày, có nạn trôi sông mấy cây số rồi mắc kẹt giữa hai cành cây, nước ngập gần ngang mũi, ngâm nước suốt đêm, chờ đồng đội đến cứu. Có nạn do bạn bè vô ý gây ra, nhưng nhờ tôi gánh tội giúp hoặc do tôi tự nguyện nhận thay theo kiểu Đông- Ky-Sốt đứng ra nhận lãnh để đỡ đòn cho bạn bè, hoặc do bị xúi dại.

Năm 1971, sau một thời gian phục vụ chiến đấu với lòng hăng hái của tuổi trẻ, cộng với chút kiến thức của cậu học sinh Huế lớp Đệ tam (tức lớp 10 bây giờ), tôi đã có những thành tích nhất định và được tập thể đơn vị ghi nhận, cấp trên quan tâm. Trước hết, ngày 20 tháng 3 năm 1969, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng (tức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau này). Tiếp đến, dịp cuối năm, tôi được bình bầu chiến sĩ thi đua, được Chi bộ đề nghị Đảng ủy cấp trên kết nạp vào Đảng. Tôi háo hức chờ ngày được đưa tay thề dưới lá cờ Đảng quang vinh. Một hôm, Thiếu úy Chính trị viên phó của Ban (tương đương đại đội) gọi tôi lên phòng chỉ huy và bảo: “Đồng chí là đối tượng Đảng sắp được kết nạp. Đây là thử thách có thể coi là quan trọng nhất của Chi bộ trước khi trình hồ sơ lên Đảng ủy. Đồng chí phải vượt sông Sê-Pôn để đem hàng về cho đơn vị. Có đồng chí Khoan đi cùng. Đồng chí mang theo một khẩu súng AK47 để phòng thân”.

Đồng chí Khoan quê ở huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), người đen trũi, khỏe như voi, bơi sông như rái cá, tính tình thật thà như đất và rất thương tôi, cậu học sinh Huế thoát ly gia đình lên rừng tham gia Quân Giải phóng miền Nam, thân hình ốm nhách nên bị đặt biệt danh “mèo hen”. Khi lấy được hàng về, đồng chí ấy giành phần mang bao gạo nặng 100kg có bọc ngoài bằng một cái túi ni lông rất dày, nhường bao muối chỉ nặng 13kg cho tôi cõng qua sông. Con sông Sê-Pôn mùa lũ thật hung hãn, từng lớp sóng dồi, từng dòng xoáy cuộn như muốn nuốt chững cái thằng tôi tuy có tập bơi nhưng rất kém, mặc dù tôi đã nghe lời đồng chí Khoan níu chặt vào sợi dây thừng to bằng cổ tay giăng ngang mặt sông. Vì vậy khi thấy dòng nước sông hung hãn cuốn cả người lẫn súng và bao muối nhấn chìm xuống nước theo một đợt sóng trào, ý thức cầu sinh mạnh hơn nỗi sợ hãi bị kỷ luật, tôi đã hoảng hồn vứt hết cả súng lẫn bao muối 13 kg, mất luôn cả đôi dép đầy kỷ niệm đầu xuân Mậu Thân 1968, khi đặt bước chân đầu tiên vào đời người chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam.

