Nhẩn nhơ một chữ thanh nhàn

14:31 09/03/2021

ĐÔNG HÀ

Thường trong thời gian của cuộc đời, người ta hay dành riêng khoảng thời gian đáng trân trọng nhất, đó là những ngày đầu năm mới, để nói về muôn sự.

Ảnh: NSNA Văn Đình Huy

Buồn vui có, được mất có. Nhưng kiểu gì cũng phải dọn mình cho sự thảnh thơi một khoảng, như một cách nhìn lại những tháng ngày đã qua, về những ngày đi tới, để nghiệm chiêm quá khứ, vọng hướng tương lai. Từ đó mà đi những bước nhàn du hay tất bật. Tôi thường dành những ngày cuối năm để huân-tập- nghi-lễ riêng mình như vậy.

Và thường bắt đầu từ những buổi đi thật dịu dàng trong nắng trong mai với tâm thế thật hiền. Tôi bắt gặp Huế của một không gian thiền tâm không vùng đất nào có được. Ở đây, khi ra đường, chỉ cần bạn để tâm mình đằm sâu bên trong một chút, bạn có thể nghe được âm thanh vang vọng từ ngái xa về tiếng mõ ai đó tụng buổi kinh sớm mai, tiếng chuông ngân từ ngôi giáo đường trong sương sớm, tiếng lá tách mình ra khỏi cành rơi xuống, tiếng chênh chao chiều của chú tiểu cầm chiếc phất trần xua bụi giữa thinh không. Đừng nói Huế cổ xưa, đó là Huế của hôm nay đấy chứ, Huế sống không ồn ào phô phang, không rộn ràng náo nhiệt. Huế đang vui trong cái trầm lắng tươi tắn sinh động chân như trong suốt thuở Huyền Trân mang Huế về cho con dân Đại Việt được mở mang bờ cõi mà không cần một giọt máu đào nào phải rớt rơi.

Lạ kỳ một điều, khi tôi đi đến những thành phố lớn nhỏ trên đất nước hình chữ S thân thương này, những quán xá là các cuộc gặp rầm rộ của khách chủ ầm ào tay bắt mặt mừng đua chen, thì Huế lại không. Quán cà phê, quán nước, quán trà, cả quán nhậu hay nhà hàng Huế, tôi vẫn thường thấy những cuộc chuyện rì rầm thầm thĩ mà ở đó người hẹn người gặp đều kín đáo cuộc chuyện trò riêng tư. Họ từ tốn trong nói chào, họ chừng mực trong câu chuyện, họ giữ gìn trong cái vui riêng không ảnh hưởng đến không gian chung. Cơ hồ, ở Huế, mỗi người sống nơi đây đã tự đóng khung cho mình một khoảng không lơ lửng trước mặt hai bên mấy mét vuông của chính con người mình để đi đâu cũng mang theo tạo ra khoảng cách vô nhiễm vậy.

