Người vắt kiệt đời mình cho thơ, cho họa

15:12 05/07/2023


Sau khi hoàn tất bản thảo tập thơ Độc Hành thì nhà thơ Hải Bằng cũng “độc hành” về chốn vĩnh hằng vào ngày 7 tháng 7 năm 1998.

Nhà văn Trần Phương Trà (bìa phải) với cố nhà thơ Hải Bằng (bìa trái) tại Đại hội Nhà văn Việt Nam 1995 - Ảnh: tư liệu

Nhà thơ Hải Bằng ra đi đã để lại hàng chục tập thơ, hàng trăm bức tranh, hàng nghìn tác phẩm tạo hình từ rễ cây. Sức lao động nghệ thuật dai dẳng, không biết mỏi mệt của ông còn được minh chứng qua bài thơ cuối cùng viết trong những khoảnh khắc lâm chung:

BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA NHÀ THƠ HẢI BẰNG

Tôi thở bằng hai bờ sinh nhật Sông Hương.
Hôm nay tôi sẽ chuyển lại hơi thở mình cho Mẹ tôi
                    chưa sinh tôi ngày ấy
Cám ơn con đò sẽ chở tim tôi về từng bến mới.

                              Khoa cấp cứu bệnh viện Trung Ương Huế
                                             Ngày 2 tháng 7 năm 1998
                                                         Hải Bằng


Người vắt kiệt đời mình cho thơ, cho họa


TRẦN PHƯƠNG TRÀ


Mười lăm giờ ngày thứ ba 7/7/98, tôi ngồi đọc lại bài thơ “Lời niệm” của anh Hải Bằng tặng tôi từ tháng 11/1996. Bài thơ tứ tuyệt viết rõ ràng trên mảnh giấy dày màu trắng anh thường viết thư cho bè bạn. Đầu trang có hai câu thơ:

“Trời hóa tôi thành chim báo bão
Em là sóng gió bủa vào thơ…”

mặt sau có ghi bút danh Hải Bằng (Vĩnh Tôn), địa chỉ và điện thoại nhà riêng ở Nguyễn Công Trứ - Huế.

Từ hôm 22/6, tôi được tin anh vào nằm ở khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, gần đây nghe tin anh có tỉnh lại nhưng đâu ngờ lúc tôi đang đọc thơ anh, nghĩ nhiều đến anh chính là lúc anh chuẩn bị từ giã thế giới này. Cuối buổi chiều, nhạc sĩ Mặc Hy điện thoại báo tin buồn: Hải Bằng đã mất lúc 15h20.

Ba tuần nay, tin nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị xuất huyết não nằm tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng rồi tin nhà thơ Hải Bằng ốm nặng ở Huế đã làm cho tôi bồn chồn, lo lắng và thương cảm.

Năm 1962, anh Hải Bằng từ Đồng Hới ra Hà Nội và tôi được gặp anh trong một lần trò chuyện cùng với các anh Tuân Nguyễn, Phùng Quán. Anh kể cho chúng tôi nghe những ngày vất vả ở Quảng Bình nhất là những lúc đi câu cá đem bán ở chợ Cảnh Dương.

Những năm sau đó, khi đi công tác ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, tôi thường đến thăm anh. Có lúc, anh đưa tôi về Bàu Tró rồi xuống một thuyền đánh cá ngồi nói chuyện, ăn cá tươi, uống rượu với các bác ngư dân mà anh vốn thân thuộc.

Có dạo gần Tết Nguyên Đán, tôi thấy trong phòng anh có nhiều bức tranh vẽ bằng bột màu trên bìa xanh, hồng, vàng. Hải Bằng vẽ người thiếu phụ miền Nam mặc áo bà ba đen quàng khăn rằn đứng tựa bên gốc dừa nhìn ra phương Bắc trông ngóng, phong cảnh biển, làng chài, dòng sông, bến nước, cảnh nông thôn trong mùa xuân. Anh cầm tập tranh trên tay và nói:

- Đây là “tiêu chuẩn” cho cái Tết của mình.

Từ một người con cưng trong gia đình hoàng tộc, với cái tên Vĩnh Tôn, năm 1945 vừa mười lăm tuổi anh đã đi theo bộ đội. Ở chiến khu Dương Hòa, anh có nhận được quà tiếp tế và thư của gia đình. Cũng không phải là không có những lời mời gọi anh về lại thành phố; chỉ cần đi một kilômét băng qua mấy rặng nứa lồ ô ven sông gần lăng Gia Long là có thể về Huế dễ dàng, khỏi phải chịu cảnh ăn cơm gạo mục, khỏi phải bị bệnh sốt rét dày vò. Nhưng Vĩnh Tôn vẫn say sưa với con đường anh đi ở Trung đoàn 101, anh làm thơ ký bút danh Văn Tôn. Bài thơ “Cồn cỏ” của Hải Bằng được giải thưởng báo Văn Nghệ năm 1965. Tôi đã đưa nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài thơ ấy và chương trình phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng nhiều lần.

Những năm chiến tranh ác liệt, Hải Bằng công tác ở Công ty phát hành sách Quảng Bình. Vợ anh, chị Phạm Thị Chiến, quê ở xã Bảo Ninh, cửa biển Nhật Lệ cùng cơ quan với anh. Sau 1975, anh trở về công tác ở sở Văn hóa Bình Trị Thiên rồi Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên-Huế.

Năm 1982, Hải Bằng bị ung thư vòm họng phải mổ tại Viện tai mũi họng (nằm trong bệnh viện Bạch Mai) hằng ngày phải đi tia xạ. Hai chục năm mới ra lại Hà Nội, anh được nhiều bạn bè đến thăm. Anh cảm động lấy một cuốn sổ ghi tên những người đến thăm và nói:

- Cứ nhìn vào tên của anh chị em đến đây, mình không ngờ anh chị em thương mình đến thế.

