Ngọn đèn xanh

16:33 02/12/2008
ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

Giờ đây, điều làm cho họ chú ý là một người ăn mặc tồi tàn, độ chừng hai mươi lăm tuổi đang nằm bên cạnh đám đông bắt đầu xúm lại.
- Xtiltôn! - Thấy ông bạn cao lớn cúi xuống nhìn người đang nằm, quý ngài to béo nói với giọng ghê tởm. - Thề danh dự là cái xác chết này không đáng được quan tâm đến mức như thế. Hắn ta say rượu hoặc đã chết rồi.
- Tôi đói… và tôi hãy còn sống…-  Con người khốn khổ ấy thều thào và cố ngẩng lên nhìn Xtiltôn, lúc này đang trầm ngâm suy tính một điều gì đấy.
-
Này Râymer! - Xtiltôn nói, -  Đây là cơ hội để thực hiện một trò đùa. Tôi vừa nảy ra ý này hay lắm. Tôi chán những trò tiêu khiển bình thường lắm rồi, mà muốn đùa cho thật khoái chí thì chỉ có mỗi cách là biến con người thành đồ chơi sống.
Những lời đó được nói rất khẽ, vì thế người vừa mới nằm trên mặt đất, bây giờ đang ngồi dựa vào hàng rào, không thể nào nghe thấy được.

Với Râymer thì thế nào cũng được nên hắn chỉ nhún vai một cách khinh thường và chia tay với Xtiltôn, đến câu lạc bộ của mình để tiêu khiển thì giờ, còn Xtiltôn thì cùng với viên cảnh sát đỡ người cơ nhỡ lên chiếc xe ngựa dưới sự tán thưởng của đám người tụ tập.
Chiếc xe ngựa đi về hướng một trong những quán rượu ở Gaixtrit.
Kẻ lang thang không cửa không nhà ấy là Giôn Ip. Anh từ Ailen đến Luân đôn để kiếm việc làm. Ip mồ côi cha mẹ và được gia đình một người kiểm lâm đem về nuôi dạy. Ngoài trường tiểu học ra, anh không được giáo dục ở một nơi nào khác nữa.
Khi Ip được mười lăm tuổi, người kiểm lâm qua đời, những đứa con lớn của ông ta cũng bỏ nhà ra đi - người sang châu Âu, kẻ đi nam Uênxơ, người sang Mỹ. Ip đi làm thuê cho một vị điền chủ. Về sau, Ip phải nếm mùi vất vả của nhiều nghề, từ nghề thợ mỏ, nghề thuỷ thủ cho đến nghề hầu bàn trong quán rượu. Nhưng đến năm hai mươi hai tuổi thì anh bị sưng phổi, và sau khi ra viện, anh đã đến Luân Đôn để tìm vận may của mình. Thế nhưng chẳng bao lâu, nạn cạnh tranh và thất nghiệp đã cho anh thấy rằng tìm việc không phải là chuyện dễ. Anh đã phải ngủ ở vườn hoa, ở bến tàu, phải chịu đói chịu khát, suy nhược và cuối cùng, như ta đã thấy, anh vừa được Xtiltôn, chủ nhân các kho hàng thương mại ở khu Xity, đỡ dậy.

Ở tuổi bốn mươi, Xtiltôn đã nếm trải tất cả những gì mà một người đàn ông độc thân và không phải bận tâm đến vấn đề cơm áo có thể dùng tiền để tận hưởng. Lão là chủ nhân của một gia tài gồm hai mươi triệu bảng Anh. Điều lão định làm đối với Ip là một việc hoàn toàn vớ vẩn, nhưng Xtiltôn lại rất tự hào về ý định đó của mình, vì lão có nhược điểm hay cho rằng mình là một người có đầu óc tưởng tượng lớn và khôn khéo.
Khi Ip đã uống rượu vang, ăn uống no nê và kể cho Xtiltôn về nghe về bản thân mình, lão tuyên bố:
- Tôi muốn đề nghị anh một việc mà nghe xong chắc chắn là mắt anh sẽ sáng lên lấp lánh. Hãy nghe đây: tôi sẽ đưa cho anh mười bảng với điều kiện ngay ngày mai anh phải thuê căn buồng ở một phố trung tâm, tầng hai, có cửa sổ trông ra đường. Ngày nào cũng vậy, từ năm giờ tối đến mười hai giờ đêm, trên bệ cửa sổ phải có một ngọn đèn chao màu xanh được thắp sáng, trong thời gian quy định khi ngọn đèn đang cháy sáng, từ năm giờ chiều đến mười hai giờ đêm, anh không được đi đâu ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với một ai và cũng không được nói chuyện với ai cả. Tóm lại, đó là một công việc chẳng nặng nhọc gì, và nếu anh đồng ý làm, hàng tháng tôi sẽ gửi cho anh mười bảng. Tôi sẽ không nói cho anh tên tôi là gì.
- Nếu ông không nói đùa, - Ip trả lời và vô cùng sửng sốt trước đề nghị đó - thì tôi sẵn lòng quên đi tên của chính mình. Nhưng thưa ông, xin ông cho biết, sự thịnh vượng đó của tôi sẽ kéo dài được bao lâu?
- Cái đó thì chưa biết được, có thể là một năm, có thể là suốt một đời.
- Nếu thế thì lại càng tốt. Nhưng xin được mạo muội hỏi một câu: Ông cần ngọn đèn trang trí ấy làm gì?
-
Đó là điều bí mật! - Xtiltôn nói - Đó là một điều bí mật vĩ đại! Ngọn đèn ấy là tín hiệu cho những người và những việc mà anh không bao giờ được biết cả.
- Tôi hiểu. Tức là tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng được rồi, ông cứ đưa tiền, và xin ông tin rằng ngày mai, tại địa chỉ mà tôi sẽ báo cho ông, Giôn Ip này sẽ thắp đèn trên cửa sổ.

