THÁI NGỌC SAN
Hình ảnh của Hảo trên sân ga làm cho tôi đau đớn. Nàng giống như một nữ tu kín trong ngày ép xác, cả người trùm kín trong chiếc áo khoác và tấm khăn choàng nỉ đen, hơi sương giá tháng ba như những mũi kim găm vào da thịt làm mặt nàng tím ngắt.
Minh họa: Đinh Cường
Tôi rùng mình nhớ đến ngày thứ sáu hôm trước và hối hận tại sao lại để nàng đến đây. Hồi còi tàu lần thứ ba rúc lên như tiếng kêu tắc nghẹn đau xé. "Hãy tha tội cho anh", tôi nói vội vàng và bỗng thấy câu nói thật là thừa thãi, vô nghĩa. Nàng không nói gì. "Cho em gởi lời thăm chị ấy", cuối cùng nàng nói. "Không có gì, anh đi đi, không có gì hết", nàng nói thêm, không biết để trấn an tôi hay để tự trấn an nàng, tiếng nói khô khốc, lạnh buốt. Con tàu rùng rùng chuyển bánh và tôi thấy Hảo vẫn đứng yên như bức tượng bên trụ điện, không ngước mắt nhìn theo. Nhưng tôi biết nàng sẽ còn đứng đấy cho đến khi con tàu xa khuất và nàng có thể đứng đấy hàng thế kỷ...
"Em không hiểu vì sao em yêu anh, một lần Hảo nói với tôi, em không hiểu. Nhưng nếu hiểu ra chắc em chết mất - nàng nói tiếp - nhưng còn anh?" - "Anh cũng không hiểu"- tôi nói. "Anh nói dối. Anh hiểu, anh hiểu vì mọi thứ đối với anh thì dễ hiểu hơn". Tính cách nàng là vậy, tôi không cãi, nhưng nghiệm ra thì chắc nàng có lý. Đúng là tôi hiểu vì sao tôi yêu nàng. Người con gái nầy đã đến với tôi như một cơn lốc cuồng nhiệt, một khát vọng không cùng, tôi bị nàng cuốn vào không dứt ra được; ở nàng tôi tìm thấy sự say mê, niềm hoan lạc, những cơn bùng cháy của núi lửa và cả những sự im lặng của hố thẳm. Lần đầu tiên gặp nàng tôi thảng thốt biết rằng trái tim tôi đã bị đóng một cái đinh găm. Hôm ấy, đến cả mười năm rồi, nàng hiện ra như trong truyện cổ tích, trước phòng vẽ của tôi, với chiếc áo cánh màu xanh da trời, dải nơ trắng trên bím tóc, cái bím tóc lúc lắc, và chiếc răng khểnh. Bao giờ nghĩ đến nàng tôi cũng thấy hiện ra cái hình ảnh ấy, những màu sắc ấy, nó cứ tràn ngập nhảy múa khắp các bức tranh, khắp các xó xỉnh tâm hồn tôi. Trông nàng tôi bỗng nhớ đến con chim chìa vôi trên những thửa đất cày bủng nước, những con chim mỗi năm chỉ xuất hiện một lần khi mùa mưa bão tới. Tôi nói nhưng nàng không hiểu - nàng chưa hề biết một loài chim như thế. "Nó từa tựa chim chích chòe", tôi giải thích. "Chim chích chòe thì em biết. Nhưng em không phải là chim chích đâu, em là con quạ khoang đội lốt, con quạ khoang thích những tĩnh vật". Nói xong