Nghiêng mình qua “Núi mây say”

15:00 25/04/2015

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                        Tùy bút

Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.

Ảnh: internet

Mang cái tâm thức của kẻ hành hương, ta bước đi bằng bước chân của người tịnh khiết đương dẫm chân lên địa vực của ngọn linh sơn trấn biển. Bàn chân ấy lạc lên núi mây, qua những bậc cấp thoai thoải dọc sườn xanh, Túy Vân cổ kính hiện lên trong sương khói.

Cuộc núi Túy Vân đẹp hiếm có trên toàn dải duyên hải đất Thuận Hóa. Tăng chúng từ lâu đã đến đây khai sơn trấn nhậm một vùng trời nước bằng tiếng chuông thanh. Núi có dáng dấp tròn trịa, cây cối phủ xanh cô tịch bên đầm phá nên được một số tăng nhân chọn làm nơi khai sơn dựng tự làm nơi cầu phúc cho dân. Niên đại những ngôi chùa sớm nhất được lập thì không nghe nhắc tới, mãi đến năm 1692, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa làm nơi hóa duyên cho tôi chúng gần xa. Thánh Duyên cổ tự tồn tại thêm gần trăm năm nữa thì lâm vào cảnh hoang tàn do chiến tranh loạn lạc suốt mấy chục năm, hết Trịnh Nguyễn phân tranh lại đến cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Phải gần nửa thế kỉ sau, năm 1825, vua Minh Mạng kinh lí qua đây thấy thắng tích hoang tàn cảm động mới cho xây lại với lời dụ khẩn thiết tri bia kí bên góc chùa: “Năm ngoái ta từng đi qua, nghĩ rằng danh sơn thắng tích không thể để mất đi, huống hồ nơi đây lại chính là do Hoàng tổ ta cho xây dựng nên để cầu phước cho con cháu và tôi dân”. Năm 1836, nhà vua lại cho “đại trùng kiến” chùa và làm 4 bài thơ vịnh cảnh, từ đó Túy Vân trở thành một quốc tự, án trấn một vùng trời nước mênh mông.

Núi lúc trước được các chúa Nguyễn đặt tên là Mỹ Am, sau vua Minh Mạng cho đổi tên núi từ Mỹ Am thành Túy Hoa. Vua Thiệu Trị lên ngôi vì kiêng tên mẹ (Hồ Thị Hoa) nên đổi tên là Túy Vân cho đến bây giờ. Vị vua thi nhân Thiệu Trị đã để lại bài thơ “Vân Sơn thắng tích”, bình Túy Vân là Đệ Cửu cảnh trong thần kinh nhị thập cảnh. Một áng thơ trữ tình, ngợi ca vẻ đẹp của ngọn núi thiêng “Cầu long ẩn phúc liệt lân tuân” (Rồng thiêng ẩn phục vây chầu xung quanh). Bài thơ thất ngôn bát cú với những câu tuyệt như:

Tuệ phong chung độ u lâm hưởng,
Không vũ hương la pháp hải tân.
(Tiếng chuông vọng tới rừng xanh
Màn hương mưa phủ pháp lành biển khơi).


Đại hồng chung trên Thánh Duyên cổ tự là ngọn gió âm đưa minh tâm đến chúng sanh, khai thị cả chốn rừng xanh u tịch. Giữa tiết trời mưa phủ giăng khắp chốn già lam, pháp màu nhuộm trong tâm tưởng thi nhân vốn ngự cung vàng để phóng bút vẽ nên bức tranh Túy Vân trong như cõi tịnh. Gót trần bước lên những bậc đá rêu xanh, hai bên cây xanh che lối, mây bay trên đầu, mây vờn quanh núi, mây họa đông phong, mây dìu gót bước. Bụi bặm trần gian theo gió mây trôi tuột cả ra bể Đông hồ hải nhịp sóng dâng. Chân dẫm lên những cụm bông độc mộc cuối mùa xanh biếc, lẻ loi nằm bên bậc đá, chạm vào thông điệp vô thường sau mùi hương tao khiết của cái chết hoa.

