Người vợ quê

09:21 08/03/2010
UẤT KIM HƯƠNGHắn là một họa sĩ tài hoa. Khi đang ở tận cùng của khổ cực túng bấn, hắn tặng cho người, cho đời hằng trăm bức tranh sơn dầu với bút pháp lẫn tư duy lạ lẫm, độc đáo.

Ảnh: Internet

Hắn sáng tạo, và chỉ biết mỗi điều là mình đang sáng tạo. Hắn không biết rằng mình đang chôn vùi tài năng ở cái xó xỉnh đìu hiu. Hắn quên đi rằng, người vợ quê mùa mộc mạc của hắn, người thôn nữ một thời làm giao liên cho “ Việt Cộng”, phải chân lấm tay bùn ở ngoài đồng nắng cháy da, lại còn phải tranh thủ lo cơm nước cho hắn yên tâm say sưa với công việc vẽ vời không đẻ ra được một đồng xu cạo gió. Hắn còn quên đi một đứa con dị tật đang thèm khát một miếng bánh ngọt rẻ tiền, khát một ly sữa hạng bét, và chưa hề biết những thứ đồ chơi bằng nhựa mà lũ trẻ ở thành phố quăng lăn lóc ở ngoài sân bụi cỏ.

Say mê theo những đường nét, sắc màu, hắn quên hết. Đến khi hắn buông cọ, rời mắt khỏi giá vẽ, hắn đối diện với sự thật. Sự thật ảm đạm, cay đắng, không như ánh trăng vàng huyền ảo giữa đêm quê bình lặng, không như dòng sông xanh lượn lờ thơ mộng in bóng lũy tre linh động lao xao, cũng như nhành phong lan tươi tắn dưới nắng vàng lung linh ánh... trong tranh của hắn. Hắn thở dài, rồi trốn chạy sự thật bằng cách cắm đầu dán mắt vào giá vẽ. Vẽ. Vẽ. Vẽ. Hắn yêu hội họa yêu tranh, yêu cọ bút, yêu những lọ sơn dầu, yêu giá vẽ là do vậy...

Một hôm, qua những người quen biết cùng làng, hắn được giới thiệu đến đình làng bên kia sông để vẽ những bức phông ở điện thờ, sơn lại các câu đối Hán tự trên những tấm liễn. Thật tình cờ, trong số những vị khách hành hương có mặt tại đình làng hôm ấy, có Xuân Vinh, người bạn thâm giao thời niên thiếu, và là đồng đội của hắn thời nằm vùng tại thôn Đại Điền. Đôi bạn gặp nhau, kẻ đói rách, người cao sang, nhưng cùng một nỗi mừng vui khôn xiết. Hắn kéo bạn về ngôi nhà tranh xiêu vẹo của mình để hàn huyên tâm sự. Xuân Vinh đang là hướng dẫn viên du lịch, và cũng là tay môi giới buôn bán đồ cổ, tranh ảnh có tầm cỡ quốc tế. Gặp lại bạn cũ, gặp lại vợ của bạn là người quen cũ thời nằm gai nếm mật gian nan, Xuân Vinh xúc động lắm. Đau lòng trước hoàn cảnh túng bấn tiêu điều, như pháp thuật của một tay phù thủy lão luyện, Xuân Vinh mang mớ tranh của bạn vẽ đang nằm lăn lóc ở xó nhà, đem về thành phố. Ba ngày sau, số tranh ấy đã biến thành một đống bạc, một đống bạc kếch xù ngoài sức tưởng tượng của vợ chồng họa sĩ nghèo nàn. Và rồi, hắn- họa sĩ tài ba đã theo Xuân Vinh về thành phố, bắt đầu lặn hụp vào dòng sống sôi động

Hắn thuê một căn hộ ở trung tâm thành phố để mở phòng vẽ, và ở luôn nơi đó. Thỉnh thoảng, khoảng nửa tháng, hai mươi ngày hắn phóng xe về thăm vợ con quà cáp, tiền bạc rủng rỉnh, rồi hối hả quay lại thành thị nhốn nháo, chừng như sợ cái thành phố hoa lệ kia sẽ bị ai đó làm biến mất khỏi trần gian.

Hắn đã là một họa sĩ có tiếng tăm. Có nhiều cuộc triển lãm, tranh bán rất chạy. Hắn quen biết nhiều, quen đủ mọi giới, và hình như mọi giới cũng thích quen biết hắn, vì hắn là một người nổi tiếng, một thần tượng, và hắn chơi sộp.

