Người uống nước sông Hương

16:12 23/12/2022

BẠCH DIỆP
        Bút ký dự thi

Tôi uống chậm, từng ngụm nhỏ.

Ảnh: internet

Vòi nước bên hông ga Huế giúp tôi tỉnh lại sau cơn khát khô suốt buổi chiều chen chúc trên tàu chợ. Trước mặt là sân ga rộng. Những mái vòm, bức tường dày và cả màu sơn gợi những đường nét kiến trúc châu Âu thế kỷ trước. Xích lô, xe máy, người xếp hàng, kẻ huyên náo trong tiếng ì ầm đầu máy toa xe. Một cảnh tượng chộn rộn hối hả trong mắt con bé nhà quê mới rời xóm đồi heo hút đến phố sau suốt tám giờ trên chuyến tàu chợ chật ních. Ứa nước mắt vì nhớ mẹ, tôi uống thêm nhiều ngụm nước, dấp bằng tay lên mặt lên cổ. Tôi vẫn nhớ như in mùi vị của nó, dòng nước trong chiếc vòi cong lúc đầu hơi có vị rỉ sét, nhưng sau đó là cảm giác ngọt mát đến kỳ lạ. Ngụm nước ngọt đầu tiên khi tôi đến Huế. Nước sông Hương!

Số phận đưa đẩy con người  theo những khúc quanh. Đó là buổi chiều mùa thu của hơn bốn mươi năm trước. Tôi đồ rằng duyên phận đã đưa tôi đến xứ này. Từ một xóm tranh bên ngọn đồi và thung lũng thấp mang mang tiếng còi tàu, tôi đã tới với một dòng sông, một thành phố của những cung vàng điện ngọc. Con bé khát khô giữa chiều nắng rát được Huế nhận ở lại, hay nó tự nguyện làm người uống nước sông Hương?

Gia đình chồng tôi bao đời sinh sống nơi đây. Tôi về làm dâu của mạ trên chuyến tàu lúc 5 giờ chiều. Qua khúc quanh phố liền phố, người nối người, dòng sông hiện ra dưới làn mưa tháng Chạp cùng tiếng còi tàu vọng trên mặt sóng làm tôi trào nước mắt. Nhưng Huế đã thành quê hương thứ hai của tôi. Và dòng sông là duyên nợ đầu tiên tôi gặp trong buổi chiều xám - khi mùa xuân dường như còn ở rất xa... Sau này, buổi chiều hôm ấy đôi khi vẫn trở lại. Tôi nhớ cảm giác khuôn mặt mình ấm hồng lên, rạng rỡ như mặt sông trong khoảnh khắc những ngọn đèn phố đồng loạt thắp sáng. Chúng tôi, những người dân sống bên bờ sông Hương đều thầm biết mình mang ơn một nguồn nước thơm tho “chẳng nơi nào có được”. Dòng sông của tâm linh như dải lụa xanh nối trời vào đất. Dòng sông của lịch sử còn vương màu sương khói Huyền Trân. Dòng sông tình yêu soi bóng Hoàng thành, Huế muôn đời là nơi chốn vương vấn người đi kẻ ở.

