Nguyện ước xanh ngời

10:05 09/06/2020

NHỤY NGUYÊN       

Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.

Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Ngày nghỉ nối dài, chừng này năm ngoái biển tấp nập người, mà lần vừa rồi Miên đến chỉ có sóng. Con thuyền nhỏ nhoi phía xa mờ. Đã có lần cả gia đình Miên đến đây. Cha với con xây lâu đài cát, Miên vừa bơi vừa vẫy. Con Miên chạy ùa ra, bị sóng bốc lên như chiếc lá. Những tháng ngày gian nan, Miên chỉ biết về biển hay ra đồng nhìn mây trắng bay như hoài niệm kiếp người vừa có đã biến dạng rồi tan mất. Có đêm Miên mơ thấy mình đi với một người qua trời tây đón con về. Miên không nhớ là ai, không phải chồng, mà anh ấy, luôn bên hai mẹ con. Chưa biết trở về nước bằng cách nào thì choàng tỉnh.

Miên về đến nhà tầm 3 giờ sáng. Mẹ biết từ tiếng mở cổng ngoài xa. Điện bật sáng, mấy đôi mắt mèo lóng lánh nơi góc vườn gần nền giếng rồi hút vào bóng tối. Cửa mở, tóc mẹ còn xõa. Miên thấy màu trắng của tóc ánh lên và nụ cười hiền của mẹ từ xưa vẫn thế. Miên thả ba lô xuống hiên, gỡ khẩu trang rồi ra rửa tay. Buông nhẹ gàu nước xuống giếng, nghe trong vắt nỗi niềm. Mát rượi đôi chân. Miên múc nước đầy xô và tắm dưới ánh trăng nhạt. Tiếng ve chợt rộ. Đã hè. Học sinh nghỉ học hơn ba tháng rồi. Mọi người căng mình trước dịch Covid. Thế giới bao nhiêu người đã mất. Nhân loại như một cơn đau tim bất chợt. “Mẹ ơi con không thở được”; “Không, hãy dành máy thở cho bọn trẻ, Chúa sẽ đón tôi về Thiên đường”. Miên nghẹn. Nhiều lần viết lời sẻ chia lên facebook rồi xóa. Nói gì đây, vui gì đây khi người người khổ lụy ngoài kia; khi đứa con duy nhất của Miên đến giờ còn bên kia đại dương; nơi đang oằn oại trong bão dịch. Con số tử vong tăng như cơn rồ dại. Nhiều đêm rồi Miên thức trắng để nhận tin từ con. “Mẹ yên tâm, con mãi mãi bình an bên mẹ…”. Yên tâm sao được. Miên bó gối với thinh không.

Miên vào nhà. Mẹ ngồi bên giường. Miên nói mẹ ngủ tiếp đi. “Mẹ không ngủ, tầm này là mẹ hết ngủ rồi. Miên cũng không thấy buồn ngủ. Người nôn nao. Tiếng ve rộn ngoài vườn. Có lẽ chúng đậu nhiều ở cây vông sát hàng xóm, và cả trên cây vú sữa, trên những cây đào ba trồng. Miên lên nhà trên thắp nhang. “Ba ơi con về ở với mẹ một thời gian. Lâu lắm rồi con mới được nghỉ dài như thế này, từ ngày con lấy chồng…”. Miên nhìn mãi khuôn mặt ba cười trong phảng phất mùi trầm và bóng tối loang giữa ánh sáng mỏng manh. Miên đứng rất lâu và lúc ngoảnh lại thì thấy mẹ lặng chìm nơi góc tối… Từ ngày ba mất mẹ ở với bóng trong ngôi nhà này. Mấy anh em của Miên thi thoảng chở cháu về với mẹ, rồi đi. Để mẹ đứng khuyết mòn đầu ngõ.

- Đêm nằm mẹ phải mở cửa sổ, có gió vô ra thì cơ thể mới khỏe mạnh, giấc ngủ mới an mẹ ạ.