Về đến đơn vị, đồng chí Khoan thật thà báo cáo ngay tình hình với Trung úy Đỗ Văn Cát - Chính trị viên phó của Ban, cũng là một đồng chí có nhân dạng và tính tình như đồng chí ấy. Tôi lập tức bị gọi lên Ban chỉ huy Đội (gọi là Đội bộ, đơn vị Đội... tương đương cấp tiểu đoàn) để hỏi và lập biên bản. Trời đất như sập xuống, cả đơn vị đều lo lắng cho tôi nhưng tôi thì cứ tỉnh bơ như không hề biết mối họa do mình gây ra đang rớt xuống đầu. Đến gần trưa, Chính trị viên Đội điều trị, Thượng úy Lê Hoàng Các, quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa xuống gặp tôi. Ông hỏi vài điều xong, bảo tôi: “Đổ xuống sông hết rồi! Làm lại nhé!” Sau đó, theo lệnh ông, cả đơn vị không ai nhắc đến chuyện này nữa. Dĩ nhiên tôi không được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua, thay vào đó là một đồng chí có thành tích tương đương. Tuy bị mất trắng thành tích nhưng thú thật tôi không buồn bực, cáu giận ai cả, cứ vô tư công tác tiếp. Lần đầu tiên trong đời, tôi mang ơn một người chỉ huy. Đó là lần thứ hai tôi mất trắng thành tích và quá trình phấn đấu vào Đảng, phải làm lại từ đầu. Thực tình tôi cũng không hiểu vì sao tôi được thủ trưởng Lê Hoàng Các thương đến vậy, cả đơn vị ai cũng quý trọng ông, hiểu ông thương lính như em và rất công tâm. Sau này, khi mọi thứ đã yên ổn, có dịp gặp ân nhân của đời mình, tôi tò mò hỏi rất “hâm tỉ độ” (biệt danh thứ hai của tôi ở đơn vị): “Thủ trưởng ơi! Vì răng thủ trưởng thương em rứa?” Ông cười hiền, giọng trầm nhẹ: “Tớ có đứa con trai duy nhất, ngang tuổi cậu, rất giống cậu, đi công an, nó đã... (Nói đến đó, ông hơi ngập ngừng rồi mới tiếp lời)... đi xa!”. Đi xa? Ở chiến trường, hai từ ấy là kinh khủng nhất, đau đớn tột cùng! Không! Người tốt như thủ trưởng chẳng lẽ lại nhận lấy nỗi đau vô cùng? Hay đi xa là đi... đâu? Bỗng ông ghé tai tôi nói nhỏ “Cấm cậu nói cho người khác biết tớ có đứa con công an đang đi xa, cho tới khi cách mạng thành công, đất nước thống nhất”. Tôi chấp hành nghiêm, nhưng chẳng hiểu vì sao? Không chỉ cứu tôi thoát tội rồi, ông còn thân hành đi đến đại đội xe tải để xin cho tôi một đôi dép cao su. Còn anh Khoan thì đi tìm các mảnh nhôm máy bay Mỹ, các sợi dây dù để “sáng tạo” nên chiếc thắt lưng cho tôi.

Năm 1982, tôi “là nguồn phát triển của đơn vị” (theo lời của vị trợ lý cán bộ báo cho tôi biết) nên được cử ra Cục Tham mưu Quân khu tập huấn cùng vài người khác. Nếu được đi, chắc chắn tôi sẽ được thăng bậc lương và quân hàm, chưa tính đến việc có thể sẽ được chuyển sang ngạch sĩ quan chỉ huy và bổ nhiệm chức vụ cao hơn, tôi nghĩ thế và rạo rực niềm vui. Ai ngờ chuyện rủi lặp lại, chỉ khác vật bị mất không phải là cây súng mà là một bình đựng nước uống làm bằng thép không gỉ (inoxydapse) dung tích 100 lít, chiến lợi phẩm năm 1975. Hồi ấy, đó là một tài sản lớn của đơn vị. Buổi chiều hôm trước, tôi chuẩn bị trực đêm phiên cuối trước khi ra Bắc tập huấn, theo lệnh và cũng theo lời động viên vui vẻ của thủ trưởng trực tiếp. Đúng 6 giờ 30 sáng hôm sau, tôi chưa kịp đánh răng rửa mặt đã bị gọi ra để kiểm tra tài sản đơn vị. Kết quả, bình inox bị mất, tôi phải ký vào biên bản và viết bản kiểm điểm gấp. Tôi chỉ kịp có thời gian 30 phút để đánh răng, rửa mặt, gói ghém quần áo ôm vào ngồi trong công-ten-nơ (container) theo lệnh của một đồng chí thiếu tá cán bộ quân pháp Quân khu có mặt tại đó tự lúc nào. Tôi bị quản thúc tại chỗ, cơm nước có người đem tới, vệ sinh có người theo dõi, vợ tôi làm cùng đơn vị nhưng cũng không được đến thăm. Lần này tôi biết căm tức kẻ ám hại mình nhưng đã tức càng tức thêm vì không biết ai và vì sao cả!

