Những nhịp cầu xứ Huế

14:39 16/05/2025
                    Bút ký

Dòng sông đang hát bên mỗi nhịp cầu

Dòng sông cuộn mình chao nghiêng rồi hắt những chùm tia sáng lấp lánh lên khoảng không gian vẫn còn lưu luyến từng hơi sương lành lạnh vào độ xuân đương thì như cô gái trẻ tuổi xứ Huế lặng thầm xõa mái tóc dài dưới hình hài của sóng và nước theo màu trời mà đổi nhịp sắc hương. Thi thoảng muốn định tâm một chút, thử đổi bước chân đi dọc bờ sông khi nắng lác đác ngơ ngác còn vương vấn chút ít giữa buổi hoàng hôn đã nghe câu hò mái nhì mái đẩy chảy đâu đó giữa dòng trí nhớ mơ màng vang vọng giọng ca cô Dạ Lê mà lòng người xa gần tương tư trong phút giây chạm ngõ đêm Nguyên tiêu này: “Trăng xứ Huế mơ màng màu sữa/ Nước sông Hương như dải lụa vuông dài”, chỉ để sau đó khắc sâu thêm câu chuyện của những chiếc cầu nối nhịp đôi bờ ánh sáng quen thuộc bắc qua con sông thơm huyền ảo như: Trường Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, Bạch Hổ, Tuần, Chợ Dinh, hay Thảo Long... Dĩ nhiên, cũng là vừa đủ để khúc chiết lại hình bóng những con đò đo lường sự tồn tại của không gian và thời gian nơi dòng sông đầy dấu tích của lịch sử và phách hồn xứ Cố đô: “Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,/ Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình,/ Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non”.

Chiếc cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp như một thi ảnh, thi họa quen thuộc trong thơ ca và nghệ thuật hội họa, và cũng là chứng nhân của tình yêu đôi lứa, của cuộc đời số phận theo dòng tâm thức con người ở xứ sở này. Nhắc đến cầu Trường Tiền với những biến thiên lịch sử, những dấu ấn thăng trầm, nhà báo Minh Tự với bài viết công phu dài ba kỳ “Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử” đăng báo Tuổi trẻ năm 2021 lần lượt với các chủ đề: Nhịp cầu nối đường thiên lý; Đi tìm tác giả cầu Trường TiềnChiếc cầu truân chuyên. Minh Tự đã giúp người đọc có cái nhìn khái quát, minh định rõ ràng về lịch sử của chiếc cầu nổi tiếng gắn liền với Huế, được xem như là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng của Huế: “Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương (người Pháp thường gọi là sông Huế), dưới thời vua Thành Thái, nối liền con đường thiên lý Bắc - Nam cách trở đò giang suốt mấy thế kỷ, chấm dứt sự chia cắt ngay giữa kinh đô Huế.”

Từ phía nào đó trong tâm thức vẫn luôn mong khám phá, trải nghiệm thêm nữa, xem liệu có điều gì mới mẻ trên lớp áo của chiếc cầu khi đất trời xứ mộng - Cố kinh vẫn còn vương vấn tình tự hơi xuân. Tôi hình dung và tái hiện lại dung nhan của chiếc cầu đã giữ gìn rất nhiều những kết nối đồng hiện về chiều dài của lịch sử và thời gian mới biết, bấy lâu tôi không quan sát kỹ trọn vẹn từng kết cấu kiến trúc, chỉ nhìn tổng quan từ xa để phán đoán về sự đổi sắc thay màu của ánh sáng giữa ngày và đêm. Lẽ dĩ nhiên dường như thứ ánh sáng tâm thức đặc biệt mà tôi nghĩ đến đó, chúng luôn lặng lẽ rải đều sóng sánh trên mặt nước từ rất lâu rồi, cùng với dáng hình của cây phượng già như một biểu tượng, như một mô tip, một dư ba không thể thiếu được, càng không thể chia tách trong những kết nối của sông Hương với cầu Trường Tiền; sông Hương với cây phượng già ngả bóng hoa đỏ khi vào hè, và sông Hương với hình ảnh giản dị của người đàn bà đội nón lá cùng con đò trôi dọc vững mái chèo khua bốn mùa hoang liêu.

