Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

16:01 19/11/2008
NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

Mùa xuân, tôi về phố Huế tìm hoa mai, tìm một chút hương hoa ngày cũ, để nhớ về những ngày tháng chưa xa. Cánh đồng hoa mai trước Phu Văn Lâu bạt ngàn một sắc vàng âu yếm. Những cội mai già đứng, ngồi im lặng như những con người từng trải, đã qua gió bụi phong trần, đã đi hết cõi đời trần ai này mà chưa một lần quay lưng lại. Một cành mai đơn lẻ mang vẻ đẹp khác với một rừng mai. Đời mình, tôi chưa từng thấy rừng mai nào đẹp như rừng mai trước Phu Văn Lâu. Có chăng là trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về một vườn mai lớn bên sông Hồng đỏ bậm phù sa. Trong cái buổi sáng của một ngày đầu xuân ấy, tôi đi như mê muội trong lòng cánh đồng mai. Dưới màu nắng xuân lụa là, những đóa mai vàng run run nở, từng chiếc cánh mỏng tanh như cánh chuồn chuồn kim vàng hực lên dưới nắng. Gió nhẹ thổi ơ hờ qua những cánh hoa, để lại một mùi hương thoang thoảng trên những lối đi mọc lưa thưa một loài cỏ dại không tên. Không gian trước Phu Văn Lâu tràn ngập sắc vàng và hương hoa. Hoa đẹp vậy làm sao mà cuồng sĩ Cao Bá Quát không yêu đến mụ mẫm, không khấu đầu bái lạy trước vẻ đẹp kỳ lạ của tạo hóa. Ít nhất cho đến khi công bố toàn bộ trước tác của Cao Bá Quát, nhiều người đã thuộc nằm lòng ba bài thơ mà ông đã viết về hoa mai, khen hoa mai đẹp vẻ đẹp của người quân tử, cái đẹp gắn liền với đạo đức Nho giáo. Gắn bó với đời sống của người lao động nghèo khổ, Cao Bá Quát không quên đến người trồng mai (tài mai), những lê khổ của hoa mai cũng là những lê khổ của đời người phải trải qua. Nếu với hoa mai là nắng quái, mưa chiều, là lửa sôi, rét lạnh căm căm, thì với đời người là phong trần dâu bể, là những thăng trầm trên con đường đời khổ nhọc, hiểm nguy. “Đê thủ” trước hoàng mai hoa, là Cao Bá Quát đã bái lạy trước cái chuẩn đạo đức của muôn đời, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm mực thước của hành vi con người. Vì vậy mà khi kết thúc cuộc đời kẻ sĩ một cách bi tráng, Cao Bá Quát đã đi vào cõi bất tử, và ông là một đóa hoa mai can trường, đẹp một vẻ đẹp lóng lánh. Trong cánh đồng hoa tinh anh của dân tộc, ông đứng bên cây trúc Nguyễn Trãi, cây trà mi Nguyễn Du, cây thông Nguyễn Công Trứ... cho cuộc đời này một quân tử hoa.

Nhớ cái đận chưa xin được việc làm, tôi đi làm thuê cho một chủ vườn ở Huế. Công việc hằng ngày là kéo một chiếc xe cải tiến lên vùng Thủy Xuân, đào mai mang về phố. Hoa mai Thủy Xuân đẹp có lẽ là nhất Huế. Nó là thứ mai đất đồi, đất núi, lớn rất chậm và cằn khô. Lớn lên từ sỏi đá, thiếu nguồn dinh dưỡng cần thiết, vì vậy mà cây mai gần như chỉ hấp thụ linh khí của trời đất. Thân càng gầy, hoa nở càng đẹp. Nó là cái cốt cách của tuyết, thanh khiết và đạt đến vẻ đẹp của một tinh thần vô lượng. Những ngày ấy, đôi bàn tay chai sần, mồ hôi mồ kê ướt đầm, tôi thui thủi đào hoa mai, thui thủi ngắm cái sắc vàng rười rượi đẹp như những giọt nước mắt của mùa thu ấy mà dặn mình không ngã lòng. Không có thơ để vịn thì vịn vào mai vậy. Đưa cây mai từ Thủy Xuân về phố Huế mà như đưa chính cuộc đời mình đến một chốn nào đó lạ lẫm vô cùng.

