Nhớ con!

10:11 28/10/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

Cô thôn nữ xinh như huê, lốc thốc bế con vào thành phố, nhà cao tầng, nước máy đèn điện, tiện thì tiện thật, nhưng nó cứ thế nào. Nhớ tiếng gà kêu, chó sủa, nhớ mùi lúa chín mỗi chiều theo gió đồng thổi rào rạt trên đầu ngọn tre. Nhớ cả cái mùi nồng nồng phả ra từ chuồng trâu có mấy con đang lười biếng nằm nhá cỏ. Nhớ là vậy, nhưng gái theo chồng, rồi cũng quen. Thành phố nhiều cái sướng. Nước non chả phải gánh, cứ mở vòi là có, nhưng vẫn hôi hôi thế nào. Chẳng bằng nước giếng quê mình, ngọt lừ, mát lạnh. Đường phố cứ như những dòng sông, tuôn chẩy toàn người, thành dòng, thành đợt, xanh đỏ đủ màu, cũng  vui mắt.

Lương ba cọc ba đồng, để nuôi con, việc đầu tiên là phải kiếm. Cách kiếm đơn giản nhất là chăn nuôi. Chả phải học ai, “toi loét” thì rộng, trắng tinh, không lẽ cứ vào đấy ngồi suốt ngày. Thả một chú heo, chỉ nhỉnh hơn con mèo thôi mà. Lúc đói nó gào, nghe cũng vui tai. Bố nó nấu rượu, nghề gia truyền, không dùng thì phí, hèm, bã cho vào nồi cám. Rượu bỏ mối hàng cơm cuối phố, chiều chiều mấy xô nước rác xách về, chú heo con sướng nhá. Đi làm cả ngày, về đến nhà lại tối mắt tối mũi, mấy chậu hoa ngoài ban công rỗi đâu mà ngắm. Luống hành, chậu ớt thay vào, tươi ngon mà đỡ phải mua, thì  cũng vẫn cứ sướng như ở nhà quê vậy.

Tin nhà thơ nấu rượu, mà rượu ngon, kỹ thuật gia truyền lan nhanh trong bạn bè. Nhấp ly rượu nhà cất, đọc cho nhau nghe mấy vần thơ mới viết. “Tửu phùng tri kỷ” còn cái sướng nào bằng! Nhớ lại những năm tháng ở rừng, rau rừng nấu thịt hộp, thơ lính, bài “Cây khoai môn” thằng nào nhớ không? “Trên rừng nhớ nhất cây khoai môn/ củ nó luộc lên ăn rất ngon/ dọc nó nấu canh ăn cũng được/ lá nó hao hao giống cái...” Và rượu say. Và cười nghiêng ngả.

Rồi thì khách ở quê ra. Ngủ lại vài đêm đi thăm thành phố. Lòng rộng còn hơn nhà rộng. Lúc đông, trải chiếu ra hành lang. Gió ù ù, đèn thành phố sáng suốt đêm, còn hơn cả trăng rằm quê mình. Rượu nhà nấu bày ra, kể chuyện quê ta đô thị hoá: “Xã ta nay có số nhà/ làng ta nay đã đổi ra thành phường”. Rả rích thâu đêm. Nhưng chả có lò rượu nào, chuồng heo nào kham nổi cái tốc độ tràn cung mây ấy. Chỉ vài tháng, heo đi đàng heo, chõ đi đàng chõ. Dẹp tiệm. Tính kế khác.