Khá lâu, cũng ngại rẽ hướng về phía cầu Trường Tiền, rồi đi qua Đập Đá, chỉ bởi vì không thuận đường, chỉ bởi vì tưởng chừng mọi thứ ở phố ấy cũng đã xưa và cũ trong nhịp độ phát triển rộn rã, nhanh chóng của đô thị, của những tòa nhà mới, cao ngất bừng lên sức sống ở hướng khác. Vậy mà, khi lắng nghe nắng gió reo vui hớn hở như xứ núi rừng mê mải, thì lại háo hức với ý nghĩ muốn đi về phía đã cũ ấy, để ngó nghiêng tìm kiếm những cảm giác khác. Dù chỉ một cái ngoái nhìn về đằng sau lưng mình, hay dù cố tình ngắm từng nhịp cầu trôi qua mắt lặp đi lặp lại hệt như những thước phim quay chậm cũng đủ để lưu dấu hết mọi góc nhỏ mang hơi thở mùa xuân xứ sở, của Cố đô Huế trong chiều tâm thức giao hòa giữa đất trời - sông nước và vũ trụ.

Trường Tiền và những dáng hình như một giấc mộng trên sông Hương

Phố nối phố trên các cung đường đi bộ thong thả, từ bờ Nam sang bờ Bắc, từ những trảng cỏ xanh mượt chạy dọc theo các công viên từ quận Phú Xuân sang Thuận Hóa. Phố nối với những nhịp cầu bắc ngang con sông Hương dài như một kết cấu hoàn mỹ nhất của đô thị Huế, tựa như cấu trúc của thành phố Paris khi con sông Seine là điểm nhấn và cũng được những chiếc cầu nối dài cảnh sắc thơ mộng. Lần lượt những cầu như Trường Tiền, Bạch Hổ, Dã Viên, Phú Xuân hiện diện cùng cầu vượt sông Hương - cầu Nguyễn Hoàng ở Kim Long đang dần dần lộ ra một vẻ đẹp hoàng kim rực rỡ.

Và, phố nối với phố lúc nào cũng sôi động náo nhiệt của những tất bật áo cơm, của những phút giây chầm chậm bình yên trên khuôn mặt, nụ cười thênh thang của khách du lịch, của người viễn xứ. Tôi bất giác ngoái lại nhìn những gánh hàng rong đầy sương gió ngày qua ngày ở góc bên kia cầu. Nhiều khi thương mà nhớ. Nhiều khi đượm buồn mà thân thiết gũi gần như ảo ảnh vời vợi về những người đàn bà áo nâu sồng của xứ Huế đã từng trẻ đang già đi dưới vành nón lá kia. Có khi đó cũng là một nét đẹp đậm đà thân thuộc lưu dấu khách đường xa dừng chân ghé lại Huế.

Tôi biện giải rằng, những hoang vu giữa chiều hoàng hôn của Huế sẽ khiến tôi biết cách bước chậm lại khi đi qua những nhịp cầu xưa cũ và mới, khi đứng yên lặng ngắm mặt nước sông chảy vào lòng phố Huế. Tôi vừa chạy vụt ngang qua cầu Trường Tiền một lần khác, chỉ để chiều chuộng chút ham muốn được hòa mình vào dấu vết của sự lưu cữu, trầm mặc ở đây. Dù sao đi nữa, nét hoài cổ của Cố đô mới là thứ tâm thức sâu lắng nhất lan tỏa khắp mọi không gian, từ Đại Nội kinh thành xưa cho đến sông Thiêng, sông Thơm như một huyết mạch sống còn trong lòng thành phố.