- Mẹ sợ… Để mai mẹ lên nằm nhà trên cho thoáng cũng được.

- Mẹ cứ ở trong vườn thì chúng con mới yên tâm.

- Lo chi con. Thời này đói mấy cũng không bằng hồi xưa ao ước có bữa cơm không độn khoai với rau luộc chấm tương. Miễn sống qua mùa dịch. Mẹ nỏ lo mua sắm, ở nhà cả tháng cũng được. Mẹ có nhiều gạo trong chum, đậu lạc. Rau thì đầy vườn.

Miên nhớ ngày nhận tin dữ đầu tiên về con số tử vong ở nước ngoài, cũng hoang mang, lên thăm ân sư và vấn an. Sư bảo corora là virus nhân tạo hay tự nhiên thì con người đều có trách nhiệm. Con biết không, ví như thế giới cháy rừng diện rộng, những loài mang virus hiểm nơi sâu xa mất chỗ ẩn náu sẽ di cư qua miền khác gần với con người hơn… Nhưng chuyện đó bàn sau. Vấn đề giờ là an định thân tâm vượt qua bão dịch. Con cần lắng dịu tham si sân giận cho yêu thương phát khởi, đó chính là sức đề kháng, lỡ bị lây nhiễm cũng nhiều cơ duyên qua khỏi. Những người ở tuyến đầu bão dịch đang gánh hộ chúng ta phần nghiệp nạn, họ thậm chí tính mạng rất nguy hiểm còn chúng ta yên ổn thanh nhàn nơi đây, con nên nghĩ nhiều về điều đó.

Sư biết Miên còn niềm oán với chồng, nên mới nói thêm: “Con mang tâm hận, thì đó là mở đường cho tà khí xâm nhập”.

- Để mai con xắt gừng tươi thành lát bỏ vô bình thủy ủ nước sôi qua đêm uống cả ngày; con có mang về bột sắn dây nữa. Uống thêm chanh với muối hột rất tốt mẹ ạ, nhà mình có đến hai cây chanh. Thầy con khuyên ăn thêm tỏi và xôi.

Tiếng con mèo ngoao lên. Nó gặp ánh mắt Miên, khẽ rụt, nhưng lúc nó nhìn qua mẹ rồi thì bình thản liếm mượt bộ lông. Mẹ nói chỉ con mèo đực này sống dai nhất, không vướng bẫy của ai, chắc sắp thành tinh rồi. Hơn chục con mèo của mẹ họ bắt hết, giờ chỉ còn ba con. Đợt trong năm mẹ đi chăm cháu, cậu con có vô cho ăn nhưng bọn trộm đặt bẫy bắt dần. Tội. Có con đang mang thai...

Miên nhớ con. Có lẽ con người có mối liên thông qua sóng ý niệm, Miên hiểu điều này qua lời ân sư, còn thấy rõ trong cuộc sống nữa. Như bây giờ, ngay lúc hình ảnh con mình vừa thoáng qua thì mẹ hỏi: “Người ta nói bên đó người chết nhiều lắm phải không… Cháu mẹ chắc không sao đâu nhỉ”.

- Không mẹ ạ. Chỉ cần ở yên trong nhà. Con cũng dặn nó ăn uống và tĩnh tâm như lời ân sư, sẽ ổn thôi mẹ.

Ánh trăng ngoài vườn làm hiện những tán lá vàng mơ. Miên lên ngồi với ba, mở cánh cửa trước, gió lùa vào đánh loãng mùi nhang loang ra hiên. Tiếng lợn kêu ụt ịt ở nhà gần bên con ngõ. Con gà cuối xóm gáy vang rồi ngủ quên. Miên thương con, nhớ con. Con Miên đã chậm mất thời cơ trở về. Nó nhắn qua facebook: Hôm những đồng hương ra phi trường rồi, con tưởng đến cảnh bao người trở về trong vòng tay giang rộng của quê hương, và lúc nghe tiếng máy bay, nó khóc. Mẹ ơi con nhớ xưa mẹ ru “mẫu tử tình thâm” giống như lời kinh mẹ gửi con nghe bây giờ quá “bên ráo con nằm bên ướt mẹ lăn”. Thương mẹ nhiều nhiều.