nàng đến đứng ngắm nghía những trái măng cụt, những bông hoa hải đường trên một bức tranh cũ của tôi. "Em không thích màu đỏ gụ của giàn thờ, bao giờ nó cũng gợi cho em những xác hoa rụng trên vỉa hè, những nhà tu kín..." Bức tranh ấy nay đã được tôi xếp vào trong một xó góc của quá khứ. Và một thế giới mới bắt đầu được mở ra bất ngờ, và đơn giản như tình yêu của nàng. Nàng đến bất ngờ, đơn giản nhưng đầy bí ẩn như màu sắc hiện ra trên khung vải, tôi tưởng như đã bắt được nàng trong tầm tay, thế nhưng, chúng giống như những bức tranh đã được lồng trong khung kính, tôi biết, suốt đời tôi còn phải tìm kiếm một gam màu khác nữa vẫn còn chìm ẩn đâu đó. Trên căn gác nhỏ ấy, nơi mỗi năm tôi về một lần, bao giờ trở lại tôi cũng tưởng như đã có nàng ở đấy, như những tuýp màu, những khung vải. Cũng thật lạ lùng, như tự thân nàng có một sức dẫn nào đó vô hình làm xóa nhòa đi mọi ranh giới, mọi trói buộc, trong suốt mười năm nàng đến đây, mọi người trong cái thế giới cỏn con này tự nhiên xem nàng như một thành viên của gia đình. Nàng đến sắp xếp, bày biện rồi đi, cả khi không có tôi. Còn tôi, tôi giống như đứa trẻ, mỗi khi trở lại, tôi xục xạo các gam màu và chìm ngập trong thân thể nàng. Nhưng mỗi khi vừa bước ra khỏi, tôi lại thấy hụt hẫng, lại thấy khát khao, lại quay quắt muốn bắt đầu lại từ đầu. Đột nhiên, một lần nàng nói: "Tại sao anh phải đóng khung các bức tranh?". Tôi giật mình, tưởng nàng muốn ám chỉ đến mối quan hệ giữa tôi với nàng. Nhưng không, mặt nàng lạnh tanh như mỗi lần đề cập tới những vấn đề nàng quan tâm. "Dù sao các tấm vải cũng như thế giới đều nằm trong những kích thước có sẵn", tôi nói. "Không, thế giới không nằm trong những ô vuông, hoặc hình chữ nhật - thế giới không giới hạn, nàng nói. Cũng bởi vậy em thích biển mặc dù em chưa bao giờ đến với nó, bao giờ biển cũng tạo cho em ấn tượng không bờ bến". "Biển vẫn có bờ...", tôi nói và bỗng thấy mình hớ hênh. Nhưng dường như nàng chẳng để ý gì đến lời tôi, hoặc là nàng cố tình như vậy, nét mặt nàng trở lại bình thản, xa xăm. Nàng cất tiếng hát một bài hát nàng thích: "Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống. Đâu đây buông lững lơ tiếng chuông. Đàn chim én bâng khuâng rã rời và mây xám về ngang lửng trời...". Ngay cả tiếng hát tôi đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần nàng cất lên, tôi vẫn nghe âm vang như tiếng thì thầm của một thế giới nào đó xa xôi vẳng lại.
