Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…
Ảnh: internet
HEINRICH BÖLL
Nàng Theodora bất tử
Mỗi khi tôi đi dọc con phố Bengelmann là tôi phải nhớ đến Bodo Bengelmann, người mà Viện hàn lâm đã phong cho đẳng cấp của một người bất tử. Ngay cả khi tôi không đi vào phố Bengelmann tôi cũng thường nghĩ đến Bodo, còn con phố thì vẫn thế: nó chạy dài từ số 1 đến số 678, dẫn ra khỏi trung tâm thành phố, ngang qua những bảng hiệu quảng cáo bằng đèn neon của các quán bar đến tận vùng thôn quê, nơi những con bò cái rống vào buổi chiều đợi được dẫn ra chỗ uống nước. Con phố này mang tên họ của Bodo, chạy thẳng qua thành phố; ở phố Bengelmann có hiệu cầm đồ, có “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker”, còn tôi thì thường đi đến cửa hàng cầm đồ, thường đi đến “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker”, thường có đủ dịp để được nhớ đến Bodo.
Khi tôi đẩy chiếc đồng hồ của mình qua quầy hàng cho nhân viên của cửa hàng cầm đồ ông ta kẹp kính lúp vào mắt, định giá chiếc đồng hồ, đẩy nó trở lại phía tôi qua quầy hàng buông một câu tỏ vẻ khinh thường “Bốn mác”, sau đó khi tôi đã gật đầu đồng ý, đã ký biên lai cầm đồ, đã lại đẩy chiếc đồng hồ qua quầy hàng cho nhân viên của hàng cầm đồ, khi tôi thong thả bước đến bàn trả tiền và đợi ở đó, cho đến khi ống chuyển thư bằng khí nén đẩy biên lai cầm đồ của tôi sang thì tôi còn có đủ thời gian nhớ đến Bodo Bengelmann, với người mà tôi đã thường có đủ dịp vừa nhớ đến vừa đứng tại bàn trả tiền này.
Bodo có một chiếc máy đánh chữ Remington cũ, với nó ông đã chép các bài thơ của mình (mỗi bài chép ra bốn bản). Tôi và Bodo đã năm lần uổng công cố vay tiền của cửa hàng cầm đồ thành phố bằng chiếc máy chữ này. Chiếc máy chữ quá cũ, kêu loạch xoạch và ken két, còn ban quản lý của cửa hàng cầm đồ thì bảo lưu quan điểm, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định. Ông của Bodo là người bán đồ sắt, cha của Bodo là kế toán thuế, bản thân Bodo là nhà thơ trữ tình - ba thế hệ của dòng họ Bengelmann đã quá thường xuyên gõ phím cái máy chữ này, để nó xứng đáng là một khoản cho vay của thành phố (mỗi tháng 2%).
Dĩ nhiên, giờ đây có một khu tưởng niệm Bengelmann, ở đó người ta đang bảo quản một chiếc bút mực có cái quản màu hung hung đỏ bị cắn nát nằm trong tủ kính kèm theo dòng chữ: “Đây là chiếc bút mà Bodo Bengelmann đã viết.”
Trên thực tế Bodo đã chỉ viết hai bài thơ trong số năm trăm bài thơ của mình bằng chiếc bút này, chiếc bút mà ông đã lấy trộm từ chiếc hộp bút bằng da của Lotte, em gái của ông. Phần nhiều trong số những bài thơ của mình ông viết bằng bút chì mực, một số viết trực tiếp bằng chiếc máy chữ mà chúng tôi đã bán cho một người đàn ông với giá bèo bọt là sáu mác tám mươi xu vào một ngày cực kỳ túng quẫn, người đàn ông tên là Heising và chẳng biết gì về thể loại thơ trữ tình bất tử là chất liệu làm nên những bài thơ mà anh ta mua. Heising sống ở phố Humbolt, sống bằng nghề buôn bán đồ cũ và đã được Bodo làm thành bất tử trong bài thơ “Căn buồng của một anh chàng chủ hiệu kì cục”.