Lần này, quý nhân phò trợ cho tôi cũng là một cán bộ chính trị: Trung tá Hoàng Chiền - Chính ủy đơn vị, quê tỉnh Quảng Trị. Nghe tin xấu, ông xuống tận nơi và đề nghị thiếu tá quân pháp Quân khu thay lệnh quản thúc trong công-ten-nơ bằng lệnh giam lỏng trong một căn phòng nhưng vẫn nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sau đó, ông sang làm việc với lãnh đạo Công an tỉnh Bình Trị Thiên lúc ấy, nhờ cử cán bộ giỏi nghiệp vụ điều tra hình sự sang đơn vị để âm thầm điều tra. Một đồng chí đại úy đã tốt nghiệp đại học khoa học hình sự tại Cộng hòa Dân chủ Đức và một đồng chí thượng úy quân đội chuyển ngành qua công an sau năm 1975, từng cống hiến hết tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Trị Thiên Huế, cán bộ Phòng điều tra xét hỏi công an tỉnh Bình Trị Thiên được cử sang. Sau 23 ngày, bằng nghiệp vụ về điều tra hình sự và thái độ công tâm khách quan của hai cán bộ công an tỉnh, vụ án được phá, chậm hơn… 3 ngày so với lời hứa của họ với chỉ huy đơn vị tôi. Thủ phạm ăn cắp bình nước là một trung sĩ nghĩa vụ bộ đội biên phòng, đã từng bị tôi nhắc nhở hai lần về tội trốn đơn vị đi… ve gái. Bình nước được đem bán ở chợ Tây Lộc. Có lẽ thủ phạm - thực ra chỉ là đồng phạm và thủ phạm chính (tức kẻ chủ mưu ám hại tôi) không thể ngờ rằng bức ảnh chụp bàn tay anh chàng trung sĩ dại dột kia đang cầm bình nước để công an dùng làm bằng chứng truy hỏi chỉ là bức ảnh giả. Kẻ gian nhất thời, tuổi còn trẻ, sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự tất có tâm lý sợ hãi nên khi nhìn bức ảnh lập tức nhận tội và khai lý do ăn cắp bán lấy tiền tiêu xài vì nằm viện buồn quá. Tưởng thế là xuôi. Bình nước được thu hồi, kẻ trực tiếp ăn cắp bị kỷ luật nhẹ còn tôi được minh oan và được thả ra, về nhà với vợ con. Người đề nghị kỷ luật thông báo về đơn vị và phê phán nặng nề anh chàng dại dột kia không phải là tôi mà là thủ trưởng trực tiếp của tôi. Kẻ dại dột thấy mình đã dại dột bị lợi dụng cho mưu đồ riêng, nay lại bị kỷ luật riêng nữa nên đã khai toẹt ra hết. Chủ mưu không ai khác chính là ông ấy, người đã phê phán nặng nề kẻ ăn cắp. Kết quả âm mưu đúng như mục đích của kẻ chủ mưu: Tôi không thể tham dự lớp tập huấn vì đã quá hạn. Cũng may, cuối đời ông ta vẫn còn giữ được đạo đức lương y khi tham gia phòng khám nhân đạo tại quê nhà.

Qua vụ này, tôi có hai bài học: Thứ nhất, chớ bao giờ nặng lời phê phán ai dù có mục đích tốt đẹp. Thứ hai, người trung thực, khi cần cũng phải biết “làm giả” nhằm kết quả tốt đẹp cho đời, giúp minh oan cho người tốt. Sau này mỗi lần gặp lại đồng chí thượng úy, chúng tôi hay kể lại chuyện này để cười vui. Tiếc là chưa có điều kiện gặp lại đồng chí đại úy ngày ấy, vì đã chuyển công tác sang tỉnh khác!

