NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.
Tác giả và ông bà Trần Thân Mỹ - Dương Thị Kim Lan. (Ảnh chụp tháng 12/2018).
Lần đầu gặp gỡ
Tháng 8 năm 1983, đơn vị ký giấy giới thiệu gia hạn cho tôi 7 ngày để xin chuyển ngành tại các cơ quan trong tỉnh Bình Trị Thiên. Không biết ai mách bảo, tôi tìm đến ông Trần Thân Mỹ, Trưởng ban VHTT thành phố Huế trong căn phòng tập thể của Thành ủy Huế (nay là khách sạn Heritage). Hồi đó ai cũng hút thuốc, thuốc lá như một hình thức văn hóa trong giao tiếp, tôi rút trong túi ra gói thuốc 475 nặng như thuốc lá Đà Lạt lúc bấy giờ, run run hai tay mời ông, vừa trình bày bộ hồ sơ xin chuyển ngành có xác nhận của đơn vị. Ông lặng lẽ ngồi hút thuốc, dáng người dong dỏng cao, chăm chú đọc lý lịch của tôi, phần hồ sơ đảng viên ông đọc rất kỹ… Sau khi hỏi một vài câu, đến hết điếu thuốc thứ 3 ông hẹn:
- Chiều nay đúng 15 giờ, cháu đến Phòng VHTT thành phố, số 47 Trần Hưng Đạo, chú sẽ trả lời.
Tôi về nhà cả buổi trưa không ăn, không ngủ, hồi hộp chờ đến giờ hẹn. Đúng giờ tôi đến phòng làm việc của ông, có cả anh Nguyễn Duy Hiền - phó phòng, ông đặt bút ký vào hồ sơ của tôi, đồng ý tiếp nhận. Nhân duyên đến từ ông, tôi cầm hồ sơ qua UBND thành phố, lên Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (Sở Nội vụ bây giờ)… tất cả chỉ trong 7 ngày là hoàn tất thủ tục tiếp nhận. Trên đường ra đơn vị, cái cảm giác lâng lâng khó tả khi nghĩ về ông, nghĩ về công việc sắp đến mình sẽ làm….
Cùng thời điểm tôi được nhận về có anh Trần Thanh (nay là Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế), chị Kim Minh (đang sinh sống ở Mỹ), chị Thanh Hà (Báo Đồng Nai)… một loạt cán bộ rất trẻ được ông nhận về, cho đi đào tạo cả văn hóa, cả nghiệp vụ và trở thành những cán bộ nòng cốt của cơ quan, sau này đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực công tác khác.
Thế hệ vàng của những cán bộ lãnh đạo từ chiến khu về tiếp quản thành phố như ông sau ngày giải phóng Huế 26/3/1975 thật sự để lại những dấu son trong lịch sử, đó là những người thật sự vì dân, liêm chính, chí công vô tư…
Bài học đầu tiên
Tháng 11/1983, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc. Ông chỉ đạo anh Lý Văn Nghiên - Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích thành phố chuẩn bị chương trình văn nghệ để tuyên truyền về đề tài này. Bài tập đầu tiên mà ông giao cho tôi là được 5 phút để tuyên truyền về Công trái trước giờ Đội Văn nghệ biểu diễn phục vụ nhân dân tại xã Thuận An (lúc đó thuộc đơn vị hành chính của Thành phố Huế). Tôi đánh vật cả ngày tại cơ quan với một chồng các loại báo viết về Công trái xây dựng Tổ quốc. Công trái là gì? Vì sao phải mua công trái? Mua Công trái người dân được lợi gì? Ba câu hỏi ấy được viết rồi xóa, rồi lại viết ra giấy, học thuộc, tập nói như tập diễn… Đến cuối giờ chiều tôi trình ông bản thảo cho nội dung mình sẽ tuyên truyền trước dân.