Miên chợt nghĩ hay là nó đã biết chuyện buồn của Miên mà không muốn nói. Miên nhớ đêm hôm kia ở lại chùa, 3 giờ dậy theo tiếng chuông. Chùa đã ngưng các khóa tu. Những ai trong diện tàn tật cơ nhỡ, là dân nghèo đi bán vé số và nghề dạo, hễ phát tâm dự khóa tu, nhà chùa đều đưa xe đến tận nhà đón về cộng tu, còn được phát quà và gạo. Nay chùa vắng. Ân sư gọi Miên vào thất thưởng trà. Từng cử chỉ pha, rót trà đều nhẹ nhàng, chậm rãi và chính xác như ở trong diệu tính của thiền.

- Dạ thưa sư ngày mai con về quê với mẹ, lúc nào trở vô con sẽ đến thăm sư liền ạ.

Sư không nói gì. Rất lâu. Nhiều lần như vậy, có khi cả giờ đồng hồ. Miên cứ nghĩ sao sư không dạy mình điều gì, sau này mới hiểu sư đang dạy định tâm, tăng sức nhẫn và hòa vào thế giới “bên trong”.

- Ừ. Con về với mẹ. Đạo trước hết ở hiếu đễ, nhân lễ con ạ. Chỉ có trở về miền thanh khiết nội tâm con mới nhận ra hạnh phúc đích thực vốn sẵn. Con biết sao không. Chúng ta luôn hướng ra ngoài tìm cầu, tìm cầu không ngừng nghỉ mà bỏ quên phần linh diệu nên mãi mơ hồ kiếp sống. Chúng ta khoét rỗng địa cầu, nguồn sống tự nhiên bị bóp nghẹt. Sư trộm nghĩ tự nhiên nó cũng có trí tuệ và vận hành theo một trật tự qua chu trình phân tích nghiệp thức ý niệm và hành vi của từng người. Tại sao tham sân si lại là độc tố, vì không có nó thì cơ thể chúng ta đủ kháng thể với tà độc. Trái đất nằm trong chuỗi tự nhiên và chính nó hẳn cũng có kháng thể tự chữa lành những vết đau…

Sư ngưng lại khiến không gian lặng phắc rõ cả hơi thở mềm.

- Con muốn nói gì giữa lúc nhân loại gồng mình vì sự sống chung? Từ đáy sâu hốc tối tâm thức mà ai đó chưa hẳn nhận ra, những ý niệm muốn quay lưng với bao người không còn thở, còn họ thì sẽ thở được qua nghiệp nạn này?

- Dạ, thưa…

- Sư cảm được nỗi nhọc nhằn chúng ta đang gánh chịu. Giữa lốc tố đại dịch, con người biết yêu thương tương trợ dìu dắt nhau, đặt từ bi lên đầu thì chắc kiếp nạn sẽ dần được hóa giải. Bởi trong từ bi đã là trí tuệ; trí tuệ không phải là tri thức cao siêu mà trước hết nó là từ bi con ạ.

Rồi sư không nói gì thêm, nhìn ra màn sương đùng đục. Miên cũng ngồi quay nhìn ra sân chùa. Một cảm giác hạnh phúc dâng tràn, dường như nước mắt muốn ứa; như bây giờ bên hiên ngôi nhà của mẹ. Ờ, Miên thoáng nghĩ, sao lại là “ngôi nhà của mẹ”. Vì sao? Vì ngày xưa cái tổ ấm gia đình ăn rau cháo qua ngày đói quắt mà mấy anh em vẫn được mẹ cha bấm ngón chân giữa bùn lầy cõng đến những ngôi trường. Rồi lũ con có việc, có gia đình ở riêng, còn ba mẹ ở lại. Rồi ngôi nhà “của ba mẹ” ấy bây giờ chỉ còn mẹ…

Miên trở xuống nhà dưới ngồi bên giường.

