Nhớ chim

16:27 27/11/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

“Phi thương bất phú”, ông bà bảo vậy. Nghỉ làm thi nhân, ông chuyển làm doanh nhân, mở quán, chuyên trị tiết canh vịt. Tiết canh ông đánh ngon, càng nổi tiếng, khách khứa tập nập tối ngày sáng đêm, ưu ái gọi quán ông là  “Quán Cạc”, phỏng tiếng kêu của loài gia cầm đáng yêu này.
Gọi là vịt nhưng thực tế là ngan. Ngan là một loài ba phải, đầu lúc nào cũng gật gù, là ngan nhưng gọi vịt cũng không cãi, giống mấy ông thanh tra điện kế điện tử, hay mấy ông Liên đoàn bóng đá. “Kệ. Ngan cũng là một thứ vịt, nhưng to hơn, nhiều tiết lắm bác ạ!”. Ông bảo tôi vậy.
Quán đông, từ sáng tới khuya, xem ra có lãi. Đang “liên tục phát triển” bỗng thấy ông đóng cửa, dẹp tiệm!? Anh em, bạn bè mất một địa chỉ tụ tập hấp dẫn. Hỏi? Ông chỉ cười.

Nhà ông trong một hẻm nhỏ, gần chợ. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tiện lợi nhiều đường bác ạ”. Ông bảo tôi thế.
Cái sân thượng nhà ông rộng giỏi lắm khoảng hai mươi chiếc chiếu. Không làm thơ, không mở quán, ông xoay ra “làm vườn”. Một chiếc bể cạn lớn, xây xi măng, uốn éo, có hòn non bộ, có ngư ông, tiều phu, có cây si già nhúng bộ rễ xuống nước, có “chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”, y như thật. Người ta thả cá vàng, cá kiểng thì ông nuôi cá chép, cá rô phi, cá điêu hồng... Được chăm sóc tốt, lũ cá phổng phao, sinh con đẻ cháu lũ lĩ. Góc vườn, mấy cây chanh, ớt xum xuê, mấy luống rau thơm, húng cây, húng chó... mấy chậu hành, ngò thơm ngát không gian. Bụi đinh lăng cành nhánh xanh tươi, lá toẽ chân chim “như thêu ren, chạm khắc”. Một cây nguyệt quế lặng lẽ toả hương. “Mảnh vườn treo Babylone” xinh xắn, bé tý, vậy mà đâm ra có duyên, cũng suối khe róc rách, cũng dập dìu ong bướm lả lơi.

Hôm mời chúng tôi đến chơi, Ông thổ lộ: “Chả biết làm quan sướng như thế nào chứ làm quán cực lắm các bác ạ. Bất cứ ngồi đâu, làm gì, suốt ngày điện thoại réo: “Ông đang ở đâu? Chúng tôi đang chờ ông đây này!”. “Bố về ngay, các bác đợi cả tiếng rồi!” Thế là ba chân bốn cẳng chạy về. Từ mờ sáng tới canh khuya, thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện nắng, chuyện mưa. Chuyện chẳng ra nắng, chẳng ra mưa, chuyện văn chương, học thuật... Chuyện nào hay lại “Dzô! Dzô!”.  Luận về  phim ảnh nước ta, bèn có thơ rằng: “Ngồi buồn kéo phẹc xem chim - Còn hơn vào rạp xem phim nước mình!”. Thế là đủ để: “Dzô!Dzô!”. Ngày không biết bao nhiêu cuộc, mỗi cuộc bao nhiêu ly!?
-“Thận tôi vốn yếu, cứ mỗi bàn một ly, suốt ngày, đâm ra mắc cái bệnh đái đường từ đấy. Mình là người tử tế, tự nhiên mắc cái bệnh tên nghe chả ra làm sao cả. Thôi thương nhau, tôi “quy hoạch treo” cái vườn này, mời các bác đến chơi”.

Xuất thân quân ngũ, lại có biệt tài nấu nướng, chỉ loáng sau, mấy con cá rô phi vừa nãy tung tăng, giờ được nướng trên than hồng thơm phức, nhờn mỡ, ngay ngắn xếp hàng như lính trên đĩa. Món gỏi cá điêu hồng và nồi cháo cá chép bốc khói ngạt ngào, thơm nhức mũi đã trong tư thế sẵn sàng. Rau trên cây, vặt cả cành, ớt trong chậu, cắn cả trái, ngọn đinh lăng tươi rói, ăn đâu ngắt đấy, rượu Bàu Đá tràn ly, nồng nàn tình bè bạn. Cuối vườn “mùi nguyệt quế hương” thoang thoảng...
Chúng tôi thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời, rau sạch, cá sạch, lương tâm sạch, đậm đà hương vị dân dã, rất khó tìm nơi quán hàng sang trọng thời buổi kinh tế thị trường.