17 giờ tôi được đi cùng ông trên chiếc xe Jeep về bến đò Thuận An, hồi đó chưa có cầu, chiếc đò ngang đón khách xong đưa đoàn cán bộ của thành phố đến thẳng UBND xã, ông vào làm việc với xã, còn tôi cứ đi lại ngoài sân, lẩm nhẩm đọc lại bài học thuộc lòng mà mình đã soạn sẵn.
19 giờ 30 sau màn nhạc chào, tôi tiến ra sân khấu, một tay giữ micro, một tay buông thỏng tự nhiên nhưng thú thật hai đầu gối tôi run cầm cập. Trước hàng ngàn khán giả, chả nhớ mình thưa gởi những ai, nói những gì… chỉ biết khi kết thúc, tôi nghe rất nhiều tiếng vỗ tay. Trên đường lên Huế, ngồi trên xe, ông nhận xét:
- Lần đầu tiên cháu nói như vậy là tốt nhưng lần sau mở đầu chỉ cần kính thưa bà con là đủ tất cả; lợi ích của việc mua Công trái đừng nói một trăm hay hai trăm phần trăm, nên nói sau 10 năm, Nhà nước sẽ trả lãi gấp đôi, bằng số tiền (số thóc) mà bà con đã mua. Nói với dân cháu phải nói sao thật dễ hiểu, dân mới tin, mới thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đó là bài học đầu tiên mà ông dạy tôi về phương pháp tuyên truyền miệng.
Viết báo
Hồi đó, tờ Tin Huế xuất bản 1 tuần 1 số do ông làm Tổng Biên tập, chuyên mục Sổ tay Người thành phố do ông đảm trách dưới bút danh Trực Văn. Người dân thành phố rất yêu thích chuyên mục này bởi bao nhiêu sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội… của thành phố đều được ông khái quát bằng những mẫu chuyện rất ngắn, rất dễ nhớ. Năm 1986, Đội Thông tin lưu động (TTLĐ) chuyên nghiệp thành phố Huế đi dự thi toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh được huy chương vàng với chương trình thông tin “Thủy Dương con đường đi lên 10 tấn” tuyên truyền về cách làm ăn của HTX Nông nghiệp Thủy Dương, Hương Thủy. Sau khi thi xong trên đường ra đến Huế tôi bị sốt cao phải nhập viện. Sau 1 tuần nằm viện, tôi đọc được những dòng này trên Tin Huế của ông, đăng ở số đặc biệt (19 - 20) ra ngày 10/9/1986, xin trích nguyên văn:
“Trong lúc đạp xe gấp rút để mua thuốc cho 1 người bạn vừa qua ca mổ, tôi đánh rơi một sổ tay công tác kẹp sau xe, trong đó có phiếu mua 21 ống thuốc trụ sinh đắt tiền và 1 số giấy tờ. Tôi đã trở lại đường cũ, đón hỏi nhiều người trên đường, nhưng không tìm lại được sổ tay, đành phải trở lại báo với cơ quan cấp phiếu và xin giải quyết 1 phiếu khác để mua được thuốc chữa trị cho bạn tôi. Không hy vọng gì tìm ra sổ tay, giấy tờ của tôi nữa thì hai ngày sau vào buổi trưa, một cô gái tìm đến cơ quan tôi và trả lại cho tôi quyển sổ tay. Cô bé bị trận mưa đột ngột trưa hôm ấy làm ướt cả áo quần nhưng cô vẫn cẩn thận giữ nguyên sổ tay và giấy tờ của tôi không bị hề hấn gì. Tất cả giấy tờ còn nguyên vẹn, cả tấm phiếu mua đắt tiền của bạn tôi.
Xin ca ngợi hành động đẹp đẽ của cô bé tên là Hậu, số nhà 128, đường Phan Chu Trinh, Huế. TRỰC VĂN”.