Nhạc sĩ Mặc Hy, bạn chiến đấu ở Sư đoàn 325 với Hải Bằng đã cùng tôi liên tục mười năm vào Thừa Thiên Huế. Có chuyến đi dài tới 2 tháng. Vào đến Huế, chúng tôi đã thấy Hải Bằng ra đón ở ga. Chúng tôi về nhà Hải Bằng nghỉ lại. Chúng tôi hiểu, với bệnh tật và bộ xương gầy còm của anh, không có một yêu cầu nào của anh mà khả năng mình làm được lại không làm cho anh vui. Có lần tôi đã nhận phòng ở nhà khách tỉnh cũng phải khóa lại để về nhà anh.

Hải Bằng với chiếc mũ phớt kiểu cách, quần áo chững chạc, đi giày da, cưỡi xe Babetta hay Chaly đi khắp thành phố. Một buổi sáng, hơn hai chục anh chị em ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lên Trúc Lâm, xã Hương Long quê tôi chơi. Buổi trưa, chúng tôi trải chiếu nằm trò chuyện dưới tán lá các cây măng cụt, dâu, bưởi... Hải Bằng đi lại khắp vườn nhà tôi, tìm các rễ cây và chú ý đến các mảnh ván, các vân gỗ... Anh nhặt rễ cây và xin mấy tấm ván. Sau đó ít lâu, mấy bức tranh vân gỗ của anh cũng bán được mấy trăm đô la...

Anh viết và vẽ hối hả như chạy đua với thời gian và sức khỏe. 12 tập thơ của anh đã xuất bản bên cạnh nhiều tranh, nhiều rễ cây tạo hình đã được triển lãm. Anh nhận được nhiều giải thưởng về thơ và họa. Bút ký “Tôi nhen sức sống theo từng bước đi để làm thơ về Huế” của anh được tặng thưởng những bút ký hay trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1996. Từ 1992 đến 1997 anh đã xuất bản 9 tập thơ với đủ các thể thơ: lục bát, tứ tuyệt, thơ 2 câu, thơ văn xuôi. Riêng về mưa Huế, anh đã viết hơn 100 bài.

Khi Hải Bằng thích một thứ gì của bạn bè thân thiết anh không e ngại vừa cười vừa nói rất nhanh: “Cho tau hí” nhanh quá nên chỉ còn nghe 2 tiếng “Tau hí!”. Nhà thơ Phùng Quán nhìn thấy thể trạng của Hải Bằng sau trận ốm nặng 1982 vẫn làm việc say sưa, thơ in ra rào rào, đã sáng tác nên câu chuyện: “Thần chết cầm lưỡi hái đến để mời Hải Bằng đi. Hải Bằng cầm lưỡi hái xem và thích thú nói với Thần Chết “Tau hí!” Thế là thần chết đành chịu thua Hải Bằng”.

Hải Bằng chỉ kịp ra dự khai mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (1995) đã phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Xô. Mấy năm nay, anh đã yếu lắm. Bằng nghị lực, anh vượt qua sự đau đớn của thể xác, anh sống hết mình và tiếp tục sáng tạo. Giờ đây những giọt dầu trong ngọn đèn Hải Bằng đã cạn kiệt. Cầu chúc nhà thơ yên nghỉ và những tác phẩm của anh còn lại với bạn bè, với cuộc đời.


Mưa Huế cũng khóc anh

                  Tưởng nhớ nhà thơ Hải Bằng

Vắt kiệt đời mình cho những bài thơ
Thổi hồn vào rễ cây vân gỗ
Đi hết tận cùng bao điều đau khổ
Anh sắt lại còn xương bọc lớp da

Nhớ chăng ai, trùng điệp đất Dương Hòa
Tuổi mười bảy say mưa nguồn chớp bể
Nhìn “trăng năm canh” mơ về giữa Huế
Dội mãi trong anh, tiếng “Sóng đôi bờ”...

Đi trăm nơi vẫn “tuổi Huế trong ta”
“Đề lên năm tháng”, “hát về ngọn lửa”
“Trăng đợi trước thềm” hay trăng soi “mùa lá đổ”
Thắm đượm tình quê không chút nhạt nhòa

Tiếc thương anh, chiều nay đã đi xa
Không được về bên anh, nước mắt tôi lặng lẽ
Người nằm đó có trăm bài thơ “mưa Huế”
Chắc giờ này mưa Huế cũng khóc anh...

Một cánh chim bằng bay trên biển xanh
!
                                        Hà nội 8-7-98
T.P.T

(TCSH114/08-1998)

----------------------------
(*) Những dòng chữ trong ngoặc kép là tên các tập thơ của nhà thơ Hải Bằng

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ THỊ Ý NHI

    Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.

  • Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)

    PHẠM THUẬN THÀNH

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).

  • BÙI KIM CHI   

    Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG 
                       Bút ký 

    KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999

  • NGUYỄN DƯ  

    Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
    Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.

  • PHI TÂN  

    Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY   

    Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:

  • Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)

    HỒ NGỌC DIỆP

  • Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) 

    PHẠM HỮU THU

  • DƯƠNG PHƯỚC THU    

    Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

    Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.


  • ELENA PUCILLO TRUONG  

    (Viết cho những người bạn cầm phấn)

  • Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6  

    NGUYỄN XUÂN HẢI

  • ĐÔNG HÀ

    33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế

  • NGUYỄN ĐỨC HÙNG   

    Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

  • VŨ SỰ

    Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện  thường  tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.