*
Nhớ đồng đội, tôi nhớ về đám cưới của vợ chồng mình tại rừng Trường Sơn, và càng nhớ đến Đại úy Nguyễn Quang Minh, một người chỉ huy mà chúng tôi vừa rất quý mến vừa sợ, nhưng cũng là đối tượng để chúng tôi trêu chọc sau lưng vì những đặc điểm sinh hoạt và tính đãng trí... thượng thừa. Vẫn nhớ mãi hình ảnh thủ trưởng đi đôi giầy Kô-Sư-Ghin được bọc bởi bùn đất khô do lâu ngày không chùi, mỗi khi thầy đi tuần tra chiến sĩ và học viên, không ai bị bắt vi phạm nội quy bởi lẽ bước chân mang đôi giày đặc biệt ấy cứ vang lên cồm cộp giữa không gian vắng lặng của rừng già, chẳng khác gì báo động cho lũ lính tráng lớn tướng vẫn ham chơi, lười học tập biết trước để sửa lại tư thế ngồi nghiên cứu bài vở nghiêm chỉnh. Có một chuyện liên quan đến đám cưới của hai cặp chúng tôi khiến tôi không thể quên vị chỉ huy tốt bụng và đầy lòng thương yêu học trò - đồng đội. Số là, theo quy định của đơn vị thời chiến, trước ngày đám cưới ít hôm, thầy cho gọi cả hai cặp lên để hỏi ý kiến và nguyện vọng lần cuối cùng trước khi tổ chức lễ cưới. Cặp của tôi do tôi, cặp của bạn do cô vợ tương lai đi lên gặp chỉ huy. Thầy với bộ mặt trang trọng hỏi: “Hai đồng chí hãy xác nhận lần cuối cho tôi biết hai đồng chí có muốn tiến tới hôn nhân cùng nhau không?” Cả hai chúng tôi cùng đáp lẹ: Dạ, báo cáo thủ trưởng, chúng em không ạ! Nghe thế, thầy trợn mắt giận dữ: Các đồng chí đùa với chỉ huy hả? Dạ không, chúng em có yêu nhau đâu mà đám cưới! Thầy giận run người, quay mặt ra sân gọi thật to: Chiến sĩ liên lạc đâu, mời ngay chính trị viên lên gặp tôi! Rồi thầy quay sang, mặt đỏ bừng kèm theo lời đe: Liệu hồn đấy! Chúng tôi vẫn tủm tỉm cười vì có sai đâu mà sợ. Chính trị viên phó Trần Nhân Thao vừa bước vào, chỉ kịp ngồi xuống đã nghe thầy tuôn một tràng kết tội hai chúng tôi đùa cợt với thủ trưởng đơn vị, không yêu nhau mà dám báo cáo với tổ chức để kết hôn. Nghe xong, anh Thao ôm bụng cười: “Tụi nó nói đúng mà anh. Thằng này nó yêu con khác, còn con này nó yêu thằng khác kia mà. Chứ thằng này có yêu con này đâu!” Hả, anh nói gì? Thầy ngạc nhiên hỏi. Rồi, thầy quay mặt đi vì ngượng, tự nói nhỏ: Gặp hoài mà không nhớ mặt mấy đứa này. Quay sang chúng tôi, thầy nói gọn: “Thôi, hai đồng chí về đi, chuẩn bị lễ cưới”. Chúng tôi ra về, dọc đường cứ cười suốt. Thầy ơi, bọn em rất nhớ thầy!

Lễ cưới chính thức được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 08/12/1974 tại nơi đóng quân ở rừng Khe Sanh trong một không khí tưng bừng và rộn ràng vui chưa từng có trên khuôn mặt mỗi người, dĩ nhiên hai cặp đôi chúng tôi vui nhất, bởi tại đám cưới có một vị khách quý từ Quân khu bộ đến dự đã rỉ tai một thông tin hấp dẫn: Nghe cấp trên nói Bộ Chính trị có chỉ thị khoảng năm 1976 - 1977, nhưng nếu thời cơ thuận lợi thì sẽ dốc toàn lực hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước trong năm 1975. Thông tin không được bảo chứng nhưng chúng tôi háo hức chờ mong điều đó thành sự thật. Tuy vậy, sau khi đám cưới, mỗi cặp đều phải chia tay, hai ông chồng theo đồng đội hành quân vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên để phục vụ chiến đấu, hai bà vợ ở lại trường tiếp tục học chương trình bổ túc văn hóa lớp 7 và chương trình. Dù thực tập theo quy định thì phải đi hết các chuyên mục trong chương trình, nhưng chúng tôi được yêu cầu tập trung thực hành thật tốt 5 kỹ thuật cấp cứu của lớp... y tá, kỹ thuật cấp cứu chiến thương và vận chuyển thương binh về tuyến sau, làm công tác tử sĩ và thu dọn chiến trường,… những yêu cầu vô tình hay hữu ý cho chúng tôi biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở tuyến trước….