Bạn cùng quê, gặp nhau cà phê quán cóc, rút gói ba số mới cứng ra mời. “Sang quá nhỉ, Làm lớn hả?”. “Lớn gì đâu, cán bộ chi viên, trường cấp một, phường ven đô. Nuôi heo, có lãi, sắm chiếc xích lô, chiều chiều chở khách. Kiếm được. Muốn? Tớ truyền nghề. Thong dong lắm ông ơi. Ngày nào cũng dạo phố, gió mát trăng thanh, khoẻ người, lại có tiền”.
Lớp đào tạo lái xích lô tại chức, miễn phí bắt đầu.
Đúng hẹn, khoảng sau mười giờ tối, anh bạn đến đón đi. Ra chỗ trung tâm, đường rộng, hồi đó còn vắng. Đổi chỗ cho nhau, quẹo trái, quẹo phải, vòng số tám, ghếch càng chạy hai bánh... chỉ cỡ một tuần là “rành sáu câu”. Khuya tan lớp, hàn huyên bên quán cháo lòng góc phố. Rượu nhà mang đi, cháo lòng đêm bà này nấu được. “Vấn đề là kiếm được khách. Chỗ tớ hồi đầu, chiều nào cũng có mấy cô gái, mắt xanh môi đỏ, gọi chở ra công viên. Tưởng đi hóng gió, hoá ra đi làm điếm. Hôm nào trúng, nó bao ăn mệt nghỉ”. “Còn hôm ế?”. “Thì nhịn chứ sao”. “Sao không lôi  vào chỗ vắng vắng bắt nó... thanh toán?”. “Ôi dào! Hồi mới gặp, nhìn cứ tưởng tiên. Nay tối nào cũng chở chúng nó đi, cứ nghĩ đến cái cối giã cua ở quê mình. Kinh bỏ mẹ!”.

Học xích lô để đi chở đĩ! Kế hoạch bất khả thi. Tìm cách khác vậy.
Loay hoay rồi cũng qua. Làm thơ, viết báo, viết sách, ai thuê gì làm nấy, chịu khó tùng tiệm, không những đủ ăn, cũng còn dư chút đỉnh. Nhưng thằng cu năm nào mẹ nó bế vào, nay lớn phổng, sắp thành một chàng trai bảnh rồi. Lại con em nó, khai sinh thành phố hẳn hòi. Học hành là một chuyện, còn tương lai? Không ở chung cư mãi được, thằng cu nghịch như quỷ. Không như con người ta lên xuống bằng cầu thang. Nó ư? Cứ theo tay vịn tụt cái ào, mấy cái ào là xuống đến đất. Còn lên? Cũng không như người ta, nó lên nhà bằng ống cống thoát nước, thoăn thoắt như khỉ trèo cây! Hàng xóm không dám kêu, sợ nó giật mình. Để về mách bố nó.

Sang nhượng, trao đi đổi lại vài lần rồi cũng được một căn tạm coi như ý. Nhất cận thị, nhị cận giang. “Thị” thì ngay đầu hẻm, còn “giang” thì có con kênh nước đen chảy sau nhà. Chỗ này buôn bán được. Không gì hay hơn mở quán cháo vịt tiết canh. Tiết canh hãm kiểu quê, có úp ngược vỗ đít cũng chả long chân được. Kiếm được, rồi cất nhà. Nhà thì thế này nói để mẹ nó nghe: “Một trệt, hai lầu, một sân thượng. Về hưu, hai vợ chồng lên đấy, ăn lương hưu, ngắm trăng, làm thơ. Đọc mẹ nó nghe mấy câu thơ mới làm. Còn anh em nó, có gia đình, mỗi đứa một lầu, tầng trệt không mở quán thì cho thuê. Sống được”.
Năm tháng cứ thế trôi đi, thằng cu nghịch ngợm năm nào nay phổng phao thành một chàng trai thông minh, ria mép lún phún, đỡ bố được khối việc. Còn con bé, trắng bóc, nhổ giò, chân dài như người mẫu. Anh em nó học về lại chúi đầu vào “anh tẹc nét”. Cái ấy hay, nghe nói nó như quyển sách, trong ấy cái gì cũng có. Lại nghe nói nó như cái thùng thư, ngồi nhà có thể thư đi khắp thế giới..

Một hôm, đang ăn cơm, thằng bé bỗng nghiêm trọng tuyên bố một câu xanh rờn: “Bố! Con lấy vợ!”.
Tin đâu như sét đánh ngang. Vừa mừng vừa lo. “Ối giời ơi! Mày lấy ai?”. Mẹ nó rên rỉ.
Chuyện là thế này, con bé lên mạng, chát chít tận bên nước Mỹ, quen một con bé trước ở bên quận Tám, người Sài Gòn, nay là Việt kiều, nhập quốc tịch, đã thành người Mỹ. Con bé nhà mình giới thiệu ông anh, cho xem cả ảnh, chát qua chít lại, con kia mến lắm, quyết về Việt Nam cưới cho bằng được, chuyện đã mấy tháng rồi nhưng chúng nó giấu. “Tuần sau nó về, bố mẹ ra sân bay đón nó. Ảnh đây”. Bức ảnh gửi qua “anh tẹc nét”, bằng cái móng tay, nhoè nhoè, mờ mờ, nhìn không rõ mặt.