Từ lối sống đó, người xa người gần than Huế cũ quá, Huế chậm quá, Huế buồn chi mà buồn. Ngay cả người Huế khi đi đâu về cũng bất giác thở dài, sông Hương ơi thôi dùng dằng hãy chọn một lối nào mà chảy trôi xuôi đi. Rồi người Huế bắt đầu lật trở tìm tòi con đường thay đổi để Huế vui hơn. Để người sống ở Huế không như chén ngọc xưa giấu mình dưới đáy sông, và người đến Huế không chỉ biết thưởng thức mỗi món chầm chậm vớt lên từ dưới sông hoặc ngồi ngắm nắng đổ ơ hờ qua mái. Tôi đã thấy thành phố chuyển mình. Những hàng cây lên xanh khiến Huế trở thành một ngôi nhà vườn khổng lồ khi đi dưới tán cây long não lại tưởng mình về lại ấu thơ thuở tựa lưng bên vách nhà nghe Mạ gánh chợ đường xa. Dưới những tán cây xanh um, tôi nghe tiếng thơ người xưa mà ngỡ bậc đồ nho tri túc đang ngồi nheo mắt cười dưới mái hiên nhà ông cố giễu cợt kẻ ấu nhi vụng về. Tiếng thơ thảnh thơi rằng: “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Nếu nói Huế là thành phố vườn, thì hình ảnh trong câu thơ trên hiện lên thật thú vị. Ơ kìa, ông Trạng Trình lừng danh muôn thuở với tri thức uyên thâm tài trí hơn hơn, mà sao câu thơ để đời lại giản dị đến nhường kia. Những vật dụng nhà nông, bàn tay chai sần nào cũng cầm lên được. Nhưng tôi đồ rằng, không một nông phu nào soạn sửa ra đồng lại đi đếm từng vật dụng đến thế kia! Thói quen công việc hằng thường, người ta cứ thế mà vác lên vai mỗi ngày, đâu ai đếm một cái này một cái kia thế đâu. Nên câu thơ giản dị của Nguyễn Bỉnh Khiêm làm tôi chợt dừng lại ngó nghiêng. Phải chăng, nó lạ lẫm quá với ông? Phải chăng, bàn tay tài hoa quen phẩy nét chữ rồng bay phượng múa, giờ cầm những vật dụng nhà nông bỗng trở nên khác lạ, nên phải đếm, phải cẩn trọng, phải thật thẽ thàng kẻo sợ bỏ sót đi mất? Người xưa mây trắng từ lâu làm sao tôi hỏi được. Nhưng khởi tự tâm, tôi bật cười. Con người trí huệ ấy, khi trở về chân đất áo nâu đâu dễ gì không bỡ ngỡ ngác ngơ. Ở câu thơ thứ hai, “chân tướng” con người này đã dần lộ diện: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”! Người nông phu với nông cụ trên tay, có ai “thơ thẩn” đâu!!! Ông Trạng Trình của chúng ta xóa ván cờ người của mình lui về ở ẩn chân quê, chọn nơi vắng vẻ náu mình, và tôi hình dung ông đang ngồi ngó nghiêng đời sống ấy bằng đôi mắt tỉ mỉ cẩn thận, rồi thật chậm mà tham gia vào đó như một kẻ du thiền trong rừng cây Tiếng Nhạc thảnh thơi. Bởi thế mà ông đã thốt lên “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao” đấy ư. Con người minh triết đã nhận ra khôn dại. Nơi vắng vẻ đã đành, vậy chốn lao xao có tội tình chi không? Tôi nghĩ là không. Chốn lao xao là nơi kinh kỳ đô hội, nơi gặp gỡ hiền tài, nơi xôn xao chuyện đời chuyện người chuyện tân kỳ vận hội mới mà trong đời người hẳn ai cũng muốn đến. Phường danh lợi kiếm cơm nhưng bậc tài trí sẽ được thỏa lòng dâng hiến. Người khôn đến đó, hẳn là điều nên! Vậy tại sao con người trí huệ ấy lại bỏ đi về nơi vắng vẻ? Sao người trí huệ ấy từ chối không ở chốn đô hội để thỏa sức cống hiến cho đời? Tôi đồ rằng, chốn đô hội ấy, cái lao xao đã vượt quá ngưỡng chuẩn mực những đấng bậc. Chốn lao xao ấy đã không còn nơi cho bậc tài trí dụng thân. Và ông rời đi, bằng sự mẫn cảm của trái tim yêu đời sống và đôi mắt thông tuệ của bậc tài trí hơn người. Người vậy, ai dám nói “dại”, ngoài cách ông tự phúng dụ bản thân.

Huế là kinh đô xưa. Bao truông hồ sóng ầm vây quanh hổ gầm thét lác, bao bãi cát dài lại bãi cát dài chùn bước kẻ sĩ để cuối cùng lại thành vùng trũng hứng hết những tinh hoa khắp xứ đổ về. Huế là chốn lao xao, là nơi phồn hoa đô hội. Chẳng thế mà bao thi đàn văn xã đã từng được khởi xướng tự nơi đây. Bao vết tích của một thời vinh hoa vương giả vẫn còn đọng lại trên nét son môi thiếu phụ, trên vành khăn đội đầu tôn ông, trên cái đài đệ khoát tay của bậc phụ mẫu. Nhưng là cái lao xao của rộn rã, của các bậc thức giả, nên sâu thẳm trong đời sống hằng ngày, vẫn là cái nền nã mực thước trên dưới trước sau.

Mang cái nết thanh tao của người xưa cũ, những hôm hây hẩy nắng mùa xuân, nghe mái ngói thiết tha tiếng chim cu gù gáy có gọi đôi, tôi lại soạn sửa tâm tính mình, làm chuyến hành hương tâm hồn để kịp cùng hoa lá mùa xuân.

Đ.H  
(TCSH384/02-2021)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...