Tôi mơ ước một lần đến đầu nguồn con sông ấy - dòng Linh Giang, dòng Lô Dung, dòng Yên Lục, hay dòng sông Huế - những cái tên đi qua thời gian cho đến một ngày Nguyễn Du thốt lên: “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu”... Phải chăng chúng ta gọi tên sông Hương từ thuở đó. Đã có những chuyến tìm về nguồn nước với hương thơm kỳ lạ của dòng sông. Tôi xúc động thật sự khi xem hình ảnh một đoàn làm phim băng rừng lội suối và nghe tiếng reo của ông Viêng Hồ Muông người Tà Ôi vang lên giữa rừng già. “Đây rồi, trời đất ơi! Cây thạch xương bồ đây rồi! Mùi hương dòng nước mát ngọt thơm tho của chúng ta từ đây”. Những bàn tay chạm vào phiến lá thanh, đưa lên mũi hít hà. Một cảm giác khó nói nên lời trong mắt những người con tìm về nguồn nước. Cùng trăm ngàn loài hoa, rễ cây thơm quý của rừng, thạch xương bồ chọn vùng nước trong vắt chốn thượng nguồn, thân mảnh dẻ bám vào bờ đá. Lá và rễ cây đều tỏa mùi thơm rất dịu, một vị thuốc dân gian, một mùi hương thơm quý cho nguồn nước mát lành của sông Hương. Những giọt nước trong vắt len lỏi giữa rừng già từ độ cao hai ngàn mét. Dòng Tả trạch từ phía vùng núi Bạch Mã, dòng Hữu trạch qua đại ngàn Trường Sơn chảy xuống từ A Lưới hợp dòng nơi đây - ngã ba Bằng Lãng. Tôi thường đạp xe lên miệt Tuần. Nơi đây mát mẻ an lành như một khu vườn Huế bốn mùa xanh mướt có đủ loại cây trái ba miền. Nơi hợp dòng là vùng đất long mạch đã được nhiều vị vua chúa triều Nguyễn chọn nơi yên nghỉ ngàn thu. Để rồi người ta ấn định cho khúc sông này là “ngã ba hoàng gia” như một cách tôn vinh sự sang trọng của thượng nguồn sông Hương.

Giữa màu sương khói u tịch của chốn thiêng liêng, sông mơ màng mặt gương trong. Dòng nước qua bao thác ghềnh đổ về bỗng êm xuôi dịu dàng giữa vùng đất châu Hóa xanh tươi hoa cỏ. Chúng ta có một nền văn minh Thuận Hóa phát triển. Sông Hương cho nước ngọt mát lành như dòng sữa người mẹ. Thời gian hóa rêu phong, biết bao huyền tích được lưu truyền mà thế hệ chúng tôi nằm lòng cùng suy tưởng. Tôi giữ lại cho mình những giọt nước trong veo cả chút ngậm ngùi của dòng sông ấy. Những người tôi đã gặp, những mùa tôi đã qua, nhưng nán lại đến cuối cùng, vẫn là màu nước vô thủy vô chung xanh đến tận trời. Ngọn gió từ phía biển thổi lên hay Trường Sơn đổ về cũng mang theo hơi nước sông Hương. Người uống nước sông Hương luôn thấy mình tha thiết vì ân nghĩa của trời đất. Bạn bè tôi đến Huế, ngoài việc đi thăm viếng lăng tẩm, ai cũng khấp khởi dạo bước bên sông. Có người từng thốt lên: Tôi từng ngắm sông Seine giữa lòng thủ đô Paris hoa lệ. Những cây cầu bắc qua sông, những hàng cây mùa thay lá, những viện bảo tàng, tòa  tháp  Eiffel...  là sự choáng ngợp giữa một kinh đô ánh sáng và nghệ thuật. Nhưng sông Hương đẹp quá! Là sự dịu dàng mà sang trọng của tơ lụa. Rất riêng. Chỉ gọi tên là đã thấy yêu thương rồi!

Vẻ đẹp sông Hương thật khó thể so sánh vì nét thơ mộng như sương như mơ, thánh thiện và hư ảo. Dòng nước xanh pha ánh bạc trải rộng rồi ngả mình qua những khúc quanh. Đôi bờ là những ngôi làng yên bình thấp thoáng khói hương trầm và giọng chuông ngân rung trên mặt sông gợn sóng. Người Huế nâng niu những điển tích xa xưa về con sông huyền thoại chở che,  về  làn  nước có mùi hương ngàn hoa tưới tắm cả những linh hồn. Có phải vì thế, dù gặp nhau nơi chân trời góc bể, người ta vẫn nhận ra ai người uống nước sông Hương, ai người từng biết đến những món ăn phong vị quê mình. Thanh trà Nguyệt Biều, Kim Long; bắp non Cồn Hến; cam, mít Hương Hồ; hồng trứng, trái bưởi sạch thơm miệt Tuần; đến ngọn sả, trái vả, nắm rau trong vườn, cũng rặt mùi thơm nước sông Hương.