Ta đứng trong Đại Hùng bảo điện 3 gian 2 chái, làm theo kiểu cách Cung điện Huế, lặng yên nghe tiếng kinh mõ u trầm bên một chú tiểu đương công phu sáng. Màn hương trầm phủ khắp đại điện, bay theo những lời kinh xông thấm cái căn tín chực nẩy mầm xanh bồ đề. Đại điện thờ Tam thế Phật, tượng Thập Điện Diêm Vương và đặc biệt là bộ Thập bát La Hán bằng đồng nhỏ. Chính vua Minh Mạng đã cho đúc bộ tượng Thập bát La Hán bằng đồng với những nét điêu khắc tuyệt đỉnh của nghệ thuật đúc đồng vào thế kỷ XIX, và nay là một bộ tác phẩm quý báu trong kho tàng bảo vật quốc gia. Lòng ngưỡng vọng người chí lớn, đức lớn, đấng minh quân kinh bang tế thế như Minh Mạng việc gì cũng thành công nghiệp lưu danh muôn thuở.

Tiếng kinh đều đặn chuốc vào tâm lăn tăn sóng của ta, cái vị cảm của một ta - tha nhân lưu đày trong chính mình, không vượt thoát khỏi giới hạn của kẻ lụy trần. Nhưng tha nhân lâu lắm không nghĩ và không biết mình bị lưu đày trong chính tha nhân. Tha nhân cười, tha nhân say, tha nhân ôm riết vòng đời trong hoa, trong rượu và những cuộc lữ mòn lở núi non.

Mưa phùn tỉ tê buông xuống hiên chùa. Ta nhìn mưa sa mù cả khoảng lối vào, nơi mới đây thôi ta đặt chân đến bên tiếng kinh, ta bước qua không gian khác đầy ánh sáng vi diệu và nhìn lại con đường ta đi mịt mùng, ảm đạm. Ta nghĩ đến lời Phật nói đến shunyata - nghĩa là trống rỗng tuyệt đối. Không cái gì xảy ra ở đó, không ai tới, không ai đi, không ai can dự. Tâm ta quay trở về với tự tánh, là mặt nước phẳng lặng, trong veo, không gợn, không xô bồ, không. Ta trống rỗng, có thật sự trống rỗng, như một li nước vừa đem đổ đi. Nếu ta trống rỗng, ta đã đoạn diệt được khổ đau, phiền não. Đôi chân sẽ đặt lên áng mây lành, những giỏ hoa trời về đậu bàn tay. Kim thời gian khi ấy sẽ ngừng lại ở số không. Và đến ta cũng không còn thấy ta nữa. Một cái ta sai biệt hay một cái ta chân bản đã dừng lại đó, ngắm nhìn mưa pháp thấm nhuần một phần đời bươn chải.

*

Hơi lạnh lập đông trùm lên ta thứ men say cóng buốt tịch liêu. Một mình thảnh thơi bước giữa núi, chân dưới đất, hồn treo mây. Chợt nhớ tới hai câu trong bài thơ “Thánh Duyên tự chiêm lễ” (Dự lễ chùa Thánh Duyên) của vua Minh Mạng:

Tùng quan hoa tiếu khách,
Thạch kính điểu nghênh nhân.
(Cổng rợp bóng tùng mừng bước khách
Đường đá rộn tiếng chim đón người)

(Nguyễn Phước Hải Trung dịch)

Nghiêng mình nhìn ngọn đông phong luồn qua tóc hàng thông cổ thụ, bất lực trước thiết mộc hiên ngang ngẩng đầu sơn trấn mấy trăm năm. Tóc thông xanh biếc dựng những bông mây trên cành. Chim chóc ẩn tàng trên đám lá xanh lảnh lót hót lên những tiếng đồng vọng làm vương víu cả con đường đá xanh thơm hương độc mộc. Sau cành thông già, tháp Điều Ngự cổ kính nhô lên xa xa như một ngọn đuốc hồng giữa màu xanh mơ màng.

Người xưa bảo, lên Túy Vân không thể không một lần leo lên tháp Điều Ngự. Đây là điểm cao nhất núi, tha hồ ngắm gió trời lồng lộng vun mây xây thành đắp khói. Tháp có hình khối tứ giác, cao ba tầng, ba mặt trổ thông cửa, một mặt xây kín. Trên đỉnh tháp Điều ngự xưa có dựng trụ đồng đặt Pháp luân chuyển động theo gió, có cả chuông lắc để khi gió thổi âm thanh có thể vang vọng ra xa. Cái tên Điều Ngự nghĩa là điều phục và chế ngự bản ngã, trong kinh văn nói đến bậc điều ngự trượng phu, ý chỉ người có công phu tu hành, điều phục tâm trần. Từ đó dẫn đến sự thờ phụng trong ba tầng tháp, đều thờ các vị Phật - Thánh đại diện ba coi trời - dương thế - âm thế gắn với trạng tính điều ngự đó, ví như: tầng trên cùng của tháp, xưa thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, tầng giữa thờ Nhân gian Điều Ngự Phước Bị Quần sanh Vạn Thiện Chí tôn và tầng dưới thờ Địa phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diện La chủ tể. Ngày nay, sự thờ phụng đó không còn nữa, tháp chỉ thờ một số tượng Phật nhỏ ở tầng dưới cùng.