Nguồn thu mua tranh của hắn dường như không bao giờ cạn, đặc biệt là những bức tranh khỏa thân mà đã có người hâm mộ thốt lên trong niềm kính phục: “ Đỉnh cao của nghệ thuật hội họa!”, hoặc như “ Tuyệt tác của những tuyệt tác!”. Vậy nên, cứ hai ngày Xuân Vinh lại đến hối thúc. Đặt hàng nghệ thuật mà cứ như đặt hàng mã cúng cõi âm ty mơ hồ. Hắn cứ thong thả, tà tà, cốt để giữ giá, làm eo làm co. Nhưng khi đã đứng trước giá vẽ và người mẫu thì hắn quên cả trời đất, nhờ vậy mà tranh khỏa thân của hắn có sức mê hoặc đến rợn người, như có phết lớp nam châm hút mắt...

Hắn tậu được một căn nhà riêng ở xóm ven đô. Vậy mà hắn nhất định không đưa vợ con ra khỏi cái thôn xóm buồn hiu kia. Hắn không muốn bị ràng buộc. Hắn muốn tự do với nghệ thuật, và với danh vọng mà hắn đang đeo đuổi bằng sự tự tin, tự mãn.

Hắn bắt đầu thấy chán khi nhận ra mình sống qúa đơn điệu. Cứ quanh đi quẩn lại với cọ bút, bột màu, giá vẽ, vải giấy, người mẫu, tiền bạc, danh lợi... Hắn thấy mình quá nghiêm túc, trong khi chính mình đã sáng tạo ra những cái gì gọi là lãng mạn,là thơ mộng, là ướt át, là quyến rũ hấp dẫn. Và rồi, hắn tự buông thả lúc nào tự hắn cũng không biết nữa. Mỗi ngày, hắn vẽ đến vài ba tranh khỏa thân. Hắn vẽ trong trạng thái hoảng loạn hôn mê. Trước khi vẽ, hắn đều bày trận mây mưa với người mẫu của mình. Hắn không còn kén chọn người mẫu kỹ lưỡng như trước kia. Đụng ả nào hắn cũng rước về được. Hắn ném tiền thù lao hậu hĩnh ra, phái đẹp xiêu lòng ngay, và trao thân cho hắn toàn quyền sử dụng. Người mẫu được thay đổi xoành xoạch. Tranh được vẽ rào rào. Tranh nhiều đến nỗi Xuân Vinh không dám nhận nữa, bán không kịp, nằm chồng lên nhau chờ mối tiêu thụ. Nhưng hắn vẫn vẽ, không nghỉ ngơi. Có điều, trước đây hắn vẽ vì niềm say mê thì bây giờ hắn vẽ do thói quen, quen tay.

Cho đến một hôm Xuân Vinh nói với hắn: không có ai chịu mua tranh nữa. Hắn mới tỉnh hồn. Hắn thức một đêm không ngủ để phán xét bản thân, và chịu nhận mình đã quá sai lầm, nhơ nhớp. Hắn cầm dao phay, chặt một nhát đứt phăng ngón tay út của bàn tay phải nắm cọ. Hắn đốt cả đống tranh khỏa thân ế ẩm ra tro. Hắn bắt đầu vẽ lại nghiêm túc, chọn người mẫu kỹ càng, không còn nôn nóng hối hả. Không mây mưa ong bướm. Không để cho tâm động mảy may trước một thân thể lõa lồ khêu gợi của bất cứ mỹ nhân nào. Mười ngày hắn mới hoàn thành một bức tranh. Nhưng hắn không vừa lòng, vẽ xong lại xé nát, vẽ lại. Một tháng sau hắn mới xong bức thứ hai, lại xé đốt. Phòng tranh của hắn không còn một bức để làm vốn