Có chàng trai Hà Nội từng nói: “Anh không biết mắt em màu đen hay màu nâu. Ồ đúng rồi, là màu xanh phỉ thúy, màu nước sông Hương”. Ấy là năm tôi 19 tuổi. Bao năm qua, tôi vẫn phải lòng câu nói đó. Người xứ khác nói rằng họ thích nghe tiếng Huế. Phương ngữ lạ lùng chi - mô - răng - rứa mỗi khi lên sóng phát thanh nghe sao vấn vít, có cả nỗi dùng dằng. Người đi xa khắc khoải tiếng dạ tiếng thưa để nhớ bàn tay ngón dài vân vê một tà áo mỏng. Đôi khi tôi nghĩ về những ngụm nước của dòng sông và chất giọng thấm đẫm vị thiền của người Huế. Sách “Hoài Nam Tử” của Lưu An đời Hán có ghi: “Ở nơi nước trong thì tiếng nhỏ, ở nơi nước đục thì tiếng thô.” Và bài thơ “Nét Huế” của Xuân Hoàng từng có đoạn: “Ở đây dằng dặc những ngày mưa/ Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa/ Có một dòng sông trôi chẳng nỡ/ Có người con gái: ‘Dạ, xin thưa...’”. Người ta từng có rất nhiều bài viết nghiên cứu về thổ âm thổ ngữ của vùng đất này. Và tôi luôn nghĩ những ngụm nước sông Hương đã góp phần làm nên giọng Huế, tiếng Huế. Thứ ngôn ngữ như một “ngoại ngữ” mà một người Huế xa xứ, bác sĩ Bùi Minh Đức đã từng biên soạn thành cuốn “Từ điển tiếng Huế”.

Lại nói về chuyện giọng nói của người uống nước sông Hương. Năm 1986, trong đêm chung kết hội diễn nghệ thuật ngành nội thương ở Nha Trang, đoàn Huế chúng tôi lạc lõng giữa một rừng trang phục và phụ kiện của mấy chục đội bạn. Họ hát nhạc và biểu diễn như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi run thật sự. Nhà văn Xuân Đức - đạo diễn chương trình của đoàn Huế, kéo tôi và nhạc sĩ Huy Tập (bấy giờ là trưởng đoàn) ra một góc và bảo: “Các em phải nhớ chúng ta đến từ Cố đô, từ sông Hương, núi Ngự.” Tôi hít một hơi thật sâu. Hồi trống đại vừa dứt, điệu Lưu thủy Kim tiền vang lên và tấm màn nhung đỏ từ từ kéo, tôi với tà áo lụa trắng lướt ra cất giọng: “Đoàn nghệ thuật Sông Hương xin kính chào quý vị!” Giữa sân khấu nhà hát ánh đèn màu rực rỡ, trong không khí hội tụ nghệ thuật đủ các vùng miền. Giọng Huế vang lên, cả hội trường bất ngờ đứng dậy vỗ tay - điều này vốn chỉ dành cho những tiết mục thật đặc sắc. Anh em trong đoàn ai cũng rưng rưng xúc động. Chúng tôi kết thúc đêm trình diễn trong tiếng vỗ tay không ngừng và nhận giải xuất sắc trong cuộc thi. Cũng vì yêu giọng Huế, nhạc sĩ Phạm Tuyên trong lần làm giám khảo Liên hoan Nghệ thuật Công an Nhân dân năm 1984 đã chọn tôi làm người dẫn chương trình cho đêm chung kết dù tôi khăng khăng, cháu nói giọng miền Trung, chưa tròn giọng Huế. Và tôi đã ngồi suốt buổi để nghe, tập đọc theo giọng chị phát thanh viên trên Đài Phát thanh Bình Trị Thiên. Năm đó, tôi nhận bằng khen “Người dẫn chương trình có giọng nói hay nhất”. Nhận giải thưởng, tự dưng tôi khóc. Khi không lại nhớ về những ngụm nước sông Hương đầu tiên tôi uống trên sân ga thuở nào.