Như vậy là chiếc máy chữ thực sự của Bodo không được trưng bày ở khu tưởng niệm Bengelmann, mà là chiếc bút mực này, chiếc bút mà đang cho thấy các dấu vết của những chiếc răng của Lotto Bengelmann. Chính Lotte cũng đã quên từ lâu là chiếc bút mực thuộc về chị ta và chị ta đang làm cái việc là ngày nay đứng khóc trước cái bút, rơi lệ vì một sự việc đã không hề có. Chị ta đã viết những bài tiểu luận ở trường bằng cái bút ấy, trong khi đó Bodo - tôi nhớ chính xác về ông - đã viết một mạch ra các bài thơ “Trái tim bị sương mùa thu giăng mắc” và “Khóc đi, Woge ơi, hãy khóc đi!” cũng bằng cái bút ấy sau khi ngốn hết hai miếng thịt rán, một đĩa sa lát to, một cái bánh pudding vani bự và hai lát pho mát. Ông đã viết hai bài thơ hay nhất của mình với cái bụng no nê, đại để ông là người phàm ăn như nhiều người đa sầu đa cảm và ông đã chỉ dùng cái bút của em gái mình mười tám phút, trong khi đó toàn bộ sự nghiệp sáng tác thơ trữ tình của ông kéo dài trên tám năm.
Ngày nay Lotte sống bằng sự nghiệp thơ ca vẻ vang của anh trai mình; mặc dù chị ta đã cưới một người đàn ông tên là Hosse(*), nhưng chị ta chỉ gọi mình là “em gái của Bodo Bengelmann”. Chị ta luôn là kẻ rất khó chịu. Chị ta mách lẻo về Bodo mỗi khi ông làm thơ, vì việc làm thơ thuộc về những việc mà những người trong gia đình nhà Bengelmann cho là tốn nhiều thời gian, vì thế không cần thiết.
Nỗi dày vò của Bodo là lớn. Điều đó, sự cấm đoán ông làm thơ từ phía gia đình, dễ dàng thúc ép ông viết ra thứ gì đó hay ho của mình. Nhưng cứ mỗi khi ông làm thơ là Lotte phát hiện ra việc đó, giọng nói the thé của chị ta vang lên trong hành lang, trong bếp, chị ta hớn hở chạy thật nhanh vào phòng làm việc của cha mình, la lên “Bodo lại làm thơ!” và cha của chị - một người hết sức cương quyết - quát: “Đồ con lợn đó đâu?” (Từ ngữ được dùng ở gia đình nhà Bengelmann là hơi thiếu văn hóa.) Sau đó ông cho con trai mình ăn một trận đòn. Bodo, đa cảm như tất cả mọi nhà thơ trữ tình, bị túm vào cổ áo, bị kéo xuống cầu thang và bị đánh bằng cái thước kẻ cứng như thép, với nó cha của Bodo kẻ những đường kẻ xuống dưới những thông tin về trạng thái tài khoản của các khách hàng.
![]() |
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức |
Sau này Bodo sáng tác nhiều ở nhà chúng tôi, và tôi là chủ nhân của gần bảy mươi bài thơ không công bố của Bengelmann mà tôi dự định bảo quản như là tiền lương hưu cho mình. Một trong những bài thơ này bắt đầu bằng những từ “Lotto, đồ phản trắc, ngấm ngầm…” (Bodo được coi là người cách tân của phép điệp vận).
Với những nỗi dày vò, hoàn toàn bị coi thường, thường xuyên bị đánh đòn, Bodo đã qua tuổi mười bảy của mình, ông đã được nhận bằng tốt nghiệp trung học loại giỏi và đã được cho đi học việc để trở thành một người bán giấy dán tường. Hoàn cảnh đã tạo thuận lợi cho việc sáng tác thơ trữ tình của ông: Ông chủ cửa hàng bán giấy dán tường, nơi Bodo học việc, phần nhiều say khướt nằm ở dưới quầy hàng, còn Bodo thì viết các bài thơ do mình sáng tác vào mặt trái của những miếng giấy dán tường dùng để làm mẫu.
Việc sáng tác thơ trữ tình của Bodo nhận được một động cơ thúc đẩy khác khi ông yêu say đắm cô gái mà ông đã ca ngợi trong “Những bài ca dành tặng nàng Theodora”, mặc dù tên của cô gái không phải là Theodora.
