Nhện và người

08:17 16/10/2012

TRẦN DUY PHIÊN

1.
Trần Việt Chiến là con ngựa chiến. Ai cũng thừa nhận như thế, kể cả những người không ưa anh.

Minh họa: NHÍM

Thuở măng non, Chiến đến trường, các giáo viên mẫu giáo đã coi anh như thần đồng. Ngồi ghế tiểu học, Chiến tỏa sáng như một ngôi sao báo trước với mọi người một tương lai rực rỡ. Lên trung học, Chiến luôn đứng đầu khối, xuất sắc tất cả các môn. Chưa hết, Chiến còn là học sinh giỏi cấp quốc gia. Thi vào đại học, Chiến đỗ thủ khoa cùng lúc hai trường. Bốn năm sau, Chiến hoàn tất văn bằng kỹ sư điện toán với thứ hạng cao nhất. Nhà trường giữ anh lại làm cán bộ phụ giảng một thời gian rồi gửi đi du học. Bốn năm sau, Chiến mang về văn bằng tiến sĩ hạng tối ưu.

Ngoài chuyện khoa bảng, Chiến còn được trời phú cho một số năng khiếu khác - hát hay, vẽ giỏi và hùng biện. Nhưng lắm tài thì nhiều tật. Tật thứ nhất của Chiến là bướng bỉnh. Sau ngày về nước, anh quyết liệt không trở lại trường đại học mà xin vô một tổng công ty. Tật thứ hai của Chiến là bừa bãi. Các vật dụng của anh la liệt tùy tiện trong nhà ngoài ngõ, có lẽ do chủ nhân ỷ vào khả năng lưu trữ tư liệu của mình còn hơn bộ nhớ của máy điện toán. Tật thứ ba của Chiến là thích sống đời đơn độc - đơn độc chứ không cô độc, cũng chị này em nọ nhưng chưa thấy đỗ lại bến nào.

Nhất nhân nhất hộ, anh hãnh hách đến cực đoan, không những người mà các loài khác cũng khó chung nhà chung cửa.

2.

Tài năng cỡ đó, tính khí thế ấy, Trần Việt Chiến khó mà leo lên hàng lãnh đạo một đơn vị nào. Nhưng đố ai dám sa thải hoặc sử dụng anh vào những lao dịch phổ thông mạt hạng. Người xưa từng dạy dụng nhân như dụng mộc. Phải có cho Chiến một chức vụ! Vậy thì phó phòng. Nhưng phó gì? Phó lưu động - một sáng kiến độc đáo do một cô gái yêu anh nhưng không được đáp lại đề nghị với tổng giám đốc, nghĩa là cấp trưởng mà không có phòng. Kỳ thực, ông ta khá tinh tế, vừa muốn tránh tiếng mổ gà dùng đại đao, vừa muốn khoe mẽ, mồi chài. Và người ta không ngờ Chiến hồ hởi nhận ngay vì anh rất thích những đêm một mình một giường một phòng ở khách sạn mà không vơi một xu tiền túi.

Từ đó, không mấy khi Trần Việt Chiến ngó ngàng tới nhà cửa. Anh ăn cơm bụi, thì giờ còn lại dùng để đọc sách, chơi game và ngủ. Chiến sử dụng ba chức năng ấy hết công suất nhưng không quan tâm đúng mức - sách, máy và giường bốn mùa bụi bặm. Mặc! Miễn sao khi cần tới, sách không mờ chữ, máy vẫn chạy tốt và giường đầy đủ chăn màn mắc sẵn.

3.