Trong nắng chiều loang đổ, những gam màu non nước quyện vào nhau thành một bức tranh sơn thủy. Những cánh chim di bay về, bóng chao nghiêng cửa Tư Dung, tạc cả vào Cầu Hai phẳng lặng tình rồi tan biến vào màu xanh đại ngàn Bạch Mã. Bên tháp Điều Ngự, một nhánh thông già vươn thẳng trời xanh in lên dáng nước non màu lục cổ bản của cội nguồn thơ. Ta đâu hiểu nỗi thông thao thiết trăm năm cô lẻ trên chốn tịnh trần thanh dã trời nước mênh mông.

Túy Vân, ta cứ ước ao mãi một lần thưởng trà đối ẩm trong Sảng đình giữa mùa trăng chín. Dưới ánh bạc dịu dàng phả tan trên mặt nước, ta uống thanh tao dâng lên chứa chan chén tang bồng hòa sắc nguyệt đương rơi nhẹ trên những tán thông. Nay, ta được chén mây về trong mắt là một ân huệ ấm nồng trên cuộc lữ đông. Túy Vân, ta tỉnh thức một phần huệ trong mình, như bắt gặp trăng báu cất chứa trong bình lưu ly. Túy Vân, ta nhặt thanh tịnh đầy bình rồi cùng neo mái chèo của mây theo vào núi xa. Mai về phố thị, chân ta bước mà lòng vẫn còn say mây trắng thuở nào trên ngọn linh sơn tuyết trinh trấn hải.

L.V.T.G  
(SDB16/03-15)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.

  • PHAN THUẬN ANNgọ Môn năm cửa chín lầu,Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.

  • LÊ MINH PHONGDọc theo đôi bờ Sông Hương, nơi có những công viên quyến rũ là điểm trưng bày của một số công trình nghệ thuật.

  • NHỤY NGUYÊN(Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương)

  • LÊ PHÙNGSau nhiều ngày cùng nhau trăn trở - nghĩ suy - hiệp lực - hiệp tâm của những anh, chị em nhạc sĩ ở Huế, Nhạc Quán đã chính thức trình làng với công chúng yêu thích âm nhạc tại Huế vào lúc 20h, ngày chủ nhật (02/01/2011) là ngày Đinh Tỵ (nguyệt đức hợp, tế tự, đính hôn) trong tiết trời vào xuân của Huế, có sáng nắng chiều mưa, có gió về đêm, có lòng người ấm áp, có không gian lãng mạn, trữ tình.

  • HỒ VĨNHMới đây trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Cố đô Huế, chúng tôi tìm thấy được một văn bản có liên quan đến Phường Đúc Huế.

  • TƯỜNG THITôi trở lại Hương Trà bằng ký ức của hơn 20 năm trước, trên con đường đất băng qua những vườn thanh trà trĩu quả ven con sông Bồ thơ mộng để đến làng Lại Bằng, xã Hương Vân. Một xã tiếp giáp núi và đồng bằng, nơi đã ghi lại dấu ấn lịch chống giặc ngoại xâm của Thừa Thiên Huế - địa đạo Khe Trái.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNTrong những năm gần đây, Huế đã được các nhà đông phương học và khách du lịch trong nước và ngoài nước lưu ý.

  • MAI KHẮC ỨNGLăng Minh Mạng nằm dưới chân núi Cẩm Kê thuộc thôn La Khê làng An Bằng huyện Hương Trà cũ, nay là thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Địa thế dải đất này rất đẹp. Hiện thời cây cối ở chung quanh đã lùi xa để lại những khoảng trống nối dài trên các triền đồi thoai thoải, khu lăng trở nên lẻ loi hơn.

  • LÊ HUỲNH LÂMCó lẽ một trong những loài động vật gần gũi, gắn bó với người dân xứ Huế trong mọi thời cuộc là loài hến. Cho dù trải qua bao thăng trầm, bao biến cố trên mảnh đất nhỏ bé này, mọi thứ có thể thịnh suy nhưng hến vẫn trường tồn. Trường tồn như một nét văn hóa thầm lặng, khiêm tốn, không khua trương, ồn ào,… mà âm thầm tỏa ngát hương.