- Hôm qua mẹ coi ti vi thấy mẹ liệt sĩ hơn chín mươi rồi còn xách rau gạo đi bộ đến ủng hộ nhà nước chống dịch, mẹ cầm điện thoại mà làm mãi không được. Con H nói để mua cho mẹ điện thoại cảm ứng gì đó, mẹ nói mẹ không biết dùng, mẹ không thích, mẹ chỉ dùng cái này của ba để lại thôi.

- Dạ, mẹ để sáng ra con bày cho cách, rồi tự mẹ nhắn ủng hộ nha, mẹ cứ nhắn hoài rứa, hết tài khoản thì con nạp thêm.

- Ì, hay con nhỉ, có lúc vì người lại là ngồi yên. Mẹ nhớ hồi thanh niên xung phong cả tháng trời đi bộ, rục cả đầu gối, rồi những ngày đi học “mười cộng ba”. Học trò giờ tra cả rồi, có đứa về nhận cô, nhắc chuyện quả bom rơi trước cổng trường mẹ mới nhớ.

- À, mà sao chồng con không về đây luôn, ở nhà mẹ ít ngày.

- Dạ…

Miên định nói, rồi chừng lặng nghĩ suy.

“Dạ, anh bận việc cơ quan”; “Dạ, anh về bên nội”…

- Tuần trước loa xóm thông báo sẽ đưa công nhân từ Hàn Quốc về cách ly xét nghiệm ở trên Cồn Nhôn. Mẹ đóng cửa ở trong vườn lo gì.

- Dạ, anh… đang cách ly mẹ ạ.

Miên tự nhiên đứng dậy. Miên muốn nói hết với mẹ, rằng thằng chồng con theo gái rồi. Một lần, hai lần, cả trường đều biết, rồi hắn dày mặt ra. Chúng con ly hôn. Chúng con cách ly rồi mẹ ơi… Cháu mẹ cũng chưa biết việc này. Con đêm đêm ngồi chong đèn mong thời gian qua đi lại không thể tâm sự cùng con điều mắc tận đáy lòng…

Thời gian trắng xóa. Tin gần nhất, con của Miên nhắn thành phố sẽ tạm ngắt internet. “Mẹ đừng lo gì. Con hiểu coronavirus”.

Miên chau mày, ừ, ra đến giờ mình vẫn chưa hiểu về corona. Nó đã gửi thông điệp đến Miên mà Miên chưa muốn nhận. Nó là quầng ánh sáng; một thứ ánh sáng khuất lấp đâu đó trong chín mươi phần trăm năng lượng tối mà khoa học chưa chạm đến. Miên chợt nhớ lời ân sư, rằng con người vốn dĩ có khả năng kháng lại mọi bệnh kể cả nan y. Nếu con biết dưỡng tâm, biết ăn uống xanh, sống xanh và tôn trọng mọi người mọi loài thì kháng thể là năng lượng tâm ấy sẽ giúp con vượt nghiệp nạn. Thiên nhiên đã bị đối xử thô bạo, chúng ta khai thác tài nguyên quá đà phục vụ cho vũ khí, hóa chất, rừng hoang vu và các loài động vật bị đẩy đến tận cùng sự sống… Con phải yêu thương nhiều hơn, buông xuống những hận tình trong sâu thẳm.