Đêm cuối năm, từ chiếc catsette của nhà ai đó thầm thỉ rớt ra ngoài đường Điện Biên Phủ lời hát “Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi...”. Đó là bài “Xuân này con không về”. Chưa bao giờ tôi nghe bài hát mà thấy hay như vậy, từng ca từ giản dị thấm vào gan ruột, đi đến tận từng tế bào xa xôi nào đó mà tôi chưa thấy bao giờ. Hoa mai bàng bạc trong bài hát ray rứt một nỗi lòng nhớ quê, nhớ mẹ. Sau lưng tôi, gập ghềnh leo dốc cùng với chiếc xe cải tiến, những đóa hoa mai lặng lẽ nở vàng rực trong đêm tối...
Nắm chặt đôi càng xe, tôi đi phăng phăng như một người mộng du về cuối con đường.

Năm mươi sáu năm xa nước, Tiến sĩ Võ Quang Yến vẫn không nguôi lòng nhớ hoa mai. Ngày tết Việt, ở Xô Thành nước Pháp, ông mang về một cây forsythia hoa có màu vàng như hoa mai nhưng chỉ có bốn cánh. Và ông xem như đang ở quê nhà với cây hoa mai vàng của Huế. Đó là một cách để nhớ mảnh đất Ưu Điềm xa lơ xa lắc hơn nửa vòng trái đất với bờ chè tàu, những rặng tre đổí tơi bời lá, và một cánh đồng rộng thung thinh ngan ngát mùi hương ngày lúa trổ bông. Hôm cùng ông về Ưu Điềm, chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tự lúc nào, câu chuyện chuyển sang đề tài hoa mai. Ông nói say sưa về cây forsythia. Với vốn liếng của một nhà khoa học, ông thừa biết forsythia không phải là hoa mai. Nhưng còn cách nào khác hơn khi người ta nhớ quê, nhớ quay nhớ quắt cái sắc vàng óng ả dưới nắng mùa xuân. Vui chuyện tôi nói với ông về những khác biệt của cây mai xứ đồng và cây mai đất núi. Đọc cho ông nghe bài thơ “Tài mai” của Cao Bá Quát. Tiến sĩ Võ Quang Yến ngỏ ý muốn đi thăm một người bạn chưa từng gặp mặt, nổi tiếng trồng hoa mai trên đá là anh Lê Trường Quỳnh. Anh Quỳnh nhà ở làng Lựu Bảo, Hương Hồ, trên chợ Thông một chút. Sống ẩn dật, gầy gò như Văn Cao, anh là một pho tự điển sống của văn hóa Huế. Nghe anh nói chuyện thì không cần phải đọc sách nữa. Nhiều điều không biết về Huế, tôi thường hay mang lên hỏi anh. Cuộc gặp gỡ, mà nói chính xác hơn là tương phùng giữa hai người bạn, có lẽ là rất thú vị. Và lần đầu tiên, ở tuổi 77, Tiến sĩ Võ Quang Yến đã mục sở thị những cây hoa mai mà anh Lê Trường Quỳnh đã chăm chút trồng nó trên đá. Hai mươi tuổi, những cây hoa mai chỉ to bằng ngón tay út người lớn, ngày tết chỉ ra vài ba nụ hoa. Tôi chưa từng thấy loài hoa nào đẹp một cách mỏng manh như vậy. Bám vào đá như prométe bị xiềng, như Tôn Ngộ Không nằm dưới năm ngọn núi, mà xuân về vẫn ra hoa đúng hẹn. Hèn nào, Cao Bá Quát phải “đê thủ” là vậy. Vượt qua cảnh ngộ, qua ba đào, qua những vui buồn thế tục, mà vẫn thanh khiết, không gợn một chút bụi trần. Có từng trải, có qua bao vui buồn mới cảm hoài hết cái đẹp của hoa mai. Nếu Cao Bá Quát nhìn thấy những đóa hoa mai mộng mị nở trên đá, chắc là ông lại phải “đê thủ” thêm một lần nữa bằng cái bình sinh đầy hạo khí của mình. Hai con người có tuổi gặp nhau. Ngoài hiên, nắng chiều đã vãn. Cây Giáng Châu bằng tuổi chủ vườn choàng chiếc bóng lớn che rợp một khoảng trời xanh. Trên thân thể của nó đầy những vết sẹo của một thời tao loạn.