Thế rồi Bodo cũng sẽ bước sang tuổi mười chín, và vào ngày mùng một tháng Mười Hai ông đã đầu tư toàn bộ khoản lương học việc vào bưu phí và gửi tất cả ba trăm bài thơ tới ba trăm tòa soạn khác nhau mà không gửi kèm tiền bưu phí gửi trả lại: một sự táo bạo độc nhất vô nhị trong toàn bộ lịch sử văn chương. Bốn tháng sau - khi vẫn chưa đến hai mươi tuổi - Bodo đã là một người đàn ông lừng danh.
Một trăm năm mươi tư bài trong số các bài thơ của Bodo đã được đăng báo, và bây giờ sáng nào người bưu tá đầm đìa mồ hôi cũng dừng lại, xuống xe đạp trước cửa nhà của Bengelmann. Để biết được chính xác số lần các bài thơ được đăng của Bodo thì chỉ cần làm một phép tính nhân, trong đó người ta lấy con số 300 bài thơ của Bodo nhân với số lượng các tờ báo đã đăng thơ của ông, con số này tạm thời là 40 tờ.
Đáng tiếc là Bodo chỉ được hưởng danh tiếng của mình hai năm. Ông chết vì một trận cười sặc sụa. Một hôm ông thú nhận với tôi: “Danh tiếng chỉ nằm ở một vấn đề, đó là bưu phí” - sau đó ông nói thầm, “thậm chí tớ đã gửi đại thơ của mình đi”, rồi bật cười sặc sụa, càng ngày càng sặc sụa hơn - và chết. Đó là những câu duy nhất trong một bài tản văn có giá trị mà đã có lần ông bày tỏ: nhờ đó tôi nhắn gửi chúng cho đời sau.
Giờ đây danh tiếng của Bodo đã được tạo nên chủ yếu qua “những bài ca tặng nàng Theodora” của ông, một hợp tuyển bao gồm hai trăm bài thơ về thứ thơ tình tìm kiếm một cô gái vẫn yêu nồng nhiệt như ông. Những nhà phê bình riêng rẽ đã cố thử viết tiểu luận về chủ đề: “Ai đã là nàng Theodora?” Một nhà phê bình đồng nhất hóa nàng một cách trơ trẽn với một nữ thi sĩ cùng thời, còn đang sống, anh ta chứng minh điều đó có sức thuyết phục, khá tỉ mỉ về nữ thi sĩ mà Bodo đã chưa hề gặp mặt, nhưng giờ đây gần như bị ép buộc thừa nhận rằng nữ thi sĩ là nàng Theodora. Nhưng đó không phải là nàng: tôi biết rõ điều đó, vì tôi biết Theodora. Cô ấy tên là Käte Barutzki, đang đứng trong “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker” tại bàn số 6, nơi cô đang bán văn phòng phẩm. Những bài thơ của Bodo được chép sạch sẽ ra giấy mua ở “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker”; tôi thường có đủ dịp cùng với ông đã đứng nán lại ở cái bàn của cô Käte này, cô gái cũng là một người xinh đẹp: cô ấy có mái tóc vàng hoe, nói hơi thủ thỉ, không biết gì về thứ văn chương cao cấp hơn và đọc vào buổi tối ở trên tàu điện “những cuốn sách rẻ riền của cửa hàng nhà Becker” được bán cho các nhân viên với giá ưu đãi.
Ngay cả Bodo cũng không biết về những cuốn sách rẻ tiền này; điều đó không hề gây tổn hại cho tình yêu của ông. Tôi và Bodo đã thường đứng trước cửa hàng nhà Becker, đã rình mò Käte, đã theo dõi cô, vào những buổi chiều mùa hè, trong sương mù mùa thu chúng tôi đã lén theo cô gái này, ra đến tận khu ngoại thành, ở khu mà ngày nay cô ấy vẫn đang sống. Đáng tiếc là Bodo đã quá nhút nhát khi có dịp bắt chuyện với cô. Ông không thực hiện được điều đó, mặc dù ngọn lửa tình trong ông đang rực cháy. Ngay cả khi ông đã nổi tiếng, tiền nhiều như nước, thì ông vẫn luôn mua hàng ở “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker”, chỉ để thường xuyên ngắm nhìn cô gái xinh đẹp này - cô Käte Barutzki trẻ trung, cô gái mỉm cười và nói thủ thỉ như một nữ thần. Vì thế ở trong “các bài ca dành tặng nàng Theodora” rất hay có lối ví von “sự luyến láy kì diệu, dịu dàng…”.
