Nhân cách thơ

09:32 03/12/2009
NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

Minh họa: Ngô Lan Hương

Sáng nay cũng vậy, anh em tụ tập bên nhau vừa nhâm nhi cà phê vừa bàn tán thầm thì, rồi đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Giáo Mật vừa đi thành phố về kể chuyện bạn ông thất nghiệp mà giàu lên nhờ ngồi lỳ trước máy vi tính dịch truyện nước ngoài ra Việt ngữ cho các nậu làm sách, cho các báo, dịch một tháng cũng được năm, bảy triệu, thiệt là nơi dễ làm tiền, tiêu tiền, nhưng cũng nhố nhăng, bộn rộn lắm. Cũng giáo Mật ca cẩm chuyện tàu xe; xe thì đưa khách vào các quán ăn dọc đường để bị chém đẹp một dĩa tí tẹo cơm tới mười lăm, hai chục ngàn, còn tàu, ai lơ ngơ mới mua vé, đi tàu không mua vé rẻ hơn lại được trọng vọng, rồi cũng chính giáo Mật xa xót cho nhà nước thất thu mỗi một chuyến tàu cũng phải vài chục triệu chớ ít sao! Các bạn tôi cùng cười mỉm chi cái điều nghịch lý ấy và coi đó là chuyện vặt nơi đâu cũng có, coi bộ còn tồn tại lực ỳ đấy vào thiên niên kỷ mới.

Trong nhóm bạn tôi ngoài công chức, thầu khoán tư doanh, có một ông thi sĩ. Ông ta luôn để râu tóc bờm xờm, ăn bẩn, ở bẩn mà tâm hồn thường ngất ngưỡng trên mây. Không phải chúng tôi thích đánh bạn với kiểu người sống hoang dại, tùy tiện, ưa làm lập dị, muốn chơi nổi, chơi trội, bất cần đời, coi đời là “khoai!”, sống chỉ vì thơ, chết cũng tại thơ như ông thi sĩ tên là Hoàng, bút hiệu Thi Sĩ Hoàng này. Tại giáo Mật bạn thời tiểu học với Hoàng. Đã bạn thời thơ ấu già đời vẫn dễ thân nhau, không phân biệt sang hèn, quyền cao chức trọng. Có ông làm tới bộ trưởng vẫn không quên thằng bạn dù đang nheo nhóc đàn con dại, ngày ngày còm cõi trên chiếc xích lô độ nhật, nuôi con. Nể tình giáo Mật, chúng tôi người một ít, người một bữa bao cấp cà phê, thuốc lá cho thi sĩ Hoàng mỗi buổi sáng. Tốn không bao nhiêu nhưng chúng tôi được cái thú, được nghe thi sĩ đọc bài thơ mới toanh của ông vừa sáng tác chưa ráo mực, hoặc ông vừa viết dưới một cột đèn cao áp nào đó trong đêm. Còn chuyện chúng tôi mời ông Hoàng đến cơ quan vui liên hoan gì đó bọn tôi không ai dám, kể cả giáo Mật. Thi sĩ Hoàng khi đã nhậu xỉn gây lộn với cả cột điện, tiểu tiện bất cứ lúc nào, nhiều khi nằm mềm một đống bên lề đường. Say thì say, nhưng ông Hoàng biết chọn chỗ nằm dưới ánh đèn cao áp, cũng biết sợ nằm giữa đường, hoặc trong bóng tối xe cán chết. Kể ra ông say khôn chứ chẳng chịu say dại!? Còn những buổi sáng ông luôn tỉnh táo, bởi vậy chúng tôi không bỏ ông được, nhưng... bỏ thì thương, sương thì đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Khi tỉnh ông hứa sẽ bỏ tật nhậu quá chén, nhưng rôi chứng nào tật nấy, chỉ thấy bôi tí rượu lên miệng là ông đã láng cháng, uống vào vài ly đã khật khưỡng giữa đất trời, khi đó có trời mới nói thủng lỗ tai ông. Ông say thật, say giả đố ai đoán được, nhưng ai cũng hiểu ông say như một nghề say! Sáng nay chủ nhật, bọn tôi ngồi ngâm nga cà kệ lâu hơn ngày thường. Ai cũng muốn tìm một chuyện gì vui vui của mình, của người khác đem ra góp chuyện. Thi sĩ Hoàng lắng nghe với bộ dạng trầm mặc... rồi cũng góp chuyện phê bình hai cô bán báo, ông Hoàng nói:

- Tàu xe, tôi miễn phê, tôi toàn đi quá giang, đến ăn nhiều bận cũng quá giang luôn, nên miễn bình. Làm thế nào quá giang được máy bay mới ngon! - Ông Hoàng nhấp ngụm cà phê và rít một hơi thuốc dài đến nổi gân cổ, rồi phà um ra khỏi miệng tím lịm, trơ cả hai hàm răng khói ám, nói tiếp- Tôi góp chuyện phiếm với các ông là chuyện hai cô bán báo. Các ông biết cô Thanh và cô Hoa chứ? Khách hàng thời kinh tế thị trường này là thượng đế, thậm chí khách nặng nhẹ cũng phải im...cười, mặt phải tươi như hoa. Tôi thường đến bưu cục hỏi tiền nhuận bút về chưa, vì túi rỗng thường trực nên tôi phải chận lĩnh tiền trước khi bưu tá đưa giấy mời, các cô giao dịch bực mình lắm nhưng luôn nhẹ nhàng: “Chưa về chú ạ”, chứ không nói cộc lốc: “không có;” và còn kính biếu cho tôi một nụ cười cho không! Chứ đâu như cô Thanh thấy tôi đến với bản mặt lạnh lùng, còn giả điếc khi tôi hỏi mượn tờ Văn Nghệ. Cô Hoa dễ tính hơn, dù không vui lòng cũng cho tôi tôi mượn, vẫn dịu dàng đưa tờ báo cho tôi với nụ cười hàm tiếu, nở khẽ khàng như cánh hoa xinh trên khuôn mặt trắng hồng, dù cho cô Hoa rất chi không ưa tôi. Các ông đồng ý với nhận xét của tôi chứ?

Tôi xin nói thêm, nhóm bọn tôi không chỉ gặp nhau khi uống cà phê buổi sáng mà hầu như chiều nào cũng chạm mặt nhau ở quày bán báo để đọc báo cọp, họa hoằn lắm mới mua một tờ có tin tức, sự kiện cần thiết. Tội nghiệp cô bán báo, xoay như vụ khi khách đông, lâu lâu cũng có người giả vờ cầm báo đọc, mắt liếc thấy cô bán báo quay người lấy báo cho khách là vù chạy, cầm luôn tờ báo đắt tiền nhất trong quầy, như tờ “Người Đẹp”, tờ “Thời Trang Trẻ”, các cô từng phàn nàn với tôi, từng bị mất báo. Thậm chí còn chỉ người đã mượn tờ báo quên trả, trở lại mượn báo đọc, nhờ tôi chú ý rình giùm nếu anh ta định trộm nữa. Lần ấy, tôi nói vui: “Cô bắt được quả tang cũng chịu vì hiện nay bộ luật hình sự của nước ta chưa phạt tội ăn cắp báo”. Cô nói: “Em muốn bắt cho lòi mặt chuột ra, nghe hắn xưng là sinh viên đó anh, sinh viên chi mà bẩn!”. Ông Hoàng bạn chúng tôi không hề ăn cắp báo, chỉ tật say nằm đường thôi và tội suốt ngày la cà quán sá, ít lắm cũng hai lần đến quày báo đọc báo cọp, mới làm phiền lòng các cô bán báo. Nay nghe chê cô Thanh bán báo, tôi mới nói với ông Hoàng:

- Cũng tại ông đọc nhờ dai quá, lại bảnh sáng đã mượn, thử hỏi các cô không làm mặt lạnh với ông sao được. Ông nên trách mình trước, trách người sau. Đồng ý với ông, so sánh giữa hai cô, cô Thanh tóc ngắn, cô Hoa tóc dài “đen nháy như một dòng sông” mà có lần ông đã làm thơ tặng đó thì cô Hoa dịu dàng, ăn nói mềm mỏng hơn cô Thanh. Tuy nhiên cô Thanh cũng tốt với ông đó chứ?

Ông Hoàng không nói gì. Người bạn thân của tôi, thường cùng tôi phê sáng, rượu chiều, tên là Mân, mải ngồi ngóng chuyện, giờ mới thủng thẳng góp lời khuyên thi sĩ Hoàng:

- Mấy cô bán báo có ghét ông cũng tại ông thôi. Ai đời, có bữa tôi thấy ông nằm mềm một đống ngay trước quày báo, ông chơi bôi bác vậy hỏi sao các cô không ưa. Chuyện ông nghèo cả thành phố này ai cũng biết, cho ông đọc cả ngày trước quày báo các cô cũng vui lòng, có điều ông đừng đến sớm quá, khi báo mới về người ta chưa bán ông cũng khoan hỏi mượn, buôn bán ai không sợ mất “mai xưa”, cũng đừng đợi lúc cô bấn búi chạy ra chạy vào bán báo cho khách, còn để mắt trông chừng kẻ xấu lấy cắp báo, ông mượn ngoài những lúc ấy tôi tin các cô sẽ vui lòng cho mượn, như tôi đây, khi nào mượn báo cũng nhận được nụ cười của cô Thanh mà ông cho là khó tính đấy nhé! Tài chưa?