Hôm ra sân bay, vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Không biết mặt mũi con bé thế nào?! Chân tay có thừa có thiếu cái nào không, hay chân dài chân ngắn, bước đi, một chấm, một phẩy thì bỏ mẹ. Ảnh nó gửi về đâu có chụp chân tay! Nhưng nó kia rồi, lành lặn, sáng trưng, Việt kiều có khác, Con bé nhà mình dẫn đến chào hai vợ chồng, thằng cu thì có hơi bẽn lẽn. Mới lần đầu gặp nhau mà. “Chào bố mẹ. Ba mẹ con không về được. Ở bên ấy ai cũng phải đi làm. Nghỉ thì mất việc, mất việc là mất tất. Ông cậu con bên quận Tám, ngày mai sang thưa chuyện. Bố mẹ đồng ý là chúng con tổ chức luôn. Con còn phải về Mỹ đi làm. Thời gian gấp lắm.”

Ông cậu xương xương, dáng người khắc khổ. Thùng bia mua sẵn tiếp nhà gái, loáng cái vơi nửa thùng. Yêu cầu nhà gái đưa ra cũng khá rắc rối. Nào là mâm ngũ quả, trầu cau, hương đèn đủ thứ, nhưng mang sang nhà gái thì mang đi đâu? Hoá ra chẳng cậu cháu gì. Nhà con bé trước ở gần một ngôi chùa tư nhân, “ông cậu” làm thầy cúng, nhà gần đấy. Gia đình con bé đi hết không còn ai. Về đây nó nghỉ khách sạn, hôm nay bận đi đưa quà, không đến được, nó nhờ. Như vậy ông không phải đại diện nhà gái, chỉ là hàng xóm, yêu cầu hai bàn cho cả gia đình ông và ông anh cũng có thể, xin cứ đến dự, chỉ yêu cầu là không thay mặt ai, không phát biểu gì. Mọi việc nhà trai lo tất. Nhất trí 
chưa? Rồi! cụng ly.

Mọi việc rồi cũng xong, thằng cu có giấy xanh giấy đỏ gì đấy, sang Mỹ theo vợ. Còn con bé nhà này cũng “đẹp duyên” với thằng anh họ con vợ thằng lớn. Cũng kéo nhau về bên kia.
Căn nhà mênh mông, một trệt hai lầu, vợ chồng lủi thủi ra vào. Đi đâu cũng chẳng dám ngồi lâu, chẳng lẽ để bà ấy ngày nào cũng ở nhà một mình ôm cái tivi, một con chó với... hai con mèo
Còn chúng nó ở bên kia giờ ra sao? Chẳng có lấy mụn cháu để bế! Mà... nó là thằng tây con, có ru nó cũng chả hiểu gì!
                         TP.HCM, 20 - 0 1- 006
                        N.T.H

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • VÕ CÔNG LIÊM
         Tặng: Mai Ninh

    Buổi mãn khóa ra trường ở Đại học Văn Khoa vào một sáng trời trong, gió từ sông thổi lên, len vào những mái tóc thề lả lướt, ướt mượt trông gợi cảm.

  • LÊ MINH PHONG

    Người đàn ông miền quê lại dừng xe để sờ lên xác vợ mình. “Còn ấm lắm em à.” Ông nói và bỏ mặc những ánh mắt sợ hãi của dòng người trên phố. “Ta về thôi em.” Người đàn ông nói.

  • PHẠM DUY NGHĨA

    Chiếc áo kẻ màu tím sẫm.
    Một chiều thu ảm đạm tôi rời công sở sớm hơn thường lệ. Trên đường về qua khu chợ ven đô, tôi quyết định tìm mua một chiếc áo hàng thùng.

  • CUNG TÍCH BIỀN

    Dòng họ Trần cụ Lội được tiếng là sống lâu, ai nấy thân thể cường tráng, tính tình có hơi ương ngạnh nhưng tình dục rất bền.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    Phận má hồng

    “Trời xanh quen thói má hồng
    đánh ghen”
    (Truyện Kiều)

  • VŨ VĂN SONG TOÀN

    Pháp trường.
    Cơn mưa thu bất thần ập xuống. Bãi hành quyết lấp xấp nước. Dòng nước trộn máu đỏ chảy về phía bờ sông. Cờ phướn phấp phơ trong gió lạnh. Mùi tanh lợm cuốn đi bốn phía.

