Người cha

16:22 01/09/2010
NGUYỄN QUANG HÀLúc bố đi bộ đội thì Nguyệt còn nhỏ lắm. Nhưng Nguyệt vẫn nhớ rất kỹ ngày đơn vị bố hành quân đi B, qua làng. Bố ghé tạt thăm nhà một tí thôi là đi ngay.

Ảnh: catlinhschool.edu.vn

Mẹ con Nguyệt tiễn bố một chặng đường dài. Sau lưng bố đeo ba lô. Trước ngực bố bế Nguyệt. Mẹ đi theo sau. Cả nhà lọt thỏm vào giữa hàng quân dài dằng dặc. Đến bến đò quan thì hai mẹ con dừng lại. Nguyệt lấy tấm ảnh mới chụp để trong ví mẹ, tặng bố. Bố hôn lên trán Nguyệt, rồi xa, từ đấy.

Không ngờ, mấy tháng sau, Mỹ thả bom xuống cánh đồng đang gặt, Nguyệt không còn mẹ nữa. Bị một mảnh bom trúng ngực, mẹ Nguyệt chết ngay tại chỗ. Mẹ chết, Nguyệt khóc mấy ngày liền.

Càng thương mẹ, Nguyệt càng nhớ bố. Nguyệt hỏi ông bà:

- Bao giờ bố cháu về?

Ông bảo:

- Miền Nam đang tổng tấn công. Thắng trận thế nào bố cũng về ngay.

Nguyệt cứ mong bố hoài. Một hôm có chú bộ đội đến tìm Nguyệt ở lớp học. Cô giáo dắt Nguyệt tới, đặt tay Nguyệt vào tay chú. Chú bồng Nguyệt trên tay, âu yếm:

- Cháu có nhớ chú không?

Nguyệt đã nhận ra chú:

- Hôm ấy chú vác ba lô cho bố để bố bế Nguyệt.

- Đúng rồi. Cháu nhớ lắm.

Chợt nhớ bố, Nguyệt hỏi ngay:

- Thế bố Nguyệt đâu?

Chú bộ đội muốn trả lời ngay. Nhưng có cái gì ngăn nơi cổ, không muốn cho chú nói. Chú cứ ôm chặt lấy Nguyệt, và lòng thì cứ rối lên nỗi nhớ người đồng chí của mình, bên nhau giữ cửa Đông Ba suốt hai mươi tư ngày đêm, kiên cường, anh đã chết ở phút cuối cùng chặn địch.

- Bố cháu không còn nữa, Nguyệt ạ.

Nguyệt òa khóc. Vừa khóc, vừa gọi “Bố ơi! bố ơi! Trả bố đây! Trả bố đây!” Nước mắt Nguyệt tràn ra, tưởng không gì ngăn nổi. Chú bộ đội rơm rớm nước mắt:

- Bắt đầu từ giờ phút này chú là bố của con, Nguyệt ạ.

Những ngày nghỉ phép, bố đi đâu cũng cho Nguyệt đi đấy. Hai bố con như dính nhau cả ngày. Chưa bao giờ Nguyệt được chiều chuộng như thế. Hai bố con xin phép ông bà về thăm quê bố. Nguyệt có thêm ông, bà và nhiều chú bác, anh chị mới. Ai cũng quý Nguyệt. Ai cũng thương Nguyệt. Cả ông bà cũng muốn giữ Nguyệt ở quê. Nhưng hết phép, bố lại phải vào Nam chiến đấu. Ông bà nội phải xuống thăm quê bố, xin phép ông bà chú bác ở quê cho mang Nguyệt về họ hàng ở quê mới chịu.

Hôm chia tay, Nguyệt lấy bài thủ công cắt giấy dán chiếc mũ bộ đội, có ông sao vàng ở giữa, cô giáo chấm cho Nguyệt điểm mười. Nguyệt tặng cho bố:

- Lần sau bố về, con không cho bố đi nữa đâu. Bố hứa đi.

- Ừ. Lần sau về, bố ở hẳn nhà với Nguyệt. Đồng ý không?