Xuân Vinh để ý, theo dõi. biết chuyện và một lần nữa muốn kéo bạn ra khỏi cơn khủng hoảng tinh thần. Gặp được một mối mới, khách đặt ba bức tranh khỏa thân khổ lớn, Xuân Vinh báo tin và động viên bạn. Hắn ăn chay ba ngày, tắm rửa sạch sẽ trước khi bước lại đứng trưóc giá vẽ, và bắt đầu trút hết tâm lực lẫn bút lực để sáng tạo. Bức thứ nhất, hắn vẽ trong ba ngày, người mẫu là một nữ tiếp viên nhà hàng, có gương mặt đẹp mê hồn, thân hình bốc lửa có thể đốt cháy chục tá đàn ông. Hắn vẽ xong, ngắm tranh, thấy được chất lửa phực phực trên đôi gò bồng đảo của mỹ nhân, lửa tuồng như làm nóng ran cả một tòa thiên nhiên nổi bật trên nền xanh lơ. Bức thứ hai, hai ngày hoàn tất, người mẫu là cô nhân tình một thời buông thả của hắn, rất thon thả, trắng trẻo như bông bưởi, gợi cảm. Hắn ngắm tranh, ngửi được mùi của nụ hôn đắm đuối hôm nào, lại phảng phất hương hoa giả tạo của loại dầu thơm đắt tiền. Bức thứ ba, người mẫu là một vũ nữ, hắn ngửi thấy được mùi son phấn ngột ngạt. Ba bức được Xuân Vinh mang đi, lại mang về, kèm theo lời khách chê: “ Tục, không thanh thoát”. Hắn đốt liền ba bức tranh trước mặt bạn. Khi bạn vừa bước ra khỏi phòng tranh, hắn ôm mặt khóc tức tưởi. Hắn khóc như một đứa trẻ. Hắn bứt tóc, day đầu mình, bẻ gãy đôi mấy cây cọ, đá văng những lọ bột màu, đập vỡ tan những hũ mực, rồi lại úp mặt vào gối, nằm dài trên giường mà khóc suốt đêm...

Nửa đêm, hắn giật mình tỉnh dậy, bần thần rã rượi, nhìn quanh căn phòng trống vắng. Hắn cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Hắn chợt nhớ đến vợ con, nhớ căn nhà tranh hiền hòa ở giữa vườn cây sum suê cành lá. Hắn nhớ đến khát khô họng, nhớ kỳ lạ. Và chán ngán đến tận óc cảnh vật quanh mình. Cơn chán ngán trào lên thành nỗi sợ hãi. Hắn vùng dậy, và phóng xe đi giữa đêm trường tĩnh mịch. Vượt gần hai mươi cây số, chỉ với hình ảnh vợ con mang theo trong đầu, hắn đến nhà. Bỗng hắn hiểu ra một điều đơn giản: đây mới là nhà của mình!

... Hắn được hưởng hạnh phúc đầu ấp tay gối với người vợ quê mùa mà hắn đã lãng quên, cố tình lãng quên suốt thời gian qua. Thật lạ lùng, lần ái ân này, hắn tìm được cảm giác ngỡ ngàng, thẹn thùng y như đêm động phòng hoa chúc xa xưa. Hắn cảm thấy mình bé bỏng lại, bởi hắn đang là người có tội và ăn năn hối lỗi, còn vợ mình thì như một dòng sông lượn lờ mang theo làn nước ấm áp, trong veo. Hắn được tắm trong dòng sông ấy. Tắm xong thì khuây khỏa, nhẹ tênh cả tâm hồn lẫn thể xác. Sau giờ phút yêu đương cuồng nhiệt hiếm hoi ấy, người vợ chất quê mùa của hắn đã chìm vào một giấc ngủ ngon. Còn hắn, hắn nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung. Đêm miền quê im vắng. Bên giường ở góc nhà, đứa con tật nguyền của hắn hình như cũng mơ thấy những ông tiên, bà tiên hiền lành. Qua ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, bất chợt hắn giật mình khi nhìn thân hình của vợ. Một hình ảnh thân quen, âm thầm mà sinh động, lõa lồ mà mộc mạc, không bốc lửa mà lại rực sáng lên như một thứ ánh sáng huyền diệu, không chút bụi bẩn, đang ở trước mặt hắn. Hắn bàng hoàng. Hắn rung động. Hắn bị mê hoặc đến đờ đẫn, không chớp mắt, và không dám thở. Hắn ngồi bất động thật lâu, nhìn chăm chăm vợ mình đang say giấc nồng. Rồi rất khẽ khàng, hắn bước về phía góc nhà tối tăm, lục lọi tìm kiếm trong đống đồ đạc cũ kỹ, đã được người vợ thu dọn, giữ gìn cẩn thận từ khi hắn về thành phố làm việc. Hắn tìm được các thứ cần tìm: vải, cọ, bột màu, giá vẽ... những thứ gắn bó với hắn một thời túng bấn thê lương. Thật chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng chính xác, hắn đã chuẩn bị xong mọi việc để bắt đầu vẽ. Hắn vẽ vợ mình. Vẽ qua ánh sáng yếu ớt nhợt nhạt của ngọn đèn dầu miền ngoại ô thanh vắng. Hắn quên tất cả mọi thứ trên đời. Hắn quên rằng mình đang tồng ngông như nhộng, cứ đứng kề bên giường vợ đang nằm, cho cây cọ nẩy ngang quét dọc, lượn lờ trên khung vải trước mắt...