Và bỗng dưng tôi nhớ da diết anh Nguyễn Cửu Thịnh, một chàng nông dân thứ thiệt ở Long Hồ Thượng, phường Hương Hồ hiện nay, khi lên rừng mới học xong lớp 3, chất phác thật thà như đất, có nụ cười hiền như Phật, có sức dẻo dai, luôn xung phong gánh việc và chăm sóc thương bệnh binh. Vì vậy, anh là người đầu tiên của lứa lên rừng chúng tôi được kết nạp vào Đảng. Khi mọi đồng đội đều còn ở Huế thì anh lại tham gia đội quy tập lên rừng tìm hài cốt liệt sĩ, không một lời phân bì so sánh thiệt hơn. Trở về phục viên, được cử làm xã đội trưởng một thời gian, cái tính thật thà buộc anh xin từ chức vì lý do đơn giản nhẹ nhàng “tui không có trình độ”, trở về thứ thiệt nông dân. 25 năm sau giải phóng, gặp lại nhau, anh gầy và đen như que củi, duy nụ cười hiền vẫn chẳng đổi thay. Không có gì khó hiểu khi người dân sống gần anh đều yêu mến, tin cậy người đảng viên ấy. Tiếc là anh đã vĩnh biệt chúng tôi gần một năm rồi!