Có những chiều tôi đợi hoàng hôn từ đồi Vọng Cảnh. Sống ở Huế có ai không một lần ngắm hoàng hôn nơi đây. Sông Hương từ bến phà Tuần xuôi về, nước lặng như mặt gương trong thu cả một bầu trời xanh mây trắng. Rừng thông xào xạc gió, đến cả ngọn cỏ cũng ứa mùi thơm. Xa xa, tháp chuông nhà thờ vút cao như một nét vẽ nâu vàng trên màu xanh viền cây lá. Rồi sương trắng lan dần từ những bờ cây sẫm tối bên sông. Mặt trời chầm chậm về trên mép nước phía chân trời. Một màu tím như mơ phủ lên làn nước. Có những vẻ đẹp làm người ta cảm động muốn khóc - đó là lúc tôi nhắm mắt, nghe mùi hương từ mặt sông dâng lên. Lúc này sông Hương như tấm khăn lụa choàng hờ lên bờ vai, vòng cổ người tình là ngọn đồi Vọng Cảnh trầm mặc. Rồi nàng chầm chậm lướt xuống kinh thành, dùng dằng vài khúc quanh mới tìm về đầm phá, trước khi hòa biển lớn. Thầm cảm ơn những người yêu Huế, những người đã đấu tranh để bảo vệ cảnh quan đôi bờ và nguồn nước dòng sông. Nếu dự án nào đó được triển khai, nếu đầu nguồn mở thêm những công trình thủy điện, những ngọn đồi bị san thấp cho những khu biệt thự, nếu đôi bờ sông bị xâm lấn, liệu con cháu chúng ta có còn được uống nguồn nước mát lành như ngàn năm cha ông gìn giữ. Nước sông Hương đã chưng cất nên vị bia Huda nổi tiếng thơm ngon, ủ những khu vườn Huế trong vị trái cây thơm ngọt không đâu sánh bằng. Là dòng chảy êm đềm xanh trong, là bài thơ giữa lòng đô thị. Chúng ta bảo vệ di sản để được là di sản. Và mừng thay, dòng sông đang sạch đẹp hơn lên. Những con đường xanh tươi hoa cỏ rợp bóng mát chạy dài nối phố với thượng nguồn sông. Uống mỗi ngụm nước thơm tho mát lành, người Huế, một lần nữa, biết mình mang ơn và ra công gìn giữ.

Nhớ ngày tôi rời Huế đến nước Đức xa xôi. Chúng tôi sống trong ngôi làng cổ cạnh bìa rừng Georgenthal, đi tàu điện đến học và làm việc tại phố cổ Gotha. Xứ người sạch đẹp như người ta lau ly. Mỗi góc phố, mỗi ban công nhà đều trồng hoa. Hoa nở suốt bốn mùa, những đồi cây mỗi mùa mỗi sắc. Cửa hàng đầy đồ ăn và các loại hoa trái. Họ nói tiếng bản địa và tiếng Anh. Đường sắt phân nhánh về từng ngôi làng nhỏ. Có những chuyến tàu chỉ dài hơn dăm chiếc xe bus, luôn đúng giờ, quá lắm chỉ trễ không đầy một phút. Cô giáo hỏi:  Bạn  thích  xứ này không? Sống ở đây dễ chịu không? Ngôi làng này là một địa chỉ du lịch của chúng tôi đấy.

- Tôi yêu xứ sở của bà. Ở đây thứ gì cũng có. Phong cảnh rất đẹp...

Tôi ngần ngừ nói tiếp:

- Chỉ thiếu một dòng sông!

Tôi kể cho bà nghe về xứ Huế. Vùng đất 143 năm là kinh đô dưới thời quân chủ. Một dòng sông như lụa soi bóng những lăng tẩm, đền đài, cung điện, phủ đệ. Những ngự viên, hoa viên, những người Huế hiền hòa, tĩnh tại và mùi hương dòng nước phảng phất trong khói trầm, trong tiếng chuông mùa Vọng.