Thi thoảng trải nghiệm cảm giác một mình lần theo từng bước chân bộ hành trong một không gian nhỏ hẹp, trên chiếc cầu ấy và lắng nghe những động cựa của nước dưới con sông đang chầm chậm hệt tiếng nhịp phách tiền của cô bạn Ý Nhi gõ đều hòa cùng giọng ca nữ du dương tựa hồ như đưa người ta trở về với từng hồi ức lịch sử của một thời trong Cổ thành xưa này vậy. Hay có khi, tôi chỉ cần tơ tưởng những hoài vọng tím biếc lòng yêu của lứa đôi như một thứ dư âm dư ảnh vang vọng mãi rồi bước sang bờ bên kia để ngắm phố thị khi đã bắt đầu lên đèn. Lắm bận, tôi lại hình dung ra dáng dấp của một nữ thi sĩ yêu Huế và dịu dàng trong lòng xứ Huế, bên con sông nặng trĩu gánh tình, gánh đời, và những thăng trầm khi chị viết về những chiếc cầu của Huế đầy nỗi ưu tư gắn bó trước đó trên Tạp chí Sông Hương, nhưng dung chứa cả một tình yêu lớn của chị. Đôi lần, tôi hồ tưởng chị là của Huế, Huế thuộc về chị vừa thực vừa mộng trong cả giấc mơ riêng của ai khác ngay giữa Huế này.

Thước phim đen trắng về cầu Bạch Hổ và những nhịp cầu nối liền nét đẹp văn hóa truyền thống

Cầu Bạch Hổ nằm ở góc Tây Nam của kinh thành Huế, có kết cấu bằng thép, được xây dựng năm 1908, dưới triều đại nhà Nguyễn, có chiều dài 302,1m, nối bờ bắc sông Hương với cồn Dã Viên. Trải qua những thăng trầm và nhiều biến cố lịch sử, từ chiến tranh cho đến thiên tai, cầu Bạch Hổ cũng đã từng được Nhật Bản tài trợ để cải tạo trùng tu trước khi cầu Dã Viên (cầu đường bộ chạy song song) được xây dựng vào năm 2009.

Là một cây cầu đường sắt hiện diện ở Huế gần một thế kỷ, giống như cầu Trường Tiền, cầu Bạch Hổ cũng là một chứng nhân của thời gian chứng kiến những biến chuyển đổi thay, mang nhiều dấu ấn của nhiều kẻ xa người gần ở Huế, và đến với Huế. Đôi khi ngắm sự hiện diện của những chiếc cầu, cứ ngỡ như đôi bờ thực cảnh bên dòng sông Hương dưới ánh sáng của buổi bình minh và hoàng hôn chưa bao giờ thôi rạng rỡ, lấp lánh. Chiếc cầu Bạch Hổ dù chỉ bé nhỏ, nhưng vừa đủ trở thành điểm nhấn không thể thiếu của Huế. Một buổi chiều, từ Thuận Hóa sang Kim Long - Phú Xuân, dừng xe ở trạm đèn xanh đèn đỏ chờ tàu, tôi tò mò ngó nghiêng một gốc cây chênh vênh ngả ra phía bờ sông, ngỡ ngàng man mác thấy cảm giác quen thuộc nào đó như mình đã lâu vẫn hồ tưởng mơ mộng về bóng dáng của một nỗi cô đơn ngàn năm tuổi ở bên kia đại dương của Wanaka Tree vậy.

Cầu Bạch Hổ phải đâu chỉ là một cây cầu của ký ức, người ở xứ Kim Long như thi sĩ Nguyễn Lãm Thắng, dăm lần cũng đã có những khoảnh khắc chạm vào cảm thức suy tư với khung ảnh đen trắng chụp từ thời điểm nào đó xa xôi lắm bên cạnh sự đối sánh đượm sắc mùa xuân trên lộc non vẫn còn vương vấn hơi sương buổi sớm. Cả con sông và chiếc cầu cùng với màu trời xanh đượm thêm chút ánh sáng của mặt trời, bất thần trở thành một vẻ đẹp hoàn mỹ. Cầu Bạch Hổ trước đó được gọi tên theo Đại Nam nhất thống chí, bản đời Tự Đức (Nxb. Thuận Hóa, Huế 1992) vào năm Minh Mệnh thứ 20 là cầu Lợi Tế.