Và thế là bản hợp đồng lạ lùng ấy đã được ký kết giữa một kẻ vô gia cư và một nhà triệu phú, sau đó hai người chia tay nhau và ai cũng lấy làm hài lòng.
Khi chia tay, Xtiltôn nói:
- Cứ gửi theo hòm thư lưu là "3-33-6". Và hãy nhớ rằng chưa biết bao giờ, có thể sau một tháng, cũng có thể sau một năm, tóm lại là có một người sẽ đến gặp anh và biến anh thành người khá giả một cách hoàn toàn rất bất ngờ. Tại sao và bằng cách nào thì tôi không có quyền giải thích. Nhưng điều đó sẽ đến…

Tối hôm sau, một ô cửa tầng hai ngôi nhà u ám số 52 phố River - Xtreet sáng ngời lên một ngọn lửa màu xanh dịu. Ngọn đèn được đẩy ra đến tận khung kính.
Hai người đi đường đứng trên hè phố đối diện nhìn ngọn đèn một lúc lâu, rồi Xtiltôn lên tiếng:
- Thế nhé, ông bạn Râyme rất quý mến, khi nào ông thấy buồn chán thì hãy đến đây và xin cứ mỉm cười. Trên ấy, sau ô cửa sổ kia có một thằng ngốc đang ở. Một thằng ngốc bị mua theo lối trả góp trong một thời gian dài và rất rẻ. Hắn sẽ biến thành một con ma men vì buồn chán hoặc có lẽ sẽ phát điên cũng nên… Nhưng hắn sẽ vẫn cứ chờ, mà chẳng biết là chờ đợi điều gì. Mà hắn kia kìa!
Quả thật, có một bóng đen đang đứng úp trán vào mặt kính nhìn xuống bóng tối dưới đường, tựa hồ như đang hỏi: "Ai đấy? Tôi phải chờ đợi điều gì? Ai sẽ đến?"
- Thế nhưng ông cũng là thằng ngốc, anh bạn quý mến nhất của tôi ạ, - Râyme cầm tay bạn kéo về phía xe và nói: - Trò đùa này có gì vui đâu cơ chứ?
- Đồ chơi mà… đồ chơi này là một con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi, - Xtiltôn nói. - Đó là trò thú vị nhất trên đời.

Năm 1928, trong nhà thương N. dành cho người nghèo ở ngoại ô Luân Đôn vang lên những tiếng kêu man dại: đó là tiếng gào thét đau đớn của một lão già bẩn thỉu, ăn mặc rách rưới, mặt mày hốc hác vừa được người ta đưa đến. Lão bị trượt chân ngã trên chiếc cầu thang tăm tối của một quán trọ rẻ tiền. Người bị nạn được đưa đến phòng giải phẫu. Hóa ra đây là một trường hợp khá nghiêm trọng vì ca gãy xương phức tạp còn kéo theo sự vỡ mạch máu.
Khi khám cho con người tội nghiệp đó, xét thấy quá trình hoại thư đã bắt đầu, bác sỹ kết luận rằng phẫu thuật là cần thiết. Ca mổ được tiến hành ngay lập tức, sau đó người ta đặt lão già lên giường và lão thiếp đi. Khi tỉnh dậy, lão thấy ngồi cạnh giường mình là vị bác sỹ vừa cắt đi chiếc chân bên phải của lão.