Hảo đánh cho tôi một bức điện khó hiểu: Em đợi anh. Tôi lạ lùng, lo lắng. Trong suốt mười năm nay, thời gian xa nhau, chưa bao giờ nàng viết cho tôi một chữ. "Chữ nghĩa không là gì hết, nàng nói, nó nghèo nàn không chịu nổi". Còn tôi, mỗi khi xa nàng, nghĩ đến nàng, tôi quay quắt đến dại khờ. Có lần tôi hỏi nàng có đọc những lá thư tôi không, nàng nói chẳng những thế mà còn có thể thuộc lòng. Đoạn, giống như người mẹ trấn an con cái, nàng nhắc cho tôi chi tiết trong một bức thư, cả ngày tháng gửi, trong số hàng trăm bức thư tôi gởi cho nàng được nàng sắp đầy một hộc tủ. Nàng có một trí nhớ thật đáng sợ, như thể đã được kết tinh từ những năm tháng cô độc, đau thương trong căn phòng lạnh ngắt, với bà cô già mù lòa và với mối ám ảnh khủng khiếp. Nàng sống ở đấy kể từ năm lên mười, sau cái đêm bom kinh hoàng đã vùi chôn cả cha mẹ nàng trong đống gạch vỡ. Căn phòng này mỗi khi đến tôi đều có cảm giác gai lạnh như đang ở trong một cỗ áo quan: Cái giường, cái tủ, cái kệ sách, chiếc ghế dựa bên thềm cửa của bà cô mù lòa..., tất cả đều được sắp xếp một cách ngăn nắp, ngăn nắp đến lạnh lẽo. Và tôi hiểu, tôi hiểu một cách đau đớn rằng vì sao nàng không muốn tôi đến đây. "Nơi đây là thế giới của riêng em, khi không có anh, là...", nàng muốn nói thêm một điều gì nữa nhưng bỗng nhiên im bặt. Tôi bắt chợt một tia sáng long lanh trong mắt nàng, nó tỏa ra rồi tắt ngấm rất nhanh, tựa như một đốm sao băng. Có một lần, tôi nhớ, đang đi trên đường, đột nhiên nàng thét lên như bất tỉnh trong tay tôi. Đến khi hiểu ra tôi vội dìu nàng qua bên kia đường: Trên vỉa hè kia, một đám trẻ đang đùa dẫm trên những xác hoa gạo, những xác hoa đỏ bầm bắn tung tóe như những vạt máu. Đêm ấy nàng nằm sốt li bì run rẩy trong tay tôi. Nhìn nàng nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, tôi chạnh nhớ đến thuở nhỏ xa xưa một lần tôi đã khóc một con chim nhỏ bị thương co quắp trong tay mình.
Lần này Hảo không đón tôi ở sân ga. Tôi hốt hoảng nhưng khi về đến phòng vẽ đã thấy nàng ở đó. Nàng ngồi bên khung cửa sổ, quay lưng lại phía tôi, lặng yên như đã hóa thành tĩnh vật trong một bức tranh. Khung cửa sổ mở rộng, chỉ khác lệ thường, không có những cánh hoa bướm đủ màu sắc lung linh, bay lượn. Nàng rất thích những cánh hoa ấy và khung cửa sổ của căn gác nầy, nơi nàng thường đứng hàng giờ nhìn bầu trời ngổn ngang những mái phố cổ, những con đường nhỏ kẻ ô khuất dưới những hàng cây. Những đêm mùa đông nàng vẫn để rộng cánh cửa đứng lạnh cóng trong hơi sương buốt giá. "Đây là thế giới của Chagall, nàng nói, anh nhìn xem, bên mái nhà kia trên cái cây bàng trụi lá ấy, chàng nghệ sĩ đang ngồi kéo bản xô-nát của Shubert!" Chàng nghệ sĩ thì tôi không thấy, nhưng tiếng nhạc réo rắt thì tôi nghe vẳng lên từ đâu đó, bảng lảng trong sương khuya. Một lần khác, nàng nói: "Em tin một ngày kia chúng ta sẽ bay lên, bay lên giữa bầu trời này và rắc hoa lên những mái phố cổ..."