Anh Nguyễn Văn Bảng quê ở Hà Tây (cũ), một anh chàng dong dỏng thư sinh, miệng nói dẻo ngọt như kẹo kéo đến nỗi các cô các chị hay nguýt háy nói sau lưng là “đồ đĩ bợm” nhưng nụ cười sảng khoái ngoác tận mang tai lại “tố giác” cái tính chân thành bộc lộ hết mình với đồng đội và duy chỉ với đồng đội. Điều này ngược hẳn quy luật thông thường nên ai không sống cùng anh lâu, đặc biệt không cùng gian khổ với nhau sẽ chê anh nhiều mà khen kiệm lắm. Tôi về đơn vị với anh khi anh đã là Chi ủy viên kiêm Bí thư chi đoàn. Nghe đồng đội kể chuyện anh chàng mảnh mai “tiểu tư sản thành thị miền Bắc” phấn đấu vào Đảng mà thấy nghẹt thở. Chỉ riêng việc phải gùi 50kg gạo vượt Dốc Chè, sáng ở chân núi, trưa tới đỉnh đèo cao 1412m, ngày ngày tháng tháng cũng đủ ớn lạnh. Vượt qua mọi định kiến, mọi lời gièm pha đơm đặt, mọi gian khó hiểm nguy, cuối cùng sau gần 4 năm ở chiến trường, anh đã đứng dưới lá cờ Đảng tuyên thệ tuyệt đối trung thành. Có một chuyện về cuộc đời anh mà ai nghe cũng tưởng chuyện đùa: Vợ anh sau lần sinh đứa con thứ nhất, kiên quyết không cho “động phòng” dù đời lính hiếm hoi có mấy ngày nghỉ phép, chị bắt anh phải phấn đấu cho bằng mình cả về bằng cấp lẫn… quân hàm (chị là sĩ quan Cục Đồ bản - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khi anh đang còn đeo lon trung sĩ). Sau gần 10 năm “phấn đấu” không nao núng chán nản, cuối cùng anh có thằng cu thứ hai. Anh cười hề hề, ha ha, hi hi đủ kiểu khi gặp lại đồng đội. Tôi mãi nhớ anh không phải vì chuyện đó mà vì anh đã hai lần cứu tôi, dù rằng trong đơn vị tôi luôn là “kỳ phùng địch thủ” của anh và luôn trên cơ anh trong mọi hoạt động phong trào. Lần thứ nhất, vào khoảng đầu năm 1973, tại đơn vị, tôi và nhiều đồng chí khác có nhiệm vụ đi lĩnh gạo trên cấp. Đường đi phải qua nhiều đèo dốc nhưng không đáng ngại bằng qua sông A Sáp mà bình thường nó chỉ là con sông hiền hòa trong xanh, nhưng khi cơn lũ quét ào tới thì nó trở thành một con sông lớn với ào ạt những dòng nước cồn cuộn chảy, cuốn trôi phăng mọi thứ. Tôi bị trôi sông lúc 5 giờ chiều, lòng sông đầy đá tảng, dòng chảy hung hãn va đập tôi hết bên này đến bên kia, khiến tôi ngất đi lúc nào chẳng rõ. Cũng may trên vai tôi gùi 50kg gạo bọc trong túi ni lông dày, nên tôi cứ dập dềnh sóng nước cho đến khi bị mắc vào một cái gì đó mà trong tình trạng kiệt sức tôi không nhận ra nó là cái gì? Anh Bảng cầm đèn pin (che mờ gần hết, chỉ khoét một lỗ nhỏ) lần mò đi dọc bờ sông A Sáp, không dám kêu to vì sợ bị biệt kích Mỹ nghe thấy, gắng căng mắt tìm tôi qua từng ngọn sóng đục ngầu. Đến 2 giờ sáng, anh tìm thấy tôi nằm vắt trên chạc hai của một cái cây đổ nghiêng ra sông, chạc cây ven bờ có hai cành, cành dưới chìm lờ đờ trong nước suối, cành trên vươn lên, khi có con sóng ào tới thì nó lại bị nhấn xuống, cứ thế cái mặt tôi lúc ngập nước tới mũi, lúc trồi lên, nhờ nó mà tôi vẫn sống. Anh cõng tôi vượt qua bao đèo dốc về đơn vị. Khi được đơn vị cử đi ôn thi đại học ở trường Văn hóa Quân khu, tôi vẫn là đối thủ trên cơ của anh trong học tập và hoạt động phong trào, nhưng anh lại là người cứu tôi lần nữa, ấy là khi tôi “ham ăn, xực ẩu” bị lỵ trực trùng cấp, đi chảy một ngày hơn 20 chục lần, người thối khẳm và tanh tưởi, suy kiệt, đơn vị không có xe đưa lên bệnh xá, anh đã cõng tôi suốt gần 3km, nước phân lỵ trực trùng ướt đẫm áo anh. Một người như thế làm sao tôi quên! Và lời anh tâm sự trước lúc chia tay khiến tôi nhớ mãi: “Đã không lấy nhau thì thôi, đã lấy thì không bao giờ bỏ nhau”. Đó là lời anh nói về chuyện vợ chồng anh và… chuyện phấn đấu vào Đảng của hai chúng tôi. Đã không vào Đảng thì thôi, ai bắt ép đâu, nhưng đã vào thì phải sống sao cho thật xứng đáng. Đến nay, Đại tá Nguyễn Văn Bảng đã về hưu, nhưng tôi tin anh còn làm những việc có ích cho đời, vì tính anh luôn hào hiệp.