Bên cạnh cầu Bạch Hổ và cầu Dã Viên là chiếc cầu khác chạy song song được gọi tên là cầu Mới hay cầu Phú Xuân. Bắt đầu thi công từ 1970, cầu có chiều dài 317,5m, rộng 12m, với tải trọng 18 tấn. Kiến trúc của cầu đơn giản, nhưng lại khá hữu dụng trong việc mở rộng thêm hệ thống giao thông quanh bờ sông Hương. Cầu Phú Xuân cũng đã được tu bổ nhiều lần. Câu chuyện về chiếc cầu nằm giữa lòng thành phố bắc qua sông Hương có tên gọi trước đó, cầu Mới, là sự nối kết từ ý niệm mong muốn của việc xuất hiện thêm một chiếc cầu là thêm một ánh sáng bắc qua sông Hương, mở ra cánh cửa cho giao thương đi lại, cho cảnh quan của Huế đổi thay theo nhịp sống đô thị mỗi ngày. Gọi cầu Mới, chỉ đơn giản, vì đây là chiếc cầu mới nhất được xây dựng sau cầu Trường Tiền và cầu Bạch Hổ. 

Cầu Chợ Dinh, nối quận Phú Xuân với quận Thuận Hóa thuộc thành phố Huế, được xây dựng năm 2000, gồm 9 nhịp, dài gần 400m và rộng 14m. Cầu nằm ở phía bắc thành phố Huế. Nhắc đến những chiếc cầu bắc qua sông Hương không chỉ mang tính kết nối thực chất về khoảng cách địa lý mà còn là sự cộng hưởng bắt nhịp về du lịch khi những bức tranh tường khổ lớn khắc họa hình ảnh của các danh lam thắng cảnh xứ Huế như: cầu Trường Tiền, biển Thuận An, chùa Thiên Mụ, cầu ngói Thanh Toàn,… chính là hình thức quảng bá khá hữu hiệu đến du khách. Mọi sự kết nối của tạo hóa đều là duyên. Tôi chợt nhớ lại cuộc gặp gỡ với cậu bạn có năng khiếu hội họa thời thơ ấu cách đây khá lâu khi cậu ra Huế gặp tôi, giờ đi qua Cầu Chợ Dinh mới biết hóa ra chính cậu lại là người đã tham gia vào việc vẽ nên những bức tranh bích họa ở nơi này. Đây là dự án do Công ty CP Viễn thông FPT và Công ty TNHH Mỹ thuật trang trí Cao Hồng Quang (Tp. Đà Nẵng) phối hợp thực hiện miễn phí cho các tỉnh, thành trên cả nước. Thêm nữa, từ cầu Chợ Dinh đi tầm khoảng hơn 2km có làng hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng với nghề làm hoa giấy ngũ sắc hơn ba trăm năm tuổi, hay gần đó là làng nghề truyền thống chuyên về dòng tranh dân gian làng Sình cũng gần bốn trăm năm tuổi. Sự bắc nhịp của những chiếc cầu bên dòng sông Hương mang lại kết nối về kinh tế, du lịch và lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng quê và cả những nghề truyền thống của người Huế ở nơi này. 

Cầu Thảo Long (đập Thảo Long) cũng là một công trình lớn, được xây dựng 2001, ở phía hạ lưu sông Hương, giữa quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa. Đập Thảo Long, theo các thông tin thu thập được, công trình lớn nhất Đông Nam Á này “có chiều dài 571,25m với các hạng mục chính như: cống ngăn mặn, cầu giao thông, đường dẫn hai đầu cầu và âu thuyền. Trong đó, chiều rộng thông nước là 472,5m, cống gồm 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5m, được thiết kế theo hình thức cống chảy hở với hệ thống cửa van đóng, mở. Cây cầu giao thông có kết cấu bê tông cốt thép vĩnh cửu, dài 600m và rộng 10m. Ngoài ra, hệ thống đập còn có một khoang âu thuyền dài 53m, rộng 8m”. Mấy lần chạy về làng biển, tôi đã đi qua dăm ba chục dặm đường, đi ngang đập Thảo Long nhưng chỉ lướt nhìn như gió thổi qua tai mà chưa mảy may để ý về công trình này, khi cần tìm hiểu, mới nhận ra nó cũng là dấu nhấn quan trọng của Huế.