Miên không biết mình có buông được, hay đã buông được chưa về niềm đau tức tưởi trước chồng, vẫn đang tạo thêm điều nghiệt ngã với Miên và con. Nhiều lúc Miên tự hỏi sao lại có nhiều người không tiếc mạng sống vì người khác, lại có người như thế này, sao Miên gặp phải… Trong lúc có những người như bạn Miên, lần vô tình giao tiếp với người nghi nhiễm nên bị cách ly, sau hai tuần thì xin tình nguyện ở lại phục vụ luôn. Miên thương những người mẹ là bác sĩ y tá trẻ có con nhỏ đằng đẵng thời gian chưa được gặp nhau. Miên cũng thấy bức ảnh một bác sĩ nước ngoài bị phơi nhiễm phải đứng ngoài cổng nhìn vào vợ và con, rồi ngậm ngùi ra đi… Miên lại viết vào nhật ký facebook đợi dịp nối kết chia sẻ với con. Có lúc Miên đã nói hết sự thật về người cha của nó. Cha con đã bỏ mẹ theo người khác. Từ lúc cha con chung với người đàn bà ấy, nghe lời người đàn bà ấy đã không chịu trả khoản nợ vay cho con du học, ép mẹ trả hết. Nếu mẹ không trả, cha nói để nhà lại đó cha ở, mà như vậy mẹ nương náu chỗ nào con. Cha con lật lọng lời hứa của mình dành ngôi nhà cho con và mẹ. Cha con nghe lời người đàn bà ấy cấm liên lạc với con luôn, mẹ nghĩ thế. Nhưng bây giờ mẹ chỉ muốn con được bình an giữa bão dịch thôi. Miên viết xong rồi, xóa đi. Miên sẽ không nói lời nào như vậy về người cha của con mình. Miên sẽ nói đơn giản là cha con theo người khác rồi. Và sau đó là dấu chấm than, chấm hết.

Giữa năm ngoái Miên nài nỉ mẹ vào ở với chúng con một tuần thôi cũng được, mẹ hứa để ra giêng, mà bây giờ… Miên giấu mọi chuyện trong lòng. Mẹ vẫn nghĩ về gia đình êm ấm với đứa cháu ngoan hiền. Miên thấy mẹ đã nằm lại, gác tay ngang trán và kể những câu chuyện hồi bom Mỹ dội xuống làng, mảnh găm bên thái dương bà cu Chắt mà bà vẫn sống khỏe đến tra nhăn. Ngày xưa ăn rau ráng khoai sắn, cả năm được miếng thịt với mấy con cá đồng và một cục đường đen làm nước mắm, mà người khỏe như vâm, làm đồng ùi ụi. Miên bảo mẹ ăn rau đậu củ quả, ăn côộc chuối vậy mới là dưỡng sinh kháng thể; còn giờ ăn uống như cái máy lập trình a b c…

Có tin nhắn song không phải của con. Thông tin từ anh về số ca nhiễm và chết tăng cao ở châu Âu. Miên chưa muốn đọc hết lúc này. Lần ấy Miên lên ủy ban thị trấn hỏi về tờ thỏa thuận với chồng. Gặp anh. Anh nói nếu ra tòa thì em sẽ thắng chồng, vì ở đây đã ghi rất rõ, ba mặt một lời chính quyền xác nhận. Nhưng xứ này Miên nào có ai thân thiết, ra tòa ú ớ, không chừng họ rắp tâm dấm dúi với nhau khiến mình bị thiệt, lại thêm oán hận không chừng, hổ thẹn mặt con sau này. Anh nhìn Miên lâu, rồi nói để anh thử nghĩ cách… Nam mô diệu ân. Miên lên nhà trên nhìn bức ảnh Cõi Tịnh. Miên chìm sâu vào đó rồi cúi xuống nguyện cầu. Những lần đến chùa Miên đều nguyện cầu mọi người cùng bình an như trong ngôi chùa này. Ân sư nói ý niệm và hành động vì người mới đem lại cho ta sự bình an chân thật, được thiện thần hộ niệm, ngược lại là hại ta ở kiếp này và kiếp sau. Ngày hôm kia đến đây, chùa mang lại cho Miên cảm giác yên lành khôn tả. Chao ôi, bao nhiêu người nhọc nhằn ngoài kia, bệnh dịch hoành hành ngoài kia, mà ở đây... Miên muốn chạy tới đâu đó làm những việc cảm thấy hữu ích cho sự tồn tại của mình, lại nhớ sự ở yên, tĩnh lặng đã là giúp người khác. Thế giới nhiễu loạn ý niệm tham sân si ngã mạn, những người như ân sư đang thanh lọc thứ độc đó trong tâm góp vào vũ trụ những ý niệm thiện lành, mà nào ai thấy. Miên thoáng buồn, nỗi buồn dịu ngọt. Miên ra ngồi bên hiên tháp chuông, đầy nắng. Nắng trong vắt xuyên qua tàng cây già cỗi. Miên nhìn cái bóng mình đổ dài theo hình chuông, méo dần, hư hao rồi mất hẳn. Chim kêu trên cành bồ đề bên bờ hồ. Một khoái cảm yên mình râm ran. Không lẽ cứ hạnh phúc như thế này, khi nhiều người còn ngộp thở, gồng mình trước dịch giã ngoài kia. Miên cứ lặp lại ý nghĩ này hoài. Thì vậy. Những bộ tộc quanh năm trên núi không hề biết đến thế giới hiện đại này, niềm hạnh phúc của họ không gì vấy vào được. Ừ. Thì hiên chùa vẫn nắng mà. Nỗi yên bình vẫn reo trên cành lá có bầy chim đùa với gió xuân thì đó thôi.