Sau một chuyến đi dài ngày, Chiến về lại nhà. Tắm táp xong, anh lao vào giường nằm chờ giấc ngủ nhưng không chợp mắt được. Bình thường, trong những trường hợp như thế, anh vói tay lên đầu giường, kéo xuống một tập gì đó và đọc. Nhưng hôm nay, những hợp đồng kinh tế, những biên bản hội họp, những báo cáo dài dằng dặc, khiến anh chán chữ nghĩa. Mặc cho chúng nhắm mở tùy thích! - Anh tự nhủ. Nhưng khi nhìn lên trần mùng, mắt anh bắt gặp một vật lạ. Cái gì thế nhỉ? Một chiếc lá khô lơ lửng giữa mùng màn trắng xóa. Anh chớp mắt. Một chiếc lá khô từ vườn chui qua hai lớp cửa len vào mùng ta? Không bao giờ! Anh cuộn mình ngồi dậy, lần tới. Không phải lá, một con nhện rằn to tướng với những chân dài và những khoanh bụng ánh bạc. Nhìn kỹ, nhện ta đang an nhiên tọa thị giữa cái mạng tơ nõn mỏng manh. Đồ ngu! - Ngắm nghía một lúc, anh rủa thầm, nằm trở lại - Rõ ràng chú mày bủa lưới săn mồi. Nhưng có gì trong cái mùng này mà săn! Chợt nhớ một bức biếm họa vẽ một người câu cá giữa sa mạc, anh thích chí cười ha hả.

Tối đến, sau khi xem xong chương trình truyền hình, Chiến vào giường. Vừa ngã người nhìn lên, anh lại bắt gặp con nhện với cái mạng tơ bùng nhùng. Vậy là chú mày dám ngang nhiên chung chạ với ta, áp tận đến nơi nghỉ ngơi. Ngứa mắt, anh muốn bắt giết ngay con nhện. Nhưng chợt nghĩ lại, sá gì một con vật nhỏ nhoi thế kia mà mình phải nhọc sức. Lại nữa, phải cho nó chết đói dần mòn mới xứng với cái ngu có một không hai! Đợi đấy! Số mày đã tận, nhưng ta thề chẳng bao giờ động thủ. Anh nằm im và khởi sự chờ đợi con nhện chết. Và mỗi ngày hai bận, anh chờ đợi như thế suốt cả tuần nay. Nhưng nhện ta vẫn ngang nhiên tồn tại.

4.

Rồi một chuyến công tác lưu động khác, Chiến tấn kỹ bốn phía mùng, chốt chặt các cửa trước khi đi. Tuy bận rộn nhưng mỗi khi có dịp nghỉ ngơi anh lại nghĩ tới nhện và hong hóng được thấy nó chết. Có lẽ cái ác trong anh kích thích. Anh nôn nao trên đường về nhà. Chú mày đã trắng mắt ra chưa? Áo thay chưa kịp cài nút, anh háo hức lao vào giường. Bắt chéo hai tay làm gối, anh hả hê căng mắt nhìn lên. Tuy có gầy đi nhưng nhện ta vẫn lì lợm sống! Thay vào phần hao hớt, một bọc trắng tròn trịa bằng cái nắp chai lủng lẳng trước mặt. Thì ra một quý bà! Nhưng sao đã không chết lại còn đẻ a?

Chiến quỳ thẳng người lên, muốn bứt tung màng tơ, bóp nát cái bọc trứng. Nhưng trời ạ, ngay trước mắt anh, bên kia cái màng tơ, một lỗ thủng - chỗ hợp ba góc của mỗi vuông vải. Với đôi mắt tinh và sáng như sao, Chiến nhận ra một đàn muỗi đang vo ve bên ngoài rồi lần lượt từng con chui qua cái lỗ ấy và dính ngay vào mạng. Đúng là một cái bẫy - một cái bẫy rất hiệu nghiệm! Vô vàn cánh muỗi lấp lánh. Nhưng mồi đâu mà nhử? - Anh hỏi rồi nhìn xuống người mình. Hèn gì! - Chiến giật mình.

Từ ấy, Trần Việt Chiến hết muốn làm con ngựa chiến.