Rồi đến Cầu Tuần, một nhịp cầu thuộc tuyến đường tránh Huế, Quốc lộ 1, lý trình 19+00, vị trí phía Bắc giáp với xã Hương Thọ, phía Nam giáp Phong Phú - Phong Điền, phía Đông giáp sông Hương và Tây giáp với đồi núi. Điểm đầu của cầu Tuần thuộc phường Long Hồ và điểm cuối thuộc phường Thủy Biều. Cầu Tuần được thiết kế khá hiện đại hợp mỹ quan, có kết cấu cầu dầm bê tông cốt thép dư ứng lực với chiều dài 336m, rộng 17,5m, bốn làn xe cơ giới. Ngoài những mô tả cơ bản, điểm chính yếu vẫn là rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa thành phố Huế với các địa phương khác. Dẫu vậy, khi nhắc đến một cách gọi tên khác với địa danh Ngã ba Bằng Lãng đầy chất thơ cứ ngỡ là một nơi chốn chân mây mộng ảo, huyền hoặc nào đó, giờ mới hay lại đích thị Ngã ba Tuần nơi hợp lưu của sông Hương bởi dòng Tả Trạch và Hữu Trạch về vị trí địa lý. Nhưng, chợt nhớ ra câu chuyện về sự ra đời của tên gọi Cầu Tuần (Ngã ba Tuần hay Ngã ba Bằng Lãng) bởi sự thơ mộng của non nước hữu tình sông núi ở xứ Cố đô mà nhà báo Đan Duy trong Nơi ngã ba Tuần trên báo Huế Ngày Nay đã mô tả rất sinh động từ những kết nối lịch sử thời chúa Nguyễn.

Cầu vượt sông Hương ngỡ đôi rồng vàng mà hóa ra cánh hạc lấp lánh xứ Kim Long

Ý tưởng về cầu vượt sông Hương - Nguyễn Hoàng theo các thông tin đầu tiên được biết, trước đó thành phố Huế đã hai lần tổ chức cuộc thi thiết kế, năm 2016 phương án kiến trúc “Nón Huế” đạt giải nhất, tuy nhiên vẫn không nhận được sự đồng thuận từ công chúng và các nhà chuyên môn trong đáp ứng yêu cầu của công trình kiến trúc trên sông Hương, vì chưa bao quát được nét đặc sắc về văn hóa - lịch sử Huế. Cho đến cuộc thi lần thứ 3, vào năm 2019, phương án thiết kế kiến trúc cầu vượt sông Hương đạt giải nhất có mã số L156 thuộc về Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn Kỹ thuật E&R. Tôi được biết thêm về vị kiến trúc sư người Phần Lan - Antti Karjalainen, người đã để lại những dấu ấn thiết kế với các công trình độc đáo khác của Việt Nam như cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), cầu cáp treo Rào 2 (Hải Phòng), cầu Ba Son (Tp. Hồ Chí Minh), từ thông tin khá bất ngờ và thú vị của cô bạn gái từng du học ở xứ ấy và mới tái bản tập sách “100 câu chuyện Phần Lan - Lửa trời đuôi cáo”.

Cầu Nguyễn Hoàng khởi công vào tháng 12/2022. Công trình mang tính kết nối trục giao thông giữa thị xã Hương Trà - thị xã Hương Thủy với quận Thuận Hóa và Phú Xuân nhằm hình thành phát triển khu đô thị mới phía tây, giảm tải lưu lượng giao thông qua trung tâm thành phố Huế, phát triển kinh tế xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh. Và đơn thuần thiết thực hơn nữa là mong muốn có thêm một công trình mang tính biểu tượng của thành phố Huế.