Một ngày xuân năm nào, tôi về Vỹ Dạ viếng chùa Ba la mật. Đại đức Thích Thường Chiếu trụ trì chùa là một người còn rất trẻ, Ngài thua tôi độ vài ba tuổi. Giới thiệu lai lịch của ngôi chùa, Đại đức lưu ý tôi về những cây mai già tuổi bằng tuổi chùa. Đây có lẽ là những cội mai già nhất ở Huế. Ngày tết, cả chùa rất vất vả vì kẻ gian tế vẫn thường đột nhập vào chùa cắt trộm mai. Có lẽ khi nhà thơ Thanh Tịnh được người cha gửi vào chùa. Ba la mật học chữ Nho thì những cây mai trước sân chùa đã cao lớn lắm rồi. Tôi nói với Đại đức Thích Thường Chiếu về điều này, ông cười rất hồn nhiên và bảo mình có biết nhà thơ Thanh Tịnh đã mất mười bảy năm, nhưng những cây mai chùa thì vẫn hãy còn. Mùa xuân hoa nở kín cả cành, khi có ngọn gió đi qua, cánh hoa rụng vàng cả một vùng dưới chân cây. Cứ như là những cành mai đã tự đổ chiếc bóng hoa của chính mình xuống màu đất phù sa nâu mịn, và để lại những dấu hài son đi về phía sương mù. Chùa nào ở Huế cũng trồng nhiều mai. Ngày cuối năm, dọc Phu Văn Lâu có những chú tiểu áo lam, tóc trái đào, đi bán mai chùa. Đây có lẽ là những nhánh mai được nhà chùa tỉa bớt cho cây mai có thế đẹp hơn. Liễu Thượng Văn là người rất hiểu hoa mai, anh cho tôi biết những thế mai chưa từng được ghi trong sách vở. Và anh cũng là một người yêu mai đắm đuối.

Chơi mai ngày Tết cũng là để biết những phúc họa khôn lường. Cái đẹp của thế tục ấy phải hiểu biết mới chơi và dám chơi, bởi những quan niệm vẫn thường trói buộc con người. Riêng tôi vẫn tự cười mình là kẻ “vô sư vô sách”, cảm thấy hoa đẹp thì lòng yêu mà không câu nệ thế thần. Vả lại, đã mệnh là quân tử hoa thì sá gì định mệnh, cứ sống theo thời và vận thì được hay mất cũng thường tình...
Buổi sáng. Đứng ở đàn Nam Giao đã thấy nắng xuân hừng lên từ phía biển. Hoa mai Thủy Xuân đang lục tục kéo nhau về phố Huế, mang niềm vui hoa đến cho con người. Có lẽ những lữ thứ cuối cùng cũng đã về dưới mái hiên nhà đón xuân cùng với gia đình. Bất chợt tôi nhớ Tiến sĩ Võ Quang Yến, chắc giờ này ở xứ Xô Thành, nửa bên kia trái đất, ông đã mang về đến ngôi nhà nhỏ của mình chưa một cây forsythia hoa vàng. Xứ Xô Thành tráng lệ ấy làm sao có được hoa mai, làm sao có được nồi bánh tét nấu bằng gộc tre, mùi hương lửa bay ấm cả gian nhà, và ngoài kia là bóng tối quê hương.
                                     N.X.H

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NHỤY NGUYÊN
                     Bút ký

    Bao Vinh hôm nay nếu soi vào lịch sử thật chẳng xứng với danh hiệu là khu thương mại lớn của đất kinh kỳ vào thế kỷ XIX.

  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.