Bodo cũng thường xuyên gửi cho Käte Barutzki những lá thư giấu tên có những bài thơ, nhưng tôi cần phải tin là thứ thơ trữ tình này đã bị cho vào bếp lò của gia đình nhà Barutzki hoặc không được cô Käte đọc đến, nếu người ta muốn thừa nhận tôi là một bức tranh trung thực với tư cách là người viết thiên sử thi trung thực.
Vào buổi tối tôi vẫn còn thường xuyên đi đến “cửa hàng bán rẻ của nhà Becker”, và tôi đã nhận ra là mới đây Käte được một thanh niên đến đón, hiển nhiên cậu ta ít nhút nhát hơn Bodo và là thợ sửa chữa ô tô (xét đoán theo quần áo của cậu ta đang mặc trên người). Tôi có thể đối mặt với cuộc hội thảo của lịch sử văn chương, có thể chứng minh rằng cô Käte này và nàng Theodora của Bodo Bengelmann là một. Nhưng tôi không làm việc đó, vì tôi e ngại cho hạnh phúc của Käte, cũng là hạnh phúc của anh chàng thợ sửa chữa ô tô. Chỉ thỉnh thoảng tôi đi đến chỗ Käte bán hàng, lục lọi trong đống giấy trang kim, tìm kiếm trong “những cuốn sách rẻ tiền của cửa hàng nhà Becker”, chọn một cục tẩy, ngắm nhìn Käte và cảm thấy hơi thở của lịch sử đang phả vào mặt tôi.
Phạm Đức Hùng dịch từ nguyên bản tiếng Đức
(TCSH389/07-2021)
--------------
(*) Ở các nước Âu - Mỹ phụ nữ sau khi lấy chồng sẽ mang họ chồng và được gọi theo tên họ của chồng.
AMBROSE BIERCE
Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse.
L. TOLSTOY
Nassar Ibrahim là nhà văn, nhà báo người Palestine. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, nguyên Tổng Biên tập báo El Hadaf tại Palestine. Truyện ngắn dưới đây được in lần đầu bằng tiếng Ả Rập trong tạp chí Masharef 28, số mùa thu 2005, được Taline Voskeritchian dịch sang tiếng Anh, in trong tạp chí Wordswithoutborders số tháng 11/2006.
THOMAS VINT
L.T.S: Thomas Vint người Estonia, năm nay 49 tuổi. Hiện ông viết văn và sống ở Estonia (Liên Xô). Ngoài khả năng viết văn xuôi, ông còn thích vẽ. Ông đã từng triển lãm tranh ở Pháp vào năm 1988. Ông cũng đã tự minh họa cho tập truyện ngắn đầu tiên của mình.
JOSHUA BROWN (Mỹ)
“Con sẽ làm vua!” một chú lợn con nói với bố mẹ.
Lợn Mẹ mỉm cười nhìn con. “Làm sao con có thể thành vua được khi con chỉ là một chú lợn con?”
RAY BRADBURY
Theo Ray Bradbury, truyện khoa học giả tưởng khác với sự tưởng tượng thuần túy ở chỗ nó là "một dự phóng hợp lý của thực tại". Vì vậy cuộc đi dạo ngắn ngủi này nói lên những gì ông suy nghĩ - hay lo sợ - có thể dễ dàng trở thành một bức tranh thật.
Thomas Burke (1886 - 1945) sinh tại Clapham, ngoại ô thành phố Luân Đôn, nước Anh. Cha chết khi còn rất nhỏ, ông sống với người chú, sau được gởi vào một cô nhi viện.