Hắn đã vẽ xong bức tranh khỏa thân mà người mẫu là vợ hắn. Hắn ngửi được hương bồ kết tinh khiết từ mái tóc trong tranh. Hắn ngửi được mùi mồ hôi, mùi nắng, mùi bùn sình lầy lội, mùi hương đồng cỏ nội từ bức tranh thiếu phụ lõa thể trước mắt. Hắn còn nghe được mùi của những củ khoai mì được lùi vào lửa tro, những củ khoai thời xa vắng đã từng được cô thôn nữ giao liên e lệ trao cho ăn ấm lòng. Hắn còn nghe được mùi khói thuốc rê mà ngày xưa hắn cùng Xuân Vinh ngồi hút, tận hưởng món quà nhỏ nhoi của cô gái nhà quê gởi tặng. Từng mùi phảng phất. Từng hương thoảng lại. Rồi hòa quyện vào nhau, trở thành một mùi hương thân quen, thật đặc biệt, thơm ngát, nồng nàn, gây cảm giác lâng lâng sảng khoái. Hắn bước lùi ra sau ngắm nghía: Hắn mỉm cười sung sướng. Hắn biết trước mắt hắn là một tuyệt tác đắc ý nhất trong chuỗi thời gian cầm cọ của mình. Không chút tục tằn. Không bụi bẩn. Tuyệt nhiên thánh thiện. Thánh thiện đến mức hắn không dám bước lại gần, không dám đưa tay sờ sẫm vào tranh.

Hắn khẽ bước lại giường, đắp chăn cho vợ. Rồi hắn ngồi xuống cạnh bên. Hắn khóc. Khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt thì cứ chảy ròng ròng. Hắn thấy nước mắt của chính mình tựa như một dòng sông đang gột rửa, cuốn đi mọi thứ nhơ nhớp đeo bám trên thân thể, và cả trong tâm hồn hắn. Và cứ thế, hắn thích ngồi khóc thật lâu. Thật lâu, một mình, trước bức tranh khỏa thân thánh thiện tuyệt mỹ. Đêm thật dài. Và đêm rồi cũng qua. Gà gọi sáng. Hắn thấy mình vừa hồi sinh.

N.T.H.P
(132/02-2000)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • DẠ NGÂN Sau giấc ngủ trưa, hai chiếc gối kê cao trên đầu giường, tôi bắt đầu buổi làm việc tại nhà như vậy. Đó là sự nhân nhượng của toà báo với những biên tập viên cao niên và tôi, cũng như nhiều đồng lứa trong giới, tận hưởng đặc quyền đó bằng trách nhiệm tự giác thường trực.

  • NHẤT LÂM Tết êm đềm trôi hết tháng Giêng, mà bầu trời thung lũng Mu Lu còn khá lạnh. Chập tối, hơi đá từ dãy núi Ta Chan phả ra, sương buông màn màu sữa đục.

  • HUY PHƯƠNG Đã nghe thấy tiếng gió rì rào, như từng đợt sóng nhỏ tràn qua mái nhà. Trời trở rét… Chả trách mà tối hôm qua, cánh cửa kính cứ hết sập lại mở, rập rình mấy lần làm anh mất ngủ.

  • LÊ VĂN… Rồi cũng xong … Anh lơ xe nhảy lên cuối cùng, la lớn:- Tới đi chú Tám ơi!

  • QUỐC THÀNH - Xin người hoàn lại xiêm y cho ta - một thiếu nữ ngâm mình trong làn nước thơm khẩn khoản. - Mộng ba năm, bây giờ mới có, ta chỉ muốn nàng hứa một lời là được - chàng trai trẻ quay lưng về phía mặt hồ vòi vĩnh.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNG Sáng nay, ông Tổng biên tập gọi tôi tới bảo đi ngay dự lễ khánh thành một chiếc cầu. Tôi loáng quáng xách máy chạy ra xe, không kịp cả dặn vợ cắt cơm trưa.