- Chà bán báo cũng bày đặt may xưa, may đồ - ông Hoàng nói - Các ông binh hai cô bán báo quá hè - Bỗng dưng ông Hoàng bặm mặt dữ dằn như khi uống tới mà bị xúc phạm, ông nói - Tôi viết đơn góp ý đuổi quách con Thanh! Đồ chuyên môn giả điếc!

Mân bỗng nổi lô cồ lên. Chỉ mình tôi biết tại sao. Mấy tháng nay Mân bén duyên cô Thanh. Cô Thanh bãi ca lúc chín giờ đêm đã thấy chàng Mân của tôi la cà trước đó nửa giờ, mười lăm phút để đưa “em về... trong đêm..." Mân hiền và ít nói vậy mà khi nghe ông Hoàng nói tới cô Thanh, Mân bỗng bừng bừng mặt, nói đốp chát vào mặt ông Hoàng:

- Tôi chấp ông kiện đó, ông sai chưa lo sửa sai mà còn... đáng ra nhiều người kiện ông thì có. Nhiều khi ông nằm vạ vật đâu đó, khách nước ngoài họ thấy cười thành phố mình, ai ai, kể cả những người lao động bình thường họ cũng muốn giữ gìn thành phố mình được sạch, đẹp văn minh, văn hóa, còn ông cứ quậy riết ai chịu được? Ông có biết chính cô Thanh, ông chê là khó tính, mặt lạnh và chuyên môn giả điếc đó đã vào đồn công an xin chiếc xe đạp cho ông đấy. Nếu không có cô Thanh, ông phải nạp phạt mấy trăm ngàn, ông đào đâu ra tiền. Bài thơ của ông nhuận bút cao lắm chỉ sáu chục ngàn, chưa đủ cho ông uống rượu mỗi chiều. Tui nói thật, ông góp ý ẩu tui cạch mặt ông luôn đó nghe!

Mặt ông Hoàng ngớ ra khi nghe Mân nhắc lại chiếc xe đạp và không để ông Hoàng định hỏi gì, tôi chen vào nhắc lại chuyện tôi cùng Mân và cô Thanh đến đồn công an xin chiếc xe đạp. Nguyên do là vậy:

“Một buổi chiều thi sĩ Hoàng nhậu đâu đó đến độ đi liểng xiểng và lạc vào con đường vắng ven bờ sông, xung quanh không có người để thi sĩ quấy nhiễu, ông ta đành gây lộn với chiếc xe đạp của ông, chiếc xe đạp đã cà tàng, long vít, lại trật sên nên ông dắt nó không chịu đi, trì không đứng. Thi sĩ Hoàng nổi điên quẳng ngay xuống dòng sông để rảnh tay, rảnh chân đi lang thang suốt đêm. Sáng mai ông tỉnh rượu, nhớ mường tượng đoạn sông ông đã quăng chiếc xe, ông tìm mãi không có. Sau đó có người cho biết xe ông: “... khi đêm mấy anh công an vớt đưa vào đồn rồi...”. Ông đến đồn xin lại xe đạp, ông trưởng đồn đòi phạt hai trăm ngàn mới cho nhận xe. Khi ấy thi sĩ Hoàng mới lên tận nhà tôi, nhờ tôi đến đồn tả khổ về cảnh vợ bỏ của ông và sự nghiệp làm thơ của ông để xin giúp ông chiếc xe đạp. Tôi hẹn với thi sĩ sẽ cố gắng giúp, sau đó tôi bàn với Mân, Mân lại đi nhờ cô Thanh bán báo vì cô có ông anh là chiến sĩ ở đồn đó. Cả ba chúng tôi cùng đi. Ban đầu ông trưởng trạm cương quyết đòi phạt tiền, nhưng cô Thanh đã ra sức năn nỉ: “...Ông Hoàng là nhà thơ đó anh, ông bị vợ bỏ nên sinh buồn chán đi lang thang, hoàn cảnh ông cũng tội lắm, áo quần thì nhờ bạn bè cho, tiền không có mua báo đọc nữa thì lấy tiền đâu uống rượu đến say đến độ dụt xe...” Chúng tôi cũng phụ họa xin, ông trưởng trạm nghe cũng thương tình hứa không phạt nữa, nhưng nhờ chúng tôi gọi ông Hoàng đến làm biên bản nhận xe và cam đoan không đem xe quẳng xuống sông nữa. Nếu tái phạm ông cương quyết không tha.”