JORGE LUIS BORGES
Jorge Luis Borges (tên đầy đủ là Jorge Francisco Isidoro Luis Borges Acevedo) sinh ngày 24 tháng 8 năm 1899 tại Buenos Aires, Argentina.
CLAUDE FARRÈRE
Những kẻ văn minh là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Claude Farrère (1876 - 1957) đã nhiều năm sang Việt Nam mô tả vạch trần và lên án sâu sắc chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương trong hơn 80 năm đô hộ.
HERMANN HESSE
(Nhà văn Đức, Nobel văn học năm 1946)
Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.
Nhà văn Nenden Lilis A. sinh tại Malangbong-Garut (Tây Java) năm 1971, là giảng viên khoa Giáo dục và Văn chương tại Indonesian Education University ở Bandung.
Truyện ngắn và thơ của bà đã in trên nhiều ấn phẩm trong nước. Bà cũng thường được mời nói chuyện tại các hội nghị văn học cả ở trong nước và nước ngoài (như Malaysia, Hà Lan và Pháp). Thơ của bà đã được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan và Đức.
Truyện ngắn dưới đây được John H. McGlynn dịch từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh.
ALEKSANDAR HEMON
Đám đông xôn xao trong bầu bụi chiều nâu xỉn; họ đợi đã quá lâu rồi. Cuối cùng, Quan tổng trấn bước xuống bậc thang áp chót, dạng chân và chống nạnh ra vẻ quyền chức thường thấy.
Lời dẫn: Cách đây 475 năm, vào ngày 22 tháng 2, tại thành phố Xenvia đã qua đời một người Italia tên Amêrigô, một người đã từng giong buồm liền 7 năm trời trên những vịnh ở phía Bắc và Tây châu Nam Mỹ.
LTS: Issac Bashevis Singer sinh tại Ba Lan. Ông là một nhà văn lớn của Do Thái. Hầu hết truyện của ông đều viết bằng tiếng Hébreu và Yiddish, tức tiếng Do Thái cổ. Với lối văn trong sáng, giản dị, có tính cách tự sự, ông thường viết về cuộc sống của những người dân Do Thái cùng khổ. Ông được tặng giải Nobel văn chương năm 1978.
LTS: Giải thưởng danh giá Goncourt của văn chương Pháp năm 2015 với tác giả là nhà văn Mathias Enard do Nxb. Actes Sud (Pháp) xuất bản.
Sinh ở Manzanillo năm 1907, Loló de la Torriente sống ở Havana từ thuở nhỏ. Bà đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến đấu chống lại Machado và các chế độ ủng hộ đế quốc sau đó. Bà trở thành giáo viên và là một đảng viên của Đảng Cộng sản Cuba.
Michel Déon sinh năm 1919 tại Paris. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, ông tòng quân cho đến tháng 11 năm 1942. Ở lại vùng phía nam nước Pháp bị tạm chiếm, ông cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác nhau.
LGT: Alissa York sinh tại Australia và lớn lên tại tỉnh bang Edmonton, Canada, và là tác giả của năm tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm bán chạy: The Naturalist, Fauna, Effigy, Mercy, Any Given Power. Cô nhận giải Bronwen Wallace Memorial Award vào năm 1999, và đã từng được đề cử giải văn chương danh giá Scotiabank Giller Prize.
LGT: “Cơn Giông” là một trong các tác phẩm Nabokov, văn hào Mỹ gốc Nga, viết trong thời kỳ ông còn sáng tác bằng tiếng Nga, và được đăng lần đầu trên báo Đỵíÿ (Hôm Nay) vào ngày 28 tháng 9 năm 1924. Sau này, nó được Dmitri Nabokov, con trai tác giả, dịch lại qua tiếng Anh và đăng trong một số tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Nabokov. Bản dịch dưới đây được dịch giả Thiên Lương, người từng dịch Lolita, thực hiện từ bản gốc tiếng Nga.
Nhự Chí Quyên là nhà văn ngoại sáu mươi, từng có tác phẩm những năm 1950. Truyện ngắn Thỏa nguyện (Như nguyện) của ông ca ngợi tấm lòng thương con của một bà mẹ công nhân, được coi là đặc sắc thời ấy.