Miên thao thức. Ngủ gì giờ này nữa, Miên chỉ ngả lưng một chút rồi dậy. Nghĩ vậy mà Miên chợp mắt liền, trên tấm phản gần bàn thờ ba. Ngày bệnh ba cũng nằm đây nhìn theo Miên xách ba lô mà không ngồi dậy được. Miên không ngoái nhìn ba, sợ nước mắt. Con mèo nhổm mình ở cửa bếp nhìn theo Miên. Rồi lần khác về mẹ bảo nó bị bẫy rồi, tội nghiệp…

“Chị về con à. Mẹ khỏe. Chị con ở lâu. Bựa ni ai đi học mà dạy…”.

Miên nghe tiếng mẹ lẫn vào trong giấc ngủ, làm tỉnh giấc, kìa, nắng. Nắng hắt vào tấm phản của Miên đang nằm. Nắng rực ngoài vườn xanh mướt. Miên nhỏm dậy thấy hai con mèo đang vật nhau, oằn bên này oặt qua bên kia. Miên cười, chúng nhìn vào, hơi chờn, rồi lại chơi trò lăn trên những hạt nắng giữa sân.

Miên xuống bếp thò tay vô hũ bốc muối hột cho vào miệng rồi uống thêm ngụm ước hòa tan và ngậm. Mẹ đang rửa rau, Miên thấy trong đó nào lá bồng ngọt, đọt rau khoai, rau sâm, có cả hai búp bông bí nhìn đã thích mắt.

- Mẹ ơi đây toàn rau mà bên dưỡng sinh dùng.

- Gớm, đầy, cả vườn ăn mãi không hết. Thường ngày mẹ còn hái lá mơ, diếp cá, tía tô và lá đinh lăng ăn sống nữa. Trồng một lần rồi nó mọc lên nhổ cũng không hết.

- Buổi sáng mẹ nên đi lại dưới nắng để cơ thể tăng dương khí. Từ nay ta có thêm nước xác gừng, nước sả tắm nữa, thơm thật.