Theo sự chia sẻ của kiến trúc sư trưởng Antti Karjalainen, bản thiết kế đạt giải nhất này, cầu Nguyễn Hoàng đã hiện ra dưới hình dạng hoàn chỉnh sau lễ thông xe kỹ thuật và trong ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng Huế, trên trang thông tin của UBND thành phố trong bài viết Cầu Nguyễn Hoàng qua góc nhìn của chuyên gia, lý giải ý tưởng “Hạc chầu Thiên Mụ” như sau: “Với các vòm của cây cầu tượng trưng cho đôi cánh hạc, thân mình uyển chuyển bay qua sông, hướng về chùa Thiên Mụ. Màu vàng ấm áp, hoàng gia - màu của các vị vua - được chọn để trang trí cây cầu, tượng trưng cho quyền lực và tôn vinh lịch sử hoàng gia của Huế. Ngay cả các trụ hình chữ “V” cũng tượng trưng cho đàn sếu, đôi cánh dang rộng, tụ hội hài hòa tại địa điểm linh thiêng này.”

Những ngày tháng giêng trước đó, khi trời còn đượm ít nắng chiều trong thứ ánh sáng dìu dịu của Huế mùa se se lạnh, tôi đã lang thang về hướng Kim Long, thử lặng lẽ dừng lại một chút bên trong công viên có con đường đi bộ cạnh bờ sông gần ngay vòm cầu màu vàng nổi bật cả khuôn hình, rồi mường tượng, hình dung về sự đổi thay mới mẻ sắp tới của cảnh quan đô thị thành phố Huế, lòng người có chút ít phấn chấn kiểu như vừa mới xây xong một ngôi nhà vậy. Huế sẽ bừng sáng hơn khi những chiếc cầu đang dần mở rộng mọi cánh cửa. Sông Hương hay sông Seine của Paris? Sông Hương hay sông Thames của Vương quốc Anh? Mỗi chiếc cầu xuất hiện là một công trình kiến trúc với điểm nhấn ấn tượng, mang đến mỹ cảm hoàn hảo cho kẻ ham rong ruổi trong những cuộc phiêu lưu của mình.

Mai vàng ngập tràn ánh sáng, lại mộng cuộc đi hoang về cửa biển Thuận An

Khi xuân còn vương vấn bởi sắc mai bừng nở đượm loang khắp thành phố Huế, chạy qua bất cứ cung đường nào mắt cũng bị thu hút ánh nhìn vì mai, vì mùa xuân hình như bây giờ mới thực sự bắt đầu thì phải? Ngó trước nghiêng sau để ngắm nghía cái khoảng trước sân nhà, cổng ngõ của Huế sau những ngày Tết, thấy mai rộ nở tràn lan kiểu như chưa bao giờ được nở như thế. Thỉnh thoảng biết mình đã lâu chưa chịu nhấc chân lên, nên mượn cớ, tiết trời xanh nắng ráo, xuân đang còn, thử cho phép mình mộng một cuộc đi hoang ra khỏi phố thành phố thị về vùng ngoại ô cách thành phố 16km chỉ để được nhìn thấy tận mắt chiếc cầu vượt cửa biển Thuận An đã bắt đầu nên hình nên dáng dưới hơi sương mờ mờ buổi sớm.

Thuận An, những ngày sau tết chưa hết mùng rộn ràng các phiên chợ quê, chợ cá vùng ven biển, nghe không khí của biển xộc lên từ những xóm chài. Về đến gần cửa biển, bắt đầu theo đường Trấn Hải Thành, sau đó rẽ vào đường Hoàng Sa, (điểm đầu cầu vượt cửa biển Thuận An). Vì muốn chạm mắt thật gần, thật rõ như chạm bàn tay vào thứ gì đó mình chờ đợi khám phá, nên lặn lội đi qua đoạn đường lồi lõm để được nhìn thấy công trường đang thi công còn ngổn ngang các ụ bê tông chưa lắp ráp chất chồng dưới mặt đất, ngay dưới chân cầu vượt cửa biển Thuận An, dài nhất miền Trung với phối cảnh thiết kế hơn 2km chiều dài và rộng 20m, được phân bố 4 làn xe, bắt đầu từ điểm nút giao cầu Tam Giang đến cầu qua biển Thuận An và kết thúc tại giao lộ 49A - 49B của phường Thuận An, thành phố Huế. Công trình được khởi công từ năm 2022, nhằm kết nối tuyến đường bộ ven biển quốc gia, phát triển kinh tế biển, cụ thể hơn với các mục tiêu thúc đẩy sự đầu tư, phát triển, xây dựng các dự án du lịch, dịch vụ, khu resort nghỉ dưỡng..