Tôi chỉ là một cán bộ trẻ dưới quyền ông, tuổi đáng con cháu nhưng tấm lòng và tình cảm của ông lúc đấy dành cho tôi quả là niềm động viên rất lớn, tôi bắt đầu học viết báo từ ảnh hưởng của ông. Có lần, ông gọi tôi lên phòng làm việc, giới thiệu với tôi, đây là đồng chí Mai Xuân Bảo, Giám đốc Công ty Thủy sản thành phố. Và ông giao nhiệm vụ cho tôi trong vòng 1 tuần phải viết bài đăng trên Báo Bình Trị Thiên tuyên truyền việc thu mua thủy sản của công ty này. Hồi đó đứng chân được trên báo Bình Trị Thiên là cả vấn đề, làng báo toàn cây đa, cây đề của cả 3 tỉnh, đề tài ông giao cho tôi quả là một thử thách. 7 ngày tôi được biệt phái đi cùng với công ty thủy sản, tìm hiểu kỹ từng doanh nghiệp đến thu mua trên địa bàn, kể cả tư thương (lúc đó chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới độc quyền), đọc và ghi chép lại rất nhiều văn bản, tiếp xúc hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản… Hết thời hạn, tôi trình ông bản thảo dài khoảng 2.000 từ “Xung quanh việc tranh mua thủy sản ở thành phố Huế”, lần này ông đọc và khen: Cháu viết được bài này xem như qua làm kinh tế được rồi. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, bài được đăng trên báo Bình Trị Thiên, số ra ngày 14/7/1988.
Đội thông tin lưu động, mũi nhọn trong công tác tuyên truyền
Tháng 8 năm 1985, Đội TTLĐ được thành lập, cùng lúc chiến dịch khai thác cây đót để làm hàng xuất khẩu rộ lên, ông chỉ đạo tôi phải đưa anh em trong Đội lên A Lưới, vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ, vừa tuyên truyền chủ trương của Thành ủy Huế về mặt hàng xuất khẩu chủ lực này. Đường lên A Lưới lúc đó rất gian nan, phải đi ra Đông Hà, lên Đường 9, qua cầu Dakrong, chạy theo đường mòn Hồ Chí Minh mới lên đến A Lưới thì trời cũng vừa tối mịt. Cả Đội 6 người mang đầy đủ trang bị cho 1 chương trình biểu diễn 60 phút, ngồi vắt vẻo trên thùng xe Zin-khơ, di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn, nơi nào có bà con Huế lên khai thác cây đót là chúng tôi dừng lại để tuyên truyền. Đợt công tác ấy kéo dài 5 ngày, nhưng dư âm của nó kéo dài mãi những năm sau này…
Cụm từ “liên doanh, liên kết” thời điểm ấy được ông vận dụng trong việc chỉ đạo Đội TTLĐ phối hợp với các cơ quan liên quan, tuyên truyền theo đơn đặt hàng. Chúng tôi đã xây dựng các chương trình thông tin về cây tiêu, cây mía (Phòng Nông nghiệp), con tôm xuất khẩu (Công ty Thủy sản), sinh đẻ kế hoạch (Phòng Y tế), các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu (Công ty ngoại thương) tuyên truyền về bầu cử, công trái, bão lụt, các ngày lễ lớn… nhờ vậy đã giảm chi kinh phí của cơ quan. Họp chi bộ có ý kiến đề nghị xem lại quan điểm của tôi khi quá thiên về các chương trình kinh tế, ông đứng ra bảo vệ, tuyên truyền như vậy là đúng hướng, đúng mũi nhọn về chương trình phát triển kinh tế của Thành ủy, tôi thoát nạn.