Mẹ cúi người thả gàu xuống giếng, tiếng vang khiến Miên tỉnh giấc. Thì ra mơ. Chợp mắt đã mơ liền. Như giữa thực tại này nối vào thực tại của giấc mơ đến không phân định được. Vẫn màn tối. Mẹ hẳn thấy Miên ngủ nên đã tắt điện. Ánh trăng mỏng vương trên cửa sổ. Mùi nhang trầm tan đâu mất. Miên khẽ lật mình, cầm điện thoại bật mạng, ấn nút âm lượng xuống hết. Miên mở tin của anh gửi đến. “… riêng ngày hôm qua nước Ý gần cả ngàn người vĩnh viễn không còn thở nữa…”. Miên chưa nhắn lại liền, vì Miên chợt nhớ lời ân sư: Đức Phật từng nhắc một hơi thở ra không trở vào nữa thì thế gian này cái gì là của ta. Con không thể đợi vắc-xin để được an lòng. Sư ước thế giới thật sự chế thành công vắc-xin phòng Covid-19 cũng phải bảy, tám tháng nữa… Con không thể đợi mà ngay giờ phải gạn lọc tham sân si, lòng kiêu mạn và niềm hồ nghi về thánh huấn để nội lực tự sinh kháng thể… Chỉ còn tấm lòng ở lại con ơi”. Và rồi Miên quyết không ra tòa nữa. Từ đây sẽ là một cuộc sống khác. Từ lâu Miên vẫn soi gương nhiều là nhìn lại mình quá ít. Từ lâu Miên chưa biết tạo một khoảng cách trong tâm tưởng với mọi người; để làm gì?, để có lúc Miên cần khoảng cách đó mà cúi xuống trước mỗi ai như chiếc lá gieo mình hiến lại khoảng mênh mông…

Miên nhắn, “đau thương quá anh ơi. May thay ở nước mình chưa ai…”. Đó là vào chiều Miên ngồi cà phê vỉa hè. “Bữa chót đó nghen, từ mai đóng toàn thành phố rồi”. Miên dạ, rồi nhắn “anh rỗi không đến ngồi với em chút”. Lời Miên treo lơ lửng trên mây. Miên ghi lại thời khắc lá vàng tuôn đổ như thác. Quãng đường dài vắng tanh vàng rực lá còn tươi nhựa sống. Miên gửi đến anh bức ảnh, không viết gì. Mãi khi hoàng hôn xuống hình đại diện quen thuộc mới hiện ra: “Giá anh bay qua được bên đó đưa con về cho em”.

Miên ngồi ở góc sân nhớ lại giấc mơ. Hình như còn một đoạn, Miên đang cố chắp nối. Tiếng chó sủa. Miên cứ chập chờn giữa thực và mộng, còn tự nhủ, chó sủa hẳn là mơ rồi, vì nhà mẹ không có chó. Người ấy bước vào, đứng ở sân. Miên nhìn, muốn reo, mà không, là chồng?, hay là anh? Miên cứ mơ màng mộng mị. Tiếng mẹ vọng từ bên giếng: “Mong trời hết dịch. Lần này con sinh mẹ sẽ vào ở lâu chăm cháu…”. Miên d… ạ rõ dài, rất nhẹ, rồi tự nhiên cười với ngọn nắng xanh giữa vời vợi hư vô.

31/3/2020
N.N  
(TCSH374/04-2020)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGÔ THÚY NGA

    1.
    Làng yên bình gối đầu lên chân một mỏm núi mà thở nhẹ nhàng. Làng cười nhẹ như gió bên nhánh sông thầm thì lời bìm bịp gọi nhau. Làng tôi đấy! Có núi, có sông, có cánh đồng mà đàn cò dang cánh, rộng thênh thang. Có tuổi thơ của chị em tôi và những chị em khác nữa.

  • HẠO NGUYÊN 

    1.
    - Thế mà đã chín mùa hoa văn nở.  Tôi năm nay bốn mươi chín tuổi. Ở cái  tuổi này, một vài người đã biết rõ con  đường mình đi sẽ về đâu.

  • LÊ HÙNG VỌNG

    Vừa đặt bàn tay lên cái nắm đấm và một thoáng nhìn vào bên trong phòng khách qua lần cửa kính, tôi chợt nhận ra là vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời này tôi đã không hề gặp may.

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Rốt cuộc ông đã bật nẩy được hai hòn đá lớn, một vuông một tròn, nằm kẹp chặt cái hũ gạo nhỏ như quả bầu khô đã hơn hai năm nay.