Không bao giờ tôi có thể quên được khuôn mặt của Hảo hôm ấy. Khi tôi bước tới đứng trước mặt nàng, tôi bỗng khựng lại, toàn thân gai lạnh như đối diện với một bức tường giá băng. Nàng ngồi yên như thể đã ngồi yên như thế hàng trăm năm rồi, đôi mắt thâm quầng che phủ một màng mây đục, những đường gân xanh nổi lên chằng chịt trên làn da tái. Thốt nhiên tôi rùng mình tưởng như thấy căn nhà sắp sụp xuống vực thẳm tai biến. Nàng nói, không nhìn tôi, tiếng nói không âm sắc như được cất lên từ một nhà mồ lạnh lẽo, nàng báo cho tôi biết cái tin quan trọng ấy cùng với quyết định của nàng. Tôi như sụp xuống dưới chân nàng khi nghe nàng nói xong: Tôi kêu gọi, tôi van xin, tôi thề thốt, rằng nàng không được làm như vậy, rằng tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả, sẵn sàng trả giá cả cuộc đời tôi để bảo vệ nàng... Tôi nói như mê sảng nhưng nàng vẫn lạnh lùng như tảng băng. Cuối cùng, nàng nói: "Em đã quyết định rồi, không phải vì anh mà là vì em. Anh đã nói đúng: Thế giới, cuộc đời không thể vượt ra ngoài những kích thước có sẵn. Em đã bất lực, chịu thua. Bây giờ em mới biết vì sao em không tới biển - Em sợ…"
Hôm ấy đúng vào ngày thứ sáu, theo Thánh kinh là ngày ngài Giêsu của người Thiên chúa giáo chịu đóng đinh trên cây thập giá. Khi Hảo bước từng bước nặng nề qua cánh cổng sắt căn nhà quét vôi trắng toát sực mùi ê te ấy, tôi tưởng như thấy nàng đang bước đi trên con đường khổ nạn với cây thập giá trên vai, cây thập giá không hình hài nhưng chắc nặng gấp ngàn lần hơn cây thập giá hai mươi thế kỷ trước; tôi thảng thốt nghĩ đến những cái đinh nhọn sẽ đóng vào thân thể nàng, cái lưỡi lê sẽ xuyên thủng trái tim nàng... Một phút giây qua đi lúc bấy giờ tôi tưởng dài bằng cả thế kỷ. Chúa ơi! Tôi kêu thét lên cùng với tiếng kêu đau xé vẳng lên từ trong khung cửa căn phòng đóng kín kia. Cùng lúc, tôi tưởng như có tiếng sấm giật từ trên không trung, tiếng sấm hai mươi thế kỷ trước xé rách hai bức màn nhà thờ, và mặt đất dưới chân tôi nứt toác, rồi một cơn bão lốc từ đâu ào ào xô tới cuốn bay các cánh cửa, các mái nhà, cây cối, cuốn tôi bay lên, bay lên...
Khi bước vào căn phòng Hảo nằm, tôi tưởng như đang đứng trong một căn nhà mồ. Nàng nằm đấy, thân thể trùm kín trên chiếc băng ca, khuôn mặt bạc thếch trắng dã, tưởng như già đi trăm tuổi, hai con mắt mờ đục mở tròn nhìn lên cái trần nhà trắng toát. Tôi quỵ xuống bên gối nàng, ủ hai bàn tay lạnh giá mềm nhũn như tảng bông vào mặt mình và ước gì có một phép mầu nào đó cho tôi được truyền cả hơi ấm, cả máu huyết tôi cho nàng. Nàng nói thều thào: "Mọi sự đã xong, anh về đi, bây giờ anh chẳng có thể giúp gì được em đâu..."
Tôi biết tiếng nói ấy sẽ như lời phán truyền còn đuổi theo tôi suốt đời, như những mũi kim đâm vào trái tim rỉ máu.
11.1988
T.N.S
(SH35/01&02-89)
NGUYỄN ANH NHẬT
Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.
PHƯƠNG HÀ
Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.
VIỆT HÙNG
Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.
VŨ NGỌC GIAO
Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.
LÊ VI THỦY
Đêm.
Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả.
NGUYỄN QUANG HÀ
Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.
VIỆT HÙNG
Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...
NGUYỄN NGỌC LỢI
Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.
PHẠM GIAI QUỲNH
1.
Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.
HƯƠNG VĂN
Màn đêm đã tràn ra mặt biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.
ĐINH PHƯƠNG
1.
Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.
LÊ KIM SƠN
Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.
HOÀI NAM
Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.
HOÀNG THU PHỐ
1.
“Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)
QUÁCH THÁI DI
Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.
VIỆT HÙNG
Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.
VIỆT HÙNG
Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.
TẠ XUÂN HẢI
Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.
PHƯƠNG HÀ
Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.