Lê Thị Kim Thương, bạn cùng huyện, cùng học một lớp quân y sĩ với Lê Thị Thu Hạnh, rất xứng đáng được phong Anh hùng nhưng đành trở thành “suýt” chỉ vì một câu nói thật thà mà người chỉ dẫn đã dặn đi dặn lại “không được nói”, vì vậy bị dư luận cho là kiêu căng, hỏng cả. Nhưng nhờ cô ấy, tôi sửa được cái tính xuề xòa ăn mặc mà từ lâu tôi tự huyễn hoặc đó là phong cách giản dị. Chuyển ngành về làm việc ở Văn phòng Đảng ủy của một cơ quan dân sự đã gần 2 năm, tôi cứ áo quân phục bạc màu, “chân dép lốp vẫn đi làm công chức”, tỉnh bơ và có phần hãnh diện đạp chiếc xe cà tàng chở rổ bún do vợ tôi làm, đem bỏ mối cho căng-tin cơ quan, nghe ai khen “liêm khiết và trong sạch” thì nở mũi ngấm ngầm (!). Tình cờ một hôm gặp Kim Thương ngay giữa cầu Phú Xuân. Nếu là một người phụ nữ thông thường, chắc sẽ có cái cười khẩy mỉa mai hoặc cái bĩu môi khinh miệt dù ngoài miệng vẫn đon đả nói cười lịch sự. Kim Thương không như thế. Cô từ tốn mà sâu sắc phân tích cho tôi biết cái dở của lối ăn mặc xuề xòa không hợp thời và càng không hợp vị, vì dẫu sao lúc ấy tôi đã là cán bộ Văn phòng Đảng ủy một cơ quan lớn rồi. Cô ân cần dặn thật lòng một câu rất thấm thía rằng: “Đừng nên ăn mặc xuề xòa quá, mỗi thời mỗi khác. Đừng để kẻ xấu lợi dụng điều dở đó mà chê cười chúng ta, những người lính cách mạng”. Nếu không có tư duy vượt sức ì, lại không dám sống thực, ai dám phê bình khiến cho một ông cựu sĩ quan quân đội phải xốn xang gan ruột như thế? Quả thật, trước khi nghe được câu nói ấy, tôi vẫn luôn tự cho rằng mình ăn mặc như vậy là “liêm khiết, giản dị đúng bản chất Người lính Cụ Hồ”. Nhờ đó, sau này tôi tự vượt lên được nhiều hạn chế do tự ti. Chắc chắn nhờ lối tư duy hợp thời đại của mình nên bây giờ Kim Thương đủ sức lo kinh tế gia đình và làm từ thiện khi cần. Cô ấy vẫn bị nhiều người ghét vì cái tính hay nói thẳng, cho là kiêu ngạo. Tôi cũng có lần hiểu lầm cô ấy. Tôi cứ nghĩ miên man rằng nếu Kim Thương sống và làm việc ở môi trường thuận lợi hơn thì với năng lực tư duy ấy, cô sẽ tiến bộ rất nhanh, ít nhất cũng làm lãnh đạo cấp phòng, “cấp trưởng hơi khó, cấp phó có thừa”.

Và còn nhiều người nữa, như thủ trưởng Lê Cảnh Diễn, thủ trưởng Lê Phước Thanh, chị Văn Thị Lan, chị Trương Thị Chớ, chị Phạm Thị Gái, anh Trần Duy Tín, anh Hồ Trung Dũng, anh Phạm Văn Tăng, anh Cao Sen, Đào Đức Hiền, y sĩ Lê Thị Thu Hạnh, bạn Cao Phụ, Đặng Công Cao, Lê Ngọc Đoàn, Lê Minh Đức, Lê Văn Chương, Mai Anh Tuấn... mỗi người cho tôi một nết tốt, giúp tôi một việc hay để tôi tự hào được là đồng đội của họ ở chiến trường, đồng nghiệp trong ngành, là bạn giữa đời thường không chỉ có hoa thơm và trái ngọt.

T.H.Q   
(TCSH386/04-2021)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN NGUYÊN HÀO  

    Lòng nhân ái của Bác Hồ dành cho mọi người dân Việt Nam; tình yêu thương ở Bác lan tỏa đến những người nô lệ mất nước và những người cùng khổ trên khắp thế gian, cho những người da đen bị phân biệt chủng tộc, cho cả những người da trắng bần cùng, cho những người phụ nữ các nước đế quốc thực dân có chồng con bị đưa sang Việt Nam và nước thuộc địa làm bia đỡ đạn; và cho cả chính những người lính ở bị đưa đi đánh nhau và nhận những cái chết oan uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

  • HÀN NHÃ LẠC

    Thêm một giọng ca tài danh từng tôn cao giá trị di sản ca Huế vừa ra đi: nghệ sĩ nhân dân Minh Mẫn vừa qua đời ngày 13 tháng ba năm 2018, nhằm ngày 26 tháng giêng âm lịch.

  • ĐẠI HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ NHẤT

    (Trích bài phát biểu của đồng chí Vũ Thắng, nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tại Đại Hội)

  • HÒA ÁI   

    Đến nay, những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch đã trở thành di sản của dân tộc. Những bài thơ chúc Tết của Bác trong mỗi dịp Tết đều toát lên tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử.

  • PHẠM PHÚ PHONG
              Du ký  

    Do cách chia thời gian theo ngày tháng, người ta thường coi thời gian trôi/ đi qua, nhưng thực ra thời gian vẫn đứng yên đó thôi, chỉ có con người và vạn vật trôi qua dưới con mắt chăm chú, kiên trì và nhẫn nại của thời gian.