Không biết tha nhặt những đâu, vườn ông treo đầy chim, lúc nào cũng véo von tiếng hót. Con cưỡng già to mồm, lanh lảnh rộn ràng hẻm nhỏ. Con cu gáy rù rì xa vắng những trưa hè, gợi nhớ đồng quê ngát hương. Con sáo đá luôn mồm khi khách đến: “Má mày, má mày! Kẻ chộm, kẻ chộm!”.
Ông kể: - Một lần ra ngoại thành, ghé quán thịt chó, ông gặp “nó”. Chủ quán than thở:”Khổ lắm bác ạ! Nhà cháu bán quán, lũ trẻ dậy thế nào mà “nó” suốt ngày chửi khách, chắc cháu phải thả quá!” _ “Ấy chết! Động vật qúy hiếm, ông để tôi lo”. Và ông rước “nó” về. Sáng sáng ông lên sân thượng chửi nhau với chim: “Má mày, má mày! Kẻ chộm, kẻ chộm!” Chửi riết, không còn biết thằng nào chửi má thằng nào, mà trong hai thằng, thằng nào đích thực là: “Kẻ chộm”?

Vừa rồi, đại dịch cúm gia cầm H5N1. Báo đài dồn dập đưa tin. Tỉnh A, huyện B vừa phát hiện ổ dịch. Hàng triệu gia cầm phải thiêu hủy. Cả chim di trú, con cò con vạc cũng dính luôn. Đã cúm thì vô phương. Có thuốc nào trị nổi đâu!?  Dính là “A lế , A lề! Hấp!”. Nghe cũng run.
Một sáng chuông cửa réo. Đoàn cán bộ nghiêm trang được mời vào phòng khách. Một cô rất trẻ, áng chừng VIP, mở lời:” Cháu là phó chủ tịch phường, được giao nhiệm vụ tiêu diệt cúm gia cầm. Nghiêm chỉnh chấp hành lệnh trên, chúng cháu đến thăm và xin hỏi:” Bác có chim không ạ?”. Ngớ ra một phút, ông trả lời: “Có chứ, ai chả có”. -“Vậy xin Bác xử lý cho, bằng không, Bác giao chúng cháu, phường sẽ tổ chức thiêu hủy tập trung, đảm bảo yêu cầu trên giao?”. –“Giao thế nào được. Đem nó đi xử lý, thằng tôi còn ra cái giống gì?”. Căn phòng lặng đi trong một phút, rồi oà vỡ trong tiếng cười. Cô phó chủ tịch trẻ, mặt  đỏ như son: “Ấy không. Là cháu muốn hỏi nhà Bác có nuôi chim không ạ. Chim cảnh ấy?”.–“Có. Chim cảnh thì có. Một số con. Tôi cũng đã thả rồi nhưng chúng nó không chịu đi. Quanh quẩn một lúc lại chui vào chuồng, như gà công nghiệp ấy. Mất khả năng tự kiếm sống rồi. Giống mấy cái doanh nghiệp nhà nước, sắp tới vào WTO, không trước thì sau, chắc cũng chết đói thôi.”
Nghe nói, rồi ông cũng đã cho người nhà mang ra tận bãi sông, tháo cũi sổ lồng cho cả lũ.

Thi thoảng ghé thăm. Ông không mời rượu Bàu Đá với gỏi cá điêu hồng nữa mà mời uống trà. Trà ông pha chậm rãi, cầu kỳ, trong im lặng.
Ông trở nên ít nói, trầm tư, cứ như người mất hồn, đãng trí. Chắc là ông nhớ chim? Bây giờ ai cho chúng ăn? “Hội nhập” với cuộc sống ngoài kia, mạnh được yếu thua, “gà công nghiệp như chúng mày, làm sao sống?”. Mấy con sáo đá quên mất tiếng chim rồi. “Má mày, má mày” lũ chim ngoài kia làm sao hiểu? Còn “Kẻ chộm, kẻ chộm!” thứ ấy  hình như chỉ có trong “cõi người” thôi, chúng mày sẽ sống như thế nào?
Sáng sáng lên dọn vườn. Cái vườn giỏi lắm bằng hai mươi chiếc chiếu, loáng cái xong ngay. Bâng khuâng nhớ cái ngày chúng nó còn đây, sáng sáng chửi nhau, ông chửi nó, nó chửi ông “Má mày, má mày! Kẻ chộm, kẻ chộm!”.
 Ông pha bình trà. Rửa trà, tráng ấm, chén tống, chén chuyên, công phu, lặng lẽ. Một mình bên ấm trà, nhìn ra mông lung, ngóng đến một chân trời, tuồng như quen miệng, lẩm bẩm, lẩm bẩm: “Má mày! Má mày! Hội nhập! Hội nhập!”

Thành phố Hồ chí Minh, Noel 2005
                            N.T.H

(nguồn: TCSH số 206 - 04 - 2006)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)

  • CHÍ CÔNGNghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm được nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp và hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền sát thực tế.

  • VĨNH QUYỀNXe vượt qua một khúc quanh, màu lúa xanh rờn đột ngột hiện ra phía trước. Chúng tôi vừa để lại đằng sau thành phố Huế cổ kính. Hai ngày qua, chúng tôi đã đi thăm và làm việc ở đấy.