Trước khi về tận điểm nút đầu cầu vượt cửa biển Thuận An, tôi vô tình đọc câu chuyện của một cây bút hữu duyên với Huế khi anh lang thang về đó những ngày đầu xuân để lãng đãng đặt dấu chấm hỏi mơ màng rằng Ngắm cầu Thuận An từ đâu đẹp nhất đăng trên nhật báo Huế Ngày Nay. Dĩ nhiên anh đã tự trả lời bằng những sự lựa chọn với nhiều góc nhìn chẳng hạn như Cồn Tè hay tương tư cùng Rú Chá mùa thu vàng lá gần đó, hoặc anh dẫn dắt bằng những câu từ của kẻ lang thang tìm kiếm từng điểm ngắm đẹp nhất khi vào làng Thai Dương Hạ. Tôi không lòng vòng nhiều. Tôi chọn điểm đầu nút của cầu vượt cửa biển Thuận An để đặt dấu chân mình, và điểm cuối khi dừng chân ở kè đá chắn sóng xanh màu rêu của biển Hải Dương một ngày mặt trời loang bóng tròn rực rỡ để ngắm những nhịp cầu tràn đầy ánh sáng.

Thu vào tầm mắt những nhịp cầu ánh sáng bắc qua sông núi xứ Cố đô

Thỉnh thoảng dành riêng cho mình một chút thong dong, chậm rãi, ghé chân dừng lại bên những công viên quanh bờ sông Hương. Ánh sáng đôi khi giống như những chiếc cầu. Bừng lên giữa bình minh và dịu dàng dưới bóng hoàng hôn. Có thể hình dung rằng, dường như ánh sáng quanh những chiếc cầu vài khoảnh khắc đã gom đủ một gam màu ngũ sắc rất riêng của xứ Cố đô, là sự hiển thị rõ rệt trong sáng tác, trong nghệ thuật hội họa, hoặc các công trình kiến trúc cổ xưa và cả trên các sản phẩm thủ công của Huế còn lưu giữ qua sự hiện diện của những làng nghề truyền thống đến tận bây giờ.

Có lần chỉ vì muốn chiêm ngắm ánh sáng bình minh trên sáu vài cầu quen thuộc Trường Tiền mà nhớ ra những mộng ước bất tận miên viễn nơi miền sông thơm bờ cỏ, bỗng nghe tiếng ai đó trong hư ảo ngâm ngợi câu thơ xưa của Cao Bá Quát: “Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên”. Sự tồn tại của con sông, mỗi nhịp cầu bắc qua là một chứng nhân của thời gian, sự kết nối về không gian văn hóa, lưu giữ đối chiếu giữa nét đẹp cổ kính và nét đẹp hiện đại về kiến trúc, lịch sử, cùng những giá trị khác trong sự phát triển chung, làm đẹp riêng cho vùng đất Cố đô. Hay có khi chỉ đơn thuần đủ nghĩa rằng, mỗi nhịp cầu níu giữ một phần linh hồn trong đời sống tinh thần của những người con của Huế như nhà báo Minh Tự, Đan Duy, hoặc không phải gốc Huế, mà ôm Huế vào lòng, xem Huế như máu thịt của mình có nữ thi sĩ Bạch Diệp, Nguyễn Lãm Thắng và cả anh nhà văn đã để một dấu hỏi đầy tâm tư yêu thương, “ngắm cầu Thuận An từ đâu đẹp nhất?”.