Chúng tôi xin xe đạp cho thi sĩ Hoàng mới nghe mấy anh công an cực nhọc như thế nào với chiếc xe vô thừa nhận của thi sĩ. Ông trưởng trạm kể:

- Tôi đang ngủ, bỗng trực ban điện đến: “...Thưa anh, một người đi rọi cá ban đêm thấy một chiếc xe đạp nằm dưới sông, em nghi có người tự tử, xin ý kiến của anh...” Tôi tức tốc đi đến đồn, vội quá quên mặc áo lạnh. Sau khi các chiến sĩ cùng với hai thợ lặn dân vạn đò chúng tôi thuê lặn tìm từ chiếc xe đạp, vòng vòng tròn ra sông, những vòng lặn sau càng rộng ra, ai nấy đều lạnh cóng. Các anh biết cái lạnh tháng chạp xứ mình rồi chứ, ấy vậy chúng tôi mò tìm cho tới sáng vẫn không có xác người. Đang phân vân thì ông chủ quán cà phê mở cửa quán dọn bán đi ra cho biết: “Hôm qua có người dắt xe đạp đi loạng quạng ở đây, lúc đó cũng chập choạng rồi nên tôi không chú ý rõ lắm, nhưng thấy tướng ông ta say rượu". Tôi đang mệt, đang bực thì thấy ông Hoàng lò mò cái đầu bù xù vào đồn xin lại chiếc xe đạp vì khi về đồn tôi có nhờ ông chủ quán cà phê thấy có ai tới tìm xe cứ bảo chúng tôi đã đem về đồn rồi. Cô và hai anh thấy đấy, phạt hai trăm ngàn là may lắm rồi, tiền thợ lặn, tiền bồi dưỡng anh em, đồn tôi phải chịu. Nhưng thôi, cô Thanh đã nói vậy tôi thông cảm cho ông Hoàng một lần duy nhất!”.

Tôi từ từ kể rõ cho cả bọn nghe. Cả bọn cười vang. Riêng thi sĩ Hoàng bỗng trầm tư, trên khuôn mặt sần sùi, nham nhúa thấp thoáng hiện vẻ hối hận, ông Hoàng nói:

- Các ông kín thật, chừ tôi mới biết người xin xe lại cho tôi. Trước đây, tôi tưởng đồn thương cảm hoàn cảnh của tôi mà tha cho chứ. Ai dè lại nhờ cô Thanh. Các ông đi làm kẻo trễ. Để tôi ngồi đây làm thơ tặng cô Thanh gọi là chút lòng cám ơn cô ta.

- Hôm nay chủ nhật mà - Mân nói.

Thi sĩ Hoàng lại ngớ mặt ra vẻ ngạc nhiên lần nữa:

- Té ra là chủ nhật à, ôi, tôi quên cả ngày tháng!

Thấy vẻ lẩn thẩn của thi sĩ Hoàng, bọn tôi cùng cười một trận rôm rả đầu ngày rồi cùng đứng lên đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Duy thi sĩ Hoàng còn ngồi lại, tay cầm bút, tay cầm mảnh giấy lột từ bao thuốc Jet ra với bản mặt trầm tư, mặc tưởng... bọn tôi đoán: có lẽ ông ta đang làm thơ, nên không tạm biệt thi sĩ...


Chiều, tôi ghé quày bán báo như thường lệ, chưa đến đã thấy một đám người đang bu đen bên lề quầy báo: đa số người ta cười khinh bỉ, còn người lạ thì xuýt xoa tội nghiệp, lại có người mắng: “đồ say rượu, làm mất trật tự giao thông”... Tôi chen đám người vào xem, hóa ra thi sĩ Hoàng nằm một đống, chình ình bên rệ đường có dẫn dòng nước bẩn. Ao quần, mặt mày của thi sĩ tèm lem bùn, đất, có lẽ thi sĩ đã vật vả, lăn lộn mới dây bùn như vậy. Tuy hai mắt ông nhắm nghiền, nhưng vẫn ôm khư khư tờ báo ấp trên ngực. Tôi cúi xuống vực ông ngồi dậy, ông hất tay nhìn tôi xa lạ, rồi lại nằm xuống. Lúc ấy Mân đang đứng ngoài quầy báo, phía trong cô Thanh vẫy tay gọi tôi. Tôi bước đến, cô Thanh nói:

- Anh biết không, khi hồi em mới giao ca đã thấy ông ta ngồi chực trên ghế, ông ta tặng em một bài thơ, thấy ông đàng hoàng em nhận và cám ơn thật lòng. Em sực nhớ chiều qua đọc báo thấy có tên Thi Sĩ Hoàng đoạt giải thơ, cuộc thi thơ báo Văn nghệ thành phố, em tin cho ông hay và tặng ông luôn tờ báo. Ông mừng rỡ cầm tờ báo sang quán rượu bên đường, rồi trở lại hỏi mượn em năm ngàn, nói: “Cho tôi mượn mấy ngàn uống mừng được giải, mai trả”. Em thấy ông vui, em cũng vui, chuyện văn nghệ ai mà chả thế, khi được thơ in là họ tự thưởng cho mình, nên em nói: “Anh cầm luôn mà tiêu, em không đòi, coi như em mừng ông vậy. Mới đầu, ông ngồi một mình sau đó ông ra đường gặp ai ông cũng khoe được giải thơ và trăn tờ báo ra cho người ta đọc. Những người ông khoe, họ đều mua rượu rót mừng ông người một vài ly, thế là ông say mèm. Cũng tại em cho ông tiền, tại em tin cho ông hay! Anh và anh Mân làm thế nào đưa ông về nhà, kẻo ông trúng gió em lại thêm rách việc. Hai anh đưa ông về giùm, nhé, để ông nằm đấy, kỳ lắm!

Nghe cô Thanh nói một hồi, tôi gật đầu đồng ý và nói:

- Đó là cái giá phải trả. Ông Hoàng ông vì thơ mà quên tất cả buông xả tất cả cũng vì thơ, thật là tội nghiệp!

Mân đứng im lặng từ khi gọi tôi vào và lặng nghe cô Thanh và tôi nói xong. Khi ấy, Mân mới nói:

- Sao ông bảo ông Hoàng quên tất cả, ông ta nhớ tất cả, ông nhớ ông là một nhà thơ, thậm chí còn ngộ nhận là một nhà thơ nổi tiếng, kiểu ông sống be bét, cẩu thả như vậy là ông tự tạo khác thường. Ở thành phố mình và cả Miền Nam ông chưa nổi tiếng nhà thơ nhưng đã nổi tiếng say thơ, say rượu nằm đường và kiểu sống khác thường, đúng hơn là bất bình thường. Ông Hoàng, ông nhớ tất cả, ông chỉ quên duy nhất một điều, đó là ông quên nhân cách của một nhà thơ.

Tôi không tranh cãi với Mân vì tôi nghĩ: các nhà thơ không phải lúc nào cũng ở trạng thái bình thường mà thi thoảng cũng có phút bất thường, chính những phút bất thường, thường có những câu thơ hay. Tôi chưa vội đánh giá thi sĩ Hoàng nhưng cũng thầm công nhận với Mân là ông Hoàng vì thơ mà quên bén nhân cách của một thi sĩ. Tôi nói:

- Mân ạ, tôi và Mân vực ông lên xích lô, áp tải ông ta về, để ông nằm đó, người ta lại cười chúng mình. Trong đám người hiếu kỳ một cách độc ác kia, khối người biết bọn mình cùng thi sĩ Hoàng uống cà phê buổi sáng ở vỉa hè, có thể họ sẽ nghĩ bọn mình cùng một giuộc như nhau.

Tôi và Mân áp tải thi sĩ Hoàng về nhà của ông. Hai, ba bận thi sĩ nhảy xuống xe xích lô, đứng láng cháng giữa đường chận người xe qua đường, khoe tờ báo và vùng vằng không chịu đi xích lô...

Sáng mai tại quán cà phê vỉa hè chúng tôi chợt giựt mình thấy thi sĩ Hoàng đi vào quán. Người ngợm ông càng gớm ghiếc, mặt mày phờ phạc, râu tóc nhôm nhoam. Ông lấy tờ báo ra khoe với chúng tôi, kỳ lạ tờ báo sạch đẹp một cách tinh tươm, cứ như ông vừa mua tờ báo ở quầy báo nào đó. Có lẽ ông ôm ấp tờ báo từ trong lồng ngực mình mà quên bản thân của ông rất cần sự chăm sóc...

Huế, ngày 5 tháng 4 năm 1999
N.V.V
(125/07-99)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.