Nguyệt thơm bố một cái thật dài vào cái sẹo trên trán. Thế rồi bố đi. Thời gian cứ trôi. Nguyệt ở nhà với ông bà, cũng lớn lên từng ngày. Nguyệt lên lớp ba, lớp bốn, rồi lớp năm. Hai bố con viết thư cho nhau rất đều. Nguyệt nhớ bố nên theo dõi kỹ từng bước đi của bố. Vì vậy Nguyệt chăm đọc báo, nghe đài. Mặt trận này nối tiếp mặt trận kia. Rồi bất ngờ chiến dịch Hồ Chí Minh nổ bùng ra. Tin chiến thắng tới tấp dội về làm náo nức cả làng xóm. Buôn Mê Thuột giải phóng. Huế giải phóng. Rồi Đà Nẵng vùng lên. Đơn vị của bố đang tiến thẳng vào Sài Gòn. Lá thư cuối cùng Nguyệt nhận được của bố gửi tại bưu cục Nha Trang. Rồi Sài Gòn giải phóng. Từ đó Nguyệt rất mong mà không có thư bố gửi về. Nguyệt chợt lo, rồi bồn chồn. Nguyệt hỏi ông bà:

- Có tin gì của bố con không?

- Ông bà cũng đang mong đấy.

Các chú bộ đội trong làng về thăm quê, làm Nguyệt càng nóng ruột. Nguyệt đã lớn rồi. Nguyệt đã biết nghĩ. Nên lắm lúc Nguyệt chột dạ: “Hay là…” Rồi Nguyệt gạt phắt đi, không dám nghĩ nữa. Có điều Nguyệt hay gặp lại bố trong giấc mơ nên càng nhớ. Một buổi trưa, Nguyệt ở trường về, thấy chú bộ đội ngồi với ông bà trong nhà. Ông bà nhủ Nguyệt cất sách vở rồi cho phép Nguyệt được ngồi cùng bàn. Linh tính báo cho Nguyệt chắc có chuyện gì. Chú bộ đội hỏi:

- Nguyệt có nhớ ra chú không?

- Không ạ.

- Cháu có nhớ dòng chữ hỏi thăm cháu viết bằng bút bi bên lề thư bố cháu gởi từ Nha Trang về không?

- Dạ, có ạ.

- Dòng chữ ấy là của chú.

- Thế bố cháu đâu hả chú - Nguyệt hồi hộp hỏi.

Chú bộ đội không trả lời. Chú lấy trong xắc ra, đặt lên bàn từ chiếc ảnh Nguyệt tặng bố trên bến đò quan, rồi từng lá thư của Nguyệt gửi vào chiến trường. Cuối cùng là quyển nhật ký của bố Nguyệt:

- Xe tăng của bố cháu bị bắn cháy ở Xuân Lộc. Nhưng xe tăng của chúng ta đã vào thẳng dinh Độc lập, đánh tan sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Bố cháu đã hy sinh rồi, và, Nguyệt ạ, bây giờ thì chú là bố của con. Kháng chiến đã thắng lợi. Nam Bắc đã thống nhất. Đất nước đã hòa bình.

Nguyệt ngồi lặng như khúc gỗ. Nước mắt Nguyệt cứ tràn ra. Nguyệt thấy nghẹn nơi cổ. Cố gắng lắm Nguyệt mới không òa khóc như ngày nào.

- Hãy lau nước mắt đi con.

Bất giác Nguyệt ôm chầm lấy chú bộ đội, và bất giác Nguyệt cất tiếng gọi:

- Bố!

- Con!

Ghì chặt Nguyệt trong lòng, chú bộ đội cũng thốt lên tiếng gọi ấy. Và chưa bao giờ anh nghe rõ tim mình đập, rộn ràng như thế.

N.Q.H
(4/12-83)




Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN BẢN

    Anh vừa ngồi xuống đi-văng, bỗng giật mình:

    - Hello, things, all right? (1)

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Có ai đó đã quẳng vào hiên nhà tôi một con khỉ bị thương. Vốn là bạn chí thiết của ông chủ quán "cầy tơ bảy món", tôi liền nghĩ ngay đến món giả cầy bằng thịt khỉ.