  • L.T.S: Trần Duy Phiên, người thôn Thanh Thủy Chánh, huyện Hương Điền, Bình Trị Thiên, là một trong những cây bút truyện ngắn chủ chốt của chóm “Việt” - nhóm sáng tác trẻ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy xuất phát ở Huế trước đây.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUNgôi nhà lợp phi-brô xi-măng rộng chừng ba chục thước vuông, nằm sát cổng ra vào xí nghiệp dệt, biệt lập ngoài khu sản xuất, núp dưới tán lá cây bàng, được xây từ ngày xí nghiệp xảy ra các vụ mất cắp vật tư.

  • LÊ CÔNG DOANHChuyến đò dừng lại ở bến cuối cùng khi mặt trời vừa khuất sau rặng tre bên kia sông. Hiếu nhảy lên bờ và bước đi trong cảm giác chòng chành bởi gần trọn một ngày phải ngồi bó chân trong khoang đò chật.

  • L.T.S: Tác giả Hoàng Nguyệt Xứ tên thật là Hoàng Trọng Định, từng in truyện và thơ trên Sông Hương và nhiều tạp chí văn nghệ khác. Tác phẩm của anh để lại dấu ấn trong dòng chảy văn học của Huế với những truyện ngắn đậm tính triết lý, văn phong ám gợi sâu xa.Truyện dưới đây được Sông Hương dàn trang lúc anh còn sống... trân trọng gửi tới bạn đọc; cũng là nén tâm nhang xin chia buồn cùng người thân của anh.

  • TRẦN THÙY MAINếu cuộc đời được hình dung như một con đường thỉnh thoảng lại băng qua ngã tư, ngã ba hay rẽ ngoặt thì trong đời tôi có hai khúc quanh lớn nhất.

  • THÙY ANHồi nhỏ, tôi có cái tật làm nớt. Hở một chút là nước mắt tuôn ra giọt ngắn giọt dài. Anh chị xúm lại chọc: “Lêu lêu, mu khóc móc kh… ruồi bu kiến đậu…”, nhưng mẹ thì không, chỉ an ủi dỗ dành.

  • TRẦN HỮU LỤCKhi từ biệt làng nổi trên sông, ông Ngự tưởng mình quên được chiếc bóng vật vờ trên sông nước, quên bốn mươi năm gắn bó với những vạn đò. Ông Ngự chỉ mang theo đứa con gái duy nhất và cái máy bơm nước hiệu Yama của Nhật Bản đến vùng đất mới.

  • NGUYỄN QUANG LẬPQuá nửa đời người anh chị mới gặp nhau. Âu đó cũng là chuyện thường tình. Sau hai mươi mốt phát đại bác vang trời báo tin ngày toàn thắng, có hàng ngàn cặp vợ chồng cách biệt hàng chục năm đã tìm lại nhau.

  • PHẠM NGỌC TÚYMột buổi chiều như bao buổi chiều khác, Kim ngồi ở bàn giấy với trang viết đang chi chít chữ. Tiếng chuông điện thoại kêu vang dòn dã vào một thời điểm không thích hợp; thầm mong người nào gọi lộn máy Kim uể oải nhấc ống nghe lên.

  • BẠCH LÊ QUANG(Người đàn bà gối giấc ngủ trên cánh tay của biển - Thơ LHL)

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGLão Hinh lồng lộng như một con chó già bị mắc bẫy. “Mày cút khỏi nhà tau. Nhà tau không chứa chấp đứa con gái hư hỏng như mày…”. Miệng chửi, tiện tay lão vứt túi xách của Hằng ra đường. Chiếc túi nhỏ đã sứt quai, màu bạc thếch rơi tọt xuống miệng cống.

  • MAI SƠNRa khỏi cổng cơ quan quân sự tỉnh, ông Năm gần như muốn la lên - niềm sung sướng vỡ òa trong lòng ông, hiện thành đường nét trên mặt mũi. Dù biết có người lính cảnh vệ đang đứng nghiêm nhìn theo, ông không ngăn được, vẫn bật lên tiếng cười “khà, khà”…

  • HOÀNG GIÁBên kia sông, làng Mả-Mang, có cụ già trăm tuổi quy tiên, Thầy Khâu-đà-la chèo con thuyền nhỏ vượt dòng sông Dâu sang làm lễ.