  • PHAN HỨA THỤYChùa Thiên Mụ là một công trình kiến trúc có qui mô lớn và xuất hiện khá sớm trong quá trình hình thành phát triển của văn hoá Phú Xuân. Cũng như phần lớn các công trình kiến trúc cổ khác, chùa Thiên Mụ từ khi mới được xây cất trở về sau lần lượt đã được dựng nhiều tấm bia, hoặc để ghi lại công việc tu tạo, hoặc đề thơ vịnh cảnh, hoặc ghi cảm tưởng trong những lần vãn cảnh chùa của một số vua chúa nhà Nguyễn.

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(Tiếp theo SH số 5 – tháng 2 - 1984)

  • NGUYỄN ĐÌNH HÒE VÀ L.CADIÈRE(B.A.V.H. 1992, trang 189-203)HỒ TỊNH TÂM - Từ thời Gia Long, khi xây kinh thành Huế, một nhánh sông đã được ngăn chặn lại ở trên làng Kim Long hiện nay và dòng sông đó bị lấp đi ở một vài nơi, một số nơi khác thì được mở rộng và uốn nắn lại cho đều đặn. Chính một phần của nhánh sông ngày xưa ấy đã tạo ra Hồ Tịnh Tâm, nay ở tại bên trái đường Lục bộ, gần với Cầu kho, hay vùng nhượng địa (cho Pháp ở Mang Cá lớn).

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại.

  • MAI KHẮC ỨNGBất chợt. Tưởng như có con lợn chạy giữa sân điện Cần Chánh tại Hoàng thành Huế. Định thần lại tôi đã nhìn thấy chúng trong mấy ô trang trí bên thân hai chiếc vạc đồng đúc thuở Kim Long còn là phủ chúa dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) mà lạc khoản lại ghi Thịnh Đức thứ 8 và Thịnh Đức thứ 10. Bản chú thích bên hai vạc này ghi là đúc năm 1660 và 1662.

  • L.N.D: Vào năm 1822, dưới triều Minh Mạng, một người Anh là John Crawfurd có dịp đến Huế và được hai người Pháp lúc bấy giờ đang làm quan ở đây là Chaigneau và Vannier hướng dẫn đi thăm Kinh Thành. Dưới đây là những gì mà Crawfurd đã viết về Huế trong ngày viếng thăm ấy: 29-9-1822. Chúng tôi dịch từ bản Pháp ngữ của H.Cossarat trong B.A.V.H. 1933, No1-2, tr.5-10.

  • PHẠM ĐĂNG TRÍThuở ấy, có nhiều người từ những miền đất màu mỡ nhưng vẫn dời nhà đến ở trên một vùng gò đồi đầy sỏi đá. Nguyên nhân lôi cuốn họ tới đây là do màu sắc thiên nhiên ở chốn này thật là thanh tú, đa dạng và không ngừng thay đổi.

  • LÊ VĂN HẢOTháng 12 năm 1979 tại thành phố Pitxanulôcơ (Pitsanulok) Thái Lan, ông Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là UNESCO) đã triệu tập một cuộc họp của những chuyên gia nhằm chuẩn bị cho một Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở châu Á. Chương trình này sẽ nhằm vào một số đô thành cổ kính đã từng đóng những vai trò có ý nghĩa trong sự phát triển và giao lưu của các nền văn hoá ở châu Á.

  • Chiều 8.6, tại Nam Châu Hội Quán trên vùng cỏ cây Kim Long xứ Huế, GALA TINH HOA SÔNG HƯƠNG đã được tổ chức nhằm tôn vinh Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNỞ mục “Phương vị quê hương” này, tạp chí sẽ lần lượt đăng các bài tìm hiểu văn hoá ngắn gọn nhưng có… duyên văn chương. Chúng tôi vui mừng được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu lão thành am hiểu Huế - Bình Trị Thiên như các cụ Bửu Kế, Phan Văn Dật, Nguyễn Hữu Đính, Phạm Đăng Trí… cùng các anh Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An… Chúng tôi cũng mong nhận được bài của các bạn ở các tỉnh miền Trung nói về phong vị quê hương mình để tạo được giao lưu văn hoá trên giải đất gắn bó lâu đời này.