  • NGUYỄN THÙY HOÀI DUYÊN  

    Uyên lại thức giấc lúc nửa đêm, cô nhìn vào những vệt sáng yếu ớt của đèn đường chiếu qua lớp kính cửa sổ. Uyên nhìn những giọt nước đang cố bám mình trên tấm kính nhưng cuối cùng chúng đều phải trượt xuống rồi vỡ tan trên mặt đất.

  • TRẦN HOÀNG VY   

    Nàng thức dậy với cặp mắt đỏ hoe. Nàng lại tiếp tục với những cơn ho, khi những cơn ho kéo tới nàng lấy tay bưng mặt và cố kìm nén những cơn ho nhưng không thể.

  • NGUYỄN HẢI YẾN

    Cuộc gọi ấy đến lúc 20 giờ 15 phút. Gã biết chắc chắn điều đó vì cái đồng hồ Pháp cổ gia truyền ba đời treo ngoài phòng khách nhà gã vừa thong thả buông đúng tám tiếng.

  • THU LOAN

    Anh mất vì một tai nạn giao thông. Đang dừng ở ngã tư, chờ đèn xanh thì bất ngờ một chiếc ôtô đâm sầm vào.

  • NGUYỄN HẢI YẾN

    Lão Sếnh lệt sệt lê đôi dép tổ ong qua quãng đường nổi nhựa đen sì dưới nắng vào phòng vé. Đang nghênh nghênh như trâu cày ruộng cạn thì một cái bóng lù lù nhảy bổ từ đâu ra chặn ngang trước mặt lão: “Úi thầy!”…

  • NGUYÊN QUÂN   

    Biển vẫn hồn nhiên quẫy động những con sóng bạc đầu, vỗ đập vào bờ vỡ vụn thứ âm tầng hàng trăm năm thân thuộc.

  • NGÂN HẰNG

    Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Làng tôi quanh năm ràn rạt gió lào, cái thứ gió rát bỏng làm đen đúa nước da con gái, những đôi tay thô kệch úa đi vì nắng như những gốc rạ trơ trốc sau mùa gặt.

  • NGUYỄN LUÂN   

    Nhà của Nhếnh ở chân núi Khún, một gò đất hẹp nằm lấp sau những bụi cây chồi lên giữa sống đá. Mỗi buổi sáng thức dậy, Nhếnh lại nghe tiếng đập cánh rào rào của bầy chim vọng về từ trên vách núi mịt mù sương.

  • TRẦN NHẬT  

    Cúi xuống thật gần, Phương ơi, em hãy cúi xuống thật gần, em sẽ ngửi thấy được mùi của đất và nước, em đừng khóc, ở đây anh có đồng đội, anh không cô đơn…”.

  • THÁI HẠO   

    Cô đứng lại thật lâu dưới chân cầu thang sau khi tiếng trống vào lớp đã gõ liên hồi từ cuối dãy hành lang.

  • ĐINH NGỌC TÂM

    Mỗi sáng, với khuôn mặt còn ngái ngủ, nàng thường hỏi tôi thích ăn gì: bún, mì, phở hay hủ tíu. Nếu tôi nói gì cũng được, nàng sẽ bực dọc bảo rằng tôi ba phải, ngay cả thứ đơn giản nhất như bữa sáng cũng không tự đưa ra được lựa chọn.

  • HOÀI NAM  

    Ý niệm về nghề giáo trong tuổi thơ của tôi thật mơ hồ!

  • NGUYỄN ĐỨC SƠN

    Nắm chặt cái thư mỏng trong tay, Lan biết chắc chắn cái việc nàng lo từ hai ngày nay đã bất thành một cách thảm hại. Lan muốn cắn lưỡi tự vận.

  • LÊ THỊ KIM SƠN  

    Đấy là vụ kiện đầu tiên của những người bán những giấc mơ. Bỗng dưng thấy giấc mơ của mình được viết lại.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO    

    Khi biết nhớ là khi trái tim tôi đã đong đầy cảm xúc. Cảm xúc được sống với chính mình bằng những niềm vui bé nhỏ nhất.

  • HẠO NGUYÊN   

    “Đành để hồn theo nước trôi không màu”
                                  - Lời nhạc Phạm Duy