-  Hóa ra chúng ta phải gặp lại nhau như thế này đây, - Vị bác sỹ, một người nghiêm nghị, cao lớn, có cặp mắt buồn buồn, lên tiếng: - Ông không nhận ra tôi sao? Tôi là Giôn Ip mà ông ra lệnh cho hàng ngày phải túc trực bên ngọn đèn xanh được thắp sáng. Tôi đã nhận ra ông ngay từ giây phút ban đầu.
- Quái quỷ thật! - Xtiltôn ngước lên nhìn và lẩm bẩm. - Chuyện gì đã xảy ra như thế này? Chẳng lẽ lại có thể như thế ư?
- Đúng như vậy đấy. Ông hãy kể đi, sao đời ông lại thay đổi đột ngột như thế này?
- Tôi bị phá sản… Mấy vụ thua bạc lớn… Rồi bị lỗ hoàn toàn trên thị trường chứng khoán… Tôi trắng tay đã ba năm nay rồi. Thế còn anh? Anh thì sao?
- Tôi đã thắp đèn mấy năm, - Ip mỉm cười. - Lúc đầu do buồn chán, về sau do thú vị nên tôi đã đọc tất cả những gì tôi vớ được. Có lần, tôi giở một quyển giải phẫu học đã cũ lấy từ giá sách của căn phòng mà tôi đang ở và thấy rất kinh ngạc. Trước mắt tôi đã mở ra cả một xứ sở bí mật về cơ thể con người. Như một người say rượu, tôi ngồi suốt đêm trước quyển sách đó và sáng hôm sau lập tức đến thư viện và hỏi: "Để trở thành bác sỹ thì cần phải nghiên cứu những vấn đề gì?" Câu trả lời đầy vẻ nhạo báng: "Hãy nghiên cứu đại số, hình học, thực vật, động vật, hình thái học, sinh học, latinh…" Tuy vậy, tôi cứ ngoan cố hỏi han và cố ghi nhớ lấy vào trong đầu. Đến lúc đó, tôi đã thắp đèn được hai năm, và có lần sau khi đi chơi tối về, (tôi không còn ngồi lỳ trong nhà bảy tiếng liền như thời kỳ đầu nữa), tôi thấy một người đội mũ ống đang ngó lên ngọn đèn xanh của tôi với một vẻ vừa khinh thường vừa tức giận. "Ip là một thằng ngốc, - người ấy lẩm bẩm mà không nhìn thấy tôi đang đứng bên cạnh. - Hắn đang chờ những điều kỳ diệu mà người ta hứa hẹn, còn ta… ta hầu như đã phá sản rồi…" Người đó chính là ông… Ông còn nói thêm: "Một trò đùa ngu dại, nhẽ ra không nên phí tiền như thế…"

Đến lúc ấy, tôi đã mua được một lượng sách đủ để học, học nữa, học thật nhiều. Suýt nữa thì tôi đã nện cho ông một mẻ, nhưng sực nhớ ra là nhờ trò ngông của ông mà tôi đã thành ra một người hiểu biết…
- Rồi sao nữa? - Xtiltôn hỏi khẽ.
- Về sau ư? Tốt đẹp cả. Nếu có khát vọng lớn thì việc thực hiện nó sẽ không bao giờ chậm trễ. Ở cùng căn hộ có một cậu sinh viên thương tình đã giúp đỡ và nửa năm sau tôi thi đỗ vào trường Y khoa. Ông thấy đấy, hoá ra tôi là một người có năng khiếu.
Cả hai cùng im lặng.
- Đã lâu tôi không còn đến trước cửa sổ phòng anh nữa, - Sửng sốt vì câu chuyện của Ip, Xtiltôn thốt lên: - Lâu rồi… rất lâu. Nhưng cho đến bây giờ, tôi thấy hình như ở đó ngọn đèn xanh vẫn còn cháy sáng… và soi  rõ suốt đêm thâu… Xin anh hãy tha lỗi cho tôi.
Ip lấy đồng hồ ra xem.
- Mười giờ. Đến giờ ông cần phải đi ngủ rồi. - Anh nói. - Chắc khoảng ba tuần nữa ông sẽ được xuất viện. Đến lúc ấy, ông hãy gọi điện cho tôi, có thể tôi sẽ thu xếp để ông vào làm ở phòng ngoại trú, ghi tên những người đến khám bệnh. Và khi xuống cầu thang trong bóng tối, hãy thắp lên… dù chỉ là một que diêm.         
   
NGUYỄN THỊ KIM HIỀN dịch
        (từ nguyên bản tiếng Nga)

(nguồn: TCSH số 237 - 11 - 2008)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN THỊ HƯỜNG (*)                    Hồi Ký Mùa thu năm 1922 tôi rời thị xã Quảng Ngãi hòa trong dòng học sinh của nhiều miền trong đất nước về học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

  • NGUYỄN XUÂN SANH                                 Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

  • MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)

  • NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)

  • NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.

  • L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.

  • Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  

  • NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011

  • TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký

  • CHƠN HỮU                Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!

  • LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

  • PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNG                         Ghi chép

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.

  • XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.

  • HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.

  • LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.

  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)