  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH

    Là em gái của anh nhưng khi tôi được sinh ra anh đã tròn hai mươi tuổi. Những gì nhớ về anh chỉ là ký ức tuổi thơ trong khu vườn tranh thỉnh thoảng anh về.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
       (Viết từ lời kể của cựu chiến binh Đặng Hà)

    Tôi tình cờ đọc được thông tin Hải quân Mỹ lấy thành phố Huế để đặt tên cho một tuần dương hạm mang tên USS Hue City (CG-66). Tuần dương hạm này thuộc lớp Ticonderoga, trang bị tên lửa, gắn với trận đánh Trung đoàn 1, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tham chiến Huế vào dịp Tết Mậu Thân.

  • NGUYỄN TỰ LẬP  

    Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam cách đây tròn nửa thế kỷ (1968 - 2018).

  • Những tượng đài thiêng liêng trong lòng dân Quảng Điền   

    NGUYỄN QUANG HÀ
                             Bút ký 

  • Thái độ về cuộc Cần Vương

    Người thẩm vấn (NTV): Ông có phải là kẻ hâm mộ người anh hùng cuối cùng trong cuộc tử chiến chống người Pháp đó không?

  • CHƯƠNG THÂU

    Hồ sơ Thẩm vấn là tập tài liệu khá khá dày dặn của Hội đồng xử án Tòa Đề hình của chính quyền thực dân để chuẩn bị xử Phan Bội Châu vào ngày 23/11/1925 tại Hà Nội.

  • LTS: Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sĩ Phan Bội Châu, Sông Hương được tiếp cận với bản thảo “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925: Hồ sơ thẩm vấn”. Đây là nguồn tư liệu quý, nằm trong tập Bổ di II lần đầu được công bố về vụ án chí sĩ Phan Bội Châu.

  • Cuối mùa hè năm 1978 chúng tôi là lứa lưu học sinh đầu tiên được tới Liên Xô bằng máy bay, trước đây chỉ đi bằng tàu hỏa liên vận qua Bắc Kinh. Đối với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ, nhất là những người lính sau mấy năm chỉ sống ở núi rừng, Moscow thực sự là thiên đường.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Dưới thời Pháp thuộc, những năm đầu thế kỷ XX, để ra được một tờ báo - mà lại báo tiếng Việt do người Việt quản lý tại Kinh đô Huế quả thực nhiêu khê và vô cùng khó khăn, phức tạp.

  • ĐẶNG NHẬT MINH

    Tôi vẫn còn nhớ đinh ninh cảnh quay đầu tiên của phim Cô gái trên sông vào tháng 10 năm 1987 là cảnh Liên, nhà báo nữ (do Hà Xuyên đóng) đến bệnh viện Huế tìm gặp Nguyệt (do Minh Châu đóng).

  • THÁI KIM LAN

    Con đường ấy, từ dốc cầu Gia Hội đổ xuống, dọc theo con sông nhánh trước kia còn gọi là sông Đông Ba, Hàng Đường, rồi Bạch Đằng, lấy tên dòng sông chảy qua chùa Diệu Đế, qua cầu Đồng Ba, về Bao Vinh, ngã Ba Sình, con đường mang nhiều vẻ lạ, nó mang phố về biển khơi và chuyên chở tứ xứ về kinh thành, vốn là phố cổ một thời với những căn nhà gỗ kiến trúc thuần Huế, nơi những gia đình thượng lưu, quý tộc định cư  một thời quan quan thư cưu

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đại diện Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên và Ủy ban Nhân dân Trung Bộ đóng tại Huế đã đến mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một tiến sĩ Nho học yêu nước, một nhà báo nổi tiếng, một người không đảng phái ra Hà Nội gặp cụ Hồ.

  • HƯƠNG CẦN

    Vài năm lại đây, báo chí thường nhắc đến ông hai lúa Bùi Hiển (Thủ Dầu Một, Bình Dương) tự chế thành công chiếc máy bay trực thăng vào năm 2012, ông làm chiếc thứ hai vào năm 2014.

  • VŨ HẢO

    Tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

  • Kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh 

    BÙI KIM CHI