Có lần, sau cơn bão lớn, các xã phía đông thành phố như Phú Tân, Thuận An, Hải Dương… gần như bị chia cắt hoàn toàn, không điện, nước, không có thông tin. Ông chỉ đạo Đội phải có mặt ngay tại các địa phương ấy, giúp dân được việc gì thì giúp nhưng nhiệm vụ chính là phải tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương của thành phố trong việc khắc phục hậu quả sau bão lụt. Chúng tôi lên đường như những người lính, trang thiết bị thuê xe xích lô chở, tất cả đi xe đạp, mang theo trang phục cá nhân và cả lương thực đủ dùng cho đợt công tác. Ít hôm sau, từ Huế ông đi xe đạp về xã Phú Tân, ra đến tận địa bàn dân cư ven Phá Tam Giang để thăm bà con và kiểm tra công việc của chúng tôi… trời mưa lạnh, đạp xe đường xa, người ông nổi mề đay mẫn ngứa, anh em trong Đội hỏi:
- Sao chú không đi xe Jeep cho đỡ vất vả?
- Cả Đội đi xe đạp sao chú lại đi xe cơ quan, hơn nữa về với dân, mình phải thật sự gần dân.
Nhớ lại, sau ngày giải phóng, phòng VHTT thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm treo và hạ cờ Tổ quốc trên đỉnh Phu Văn Lâu, người thực hiện duy nhất nhiệm vụ ấy là bác Trần Châu (đã qua đời) người nhỏ con, nặng chừng 45kg. Cột cờ Phu Văn Lâu hồi đó không có hệ thống ròng rọc hiện đại như bây giờ, muốn treo cờ phải chờ khi lặng gió, lá cờ nặng hơn cả chục cân phải được xếp gọn như chiếc ba lô mang sau lưng, múi cờ nào móc ở phía trên đỉnh cột, múi nào ở phía dưới phải được xếp chính xác, và thao tác phải cực kỳ nhanh nếu không người treo cờ sẽ bị rơi xuống đất khi lá cờ được gió bung ra. Có lần ông gọi tôi cùng ông đi theo bác Trần Châu, trước khi bắt đầu leo lên cột, thấy công việc nguy hiểm, ông bảo: - Có việc gì để chú cháu tôi cùng làm với anh.
Bác Châu lúc đó đã leo thoăn thoát trên cột vừa nhỏe miệng cười:
- Anh cứ đứng nhìn động viên em là được rồi.
Sau lần đó, ông kiến nghị thành phố đầu tư kinh phí để làm mới hệ thống ròng rọc trên cột cờ Phu Văn Lâu.
Những năm ông làm Trưởng Phòng VHTT Huế, nhiều mảng hoạt động trở thành mô hình điểm của cả nước, Đội Văn nghệ xung kích thành phố tung hoành khắp dải miền Trung; công tác bảo tồn, bảo tàng di tích được triển khai mạnh mẽ làm cơ sở cho việc hình thành nhà bảo tàng những năm sau này; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; hội thi, hội diễn; công tác quản lý nhà nước trên địa bàn… đều mang đậm dấu ấn một thời của ông.
![]() |
Đại gia đình “tứ đại đồng đường” với 41 người của ông bà Trần Thân Mỹ - Dương Thị Kim Lan |
30 năm, tính từ ngày nghỉ hưu ông vẫn không nghỉ, vẫn là người thầy giáo tâm huyết, người cán bộ hưu trí mẫu mực ở khu dân cư. Ông viết sách, làm thơ Đường, vui vầy với con cháu...
Chín mươi tuổi, ông bà vẫn đi bên nhau ròng rã 67 năm, vẫn xưng hô anh em ngọt ngào như hồi còn trẻ, hạnh phúc như ông bà quả là cực kỳ hiếm.
Ông là người thủ trưởng đầu tiên của tôi, là người thầy đã dày công đào tạo tôi nên người và trưởng thành hôm nay, kính chúc ông bà hạnh phúc viên mãn, bước tiếp qua ngưỡng đại thượng thọ trong 10 năm nữa như lời chúc của nhà giáo nhân dân Trần Bửu Lâm, Chủ tịch chi hội thơ Đường thành phố Huế, người bạn cùng thời trong lễ mừng tuổi chín mươi của ông.