Bà xúc động lắng nghe.

Tôi dùng hết vốn từ ngữ của tiếng Đức lẫn tiếng Pháp, rằng bà hãy ngắm dòng sông lúc mặt trời lên hay khi hoàng hôn xuống; hãy ăn một thứ bánh nếp nhồi bằng thứ bột của cây lúa uống nước sông Hương; nếm một ly chè đậu Ngự trong vườn Thành Nội; ngoắc tay xin chén đậu hũ từ dì áo dài the sớm qua bữa chợ...; bà hãy gặp mệ già 84 tuổi ngồi bán chè bắp non bên Cồn; hãy kiếm một chỗ ngồi trên chiếc ghế đá cạnh không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng với một tách trà nóng ngắm nhìn mặt sông nhung lụa, nghe “Một cõi đi về” của một người uống nước Hương giang; về Vỹ Dạ ngang qua Đập Đá, đêm trăng ngó sông dát bạc mà nhớ “khuôn mặt chữ điền”. Cũng đừng sợ trăng tan khi nghe một giọng hò từ bến Văn Lâu vọng tới... Tôi nhớ Huế như nhớ bóng người tình bên cây cầu Trường Tiền hơn ngàn ngày xa cách, nhớ những bàn tay vẫy trên phi trường Phú Bài mong tôi trở lại. Tôi  nói như mê, như say trong dào dạt yêu thương. Bà xúc động ôm vai tôi, ra vẻ hiểu hết thứ tiếng Đức được nói bằng giọng Huế.

- Ôi xứ thần tiên! Nhất định tôi sẽ đến Huế. Tôi yêu xứ sở có dòng sông với cái tên thật đẹp: Perfume river!

Bà mở rộng hai cánh tay và cười với tôi.

- Giọng nói của bạn thật đáng yêu.

Tôi xúc động nói thầm trong ngực:

- Tôi là người uống nước sông Hương!

Huế, 30/8/2022
B.D
(TCSH405/11-2022)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN NGUYÊN HÀO  

    Lòng nhân ái của Bác Hồ dành cho mọi người dân Việt Nam; tình yêu thương ở Bác lan tỏa đến những người nô lệ mất nước và những người cùng khổ trên khắp thế gian, cho những người da đen bị phân biệt chủng tộc, cho cả những người da trắng bần cùng, cho những người phụ nữ các nước đế quốc thực dân có chồng con bị đưa sang Việt Nam và nước thuộc địa làm bia đỡ đạn; và cho cả chính những người lính ở bị đưa đi đánh nhau và nhận những cái chết oan uổng trong các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

  • HÀN NHÃ LẠC

    Thêm một giọng ca tài danh từng tôn cao giá trị di sản ca Huế vừa ra đi: nghệ sĩ nhân dân Minh Mẫn vừa qua đời ngày 13 tháng ba năm 2018, nhằm ngày 26 tháng giêng âm lịch.

  • ĐẠI HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ NHẤT

    (Trích bài phát biểu của đồng chí Vũ Thắng, nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tại Đại Hội)

  • HÒA ÁI   

    Đến nay, những bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch đã trở thành di sản của dân tộc. Những bài thơ chúc Tết của Bác trong mỗi dịp Tết đều toát lên tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử.

  • PHẠM PHÚ PHONG
              Du ký  

    Do cách chia thời gian theo ngày tháng, người ta thường coi thời gian trôi/ đi qua, nhưng thực ra thời gian vẫn đứng yên đó thôi, chỉ có con người và vạn vật trôi qua dưới con mắt chăm chú, kiên trì và nhẫn nại của thời gian.