  • Ảo hóa

    Người lữ khách đi qua sa mạc, thấy một chiếc kèn nằm lăn lóc nhưng chói sáng giữa nắng trời gay gắt. Ông dừng lại, lấy nước uống, nghỉ chân, nhặt chiếc kèn lên xem.

  • HUỲNH MAI 

    Ở một con sông lớn, nước xanh trong, mát lạnh và dòng chảy hiền hòa. Tôi nằm ngửa, dang hai tay, thuỗn đôi chân không quẫy đạp, thế mà toàn thân cứ trôi bềnh bồng.

  • NGUYỄN QUANG TUYẾN

    Phi trường Huế phải ngưng hoạt động sáu tháng để tu sửa. Đường băng được kéo dài theo chuẩn phi trường Quốc tế để máy bay lớn, lên xuống đón lượng du khách số đông đến du lịch Cố đô Huế.

  • NGUYÊN QUÂN

    Về lại trên cái vùng đất xưa nổi tiếng là ma thiêng nước độc và hiện tại tuy vẫn rất heo hút nhưng cũng mang đầy đủ sinh khí của một vùng dân cư, tôi vẫn không tin rằng có một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó đã nhúng tay vào chơi trò mộng du với những cô gái thanh niên xung phong thời ấy. Nhưng cũng chẳng giải tỏa được sự tồn nghi trong lòng, dù sau nhiều năm dài vẫn cố đi tìm lời giải…

  • LÊ VI THỦY

    Ánh sáng màu đỏ. Đỏ như máu đang ngoạm dần lấy thân thể. Những đứa trẻ khóc thét, ngón tay bám víu gần như tuyệt vọng rời khỏi bố mẹ chúng. Những ngọn đồi trồi lên mặt đất, to dần, to dần, mặt đất rung vỡ.

  • ĐOÀN LÊ

    Em dắt dẫn tôi vào chuyến đi đột ngột này. Tôi biết. Ra sân bay lúc ba rưỡi sáng, tôi một mình bước trên những đường phố Hà Nội vắng ngắt, lành lạnh sương đêm.

  • HẠO NGUYÊN

    1.
    Em đi loanh quanh ngôi nhà của tôi, nhìn mọi đồ vật với vẻ mặt ngạc nhiên. Em đứng lại trước một bức tranh. Đó là bản sao bức “Tiếng thét” của Edvard Munch. Khuôn mặt em biểu cảm một nỗi cô đơn không tả xiết.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

    Bà Thu đứng trước chiếc gương lớn. Bà nhìn hai bờ ngực còn căng mộng, phớt chút màu hồng phấn được khéo léo trang điểm trước lúc đi đám cưới, bà tâm đắc với của nả đang có của mình.

  • QUẾ HƯƠNG

          Truyện ngắn

  • VĨNH QUYỀN

    Không ai biết chàng từ đâu đến, tên họ thế nào. Bản thân chàng cũng không có gì đặc biệt để cư dân kinh kỳ vốn quen chạm mặt khách tứ phương phải quan tâm.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Đợt rét đậm cuối năm không ngăn được cây lá quanh vườn nhú mầm non và hai cây mít bên cổng lại nẩy những “dái” mít được bao bọc bởi lớp nhụy vàng mềm mại, trông dễ thương và ngon lành, đến mức muốn… cắn một miếng như hồi nhỏ ở quê. Bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, những tờ lịch năm 2014 khoe màu rực rỡ, tươi rói đã lại giăng giăng khắp các cửa hàng…

  • NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

    Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.

  • TRẦN HẠ THÁP

    1.
    Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.

  • THÁI NGỌC SAN

    Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".

  • HOÀNG THU HÀ

    Không biết ai đã đặt tên cho cái hồ này như thế. Hồ nằm cách xa thành phố khoảng chín mươi cây số, dưới thung lũng của đồi núi mọc đầy cây dương liễu. Bấy giờ đang là mùa hè phương nam, gió thoáng đãng và ẩm ướt thổi từ đại dương vào khiến sự hoang vu của hồ càng xao động hơn.