T.D.P
(SH284/10-12)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Truyện ngụ ngôn của TRIỀU NGUYÊN

  • Truyện ngắn “Sóng ngoài khơi” đã tránh được gần như tất cả những trò “dỏm” của nhiều người cầm bút hôm nay: Viết về tình dục với cung cách ồn ào như thể đây là món tân kỳ về tư tưởng và nghệ thuật nhưng thật ra chỉ cho thấy thói a dua thời trang và sự thiếu hiểu biết về văn chương đương đại. Với một bút pháp tinh tế, thông minh, và kiềm chế, “Sóng ngoài khơi” đã thể hiện được bản lãnh văn chương của một tác giả trẻ khi đụng tới đề tài nằm ngoài kinh nghiệm bản thân như Khánh Phương. PHAN NHIÊN HẠO

  • 1. Con đường nhầy nhụa dẫn xuống chân dốc đã được ai đó rắc lên ít cát khô. Trời nắng hay mưa thì con đường vẫn thế. Để đi được vào cái xóm tự lập này không còn con đường nào khác.

  • Vào cái giây phút định mệnh ấy, tiếng hát nức nở của Khánh Ly vọng tới: Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui, Mẹ hãy ra đây nhìn phố ngập người. Đêm nay hòa bình, không nụ cười trên môi. Nhìn quanh đây không ai còn lại…vỗ về cơn say dịu dàng của tôi.

  • Anh chị dọn về đây từ hồi mới cưới nhau. Căn phòng xinh xinh, quét vôi xanh nhạt, trang nhã và sạch sẽ.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGNgười thợ học việc rán một hơi cuối cùng. Đó là hơi quyết định sự thành bại của sản phẩm. Đốm thủy tinh lỏng đỏ rực đầu ống xuy phồng to lên, đẹp như một quả cầu lửa sáng chói. Đoạn, anh đưa quả cầu lửa vào lỗ khuôn rồi vừa thổi vừa xoay vừa nhấc dần đầu ống xuy đồng lên cao. Cuối cùng, bằng một động tác dứt khoát, anh xoáy mạnh, cắt lìa đầu ống khỏi phần còn lại của quả cầu lửa hơi nhô ra trên lỗ khuôn.

  • NGUYỄN BẢNTôi nhổ vào hai lọ crem Tokalon trắng và hồng, loại crem Pháp đắt tiền đang dùng dở của bà, rồi vảy nước bọt đi cho mất dấu.

  • NGUYỄN ANH ĐÀONàng vào Phú Xuân đã gần hai tháng. Giữa cảnh ngựa xe tấp nập, khăn áo lượt là, muôn hồng nghìn tía của chôn kinh thành, không làm cho lòng nàng nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương. Ở cái làng nằm khuất dưới những rặng liễu bên Hồ Tây, vào mùa này rực lên màu vàng của những cuộn tơ óng ả vắt trên bờ giậu. Gió thu lồng lộng mơn man như những ngón tay thiếu nữ nhẹ bứt những chiếc lá đào úa vàng rắc xuống hồ làm thành những chiếc chong chóng quay tít trên mặt nước. Nàng đắm chìm trong nỗi nhớ nhà, nhớ kinh thành cũ với những đền đài, chùa miếu, tuy không thật uy nghi tráng lệ nhưng in đậm dấu vết của thời gian mà mỗi triều đại như khắc hằn trên đó những nét tinh hoa của một nền văn vật nghìn năm.

  • BÙI MINH QUỐCHoạ sĩ Từ Thành bạn tôi, vào thời khốn đốn nhất phải xoay sang làm mặt nạ để sống qua ngày. Ông thường làm các mặt nạ hề đủ loại, mặt ông địa, mặt chó, mặt khỉ, mặt gấu... và cả các thứ mặt tướng cướp. Khách hàng của ông toàn trẻ con. Vào mùa nắng ráo- mùa vui chơi của lũ trẻ, ông bán khá chạy. Biết tụi nhỏ chẳng có mấy tiền, ông bán rẻ, lấy công làm lãi, nên cũng chỉ tạm đủ sống. Nhưng vào mùa mưa gió bão bùng, hàng ế, thì ông đói.