N.Đ.H
(SHSDB32/03-2019)
Thông reo hồn chí sĩ
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG - TRẦN VĂN DŨNG
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Ở nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh có ngôi mộ của ông Đinh Văn Dõng, bia mộ đề nguyên quán: Nam Trung - Thừa Thiên-Huế. Ông Đinh văn Dõng là thân phụ của họa sĩ Đinh Cường. Té ra Đinh Cường là người Sài Gòn, gốc Huế.
Làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) nằm lẩn khuất sau một con đèo quanh co ở phía nam thành phố. Nơi này, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống những ngày cuối đời, chống chọi với bệnh tật.
LGT: 10 năm trước, mùa đông, như một linh cảm diệu kỳ về sự giải thoát nỗi trầm luân, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (lúc ấy là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Sông Hương đã viết nên “câu chuyện thiên đường” đầy ám ảnh: “Mùa đông/ Mưa mịt mùng ướt chiếc áo quan/ Co ro trong chiếc áo quan lạnh giá/ Tôi muốn đội mồ lên ngồi quanh quẩn bên em…”. Anh đã ngủ quên vĩnh viễn sau một đêm đặc dày bóng tối rất đỗi bình thường.
Lịch sử xã hội VN trong khoảng thời gian 1954 - 1975 đã ghi dấu sự hình thành cộng đồng học sinh miền Nam tại miền Bắc với những vai trò và đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau năm 1975. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về thế hệ học sinh đặc biệt này.
Một lần vào kho đạo cụ của Hãng phim truyện VN, tôi kéo thử chiếc xe kéo tay (thường gọi là xe tay) được phục chế nguyên bản để làm phim. Chỉ một đoạn tôi đã toát mồ hôi vì nó quá nặng, và chợt ngẫm đến thân phận những người phu xe.
Nếu viết về phòng trà Tự Do mà chỉ nói đến Khánh Ly và Lệ Thu thì đúng nhưng chưa đủ, bởi ở đây còn những giọng ca trẻ có khán giả riêng của mình.
“Lò” Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ cho phòng trà Sài Gòn lúc ấy. Đặc biệt, như để tạo dấu ấn, tên của các nữ ca sĩ ấy đều bắt đầu bằng chữ Phương (chỉ trừ nữ ca sĩ Hoàng Oanh).
Tình bạn giữa Nam Cao và Tô Hoài đã gắn bó từ thuở mới bước chân vào làng văn và còn gắn bó lâu dài mãi về sau này.
“Những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc đã làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi,” nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã đúc kết như vậy trong buổi chuyện trò thân tình với phóng viên VietnamPlus ngay trước thềm kỷ niệm 71 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2016).
KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
LÂM QUANG MINH
(Về Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế trong cách mạng tháng 8/1945 ở Thừa Thiên Huế)
Backe backe Kuchen
Der Bäcker hat gerufen
Wer will backen guten Kuchen…
(đồng dao trẻ con của Đức, có thể mở nghe trong youtube, với tựa đề "Backe, backe Kuchen")
PHI TÂN
Trong một lần đi tác nghiệp ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), qua câu chuyện hàn huyên với anh Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn mới biết anh là cựu lính Hải quân từng ở quần đảo Trường Sa.
LÊ VĂN KINH
Không có gì phải đợi năm hết tết đến mới nói chuyện uống trà, mà riêng tôi từ hàng chục năm qua thì trà là thức uống mỗi sáng.
NHẤT LÂM
Năm 1936, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng cùng với người bạn thân đồng hương huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị chiếm thủ khoa và á khoa tú tài Tây tại Quốc Học Huế.
HOÀNG ANH
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 Phát xít Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Tiếp theo đó chính phủ bình dân Pháp bị đổ, chính phủ phản động lên cầm quyền.
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
(Tìm hiểu một số trước tác của Ni sư Thích Nữ Trí Hải)
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Thời học sinh tôi rất phục “Quái kiệt” Trần Văn Trạch và thuộc những bài ông hát giúp vui trong các cuộc quảng cáo Xổ số kiết thiết quốc gia.
KỶ NIỆM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6
Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.