  • ĐẶNG THỊ HẠNH                 Tùy bútVề cái thị xã cỏn con mà chúng tôi đến vào cuối đông năm ấy, ký ức tôi giữ lại còn bị giới hạn hơn nữa, do bao giờ không gian về một nơi nào đó ta giữ lại từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cuối cùng cứ hẹp dần lại để chỉ còn rút lại ở không gian ta quen thuộc nhất.

  • PHAN THỊ THU QUỲCách đây trên 80 năm, trên con đường làng ấy, đến tết, dưới hai bụi tre Là Ngà mát mẻ người ta thường đánh bài chòi. Một công tử họ Phan ở làng Đốc Sơ làm trong triều nội với chức Hàn lâm viện Biên tu, và một thiếu nữ họ Bùi con nhà giàu làng Đốc Bưu, ngồi bên chòi thành hai phe. Hễ công tử đi một con bài thì thiếu nữ trúng và ngược lại.

  • HÀ THÀNHChúng tôi chuẩn bị hành trang theo đoàn công tác đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế, sang làm việc với tỉnh Xa-ra-van nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Để chuẩn bị đón nhận các hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Lào về nước.

  • ĐỖ NGỌC YÊN(Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)Vào một sáng đầu thu, tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự, Hà Nội, nơi nhà văn Bùi Hiển đang sống cùng con cháu. Ông là một trong số những người đầu tiên tham gia thành lập Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên tháng 10 năm 1950, tổ chức tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hiện nay.

  • NGUYỄN QUANG HÀ                          Hồi ký(Kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế)

  • VŨ ĐÌNH HÒE       Trích đoạn trong cuốn Hồi ký "Pháp quyền - Nhân nghĩa Hồ Chí Minh".

  • THÁI KIM LAN       Viết tặng Lisa Eder

  • PHẠM NGỌC CẢNH                        Bút ký Sau này tôi mới biết cụ Đỗ Tất Lợi. Dành dụm mãi tiền sinh hoạt phí của một anh lính, tôi ra cửa hàng sách quốc văn. Mua một cuốn Nam dược... về đặt đầu giường như cái gối. Gối lên những kỷ niệm về cây, về lá để nhớ thương bà. Những trang viết về cây ngải cứu, cây thạch xương bồ, cây bồ công anh hay như những bài thơ. Những trang viết về củ nghệ, củ gừng, quả mướp đắng, trái me chua phúc dày như kinh Phật.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠOKim Mai thân nhớ,Ngày giáp Tết, tôi về miền thơ ấu. Cây đa cổ thụ, ngôi miếu rêu phong vẫn đứng giữa đồng quê như đợi như chờ từ vạn kỷ.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNG                               Bút ký Dải đất Việt khi chạy dài vào tới miền Trung thì xép lại trong một khúc eo. Một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ che chắn. Một bên là biển rộng sóng vỗ bờ.

  • NINH GIANG THU CÚC                         Ghi chép Thuở còn bé tí tẹo tôi thường được người lớn kể cho nghe chuyện một anh chồng Cọp đi rước Cô mụ (nữ hộ sinh) cho chị vợ đang đau bụng đẻ.

  • TRÍ NHÂN       Truyện kýNăm 1954, đa số cán bộ, đảng viên ở chiến trường miền đều tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chỉ có một số ít cán bộ, đảng viên cốt cán được bố trí ở lại trong vùng tạm chiếm để xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức lực lượng đề phòng địch phá hoại Hiệp định đình chiến.

  • NHẤT LÂM         Bút ký Năm 1948, từ đồng bằng huyện Triệu Phong, chúng tôi vượt quốc lộ 1A lên một xã miền núi, xã Phong An. Hồi ấy rừng bạt ngàn vô tận, xã Phong An chỉ cách thị xã Quảng Trị chừng mười cây số, do núi rừng ngút ngàn, mà trở nên xa vời như xứ sở lạ lùng ngàn dặm. Chúng tôi bảo nhau: đề phòng cọp từ bụi rậm vồ tươi như đùa. Nhìn núi cao và cây rừng trùng điệp, con người trở nên hồi hộp, lo sợ mơ hồ; lại đi ban đêm, đi lần đầu giữa rừng, sợ là tất nhiên.

  • HƯƠNG GIANG(Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

  • HOÀI NGUYÊNTiếng tiêu trầm của nỗi cô đơn...

  • TRUNG SƠNTrong số những con vật gần gũi với con người, con mèo không đứng vị trí thứ nhất thì cũng nhì. Chỉ riêng việc chú mèo có đặc quyền thỉnh thoảng "chung chăn" với con người lúc trời mưa rét cũng đủ để xếp chú đứng ở thứ bậc cao trong mối quan hệ với con người. Cũng vì vậy, trong thành ngữ và tục ngữ có nhiều câu nói đến con mèo ngẫm ra khá thú vị.

  • ĐOÀN MINH TUẤN                     Tùy bútĐã từ lâu lắm, nhiều mùa xuân đã qua, nhà văn Đoàn Giỏi có cho tôi mượn cuốn sách rất hay viết về "chó và mèo trên thế giới" của hai tác giả người Pháp Marlyse et Frange.