  • MỘC MIÊN

    “Trời ơi là trời, sao tôi khổ vậy trời! Mày báo tao gần ba mươi năm trời chưa đủ sao?”

  • TRU SA

    Tôi từ sớm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Để mọi chuyện thuận lợi, tôi đã phải bước đi thật rón rén, tránh những âm thanh quá lớn có thể đánh thức bà ta.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1.
    Mùa hè sắp hết.
    Và cơn hấp hối của kẻ sắp rời khỏi thế gian bạc nhược.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Làn sóng người mỗi lúc một dày hơn, ai cũng lách mình cố tìm một vị trí thuận lợi hơn để thưởng thức các tiết mục quá hay quá đẹp…

  • PHẠM DUY NGHĨA

    1.
    Nhà tôi ở trong thung lũng. Nhiều năm trước, khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vùng tôi ở được chứng kiến một sự lạ thường.

  • VĨNH NGUYÊN

    Cho đến bây giờ, người dân hai làng Vĩnh Tuy, Trung Trinh đều không biết hai ông Kẻ Khoán họ gì, tên gì? Chỉ biết rằng họ rất “nổi tiếng”. Nhân một mâu thuẫn về đất ruộng, hai ông cãi nhau, đánh nhau đến kiệt sức rồi chết cùng một lúc ngoài đồng. Họ thành nấm mộ chung, còn gọi Mả Ngài!

  • TRẦN THÙY MAI

    Bây giờ, Ng. cũng không nhớ tại sao hai người lại chọn cái thị trấn xơ xác ấy làm nơi gặp gỡ. Mười năm trước họ không biết gì về nó, ngoài địa danh bất chợt nhặt ra từ trí nhớ mông lung, địa danh mơ hồ, gợi lên một vùng đất xa xôi ven biển.

  • NHỤY NGUYÊN

    Sao tôi không dừng lại. Tại sao tôi vẫn bước trong lúc nàng phía sau. Lùi xa hun hút. Sao tôi không lội ngược ký ức vớt nàng lên dưới những tiềm thức vọng động. Sao nàng lại ẩn dưới bề sâu tâm thức tôi.

  • PHẠM THỊ THÚY QUỲNH

    Bệnh viện tựa chú voi trắng rầu rĩ, rệu rã vì tật bệnh và mùi thuốc bứ đặc. Ngoài nhà chờ, la liệt người nằm trên những chiếc ghế gỗ dài đã mục ruỗng, vài người nhà bệnh nhân ủ rũ tựa vào thành ghế chờ đợi tới lượt làm các xét nghiệm cần thiết để thân nhân kịp tiến hành thủ thuật hòng duy trì mạng sống.

  • NGUYÊN QUÂN

    Cô gái dân tộc Pshi, cúi thấp xuống, ánh đèn neon màu nhợt nhạt không khỏa lấp nước da ngăm đen và đôi mắt tròn láy.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    Tôi đã nghĩ đến hắn, rất nhiều.
    Mọi khoảnh khắc tôi có, hoặc ở những nơi tôi đến, chốn nào tôi biết hắn sẽ đi qua.

  • ĐINH PHƯƠNG  

    Nếu tôi trượt tay buông mình ra khỏi cơn mưa. Cơn mưa sẽ không còn là tôi nữa. Tôi hoặc cơn mưa lẫn vào nhau bay trong nền trời xám. Sự đứt đoạn nằm rất rõ ở giữa tôi và cơn mưa nhưng trên phố chẳng ai nhận ra…

  • HỒ TRUNG LIÊN

    Mặt anh hầm hầm, chẳng đi làm, cũng không gọi điện xin phép. Ăn sáng xong anh ngồi vào bàn bật máy tính. Hình nền con mèo xuất hiện. Nó nhìn anh rất lạ, đôi mắt tinh anh ngờ vực người đối diện mình, có lẽ muốn nhảy.

  • DƯƠNG THÀNH VŨ

    Tôi vốn mê văn chương, lòng say mê ấy không giúp tôi viết được một câu thơ đoạn văn nào cho ra hồn nhưng lại khiến tôi trở thành kẻ bán sách cũ ở vỉa hè.