T.B.K
(TCSH434/04-2025)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
  •                     Bút ký

  • Đi dọc những triền đê mùa xuân thấy ngọt ngào hương cỏ mật. Chợt gặp chiều phiêu linh trên dòng sông Sò. Con sông vươn tay một cái là chạm ngay vào biển. Khói ráng lênh đênh đuổi nhau trên cửa Hà Lạn.

  • Buổi sáng sớm cuối năm, tôi chạy xe qua đường Chi Lăng - phố cổ Gia Hội và bất chợt gặp đôi triêng gióng của một mệ già đang đi ngược đường. Tôi định dừng lại bấm một chiếc ảnh, nhưng đường đang đông người nên thôi.

  • Nhiều người đi xa lâu ngày khi nhớ về thành phố thường thắc tha thắc thỏm, phố bây chừ còn những lối xưa, người bây chừ còn giữ những nếp xưa, có còn những nét mềm mại hiền ngoan đã từng níu biết bao ánh nhìn mỗi khi có một ai phải dứt áo xa quê.

  • Sông Hương chảy xuyên suốt vào lòng đô thị Huế. Những phù sa, trầm trích sông để lại, tạo nên một Cố đô đầy kiêu sa, hiền từ, thư thả giữa trời mây.

  • VĨNH QUYỀN

               Bút ký

  • LỮ MAI
                   Bút ký

    Như lời hẹn hò từ trước với bà con - “Nhớ lên bản mùa táo mèo nở rộ” - chúng tôi rủ nhau đi về hướng núi.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                                Tùy bút

    Cái không khí Tết đến, xuân về đã kề cận thật rồi, chợt nghe ai đó đọc câu thơ cũ: “Một chén xuân đưa vạn dặm tình/ Cỏ thơm đứt ruột nát lòng oanh.

  • NGUYỄN HỮU TẤN
                         Bút ký

    Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
                                        (Hò giã gạo Huế)

  • HOÀNG ĐĂNG KHOA

                           Tùy bút

  • HƯƠNG GIANG

               Ghi chép

  • TRẦN BẠCH DIỆP

              Ghi chép

  • LÊ HIẾU ÁNH

                     Ký

  • VÕ MẠNH LẬP
              Ghi chép

    Sau trận Ca-mác, đồn Lai Hà được dựng lên. Làng mạc san sát bây giờ dân bị gom lại, nhà cửa, bờ tre, cây cối bị san bằng không còn một cành cây, ngọn cỏ.

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            Bút ký

    Nói đến thú chơi hoa cảnh, người ta thường nhớ ngay tới những vườn đào Nhật Tân, những vườn lan Đà Lạt, chim cảnh trăm giống Sài Gòn, cá vàng ngũ sắc Hải Phòng. Ít ai nghĩ rằng Huế cũng là đất chơi hoa. Mặc dù cái tên Cố đô Huế đã rất quen, rất thân thuộc với mỗi người.

  • NGUYỄN HỮU TẤN

    Nước non còn đó muôn đời
    Ai chia được nước, ai dời được non

                            ("Lý tình tang" Huế)

  • NGUYỄN KINH BẮC

    "...Mình biết, mỗi người đều có một Huế riêng cho mình. Riêng với mình, Huế bắt đầu là ở câu thơ này:
    "Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
    Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai".

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Cả tuần nay mới thực sự đông. Tinh mơ tốc chăn, mở cổng ra đường, cái rét buôn buốt phả vào nhưng nhức tê tê nơi da mặt.

  • TRƯƠNG BÁ CHU UYÊN
                           Tùy bút

    Mai vàng có ở nhiều nơi, nhất là từ Huế trở vào miền Nam, cứ đến mùa xuân hoa mai nở rộ, khoe sắc. Hoa mai tượng trưng cho người quân tử, mang cốt cách thanh cao, khoáng đạt.

  • VÕ MẠNH LẬP

    Âm vang tiếng nổ ở cầu Ông Thượng chưa dứt thì hàng loạt tiếng súng các cỡ rộ lên chĩa mũi vào làng Lại Thế.