  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH

    Là em gái của anh nhưng khi tôi được sinh ra anh đã tròn hai mươi tuổi. Những gì nhớ về anh chỉ là ký ức tuổi thơ trong khu vườn tranh thỉnh thoảng anh về.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
       (Viết từ lời kể của cựu chiến binh Đặng Hà)

    Tôi tình cờ đọc được thông tin Hải quân Mỹ lấy thành phố Huế để đặt tên cho một tuần dương hạm mang tên USS Hue City (CG-66). Tuần dương hạm này thuộc lớp Ticonderoga, trang bị tên lửa, gắn với trận đánh Trung đoàn 1, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tham chiến Huế vào dịp Tết Mậu Thân.

  • NGUYỄN TỰ LẬP  

    Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam cách đây tròn nửa thế kỷ (1968 - 2018).

  • Những tượng đài thiêng liêng trong lòng dân Quảng Điền   

    NGUYỄN QUANG HÀ
                             Bút ký 

  • Thái độ về cuộc Cần Vương

    Người thẩm vấn (NTV): Ông có phải là kẻ hâm mộ người anh hùng cuối cùng trong cuộc tử chiến chống người Pháp đó không?

  • CHƯƠNG THÂU

    Hồ sơ Thẩm vấn là tập tài liệu khá khá dày dặn của Hội đồng xử án Tòa Đề hình của chính quyền thực dân để chuẩn bị xử Phan Bội Châu vào ngày 23/11/1925 tại Hà Nội.

  • LTS: Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của chí sĩ Phan Bội Châu, Sông Hương được tiếp cận với bản thảo “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925: Hồ sơ thẩm vấn”. Đây là nguồn tư liệu quý, nằm trong tập Bổ di II lần đầu được công bố về vụ án chí sĩ Phan Bội Châu.

  • Cuối mùa hè năm 1978 chúng tôi là lứa lưu học sinh đầu tiên được tới Liên Xô bằng máy bay, trước đây chỉ đi bằng tàu hỏa liên vận qua Bắc Kinh. Đối với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ, nhất là những người lính sau mấy năm chỉ sống ở núi rừng, Moscow thực sự là thiên đường.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Dưới thời Pháp thuộc, những năm đầu thế kỷ XX, để ra được một tờ báo - mà lại báo tiếng Việt do người Việt quản lý tại Kinh đô Huế quả thực nhiêu khê và vô cùng khó khăn, phức tạp.

  • ĐẶNG NHẬT MINH

    Tôi vẫn còn nhớ đinh ninh cảnh quay đầu tiên của phim Cô gái trên sông vào tháng 10 năm 1987 là cảnh Liên, nhà báo nữ (do Hà Xuyên đóng) đến bệnh viện Huế tìm gặp Nguyệt (do Minh Châu đóng).

  • THÁI KIM LAN

    Con đường ấy, từ dốc cầu Gia Hội đổ xuống, dọc theo con sông nhánh trước kia còn gọi là sông Đông Ba, Hàng Đường, rồi Bạch Đằng, lấy tên dòng sông chảy qua chùa Diệu Đế, qua cầu Đồng Ba, về Bao Vinh, ngã Ba Sình, con đường mang nhiều vẻ lạ, nó mang phố về biển khơi và chuyên chở tứ xứ về kinh thành, vốn là phố cổ một thời với những căn nhà gỗ kiến trúc thuần Huế, nơi những gia đình thượng lưu, quý tộc định cư  một thời quan quan thư cưu

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhận chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đại diện Ủy ban Nhân dân lâm thời Thừa Thiên và Ủy ban Nhân dân Trung Bộ đóng tại Huế đã đến mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một tiến sĩ Nho học yêu nước, một nhà báo nổi tiếng, một người không đảng phái ra Hà Nội gặp cụ Hồ.

  • HƯƠNG CẦN

    Vài năm lại đây, báo chí thường nhắc đến ông hai lúa Bùi Hiển (Thủ Dầu Một, Bình Dương) tự chế thành công chiếc máy bay trực thăng vào năm 2012, ông làm chiếc thứ hai vào năm 2014.

  • VŨ HẢO

    Tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

  • Kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh 

    BÙI KIM CHI